Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Trôi đi trong một đám mây


Thức giấc vào mỗi buổi sáng. Và đi khò khi đêm xuống. Ở khoảng giữa của sáng và tối,  một ngày trôi đi. Trôi đi trong một đám mây…

Con đường bị nước triều dâng ngập đến hơn nửa bánh xe. Tôi không rành rọt con đường này. Không biết mặt đường đoạn nào bằng phẳng, đoạn nào giăng sẵn những ổ gà. Nhưng tôi không thể dừng lại. Con đường kéo dài về đâu…

Khi soi gương tôi thấy một gương mặt cũ mèm. Đã nhìn hai mươi mấy năm qua. Sẽ nhìn hai mươi mấy năm nữa. Nhìn suốt cả cuộc đời. Chật vật yêu bản thân. Mỉm cười với từng sự khác biệt.

Thời gian đã bước vào cuối năm…

Mọi thứ của thời điểm hiện tại khởi đầu vào tháng ba năm ngoái. Đến nay vẫn dở dang. Nếu tất cả chỉ là một giấc mộng, hôm nay hãy là ngày cuối cùng. Nhưng tất cả sự nhạt nhẽo này đều nói lên vị chân thực của cuộc đời. Và cuộc đời thì còn dài, dài lắm…

Từng muốn viết vài dòng tạm biệt Giọt Lệ nhưng rồi nhận ra rằng chẳng có tạm biệt nào xảy ra. Vẫn nối được với nhau qua một đường truyền sóng. Khoảng cách xa bao nhiêu cũng trở nên gần gũi. Nhưng có gần gũi thế nào cũng vẫn xa biền biệt. Thế giới hạn hẹp những mênh mông vô cùng…  

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Chỉ có thời gian


Thỉnh thoảng xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của đài truyền hình Việt Nam, lắng lại là giây phút hội ngộ của những con người đã thất lạc để rồi suốt đời tìm kiếm nhau. Họ chào đón nhau bằng sự lặng im và những dòng nước mắt. Đó đây trong khán phòng cũng cảm động rơi lệ theo.

Có những trường hợp, giây phút hội ngộ ấy không bao giờ thực sự đến. Bởi khi tìm được người thân thì cũng là lúc người ấy không còn tồn tại trên thế gian, sau nhiều năm mòn mỏi ngóng trông và kiệt sức kiếm tìm. Sự muộn màng này chẳng thể đổ lỗi cho điều gì. Dù người ta có thể ao ước, có thể hối tiếc “giá như…”.

Và còn dài, dài những danh sách mà sự kiếm tìm không có kết quả, mà tiếng gọi nhau vĩnh viễn lạc vào thinh không…

Phim hoạt hình (7)


Năm 2010:


* Kẻ cắp mặt trăng (hãng Universal): bộ phim với nhiều tình tiết hài hước và thú vị về một kẻ xấu có ước mơ xấu. Gru luôn muốn trở thành một tên trộm vĩ đại vì vậy hắn quyết định thực hiện kế hoạch táo bạo là đánh cắp mặt trăng. Tuy nhiên, khẩu súng có khả năng thu nhỏ mọi vật trong đó có mặt trăng của Gru lại rơi vào tay một tên đạo chích mới nổi. Để lấy lại khẩu súng, Gru quyết định nhận nuôi ba đứa trẻ mồ côi nhằm lợi dụng chúng lấy lại khẩu súng cho hắn. Tuy nhiên, những đứa trẻ đáng yêu đã đánh thức khát vọng về một gia đình trong trái tim Gru. Gru nhận ra, mong ước của hắn không phải là trở thành một tên trộm vĩ đại mà là trở thành người cha đầy yêu thương của ba đứa trẻ này.




Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Có nỗi buồn ngủ gục dưới cơn mưa *

Là nhà mạng FPT cự tuyệt Plus hay Plus hoạt động không bình thường nổi?

Đã có những lúc muốn tìm một nơi khác an trú, một nơi đại khái yên ổn hơn, để lúc nào cần thì có sẵn ở đó. Không như Plus, đôi khi khước từ chính chủ nhà của mình.

Nếu ngay từ đầu, sự lựa chọn nằm ở Opera hay Wordpress, có lẽ tôi sẽ trung thành với chốn đó. Như với Plus hôm nay.

Điều đầu tiên là điều sau cùng.

Những thứ khác thì lần lượt qua đi.


Có lúc tôi nghĩ, sau khi trải qua phần lớn thời gian sống ở thành phố, sẽ tìm một miền đất yên tĩnh và trong lành, sống những ngày thư nhàn, tận hưởng năm cùng tháng tận theo cách riêng của mình.

Nghĩ thế, không hẳn đã làm thế.

Thỉnh thoảng tôi hay nghĩ về nơi tôi sinh ra. Sau đó lại nghĩ đến sự chọn lựa của mẹ tôi.

Dừng chân ở thành phố này.

Nếu là tôi, hẳn tôi không đi xa được đến thế. Cảm giác lệ thuộc vào những gì thân quen thường khiến tôi không có khả năng cắt đứt hoàn toàn những thứ từng gắn bó với mình.

Cũng có thể, tôi thậm chí sẽ đi xa hơn. Chuyến đi một chiều. Đi như một người không còn nơi để về.

Tôi thích mùa đông ở quê mình. Đó là cái rét thực sự. Phải mặc rất nhiều áo. Miệng lúc nào cũng thở ra khói.

Vào mùa hè, tôi thường chơi thả diều. Những con diều làm từ giấy báo. Mùa hè có mưa. Tôi thích được đi ủng. Những đôi ủng sặc sỡ màu sắc, không phải loại màu đen già cả của người lớn.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đọc trong những ngày đầu tháng bảy

Phút im lặng  – Siegfried Lenz

Không có hiểu biết nào đủ nếu người ta chắc chắn rằng đang yêu ai đó – tr. 87

Kể cả khi một người đang ở ngay bên cạnh, người ta vẫn có thể đang nghĩ tới anh ta – tr. 89

Cái gì đã trôi qua sẽ còn mãi và tồn tại cùng nỗi đau và nỗi sợ hãi thuộc về nó…-  tr.148

…có thể phải cất trong im lặng và gìn giữ nó, điều làm cho ta hạnh phúc  – tr. 152

(Nguyễn Thị Tâm Tình dịch, NXB Phụ nữ, 2011)

Hảo nữ Trung Hoa – Hân Nhiên

Khi bước vào ký ức của mình, bạn đang mở ra một cánh cửa dẫn tới quá khứ; con đường trong đó có rất nhiều ngã rẽ và mỗi lần đi lại là một lộ trình khác nhau  – tr. 7

…người già cần có không gian riêng để dệt nên tuổi già đẹp đẽ cho chính mình  – tr. 116

Tất cả chúng ta đều cần có sự thấu hiểu trong cuộc đời này  – tr. 171

Tình cảm và ý nghĩa không thể bị sự thanh tẩy cuốn đi được – tr. 184

(Tạ Huyền dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn & Nhã Nam, 2010)

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Đơn giản là...

Tháng tám có những ngày nóng bức nhỉ?! Ngập trong cảm giác căng thẳng, cho dù hiểu cần phải sử dụng thời gian hợp lý, tôi vẫn không thoát được những lo lắng không cùng. Nếu có thể gói ghém mọi thứ và tống khứ vào một cái va li, từ trên độ cao của tòa chung cư năm tầng, tôi sẽ ném xuống mặt đường. Từ trên cao nhìn xuống, tôi sẽ nở nụ cười ranh mãnh, độc địa. Nhìn xem, phơi bày dưới ánh nắng mặt trời kia, là một cái va li rỗng không…

Email đến vào cuối giờ chiều. Tinh thần đi xuống. Tôi đang vấp phải một tảng đá lớn. Tôi có thể vượt qua nó không? Hay chỉ cần đơn giản là bỏ đi. Nếu biết sẽ không bao giờ ngoái nhìn lại, có lẽ đơn giản là nên bỏ đi…

Đời người ai biết được, đường đi thì ra không thẳng. Đường đi là một vòng tròn. Chỉ những gì mong ngóng nhất không gặp lại bao giờ…

Có phải tất cả đã kết thúc
Hay chưa có gì được bắt đầu?*



* Aziz Nesin

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm…

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm…


Vào những ngày như thế này, tôi thực sự muốn viết một cái gì đó giản dị. Từ trên một trang giấy trắng, những dòng chữ tận đáy lòng cứ thế từ đầu cây bút tuôn ra, không cần suy nghĩ, không cần đắn đo, cứ thế kín đặc tất cả những dòng kẻ… Tôi đang nói về việc viết một lá thư. Có thể mở đầu bằng việc tôi đang ngồi trước cửa sổ, nhìn ngắm những đám mây xám có lẽ đến từ biển Đông đang uể oải lướt qua bầu trời, chẳng mấy chốc sẽ trở thành một tấm lưới khổng lồ, sau cùng trút xuống mặt đất này những hạt mưa nặng trĩu… Thời tiết ở Sài Gòn đang rất dễ chịu. Ngày không nắng và những cơn mưa rào thường đến vào giữa giờ chiều. Có khi đến trong đêm khuya. Vị mát của mưa lan tận sang ngày hôm sau…

Ăn một ít hạt dẻ nóng khi bầu trời đang thực sự vỡ ra bởi tiếng gió và tiếng mưa. Nhấm nháp nó như nhấm nháp sự yên tịnh trong tâm hồn. Bỏ mặc ngoài kia là âm thanh của một trận mưa lớn có vẻ rất giống tiếng òa vỡ của một cõi lòng. Đột nhiên tìm được thời khắc thoát ra. Nhưng khi cơn mưa ngừng bặt, trả lại cho bầu trời sự thanh lặng, tôi cảm thấy sự mênh mông ở ngay trong lòng mình. Sự mênh mông vô tận…

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Rất ít vui vẻ

Tháng bảy trời trong. Trong cả với những ngày mưa. Mà mưa đã ngừng bặt lại từ mấy ngày trước. Cái cơ thể của mình vốn ưa cái lạnh. Lý ra không nên sinh ra ở đất nước nhiệt đới. Lý ra phải lăn lóc ở một xứ xở quanh năm có tuyết, lúc nào cũng khoác sù sụ cái áo khoác dày cộp, đem lại cảm giác an toàn, tin cậy. Dễ thế lại mong được phong thanh đốt cháy dưới sức nóng của mặt trời. Con người thường tham lam.

Thích viết lách từ nhỏ, có một thời tôi còn viết nhật ký. Vì từng viết những thứ riêng tư như vậy cho nên thi thoảng xem lại vài bài viết trên blog, tôi cảm thấy có phần xa lạ. Không nghĩ sự thiếu chân phương ấy lại là mình. Hẳn nhiên, tôi vẫn còn nguyên cái chân thật trong tâm hồn. Nhưng cũng giống như người muốn nói thật nhưng lại từng kinh qua cái giá phải trả, chọn cách “im lặng là vàng” hoặc diễn đạt khác đi so với cái nguyên sơ trong mình. Từ ngữ đắm trong những cân nhắc trở thành một hơi thở dài, khi trút ra còn vương mãi nơi lồng ngực. Có người bảo tôi, họ thích viết được “kín đáo” giống như tôi. Thật ra, những gì kín đáo đều tồn tại dở dang rồi hấp hối trong thầm lặng.

Sống can đảm - Osho

“Tại Ấn Độ người ta cho rằng thế gian này giống như một căn phòng đợi tại nhà ga; nó không phải là nhà của bạn. Bạn sẽ không ở mãi nơi phòng đợi này. Không gì trong phòng đợi này thuộc về bạn – bàn ghế, tranh ảnh… Bạn sử dụng chúng – bạn ngắm nhìn những bức tranh, bạn ngồi trên ghế… - nhưng không gì thuộc quyền sở hữu của bạn. Bạn chỉ ở lại đây vài phút, hoặc vài giờ, rồi bạn sẽ ra đi.

