Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Dạo gần đây bạn có đọc quyển sách nào không? (2)

2. Quyển sách gần đây nhất mà tôi tặng, cách nay cũng đã gần bốn tháng rồi. Người nhận là Còi Cọc. Dĩ nhiên là tôi vốn màu mè hơn Còi Cọc, cho nên tôi không thể không gửi kèm một tấm thiệp và bằng cách đơn giản nhất, làm cho cả hai thứ này trông ổn như một món quà. 


Chính xác thì đây là một quyển thơ. Tôi mua cho mình một quyển và cho Còi Cọc một quyển. Tôi không giấu diếm rằng hai quyển thơ này tôi mua được giảm giá. Có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau. Có lẽ đại khái tôi đã tỉ tê trong thiệp rằng tôi cầu mong sao cho Còi Cọc theo thời gian có thật nhiều yêu thương mà cô ấy không bao giờ quên cũng như quên cô ấy (nguyên văn chính xác thế nào thú thực tôi không còn nhớ. Trong vô số những tỉ tê dài dòng dưới dạng chữ viết của tôi, tôi không nhớ cho trọn được). Tôi chỉ chắc rằng tôi hiếm khi thô lỗ, và luôn ảo tưởng hơn ở thời điểm viết cái gì đó so với thời điểm khi đọc lại. Ấy thế nên khi ngẫm nghĩ tôi đã từng tặng cho cô ấy một quyển thơ với nội dung mong cầu liên quan đến tựa đề của nó, tôi bỗng tự hỏi làm thế nào mà tôi nghĩ và viết như thế. Nếu hỏi tôi Có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau thì câu trả lời của tôi, mạnh mẽ và rõ ràng: Tất cả chúng ta sẽ quên và quên sạch. Như nhà văn Chu Lai đã từng viết rồi: 

Dĩ vãng… Kỷ niệm… Nhớ thương… Hết thảy đều chìm trong bụi thời gian mốc thếch. 

Còn nhớ sau đó, tôi từng hỏi Còi Cọc thích nhất bài thơ nào trong quyển thơ đó của Nguyễn Phong Việt, tôi đã nghe câu trả lời nhưng lúc này tôi không chắc mình nhớ chính xác. Tôi chỉ nhớ cô ấy nói rằng vào giây phút đọc đến bài thơ ấy, cô ấy có sự đồng cảm. Vậy nên lúc bấy giờ đó là bài thơ Còi Cọc thích nhất. Tôi nghĩ đến Khi ta mỉm cười và nói… Tôi mong là trí nhớ của mình chưa quá hổng theo cái kiểu ngày càng quá hổng của nó. Với tôi, thật khó để chọn lựa tìm ra bài thơ tôi thích nhất của Nguyễn Phong Việt. Nếu tính riêng trong tập thơ này, tôi cũng gần như Còi Cọc, bất giác tìm thấy niềm xúc động sâu xa khi đọc đến Rồi sẽ đến lúc con cần phải trở về, vậy nên có thể nghĩ đây là bài thơ tôi thích nhất trong tập thơ. Tuy thế, tôi đã đọc thơ Nguyễn Phong Việt từ trước khi tập thơ được xuất bản. Đến bây giờ, nhắm mắt lại và để những câu thơ của tác giả này vang vọng trong tâm trí mình, tôi chỉ nghe thấy tha thiết những tiếng vọng này:

Dạo gần đây bạn có đọc quyển sách nào không?

1. Hai quyển sách gần đây nhất được tặng: Cuộc đời của Pi và Trò chuyện trong quán La Catedral. Đều là từ Còi Cọc. Một quyển không nhân dịp gì và một quyển là quà tồn sinh nhật năm ngoái. Tôi khẽ vui mừng khi nhìn thấy Cuộc đời của Pi. Tôi mong muốn đọc tác phẩm này đã lâu. Khi sách tái bản, may mắn trước khi mua về, tôi được bạn mình tặng. 


Tôi đọc Cuộc đời của Pi khá nhanh, khác với kiểu đọc từ tốn thông thường. Không quá ấn tượng. Nhưng thú vị và háo hức thì nguyên vẹn, từ những trang đầu cho đến trang cuối cùng. Một quyển sách tàn khốc về mặt sinh tồn – khi đọc, bạn có thể rút ra điều này: con người khi đói, có thể ăn bất cứ thứ gì, và để được ăn bất cứ thứ gì, người ta có thể làm bất cứ điều gì, kể cả giết chóc. Và giết chóc là việc con người có thể làm quen, hệt như đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh hàng ngày... từ từ thành thục đến mức trở thành bản năng. Ngoại trừ vài chi tiết rùng rợn, Cuộc đời của Pi có thể được thưởng thức như kiểu theo dõi một chuyến thám hiểm kỳ ảo với những diễn biến nhiều kinh ngạc. Tuy chuyến thám hiểm ấy nhiều nỗi đau, thể xác và tinh thần, nhưng ta thấy rạng rỡ hơn cả là lòng can đảm, niềm tin và tình yêu vào cuộc sống. Một con người vượt qua giới hạn của chính mình, vẫn yêu và khao khát sống trong những hoàn cảnh khổ ngặt nhất. Đây có lẽ là biểu trưng cho sự phi thường nơi con người.

