Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Trên tay cuốn sách cũ

Có lần tôi nhắc đến một cuốn sách, rằng “mấy năm rồi tôi vẫn chưa đọc xong”. Lúc ấy trong tôi cũng không có suy nghĩ sẽ đọc nốt phần còn lại. Chỉ thi thoảng nghĩ về sự dang dở đó, tôi tần ngần đứng một chút nhìn lên kệ sách nhưng rồi như những khoảnh khắc chợt nhớ ra điều gì mà lại không kịp giữ nổi điều ấy trong tâm trí, tôi lại lặng lẽ quay đi. Có thể tựa đề cuốn sách này cũng giống như tôi những lúc ấy. Vô hồn. 

Tôi mua “Vô hồn” trong một nhà sách nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (nhà sách đó tên gì, giờ còn ở nơi ấy không, tôi không nhớ và cũng không biết). Thời điểm đó tôi gần ra trường, chắc còn chưa đi làm, chưa nhận bằng tốt nghiệp. Tôi chỉ nhớ điều gây ấn tượng cho tôi không phải ở nơi tựa đề hay cái dòng kèm theo “Chuyện về một người không chân chính” hé mở một cái gì đó có tính hấp dẫn ở ngay bìa trang sách mà ở cái mô tả về một ấn phẩm thuộc dạng Best Seller: “…trong vòng vài tuần đã được tiêu thụ hết 100 ngàn bản. Độc giả gần như “cướp” cuốn sách này khỏi kệ trong các cửa hàng bán sách”. Không hẳn vì bị tác động bởi những quảng cáo phù phiếm mà chủ yếu vì thật thà. Hồi đó thì tôi nghĩ đơn giản, một tác phẩm được tán thưởng thành công rực rỡ như vậy thì hẳn phải có gì đáng đọc. 

Sau đó, tôi háo hức lật giở từng trang, từng trang của cuốn sách. Và sau đó, sau đó, tôi rất nhanh chóng cảm thấy chán nản. Và sau đó, sau đó, sau đó tôi không đọc tiếp cuốn sách nữa. Tôi không nhớ nhiều về lý do trong thời điểm đó. Nhưng chắc chắn là tôi đã tìm thấy rất ít cảm xúc hay sự thú vị trong cuốn sách khô khan về lối sống thời thượng này (cái tôi ít thích nhất nghiêng về vế thứ hai). Có lẽ đây là cuốn sách khô khan đầu tiên mà tôi từng đọc (và vì vậy hoàn toàn khó tiếp nhận). 

Sau vài năm cầm lại cuốn sách trên tay, ngạc nhiên đầu tiên là tôi cảm thấy trọng lượng của nó khá dễ chịu và dường như cuốn sách cũng bớt dày như tôi từng nghĩ. Những trang giấy dường như đã vàng hơn và từ tay tôi tỏa ra cái mùi âm ẩm của sách cũ. Tôi thoáng xao động. Sáu năm và chúng tôi đã là “người cũ” của nhau (cười). 

Vô hồn – Sergey Minaev


Trong đời mình… có những lúc chúng ta cháy lên như thể để sẵn sàng làm một việc gì đó đặc biệt, nâng mức của mình lên, vượt qua chính mình, có thể là thay đổi công việc, đổi nhân tình hoặc đi ra nước ngoài. Nói một câu ngắn gọn là : THAY ĐỔI CÁI GÌ ĐÓ !

Bạn sẽ sống với ý nghĩ đó trong vài ngày, vài tháng, vài năm, rồi sau đó nó dần dần bị đẩy lùi xuống dưới, và bạn hiểu rằng cố gắng là vô nghĩa, đằng nào cũng chẳng thay đổi được điều gì. Bạn càng ngày càng lệ thuộc vào những thứ mà xã hội đã choàng vào cổ mình ngay từ thời mình còn bé xíu, kiểu như sống đâu, âu đó”. Tất nhiên, chúng ta sẽ biện hộ đó là do môi trường sống, do giáo dục, chế độ, do bố mẹ từ bé đã ngăn cản chúng ta thực hiện những hành động thiếu suy nghĩ. Bạn nhớ lại những gì có thể lý giải cho sự bất động cũng như phong cách sống của mình, giống như thanh gỗ trên máy cưa vậy. Nhưng có ai đó vẫn đang tiến hành thu xếp rất nhanh gọn mọi thứ trong cuộc đời mình, ai  đó tìm thấy người đẹp tóc vàng của mình rất đơn giản ngay trong thang máy. Hay là đơn giản là họ đang gặp may ?

