Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Khi những người mẹ chọn cái chết


Khoảng những năm 2000 – 2004, khi còn ở tại một căn hộ lầu 3 trên đường Trần Hưng Đạo, có một sự việc tuy chỉ là nghe loáng thoáng từ những câu chuyện vãn giữa mẹ tôi và bác chủ nhà, song đến nay tôi vẫn còn nhớ.

Đâu đó trong một căn hộ ở những lầu dưới, có một người phụ nữ lập gia đình khi tuổi đã gần 40. Người chồng nhỏ hơn vợ vài tuổi. Người ta không thể nói về một trường hợp như vậy mà không ít nhiều thêm vào những suy nghĩ kinh điển trong xã hội: một người đàn ông cao lớn, khá đẹp trai như thế, lấy một người phụ nữ già và xấu thì cái việc cô ta có nhà (trong khi anh ta không có) hẳn là lý do chính của cuộc hôn nhân. Dù vậy bác chủ nhà không phải tuýp người khắc nghiệt. Bàn tán chuyện thiên hạ nhưng bác không quên bảo, tiếp xúc với người chồng, bác thấy anh ta là người hiền lành và chịu khó làm ăn. Tôi không nhớ mình từng chú ý đến những chi tiết có tính khởi đầu này về họ. Đối với tôi, họ chỉ là nhân vật trong một câu chuyện kể. Sự quan tâm (nếu có) còn ít hơn sự quan tâm đối với nhât vật hư cấu trong sách truyện.

Tôi không nhớ là sau đó bao lâu, tôi lại nghe được từ bác chủ nhà, chuyện người vợ mang thai. Cái chính là cô ấy mắc phải căn bệnh nào đó. Tôi nghĩ bác chủ nhà cũng không biết đó là căn bệnh gì. Chỉ biết người ta dự báo trước được cái chết của cô ấy. Và dường như việc mang thai và sinh nở làm cho căn bệnh ấy nặng thêm. Bác chủ nhà bảo có lúc cô ấy rất đau đớn nhưng vẫn quyết tâm sinh đứa bé. Bác chủ nhà bảo có lúc anh chồng nói với cô ấy, cô ấy đau chỗ nào thì anh ta sẽ hôn lên chỗ đó (có cái gì trong biểu hiện của bác chủ nhà và mẹ tôi khi ấy, dù sự thương cảm dành cho hoàn cảnh của cô ấy là chắc chắc, ở họ vẫn có cái gai người khi nhắc đến lời nói của anh chồng – kiểu như âm thanh “khiếp, khiếp” chúng ta phát ra mỗi khi có cái gì làm chúng ta rùng mình, nhưng bản thân từ “khiếp, khiếp” này mang nhiều sắc thái và không phải lúc nào chúng ta cũng đoán đúng  tâm trạng của người khác khi họ thốt ra cái từ ấy – bởi cùng lúc tôi lại thấy dường như họ đang tán dương người chồng). Tôi thoảng nghĩ về sự lãng mạn trong cách biểu hiện tình yêu của họ, song, ở những năm tuổi 15, 16, tôi đã biết hoài nghi – tôi không biết bằng cách nào, nhưng theo cách bác chủ nhà từng nói về họ, tôi thấy thật khó nghĩ người chồng có thể nói ra câu ấy, trong hoàn cảnh ấy (giờ đây khi nhớ về, tôi thấy mình thật phiến diện và tôi cũng thấy thật kỳ lạ, làm cách nào bác chủ nhà có thể biết được câu nói hết sức riêng tư như vậy giữa vợ chồng họ với nhau). Nhưng trong một câu chuyện thế này, điều bạn chú ý đến nhiều hơn là người mẹ và đứa trẻ - vì vậy mọi cảm nhận khác suy cho cùng đều mơ hồ và không quan trọng. Tôi nghĩ đó có thể là lần đầu tiên tôi biết đến một người mẹ chọn cái chết để con mình được sống. 