Cuộc đời của Pi – Yann Martel



Khi ta đã chịu nhiều đau đớn ở đời, mỗi một nỗi đau mới sẽ vừa nặng trĩu mà cũng lại chẳng là gì – tr.27.

...tất cả chúng ta ai cũng có quyền nghi hoặc. Nhưng chúng ta phải bước tới. Lấy hoài nghi làm triết lý sống ở đời thì cũng như lấy sự bất động làm phương tiện giao thông vậy -  tr.59.

...cái ác ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài. Bãi chiến trường để giành giật cái thiện không phải là quảng trường công cộng kia mà ở khoảng rừng thưa nhỏ bé trong trái tim ta – tr. 120.

Sợ hãi là đối thủ thực sự duy nhất của cuộc sống. Chỉ có sợ hãi mới đánh bại được cuộc sống... Bởi vì Sợ hãi, nỗi Sợ hãi thực sự, hằn sâu vào tận cốt tủy như khi ta phải đối mặt với cái chết, sẽ làm tổ trong ký ức ta như một ổ thịt thối : nó tìm cách làm thối mọi thứ, kể cả những lời sẽ phải dùng để nói về chính nó. Cho nên ta phải tranh đấu kịch liệt để diễn đạt nó ra. Ta phải chiến đấu đến cùng để làm rỡ ràng ánh sáng của những lời dùng để nói về nó. Bởi lẽ nếu không thế, nếu nỗi Sợ hãi của ta trở thành một cõi đen tối không lời mà ta lẩn tránh, thậm chí còn có thể lãng quên, ta sẽ bỏ ngỏ chính ta cho những cuộc tấn công khác nữa của Sợ hãi, vì ta đã chưa bao giờ thực sự kháng cự kẻ đã từng đánh bại ta – tr.239-240.

Người ta có thể quen với bất kỳ việc gì, kể cả giết chóc – tr.271.

Lòng tin vào Thượng đế là một hành động hỉ xả, thả lỏng, một niềm tin sâu xa, một cử chỉ yêu thương không phải trả giá – nhưng đôi khi ta thấy yêu được thật khó khăn biết bao – tr.302.

Cái quan trọng ở đời là phải kết thúc mọi thứ cho chỉn chu. Có thế ta mới yên tâm mà đi được. Nếu không thì lúc nào trong ta cũng đầy những lời muốn nói mà chẳng bao giờ nói, và lòng ta sẽ nặng trĩu ân hận – tr.402.

(Trịnh Lữ dịch – NXB Văn học, 2013)

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

"Lễ" nhận bằng của tôi

Và sau đây là "lễ" nhận bằng của tôi.


Một thông báo được ban hành với hiệu lực trong ba ngày. Trong ba ngày, những người có tên trong danh sách phải trực tiếp đến nhận bằng tại phòng đào tạo sau đại học. Có hai người đã gọi điện cho tôi về thông báo này. Một vào buổi chiều trước khi ngày đầu tiên nhận bằng bắt đầu. Một vào buổi tối trước ngày cuối cùng kết thúc nhận bằng. Là ngày hôm nay. Tôi đã đến nhận bằng vào buổi sáng. Một buổi sáng âm u, với gió lạnh và mây trời vần vũ muốn đổ mưa. 

Căn phòng ấy bừa bội. Tôi không nhớ sự ngăn nắp của nó trước đây như thế nào. Dẫu sao ít cái mùi lạnh lẽo mỗi lần tôi ghé trước đây. Cái mùi khiến tôi hoảng sợ. Cái mùi tôi từng bắt gặp lại trong căn phòng có buổi bảo vệ luận văn của tôi. Mang máng cái mùi trong phòng tay giám đốc trước đây tôi từng làm việc. Tôi trở nên nhạy cảm. Hễ tôi ngửi thấy cái mùi ấy ở nơi nào, tôi liền rùng mình co người lại. Cảm giác thế giới này quay lưng lại với tôi. Cái mùi người lạnh lẽo ấy. Tôi không thể nào quên.

Tôi phải đợi vì người phụ trách cho ký nhận bằng không có mặt vào thời điểm đó. Tôi đứng như tàng hình trong căn phòng ấy. Hai người đàn ông làm công việc của họ. Một người đàn ông nữa bước vào. Họ tiếp tục công việc. Tôi ở đó và càng lúc càng thấy mình thừa thãi. Tôi bước ra ngoài sảnh chờ để tìm một chỗ để ngồi. Tôi phát hiện mọi dãy ghế trước đây đều đã biến mất. Vài nam sinh viên nằm sóng soài dưới đất. Một số ngỏng đầu lên nhìn tôi. Và chúng tôi nhìn nhau không khái niệm. Tôi quay trở lại, nhìn lên những bức tường dán chi chít thông báo. Chăm chú đọc trong vô thức. Hành lang vắng vẻ. Lác đác vài người lại qua. Tôi vẫn đang đợi. 

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...