Đúng thế, bạn lại có thể biện hộ rằng trong vô số kẻ đang đâm bổ về phía mặt trời, chỉ có vài mống may mắn đi được đến đích, số còn lại sẽ chết cháy. Nhưng dù sao thì như thế vẫn còn tốt hơn là ta chẳng có chút dao động nào... Mọi thứ bình lặng và nhịp nhàng, hoặc là mọi sự đã được định sẵn. Bởi thế nên mới có một đội quân bưu tá mang chính bản thân mình tới điểm tiếp nhận có tên gọi Số Mệnh” với hy vọng nhận được chút tiền boa trả công đi lại. Nhưng số mệnh lại không mấy hào phóng với chút tiền boa ít ỏi này. May nhất thì cũng chỉ đủ tiền thay giày. Độ ỳ và vô ý chí – đó là hai tai họa của dân vùng này”.

(Nhật An, Trương Hồng Hạnh dịch, NXB Trẻ và Tinh Văn, 2007, tr 114 – 115).

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

24 giờ... *


Hai năm trước thực hiện một chuyến du lịch vào đầu mùa xuân, khi đó mang trong ba lô có quyển sách mỏng của Stefan Zweig, trong đó có hai truyện vừa, truyện thứ nhất được lấy làm đầu đề cả quyển: 24 giờ trong đời một người đàn bà. Thời gian chạm đến quyển sách này trong cả chuyến đi rất ít, đến khi về nếp gấp đánh dấu sách vẫn còn. Thật ra vì tôi sớm phát hiện đã đọc cả hai truyện này rồi. 24 giờ... đọc trên mạng, cũng không nhớ là đoạn thời gian nào. Truyện còn lại cũng đã đọc rất lâu, chỉ là không biết là truyện của Stefan Zweig và có cái tựa đề từ lâu đã nổi tiếng trong văn chương: Bức thư của người đàn bà không quen. 

Ấn tượng lần đầu tiên đọc dường như không sâu đậm. Trong tôi không lưu mấy ký ức. Cảm giác những dòng chữ đều mới mẻ, lúc trước làm thế nào đã trôi tuột đi như dòng nước. Có thể lúc đọc những truyện này, tôi không có tâm tư đọc, chỉ như người ngồi trên xe ngó cảnh vật lướt nhanh qua làn kính. Đã bỏ lỡ những điều đáng nhớ.

Lần này tâm tư của những người đàn bà theo những lời bộc bạch của họ dàn trải ra trước mắt tôi. Tôi như nhìn thấy tâm hồn, đức hạnh, tình yêu, nỗi đau, lòng tự trọng, cái giá phải trả, niềm im lặng vinh quang mà thấm đẫm nước mắt... Ở đằng sau những cánh cửa khép kín và rồi đột nhiên mở ra, rực rỡ ánh sáng, khiến người ta ngạc nhiên, sững sờ, mê đắm và đau lòng, trong thời khắc của một người thì đã ở tuổi gần đất xa trời và người kia, đã không còn có mặt trên đời. Cánh cửa ấy mở ra và rồi ngay sau đó khép lại. Một lần và vĩnh viễn. Và người đọc, giống như nhân vật nhà văn trong câu chuyện thứ hai - tay đàn ông vô tình nhất quả đất ấy, run rẩy tìm kiếm trong vô hình gương mặt của những người đàn bà như  tiếng nhạc trong cõi xa vời của "một thời yêu thương, một thời bão nổi" nào đó, thấy từ trong thẳm sâu mình sự kính trọng, yêu thương và ngập tràn tiếc nuối. Đâu đó trong hữu hạn thời gian, con người chạy theo điều gì và đã bỏ lỡ điều gì...

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Cuối năm


Đã là những ngày cuối năm, và những cơn gió cũng đã trở nên vô tình và lạnh lẽo từ lúc nào… Năm nay dự báo khí trời sẽ lành lạnh thế này cho đến hết tết Nguyên đán. Buổi sớm đã có thể nhìn thấy sương mù. Những chiếc áo khoác dày cui người Sài Gòn thường hay khoác để tránh nắng giờ nhìn như áo tránh rét mùa đông. Đây là thời điểm tôi lại thấy mình có thể ăn mặc phong thanh một chút… 

Thi thoảng trên đường nhận những tờ rơi quảng cáo. Khổ lớn, màu sắc đỏ vàng rất bắt mắt, mua sắm thế là đã bước vào kỳ khuyến mãi “khủng” nhất trong năm. Tự dưng tôi liên tưởng đến những phong bao lì xì, pháo đỏ, tiếng cười nô nức trẻ nhỏ và những rộn ràng đón xuân của thiên hạ… Trong hình dung đó không thấy bóng dáng mình. Chỉ là người đứng từ hậu trường, nhìn  sắc màu của thành phố, sắc màu của mùa xuân…

T gọi điện. Đã hơn hai tháng kể từ lần nói chuyện có hơi hướng xung đột giữa tôi và cô ấy. Và cũng đã hơn hai năm mà cô ấy vẫn rơi vào những đỉnh điểm sầu muộn. Cô ấy khóc ròng rã, lần này còn nói nếu không phải vì nói chuyện với tôi, cô đã ra hiệu thuốc và mua một liều quyên sinh…

