Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Cô đơn biết bao, nhưng đời là thế


Có một người từng nói, không hiểu sao một người như tôi lại có ý muốn nuôi chó. Đến lượt mình, tôi cũng không hiểu tại sao lại có một thắc mắc kiểu này. Họ nói, đại ý là, nuôi một chú chó bạn sẽ yêu và gắn bó với nó, hơn cả một con người. Điều vốn có thể xảy ra với người bình thường ấy, với một người không yêu con người như tôi, nuôi một chú chó chỉ dẫn đến việc tôi sẽ không bao giờ yêu một con người nào cả. Bản thân người này cũng khẳng định không bao giờ nuôi chó, vì họ sợ sẽ chỉ còn tình yêu dành cho chú chó của mình (mà họ thì còn muốn yêu con người).

Lần đầu tiên tôi nghe một suy nghĩ kỳ lạ như vậy. Tuy không thực sự bận tâm, không phải tôi không cảm thấy sự thái quá của quan niệm này. Về sau, tôi biết, người đó từ nhỏ đã ác cảm với việc người ta nâng niu chăm sóc thú cưng, chủ yếu xuất phát từ cảm giác ganh tỵ của một đứa trẻ thiếu vắng tình thương. Nhưng có lẽ mối ác cảm ban sơ theo thời gian đã hằn thành một vệt nhăn khắc sâu trong tiềm thức, mặc dù tôi có cơ sở để hoàn toàn tin, ở họ, không có bất cứ sự hằn học độc ác nào dành cho loài vật.

Tại sao một người như tôi lại muốn nuôi chó… và sau đó thêm, tại sao tôi không nuôi mèo. Tôi không muốn giải thích dài dòng, chỉ nói tôi không thích mèo, mèo là loài vật kiêu ngạo, người đó lại lập tức bảo: thế mới thích hợp với cô. Tôi không thể và cũng có lẽ không muốn cởi mở nhiều về bản thân cho người đó hiểu mình hơn. Khối rubic có nhiều màu nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đủ bình tâm để nhìn nhận tất cả màu sắc trong một con người, điều này đúng với cả bạn lẫn tôi. Những trao đổi trở nên khó khăn. Thật kinh khủng khi trò chuyện và sau đó phải giải thích cho từng điều mình nói ra. Toàn bộ câu chuyện về một chú chó kết thúc. Cùng với cảm giác kỳ quái mà tôi sẽ không cố gắng đào sâu, về việc không hiểu bằng cách nào đó, một người có thể liên hệ việc tôi yêu thương một chú chó đồng nghĩa với việc tôi không xem họ bằng một con chó. 

Sự thật là, với tôi, dù là người hay là chó, không có tình yêu dành cho tất cả. Tôi chỉ có sự lương thiện và nhiều hơn là thiện chí tình bạn. Với tập hợp những người và vật xa lạ ngoài kia… Trước khi, có thể là rất lâu, nói về tình yêu...

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Ngày chủ nhật



Trong lúc lôi ra cái headphone cũ kỹ và loay hoay gắn vào ổ cứng máy tính, khi cố gắng tìm kiếm lý do tại sao tôi không dùng được cái headphone trong thời gian dài qua, tôi phát hiện phần phía sau sát tường của bộ máy tính vi tính để bàn, đặc biệt ở những phần giắc cắm, đã phủ đầy bụi bặm. Dễ đến nửa năm tôi không lau chùi phần phía sau này dù ngày nào nhà cửa cũng được lau chùi dọn dẹp. 

Phát hoảng trước mức độ bụi bặm của máy tính, sáng nay tôi tiến hành phủi bụi. Nơi đóng nhiều bụi nhất là ổ cứng máy tính, đặc biệt ở những cánh quạt làm mát. Ở những ở giắc cắm và các dây điện càng kinh khủng. Ngay cả dưới gầm bàn sát chân tường không chỉ có bụi, mà tóc tai cũng bám đầy vào, mắc kẹt nhiều nhất dưới những chân bàn có bánh lăn. Trong những hóc hẻm này, việc quét nhà, lau nhà mỗi ngày chẳng có tác dụng gì đến chúng. Bụi như rủ nhau trốn vào những chốn này hết. Những lúc dọn dẹp tôi thường ao ước nhà có một cái máy hút bụi. Nhưng mẹ tôi chưa bao giờ cho đó là cần thiết. Thậm chí suốt một thời gian dài mẹ tôi còn không chịu dùng cây lau nhà vì cho rằng lau bằng khăn, bạn biết đó, nghĩa là bạn phải quỳ xuống đất dùng sức mà lau, mới đảm bảo sạch sẽ. Đầu tiên, tôi tiến hành mở thùng máy, tháo cái quạt phía bên hông và dùng cọ cẩn thận quét sạch đám bụi bám dằng dai trong những góc khuất này. Đám bụi chắng mấy chốc rơi đầy xuống đất, đen kịt như những con bồ hóng. 