Vâng, bạn mang vào phòng thứ gì thì bạn sẽ đưa đi thứ ấy, chúng là của bạn. Bạn đã đem lại cho thế gian này những gì? Và thế gian này rõ ràng là một căn phòng đợi tại nhà ga. Bạn có thể đợi vài giây, vài phút, vài giờ, vài ngày, thậm chí vài năm; nhưng có gì khác biệt giữa việc bạn đợi vài giờ hay vài năm?

Bạn có thể quên, trong bảy mươi năm, rằng bạn chỉ đang ở trong phòng chờ. Bạn có thể nghĩ rằng đây là ngôi nhà của bạn, bạn là chủ nhà, đây là ngôi nhà bạn đã xây dựng.

Có những người viết tên của mình trong phòng vệ sinh của phòng chờ. Có những người còn khắc tên của mình trên bàn ghế của phòng chờ. Điều đó thật ngớ ngẩn, nhưng đó là những gì đang diễn ra trên thế giới.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Chẳng còn gì, kể cả những giấc mơ

Một buổi trưa yên tĩnh. Cái yên tĩnh thường hằng. Nhưng có lúc đột nhiên cảm thấy lạnh. Những lúc như thế nhìn ra xung quanh, dù không gian nhỏ cũng trở nên rất rộng lớn. Rèm cửa đã thay bằng màn dày màu vang cam, hấp thụ ánh nắng buổi trưa làm cả căn phòng có màu của buổi chiều. Buổi chiều trên một cánh đồng cỏ cháy nắng. Màu tàn úa đẹp và buồn nao lòng…

Những lúc thấy lạnh thường hay nghĩ đến một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy bước vào một căn phòng lạnh toát. Có một người đang ôm một cánh tay đau đớn. Cánh tay đó đã bị biến dạng không còn nhận ra hình thù, khiến người khác nhìn vào thấy rất sợ. Nhưng tôi lại cảm thấy đau lòng. Nâng cánh tay đó lên và bắt đầu rơi nước mắt.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Đường xa lắm mà đời người thật ngắn

Gần cuối tháng sáu, việc làm nhiều nhất là ngủ. Ngủ li bì. Có lẽ do hiệu ứng từ thuốc. Nhưng bản thân quả thực rất thích ngủ. Một giấc ngủ dài và sâu. Nhưng những giấc ngủ vừa qua, dù rất dài cũng không đem lại cảm giác khỏe khoắn nào. Có một đợt bão tràn về. Ai đó bảo do biển đông dậy sóng nên đất liền phải đổ lệ. Co mình trong chăn, sự thật là tôi muốn nghĩ đến cái gì đó lãng mạn, tỉ như tình yêu. Nhưng trong đầu tôi lại rên hừ hừ hai tiếng “chiến tranh”,  “chiến tranh”. Phải ngừng hóng hớt những bản tin thời sự chính thống lẫn ngoài luồng. Cũng như ngừng theo dõi tin tức mỗi ngày. Đặc biệt là phải quay lưng lại với các tờ báo lá cải. Nếu không, có thể một ngày kia sẽ trở thành một cây bút phê phán xuất sắc – kẻ thù của nhiều giai tầng trong xã hội. Hoặc chết dần chết mòn trong một nhà thương điên.

Mỹ nhân tâm kế (trích thoại phim)

Đời người phải khóc bao nhiêu mới có thể cạn lệ?
Đời người phải chảy bao nhiêu lệ mới thôi không đau lòng nữa?
(Bài hát đầu phim)

Lần đầu tiên gặp đại vương, ta đã bị ánh mắt của người thu hút. Ánh mắt của người… ánh mắt của người sâu hun hút, rất dịu dàng. Cho nên ngay lúc mới gặp người, ta đã quyết định, ta sẽ bảo vệ người. Ta sẽ bảo vệ người suốt đời suốt kiếp. Cho dù có phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình, ta cũng không luyến tiếc. Thái hậu huấn luyện gian tế, người chỉ coi ta là vũ khí của người. Nhưng người lại không biết, vũ khí mạnh nhất chính là tình yêu. (Thanh Ninh nói với Y Phòng).

Ta chỉ muốn một lòng một dạ yêu một người. Sống hết kiếp người. Dù cho kết quả là không tốt, ta vẫn muốn thử. (Lưu Hằng nói với Y Phòng).

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Quả thực, không có nhiều điều để nói...

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy cuốn Lịch sử tình yêu trước đây. Và thậm chí là tôi đã không cầm lên xem thử. Một tựa đề gợi nghĩ một câu chuyện tình lãng mạn đơn thuần không phải thứ tôi tìm kiếm. Nhưng vào lần gần đây nhất khi đi mua thứ gì đó để đọc, bởi quá ít sự chọn lựa, tôi đã cầm quyển sách lên. “…Trong những ngày cuối cùng còn lại ở New York, Leo sống trong nỗi bận tâm thường trực rằng điều gì của bản thân sẽ còn lại khi chuỗi ngày cuối cùng của ông sẽ hết…” – những dòng giới thiệu này đã thôi thúc tôi mua nó. Câu chuyện về một ông già sắp chết có thể không hấp dẫn với bất kỳ ai. Nhưng tôi, mặc dù còn lâu mới đến ngày sắp chết – chiếu theo định luật tự nhiên thông thường – vẫn muốn biết một ông già sắp chết sẽ sống những ngày như thế nào, kiểu như một cái nhìn về tương lai.

“Tôi ý thức được thời gian trôi đi thật vô tình. Tôi đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Tôi theo dõi mùa thu chuyển sang đông. Rồi đông bước sang xuân”. *

Lịch sử tình yêu – Nicole Krauss

…rằng khi cuốn sách kết thúc thì đời tôi cũng chấm dứt, một cơn gió lớn sẽ quét qua cả căn hộ của tôi và đưa những trang viết đi, và khi trong không trung không còn những trang giấy chấp chới nữa, căn phòng sẽ chỉ còn sự yên lặng, chiếc ghế tôi từng ngồi sẽ bỏ trống – tr. 20.

…trên thế giới có hai kiểu người – những người thích buồn giữa những người khác, và những người thích buồn một mình hơn… – tr. 246.

…ai mà biết được, đâu đó trên đường đời mình, con đã đánh mất trí mà không hề hay? – tr. 267.

Đôi lúc tôi quên rằng thế giới không có cùng lịch trình như tôi. Rằng mọi thứ không phải đang chết, hoặc rằng nếu nó đang chết thì nó sẽ trở lại với sự sống – chỉ cần chút ánh nắng và sự khích lệ thông thường. Đôi lúc tôi nghĩ: mình già hơn cái cây kia, già hơn thế giới này, già hơn mưa. Nhưng chưa hẳn. Tôi không già hơn mưa. Mưa đã rơi từ bao năm và sau khi tôi ra đi mưa sẽ vẫn rơi – tr. 343.

Đôi lúc tôi chẳng nghĩ gì và đôi lúc tôi nghĩ về đời mình. Ít nhất tôi đã có cuộc sống. Cuộc sống kiểu gì? Một cuộc sống thôi. Tôi đã sống. Không dễ dàng. Ấy thế nhưng. Tôi đã thấy nó có ít điều không thể chịu nổi ra sao. – tr. 347.

…tôi có thể nói rằng điều khiến tôi đau đớn nhất trong cuộc đời là mức độ thay đổi. Hôm nay bạn là con người, và hôm sau họ đã bảo bạn là con chó.  – tr. 360.

Thực sự không có nhiều điều để nói.
Ông là nhà văn vĩ đại.
Ông đã yêu.
Đó là cuộc đời ông. – trang cuối.

(Trần Quý Dương dịch, NXB Lao động & Nhã Nam, 2010)

Phim hoạt hình (6)

Năm 2008

* Kungfu Panda (Gấu mập học võ - Dreamworks):
một bộ phim hành động hài hước mang màu sắc võ thuật Trung Hoa, kể về cậu gúc trúc to béo Po tuy tham ăn, vụng về nhưng lại mê kungfu. Po phụ bố Vịt trông nom quán mì để một ngày nào đó thừa kế lại sự nghiệp bán mì có tính gia truyền của gia tộc Vịt. Tuy nhiên trong lòng Po luôn mơ tưởng trở thành một đại hiệp kung fu. Cậu là fan hôm mộ lớn của ngũ đại hiệp (gồm hổ, sếu, khỉ, rắn và bọ ngựa) – đệ tử của sư phụ Sifu. Không dám thổ lộ nguyện vọng với bố Vịt, tưởng như số phận của Po là sẽ trở thành chủ tiệm mì đời thứ tư. Thế nhưng, điềm báo về sự vượt ngục của một tên tù sẽ gây đe dọa cho sự hòa bình của cư dân đã dẫn đến việc tổ chức một đại hội võ lâm. Và Po bất ngờ được chỉ định là Thần long đại hiệp. Điều này khiến sư phụ Sifu và 5 đệ tử rất bất mãn bởi vì trong mắt họ Po chỉ là một con gấu mập tham ăn vô dụng. Họ tìm mọi cách để tống khứ Po mập đi. Nhưng chàng gấu trúc mập này, với tấm lòng nhân hậu, chân thành cùng tình yêu dành cho kung fu, đã làm nên điều không ai ngờ.

Phần 2 được khởi chiều vào đầu tháng 6 năm nay tại Việt Nam. Tôi đã chen chúc đến rạp để thưởng thức bộ phim. So với phần 1, phần 2 có tiết tấu nhanh và mạnh hơn, cũng nhiều tình tiết gây cười hơn. Những màn đánh võ gần như diễn ra liên tục suốt chiều dài phim. Tuy thế những phân đoạn tình cảm dù ít cũng tạo ra những khoảng lặng sâu lắng hơn so với phần 1. Còn nhớ một cậu bé sau khi xem xong phim, trong lúc chen chúc trong thang máy, đã phấn khích nói lớn: không ngờ phần 2 lại hay như vậy. Những người lớn xung quanh đã cười đồng tình với cậu bé.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Ngoảnh đầu nhìn về đâu...

