Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Có một Xóm vắng trong lòng tôi


Quỳnh Dao là nữ văn sĩ Đài Loan. Nhắc đến bà, gợi nghĩ trong tôi là ngoài cái tên hay (là bút danh mà tôi ngỡ là tên thật), cụm từ “tiểu thuyết diễm tình” ám chỉ dòng văn chương với những chuyện tình đẫm lệ mà bà theo đuổi, còn là tài năng làm phim. Và tôi cũng chủ yếu biết đến đồng thời tin rằng nhờ khả năng đưa tiểu thuyết của mình lên màn ảnh, Quỳnh Dao đã mở rộng tên tuổi của mình đến những biên giới mới. Một lượng khán giả của Quỳnh Dao có thể cũng như tôi, không đọc tiểu thuyết của bà nhưng ít nhiều đều biết đến và/hoặc yêu thích phiên bản điện ảnh của một hay nhiều tiểu thuyết của nữ văn sĩ và do vậy không thể hoàn toàn không biết đến tên tuổi của bà. Thật ra đọc hay không đọc, xem hay không xem phim của Quỳnh Dao đều không phải là chủ định của tôi. Mọi thứ có lẽ cũng chỉ là sự tình cờ.

Tôi nhớ trong các nhà sách tôi từng đến, bao gồm Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Miền Nam (tôi rất thích nhà sách này vì thường tập trung nhiều đầu sách văn học, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển. Chừng hơn chục năm trước, nhà sách Miền Nam nằm đối diện với khu Đại Thế Giới, sau đột ngột chuyển đi. Nơi này từ lâu đã là một tòa nhà ngân hàng. Với tôi đây vẫn còn là một sự nuối tiếc) cùng vài nhà sách khác mà tôi không để ý tên, thường chỉ bán sách và hay có chương trình giảm giá, trên các kệ sách dù trải qua rất nhiều năm tháng vẫn luôn có chỗ đặt trang trọng các tác phẩm của Quỳnh Dao. Tuy không được ồn ào nhắc đến, việc xuất bản lặp lại nhiều lần các tác phẩm của bà cho thấy vị trí của chúng trong sự đọc Việt Nam. Thế nhưng, có thể vì lý do chuyển ngữ (dường như tồn tại khá nhiều dị bản của một tác phẩm và có khi được dịch “thuần Việt” tới mức thay đổi tên họ và địa danh trong tác phẩm theo kiểu mang cả một Đài Loan biến thành Việt Nam) khiến tôi không thể nào cảm được vẻ đẹp trong những dòng văn ấy, cũng có thể vì khuynh hướng đọc của tôi không thiên về yêu đương đơn thuần, cho đến nay, tôi vẫn không phải là một độc giả của Quỳnh Dao. Nhưng lại là một khán giả của bà. Dù không xem mọi bộ phim của Quỳnh Dao nhưng vì tình yêu dành cho một vài trong số chúng, tôi có thể nói như vậy về vị trí của mình trước Quỳnh Dao. Trong đó, để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, cũng là một trong số ít những bộ phim tôi tin rằng mình có thể yêu thích trong cả cuộc đời, đó là Đình viện thâm thâm.

Đình viện thâm thâm khi phát hành tại Việt Nam được đặt lại là Xóm vắng. Sản xuất từ năm 1986 và trình chiếu tại Việt Nam khoảng giữa thập niên 90. Tôi còn khá nhỏ để nhớ chi tiết phim từ lần xem ấy. Nhưng thậm chí từ cách đó trở ngược lại vài năm, trong trí nhớ tôi đã có hình ảnh  Lưu Tuyết Hoa trong một phim khác của Quỳnh Dao (thật ra tôi đã có sự nhầm lẫn trong nỗi nhớ này, nhân vật mà tôi xem hoặc nhìn thấy là Y Y của Người vợ câm, nhưng tôi lại đã luôn nghĩ đó là Tuyết Kha của Sầu Lẻ Bóng – kể cả cách nhớ này hình như cũng chưa đúng về phương diện tác phẩm thế nhưng trong suốt thời gian dài tôi đã nghĩ như vậy). Có thể nói vào thời kỳ kỹ thuật làm phim còn thô sơ thì diễn viên, thực lực diễn xuất của họ và sự phù hợp với nhân vật theo kiểu “sinh ra để dành cho vai diễn đó” là động lực quan trọng nhất có thể biến một tác phẩm điện ảnh thành kinh điển. Rất nhiều phim cũ được làm lại và về hầu hết phương diện, phiên bản mới đều có khả năng làm tốt hơn phiên bản cũ, chỉ là nếu thiếu đi nhân tố này, cái gọi là một lớp diễn viên “sinh ra để dành cho vai diễn” thì rồi những cái mới lại nhanh chóng qua đi và người ta lại hoài nhớ về một cái cũ không còn tìm lại được. Lưu Tuyết Hoa có thể là một trong số những diễn viên có quyền năng như vậy dù thành công trong sự nghiệp diễn xuất của cô không dừng lại chỉ với một vai diễn để đời duy nhất. 