Con người còn có thể tìm người khác báo động về tình trạng của mình thì hẳn không dám tìm đến cái chết. Tôi hiểu những suy nghĩ tuyệt vọng kỳ thực cũng chỉ là vấn đề khoảnh khắc mà thôi, qua rồi thì còn lâu bạn mới chết… Có điều, trên đời cũng có thứ gọi là tích tụ chồng chất. Có khi cách sự việc rất lâu, người ta lại vì chính cái quá khứ đã bị bỏ xa mà tự hủy mình. Cuộc tử tự khi đó thành vô duyên vô cớ, người khác cũng khó mà hiểu…

Tôi nói với T những điều xưa cũ. Cô ấy chống chế nhưng rồi cũng dễ dàng lắng nghe lý lẽ của tôi. Cái T cần chẳng phải là như vậy. Cái tôi có thể cho cô ấy cũng chỉ là như vậy. Đối với tôi, mọi giáo điều đều hư ngụy. Nên trong lúc lải nhải lời hay ý đẹp với T, tôi cũng đồng thời cảm thấy một nỗi hổ thẹn dâng lên trong lòng. Những lúc thế này cảm thấy cuộc đời như màn kịch lớn. Chừng nào sân khấu có thể hạ màn…

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Có một Xóm vắng trong lòng tôi


Quỳnh Dao là nữ văn sĩ Đài Loan. Nhắc đến bà, gợi nghĩ trong tôi là ngoài cái tên hay (là bút danh mà tôi ngỡ là tên thật), cụm từ “tiểu thuyết diễm tình” ám chỉ dòng văn chương với những chuyện tình đẫm lệ mà bà theo đuổi, còn là tài năng làm phim. Và tôi cũng chủ yếu biết đến đồng thời tin rằng nhờ khả năng đưa tiểu thuyết của mình lên màn ảnh, Quỳnh Dao đã mở rộng tên tuổi của mình đến những biên giới mới. Một lượng khán giả của Quỳnh Dao có thể cũng như tôi, không đọc tiểu thuyết của bà nhưng ít nhiều đều biết đến và/hoặc yêu thích phiên bản điện ảnh của một hay nhiều tiểu thuyết của nữ văn sĩ và do vậy không thể hoàn toàn không biết đến tên tuổi của bà. Thật ra đọc hay không đọc, xem hay không xem phim của Quỳnh Dao đều không phải là chủ định của tôi. Mọi thứ có lẽ cũng chỉ là sự tình cờ.

Tôi nhớ trong các nhà sách tôi từng đến, bao gồm Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Miền Nam (tôi rất thích nhà sách này vì thường tập trung nhiều đầu sách văn học, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển. Chừng hơn chục năm trước, nhà sách Miền Nam nằm đối diện với khu Đại Thế Giới, sau đột ngột chuyển đi. Nơi này từ lâu đã là một tòa nhà ngân hàng. Với tôi đây vẫn còn là một sự nuối tiếc) cùng vài nhà sách khác mà tôi không để ý tên, thường chỉ bán sách và hay có chương trình giảm giá, trên các kệ sách dù trải qua rất nhiều năm tháng vẫn luôn có chỗ đặt trang trọng các tác phẩm của Quỳnh Dao. Tuy không được ồn ào nhắc đến, việc xuất bản lặp lại nhiều lần các tác phẩm của bà cho thấy vị trí của chúng trong sự đọc Việt Nam. Thế nhưng, có thể vì lý do chuyển ngữ (dường như tồn tại khá nhiều dị bản của một tác phẩm và có khi được dịch “thuần Việt” tới mức thay đổi tên họ và địa danh trong tác phẩm theo kiểu mang cả một Đài Loan biến thành Việt Nam) khiến tôi không thể nào cảm được vẻ đẹp trong những dòng văn ấy, cũng có thể vì khuynh hướng đọc của tôi không thiên về yêu đương đơn thuần, cho đến nay, tôi vẫn không phải là một độc giả của Quỳnh Dao. Nhưng lại là một khán giả của bà. Dù không xem mọi bộ phim của Quỳnh Dao nhưng vì tình yêu dành cho một vài trong số chúng, tôi có thể nói như vậy về vị trí của mình trước Quỳnh Dao. Trong đó, để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, cũng là một trong số ít những bộ phim tôi tin rằng mình có thể yêu thích trong cả cuộc đời, đó là Đình viện thâm thâm.