Có thể có điều gì đó tâm huyết chưa làm xong…
Có thể có điều gì muốn nói mà chưa nói được…

Đó là điều Giọt Lệ đã nói vào mấy ngày trước. Lúc đó, tôi thực tình không nghĩ gì nhiều, chỉ cảm thấy trong lòng vang lên một tiếng cười khẽ. Nhưng tiếng cười khẽ ấy pha lẫn nhiều tạp chất. Có thứ tạp chất rất khó chịu gọi là mỉa mai và cay đắng. Có lẽ vì vậy mà dư vị của nó còn đọng lại đến bây giờ…

“Năm tháng và tuổi trẻ đi qua
Mắt em buồn hoang vắng”



Trong giây phút mơ hồ nào đó mấy ngày trước, tôi bất chợt nghĩ đến hai từ chiến tranh. Có những người đáng chết và những người không đáng chết. Nhưng nếu chiến tranh xảy ra, những người không đáng chết sẽ chết trước… Tôi gõ những dòng này gửi cho Giọt Lệ. Tôi nghĩ Giọt Lệ sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Nhưng có lẽ chính tôi còn không hiểu. Bởi thực lòng thì tôi không chắc mình muốn nói đến chiến tranh. Tôi chẳng chắc được mình muốn nói điều gì. Có lẽ là một cái cớ, một cái cớ cho một điều gì đó. Hoặc giả là tôi muốn nói đến những hạt bụi. Những hạt bụi trên hoang mạc trơ trụi đầy cát và gió. Hay là tôi muốn nói đến những màn tiễn biệt. Những màn tiễn biệt thường thấy nơi ga tàu hoặc trước giờ cất cánh máy bay. Nhưng kể cả như vậy thì cũng chẳng có gì đáng để nói đến. Bởi trong trường hợp này, thứ đáng nói đến duy nhất lại là đừng bao giờ phải nói đến những màn tiễn biệt. Nhưng nghĩ thử xem, sau cùng thì thứ duy nhất con người có lại là những màn tiễn biệt. Những màn tiễn biệt chẳng phải ở sân ga…

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Phim hoạt hình (5)

Năm 2002

Ice Age – Kỷ băng hà (3 phần – hãng Blue Sky): câu chuyện về thời kỳ băng hà, xoay quanh chú voi ma mút Manny và các bạn. Ở phần 1, Manny tình cờ tìm thấy một đứa trẻ đi lạc và cố gắng đưa bé trở lại với gia đình. Phần này cũng khởi đầu tình bạn của Manny và chú hổ Diego – vốn có nhiệm vụ phải bắt cóc đứa trẻ ấy. Phần 2 tiếp diễn với câu chuyện băng tan và Manny và các bạn phải cố sức cứu thung lũng tránh khỏi thảm họa. Trong phần này, Manny cũng thoát khỏi nỗi cô đơn với suy nghĩ mình là con voi ma mút duy nhất còn sót lại khi tìm thấy tình yêu đích thực của mình với nàng voi ma mút Elli. Phần 3 bắt đầu khi Elli sắp đến ngày sinh nở thì anh bạn lắm mồm của Manny bị bắt xuống thế giới khủng long dưới lòng đất vì vậy Manny, Elli và Diego phải lên đường giải cứu cậu ta.



Năm 2003

Finding Nemo (Đi tìm Nemo – Pixar): một bộ phim hay về tình phụ tử. Cốt truyện xoay quanh cuộc hành trình tìm kiếm con trai của một chú cá vốn nhút nhát và hay sợ hãi (sau cú sốc mất vợ và các con). Nhưng vì để cứu đứa con trai còn lại duy nhất, chú cá ấy đã không ngần ngại liều mạng vượt một hành trình dài trên biển, đối đầu với đám cá mập… để tìm kiếm cậu con trai. Hành trình này còn có sự góp sức của một cô cá đãng trí. Trong lúc đó, Nemo cũng không ngừng nỗ lực thoát khỏi bể cá để trở về với bố và đại dương.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Phim hoạt hình (4)

Phim hoạt hình Mỹ: 

Hoạt hình Mỹ thường không có chiều sâu về nội dung như hoạt hình Nhật Bản, cũng không bay bổng đầy mộng tưởng bằng nhưng hoạt hình Mỹ có phong cách khoáng đạt, hài hước đặc trưng của phương tây. Các bộ phim đa phần thể hiện tính giải trí cao nhưng vẫn đảm bảo được tính nhân văn bằng việc chuyển tải những thông điệp nhẹ nhàng và cởi mở về cuộc sống. Tôi đã xem khá nhiều phim hoạt hình của Mỹ, thật khó để có thể liệt kê một cách chi tiết. Trí nhớ của tôi có hạn và những bộ phim hoạt hình của Mỹ thường cũng không quá đặc sắc về nội dung nhưng lại luôn là lựa chọn hợp lý cho dù bạn đang mang một tâm trạng thế nào. Tôi kể ra đây những bộ phim mà tôi còn nhớ tương đối.

Phim 2D (hiểu nôm na là những bộ phim sử dụng công nghệ vẽ tay truyền thống – đến nay hầu như đã nhường chỗ cho phim hoạt hình 3D): Hoạt hình 2D thường là những bộ phim dựa trên các câu chuyện quen thuộc vì vậy có lẽ không cần giới thiệu nhiều về nội dung. Tuy rằng màn ảnh ngày nay tràn đầy các phim hoạt hình 3D đẹp mắt, sức hút của những phim 2D không hẳn đã suy giảm. Sự thực là so với tạo hình kỹ thuật số, những nét vẽ tay vẫn tỏ ra tinh tế, uyển chuyển và mang màu sắc thần tiên hơn. Âm nhạc trong các phim hoạt hình truyền thống cũng tỏ ra êm dịu, du dương và lãng mạn hơn.

(Các bộ phim hoạt hình 2D dưới đây đều của hãng Walt Disney – có lẽ xưa nay, thể loại này không có hãng nào qua mặt được “người khổng lồ” này?!)

Phim hoạt hình (3)


* Là một bộ phim hoạt hình của Hàn Quốc, Gian nan tìm mẹ có thể làm rơi nước mắt của bất cứ ai. Có thể nói, cho đến nay, đây là bộ phim hoạt hình buồn nhất mà tôi từng xem. Nội dung kể về hai chị em gái, người chị bị mù, còn cậu em thì rất hiếu động và tinh nghịch. Trong lòng cậu em luôn có khát vọng đi tìm mẹ, người vì cứu cậu đã chết trong một vụ hỏa hoạn cách nay nhiều năm. Nhưng người chị lại nói dối với em trai về cái chết của mẹ. Vì vậy hai chị em phiêu bạt khắp nơi để đi tìm mẹ… Có thể nói đây là một câu chuyện tràn đầy tình thương, từ tình yêu thương đầy nhung nhớ của hai đứa trẻ dành cho mẹ đến tình yêu thương tha thiết của hai chị em dành cho nhau và tình cảm trìu mến bao dung của nhà sư dành cho hai đứa trẻ. Nét vẽ của phim trầm lắng với hai mảng màu chủ đạo là vàng ấm của mùa thu và trắng tinh khôi của mùa đông. Nhịp điệu phim chậm rãi, từng tình tiết đều có khả năng chạm sâu vào trái tim người xem.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Ở dưới vòm trời, với những cơn mưa...

Sài Gòn đã bước vào mùa mưa. Hầu như chiều nào cũng mưa. Những cơn mưa rào trắng xóa. Nhưng chỉ qua ngày sau, nắng sớm lại lên, hơi nóng mặt trời chừng như xóa nhòa tất thảy dấu vết của trận mưa hôm qua. Những cơn mưa mùa hè dẫu lớn thì ra vẫn chỉ thấm đất, mùi oi nồng sực thẳng vào lồng ngực, thành phố ngột ngạt…



Từ đầu mùa mưa, hình như chỉ một lần đi dưới một cơn mưa thật lớn. Lúc đó, trong đầu đánh nhịp bài hát Crying in the rain. Về một người con gái kiêu hãnh ngốc nghếch che giấu nỗi buồn và niềm đau trong trái tim. Nàng chỉ khóc trong mưa, lặng lẽ...

Phim hoạt hình (2)

Bên cạnh dạng phim nhiều tập, những phim hoạt hình độc lập của Nhật Bản hay phải kể đến những phim của hãng Studio Ghibli - hầu hết đều nổi tiếng và có sức sống bền bỉ theo thời gian.

My neighbor Totoro: đây là phim đầu tiên của Studio Ghibli mà tôi xem, hồi còn rất nhỏ. Chính vì vậy cảm nhận đầy là một phim rất trong trẻo, có khả năng gợi nhắc về tuổi ấu thơ trong mỗi con người. Có hai cô bé theo cha chuyển về thôn quê sinh sống. Ở đây chúng gặp một con vật to lớn thoắt ẩn thoắt hiện mà cô bé em tự đặt cho cái tên là Totoro. Cùng với Totoro, hai chị em đã trải qua một quãng thời gian kỳ lạ với những tình cảm gia đình rất thân thương. Một phim thực sự đáng yêu.

Phim hoạt hình (1)

Tôi rất thích xem phim hoạt hình. Từ nhỏ đến lớn, sở thích này hình như không thay đổi.Tôi nghĩ những người trưởng thành có sở thích như tôi không phải là hiếm. Vì phim hoạt hình ngày càng trở thành loại phim dành cho mọi lứa tuổi, với nội dung nhân bản, giàu tính sáng tạo và kỹ thuật dàn dựng công phu. Sự hài hước cũng là điểm cộng lớn cho thể loại phim này.

(Do không thể nhớ được chính xác thời gian đã xem phim nên hầu như tôi sẽ giới thiệu phim không theo trình tự thời gian).


Phim hoạt hình Nhật Bản (thường được gọi là anime):

Thường là dạng phim truyền hình dài tập. Nhật Bản vốn nổi tiếng về truyện tranh. Đó là ngành công nghiệp hái ra tiền của họ. Những bộ phim hoạt hình Nhật Bản vì vậy thường đi từ truyện tranh mà ra (sau đó cũng có thể làm thành những bộ phim do con người đóng). Hoạt hình dài tập của Nhật Bản rất đa dạng về thể loại, số lượng phim cũng đặc biệt phong phú. Có thể thấy tìm thấy rất nhiều phim hoạt hình Nhật Bản trên các website do các fan Việt tự dịch rồi đưa lên chia sẻ với nhau. Nhiều cá nhân sau đó thấy được tiềm năng kinh doanh từ loại phim này nên đã tự ý nén vào DVD rồi đem bán. Có thể nói rằng những bộ phim hoạt hình Nhật Bản được mua đầy đủ bản quyền và phát hành hợp pháp tại Việt Nam tương đối ít (hình như tôi đã đi hơi xa so với chủ đề chính).

Tôi xem không nhiều những bộ phim hoạt hình Nhật Bản dài tập. Nhưng có những bộ phim đặc biệt ấn tượng bởi gắn bó với tuổi ấu thơ. Đó là hai bộ phim kinh điển Khủng long con ham ăn và Hiệp sĩ lợn.

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Những câu chuyện cuộc đời (2)

Câu chuyện thứ hai

Có một năm, tôi chuyển nhà đến bốn lần. Ba lần diễn ra vào nửa năm đầu. Đó là những tháng ngày kỳ lạ. Tất cả đều có liên quan đến những bóng ma. Hẳn các bạn sẽ cảm thấy tò mò. Nhưng tôi sẽ làm các bạn thất vọng. Đó chỉ là một câu chuyện phụ mà tôi sẽ kể vào một lúc khác. Câu chuyện chính lần này chỉ liên quan đến lần chuyển nhà thứ tư của tôi. Các bạn nhớ nhé, là lần chuyển nhà thứ tư. Ba lần trước không can dự gì ở đây cả.

Vào lần chuyển nhà thứ tư, tôi rất hy vọng sẽ tìm được một chỗ ở tương đối ổn định. Một căn hộ chung cư nhỏ nhắn, riêng tư với giá thuê không quá đắt vẫn là yêu cầu cơ bản của tôi. Bản tin nhà đất cho tôi số điện thoại của một người đàn ông. Chúng tôi trao đổi trước với nhau qua điện thoại. Nhưng khi đến xem nhà, người tôi gặp lại là một người phụ nữ. Bà có vẻ ngoài đồng bóng nhưng thân thiện. Bà nói suốt trong lúc tôi ngó qua căn hộ. Mọi thứ phù hợp với mong muốn của tôi, bao gồm cả về giá thuê. Tuy nhiên, tôi vẫn cần được chắc chắn điều cuối cùng: nơi này không có bóng ma nào lởn vởn.

- Cô này, ở đây không từng có ai không đáng chết mà lại phải chết chứ?

