Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Tình yêu của chúng ta (3)

4. 

“Này Y, em lấy anh đi!” 

C, sau năm tháng nhìn Y héo mòn trong cửa hàng tạp hóa của cha mẹ cô, đề nghị cô lấy anh. Họ từng hẹn hò ăn tối với nhau vài lần, trong những dịp Y thoát được sự kiểm soát của ông bố hà khắc. Chưa thể gọi đó là tình yêu. Nhưng Y đã ba mươi tuổi và ở hầu khắp nơi trên đất nước này, phụ nữ ba mươi tuổi, chưa chồng, là đã quá già. 

Bố mẹ Y phản đối khi C đưa bố mẹ anh đến thưa chuyện. Họ cho rằng như thế là quá vội vàng. Họ có một cô con gái đã ly dị chồng và không muốn có thêm một cô con gái ly dị chồng. Một là quá đủ. Y van nài. Nhưng không là không. 

C buộc phải hủy tiệc cưới tại nhà hàng. Anh tiếc số tiền cọc, sự từ chối thẳng thừng của gia đình cô cũng khiến anh choáng váng và anh trút cả lên cô. “Nếu nó không thể đợi để được lấy mày, nó không phải là người dành cho mày”, bố Y nói, “Và chuyện cưới xin không chỉ là chuyện của hai đứa mày, nó là chuyện của hai gia đình”. Ông nhìn cô con gái út đe nẹt. Y hiểu bố cô có lý do để lo lắng nhưng cô mong muốn thoát khỏi bốn bức tường gia đình. “Cái cửa hàng tạp hóa quanh năm bốc mùi nhựa này đang giết mình”, ý nghĩ đó đeo đẳng Y và cô bám víu vào lời đề nghị của C như một lối thoát. “Nhưng giờ thì hết rồi”, cô tuyệt vọng và càng tuyệt vọng khi nhìn về quá khứ, cánh cửa cuộc sống dường như cứ đóng chặt trước cô vĩnh viễn. C đã tuyên bố không muốn gặp Y một thời gian. Một thời gian là bao lâu, cô hỏi và anh lạnh lùng quay đi. 

Y nghĩ đến việc tự tử. 

Cô nhắn tin cho bốn người chị gái, cùng một nội dung: “Em chẳng còn gì. Em quá mệt mỏi. Có lẽ cuộc sống không phải thứ dành cho em”. Trong lúc đi gom một lượng lớn thuốc ngủ từ những hiệu thuốc khác nhau, Y đợi điện thoại rung lên, cô nghĩ nó sẽ rung lên nhưng nó lại im lặng cả ngày dài. Y sũng trong nước mắt nhưng chẳng bao giờ cô đụng đến những viên thuốc ngủ. 

Một ý niệm khác về hạnh phúc – Marc Levy

Kỷ niệm thật kỳ quặc… Có những người nuôi dưỡng kỷ niệm như thể có sợi dây níu giữ chúng tồn tại giúp họ tránh xa cái chết; những người khác lại xóa bỏ chúng để quãng thời gian còn lại tươi sáng hơn – tr. 10.

Những thứ xưa cũ đều mang trong mình một câu chuyện – tr. 79.

Khi dứt bỏ mọi quan hệ và quay lưng lại với quá khứ, ta đang lãng quên chính bản thân mình – tr. 91.

Không thể sống cùng một người chỉ vì anh ấy tốt bụng, mà bởi anh ấy khiến ta rung động, khiến ta cười, bởi anh ấy thúc đẩy chứ không níu giữ ta, bởi ta nhớ anh ấy ngay cả khi anh ấy ở phòng bên cạnh, bởi sự im lặng của anh ấy cũng có ý nghĩa như lời nói, bởi anh ấy yêu những thói xấu của ta cũng nhiều như yêu những đức tính tốt của ta, bởi khi chìm vào giấc ngủ ban đêm ta sợ cái chết, điều duy nhất khiến ta yên lòng là ánh mắt anh ấy, bàn tay ấm áp của anh ấy. Đó là lý do để xây dựng cuộc sống với một ai đó, và nếu người đó tốt bụng thì càng tốt, đó là một điểm cộng, nhưng chỉ là một điểm cộng mà thôi – tr. 106-107.

Cuối cùng thì chúng ta sẽ luôn đến một nơi nào đó – tr. 109.

Thật điên rồ khi ta nói với người mình yêu thương biết bao điều vô nghĩa, và còn điên rồ hơn thế khi ta chẳng nói gì – tr. 283.