Đình viện thâm thâm khi phát hành tại Việt Nam được đặt lại là Xóm vắng. Sản xuất từ năm 1986 và trình chiếu tại Việt Nam khoảng giữa thập niên 90. Tôi còn khá nhỏ để nhớ chi tiết phim từ lần xem ấy. Nhưng thậm chí từ cách đó trở ngược lại vài năm, trong trí nhớ tôi đã có hình ảnh  Lưu Tuyết Hoa trong một phim khác của Quỳnh Dao (thật ra tôi đã có sự nhầm lẫn trong nỗi nhớ này, nhân vật mà tôi xem hoặc nhìn thấy là Y Y của Người vợ câm, nhưng tôi lại đã luôn nghĩ đó là Tuyết Kha của Sầu Lẻ Bóng – kể cả cách nhớ này hình như cũng chưa đúng về phương diện tác phẩm thế nhưng trong suốt thời gian dài tôi đã nghĩ như vậy). Có thể nói vào thời kỳ kỹ thuật làm phim còn thô sơ thì diễn viên, thực lực diễn xuất của họ và sự phù hợp với nhân vật theo kiểu “sinh ra để dành cho vai diễn đó” là động lực quan trọng nhất có thể biến một tác phẩm điện ảnh thành kinh điển. Rất nhiều phim cũ được làm lại và về hầu hết phương diện, phiên bản mới đều có khả năng làm tốt hơn phiên bản cũ, chỉ là nếu thiếu đi nhân tố này, cái gọi là một lớp diễn viên “sinh ra để dành cho vai diễn” thì rồi những cái mới lại nhanh chóng qua đi và người ta lại hoài nhớ về một cái cũ không còn tìm lại được. Lưu Tuyết Hoa có thể là một trong số những diễn viên có quyền năng như vậy dù thành công trong sự nghiệp diễn xuất của cô không dừng lại chỉ với một vai diễn để đời duy nhất. 

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Báo chí không phải là một nghề, mà là thất vọng…



Khi gần bước vào độ tuổi 18, tôi cũng như hầu hết những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, phải đối diện với sự lựa chọn cho tương lai. Chủ yếu là chọn thi vào trường đại học nào, sâu xa là chọn một nghề để làm sau này. Tôi là một học sinh nghiêm túc nhưng kỳ thực tôi không ý thức được tầm quan trọng của sự chọn lựa đầu đời này. Tôi hồ nghi rằng đa số chúng ta đều như thế. Khi nhận ra dễ thường thì đã muộn rồi. Cuộc đời đã lăn bánh, chúng ta đã ở trên tàu.

Tôi có được hai nguyện vọng, theo quy chế thi cử năm đó. Và tuy không tách rời mong muốn cá nhân, sự chọn lựa của tôi vẫn dựa nhiều vào sức học của mình đồng thời là điểm tuyển sinh của các trường qua các năm để áng chừng khả năng đậu, rớt. Tôi nghĩ thế đã là nghiêm túc và chín chắn lắm rồi. 

Nguyện vọng thứ nhất của tôi năm đó là Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, khoa báo chí. Kế đến mới là Trường ĐH Luật. Thật ra tôi thích hai ngôi trường này ngang nhau. Và thích ở đây có nghĩa là thích mà chưa biết gì về cái mình thích. Nhưng thời điểm đó, ngành báo chí “hot” hơn và vì vậy suốt mấy năm liền, điểm tuyển sinh vào trường này luôn cao hơn trường luật. Cái gọi thứ tự nguyện vọng đơn giản được xác lập dựa vào điều này.

Kỳ thi năm đó, tôi đối diện với áp lực tâm lý mà khi nhìn lại tôi hiểu mình đã không vượt qua được. Giai đoạn gần kỳ thi, tôi đổ bệnh và càng nặng hơn khi ngày thi gần kề. Chính những triệu chứng sức khỏe tố cáo sự căng thẳng, sợ hãi của tôi và rồi cứ thế, tôi tự mình làm hỏng chuyện vào những thời khắc quyết định. Dẫu sao lần ấy môn Văn đã cứu tôi. Một khoảnh khắc tình yêu được đáp trả bằng tình yêu như thế thật hiếm hoi trong đời tôi (cười). 

Không vào được Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, trong tôi ít nhiều có một sự thất vọng. Tôi thích viết lách và ngỡ rằng trở thành một phóng viên sẽ phù hợp hơn với mình. Vả lại, khi không nhìn thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển theo nguyện vọng một, cảm xúc của bạn tự nhiên sẽ vô cùng lo lắng và hụt hẫng. Thông báo của ngôi trường theo nguyện vọng hai sẽ đến chậm hơn. Và bởi vì gia đình bạn cũng sẽ ngóng trông ngôi trường thứ nhất, thế nên, cái đến sau cuối cùng chỉ còn là cái để thở phào nhẹ nhõm. Không có niềm vui nào đáng kể sau đó. 