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Khởi sinh của cô độc – Paul Auster

Điều gì làm nên một nhà văn? Khi bạn viết một câu chuyện, một câu chuyện bạn có thể bắt gặp ở nhiều nơi, trong nhiều phận người, nhưng được diễn đạt theo một cách hoàn toàn của riêng bạn, mà cùng một câu chuyện ấy, người khác hầu hết chỉ có thể kể theo một cách, bằng cùng một giọng điệu, thế là bạn có một câu chuyện của riêng bạn, mang phong vị của riêng bạn, đó là văn chương, đó là nhà văn – ít nhất không tầm thường. Khi đọc Khởi sinh của cô độc – tôi thoáng có suy nghĩ ấy. Tôi nghĩ mình hiểu mà lại không hoàn toàn hiểu hết những gì Paul Auster viết. Sự kín đáo theo lối tiết chế của nhà văn khi viết về những khía cạnh thuộc đời tư của mình gợi mở sự hấp dẫn và trong chừng mực nào đó, hé lộ tài năng văn chương của ông.

Bạn cuối cùng đã nhìn thấy cái ở đằng sau bức màn nhưng dù vậy, bạn chỉ thấy được những gì được cho phép thấy, và dù vậy, bạn có thể minh định điều bạn thấy không thì không có gì chắc chắc. Đây cũng là khẳng định của Paul Auster trong hành trình cố gắng thấu cảm sự cô độc của con người. Trong cách ông viết về cha mình – tôi có suy nghĩ, điều làm nên sự đặc biệt, khía cạnh phức tạp, bí ẩn nơi con người mà cũng dễ có thể bị kết luận là tẻ nhạt, bình thường ấy chính là ở nơi cách ông nhìn, cách ông hiểu, cách ông tiếp cận và khai thác – những chất liệu tưởng chừng nhỏ bé, mờ nhạt thuộc về một con người, một cuộc đời dường như có ở đó mà dường như không hiện diện ở nơi nào. Nói khác đi, chân dung ấy đi vào lòng người – với chừng đó bí ẩn và chừng đó lý giải nhưng không bao giờ đủ – phần lớn nhờ tài năng người cầm bút, tất nhiên đằng sau đó, động lực của những trang viết là những trăn trở tình cảm mà nhà văn hướng về người cha đã khuất. Tôi cũng đồng thời thích phần Chân dung một người vô hình hơn phần Sách của ký ức. Tôi cùng lắm đọc cuốn này khoảng nửa năm trước thôi (nghĩa là phải ít hơn thời gian này), thế mà giờ nghĩ về, tôi thấy lạ lẫm quá chừng, đặc biệt là đối với phần thứ hai ấy. Sự trúc trắc trong ngôn từ dẫn đến những diễn đạt đôi khi gây khó hiểu là điều tôi không thích nhất ở tác phẩm (càng về sau mức độ càng nhiều, tôi có cảm giác như ăn phải cơm có sạn, nó làm tôi khó chịu, phải thừa nhận). Lòng nhiệt thành của tôi giảm đi, tôi thậm chí không sẵn sàng ngồi gõ lại những câu văn mình vốn đã đánh dấu lại để trích dẫn như thói quen mỗi khi đọc. Nhưng luôn có một thời điểm thích hợp nào đó. Như trong những ngày tháng mười, có những cơn giông vào cuối chiều, mưa rào trong đêm và sự cô độc ở đâu đó, xuyên qua không gian và thời gian, bạn nhìn thấy, sâu như lòng người…

Hôn nhân, trái lại, đã đóng sập cánh cửa. Sự tồn tại của bạn bó lại trong một không gian hẹp mà bạn phải không ngừng để lộ bản thân – và vì thế, không ngừng bị cưỡng chế phải nhìn vào bản thân, xem xét thế giới sâu hút của riêng mình. Khi cánh cửa mở ra thì chẳng bao giờ tồn tại vấn đề gì cả : bạn luôn có thể chạy trốn. Bạn có thể tránh những xung đột không mong muốn, dù là với chính mình hay kẻ khác, chỉ đơn giản bằng cách bỏ đi – tr. 25.