Tôi hơi ái ngại hỏi bà chủ nhà. Tôi đoán bà phải trên năm mươi tuổi nhưng cách ăn vận và chải chuốt của bà như thể hiện một nỗ lực thất bại trong việc níu kéo tuổi thanh xuân. Gương mặt bà dày phấn, hai bên má tô điểm một lớp phấn màu hồng đậm. Đôi môi bà như rực cháy bởi một lớp son đỏ tươi. Và bà vận trên người một chiếc váy bó sát, lòe loẹt, hở hang. Một vẻ kệch cỡm toát ra từ cách ăn mặc và trang điểm của bà. Thế nhưng vẫn có cái gì đó tội nghiệp nơi người đàn bà này dù bà tỏ ra thích huyên thuyên và hay cười. Đó là cái gì nhỉ? Giống như người ca sĩ khi giải nghệ, hát bài hát cuối cùng cho khán giả của mình nghe, dù giọng hát không còn hay như xưa nhưng khán giả vẫn có thể cảm động đến rơi lệ. Giá bà chủ nhà không quá lạm dụng phấn son cũng như không chạy theo thời trang của những cô gái trẻ, ắt bà có thể có một tuổi 50 hoàn hảo – tôi nghĩ.

- Ở đây, chỉ từng có một kẻ đáng chết.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Yên tĩnh

 
1. Đọc một quyển sách về cừu (nhưng không phải về cừu) vào quãng sau 22 giờ mỗi ngày. Điều thích ở quyển sách này:

-    Thứ nhất, cừu hay sự hư ảo.
-    Thứ hai, cái kết.

“Tôi ngồi xuống bốn mươi lăm mét bờ biển cuối cùng, rồi khóc. Tôi chưa bao giờ khóc nhiều như thế trong đời.
Tôi phủi cát khỏi quần rồi đứng dậy, như thể tôi có một nơi nào đó để đi”.

-    Thứ ba, Haruki Murakami.

Có ba điều không thích ở quyển sách này:

-    Thứ nhất, ngáp (hoặc là hệ quả của việc đọc muộn, hoặc là bản thân quyển sách này chứa đựng một câu chuyện nhàm chán. Như việc ai đó cố tình theo dõi cuộc đời ai đó, cuối cùng phát hiện cuộc đời đứa nào cũng tầm thường giống nhau –dành cả đống thời gian cho việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, lau chùi quét dọn… như để kéo dài đời mình hơn mức cần thiết…)
-    Thứ hai, cừu hay sự hư ảo.
-    Thứ ba, Haruki Murakami.

Cuộc săn cừu hoang – Haruki Murakami

Một thứ gì đó đã bị lãng quên. Một thứ gì đó biến mất, một thứ gì đó chết đi. Nhưng rốt cuộc thì người ta khó có thể gọi cái thứ ấy là tấn thảm kịch – tr. 34.

Không bao giờ kể hết chuyện về cuộc đời một ai đó, cho dù nó có vẻ tẻ nhạt đến mức nào – tr. 54.

Hầu hết mọi người cố thoát ra khỏi sự nhàm chán, nhưng anh ta lại cố rút vào sâu bên trong cái sự nhàm chán ấy – tr.55.

Thời gian thật sự là một tấm vải lớn dài vô tận, phải không? Chúng ta quen cắt từng mảnh thời gian để vừa với mình, vì thế chúng ta thường tự đánh lừa mình rằng thời gian vừa khớp với mình, nhưng thật ra nó kéo dài mãi mãi – tr. 119.

Mỗi một người đàn bà đều có một ngăn kéo đánh dấu “đẹp”, chất đủ loại đồ tạp nhạp vô nghĩa – tr. 121.

Những gì kết thúc với người này lại không phải đã chấm hết với người kia. Đơn giản vậy đấy. Sau đó, con đường lại rẽ làm hai nhánh khác nhau – tr.127.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Đệ nhất vô duyên

Có một năm, vào mùa hè, tôi phát hiện ra mình đang sống trong một cái chảo lửa khổng lồ Blog.Uhm.vN. Thế là tôi quyết định giương buồm ra khơi Blog.Uhm.vN .

Đầu tiên, tôi liên hệ với vài tên lâm tặc Blog.Uhm.vN. Chúng bán cho tôi một ít gỗ với giá rẻ hơn so với thị trường Blog.Uhm.vN. Sau đó, tôi huy động đám trẻ con làm cho tôi một cái bè Blog.Uhm.vN (bọn trẻ con rất dễ dụ Blog.Uhm.vN , tôi chỉ bảo với chúng là tôi sẽ cho chúng cùng đi theo trong hải trình vĩ đại của tôi Blog.Uhm.vN, thế là chúng đều xắn tay áo lên Blog.Uhm.vN và bắt tay vào công việc với niềm háo hức lộ rõ trên gương mặt Blog.Uhm.vN). Tiếp theo, tôi ăn cắp tất cả mọi thứ có trong tủ lạnh nhà tôi và dồn vào một cái bao Blog.Uhm.vN. Với một ít quần áo cùng đủ thứ linh tinh khác mà tôi “chà đồ nhôm” được, tôi lên đường Blog.Uhm.vN.

(Để rộng đường dư luận Blog.Uhm.vN, tôi đã đăng tin tạm biệt trên một tờ báo địa phương Blog.Uhm.vN . Nên không ai có thể bù lu bù loa là tôi chẳng chào mà biệt ).

  Tôi chẳng nhắm hướng nào để đi cả. Tự cánh buồm được làm từ rèm treo cửa nhà tôi đã đưa tôi đi đến nơi tôi cần đến Blog.Uhm.vN (không có cơn bão nào xảy ra cả. Cứ như là tôi đi trên một cái băng chuyền trong một nhà hàng lẩu tự chọn ấy Blog.Uhm.vN). Tôi mặc áo mưa, đeo kính râm và che kín mặt mày . Hãy nhớ là tôi đang lênh đênh trên một cái bè với duy nhất một cột buồm bay phất phơ trong gió Blog.Uhm.vN. Vậy nên tôi phải tắm nắng theo cách riêng của mình Blog.Uhm.vN .

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Những câu chuyện cuộc đời (1)

Lưu ý 1: Tôi chẳng hề thích cái ý nghĩ rằng tôi sẽ nói vài lời như một chủ ý gây tò mò. Thế nhưng điều này vẫn có thể cần thiết. Tôi không muốn gây ra sự hiểu lầm hay cảm giác xâm phạm đời tư. Những gì viết ra sau đây vẫn là những câu chuyện hư cấu. Bất cứ một sự trùng lắp nào đều phải được hiểu là sự tình cờ, bởi cho dù tôi có một trí tưởng tượng phong phú thì trí tưởng tượng ấy vẫn dựa trên nền tảng đời sống con người. Tôi vẫn đang thuộc về đời sống đó.

Lưu ý 2: Những câu chuyện này về cơ bản là độc lập với nhau. Sự kết nối giữa chúng tuy có nhưng không ảnh hưởng đến bản thân mỗi câu chuyện.

Lưu ý 3: Tôi viết những câu chuyện cuộc đời nhưng trên thực tế, không có câu chuyện nào là đủ về một cuộc đời. Vậy hãy chấp nhận những dở dang.

Lưu ý 4: Có những cuộc đời như thế không? Sau cùng thì đó vẫn có thể là thắc mắc chủ đạo. Câu trả lời nằm ở lưu ý 1.

Câu chuyện thứ nhất

Tôi gặp Mẫn ở quán cà phê K. vào ngày hoạt động cuối cùng của quán. Tôi không biết quán K. có gì đặc biệt. Mọi thứ dường như đã được dọn dẹp sạch trơn. Những gì tôi biết sau đó là quán K. vốn được ca ngợi là một không gian nghệ thuật phá cách, một nơi thường được dùng để triển lãm mỹ thuật cũng như tổ chức các cuộc hội thảo liên quan đến nghệ thuật sắp đặt. Tôi không quan tâm đến mỹ thuật, cũng không quan tâm đến các quán cà phê. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến K. cũng là lần cuối cùng. Tôi nghe chủ nhân của K. tự hào kể về K. với rất nhiều tiếc nuối trong giọng nói cũng như trong ánh mắt. Họ tiếc rằng tôi đã không đến đây sớm hôm một ngày. Tôi chắc rằng tôi đến đây không phải để an ủi họ. Tôi đến để gặp Mẫn. Anh đang ngồi trầm ngâm trên một cái ghế kê tạm với một điếu thuốc hờ hững trên môi.

Mẫn là khách quen của K. Có thể thấy anh đối với nơi này rất có tình cảm. Anh nói: Trong mười năm nay, thế giới của tôi vốn chẳng có gì thay đổi. Nhưng sau ngày hôm nay…, tôi nghĩ tôi phải đi tìm một nơi nào khác để trú ẩn vào mỗi buổi chiều. Mà sẽ chẳng có nơi nào được như K.

Tôi nhớ đến những chi tiết xảy ra trong cuộc đời Mẫn trong mười năm trở lại đây. Hai lần bị vợ bỏ có lẽ không tạo nên một cuộc đời đầy biến động. Nhưng bình yên là điều gì đó không tồn tại trong cuộc sống của người đàn ông này. Mẫn sống theo ý mình và theo một cách nào đó thì anh ta là người khao khát tự do nhất mà tôi từng biết.

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Nước mắt thanh xuân 11

(Vài dòng tâm sự: Còn nhớ khi tôi bắt đầu viết câu chuyện này, tôi không nghĩ sẽ viết dài và lâu đến thế. Tôi thậm chí đã phác thảo được sơ bộ cái kết, điều mà không phải lúc nào tôi cũng làm được khi viết một câu chuyện nào đó. Thế nhưng, đúng như một người đã nói, khi đọc đến tận phần 10 của truyện này, thì thật ra mọi thứ lại chỉ như mới bắt đầu. Chính tôi cũng cảm thấy, để có thể đi tới đoạn kết, tôi bắt buộc phải đi thêm một chặng đường nữa, tất cả vì những thứ rối rắm mà tôi đã tạo ra. Và nếu như vậy, chính tôi cũng sẽ không kiểm soát được cái đích cuối cùng nữa. Câu chuyện này rõ làm tôi mệt mỏi hơn tôi tưởng. Thời gian đã trôi qua chẳng hề ít kể từ cái ngày tôi viết những dòng đầu tiên. Nhưng tôi phải hoàn thành nó, vì tuổi thanh xuân của các nhân vật và của chúng ta.... Và vẫn như lúc xưa tôi từng nói, tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp để tôi mau viết cho xong câu chuyện này.)


Nhiều năm sau, khi nghĩ về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Lâm và Mặt Trời Nhỏ, linh cảm rằng đó là thứ mang tên gọi định mệnh càng trở nên rõ rệt trong lòng cô. Có rất nhiều thứ ngay từ ban đầu đã có sẵn ở đó nhưng cô đã không thể ráp nối các dữ kiện, cho đến ngày chính cuộc sống trong dòng chảy thăng trầm của nó làm tất cả mọi thứ phải bộc lộ ra. Là người viết văn, đối với cuộc đời của các nhân vật do chính mình nắn tạo nên, đôi lúc cô cũng có cảm giác không thể tùy tiện can thiệp. Các nhân vật của cô có quyền được sống theo ước muốn của họ. Nếu họ xuất hiện đâu đó trong hiện thực cuộc đời này, họ hẳn sẽ là những phiên bản sống động hơn, cũng có khi vì một lý do nào đó, thậm chí mờ nhạt hơn. Ở trường hợp thứ hai, cô sẽ hy vọng có ai đó nghe thấy tiếng nói trong lòng họ, tiếng nói thẳm sâu và tha thiết nhất của một phận người dở dang để nâng đỡ họ dậy – những sinh vật yếu đuối hơn cả một con chó bị chủ bỏ rơi trong một đêm đầy giông bão. Cô đang chối bỏ trách nhiệm của một người viết. Cô đang tảng lờ thay vì lắng nghe. Vào giây phút khi mầm mống của sự thờ ơ xâm lấn vào trong đời sống của cô, cô đã phải hiểu được rằng danh phận nhà văn của cô sẽ chỉ còn tồn tại trong quá khứ. Tập truyện thứ ba sẽ không bao giờ hoàn thành. Những nhân vật đã chết trước khi được cô trao cho sinh mệnh. Cô chỉ duy trì sự sống cho những cái xác không hồn. Những con quái vật ở khắp mọi nơi.