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Báo chí không phải là một nghề, mà là thất vọng…



Khi gần bước vào độ tuổi 18, tôi cũng như hầu hết những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, phải đối diện với sự lựa chọn cho tương lai. Chủ yếu là chọn thi vào trường đại học nào, sâu xa là chọn một nghề để làm sau này. Tôi là một học sinh nghiêm túc nhưng kỳ thực tôi không ý thức được tầm quan trọng của sự chọn lựa đầu đời này. Tôi hồ nghi rằng đa số chúng ta đều như thế. Khi nhận ra dễ thường thì đã muộn rồi. Cuộc đời đã lăn bánh, chúng ta đã ở trên tàu.

Tôi có được hai nguyện vọng, theo quy chế thi cử năm đó. Và tuy không tách rời mong muốn cá nhân, sự chọn lựa của tôi vẫn dựa nhiều vào sức học của mình đồng thời là điểm tuyển sinh của các trường qua các năm để áng chừng khả năng đậu, rớt. Tôi nghĩ thế đã là nghiêm túc và chín chắn lắm rồi. 

Nguyện vọng thứ nhất của tôi năm đó là Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, khoa báo chí. Kế đến mới là Trường ĐH Luật. Thật ra tôi thích hai ngôi trường này ngang nhau. Và thích ở đây có nghĩa là thích mà chưa biết gì về cái mình thích. Nhưng thời điểm đó, ngành báo chí “hot” hơn và vì vậy suốt mấy năm liền, điểm tuyển sinh vào trường này luôn cao hơn trường luật. Cái gọi thứ tự nguyện vọng đơn giản được xác lập dựa vào điều này.

Kỳ thi năm đó, tôi đối diện với áp lực tâm lý mà khi nhìn lại tôi hiểu mình đã không vượt qua được. Giai đoạn gần kỳ thi, tôi đổ bệnh và càng nặng hơn khi ngày thi gần kề. Chính những triệu chứng sức khỏe tố cáo sự căng thẳng, sợ hãi của tôi và rồi cứ thế, tôi tự mình làm hỏng chuyện vào những thời khắc quyết định. Dẫu sao lần ấy môn Văn đã cứu tôi. Một khoảnh khắc tình yêu được đáp trả bằng tình yêu như thế thật hiếm hoi trong đời tôi (cười). 

Không vào được Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, trong tôi ít nhiều có một sự thất vọng. Tôi thích viết lách và ngỡ rằng trở thành một phóng viên sẽ phù hợp hơn với mình. Vả lại, khi không nhìn thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển theo nguyện vọng một, cảm xúc của bạn tự nhiên sẽ vô cùng lo lắng và hụt hẫng. Thông báo của ngôi trường theo nguyện vọng hai sẽ đến chậm hơn. Và bởi vì gia đình bạn cũng sẽ ngóng trông ngôi trường thứ nhất, thế nên, cái đến sau cuối cùng chỉ còn là cái để thở phào nhẹ nhõm. Không có niềm vui nào đáng kể sau đó. 

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Sau cơn bão





Sau cơn bão được dự báo mạnh nhất trong ba năm qua sẽ đổ bộ vào thành phố Hồ Chí Minh (mà kỳ thực vào cuối ngày đã được đính chính lại chỉ là áp thấp nhiệt đới, song từ rạng sáng hôm sau, tức ngày 07.11, trời đã đổ mưa lê thê như trút và rồi từ tinh mơ, đó đây những con đường thành phố đã chìm trong nước ngập), những tia nắng đầu tiên của ngày đã sớm chiếu rọi qua ô cửa sổ báo hiệu một ngày đầy nắng. Tuy thế,  khí trời khá lạnh trong khi tôi trọ trọe nhai những viên há cảo, bữa sáng thanh tao của mình : ). Và từ ngôi trường mầm non cách nhà không xa, những âm thanh trẻ thơ của bài hát thiếu nhi quen thuộc vang lên “vì hạnh phúc tương lai, ánh đèn khuya luôn miệt mài, dưới mái trường mến thương…”. Tôi hơi mỉm cười. Cứ là tháng 11 thì ngôi trường mầm non ấy sẽ chăm chỉ bật những bài hát như thế từ sớm mai. Lâu dần chính tôi cũng thuộc, những ca khúc mà khi lớn lên người ta không còn hát cho nhau nghe nữa.

Đường sá không có vết tích nào của cơn bão hôm trước, ngoại trừ những chiếc lá rụng có vẻ nhiều hơn bình thường, trải dài bên hai ven đường. Nhưng tôi đoán có thể ngày thường cũng thế. Chỉ là người đi đường như tôi, đi mãi rồi nên hiếm khi để ý mà thôi. Có vẻ không có thiệt hại nào đáng kể trong thành phố. Chỉ là những hình ảnh đoàn người di chuyển trong những vùng nước ngập có thể khiến người ta nhìn nơi này với những hình ảnh kém lung linh. Nhưng có lẽ, chuyện ngập đường, ngập sá không còn xa lạ. Khi thuyền bè đã được người dân dùng làm phương tiện di chuyển trong nội đô thì “mùa nước nổi” cũng chỉ là câu chuyện thường ngày.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...