(Phạm Thị Minh Hằng dịch, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2015)

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Chuyện là thế đấy


Người mới có lẽ sẽ bắt đầu từ tuần sau. Hai hay ba người. Rồi sau đó, một nhóm nhỏ sẽ tách về Q. Chuyện này nói khá lâu rồi, từ dạo tôi mới bước chân vào làm. Khi đó, một nhóm nhỏ đã tách về S. Họ tuyển thêm người để chia thành những vệ tinh. Dĩ nhiên, bạn không biết điều đó khi được tuyển vào. Sự sắp xếp diễn ra từ trước và nếu bạn không tự nguyện, đương nhiên bạn sẽ chịu sự phân công (hoặc nghỉ việc, nếu bạn chả theo trường phái nào). 

Tôi không biết liệu tôi có ở trong nhóm người lần này, về Q. Có nhiều chi tiết cho thấy tôi thích hợp (khi so sánh với cái không thích hợp, tỷ lệ là 2-1, kiểu vậy). Một chút ích kỷ khi tôi so sánh giữa việc đi và ở, cái nào có lợi hơn cho mình (tôi chẳng mấy tin vào mấy cái lời màu mè của sếp, mặc dù xét tổng thể, tôi tin tưởng chị hơn tất cả - tôi đã trải mấy đời sếp, và thế là có đủ người để đưa lên bàn cân, nếu cần phải làm thế). Vấn đề là tôi không có câu trả lời. Lợi hại gắn liền nhau. Vả lại, làm sao có thể dự phóng tương lai khi bạn là kẻ “ất ơ” với kế hoạch, với mục tiêu, với tham vọng và với cả giác quan thứ sáu?!

Những người mới còn chưa bắt đầu. 

Có một người cũ đã ra đi, cách đây khoảng hai tuần. Một cái gì đó bất ngờ. Cô gái đó, vui vẻ và nhanh nhẹn – tôi phải ao ước mình có cái vui vẻ và dạn dĩ đó. Và cực hợp rơ với sếp. Thế rồi kể cả như vậy thì người ta vẫn cứ nghỉ việc. Cô ấy ra đi đúng vào lúc cao trào, sau một trận ốm, cả núi công việc đang cần cô ấy, còn chúng tôi thì cần thêm người. Tôi có một chút hốt hoảng. Nhưng, “chuyện gì mà tôi không biết má” – phải chăng đó là tuyên ngôn chung của giới văn phòng? Kỳ quặc là tôi và họ, cùng hít thở cái bầu không khí ấy, giữa những con người đó, giữa bộn bề công việc đó, họ biết mọi thứ kể cả trong giai đoạn thai nghén, tôi thì luôn như thể từ trên trời rơi xuống. 

Chúng tôi cũng có thêm một cấp trên. Đây có phải là căn bệnh của mấy tập đoàn, hay bởi quy mô công việc cần phải thế: người ta ngày càng làm dày những cấp bậc, những chức danh (hồi xa lắc, khi còn làm ở A, gặp lại bạn cũ, tôi phải vẽ cả một sơ đồ dài ngoằng để cuối cùng mới chỉ ra được cái vị trí tôi đang làm – với cái dự báo huênh hoang là chẳng mấy chốc thì một phòng ban sẽ toàn sếp là sếp, nhân viên thực sự - người trực tiếp làm việc theo chỉ đạo chỉ còn lèo tèo một, hai người – khi đó chúng tôi sẽ trở nên quý hiếm đến độ sếp có thể cho nghỉ việc ngay còn chúng tôi mới là tầng lớp không thể thay thế ^ . ^). 

Cấp trên của cấp trên là một người còn khá trẻ. Thế nên có vẻ trong cái khoảng thời gian đầu này, cậu ta hẵng còn loay hoay tìm vị trí cho mình. Cậu ta sẽ làm gì? Đó là việc hầu hết chúng tôi chưa biết và cũng chẳng có thời gian để bận tâm. Hầu hết thời gian làm việc trong ngày, chúng tôi quên mất sự có mặt của vị cấp trên của cấp trên, ngoại trừ cái nóng hầm hập cậu ta mang đến. Cậu ta sợ lạnh. Trong cái góc của mình, cậu ta tắt máy lạnh hoặc điều chỉnh nhiệt độ lên 29, 30 độ C. Văn phòng chật hẹp đến nỗi cấp trên của cấp trên chưa có nổi phòng riêng.

Tôi đã làm việc ở đây đến tháng thứ tám. Và vẫn không biết ngày mai mình sẽ ở đâu. Chuyện là thế đấy. 

“Nếu gột rửa hết những gì xót xa
Chúng ta sẽ đi đâu trong những buổi chiều tà…?”


“đôi lúc ngại một cơn mưa hay một ngày nhiều gió
Chỉ vì biết sẽ phải tự mình che chở
Dù có lạnh hay không...”
(Thơ Nguyễn Phong Việt)

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...