Em không tin, em không tin ngọn lửa đó đã tắt trong lòng chị.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Biển xanh, xanh màu im lặng...


 

Mùa hè, nghĩ đến biển. Biển rộng và xanh sâu. Trong đầu tôi thường vẽ ra cảnh đứng lặng yên trước biển, đăm đắm nhìn về cuối chân trời. Một cánh chim sải cánh xa xôi. Sóng rất nhẹ và gió lặng trôi. Một bầu trời lặng lẽ đến nao lòng. Trong đầu tôi đã vẽ ra cái cảnh ấy từ nhiều, nhiều năm trước. Nhưng hình ảnh của tôi mỗi năm lại khác dần đi. Tôi thu mình đứng trước biển cả vô bờ và lẫn vào mảng màu xanh thẳm của biển cả và bầu trời. Giống như dấu chấm than kết thúc một câu viết. Nhỏ bé, trầm tĩnh và mông lung.

Tôi không phải người lữ hành lý tưởng. Ít có thú vui khoác ba lô lên vai và thưởng ngoạn đây đó. Tuy tôi mở miệng nói đang nghĩ đến biển nhưng kỳ thực không có ý muốn lại sẽ đi du lịch đến một vùng đất nào đó có biển. Tôi ghét ánh nắng gắt gao trên biển, ngán những con người sặc sỡ nô đùa với những con sóng. Tôi đã đi đến những vùng miền có biển, vài lần. Biển xanh vẫn sâu, vẫn trải dài đến vô tận. Nhưng tôi chưa lần nào được một mình đối diện với biển. Biển cũng chưa bao giờ lặng lẽ gặp gỡ riêng tôi. Có những thứ chỉ tồn tại trong miền suy tưởng.

Những ngày trầm mặc…

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Tháng tư, chìm đắm và không chút tăm tích...

Tháng tư, đôi khi tôi thức giấc vào nửa đêm. Tuy thế, chẳng thể nào đi lang thang. Lang thang không hợp với tôi, kẻ chết gí một chỗ. Chỉ có tư tưởng là có cánh. Chúng lang thang mà chẳng cần đợi tôi cho phép. Tôi nhớ có lần nghĩ về kiếp sau. Kiếp sau tôi sẽ làm một sinh vật có cánh. Nhưng tôi biết không có cái gọi là kiếp sau. Nếu có, nhỡ đâu vào kiếp ấy, con người trong một tiến trình phát triển kỳ lạ nào đó, đã mọc thêm đôi cánh phía sau lưng?! Nếu sinh ra tiếp tục làm người, bạn còn muốn sinh ra không?

Nửa đêm thức giấc, những suy nghĩ của tôi miên man và nặng trĩu, lại cũng đứt đoạn và dở dang. Có một cơn mưa thật lớn đã đến vào mấy đêm trước, đêm trước ngày tôi bảo vệ đề cương. Tôi nằm nghe tiếng mưa gào thét. Tôi nghĩ đến một cảnh trong một bộ phim tôi xem vào đầu mùa xuân năm nay. Trong phim có một nhân vật nữ trú mưa trong một buồng điện thoại công cộng. Cơn mưa lớn đã ngập tất cả các con đường. Nhân vật nữ bị bệnh tim bẩm sinh nên cô dần dần đuối sức. Cô gọi điện thoại về nhà. Mọi người nỗ lực tìm kiếm cô trong thành phố. Chỉ người yêu cô ở lại để trò chuyện với cô qua đường dây điện thoại. Anh liên tục thì thầm gọi tên cô nhưng cô mỗi lúc một lịm dần. Rồi chiếc điện thoại trượt khỏi tay cô nhưng từ trên môi cô hé ra một nụ cười. Giả sử cô không có ai để gọi một cú điện thoại chào tạm biệt, cô sẽ chống chọi thế nào trong cái buồng điện thoại chật hẹp giữa trời mưa giá?

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Lặng...

Những buổi sáng ngồi ngơ ngẩn trước ly cà phê sữa. Ly cà phê sữa càng ngày càng có vẻ tiệm cận với cà phê đen. Tôi không thích vị đắng, nhưng càng ghét những gì quá ngọt. Từ bao giờ thích uống cà phê sữa mỗi buổi sáng? Có người đàn bà vẫn pha cho tôi ly cà phê sữa ấy mỗi ngày. Mẹ tôi.
Những buổi sáng tôi nghĩ giá nhà tôi có một khu vườn. Không cần phải trồng hoa. Chỉ cần có nhiều cây xanh và một khoảng trời mênh mông, trong vắt. Tôi có thể ngồi trước khu vườn đó mà thả rông suy nghĩ. Suy nghĩ của tôi bao giờ cũng tự do hơn chính tôi nhưng lại cũng không bao giờ có thể vượt thoát khỏi tôi. Hình như từ lúc nào chúng tôi cứ đuổi bắt nhau, bám lấy nhau, tách rời nhau, căm hờn nhau, yêu thương nhau. Những buổi sáng tôi ngồi trong trạng thái trỗng rỗng. Những suy nghĩ khẽ khàng lên tiếng, có thể chúng ta đều đã mệt rồi, bạn thân ơi… Bức tường trước mặt chạm vào ánh nhìn của tôi. Bạn ơi, chúng ta không có một khu vườn để mà chạy rông…

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Em xin tuổi nào...


Sáng qua ngó ra cửa sổ, thấy bầu trời khá âm u nhưng không có giọt mưa nào rơi. Đã là tháng tư rồi. Thời gian thắm thoát trôi nhanh như vậy. Có phải vì những năm cuối cùng của tuổi thanh xuân đều qua đi vội vã? Chợt nhận ra một trong những việc buồn bã nhất bản thân từng làm là xem lại những album hình và cảm nhận sự đổi thay… Không phải nơi dáng vẻ ngoại hình hay bất cứ thứ gì có thể nhìn bằng mắt… Có những thứ ở đằng sau ấy. Chỉ với trải nghiệm riêng tư người ta mới tự nhận ra điều đó. Tôi ước gì có thể thở dài. Nhưng tiếng thở dài là âm thanh tôi chẳng muốn nghe. Nếu đời sống của bạn có gì đấy nuối tiếc, tiếng thở dài là thứ đầu tiên nói lên điều ấy. Một cách bất lực…

Mấy ngày trước nhận được vài tấm hình do cô em họ gửi. Đứa trẻ trong hình là em của cô bé. Đứa trẻ ấy nhỏ hơn tôi đúng hai con giáp. Nhìn thấy nó lớn lên qua từng tấm ảnh, tôi mới cảm thấy rằng thời gian đi qua con người ta rất nhanh. Có muốn giữ suy nghĩ mình hãy còn trẻ cũng không thể. Thời gian đi qua ta. Ta giết thời gian. Thời gian giết ta. Giờ đây, tôi đã biết câu trả lời cho câu hỏi: Ai chết trước? Tôi gửi câu trả lời cho gió bay đi…

Tình và rác – Ivan Klíma

Con người ta đều đã bắt đầu theo cái hướng mà từ đó ít nhất anh ta đã nghe thấy một tiếng gọi mơ hồ - tr. 31.

Bất cứ kiểu sự thật nào cũng thích hợp hơn sự im lặng – tr. 149.

Chẳng có gì con người ta có thể dựa vào đấy mà biện hộ cho một lời nói dối. Nó gặm mòn tâm hồn nhiều như thể sự lãnh đạm và lòng thù hận – tr. 170.

…về sứ mệnh của văn chương: Những gì chúng ta cần… là những cuốn sách đả phá chúng ta mạnh nhất giống như hiểm họa đau đớn nhất, giống như cái chết của người chúng ta thương yêu hơn chính bản thân ta, những cuốn sách có thể khiến chúng ta phải cảm thấy mình đã bị dẫn dụ đến những nơi tăm tối nhất, xa hẳn thế giới của những người khác, giống như đang tự sát. Một cuốn sách phải là một cái rìu cho cả mặt biển đã bị đóng băng trong mỗi chúng ta – tr. 187.

Thế giới đang rên rỉ, đang ngạt thở bởi có quá nhiều những sáng tạo, rằng nó đang bị chôn vùi bởi muôn vàn những vật thể và bị trói buộc bởi những ý tưởng mà tất cả đều giả vờ là rất cần thiết, hữu dụng hay đẹp mĩ miều và vì thế nó đòi hỏi phải có sự trường tồn – tr. 212.

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Thịt nát xương tan 6

- Em lại đi thăm Hữu Vinh?

Vương hỏi tôi trong lúc chúng tôi cùng ăn trưa. Anh vẫn giữ im lặng với tôi trước khi nói ra câu hỏi ấy. Tôi biết anh không hài lòng. Tuy ngoài mặt thường tỏ ra tôn trọng quá khứ của tôi nhưng tôi hiểu, sâu trong lòng, Vương không muốn tôi có một chút tơ vương đối với những con người từng có mặt trong quá khứ ấy. Vương giúp tôi tìm một chỗ điều trị cho Hữu Vinh thực chất là để kiểm soát sự quan tâm của tôi dành cho anh. Hẳn nhiên, tôi biết ơn tất cả những gì Vương đã vì tôi mà làm cho Hữu Vinh. Vì điều ấy và vì tôn trọng cảm xúc của anh, tôi ngày càng ít đến thăm Hữu Vinh. Lần gần đây nhất là 3 năm trước. Lẽ ra Vương phải hiểu điều ấy. Thái độ của anh lúc này khiến tôi tức giận.

Tôi đứng bật dậy khỏi ghế, ném cho Vương một cái nhìn căm phẫn và rời khỏi phòng ăn. Lòng kiêu ngạo của một người đàn ông thành đạt giữ anh ngồi yên nhưng tôi biết anh sẽ không nuốt trôi được bất cứ món gì. Khoảng ba mươi phút sau, từ trên phòng ngủ, tôi nghe thấy tiếng xe của anh rời khỏi biệt thự. Tôi không quan tâm, nằm dài trên giường và ngập tràn một cảm giác chán nản. Cứ mỗi lần tôi đi thăm Hữu Vinh trở về, tình cảnh này lại diễn ra. Nó khoét sâu vào nỗi đau sống dựa dẫm của tôi khiến cho tôi cảm thấy cuộc đời mình trở nên trống rỗng và phí hoài. Dù tôi ý thức được rõ rệt quyền lực của mình đối với Vương nhưng vào những lúc thế này, tôi hoàn toàn thấm thía một cách sâu sắc rằng thứ quyền lực ấy cũng là do anh ban phát cho tôi. Anh có thể lấy lại nó bất cứ lúc nào và đẩy tôi ra đường như thứ phế phẩm. Tôi không có được tờ giấy kết hôn để có thể đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của một người vợ. Thứ duy nhất tôi có từ Vương là tình yêu say mê anh dành cho tôi. Có thể nó hoàn toàn vững bền hơn một tờ giấy kết hôn nhưng nó cũng có thể chẳng là gì. Tình yêu say mê cũng giống như một ngọn lửa, nó bùng lên trong thoáng chốc rồi tắt dần, tắt dần đi… Qua năm tháng, ngọn lửa nồng nàn ngày nào cũng chỉ còn là một đống tro tàn. Tình yêu, quả thực không là gì khác ngoài một đống tro tàn.

Tiếng gõ cửa lôi tôi ra khỏi giường. Tôi lau những vệt nước mắt đã rơi ra vì những suy nghĩ ủy mỉ và mở cửa. Tôi nhìn thấy Anh Kiệt cầm trên tay một bông hồng đỏ.

- Anh Vương bảo tôi mang vào cho chị.  

