Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Điều duy nhất tôi hiểu rõ, đó là tôi tuyệt không hiểu gì hết


Tôi bắt đầu đọc Biên niên ký chim vặn dây cót vào khoảng tháng 11 năm 2012. Đọc bản điện tử. Những gì tôi đã đọc khá thu hút tôi vào thời điểm bấy giờ. Tuy thế độ dài của tác phẩm khiến việc đọc bằng máy tính trở nên khó khăn. Vì vậy rất, rất lâu sau thời điểm đó, khi có điều kiện, tôi mới tiếp tục đọc Biên niên ký chim vặn dây cót bằng bản in giấy. Tôi đọc lại từ đầu. Không nhanh nhưng từ cuối năm ngoái tôi quyết tâm rằng sẽ tăng tốc độ đọc sách của mình. Đôi khi tôi vẫn bị thu hút bởi những hình thức giải trí khác nhưng không có gì đem lại cho tôi sự thanh tĩnh hơn là khi cầm một quyển sách trên tay, ẩn mình trong những trang giấy, dõi theo những tâm tư và những cuộc đời khác. Trong lúc đó không còn nghĩ gì đến mình. Chỉ đọc sách. Tôi thấy đó là việc thư thái vô cùng. 

Tôi cũng mong muốn viết lại nhiều hơn những cảm nhận của mình về những quyển sách. Giống như tôi nói với Còi Cọc, việc ấy để ghi nhớ lại, vì tôi thấy rằng thời gian trôi đi, ghi nhớ của tôi dành cho một tác phẩm nào đó từng đọc sẽ rơi vào vùng quên lãng của ký ức (và việc đọc như thế thì phí phạm quá). Và để chia sẻ (như tôi vẫn thường tìm kiếm cảm nhận của độc giả về một quyển sách nào đó trước khi mua, tôi thích sự chất phác trong tâm thế người đọc hơn là phải khổ sở tiếp thu những đánh giá mang tính phê bình chuyên nghiệp, mặc dù kỳ thực thì việc này không hoàn toàn quyết định được tôi sẽ mua quyển sách nào). Tôi cũng từng khuyến dụ Còi Cọc viết lại những cảm nhận của cô về những gì cô đã đọc (để cho tôi xem). Trong số bạn bè ít ỏi của tôi, cô là người ưa đọc sách hơn cả. Và cô có một cách hành văn thú vị, cái kiểu ngạo đời tưng tửng mà tôi không bao giờ có. Nhưng Còi Cọc không viết (dài) nữa rồi. Cô đã trở thành tín đồ của facebook. Và vừa mới hôm qua, cô nói với tôi, bây giờ cô chỉ thích đọc truyện cấp ba. Thực là khi nghe thế tôi tưởng bạn mình nói về truyện dành cho học sinh phổ thông trung học. Nhưng vì không thường thấy ghi chú về những quyển sách nào đó chỉ dành riêng cho học sinh phổ thông, tôi hỏi cô : truyện cấp ba là truyện gì. Và sau đó là đôi ba câu nói mà tôi cũng không chắc là bông đùa hay nghiêm chỉnh. Nếu nhìn cô, Còi Cọc ấy, bạn chả thế nghĩ cô là mẫu phụ nữ một ngày đẹp trời có thể nói với cậu bạn thân của mình: tớ chỉ quan tâm đến cái phần từ thắt lưng của cậu trở xuống mà thôi…

Tôi lại rơi vào vòng lan man rồi. Tôi đang muốn nói đến việc là từ cuối năm ngoái, tôi muốn cố gắng ghi lại càng nhiều càng tốt những cảm nhận của mình về những quyển sách đã đọc. Và cả những quyển sách nhiều năm trước, từ cái hồi tôi chưa biết blog hoặc là không cảm thấy việc này sẽ có ý nghĩa với mình. Khi bạn đọc sách nhiều hơn (tính theo năm tháng) thì nhìn lại, bạn thấy rõ hơn cái sự quên quên nhớ nhớ của mình. Như tôi vậy. Thế nên là mặc dù không có nhiều suy nghĩ hay cảm xúc đối với Biên niên ký chim vặn dây cót, tôi cố gắng để ghi lại vài dòng về tác phẩm mà phần mở đầu khi đọc bản điện tử đã thôi thúc tôi mong muốn được cầm sách in trên tay.

Biên niên ký chim vặn dây cót – Haruki Murakami


Nói cho cùng, liệu con người có thể hoàn toàn hiểu nhau không ?
Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều thời gian và công sức hòng hiểu được người khác, nhưng rốt cuộc chúng ta tiếp cận được tới đâu cái bản chất sâu xa của người đó ? Ta tự thuyết phục mình rằng ta biết rõ người kia, nhưng liệu ta có thực sự biết điều gì hệ trọng về một ai đó không ? – tr. 32.