Tôi nhớ đến một nghiên cứu từng cảnh báo rằng bàn phím máy vi tính là một ổ vi trùng, rằng nó bẩn gấp nghìn lần bồn cầu nhà bạn. Hồi xa lắc nào đó, trong lúc "rảnh rỗi sinh nông nổi", tôi mang nguyên cái bàn phím máy tính đi xối nước. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy cái bàn phím đó. Đôi lúc tôi ngẫm nghĩ không hiểu tại sao tôi hành động ngốc nghếch như vậy. Có vẻ như tôi cho rằng bàn phím máy tính là một bộ phần tách rời và chẳng dính líu tí nào đến điện đóm. Thế nhưng chả phải lúc bình thường tôi hiểu rất rõ, rằng tất cả những gì thuộc về máy tính đều là những linh kiện điện tử. Chúng là phần xác. Những dòng điện trao cho chúng linh hồn. Phần nào hỏng thì đều đồng nghĩa với tê liệt, chết chóc. Tại sao tôi có thể hồn nhiên đi nhúng nước một thiết bị điện? Cơ mà những khoảnh khắc thấy mình ngốc nghếch đến thế, tuy ít thôi, cũng có lẽ không hiếm hoi mấy.

Hồi còn làm ở công ty cũ, vì chúng tôi thuộc bộ phận chi nhánh, có những việc chúng tôi phải hỏi qua ý kiến trên hội sở (tôi không nghĩ rằng điều này luôn cần thiết bởi thông qua những hướng dẫn tổng hợp, tôi cho rằng mình hoàn toàn có thể chọn lọc ra những chi tiết cụ thể để áp dụng cho một tình huống cụ thể, vả lại, ở góc độ hiểu và áp dụng pháp luật, tôi tin rằng cái tôi cần tuân thủ trước hết là pháp luật, sau mới có thể bàn đến các quy định riêng trong nội bộ. Tuy thế, những sếp của tôi thì không như vậy). Lần đó, tôi được nhắc phải gọi điện cho một anh nào đó trên hội sở. Cái anh này được một số người quen (có lẽ họ trước đây học cùng khóa trong trường luật) nhắc đến với cái tên Cường Điệu. Dù nó không phải cái tên thông dụng, tôi nghĩ nó vẫn là một cái tên. Khi đầu dây bên kia cất tiếng a lô, tôi hỏi : Dạ, xin lỗi có phải anh Cường Điệu không ạ ? Đầu dây bên kia là một khoảng im lặng, như là đột nhiên rơi vào, một khoảnh khắc bạn có thể mô tả bằng cụm từ "lặng người đi". Và cùng lúc đó, tôi cảm nhận được những cái trố mắt hướng về mình. Tôi lập tức nhận ra sự nhầm lẫn bấy lâu. Anh ta tên Cường, "Điệu" chỉ là một dạng biệt danh người ta ghán ghép cho anh ta mà thôi…

Mưa ở kiếp sau – Đoàn Minh Phượng

Trích dẫn từ ebook


Có những người chỉ khi chết mới trở về được với mình. Chỉ khi trái tim không còn đập, nó mới thuộc về cái lồng ngực của người mang nó. Khi họ còn sống, trái tim họ lặng lẽ, không được phép có tình yêu.

Nếu không tha thứ thì cũng phải quên. Dù mang thứ máu kỳ lạ dòng họ của chúng ta, cũng phải quên, quên cái tên của mình và câu chuyện của mình. Quên để mà đi bình thường và lặng lờ như bao nhiêu người ở ngoài kia, những người cũng có những giọt nước mắt không ứa ra được, những câu chuyện buồn của riêng mình.

