Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Kết thúc một năm




Vào những ngày cuối năm âm lịch, tôi thường có lúc lắng lòng lại để nghĩ về thời gian, cảm thấy mọi thứ đang vùn vụt trôi đi và mình thì bị bỏ xa đâu đó trên con đường của những giấc mơ năm nào. Những sự kiện dù chỉ là từ năm ngoái, năm kia mà như đã lùi vào một dĩ vãng xa tít tắp nào đó, thoắt một cái dường như đã không mang tầm quan trọng như nó từng mang. Những khoảnh khắc thế này giúp tôi nhận ra rằng làm người thì ra là một chuỗi những hành vi bỏ lại. Và cái gì thì rồi chúng ta cũng bỏ được, kể cả điều từng chiếm trọn tâm trí mình. Thời gian xóa nhòa tất cả…

Mỗi năm dịp này, câu nói « Thời gian như thoi đưa, tháng ngày tựa nước chảy » lại vọng về trong tâm trí nhưng tôi không còn biết lòng mình buồn hay vui. Có người kết thúc một năm có thể tỉ mẩn kiểm thảo lại điều đã làm được, điều chưa làm được rồi từ đó phác họa bước tiếp cần đi. Nhưng tôi sợ liệt kê bảng thành tích đời mình (một chữ « KHÔNG » to tướng là đủ) cũng ngần ngại trước những câu hỏi mục tiêu, dự định (một dòng để trống là diễn đạt trọn điều cần ghi). Nên không có năm nào tôi lụ khụ góp nhặt được đúng sai, thành bại trong năm của mình. Năm nay thì lại càng không. Như một chặng nghỉ giữa những năm nhiều áp lực, dù là chặng nghỉ kéo dài chuỗi sự việc gây nản lòng, tôi muốn đánh dấu năm 2013 như một năm khép lại tất thảy những trở ngại, phiền muộn trở về trước. Vì vậy năm 2014 như đang bước đến với những đòi hỏi gắt gao. Và liệu rằng tôi có thể làm gì ra trò…

Một cái tết giản dị. Về phương diện cá nhân, tôi chỉ đi chỉnh trang lại mái tóc. Một năm và giá cả của một salon tóc đã đội lên trời một ít. Một năm và kinh tế khó khăn dường như đã làm nhiều tiệm làm tóc phải đóng cửa. Thế nhưng vì sao giá cả của những tiệm trụ lại vẫn cứ leo thang. Họ liên tục than vắng khách và rồi vẫn liên tục lên giá ( ?). Tôi quay lưng hẳn với việc sắm sửa áo quần, giày dép, kỳ thực cũng không còn niềm vui thơ trẻ của việc diện cái gì mới mới hay có cái gì mới mới để khoe. Trong gia đình cũng loại nhiều thực phẩm thường hay mua trong những năm khác. Kể cả mứt kẹo cuối cùng cũng không mua. Phần vì vấn đề an toàn thực phẩm, phần vì có lẽ đời sống đang già đi và người ta không còn tìm thấy sự háo hức trong những sự kiện dường như ngày càng mang tính gánh nặng cộng đồng hơn là xuất phát từ sự hoan hỉ từ trong tâm can mỗi người. 

Dẫu sao đã sơn lại được cánh cửa đã nhòe nhoẹt cũ kĩ mấy năm nay. Và phủ lên được bức tường ngoài nhà đầy vết ố bẩn lớp sơn sáng mới. Và nền nhà, vật dụng đã được cọ rửa chu đáo. Những tấm ga trải giường thơm phức cũng đã được lấy ra khỏi tủ. Những bông hoa tươi lần lượt được cắm vào các bình. Và sáng 30 tết, mùi thức ăn đã rộn ràng trong bếp…

Và cái Tết đã chạm ngõ để rồi qua đi...

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Cảm nhận ban đầu khi đọc Những màu khác*



Có lần tôi bị lỡ mất cơ hội đọc Istanbul – Hồi ức và thành phố của Orhan Pamuk, có lẽ vì vậy mà tôi đã chọn Những màu khác làm quyển sách tiếp theo muốn đọc. Không phải là tiểu thuyết, một câu chuyện hư cấu dựa trên nền tảng sự chân thật nào đó, Những màu khác là một tuyển tập những ghi chép của tác giả về những khía cạnh khác nhau trong đời sống thực của ông. Và đó hẳn là những gì thân thuộc gắn bó nhất cũng đồng thời là những gì nhà văn quan tâm. 