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Thịt nát xương tan 5

Sau sự kiện được báo chí thời đó gọi là “Thành đô chết”, sự nghiệp của tôi thực sự chìm xuống đáy. Cánh phóng viên được thể khơi lại những scandal trước đó, thậm chí đào bới sâu hơn nữa vào đời tư của tôi. Một vài tờ báo thậm chí đưa những thông tin bịa đặt. Hình ảnh đẹp của tôi trong mắt những người hâm mộ hoàn toàn phá sản. Ở khắp nơi, nhắc đến tên tôi, người ta không ngừng lớn tiếng chửi rủa. Tôi không dám xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Trốn trong nhà, gầy rộc đi và rất thường xuyên nghĩ đến cái chết. Tôi dám đảm bảo là nếu Vương không xuất hiện, tôi sẽ không thể sống sót đến ngày hôm nay. Anh đưa tôi rời khỏi Việt Nam trong vòng ba năm. Khi trở về, đúng như dự đoán, câu chuyện về tôi đã hoàn toàn mất hút trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người ta đã lãng quên một nữ diễn viên mà một thời họ nồng nhiệt hâm mộ để rồi sau đó quay qua cuồng nộ chán ghét. Không còn ai nhận ra tôi trên đường. Hoặc vẫn có những ánh nhìn bán tin bán nghi nhưng khi tôi mỉm cười chào, họ liền lúng túng và quay đi. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi biết rằng mình đã bị quên lãng. Một nỗi buồn khoét sâu vào tim tôi. Năm ấy tôi chưa đầy 30 tuổi. Quá trẻ để nghỉ hưu.

- Anh có thể đưa em trở lại.

Vương đề nghị nhưng tôi từ chối. Sự kiện “Thành đô chết” khiến tôi sợ hãi. Cùng với sự sợ hãi, tình yêu của tôi dành cho điện ảnh cũng chết. Thế giới điện ảnh đối với tôi giờ đây là thế giới của tang tóc. Phần đời còn lại, dù dài hay ngắn, tôi cũng chỉ muốn ở bên ngoài thế giới ấy. Tôi ở bên cạnh Vương và được anh che chở. Đó là ý nguyện của tôi trong thời điểm ấy.

Vương đóng cho tôi mác trợ lý riêng của anh nhưng không quá khó khăn để ai ở công ty anh  cũng hiểu, tôi là người tình của anh. Đến cả vợ anh sau này rất nhanh chóng cũng biết. Nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ một người đàn ông trong hòa bình. Khách quan mà nói, tôi vốn không yêu Vương, cho dù anh đi chung với bao nhiêu người phụ nữ, tôi cũng không phát điên lên vì ghen tuông. Nhưng vợ anh có thể giữ im lặng, toàn tâm lo cho con cái thực sự khiến người ta ngạc nhiên. Trước tôi và cả sau tôi, vẫn có hàng tá các cô gái trẻ đẹp vây quanh anh, và anh cũng không quá đứng đắn để từ chối tất cả bọn họ. Một người đàn ông như vậy, lại có người vợ rất thủy chung và tận tụy, là vì người đàn ông đó rất phi thường hay vì người vợ của anh ta quá vĩ đại?

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Vỡ

1. Tôi đã lo lắng nhiều quá! Hơn mức cần thiết. Và không biết làm thế nào để lấy lại sự bình tâm. Người bạn bảo, vì tôi đã hy sinh nhiều! Tôi không kịp nói rằng, không có sự hy sinh nào ở đây cả. Đó chỉ là sự chọn lựa. Có những chọn lựa đúng và những chọn lựa sai. Toàn bộ quá trình này bắt nguồn từ một ý nghĩ lãng mạn hơn là một sự đầu tư nghiêm túc. Tôi là người biết rõ nhất. Từ đầu, tôi không trông đợi điều gì ở văn bằng này cả. Nhưng tôi vẫn là đứa có một tinh thần yếu ớt! Phải huy động rất nhiều sức mạnh nội tâm để trụ vững trên mặt đất, điều này đôi khi trở nên quá sức! Nhưng tôi vẫn cần kéo căng cơ mặt của mình lên. Và nhìn thấy nụ cười méo mó của mình qua gương.

“Pretend you’re happy when you’re blue
It isn’t very hard to do…” (1)

2. Tôi đã đọc quyển Tình mẫu đơn chỉ trong hai ngày. Khi căng thẳng, tôi trốn trong sách và âm nhạc. Nhưng âm nhạc thì buồn bã quá, ngay cả nhạc không lời! Thật may mắn là Tình mẫu đơn không phải một cuốn sách ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh hay bi kịch cuộc đời. Thời điểm này thật không phù hợp. Tình mẫu đơn là một quyển tiểu thuyết hư ảo về tình yêu.

Tình mẫu đơn - Lisa See

Người ta yêu khi sống, người ta vẫn yêu khi chết. Nếu tình yêu chấm dứt khi một người chết thì đó không phải là tình yêu thực sự - tr. 160.

Trên tất cả, điều mà cơ thể biết và điều trí óc chọn để tin tưởng là hai thứ hoàn toàn khác nhau – tr. 173.

Quá nhiều nhầm lẫn. Quá nhiều sai sót. Và kết quả là bấy nhiêu bi kịch – tr.185.

Từ ngữ nghiệt ngã nhất trên đời này, chính là giá như – tr. 185.

Một cuộc hôn nhân chứa đựng sáu cảm xúc: yêu thương, quý mến, căm hờn, cay đắng, thất vọng và ghen tuông – tr. 265.

Chúng ta lừa dối bản thân để cứu thể diện, giữ gìn sự lạc quan ở chừng mực nào đó và tiếp tục đâm đầu vào những tình huống thực sự không thể cứu vãn được – tr. 283.

Mỗi chúng ta đều trả giá đắt để nói lên suy nghĩ của mình, để bộc lộ trái tim mình, để cố gắng sáng tạo, nhưng điều đó là đáng giá – tr. 416.

Tình yêu nơi sâu thẳm con tim có nghĩa là yêu ai đó bất chấp và bởi vì những hạn chế của người ấy – tr. 429.

Không có cái gì trên đời vĩnh cửu cả. Thứ vĩnh cửu duy nhất chính là sự vô thường – tr.450.

Tất cả phụ nữ trên thế gian, và cả đàn ông cũng thế, đều hy vọng về một kiểu tình yêu biến đổi chúng ta, nâng chúng ta lên trên cái tầm thường và cho chúng ta lòng can đảm để sống qua những cái chết nhỏ: nỗi đau khổ vì những giấc mơ chưa trọn vì những thất vọng riêng tư và trong sự nghiệp, vì những mối tình tan vỡ - tr. 478.

(Lê Ngọc Anh dịch, NXB Phụ nữ & Nhã Nam, 2010)

Vụn

Trường Đại học Luật được thành lập vào ngày 30/3/1996, chính thức trở thành một trường độc lập với tên gọi trường Đại học Luật TP.HCM vào năm 2000. Lịch sử của trường thì bắt đầu từ năm 1982. Năm đó tôi chưa sinh ra đời. Những dòng khái quát này tôi tóm gọn từ lịch sử phát triển của trường Đại học Luật TP.HCM. Lịch sử đó không có sự hiện diện của tôi. Tất nhiên.

Tôi đặt chân vào trường Đại học Luật TP.HCM vào cuối năm 2003. Và rời khỏi cổng trường vào khoảng thời gian tương tự của năm 2007. Tôi muốn nói đó là trường Đại học Luật ở cơ sở Bình Triệu. Nơi này hiện đã đập bỏ. Vào tháng trước khi có dịp đi ngang qua, tôi thấy dấu vết còn lại duy nhất là cây thập tự giá. Người ta sẽ xây dựng một cơ sở khang trang và hiện đại ở đây. Tôi không biết cây thập tự giá ấy có được giữ lại. Có lẽ vì sự tôn nghiêm dành cho tôn giáo, người ta sẽ không thể phá bỏ hay di dời nó. Đi từ cầu Bình Triệu, từ xa đã có thể nhìn thấy bóng dáng cây thập tự giá chĩa thẳng lên vòm trời. Một biểu tượng đáng ghi nhớ. Dù với tôi, nó có vẻ thật đơn độc ở nơi này. Toàn bộ thời gian học đại học của tôi là ở đây. Khi tận mắt nhìn thấy đám đất cát trong sân trường, tôi cảm thấy sự khốc liệt của thời gian và những đổi thay. Về mặt ý thức, tôi biết đó là quy luật phát triển. Không ai cần phải để ý rằng có cát bay vào mắt ai hay không…Bạn biết, việc bạn phải làm là dụi mắt và tìm kiếm một lọ V.Rohto.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Và hoa sẽ nở, bài hát sẽ ngân vang…

Tôi không nhớ đó là ngày nào của một hay hai tuần trước. Tôi đã ở trong một nhà sách. Và mặc dù có một mục đích khác, tôi đã nhìn thấy quyển sách đó. Một quyển sách nhẹ nhàng với bìa màu trắng và số trang không quá dày. Một quyển sách của Osho. Tôi không biết lúc này có thích hợp. Nhưng cũng không biết lúc nào sẽ thích hợp. Tôi lưỡng lự. Lật giở vài trang để xem bên trong chứa đựng điều gì. Tôi nghĩ đó là những dòng chữ không có vẻ gì là giáo điều, là mị chúng. Vậy là tôi không cần phải suy nghĩ nữa.

Tôi đã đọc những trang đầu và nghĩ rằng tôi có thể đọc lại quyển sách này, ít nhất là một lần. Điều đó rất lâu không xảy ra khi tôi đọc những trang đầu của những quyển sách khác. Tôi thậm chí tin rằng có thể tôi đã đọc quyển sách này hơi trễ. Tôi đoán là có nhiều người như tôi. Osho là một vị thiền sư quá nổi tiếng!

Tôi đang không khen quyển sách. Tôi vẫn phải suy nghĩ thêm về những gì đã đọc. Bởi chưa hiểu hết nên tôi không thể vội nói gì. Nhưng tôi cũng không muốn để cho cảm nhận ban sơ của mình về những gì đã đọc trôi tuột đi trong im lặng. Những thứ có ý nghĩa vẫn cần được nói ra.

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời – Haruki Murakami

Mỗi người có đời riêng của mình, đời ai chỉ thuộc về người đó – tr.110

Một vài lời nói sẽ in sâu mãi mãi – tr.136

Một số ý nghĩ sẽ để lại những dấu vết vĩnh cửu – tr.144

Một khi đã đi về phía trước, thì dù có nỗ lực đến mức nào, người ta cũng không thể quay lại đằng sau. Khi đã có một chi tiết dù là rất nhỏ bị lỏng ra, tức khắc mọi thứ sẽ đứng im, và mãi mãi nằm im như thế - tr. 200

Tôi quá ích kỷ để có thể khóc cho những người khác, và quá già để có thể khóc cho chính tôi – tr. 211

Pretend you’re happy when you’re blue
It isn’t very hard to do… - tr.241

Khi người ta bắt đầu yêu một người, thì là như thế đấy, không thể làm gì cả. Người ta yêu người mà người ta yêu - tr.262.

Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc – tr. 271

(Cao Việt Dũng dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2010)

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Rời rạc


Một người bạn từng hơn một lần nói với tôi, nhiều tác giả chỉ được biết đến tác phẩm sau khi đã chết. Vì vậy, nếu tôi chết đi, những gì tôi đã viết ra sẽ được biết đến như là tác phẩm của… người bạn ấy. Một câu nói đùa trong một câu chuyện vui. Thật ra cũng có lần tôi từng nghĩ, sẽ phấn đấu có một quyển sách mang tên mình. Nhưng rồi suy nghĩ đó cũng không ám ảnh tôi lâu. Đến hôm nay thì đã như một số không tròn trĩnh.