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Sau cơn bão





Sau cơn bão được dự báo mạnh nhất trong ba năm qua sẽ đổ bộ vào thành phố Hồ Chí Minh (mà kỳ thực vào cuối ngày đã được đính chính lại chỉ là áp thấp nhiệt đới, song từ rạng sáng hôm sau, tức ngày 07.11, trời đã đổ mưa lê thê như trút và rồi từ tinh mơ, đó đây những con đường thành phố đã chìm trong nước ngập), những tia nắng đầu tiên của ngày đã sớm chiếu rọi qua ô cửa sổ báo hiệu một ngày đầy nắng. Tuy thế,  khí trời khá lạnh trong khi tôi trọ trọe nhai những viên há cảo, bữa sáng thanh tao của mình : ). Và từ ngôi trường mầm non cách nhà không xa, những âm thanh trẻ thơ của bài hát thiếu nhi quen thuộc vang lên “vì hạnh phúc tương lai, ánh đèn khuya luôn miệt mài, dưới mái trường mến thương…”. Tôi hơi mỉm cười. Cứ là tháng 11 thì ngôi trường mầm non ấy sẽ chăm chỉ bật những bài hát như thế từ sớm mai. Lâu dần chính tôi cũng thuộc, những ca khúc mà khi lớn lên người ta không còn hát cho nhau nghe nữa.

Đường sá không có vết tích nào của cơn bão hôm trước, ngoại trừ những chiếc lá rụng có vẻ nhiều hơn bình thường, trải dài bên hai ven đường. Nhưng tôi đoán có thể ngày thường cũng thế. Chỉ là người đi đường như tôi, đi mãi rồi nên hiếm khi để ý mà thôi. Có vẻ không có thiệt hại nào đáng kể trong thành phố. Chỉ là những hình ảnh đoàn người di chuyển trong những vùng nước ngập có thể khiến người ta nhìn nơi này với những hình ảnh kém lung linh. Nhưng có lẽ, chuyện ngập đường, ngập sá không còn xa lạ. Khi thuyền bè đã được người dân dùng làm phương tiện di chuyển trong nội đô thì “mùa nước nổi” cũng chỉ là câu chuyện thường ngày.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Nếu một đêm đông có người lữ khách – Italo Calvino


Mọi nơi chốn đều tương thông tức thời với mọi nơi chốn khác, ta chỉ có thể trải được cảm giác cô biệt khi đang giữa một chuyến đi từ nơi này đến nơi khác, nghĩa là, khi ta chẳng ở một nơi nào – tr. 28.

… sự hoàn hảo chỉ có thể được sản sinh ra như một cái thứ yếu và ngẫu nhiên ; do vậy nó hoàn toàn không đáng để quan tâm, chân tánh của sự vật chỉ được phát lộ khi hư hoại – tr. 88.

Ta chẳng thể đổi quá khứ được hơn bao lăm so với đổi tên… – tr. 163.

Dù sao thì, kết luận mà mọi câu chuyện đều dẫn tới là cuộc sống mà một con người đã sống là một và chỉ một, đơn dạng và nén chặt như một tấm chăn co rút lại mà ta không còn phân biệt nổi thớ sợi này với thớ sợi kia nữa – tr. 163.

Đọc là niềm cô đơn… Người ta đọc là đọc cho mình, dù có hai người cùng đọc đi chăng nữa – tr. 226.

Ta thấy đọc nhất thiết phải là một hành động cá nhân, cá nhân hơn nhiều so với viết. Nếu ta giả định rằng sự viết là nhằm vượt ra ngoài các giới hạn của tác giả, thì nó sẽ chỉ tiếp tục có ý nghĩa khi nó được đọc bởi một người duy nhất và đi ngang qua những mạch thần kinh của người này. Duy chỉ khả năng được đọc bởi một cá nhân nào đó mới chứng tỏ rằng cái được viết ra có dự phần vào sức mạnh của sự viết, một sức mạnh vượt quá một cá nhân – tr. 272.

Một khi ta đã rũ bỏ được cái mà ta từng nghĩ là thiết yếu, ta nhận ra mình có thể thiếu nhiều thứ khác cũng không sao cả, thế rồi thiếu nhiều thứ khác nữa cũng không sao cả - tr. 384.

(Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Hội Nhà Văn, công ty Nhã Nam, 2011)

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Đọc là niềm cô đơn…



Mua “Người đua diều” sau nhưng cuối cùng tôi lại đọc xong trước “Trò chuyện trong quán La Catedral”. Và sau khi đọc xong “Trò chuyện trong quán La Catedral”, tự hỏi lý do gì tôi không nỗ lực đọc hết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” cùng một vài quyển khác, có chung số phận bị gấp lại ở những trang nào đó giữa chừng. Tuy đọc sách là việc có thể rèn luyện nhưng cũng có tính tự nhiên giống như duyên phận. Những thứ không dung nạp được vào lúc này thì tôi thường để lúc khác. Tuy không biết đó là lúc nào nhưng nếu không xảy ra thì tôi quy chụp đơn giản là vô duyên vô phận. Kiểu suy nghĩ biếng lười này dần trở nên ăn sâu trong tôi. Trong việc đọc sách, có lẽ cũng là biểu hiện không trách nhiệm nhưng có lẽ bạn sẽ ít nhiều hiểu được nếu cùng là người chú trọng cảm xúc nội tâm. Thường tôi vẫn không quên những gì đang bỏ dở. Và đến cuối cùng, theo một thúc giục tự nhiên nào đó, tôi sẽ tiếp tục. 