Mặc dù chưa được đọc Istanbul – Hồi ức và thành phố, thông qua Những màu khác, tôi cảm nhận được sự ám ảnh của nhà văn đối quê hương của mình. Istanbul vẫn là một chủ đề xuyên suốt và dường như luôn không khôn khuây trong tâm trí nhà văn. Cũng như cái tính chất Phương Đông – Phương Tây, sự khác biệt giữa hai nền văn hóa và giữa những con người đứng ở giữa lằn ranh và chưa/chưa thể cảm thấy mình thuộc hẳn về phía bên nào. Tôi nghĩ rằng điểm đặc biệt của văn Orhan Pamuk là ông giới thiệu được Istanbul đối với thế giới trong tư cách một nhà văn Istanbul (và bây giờ nếu ai nói đến Istanbul, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến Orhan Pamul đầu tiên). Nhiều phần hay nhất trong tuyển tập còn thuộc về những trang viết về tình yêu đối với văn chương, với sách và những tác giả yêu thích của nhà văn (bằng cách viết của mình, ông thực sự khiến tôi muốn đọc Dostoyevsky – nhất là Anh em nhà Karamazov của nhà văn này). Trong khi những bài viết về tiểu họa và vài sự kiện chính trị lại không thực sự gây chú ý với tôi và càng về những phần sau, các bài viết có khuynh hướng khô khan như những bài chính luận. Cho đến câu chuyện Nhìn ra cửa sổ và bài diễn văn cuối - Cái va li của cha tôi – cái không khí gia đình vừa gần gũi vừa cô đơn, chất tự sự trầm tĩnh của nhà văn trở lại và đây cũng là những phần cảm động nhất trong cả tuyển tập. Tôi đoán rằng rất nhiều chi tiết trong những bài viết này, đặc biệt về Istanbul có lẽ sẽ được nối dài sang Istanbul – Hồi ức và thành phố và vẫn sẽ bằng lối hành văn phong phú, tỉnh táo nhưng giàu sắc hoài niệm và nội tâm.

Điểm tôi hơi ngạc nhiên về Orhan Pamuk là – tôi vốn hình dung đấy là một nhà văn hiền lành, trầm mặc, người cả đời sống ở Istanbul và giam mình trong một căn phòng mỗi ngày 10 tiếng để viết văn, đôi khi ông có thể có những khoảnh khắc vô cùng lạnh lùng. Như nhìn thấy một con hải âu hấp hối và sau đó tiếp tục việc của mình và sau đó nhìn thấy nó chết và sau đó tiếp tục việc của mình… 

Quyển sách khá dày, có những bài viết dài và những bài viết ngắn, rất ngắn. Nhưng tôi tin rằng tuyển tập này không phải để đọc liền một mạch và thậm chí không cần thiết phải đọc từ đầu đến cuối mặc dù sự sắp xếp của nhà văn là có chủ ý. Bởi lẽ khi đọc gắng sức theo kiểu trật tự một câu chuyện có trước có sau, có lúc tôi đâm chán, nhất là ở những chủ đề xa lạ với tôi lúc bình thường hoặc tại thời điểm đó. Thế nên nếu nhẩn nha đọc và đọc phần nào đó khi bản thân đang tìm kiếm nó, người đọc sẽ cảm nhận phần viết đó trọn vẹn hơn…

---

* Những màu khác - Orhan Pamuk, Lâm Vũ Thao dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2013.

Những màu khác – Orhan Pamuk (tập tiểu luận)



… cuộc đời đầy những âm mưu nhằm tách con người ra khỏi văn chương” – tr. 13.

Viết tiểu thuyết là phải cởi mở trước những khao khát, những ngọn gió và cảm hứng này, cũng như đối với góc tối của tâm hồn ta và những khoảnh khắc mờ mịt, tĩnh tại của chúng.