Con người ở những nơi thật xa nhau. Cuộc đời của người này thật trừu tượng với người khác.

...mỗi người có một câu chuyện chết không nói được. Chúng tôi đắm chìm trong lòng sông buồn lặng, không bao giờ thực sự tìm thấy nhau.

Có một thứ được an lành, đó là tội lỗi. Khi tội lỗi được an lành thì tất cả những thứ khác không còn an lành. Tội lỗi được an lành thì tiếp tục, đời này qua đời khác. Nó thản nhiên bước vào những ngôi nhà có tường nhưng không bảo vệ được những người trong nó, thản nhiên đi qua những trái tim trinh trắng và ngu khờ, thản nhiên vùi dập những đời người, những đời người rất dài.

Người ta chọn không biết những thứ không êm ấm cho họ.

Tình yêu đổ đầy mỗi phân không khí, nó ngọt lịm vào một đêm rất buồn.

Có thể an bình và vô ưu không phải là điều chúng ta đi tìm. Chúng ta đi tìm những mối dây gắn mình với một thứ gì đó rất bao la tôi không biết tên.

Biết được sự thật không phải là biết được câu chuyện gì, nó xảy ra như thế nào. Biết được sự thật là biết được mình sẽ làm gì khi câu chuyện đó đẩy mình đến vách núi giữa biển lúc những cơn sóng đang chuyển động trên đường đi của nó đập vào vách núi.

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Những ghi chép vụn (2)

Về một số ebook mà hơn nửa năm nay tôi đã đọc. Đều là những tác phẩm có độ dài vừa phải hoặc ngắn. 

Mưa ở kiếp sau

 Của Đoàn Minh Phượng.


Cần có một khoảng lặng trước khi viết đôi điều về tác phẩm và về bản thân tác giả, người mà chỉ sau một tác phẩm, tôi thấy hết sức trân trọng. Nói đúng hơn thì cần nhiều hơn một khoảng lặng. Bởi tôi nhận thấy sự lúng túng rõ rệt của mình. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Dường như những suy nghĩ đều rời rạc và lộn xộn. Để sắp xếp chúng lại, như đang làm, tôi phải hít một hơi dài để lấy dũng khí. Thực vậy.

Lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Đoàn Minh Phượng là từ một blogger hồi còn ở blog yahoo. Tôi không nhớ đó chính xác là thời điểm nào. Nhưng từ đó đến khi đọc tác phẩm này của cô, đó  là một khoảng thời gian không ngắn. Bởi tôi không thể tìm được xuất bản phẩm dưới dạng in ấn ở các nhà sách nữa nên tôi không thể đọc ngay những tác phẩm của Đoàn Minh Phượng vào thời điểm ấy cũng như sau này. Tôi có ý định đợi sách được tái bản. Tuy nhiên, khi tìm vài đầu sách dưới dạng ebook để đọc, ngẫu nhiên thì tôi bắt gặp Mưa ở kiếp sau.

Tôi đọc Mưa ở kiếp sau sau khi đọc Venise và những cuộc tình gondola mà tôi sẽ nói đến dưới đây. Điều này đem đến cho tôi một cảm xúc khá cảm động mà có thể lúc bình thường tôi không để ý lắm. Mưa ở kiếp sau mà tôi đang đọc là một tác phẩm văn chương và được viết bởi một nhà văn. Tôi không nghi ngờ điều này từ những dòng đầu tiên cho đến những dòng cuối cùng. Nhưng thật hoài công khi tìm kiếm nhiều hơn thông tin về Đoàn Minh Phượng. Là một đạo diễn trước khi viết sách, sống ở hải ngoại nhiều năm trước khi về Việt Nam. Cho đến nay, dường như cô chỉ có hai tác phẩm văn học : Và khi tro bụi (xuất bản năm 2006) cùng Mưa ở kiếp sau (xuất bản năm 2007). Nếu so sánh với những tác giả chỉ có duy nhất một tác phẩm trong đời nhưng đủ để lưu danh như Emily Bronte hay Harper Lee, thì Đoàn Minh Phượng với hai tác phẩm tính đến nay cũng không hẳn là con số quá ít ỏi. Nhưng như nhiều độc giả khác, tôi vẫn mong đợi sự trở lại của cô trong tư cách nhà văn. Tôi cơ hồ có niềm tin về sự nặng lòng của cô với nghiệp viết. Chỉ có điều, sự im lặng suốt một thời gian dài cũng cho tôi linh cảm về một sự bế tắc, ít nhất trong bối cảnh hiện tại. Tôi hy vọng là, như thường thấy, linh cảm của tôi chỉ toàn vớ vẩn.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Những ghi chép vụn