Trò chuyện trong quán La Catedral” là quyển sách được tặng. Tôi không đọc trọn vẹn thì có cảm giác có lỗi, như là đã không trân trọng tấm lòng người tặng. Thế nên sau một thời gian ngừng lại ở giữa phần hai, giữa cơ man những đoạn đối thoại không hình dung hết được ai đang nói với ai, tất nhiên, bản thân quyển sách đã gợi mở sức hấp dẫn ở phần đầu, tôi dành những khoảng thời gian nhất định trong mỗi buổi tối để đọc nốt hai phần ba còn lại. Đôi khi đọc lướt nhanh, đôi khi chập chờn ngúc ngắc, đôi khi dừng lại vì không “nuốt” tiếp được, và đôi khi ngừng lại vào lúc xao động nhất. Lúc trước đọc “Lời bộc bạch của một thị dân”, tôi thấy mình cũng phải hơi nỗ lực để đi hết tác phẩm. Suy cho cùng thì đọc những quyển sách có độ dày về số trang, khô khan và/hoặc có sức nặng về tư tưởng thật khó khăn. Với quyển sách này, tôi phải nỗ lực hơn nữa, chủ yếu làm sao sống sót qua được phần hai và sau đó thì hai phần còn lại được tiếp nhận dễ dàng hơn. Phần thưởng của việc này không chỉ giúp tôi đi đến trang cuối của quyển sách mà còn giúp tôi trở lại với những quyển sách khác. Như kiểu đã là sinh viên đại học rồi thì thấy thi đậu vào đại học cũng chẳng lấy làm khó (cái hồi bạn ôn thi và/hoặc nếu bạn thi rớt thì hẳn nhiên là bạn không thấy thế). 

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Người đua diều – Khaled Hosseini



Baba nhìn thế giới chỉ có trắng và đen. Ông lại phải tự mình định đoạt cái gì trắng cái gì đen. Bạn không thể yêu một con người sống theo lối đó mà không cảm thấy sợ hãi. Có thể còn hơi ghét nữa – tr. 28.

...không cần biết ông thầy giáo sĩ ấy dạy gì, chỉ biết có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp. Con có hiểu không ?… Khi con giết một người, con cắp một cuộc đời…Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng…Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp…Một người chiếm đoạt những gì không phải của mình, dù đó là một cuộc đời hay một ổ bánh… - tr. 30-31.

…những gì xảy ra trong một vài ngày, đôi khi có thể chỉ một ngày, cũng dễ làm thay đổi hướng đi của cả đời người – tr. 182.

Người đàn bà nào cũng cần có một người chồng. Ngay cả khi hắn ta làm câm bặt tiếng hát trong lòng nàng – tr. 226.

Có rồi lại mất luôn luôn đau hơn cả việc không có ngay từ đầu – tr. 266

Một con người không có lương tâm, không có lòng tốt sẽ không biết đau khổ - tr.371.

Chuộc lỗi thành thực chính là như thế, khi tội lỗi dẫn đến lòng tốt – tr. 373.

Cha cháu vẫn thường bảo ngay cả làm đau người xấu cũng là sai trái. Bởi vì họ không biết điều gì tốt hơn, bởi vì người xấu đôi khi cũng trở thành tốt…Tại sao người ta cứ muốn làm hại cha cháu ?... Cha có bao giờ ác với ai đâu.

Cháu nói đúng. Cha cháu là một người tốt. Nhưng đó lại là điều bác đang cố nói cho cháu biết đấy… Rằng trên cuộc đời này có những người xấu và đôi khi vẫn cứ xấu mãi. Đôi khi cháu phải chống lại chúng…

(Tr. 392 – 393)

Rốt cuộc, cuộc đời không phải là một bộ phim Hindu. Zendagi migzara, những người Afghan thích nói thế : Đời cứ trôi đi, chẳng kể đến bắt đầu, kết thúc, kamyab, nab-kam, khủng hoảng hay thanh thản, luôn tiến về phía trước như một đoàn lữ hành ì ạch và bụi bặm của người du mục kochis – tr. 440.

Trầm lặng là thanh thản. Bình yên. Trầm lặng là vặn nhỏ cái nút ÂM LƯỢNG của cuộc đời. Im lặng là ấn nút TẮT. Tắt nó đi. Tắt tất cả - tr. 444-445.

(Nguyễn Bản dịch – NXB Phụ nữ, công ty Nhã Nam, 2013)

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Muốn nuôi một chú chó (2)


Khi nói một chú chó, thật ra ý tôi muốn nói đến một… cô chó. Như một cô em gái hoặc một cô con gái. Khác với phần lớn phụ nữ mà tôi biết, bao gồm trong quan hệ bạn bè và trong gia đình, khi đề cập đến con cái, trước tiên tôi luôn nghĩ đến một cô con gái (lẽ dĩ nhiên con nào cũng là con và có cả hai, một trai, một gái thì càng tốt thôi). Nhưng, dẫu sao, một cách cảm tính, tôi vẫn thích có một cô con gái hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi rất nhanh chóng loại trừ suy nghĩ sẽ nuôi một chú chó giống cái. Tôi không có ý định và cũng không có điều kiện sở hữu một gia đình nhà chó, càng không có ý muốn nhân giống vật cưng của mình vì mục đích kinh doanh. Nuôi một chú chó, theo đúng nghĩa của từ này, phù hợp với mong muốn của tôi hơn. Và giả sử mong muốn này trở thành sự thực, khả năng chắc chắn là tôi sẽ tiến hành triệt sản chú chó của mình. Triệt sản một chú chó đực sẽ đơn giản và ít đau đớn cho nó hơn. 