Vì tiểu thuyết là gì nếu không phải là một câu chuyện căng buồm nhờ những ngọn gió ấy, một câu chuyện hồi đáp và được dựng dựa trên các cảm hứng thổi tới từ những vùng đất lạ, nắm lấy tất cả mộng tưởng mà ta sáng tạo ra để tiêu khiển, gom chúng lại với nhau tạo thành một tổng thể có ý nghĩa. Trên hết, tiểu thuyết là một con tàu chuyên chở trong nó một thế giới ước mơ mà ta muốn gìn giữ, mãi mãi tồn sinh mãi mãi sẵn sàng. Tiểu thuyết gắn kết với nhau bằng những mẩu chuyện nhỏ mộng tưởng giúp ta, từ khoảnh khắc ta bước vào chúng, quên đi cái thế giới buồn tẻ mà chúng ta mong đào thoát…” - tr.16.

(Tác giả ngầm ẩn)

… những cánh cửa, trong bất cứ trường hợp nào, không bao giờ hoàn toàn đóng hay mở và do đó còn có chỗ để hy vọng”.

(Khi đồ đạc nói chuyện, làm sao bạn ngủ ? - tr. 36)

Có hai cách nhìn các thành phố. Cách thứ nhất là của du khách, của người nước ngoài vừa mới đến nhìn các tòa nhà, tượng đại, đại lộ, và đường chân trời từ bên ngoài. Còn có cách nhìn bên trong, thành phố của những căn phòng ta ngủ, của những hành lang, rạp chiếu phim và phòng học cũ, thành phố làm từ mùi, ánh sáng và màu sắc của những ký ức mà ta thương mến nhất. Với những ai nhìn thành phố từ bên ngoài, thành phố này dường cũng giống như thành phố khác, nhưng ký ức chung của một thành phố là linh hồn của nó, và những phế tích là bằng chứng hùng hồn nhất” – tr. 82.

Những đống đổ nát của thành phố cũng giúp thành phố biết cách quên đi. Đầu tiên chúng ta đánh mất ký ức, nhưng ta biết ta mất nó và muốn có nó lại. Rồi chúng ta quên rằng chúng ta đã quên nó, và rồi thành phố không còn nhớ được quá khứ của chính nó. Nhưng đống đổ nát đã khiến ta đớn đau nhường ấy và mở ra con đường đến sự quên lãng rốt cuộc trở thành những khi đất nơi người khác có thể xây dựng những giấc mơ mới mẻ” – tr. 83.

(Hỏa hoạn và đổ nát)

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Phim hoạt hình (10)

Công chúa tóc xù - Brave (Disney - Pixar, Mỹ)

Tôi xem Công chúa tóc xù không dưới hai lần vì thường tình cờ bật ti vi lên lại hay bắt gặp phim đang được phát sóng trên kênh StarMovies. Tình tiết của phim khá kịch tính đủ để giữ khán giả xem đi xem lại vài lần mà không chán.

Lần đầu nghe tựa đề Công chúa tóc xù - cho thấy câu chuyện có nhân vật chính là một nàng công chúa, tôi liền liên tưởng đến mô típ quen thuộc : chuyện tình công chúa – hoàng tử hoặc công chúa và kẻ du thủ du thực nhưng đáng yêu và can đảm vào phút cuối nào đó. Thế nhưng phim hoàn toàn khác với dự đoán . Với tôi đây là điểm cốt yếu khiến phim trở nên đặc biệt so với những phim cùng loại.

Nàng là Merida, con gái đầu lòng của vua và hoàng hậu xứ Scotland. Khác với mẹ của mình, hoàng hậu Elinor – một phụ nữ có cốt cách quý tộc và lối hành xử mẫu mực, Merida không ưa thích khuôn phép hoàng gia và có khuynh hướng chống lại vai trò truyền thống của phụ nữ. Bất chấp sự uốn nắn, thúc ép của mẹ, Merida vẫn lớn lên với bản tính can đảm, táo bạo, chỉ ưa thích bắn cung, cưỡi ngựa và luôn khao khát tự do. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn thường xuyên giữa nàng và hoàng hậu, đặc biệt khi bị ép phải tuyển chọn người hôi phối vì lợi ích quốc gia, giữa Merida và mẹ đã nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Một mình một ngựa, Merida lao thẳng vào rừng sâu. Nàng tình cờ gặp được một bà phù thủy và ao ước mẹ sẽ thay đổi. Merida không ngờ rằng điều ước của nàng đã dẫn đến một tai họa khủng khiếp cho hoàng hậu Elinor cũng như cả vương quốc. Và nàng phải dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm để cứu vãn sai lầm ấy. 

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...