Về một số ebook mà hơn nửa năm nay tôi đã đọc. Đều là những tác phẩm có độ dài vừa phải hoặc ngắn. 

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Của Haruki Murakami. Thoát khỏi thế giới truyện của Haruki, thường là một thế giới đan xen giữa thực tại và hư ảo với kiểu nhân vật ám ảnh, bị chấn thương tâm hồn, ở giữa những cái đấy hoặc cuối cùng, tôi thấy khá thoải mái với cuốn sách dạng tự truyện giản dị này. Haruki viết về việc chạy bộ, môn thể thao mà ông chăm chỉ tập luyện suốt 25 năm qua. Dù không phải vận động viên chuyên nghiệp, cuốn sách cho thấy Haruki không phải người chạy bộ xoàng xĩnh. Ông có một sức bền đáng ngạc nhiên về ý chí và thể chất – cái này bổ sung cho cái kia và đó có lẽ là mục đích cuối cùng của ông khi quyết tâm gắn bó với môn thể thao vốn đòi hỏi tính kiên trì cao độ này. Vì vậy không chỉ chạy bộ như một người bình thường tập luyện thể thao, Haruki còn tìm cách vượt qua chính mình bằng cách tham gia vào những cuộc thi ba môn phối hợp hoặc marathon trên khắp thế giới. Có thể nói, tinh thần kiên trì bám riết của Haruki Murakami trong tư cách người chạy bộ cũng nói lên con người của ông trong tư cách một nhà văn. Dĩ nhiên, bản thân cuốn sách này không chỉ nói về việc chạy bộ. Bởi người viết là một nhà văn nên sau cùng thì cái ông ta hướng đến phải là tư cách nhà văn của mình thôi. 

Chạy bộ và viết văn dường như không liên quan đến nhau. Chắc chắn có những nhà văn không chỉ làm mỗi một việc trong đời là viết văn. Và cũng chắc chắn có những nhà văn yêu chuộng thể thao cũng như có những nhà văn không coi trọng việc rèn luyện thể chất. Vì vậy chạy bộ và viết văn, nếu liên quan đến nhau, thuộc về phạm trù kinh nghiệm riêng tư. Với Haruki, như ta thấy, viết văn là câu chuyện của tài năng và sự tập trung mang sức mạnh của sự kiên trì. Và chạy bộ rèn cho ông cái khía cạnh thứ hai ấy. 

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Ghi chú về một giai thoại quốc tế

Dạo này mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi đọc cuốn Đời tôi của Marcel Reich – Ranicki. Đọc đến giai thoại kinh điển về sự đi dạo, ở những trang 228 – 229, tôi phá ra cười. Đó là những dòng viết có liên quan đến Stanislaw Jerzy Lec mà theo tìm hiểu của tôi sau đó, được xem là nhà thơ, nhà văn trào phúng, nhà cách ngôn xuất sắc của Ba Lan thế kỷ XX. Thời điểm Marcel Reich – Ranicki gặp Lec (năm 1944), Lec đã có tiếng tăm nhưng chưa nổi tiếng bằng sau này. Theo những gì Marcel Reich – Ranicki mô tả, dù không hoàn toàn theo lối khẳng định, từ cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy cho đến về sau, Lec vẫn vậy. Là một con người tự cao luôn chỉ thích nói về mình, không bao giờ quan tâm đến những gì xảy đến trong cuộc đời người đối diện. Nhưng đồng thời, theo cách nhìn hóm hỉnh và chắt lọc chi tiết của Reich – Ranicki, người ta cũng thấy sự tự cao ở Lec là sự tự cao vĩ đại của một nhà văn có tài và không phải không hài hước. Cái đoạn khiến tôi đang mắt nhắm mắt mở cũng phải phá ra cười là như thế này :