Tôi từng nói viết là một nhu cầu tự thân. Sự nhìn nhận của người khác thực tế cần phải nằm ngoài nhu cầu ấy. Cho đến mãi mãi về sau, đó vẫn là tôn chỉ của tôi. Nghĩa là khi nào nhu cầu tự thân kia mất đi, thì tôi không viết nữa, cái blog này cũng sẽ biến mất hoặc ít ra sẽ bị bỏ phế cho đến khi chính nhà cung cấp dịch vụ blog tự xóa sổ nó đi. Tôi hy vọng điều này sẽ không diễn ra quá đột ngột. Và hay nhất vẫn là, tôi hy vọng không phải nói lời vĩnh biệt với bất cứ ai.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Rã rời



1. Yêu đến tận cùng. Một bộ phim của thập niên 90. Nam nhân vật chính trượt dài trong những thất vọng. Cuối cùng chọn cái chết để giải thoát bản thân và giải phóng cô gái mà anh ta yêu. Đó là cảnh cuối của bộ phim. Anh ta đứng trên sân thượng một tòa cao ốc. Bỏ mặc tiếng nói từ xa của người yêu, anh ta quyết tâm nhảy xuống. Trong giây phút ấy, người yêu của anh ta cũng quyết tâm lao ra…

Sân thượng chỉ còn lại ngọn gió lộng buồn bã…

Một bộ phim sầu thảm. Quá tỉnh để khóc.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Tình ca mùa đông

1. Mùa đông ở Hà Nội, trong lúc đang đi vòng quanh Hồ Gươm vào một buổi sáng tinh sương, tôi gặp lại Du. Cậu thật hoàn hảo, ở tuổi 27. Tôi hỏi cậu làm thế nào mà trở nên đẹp trai như tài tử điện ảnh Mỹ thế kia? Du cười, gương mặt cúi xuống bẽn lẽn. Về điểm này thì cậu không khác mấy so với trước kia. Chúng tôi cùng ngồi xuống một chiếc ghế đá, ngắm sương giăng phủ khắp quanh hồ. Mùa đông ở đây thật đẹp, cứ như một bức tranh thủy mặc khiến người ta tĩnh tại, nao lòng. Du mặc đến ba lớp áo mà hình như vẫn còn thấy lạnh. Cậu co người lại xuýt xoa, còn không ngừng thở ra những làn khói trắng tinh mờ ảo. Tôi bật cười:

- Xem ra sức khỏe cậu vẫn kém!
- Không thể so sánh mình với đứa con của mùa đông được!

Đứa con của mùa đông ấy là tôi. Ngày xưa Du đặt cho tôi cái biệt danh ấy. Ở Sài Gòn không có mùa đông nhưng vào khoảng tháng 11, 12 tiết trời trở nên mát mẻ, thỉnh thoảng có những đợt không khí lạnh ở đâu tràn về. Người Sài Gòn khi ấy lại nô nức sắm sửa áo ấm. Du và bọn bạn cùng lớp cũng thế. Nhưng tôi thì không, vẫn ăn mặc phong phanh, trong sinh hoạt còn phải bật quạt mới chịu được. Cái biệt danh ấy từ đó mà ra. Hôm nay, trong tiết trời mười mấy độ ở Hà Nội, tôi cũng chỉ vận trên người một chiếc áo len cổ lọ là thấy đủ ấm.

- Cậu làm gì ở đây thế Miên?
- Du lịch.
- Mình cũng thế. Trùng hợp nhỉ! Ai ngờ được, chín năm trời, lại gặp lại nhau ở miền Bắc xa xôi này.
- Xa xôi?! Chỉ là 1 giờ 45 phút đường bay.
- À, là so với đoạn đường chúng ta có thể gặp nhau ở ngay Sài Gòn. Gần hơn biết bao!
- Ừ, gần hơn, nếu là khoảng cách địa lý.

Tôi trầm ngâm. Du im lặng. Cùng nhau lắng nghe âm vọng của thời gian. Chín năm là một đại lượng không ngắn. Tôi đã kịp có được nhiều thứ cho cuộc đời mình, và cũng kịp mất nhiều thứ quan trọng. Tựu trung lại, ở tuổi 27, nếu phải trung thực, tôi thấy mình trắng tay.  

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Khác biệt văn hóa đông tây

Cái này xem từ mấy năm trước nhưng mỗi lần xem lại vẫn thấy khá thú vị. Vì nó xuất hiện đầy trên mạng nên cũng không biết tác giả thực sự là ai. Do đó tôi chỉ có thể ghi ở đây hai chữ "sưu tầm".

(Lưu ý: Phần màu xanh là tây. Phần màu đỏ là đông)

1. Quan điểm - cách nghĩ:




2. Trình bày một vấn đề:




3. Cái tôi:




4. Lối sống:




Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Long Hải

Lâu, không đi xa. Chuyến đi lần này ngắn ngủi, cập rập và không nằm trong kế hoạch. Tuy nhiên nó vẫn đến vào lúc cần thiết xét về khía cạnh tinh thần. Mặc dù vậy, thật khó để hình dung về chuyến đi như một điều gì đó thú vị. Có cảm giác như không bao giờ muốn đi nữa, trên chuyến xe trở về… Dù vậy, vẫn còn đây những phong cảnh rất đẹp. Niềm vui thích của du lịch có lẽ là ở điểm này!

Anoasis Beach Resort - Nơi tôi tạm trú









Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Hỗn độn

1. Bỗng dưng… tạm biệt:

(Cái này chủ yếu cho lyly – người sẽ không đọc những dòng này và những người không liên quan – những người rất có thể sẽ đọc những dòng này)

Khi lyly nói tạm biệt, điều đó dường như chưa bao giờ được thông báo trước. Nhớ trong suốt khoảng thời gian biết cô ấy, thỉnh thoảng cô ấy cũng nói lời tạm biệt (thường là vì lý do kỹ thuật). Riêng lần này thì lời tạm biệt xuất phát tận tâm. Có thể một ngày kia cô ấy cũng dao động, như là sau khi nói lời tạm biệt, cô ấy vẫn hạ cố quay lại một lần. Nhớ ngày trước cô ấy hơi trách một người vì cũng ra đi kiểu đột ngột như vậy. Ngày nay cô ấy cũng thế. Lặn vào thế giới thăm thẳm của internet. Tuy cô ấy đã để lại một địa chỉ nhưng khi bất ngờ đón nhận một cái ngoảnh mặt, người ta dễ thường rơi vào trạng thái chưng hửng. Trạng ấy thường kéo dài dù chỉ diễn ra trong tích tắc.

Chưa bao giờ viết một entry nào về lyly, dù đôi lần cô ấy vẫn dành những dòng cho tôi trong “nhà” của mình. Cũng không thể nhớ những trao đổi với cô ấy bắt đầu từ ngày tháng năm nào. Cũng không thể nói có hay không một tình bạn. Nhưng nếu nơi này có từng bớt đi phần hoang vắng, thì ấy là vì sự có mặt của lyly. Khi lyly nói lời tạm biệt, lyly trả lại phần hoang vắng ấy cho nơi này. Mặc dù có thể gặp lại lyly ở một nơi khác nhưng tôi cảm thấy có điều gì đó đã thay đổi. Có lẽ vì tôi chưa kịp được có thời gian chuẩn bị để nói lời tạm biệt với lyly. Cho dù tôi vẫn luôn là người tin rằng, con người đến và đi trong bất kể thế giới nào cũng là điều rất hiển nhiên. Bởi tôi hiểu, đời sống này là vô thường.

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Tản mạn

Tôi có một kệ sách nhỏ. Một kệ sách nhỏ nhưng phải sống đến mười mấy hai chục năm trên đời này tôi mới có được. Tôi thường ước bản thân có một kệ sách lớn hơn, hoặc tốt hơn cả là có hẳn một phòng chỉ dành riêng cho các kệ sách. Tuy thế trong khi chưa chạm tay được vào ước mơ đó, tôi vẫn yêu thích kệ sách nhỏ của mình. Nó cũ rồi và không còn nhiều chỗ có thể sử dụng nữa. Tôi xếp các quyển sách ngay ngắn, cố gắng giữ cho chúng được ở trong tình trạng vệ sinh thật tốt. Nhưng không ngăn được hết bụi bặm. Lâu ngày đám sách của tôi đều dần dần có chung một thứ mùi. Mùi ở những cửa hiệu sách cũ. Hồi nhỏ tôi  hay lân la đến hiệu sách cũ hơn là vào những nhà sách lúc nào cũng sáng trưng đèn như hiện nay. Mùi của những cửa hiệu này có thể khiến bạn nhăn mũi lại và bật ra  tiếng “hắt xì”. Nhưng thứ mùi này đồng thời cũng gợi cho bạn cảm giác thân thuộc. Mặc dù thứ mùi này và mùi trầm hương khác xa nhau nhưng tôi lại thường có chung một cảm giác khi ngửi thấy. Đó là một cảm giác thiêng liêng và có tính chất gợi nhớ. Nhớ gì. Tôi có tự hỏi. Và đã nghĩ, đó hẳn là những năm tháng ấu thơ. Ngửi thấy mùi nhang trầm và gửi thấy mùi sách cũ đều khiến ào về trong tôi là hình ảnh một cô bé với đôi mắt ngơ ngác và khuôn miệng lúc nào cũng như mím chặt lại. Tuổi thơ đó, mới đấy đã xa rồi… Với tôi, đó cũng là một lý do để thấy cứ càng là sách cũ thì lại càng đáng quý…

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Mùa xuân nghe nhạc

Năm nào cũng vậy, gần cận tết, truyền hình thường phát đi phát lại giai điệu của bài hát Happy New Year, bài hát mà ai đó nói: có những ca từ làm tan nát lòng người, rằng người Việt Nam hát một bài hát “so sad” trong một dịp mà bản thân họ “so happy” ("and ít's funny!").

Tôi biết bài hát Happy New Year có những đoạn thật buồn:

No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It's the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday


Chẳng còn gì, cả rượu và pháo hoa,
Chỉ còn lại đây, anh với ta,
Với đau buồn, và mất mát,
Tiệc đã tàn, đêm cũng qua..
Và bình minh, xám, không giống ngày hôm qua

Và:

Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool
And he thinks he'll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he's astray
Keeps on going anyway...

Đôi khi, tôi còn thấy,
Thế giới rộng lớn này,
đang phát triển từng ngày
Và tiến bước, từ đám tro tàn,
của những ngày qua..
Và con người, thật là khờ khạo,
Cứ tạm bằng lòng, lê gót ngày qua,
Trong bùn đất nhớp nhơ
Mà không biết đã lầm đường lạc lối,
Cứ đi mà không biết đường đi..

Rồi:

Lòng thơm xuân đã hết

Mùa xuân giống như một bữa đại tiệc.

Khi nhận được thiệp mời, cảm giác đầu tiên là ngại ngần. Từ đó dẫn đến suy nghĩ đầu tiên là muốn từ chối. Nhưng thể nào cũng lại có lý do để đi. Những lý do đều không quan trọng, bởi xét đến cùng là xuất phát từ sự bức bách ngoài mong muốn của bản thân.