Dối trá là một cách mua sự phòng vệ - tr.26.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Đảo cô hồn (3)

Hai. Gian nan kiếm tiền

Đối với cô hồn chúng tôi thì tháng bảy là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm. Có hai lý do: thứ nhất, vào tháng bảy chúng tôi được phép rời khỏi đảo để lên trần gian. Không cần phải nói hẳn bạn hiểu việc được thoát khỏi địa ngục âm u tù túng dù chỉ là trong khoảng thời gian ngắn ngủi có ý nghĩa thế nào đối với chúng tôi. Nó giống như đứa trẻ nghèo được diện áo mới vào mùa xuân. Niềm xúc động thiêng liêng đó chỉ những ai từng trải qua mới thấu hiểu được. Nhưng tầm quan trọng của tháng bảy với cô hồn không chỉ dừng lại ở đó, thậm chí có thể nói rằng hầu như chỉ có những ai mới chết xuống còn lưu luyến trần gian náo nhiệt mới thiết tha sự quay trở lại để lần tìm ký ức vốn sẽ rơi rụng dần đi. Còn đại đa số cô hồn mong ngóng đến tháng bảy vì đó là tháng kiếm ăn, tháng để chúng tôi tích lũy cho cuộc sống cả năm.

Tôi đã nói rằng cô hồn là những người không còn được ai tưởng nhớ trên cõi thế. Chính điều này đã góp phần không nhỏ quyết định số phận bạc bẽo của chúng tôi sau khi chết. Bởi vì chúng tôi hầu như đói khát quanh năm. Địa phủ không tự nhiên cung cấp thức ăn cho chúng tôi dù chúng tôi nghèo rớt mùng tơi. Muốn có thức ăn chúng tôi cũng phải có tiền. Và thật ra từ sau khi chết, tôi phát hiện một sự thật rằng trong vũ trụ này, không có bất cứ thứ gì được cho không biếu không, càng không có bất cứ thứ gì có giá trị lại được dán nhãn “miễn phí”. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ, đến tình yêu có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng trái tim âm u của tôi dường như vẫn còn đau đáu một điều gì đó. Phải chăng tôi trong kiếp làm người đã từng đau nỗi đau của tình yêu? Tôi không muốn tin rằng tôi đã từng yêu tha thiết để phải nhận ra rằng khi chết đi mình cũng vẫn chỉ là một hồn ma cô lẻ. Chẳng lẽ chúng tôi đã yêu nhau để rồi quên tất cả về nhau?

Vì cô hồn cũng cần tiền để trang trải cuộc sống sau cái chết nên giống như con người, chúng tôi cũng phải kiếm tiền. Vào tháng bảy khi cửa địa ngục mở và Quỷ địa ngục thông đường từ đảo cho chúng tôi lên trần gian thì công cuộc kiếm tiền của chúng tôi bắt đầu. Con người vào riêng tháng này trong năm, ngoài ma thân nhân của họ, còn hào phóng phúng điếu đủ thứ vàng, bạc, tiền xuống cho tất cả các cô hồn. Nhưng dù cứ mỗi năm qua đi, số lượng họ phúng điếu cho chúng tôi có khi ít có khi nhiều thì cũng không đủ cho tất cả các cô hồn. Bởi vì luôn có các cô hồn mạnh trong việc dành phần cho mình và có những cô hồn chỉ vớt vát được những thứ còn thừa lại. Rất nhiều cái gọi là tình bằng hữu tan vỡ sau tháng bảy. Tất nhiên cũng nhiều liên minh được củng cố vững chắc hơn sau tháng bảy. Nhưng đại đa số chúng tôi kiếm ăn độc lập và chỉ chấp nhận một quy tắc duy nhất là dành một ít phần dâng cho những cô hồn lâu năm – những vị đã dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên về thế giới ma quỷ. Tôi không giỏi cạnh tranh dành phần cho mình, cũng tự cảm thấy hành động ấy mất tư cách, ngay cả khi là tư cách của một cô hồn. Thông thường tôi tìm cách giúp đỡ người nào đó và như vậy cứ những gì họ phúng cho cõi âm thì mặc nhiên sẽ có phần dành cho tôi. Có điều theo cách đó tôi không kiếm được nhiều nhặn gì và phải dè sẻn tuyệt đối suốt năm. Lấy gì dư mà đến Đảo hoan lạc?

