Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Chúc một ngày tốt lành


Những ngày tháng ba, tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dường như tình cờ mở màn cho một cuộc chiến kỳ lạ của những nhà sách có lẽ đang gầm gừ cạnh tranh nhau. Cuộc chiến mang màu sắc kim tiền. Tôi phải thừa nhận là điều này gây chú ý cho tôi nhiều hơn cái lý do vốn dĩ chính đáng (và là lý do ban đầu) của nó: Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi cũng tự hỏi liệu khi nhắc đến một ấn phẩm văn học nào đó mà điều đề cập đầu tiên lại là giá cả, thì có phải là một hình thức xúc phạm văn chương? Dù sao tôi cũng có thể tự an ủi mình rằng bản thân chỉ là một người đọc bình thường, thường hay dành tiền mua sách nhiều hơn bất cứ thứ gì. Không tiếc rẻ nhưng cũng không thuộc dạng không cân nhắc. Trước đây tôi thường không mua sách giảm giá vì những nhà sách hay mua là những nhà sách không có chính sách này. Mãi sau tôi biết được khá nhiều nhà sách trên mạng có chiết khấu rất tốt cho độc giả, trong khi nhà sách mình mua luôn bán đúng giá bìa, tôi bắt đầu lưỡng lự. Thử đặt mua sách ở một nhà sách giảm giá nọ. Và họ thậm chí giao sách ngay trong ngày. Đó là một ấn tượng tốt đẹp. Tôi tiếp tục mua ở đó thêm một lần nữa. Nhưng rồi nhà sách tôi thường mua bất ngờ khuấy động thị trường bằng cuộc chiến giảm giá khá gay gắt và ầm ĩ. Vì điều này chưa bao giờ là tác phong của họ, tôi đoán rằng có thể họ đã mất đi nhiều khách hàng. Tôi không nghĩ văn chương là thứ người ta nên bán theo kiểu đại hạ giá. Thế nên kể cả khi tôi chọn một nhà sách khác để mua, đó vẫn là một nhà sách có mức chiết khấu thông thường tối đa chỉ ở mức 20%. Và dĩ nhiên trong việc mua sách, đôi khi bạn phải mua ở những nhà sách khác nhau vì không phải nhà sách nào cũng có tất cả mọi quyển sách được xuất bản. Do vậy việc mua sách ở nhà sách này không có nghĩa bạn sẽ không tiếp tục mua những ấn phẩm khác ở nhà sách khác. Nhưng khi có những nhà sách theo đuổi chính sách bán dưới giá bìa và độc giả kỳ thực cũng là những người mua hàng thông thường mang tâm lý tự nhiên là chọn điều có lợi nhất cho mình thì việc chiết khấu dường như cũng phải trở thành mặt trận chung. Vấn đề là những đơn vị kinh doanh có nên gây ra cảm giác văn chương đang bị bán thốc bán tháo hay kỳ thực người mua sách lâu nay vẫn chịu thiệt bao gồm cả khi họ bán đúng hay với mức giảm giá tương đối? Dù sao một cuộc chiến giảm giá “kịch trần” đã xảy ra và khơi mào cho nó là tác phẩm có cái tên và đề tài dễ chịu này “Chúc một ngày tốt lành”*.

