Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

"Trong khi chờ đợi...


… hãy làm như mình đã chết”


Câu nói này nhặt được từ cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” của ông nhà văn Nhật Bản, người mà rất có thể nêu tên tác phẩm thì ai cũng đã biết là ai đấy. Tôi bắt gặp bản điện tử của cuốn sách này trong khi rà soát lại những tài nguyên lưu trữ trên máy tính, nhằm xóa đi những thứ cần phải xóa. Biên niên ký chim vặn dây cót, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Istanbul – Hồi ức và Thành phố, Bốn mùa trời và đất, và mới đây nhất, Người cô độc là những cuốn sách tôi muốn đọc, ít nhất từ mấy tháng nay (tôi đồ rằng danh sách này sẽ không thể nào bị cắt ngắn chừng nào sự eo hẹp về tiền bạc vẫn ngăn tôi hết sức cần kiệm với sở thích cá nhân).

Mặc dù sách số hóa là một lựa chọn đem lại tiện lợi nhất định, tôi không thích đọc sách dưới hình thức này. Việc phải sử dụng một thiết bị công nghệ để đọc một tiểu thuyết dài đã được số hóa với tôi là việc gì đó không mang tính “thư thái nghỉ ngơi”. Giống như là bạn vẫn phải căng mắt làm việc và dưới tác động của ánh sáng màn hình, đôi mắt của bạn rất nhanh rơi vào trạng thái mỏi mệt. Tôi không phản ứng lại trào lưu. Chỉ một cái máy tính bảng nhỏ gọn cũng có thể chứa hàng ngàn đầu sách là một hình dung lấp lánh. Bạn có thể đi thong thả trên đường với hàng ngàn cuốn sách theo cách đó. Nhưng bạn sẽ đọc được mấy cuốn sách trong một ngày, tranh thủ vào những phút bạn rảnh rỗi? Bạn có thực sự cần hàng ngàn cuốn sách kè kè bên bạn trong một ngày hay không?

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Trích dẫn lượm lặt

Cuộc đời như một chuyến xe mà chúng ta là người lái, mỗi khi qua một bến, sẽ có người lên và người xuống. Những người lên xe cùng ta lúc khởi hành phần nhiều giữa đường sẽ rời đi, còn người cùng ta đến cuối hành trình thì rất ít. Thậm chí chẳng có một ai.

Dù ở tuổi nào đi nữa, khi mà hình ảnh một người cứ đầy ắp trên mỗi bước đường đã qua thì đó chính là tình yêu.

Đôi khi tình yêu là một thứ tình cảm ích kỉ, không thể nào vẹn cả đôi đường thì nên chọn lấy tình yêu, bởi vì người sống bên mình suốt đời nên là người mình yêu thương. Nếu không thì sẽ uổng phí cả một kiếp người.

(Nghe nói anh yêu em - Thuấn Giang Khuynh Thành)

Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.

(Cố hương - Lỗ Tấn)

Được gặp một người có duyên với mình trong thời điểm thích hợp, là hạnh phúc của cả cuộc đời. Được gặp một người có duyên với mình trong thời điểm không thích hợp, chỉ là một tiếng thở dài…
Trong kiếp phù sinh này, tất cả đều chỉ là hư ảo, đều không vĩnh cửu, đều không thể dựa dẫm, tất cả rồi cũng đều thay đổi, cho dù là tình yêu sâu đậm nhất rồi cũng sẽ không thể chống lại nổi sự bào mòn của thời gian.
Duy chỉ có hơi thở của người bên cạnh lúc này là chân thực, duy chỉ có cảm giác ôm nhau giữ hơi ấm trong đêm này là chân thực mà thôi.
Cảm giác này…phải chăng chính là thứ người ta vẫn gọi là “nương tựa”?

(Thất dạ tuyết - Thương Nguyệt)

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

“Tất cả những người tài hoa chân chính đều luôn tự sát”*

* Bài luận của cô nữ sinh 17 tuổi, Lâm Gia Phù trong cuốn tiểu thuyết tự truyện “Búp bê Bắc Kinh” của nhà văn Xuân Thụ (Trung Quốc). Tôi đọc cuốn sách này 5, 6 năm trước. Lâu nay chưa từng đọc lại. Dạo gần đây thi thoảng tôi mở lại những quyển sách cũ, Búp bê Bắc Kinh là một trong số đó. Có lẽ đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của trào lưu văn học linglei của thời điểm khởi đầu hay là cực thịnh của nó (kỳ thực tôi không quan tâm lắm đến trào lưu này, sau này có lẽ như mọi trào lưu khác, nó thoái trào hoặc là nó trở nên bình thường nên không thấy nhắc hay đã phát triển khác với cái chất ban đầu để vẫn được gọi bằng tên cũ, tôi cũng không rõ – chỉ thấy rằng giờ đây không ai đề cập đến cụm từ “văn học linglei” nữa). Cùng thời điểm đọc Búp bê Bắc Kinh, có lẽ tôi cũng đọc Điên cuồng như Vệ Tuệ của Vệ Tuệ và Kẹo – Tuổi xuân tàn khốc của Miên Miên – đều là những tác giả được xếp vào nhóm mỹ nữ linglei trên văn đàn Trung Quốc lúc bấy giờ. Trong ba tác phẩm này, có lẽ Búp bê Bắc Kinh là tiếng nói chất phác hơn cả.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Khúc Thụy du



Trong list nhạc của tôi có bài hát này từ lúc nào, tôi cũng không rõ. Vì không rõ nên tôi chắc mẩm tôi đã không yêu bài hát này từ đầu, theo cái kiểu vừa nhìn đã yêu, vừa yêu đã hiểu, vừa hiểu đã biết khó quên. Tôi hoàn toàn không nhớ có một bài hát như vậy trong list nhạc của mình. Mà cũng lâu tôi không nghe nhạc có lời. Tôi bắt đầu thích giai điệu hơn là lời ca. Chúng yên tĩnh, dịu dàng, thuần phục lòng người. Những bản nhạc không lời. Chúng trả tôi về với nội tâm tĩnh lặng, cho dù không phải là cảm giác hân thưởng cuộc đời với niềm vui rạng rỡ, vẫn thấy tự đáy lòng mình một niềm xúc động thiêng liêng. Như có cái gì tươi đẹp vẫn đang dành cho mình, đang vì mình mà ươm mầm đâu đó… Giống như mình, nhiều lúc bi ai như thế, u uất như thế, vẫn có thể trìu mến nhìn những cành hoa tươi tinh khôi trong một tiệm hoa nào đó giữa Sài Gòn. Giữa Sài Gòn bụi bặm, những cành hoa vẫn mang trong mình vẻ đẹp trinh nguyên…

Tôi lại đi xa điểm khởi đầu (nhiều khi tôi vẫn như vậy nhỉ, trong lúc muốn nói về hoa hồng lại sa đà với hoa trà, hoa lựu…hi hi).

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...