Tham gia đại tiệc, nhìn thấy người ta rất náo nhiệt, rất vui vẻ. Bản thân ít nhiều cũng bị cuốn theo. Hòa vào đám đông. Sau đó lại có cảm giác hẫng hụt. Trời cuối năm se se lạnh, nhưng nắng vẫn chang chang trên mọi con đường. Mọi con đường đều vắng, ngoại trừ đường hoa Nguyễn Huệ. Những người dân còn sót lại trong thành phố hình như đều đổ ra đây trong mấy ngày tết, từ khoảng đêm giao thừa đến hết mùng 3 âm lịch. Không thể tìm thấy trong đám đông này một gương mặt thân quen. Thì ra tình cờ gặp nhau lại là việc khó hơn lên trời. Chợt nhớ câu trích dẫn đọc đâu đó trên mạng, cảm thấy lòng cũng buồn theo:

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Nao lòng

Mùa xuân này, cảm thấy già đi. Da khô, trong đôi mắt không có tia sáng, còn có cảm giác lớp mỡ dưới da đang biểu tình từng ngày. Từng ngày, ngày nào tôi cũng thích hát bài Còn tuổi nào cho em của Trịnh. Nghe nói sắp phát hành 300 bức thư tình của Trịnh. Có lẽ tôi sẽ tìm mua đọc. Cũng có thể không.

“Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm…” *

Người ta nói đấy là một kho tàng bị lãng phí của Trịnh. Thật ra có những điều viết ra chỉ để dành cho một người đọc. Nó thuộc về một phần đời của những con người yêu nhau đã mất nhau trong đời. Một sự riêng tư vô tận. Những người yêu nhau đã mất nhau trong đời liệu có muốn câu chuyện của mình trở thành của chung?

“Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi,
Ta đã lớn. Và Pauxtốpxki đã chết !” *

Tôi chưa đọc trọn vẹn thiên truyện “Tuyết”. Có cái gì đó khiến tôi không cầm lòng được dù chỉ mới lướt qua vài đoạn trích. “Có một số thứ mà người lữ hành đơn độc mãi mãi không dám chạm đến” (1) – có lẽ đó là lý do. Lâu, tôi cũng không viết câu chuyện nào, dù là những câu chuyện còn đang dở. Tôi lại cảm thấy bản thân càng lúc càng có khuynh hướng thận trọng.

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Ân từ lớn nhất

Khi mùa xuân về, tôi thường cảm thấy mọi thứ đều đã đi vào chỗ kết thúc. Dù là trước đây đã cố sống cố chết như thế nào thì tất cả sẽ dừng lại vào giây phút này. Cảm giác đó khiến tôi tuyệt vọng. Nhiều năm nay, tôi chỉ muốn được dựa vào một thân cây, dưới những tán lá xanh mướt. Có thể nhìn thấy mây bay hờ hững trên đầu. Lại có thể cảm thấy gió lùa qua mái tóc rối. Từ từ khép mắt, tôi hy vọng có thể ngủ một giấc thật sâu. Khi tỉnh dậy, những gì mình trải qua hóa ra chỉ là một giấc mơ dài…

“Quên lãng và bị quên lãng, đều là ân từ lớn nhất…”  (1)

Hôm nay, P hát trên sân khấu, trong chiếc áo sơ mi màu đen, giây phút ấy, tự nhiên cảm thấy cô ấy thật mạnh mẽ. Còn tràn đầy sinh khí. Tôi nghĩ sân khấu hợp với cô ấy. Nhưng có lẽ sau này khó có dịp tôi lại có thể nhìn thấy P trên sân khấu với cùng một loại cảm giác như ngày hôm nay. Bởi cũng không phải lúc nào, tôi cũng đủ mềm yếu để cảm nhận sự mạnh mẽ của người khác. Như lúc ngồi trong phòng tiệc…

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Thiếu nữ đánh cờ vây - Sơn Táp

Trên đời này, người đến rồi người lại đi - tr. 223.

Cuộc đời là một tòa lâu đài gian dối bị thời gian tàn phá - tr. 227.

Tuổi khác nhau và nguồn gốc khác nhau nhưng họ cùng chung số phận: nỗi buồn vô hạn của một tình yêu không thể được - tr. 250.

Cuộc đời là một vòng luẩn quẩn, ngày hôm kia gắn với hôm nay để xua đuổi hôm qua. Chúng ta tưởng mình sẽ tiến lên trong thời gian nhưng thực ra vẫn là tù nhân của quá khứ - tr. 258.

Em đừng sợ, anh sẽ theo em. Anh sẽ bảo vệ em trong thế giới bên kia - tr. 293.

Để có thể ngắm nhìn người tôi yêu dấu, tôi đã cố gắng giữ cho mắt mở - tr. 293.

(Tố Châu dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2008)

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Trước, trong và sau cuộc tình - Jean - Marc Parisis

Sự đau khổ hòa vào mọi điều, kể cả sự ham muốn – tr. 35.

Ngày nay, tất cả mọi người nói bất kỳ điều gì với bất kỳ ai, người ta nói với nhau cứ như từ trong đá lạnh lao ra – tr. 43.

Ngày nối ngày, đêm nối đêm, con người cuối cùng cũng giống nhau – tr. 53.

Sống trong thế giới của mình, đó là muốn thời gian dừng lại, coi thời gian như kẻ thù kiêu ngạo và tự sát. Kiêu ngạo, bởi vì không ai chống chọi lại thời gian mà không tin nó là vĩnh cửu. Tự sát, bởi vì việc cần tìm lại thiên đường đã mất khiến cho cuộc sống trở thành địa ngục – tr. 76.

Chỉ có tình cảm yêu đương, tình cảm chỉ dành cho một người, là có thể hạn chế được dục vọng – tr. 95.

Trong tình yêu, khi không thành đôi, người ta còn không bằng một người – tr. 114.

Thời hòa bình, nỗi đau của tình yêu là nỗi đớn đau duy nhất đáng kể. Nỗi đau mà người ta không hoài nghi, nó làm bạn ngạc nhiên, nó đánh mất bạn, kinh hãi vì quyền năng đầy ải, tiến triển, siêu việt của nó. Ở đó, người ta cảm thấy mình đang sống, nhưng quá xa với nền tảng của nó. Và nỗi lo ngại vây chặt lấy bạn không phải là nỗi sợ hãi cái chết, mà là nỗi sợ phải chấp nhận một cuộc sống mới do nỗi đau gây ra cho bạn – tr. 156, 157.

(Trần Thị Huế, Đỗ Thị Minh Nguyệt dịch, Trần Văn Công hiệu đính, NXB Lao động & Bách Việt Books, 2010)

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Xe đạp ơi



1. Bài hát này thịnh hành vào những năm 1996, 1997. Lúc đó tôi còn có thói quen chép những bài hát hay vào một quyển sổ. Việc làm đó thật ra như một phong trào. Trong lớp học có rất nhiều bạn nữ làm như vậy. Bản thân tôi hồi nhỏ nghe nhạc ít lắm, vì cũng không có nhiều phương tiện để nghe như bây giờ. Nhưng mấy quyển sổ vẫn được chăm chút rất kỹ. Tôi thích bài hát Xe đạp ơi vì nó rất lãng mạn, còn gắn liền với hình ảnh cặp đôi hạnh phúc là ca sĩ Phương Thảo và nhạc sĩ Ngọc Lễ. Thời điểm đó, tôi nghĩ cuộc sống không quá phù phiếm như hiện nay. Vẫn có nhiều mối tình “xe đạp ơi” đầy chất thơ như trong bài hát. Bản thân xe đạp cũng vẫn là một phương tiện phổ biến trong đời sống. Người ta chưa có thói quen nhìn cái xe đoán sự sang – hèn của con người. Hoặc giả lúc đó tôi còn nhỏ, những cái gọi là phân tầng giai cấp cho dù có thể tồn tại ngoài xã hội cũng chưa có cơ hội len lỏi vào thế giới nội tâm của một đứa trẻ con. Đời sống học đường ngày đó tuy không hẳn hoàn toàn trong sáng, nhưng so với học trò ngày nay, tôi cho rằng vẫn thánh thiện hơn nhiều bậc. Tất nhiên, đời sống thế hệ nào cũng có mảng sáng, mảng tối riêng. Tôi thuộc về mảng sáng. Tôi tự hào và cũng không tự hào về điều đó. Nhưng tôi thích tuổi học trò của mình. Đó là những năm tháng hồn nhiên.

Tôi bắt đầu biết đi xe đạp từ cuối năm lớp 6, đầu năm học lớp 7. Đến khoảng năm lớp 12 mới chuyển qua đi xe gắn máy (hồi đó người ta chưa cấm học sinh đi xe máy như một giai đoạn nào đó sau này). Tôi thương chiếc xe đạp của mình. Nó vốn là chiếc xe đạp của mẹ tôi. Mẹ tôi đã dùng nó để chở tôi đi, đón tôi về suốt bao nhiêu năm. Sau này khi có thể tự đi, chiếc xe đạp đó trở thành của tôi. Tôi ngồi trên chiếc xe đạp này, đi từ nhà đến trường, lại từ trường về nhà. Hai năm đầu bước vào bậc học phổ thông, tôi nhớ lúc tan trường, thường sóng đôi với Mỹ Mỹ một quãng về. Mỹ Mỹ ngăm ngăm, gầy gò, ngày đó thường hai tay ôm cái cặp trước người, vì cặp của bạn vì đứt dây đeo, nom có vẻ nhút nhát, tồi tội. Thật ra Mỹ Mỹ rất lạc quan, vui vẻ (bây giờ thì âu sầu, có lẽ vì cuộc sống quá chừng trắc trở). Sau này, tôi đi xe máy, bạn đi xe đạp. Nhưng chúng tôi vẫn tà tà về cùng nhau như trước đây. Tình cảm không có gì khác biệt.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Ngày mai trời lại sáng, phải không...

Ngày 01 tháng 01, ngày đầu tiên của năm 2011, hắt xì gần như liên tục. Bệnh. Mệt mỏi, vào ngày đầu tiên của năm…

Xem nốt bộ phim đang dở từ năm ngoái (nói năm ngoái, thật ra là mới chỉ ngày hôm qua). Trên đời có những con người yêu nhau như vậy sao? Ba lần của mười năm, là ba mươi năm. Chưa từng nói, anh yêu em, em yêu anh nhưng chỉ một câu: sống thì cùng sống, chết thì cùng chết cũng đủ làm người ta chờ đợi nhau suốt đời. Một mối tình khiến người ta rơi lệ, mối tình ấy chỉ có trong phim ảnh. Vào ngày đầu tiên của một năm, thật không nên xem một bộ phim có một mối tình khiến người ta rơi lệ.

Ngày thứ hai của năm, người không khỏe hơn, cũng chẳng yếu hơn. Buổi sáng, lê la đến một quán cà phê sách. Chỉ uống cà phê mà không đọc sách, cho dù trên bàn cũng chất đến ba quyển sách dày cộp. Không gian quán này yên tĩnh, dường chỉ một màu nâu trầm. Nhưng thực đơn đắt đỏ, các món ăn mang dáng dấp vừa lạ vừa quen. H có vẻ khách sáo. Nhưng không sao, được bạn mời, đó vẫn là một vinh dự.

Buổi chiều cùng ngày, đi xem kịch. Cô bạn sau mấy ngày thất tình ảm đạm hình như đã lấy lại thần sắc vui tươi. Còn phác thảo những kế hoạch vĩ mô sắp tới trong đời. Những kế hoạch tạm thời thiếu bóng dáng đàn ông. Tôi cười. Người con gái khi thất tình không còn nói về giấc mơ “ngôi nhà và những đứa trẻ” như cô ta vẫn thường nói chỉ cách đó ít lâu nữa. Người con gái thất tình trở về đúng với con người của mình, phác thảo tiếp những kế hoạch về sự nghiệp mà khi một mình có lúc nào đó cô ta từng nói tới. Kết quả cô ta cho ra đời một tác phẩm hay lại là những bản nháp không bao giờ hoàn chỉnh, đó là câu chuyện tôi không thể đoán trước được. Nhưng bạn ơi, đừng buồn, cũng đừng tự ái. Dù thế nào, tôi vẫn ủng hộ bạn, ít ra đó là điều tôi muốn làm, trong tư cách một người bạn!

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...