Sách được phát hành bởi NXB trẻ. Điều này cộng với một câu nói tình cờ của Còi Cọc trước đây giúp tôi nhận ra hầu hết sách tôi mua mấy năm nay được phát hành bởi công ty Nhã Nam (liên kết với NXB nào đó). Kỳ thực đây không phải là một điều đáng bận tâm. Chỉ có điều khi cầm trên tay sách của NXB Trẻ (sau này có thêm quyển Khởi sinh của cô độc của cùng NXB với chất lượng in như nhau) tôi nhận ra điều vụn vặt này: cùng một khổ, sách của NXB Trẻ sẽ dày hơn dù số trang ít hơn (ví dụ quyền sách gần 280 trang sẽ dày hơn hẳn quyển sách 323 trang). Giấy in của Nhã Nam trắng tinh trong khi giấy in của NXB Trẻ mang màu trắng ngà. Thực ra tôi không nghĩ ngày nay người ta còn sử dụng loại giấy ấy. Tôi không biết phải diễn tả thế nào nhưng chất liệu giấy in này đem đến cho tôi một cảm giác rất cổ điển. Giống như là mấy quyển sách từ thời xa xưa nào đó. Và tôi không thể nói là loại nào thì đẹp hơn. Vì dù đã quen với những trang giấy trắng tinh với độ mịn cao, loại giấy trắng ngà khi sờ vào có cảm giác nham nhám lại đem đến cho tôi cảm giác loại giấy này gần gụi với sách hơn. Một ưu điểm không thể bàn cãi của loại này là mặc dù sự dày dặn của nó khiến tổng thể quyển sách cũng dày hơn nhưng trọng lượng khi cầm lên lại hoàn toàn nhẹ tênh. Tuy thế cũng phải nói rằng sách do Nhã Nam phát hành có giá bìa (gốc) dễ chịu hơn sách của NXB Trẻ rất nhiều. Và nếu ai đó có khuynh hướng mua sách vì nhà phát hành thì mấy điểm linh tinh kể trên có thể là điều đáng để cân nhắc (bên cạnh mảng sách họ hướng đến, phong cách thiết kế bìa, biên dịch, biên tập vv…). 

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Một vòng tròn

Khi ánh nắng gõ cửa sớm hơn vào mỗi buổi sáng và mỗi lúc một trở nên choáng ngợp, gay gắt thì cũng là lúc chúng tôi phải tiến hành thay rèm cửa. Bộ rèm cửa thường được dùng vào dịp đầu xuân dù chất liệu tương đối dày cũng không đủ sức che chắn ánh sáng nóng rẫy của mùa hè. Bộ mùa xuân ấy khá đẹp, màu trắng kem kết hợp với những đường viền màu nâu phấn kiểu hoa văn, còn có mấy cái tua rua màu vàng rủ xuống ở phần rèm tách rời phía trên, có thể nói là diêm dúa nhất so với hai bộ còn lại. Bộ mùa hè (tạm gọi như vậy vì khi mua, các bộ rèm cửa ấy không hề được lựa chọn theo tiêu chí các thời điểm trong năm) dày nhất. Bởi vì dày nhất, màn cửa mùa hè hiếm khi rung rinh trong gió. Cái cảm giác nặng nề của nó thấy được rõ nhất khi thời tiết bắt đầu dễ chịu hơn và theo tiếng gọi của sự sạch sẽ, chúng tôi lại tiến hành thay rèm cửa và lần này thay thế vào chỗ trống trên khung cửa là bộ rèm mỏng nhất. Bộ rèm mỏng nhất so về kiểu dáng hay chất liệu đều không bằng hai bộ còn lại. Nhưng nó có một dáng vẻ nhẹ nhàng tha thướt khó tả. Nó làm cho căn phòng cũng trở nên nhẹ nhõm hơn như kiểu con tằm vừa thoát được lớp kén và diện lên mình đôi cánh mỏng nhẹ tênh của con bướm xinh đẹp. Vào khoảnh khắc ấy thì tôi luôn cảm thấy nó là bộ rèm cửa đẹp nhất, cái bộ rèm cửa bình thường nhất ấy. 

Việc thay rèm cửa cũng giống như việc thay những tấm ga trải giường. Nhưng dĩ nhiên ga trải giường phải được thay thường xuyên hơn. Đó là những loại việc lặp lại mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày. Đôi lúc khi ngồi cắt móng tay, móng chân, tôi lại tự hỏi tại sao cứ phải làm đi làm lại mấy loại việc dường như ngàn lần cỏn con này. Có lúc tôi sẽ để lâu hơn một chút. Nhưng rồi cũng chẳng có cách nào khác, đến hẹn lại lên. Và tôi lại ngồi cắt móng tay, móng chân. 

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...