Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Những màu khác – Orhan Pamuk (tập tiểu luận)



… cuộc đời đầy những âm mưu nhằm tách con người ra khỏi văn chương” – tr. 13.

Viết tiểu thuyết là phải cởi mở trước những khao khát, những ngọn gió và cảm hứng này, cũng như đối với góc tối của tâm hồn ta và những khoảnh khắc mờ mịt, tĩnh tại của chúng.

Vì tiểu thuyết là gì nếu không phải là một câu chuyện căng buồm nhờ những ngọn gió ấy, một câu chuyện hồi đáp và được dựng dựa trên các cảm hứng thổi tới từ những vùng đất lạ, nắm lấy tất cả mộng tưởng mà ta sáng tạo ra để tiêu khiển, gom chúng lại với nhau tạo thành một tổng thể có ý nghĩa. Trên hết, tiểu thuyết là một con tàu chuyên chở trong nó một thế giới ước mơ mà ta muốn gìn giữ, mãi mãi tồn sinh mãi mãi sẵn sàng. Tiểu thuyết gắn kết với nhau bằng những mẩu chuyện nhỏ mộng tưởng giúp ta, từ khoảnh khắc ta bước vào chúng, quên đi cái thế giới buồn tẻ mà chúng ta mong đào thoát…” - tr.16.

(Tác giả ngầm ẩn)

… những cánh cửa, trong bất cứ trường hợp nào, không bao giờ hoàn toàn đóng hay mở và do đó còn có chỗ để hy vọng”.

(Khi đồ đạc nói chuyện, làm sao bạn ngủ ? - tr. 36)

Có hai cách nhìn các thành phố. Cách thứ nhất là của du khách, của người nước ngoài vừa mới đến nhìn các tòa nhà, tượng đại, đại lộ, và đường chân trời từ bên ngoài. Còn có cách nhìn bên trong, thành phố của những căn phòng ta ngủ, của những hành lang, rạp chiếu phim và phòng học cũ, thành phố làm từ mùi, ánh sáng và màu sắc của những ký ức mà ta thương mến nhất. Với những ai nhìn thành phố từ bên ngoài, thành phố này dường cũng giống như thành phố khác, nhưng ký ức chung của một thành phố là linh hồn của nó, và những phế tích là bằng chứng hùng hồn nhất” – tr. 82.

Những đống đổ nát của thành phố cũng giúp thành phố biết cách quên đi. Đầu tiên chúng ta đánh mất ký ức, nhưng ta biết ta mất nó và muốn có nó lại. Rồi chúng ta quên rằng chúng ta đã quên nó, và rồi thành phố không còn nhớ được quá khứ của chính nó. Nhưng đống đổ nát đã khiến ta đớn đau nhường ấy và mở ra con đường đến sự quên lãng rốt cuộc trở thành những khi đất nơi người khác có thể xây dựng những giấc mơ mới mẻ” – tr. 83.

(Hỏa hoạn và đổ nát)
Nếu hàng triệu cửa sổ và hàng trăm ngàn tòa nhà của thành phố đều giống nhau, thì cuộc đời bạn càng giống những cuộc đời khác hơn mức bạn có bao giờ tưởng tượng ra”.

(Những chuyến phà trên vịnh Bosphorus, tr. 91)

Trong một đất nước mà tổng thống nói rất hay về hối lộ, gọi đây là thực tế”, trong một nền văn hóa vận hành dựa vào những dàn xếp không chính thức và người người ta thán về lường gạt nhưng lại dung thứ cho nó, người ta khó có thể mong đợi các nhà thầu không sử dụng sắt và bê tông kém tiêu chuẩn, tuân thủ pháp luật, và do đó chịu chi phí cao hơn, tất cả chỉ nhân danh việc chuẩn bị cho một cuộc động đất giả định có thể gây tổn hại cho người khác trong tương lai”.

(Động đất, tr. 101 – 102)

… đọc kỹ không có nghĩa là đưa mắt và trí óc chậm rãi và kỹ lưỡng qua văn bản : mà là chìm đắm tuyệt đối vào trong tâm hồn của nó. Đây là nguyên cớ tại sao suốt cuộc đời ta chỉ yêu một số ít sách”.

(Tôi đã vứt bớt sách đi như thế nào, tr.127)

Như hết thảy những cuốn tiểu thuyết vĩ đại, ý nghĩa cuộc đời gắn kết gần gũi với hạnh phúc. Cũng như trong tiểu thuyết, trong cuộc đời cũng có một mong ước chân thành, một rung cảm, một cuộc đua tìm đến hạnh phúc. Nhưng còn có nhiều hơn thế. Nếu một người muốn phản ánh khao khát đó, rung cảm đó, thì một cuốn tiểu thuyết hay… hết sức phù hợp cho mục đích này. Nói cho cùng, một tiểu thuyết tuyệt diệu trở thành trở thành một phần không tách rời của cuộc sống và thế giới quanh ta, mang ta lại gần hơn ý nghĩa cuộc đời; nó đến thế chỗ cho niềm hạnh phúc ta có thể chẳng bao giờ tìm thấy trong cuộc sống để trao ta niềm vui sướng xuất phát từ ý nghĩa của nó”.