Sau khi kể rằng trong suốt chuyến bay với một đồng nghiệp, Lec chỉ nói về chính mình đến mức người này phải hỏi lại ông có nhận thấy điều đó không, Lec trả lời bằng câu hỏi ngược lại: "Thế anh có đề tài nào hay hơn không ?", Reich – Ranicki chuyển tiếp câu chuyện bằng một kỷ niệm của chính ông với Lec trong một chuyến đi dạo :

"Gần nửa thế kỷ trước, Lec và tôi đi dạo khá lâu… Lec nói không ngừng…Sau chừng một giờ, đột nhiên ông nói: "Tiếp tục thế này thì không được. Nãy giờ chúng ta toàn nói về tôi. Bây giờ chúng ta hãy nói về ông. Ông hãy cho biết ông thấy quyển sách mới nhất của tôi thế nào?".

Sự duyên dáng của Marcel Reich – Ranicki trong đoạn viết này khiến tôi vô cùng thích thú và cảm thấy kiểu tự coi mình là trung tâm của Stanislaw Jerzy Lec  nếu có khó ưa thì cũng không khó ưa chút nào, ngược lại rất thú vị và hài hước. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn liệu có hàm ý châm biếm nào không trong những dòng viết ấy và nhất là khi Reich – Ranicki xác nhận Lec trọng thị ông, xem ông là một nhà phê bình xuất sắc chỉ bởi ông có một bài điểm sách nhiệt tình về quyển Những ý nghĩ mộc mạc của Lec – bài phê bình duy nhất của Ranicki mà Lec đọc? Và rằng "một tác giả nghĩ thế nào về một nhà phê bình tùy thuộc vào nhà phê bình viết gì về tác giả ấy, đặc biệt về quyển sách mới nhất của ông ta"?

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Nếu gặp người ấy, cho tôi gửi lời chào - Ichikawa Takuji




(Satoshi có một cửa hàng thủy sinh. Ngay từ khi còn nhỏ cậu đã chỉ có hứng thú với thế giới dưới nước. Lớn lên, cậu làm đúng công việc mơ ước của mình, nghĩa là trở thành ông chủ của một cửa hàng chuyên bán cây thủy sinh, tuy cực kỳ nhỏ bé với lượng buôn bán luôn ở mức thấp nhưng Satoshi hoàn toàn thư thả, thoải mái với cuộc sống của mình. 30 tuổi, Satoshi hẹn hò với Misaki thông qua một chương trình môi giới hôn nhân. Câu chuyện giữa họ chẳng nhiều nhặn gì hơn là những dòng hồi ức của Satoshi về những người bạn thời niên thiếu. Trong cái năm của tuổi 13.

Năm ấy, Satoshi cùng lúc quen được Yuji và Karin. Yuji nhỏ bé, mang cặp kính cận quá khổ của bố và là cậu bé có tài hội họa, ước mơ trở thành họa sĩ. Cậu chỉ vẽ rác và như sau này cho thấy, cả cuộc đời Yuji chỉ vẽ rác. Karin có dáng vẻ con trai và ăn nói cũng như con trai nốt, thường vận trên người chiếc áo quân đội quá khổ nhưng cô bé cũng sớm phát lộ những đường nét cực kỳ xinh đẹp. Bọn họ gắn bó với nhau vào năm 13 tuổi ở một thị trấn có những cánh đồng mênh mông vô tận và mấy con sông nhỏ, trước khi lần lượt chuyển đi và mất liên lạc.

Satoshi luôn nhớ đến Yuji và Karin, đặc biệt là Karin, có thể nói cũng là mối tình đầu của cậu. Những kỷ niệm trong sáng, êm đềm được kể xen kẽ giữa dòng chảy tiếp diễn của đời sống thực tại. Đã 15 năm trôi qua kể từ khoảng thời gian không thể nào quên ấy. Và rồi Morikawa Suzune đến xin việc làm ở cửa hàng thủy sinh của Satoshi. Satoshi cảm thấy rằng mình biết cô gái này. Lúc bấy giờ Morikawa Suzune đang là một nữ diễn viên mới nổi cực kỳ sáng giá…

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...