Đó là sau khi tìm hiểu một chút về thế giới của những chú chó, tôi mới có một trong những suy nghĩ như trên. Trước đó, tôi cũng mù tịt về loài này. Mặc dù chó cũng như mèo, xuất hiện từ trong tuổi thơ của tôi. Chủ yếu là chó cỏ và vài con becgie. Không thể nói rằng chúng dễ thương. Nếu không muốn nói những con becgie to lớn có thể làm người khác sợ như thế nào. Chúng ăn thịt sống và ăn nhiều, lúc nào cũng rất hung hăng. Những chú chó cỏ thì bẩn thỉu, buồn bã, số phận sau cùng thường là bị giết làm thịt. Trong quá khứ và có lẽ đến bây giờ, tình trạng này không thay đổi nhiều trên mọi miền đất nước. Đôi khi nghĩ đến chó, trong đầu tôi vẫn hình dung ngay đến những con vật tôi biết từ ngày bé ấy. Có thể nói kinh nghiệm của tôi về loài chó bị giam cầm trong ký ức ấy, vô cùng ít ỏi.

Tôi cũng nhớ hồi đại học có một người bạn. Cô ấy khá gần gũi với loài vật. Trong giai đoạn đau buồn khi mất đi tình yêu, cô nhận nuôi một chú chó nhỏ. Việc này an ủi cô ấy rất nhiều. Hổi ấy, thi thoảng tôi ghé thăm cô, vẫn nhìn thấy cô ấy ôm ấp và hôn hít chú chó. Bây giờ nghĩ lại, tôi đoán có lẽ đó là giống chó gấu, khi còn nhỏ cũng rất bụ bẫm đáng yêu. Chú ta thường sủa nhặng xị mỗi khi tôi đến và có lẽ do được nuông chiều, chú ta có khuynh hướng cắn xé lung tung. Tôi hơi sợ, chưa bao giờ dám chạm vào chú ta. Có điều có thể vì tôi không có phản ứng nào, thế nên chú ta cuối cùng cũng ngừng sủa. Có lúc vào buổi trưa, bạn tôi lăn ra ngủ. Chú ta ở bên cạnh, thi thoảng lại dòm tôi. Tôi mãi giữ im lặng, chú ta cũng im lìm, dáng vẻ tiu nghỉu, buồn hiu. Một lần khác tôi chứng kiến bạn mình trong lúc không vui, đã cho chú chó nhỏ của mình một đạp khi chú ta chạy đến bên cô. Và có vẻ như nếu không vui thì cô ấy cũng sẵn sàng trừng phạt chú chó như bắt nó nhịn ăn. Tôi nhận ra tuy cô ấy yêu chú chó nhưng có lẽ đó là một kiểu tình yêu tương đối thực dụng, vì bản thân cô nhiều hơn là vì chính chú chó. Sau này, chú chó bị anh trai của cô đem bỏ đi. Cô khá đau buồn khi kể lại cho tôi nghe. Không ai trong chúng tôi biết về số phận của chú chó ấy nữa.

Làm lành với hôn nhân – Elizabeth Gilbert



(Dạo mua quyển sách này có lẽ cái mà tôi nhắm đến lại là quyển Ăn, cầu nguyện, yêu – có thể được xem như là phần trước của nó. Thế nhưng, trong khi đi qua đi lại, lúng túng trước rất nhiều kệ sách, gần như không biết phải chọn ra quyển nào thì tôi nhìn thấy Làm lành với hôn nhân. Đọc đôi ba dòng giới thiệu, tôi quyết định sẽ tìm Ăn, cầu nguyện, yêu đọc trước. Nhưng quyển này đã được xuất bản cách đó khá lâu và có vẻ như không có mặt ở nhà sách nữa. Và có vẻ như cuối cùng, vì nản lòng, tôi đã bước ra khỏi nhà sách với Làm lành với hôn nhân