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Tôi thích cô bé Scout hơn nhưng tôi nhớ cậu nhóc Holden


Tôi vẫn thường cảm thấy Giết con chim nhạiBắt trẻ đồng xanh có một sự liên quan nào đó, dù thực tế hiển nhiên đó là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập. Dù vậy, cảm giác về sự liên quan ấy mãi theo đuổi tôi. Sau khá nhiều lần bỏ qua việc đọc chúng, cuối cùng tôi mới chạm tay vào hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển này. Tôi thấy thời điểm mình đọc đã trở nên khá muộn. Hẳn bạn đọc nên tiếp cận với hai cuốn sách này từ sớm, đặc biệt với Giết con chim nhại – trẻ em có thể tìm thấy trong đó những bài học giáo dục ý nghĩa, trong khi Bắt trẻ đồng xanh dường như phù hợp với tuổi vị thành niên nổi loạn (nhưng cho những ai muốn tìm lại chút hương vị dù gần gũi hay xa lạ với mình trong những năm tháng hoa niên có lẽ cũng không phải sự chọn lựa tồi, đặc biệt nếu bạn đang chán mớ đời nhiều giả dối). Tôi mua hai cuốn sách trong cùng thời điểm. Nhưng quá trình đọc thì khác nhau.

Tôi đọc Giết con chim nhại khá nhanh, trong khi với Bắt trẻ đồng xanh thì ngược lại. Nếu Giết con chim nhại giống như một bé gái trong sáng, quả cảm, giàu tính chính nghĩa làm cho người ta yêu mến từ phút đầu đến phút cuối thì Bắt trẻ đồng xanh mang đến ấn tượng ban đầu của một cậu con trai bốc đồng hư hỏng. Bạn khó mà yêu mến chàng trai ấy ngay được. Sự yêu mến chỉ đến nếu bạn dành cho chàng sự nhẫn nại (bởi bạn là độc giả kiên nhẫn, tò mò hay vì những lý do ấm ớ nhưng thiết thực như tiếc tiền mua sách hay vì muốn đọc mà chưa có tiền mua sách mới). Phải mấy tháng trôi qua tôi mới trở lại với Bắt trẻ đồng xanh. Khi đọc trọn vẹn thì sự khó chịu ban đầu nguôi ngoai. Tôi nhận ra đằng sau sự ngổ ngáo hư hỏng của cậu trai kia là một tâm hồn lương thiện trong sáng. Và tôi bắt đầu thấy cậu ấy dễ thương…

Tôi vẫn mang theo cảm giác về sự liên quan giữa hai tác phẩm, cho đến bây giờ, sau khi đã đọc xong hết cả hai. Đó cũng là lý do khi muốn khái quát đôi dòng cảm nhận, tôi không chọn viết riêng từng tác phẩm. Dù vậy tôi lại không tránh khỏi cảm giác lúng túng khi xếp đặt chúng cạnh nhau, như thể tôi đang làm phép so sánh (tôi hoàn toàn không có ý định này). Nhưng có vẻ như đó lại chính là điều tôi đang làm. Phút chốc tôi cảm thấy mình trở nên vụng về và kém tinh tế làm sao…

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...