(Cái thú đọc sách, tr.135)

Cuộc đời chúng ta không có một trung tâm, một điểm tập trung đơn nhất; cái diễn ra trong đầu chúng ta quá hỗn độn nên chúng ta chẳng bao giờ đạt đến sự tập trung như thế. Cuộc đời cũng vậy:…, cả đời chúng ta cứ nhảy cóc từ đề tài này sang đề tài khác, kể chuyện, theo đuổi những mộng tưởng, và luôn miệng nói Phải chi với chính ta, bất cứ điều gì chợt đến trong đầu chúng ta. Chúng ta mãi mãi cởi mở, mãi mãi sẵn lòng với sự sao nhãng, và ý nghĩ của chúng ta cứ vẩn vơ; ta ngừng ngang một câu chuyện giữa chừng để cắm đầu vào một trò đùa… Dù ta sống chủ yếu trong khoảnh khắc này, vất vả để tự bảo vệ mình, vất vả gượng đứng trên chân mình, rồi sẽ có lúc – có lẽ là lúc ta nằm xuống chết, hoặc trong trường hợp của cuốn tiểu thuyết này, khi ta chờ đợi khoảnh khắc ta chào đời – ta sẽ hỏi chính ta cuộc đời có ý nghĩa gì; thay vì chấp nhận những hình dáng to lớn mà tôn giáo, triết học và huyền thoại đề xuất, ý nghĩ của chúng ta sẽ phản ánh hình dáng của cuốn sách này” – tr. 153-154.

Mọi tiểu thuyết vĩ đại mở mắt cho bạn trước những sự vật bạn đã biết nhưng không thể chấp nhận, đơn giản vì chưa có tiểu thuyết vĩ đại nào đã mở mắt cho bạn trước những sự vật đó” – tr. 154.

(Lời tựa cho Tristam Shandy : Ai cũng nên có một ông chú như thế này)

Nếu ra nước ngoài để thù ghét đồng bào của mình, thì con sẽ chả có gì ngoài sự thù ghét của chính đồng bào!”.

(Salman Rushdie : Những vần thơ quỷ và quyền tự do của nhà văn, tr. 206)

Cái việc thay đổi ngôn từ của một người, gói ghém chúng theo cách được tất cả chấp nhận, và cái việc trở nên thành thạo trong lĩnh vực này cũng chẳng khác mấy trò vận chuyển hàng lậu qua cổng hải quan, và cũng rất giống vậy, ngay cả khi được thực hiện thành công, nó vẫn tạo ra cảm giác hổ thẹn và hèn hạ”.

(Bài diễn văn nhận giảu PEN Arthur Miller, tr. 215)

Tôi không thể nào trao trái tim tôi cho ngay cả phong cảnh đẹp đẽ nhất thế giới nếu tôi không thể yêu những con người sống ở đó”.

(André Gide, tr. 244)

Lịch sử của tiểu thuyết là lịch sử giải phóng con người: Bằng cách đặt mình vào vị thế của người khác, bằng cách dùng trí tưởng tượng để rũ bỏ các căn cước của ta, ta có thể mang lại tự do cho chính mình” – tr.268.

…bằng cách đọc tiểu thuyết, các câu chuyện và các huyền thoại mà chúng ta bắt đầu hiểu ra những ý tưởng điều khiển thế giới mà ta đang sống; vì chính văn chương hư cấu giúp ta tiếp cận cái sự thật vốn bị gia đình, trường lớp và xã hội của chúng ta che giấu; chính nghệ thuật tiểu thuyết cho phép chúng ta đặt câu hỏi chúng ta thực sự là ai.

Chúng ta biết cái chúng ta đang đọc là sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả và đồng thời là sản phẩm của cả thế giới thực mà anh ta đã mang ta vào trong đó. Tiểu thuyết không hoàn toàn là tưởng tượng mà cũng không hoàn toàn thực. Đọc tiểu thuyết là đương đầu với cả trí tưởng tượng của tác giả lẫn thế giới thực mà bề mặt của nó chúng ta chỉ mới hiểu lớt phớt nhờ tính hiếu kỳ ngọ nguậy không yên” – tr. 272.

(Ở Kars và Frankfurt)

Một lý thuyết tốt, cho dù là lý thuyết đã ảnh hưởng đến ta một cách sâu sắc và thuyết phục ta, sẽ mãi là lý thuyết của ai đó khác mà không phải của ta”.

(Sự ngạc nhiên của Sirin, tr. 331)

Nhà văn là người bỏ ra hết năm này sang năm nọ nhẫn nại cố gắng khám phá hữu thể thứ hai bên trong anh ta, và cái thế giới khiến anh ta là con người như hiện tại. Khi nói về viết, điều đầu tiên hiện đến trong đầu tôi không phải là một cuốn tiểu thuyết, một bài thơ hay một truyền thống văn chương, mà là một con người nhốt mình trong phòng, ngồi bên bàn, một mình, hướng vào cõi bên trong; giữa những bóng của thế giới, anh ta xây dựng một thế giới bằng ngôn từ… Viết nghĩa là biến cái nhìn hướng nội này thành chữ, là nghiên cứu cái thế giới mà người đó dịch chuyển vào khi anh ta rút vào chính mình, và phải làm điều đó với sự kiên trì, bướng bỉnh và hoan hỉ” – tr. 470-471

Viết và đọc giống như là rời bỏ một thế giới để tìm sự an ủi trong cái khác biệt, cái lạ và cái kỳ diệu của một thế giới khác” – tr. 475.

…là nhà văn nghĩa là phải thừa nhận những vết thương bí mật mà chúng ta mang trong lòng, những vết thương bí mật đến độ chính chúng ta hầu như không hay biết, và phải kiên nhẫn khai thác chúng, tìm hiểu chúng, giải nghĩa chúng, phải sở hữu những nỗi đau và vết thương này, và biến chúng thành một phần có ý thức của tinh thần và trang viết của chúng ta” – tr. 477.

(Cái va li của cha tôi)

(Lâm Vũ Thao dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...