Tôi có một hình dung sơ lược về phần trước của nó, tức là quyển Ăn, cầu nguyện, yêu. Tất nhiên không có gì là phức tạp trong việc nối kết hai phần này với nhau. Sự thực là chúng ta có thể đọc chúng một cách riêng biệt. Không phải là một câu chuyện có nhiều lớp lang, nhân vật hay tầng sâu ý nghĩa. Quyển sách cung cấp những thông tin thú vị về phong tục hôn nhân ở vài nơi trên thế giới. Lồng trong đó là quan điểm suy nghĩ của tác giả. Trên hết là câu chuyện của chính cô ấy, người trải qua cú sốc ly hôn ở độ tuổi không còn trẻ và đang đi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, bắt đầu bằng việc chữa lành những vết thương, củng cố lại niềm tin trong tâm hồn mình. Cô là một nhà báo – nhà văn của Mỹ. Tôi thích những suy nghĩ, quan niệm của những kiểu phụ nữ như cô – kiểu phụ nữ có sự độc lập trong đời sống, được thừa hưởng sự giáo dục, được hun đúc bởi môi trường mà cô sinh sống để rồi có được những ý thức rõ rệt về giá trị bản thân. Đó không phải là điều mà mọi phụ nữ trên thế giới được thụ hưởng dù họ xứng đáng đến đâu. 

Những gì được viết ra bởi tác giả nữ này có thể nói là rõ ràng, dễ hiểu và giàu ý nghĩa như kiểu một cuốn sách dạy về giá trị cuộc sống. Ngòi bút của cô tỉnh táo. Những suy nghĩ của cô đủ thực tế để không tạo sự huyễn hoặc cho chính mình hay cho độc giả. Nhưng ngòi bút ấy cũng không tách rời tình yêu, cốt tủy của mọi giá trị nhân văn. Vậy nên, sự tỉnh táo cần thiết ấy cũng chỉ là phương tiện để nhìn rõ trái tim, nhìn rõ đời sống và rồi trả lại đời sống sự nguyên bản của nó. Từ đó chữa lành những vết thương và mở lòng trước hạnh phúc…)

…lẩn khuất đâu đó bên dưới bề mặt êm ả ban đầu, mọi mối quan hệ mật thiết đều chứa đựng những cơn sóng ngầm có khả năng tạo nên một thảm họa mang tính hủy diệt – tr. 23.

 …hôn nhân là một nơi đi vào dễ hơn trăm ngàn lần thoát ra. Vì không bị ràng buộc bởi pháp luật nên những cặp đôi yêu nhau nhưng chưa kết hôn có thể chấm dứt mối quan hệ tồi tệ bất cứ lúc nào. Nhưng các bạn, những người đã kết hôn hợp pháp đang muốn thoát khỏi một tình yêu bất hạnh - có thể nhanh chóng phát hiện ra rằng một phần không nhỏ trong  hôn nhân của bạn phụ thuộc vào nhà nước, và rằng có khi bạn phải đợi rất lâu mới được nhà nước cho phép bỏ đối phương. Vì vậy, bạn có thể thấy mình bị mắc kẹt nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trời trong một mối quan hệ ràng buộc bởi pháp lý, không còn tình yêu, cảm giác chẳng khác gì một tòa nhà đang bốc cháy. Một tòa nhà bị bốc cháy trong đó bạn, bạn thân mến của tôi, bị còng tay vào một nơi nào đó dưới tầng hầm, không thể giật còng để thoát thân, trong khi khói bốc lên cuồn cuộn và xà nhà đang sập xuống… - tr.23-24.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Tiến sĩ của tương lai


Cách đây khá lâu, cậu ấy nói với tôi: hy vọng tôi vẫn tiếp tục học, học lên tiến sĩ. Lúc bấy giờ tôi đã cảm nhận sâu sắc việc học lên cao không phù hợp với mình. Tôi lặng lẽ nói không. Cậu ấy thì rất hăm hở. Quá trình của chúng tôi khác nhau, mục đích động cơ cũng khác nhau. Tôi đơn thuần hơn nhưng cũng quyết liệt hơn. Sau đó luôn cảm thấy buồn phiền mỗi khi nghĩ về. Kết quả là không muốn đi lại con đường trước đây.

Chúng tôi không gặp nhau. Cậu ấy sống và làm việc ở Cần Thơ, nơi cậu ấy cho rằng người ta sống chan hòa tình cảm hơn thành phố này. Tôi thì vẫn ở chỗ của mình, vật vã với đời sống trì trệ. Thi thoảng cậu ấy gọi điện. Có những cuộc nói chuyện dài. Cậu ấy vẫn vậy. Là một thanh niên tương đối hiền lành. Luôn tập tành thích nghi với đời sống, thường nói về hiện thực thối nát – từ mà cậu dùng -  trong ngành nghề của mình với thái độ chấp nhận, và xây dựng tôn chỉ sống làm sao để không ai ghét mình. Tôi không có gì bất mãn với cậu. Khi có thể, vẫn khuyến khích, động viên cậu trong ý nghĩa mong cậu đạt được thành công mà cậu mong đợi. Chỉ là tôi không sống theo cách của cậu được. Có lẽ đến hôm nay tôi có thể chốt hạ là tôi cũng chẳng biết phải sống thế nào. Chỉ là cứ sống thôi, và không theo cách của cậu được.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...