Không có gì bào mòn sinh lực con người cho bằng sự nỗ lực vô nghĩa và vô ích – tr.62.

Khi anh đã quen với cuộc sống đó rồi – không bao giờ có được cái mình muốn – thì anh sẽ không còn biết mình muốn gì nữa – tr.87.

Cái gì mua được bằng tiền thì phải bỏ tiền mua, đừng đắn đo hơn thiệt. Hãy để dành tâm lực cho những cái mà tiền không mua được – tr. 136.

Sống như cái vỏ rỗng thì không phải là sống, dù kéo dài bao nhiêu năm đi nữa. Con tim và xác thịt của một cái vỏ rỗng chẳng sinh ra gì khác hơn là cuộc sống của một cái vỏ rỗng – tr. 201.

Có một số loại thông tin cứ như khói : nó xộc vào mắt, vào tâm trí người ta dù người ta có tìm kiếm nó hay không, có thích hay không – tr. 230.

…sự sống của ta hạn hẹp hơn nhiều so với những ai đang rơi vào vòng xoáy của đời vẫn tưởng. Ánh sáng chỉ rọi vào hành vi sự sống trong một khoảnh khắc tột cùng ngắn ngủi, có lẽ chỉ vài giây. Một khi ánh sáng đã ra đi mà ta chưa ngộ được điều khải thị nó mang lại cho ta thì sẽ không còn cơ hội thứ hai nữa. Có khi kẻ đó sẽ phải sống nốt quãng đời còn lại trong nỗi cô đơn và sám hối sâu thẳm và vô vọng. Trong cái thế giới xế chiều đó, ta không thể trông mong bất cứ điều gì nữa. Tất cả những gì kẻ đó nắm trong tay chỉ là cái xác khô còn lại của cái lẽ ra đã có – tr. 244.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Thời gian trắng



Những ngày chưa lớn tôi đã có suy nghĩ: đời người có hai nơi chốn không nên đến (nghĩa là chẳng thích và muốn và vì vậy tránh được càng nhiều càng tốt): cửa quan và bệnh viện. Dù theo thời gian, tôi hiểu rằng, đó là hai nơi con người chẳng thể nào từ khước. Chúng ta không có nhiều lựa chọn khi đứng trước hai cánh cửa ấy. Kỳ thực khi phải trình diện thì nghĩa là không còn lựa chọn rồi. Tôi chỉ lấy làm tiếc, đôi khi, là cái hồi quyết định đi theo ngành luật, tôi quên bẵng ý niệm ban đầu của mình về cái gọi là nơi chốn không nên đến ấy. Nếu nhớ và con đường rẽ theo một hướng khác, ít nhất tôi có thể kiểm soát số lần gõ cửa các cơ quan quyền lực. Cuộc sống liệu có vui vẻ hơn chăng? Tôi không chắc. Nhưng bạn biết đấy, nếu một trong những nghề nghiệp có mức độ hạnh phúc nhất thuộc về lĩnh vực tạo mẫu tóc, trang điểm làm đẹp, thì một trong những nghề nghiệp ít hạnh phúc nhất lại thuộc về giới luật sư. 

Với bệnh viện, như là “trời kêu ai nấy dạ”, có lúc bạn phải đến vì người khác, có lúc phải đến vì mình. Và ngoại trừ đi thăm đứa trẻ nào đó vừa chào đời – một sinh mệnh mới, hiện thân tươi tắn của sự sống, tôi có thể nhìn thấy ở nó còn dài một tương lai rộng mở phía trước hay ít ra hẵng còn rất lâu, rất lâu, sinh linh bé nhỏ ấy mới nếm trải buồn vui của cuộc đời – những lần khác, đều đem đến cho tôi một tâm trạng nặng nề. Kể cả không có gì chắc chắc là nghiêm trọng, khía cạnh u ám nhất của tôi gần như phát huy tối đa trong mỗi lần đến bệnh viện. Tôi như lê mình trong dãy hành lang, trong các phòng bệnh. Căng thẳng khi chờ đợi, gồng mình khi thăm khám và một lần nữa cảm thấy sự căng thẳng trong trí óc khi nghe kết quả. Đến nỗi có lúc tôi như chẳng nhìn thấy ai và nghe được điều gì. Ngoại trừ dường như tôi lại tìm thấy trong mọi nét mặt, mọi lời nói ngụ ý về một tình trạng đáng lo ngại nào đó. Ở bệnh viện tôi không cười nổi. Giống như một sinh vật bị chọn làm vật thí nghiệm. Tôi đang đối diện với thời khắc cuối cùng của sinh mạng.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...