Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Đời sống không mới, cứ thế trôi…


Nghĩ đến tiền khiến tôi muốn kiệt sức. Giỏ xách của tôi từ lúc nào đã có sẵn những viên thuốc Panadol. Tôi khó có thể để cơ thể tự mình vượt qua những con nhức đầu như trước đây. Thi thoảng tôi dùng thêm một loại thuốc bổ trợ tốt cho não và có khả năng chống stress. Nhưng thường tôi sẽ cố ngăn mình suy nghĩ. Bất kể là việc gì, tôi hiểu rằng không thể quan trọng bằng sức khỏe của tôi. Những bài học quan trọng mà tôi đã rút ra sau đoạn thời gian trước đây đều tựu trung ở hai vấn đề: tiền bạc và sức khỏe. Tôi không nghĩ tôi ham sống hơn tôi của trước đây, nhưng tôi biết rằng không có gì khổ cho bằng sống với một cơ thể đau ốm. Tôi cũng không ham tiền hơn tôi trước đây, nhưng tôi nhận ra tiền bạc cũng quan trọng như tình cảm. Bạn không thể giúp những người mà bạn thương yêu, càng không có khả năng sống cuộc đời của mình nếu bạn không có tiền.

Đáng buồn là, cuộc đời làm việc và kiếm tiền của tôi như thể một vòng tròn khép kín. Càng ra sức chạy, tôi càng khiến bản thân thảm hại. Không bứt ra nổi vòng tròn ấy, khi ở trong nó, so với điểm xuất phát đầu tiên, tôi càng sa sút bởi đã mất nhiều sinh lực và thời gian (thời gian có còn đứng về phía tôi, cho những nỗ lực mới hay một sự chuyển mình đổi hướng?). 

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Ám ảnh


Tôi không rõ thành phố nơi tôi sinh sống có tốc độ thay đổi như thế nào. Mọi mô tả có lẽ chỉ là hình tượng và người sinh sống ở một nơi nào đó có lẽ lại chính là người ít biết đến sự biến động của nó nhất. Chỉ nhớ trong những năm tháng cũ, thi thoảng có dịp về quê, mỗi độ cũng có khi kéo dài hơn nửa tháng. Thường trong những dịp này, khi trở vào thành phố Hồ Chí Minh, trên chặng đường từ ga tàu hay sân bay về nhà, tôi mới thoáng thấy ngỡ ngàng về sự đông đúc, sầm uất và thay đổi của thành phố. Một tòa nhà nào đó đã bị đập bỏ, một tòa nhà khác đang dựng xây, một khu thương mại đang nhộn nhịp khai trương, một cửa hàng đang thanh lý… Tôi nhìn chúng với con mắt lạ lẫm, hoài nghi rằng chúng đã từng ở đó hay tôi đã từng ở đây…  Sự khác biệt của thành phố có vị trí trung tâm cả nước so với một thị xã nhỏ bé thuộc một tỉnh miền núi xa xôi thì đã quá rõ ràng. Vấn đề là trên cái nền rõ ràng ấy, tôi đã đồng thời nhận ra sự thay đổi của thành phố Hồ Chí Minh so với chính nó, sự thay đổi có thể tính bằng ngày.

Tôi không chắc tôi vui hay buồn trước sự đổi thay đó. Nếu mọi thứ phát triển theo quy luật cái mới thay thế cho cái cũ thì sự thay đổi của hạ tầng vật chất theo chiều hướng hiện đại hơn, tiện nghi hơn bao giờ rồi thì cũng được đón nhận. Như việc sử dụng máy tính để viết mail thay cho việc ngồi tỉ mẩn viết thư tay, ban đầu có thể cho mail là phương thức khô cứng nhưng sau cùng thì những lá thư tay có khi chỉ còn là chút bâng khuâng hoài niệm ở thành phố này. Điều tương tự xảy ra khi một tòa nhà bị phá bỏ đi, khi bạn rời khỏi một nơi ở cũ, khi bạn thay một chiếc xe đã nhiều năm tuổi… bạn có thể luyến lưu cái cũ nhưng chẳng mấy chốc sẽ quen với cái mới và lãng quên dần những gì đã bị bỏ lại phía sau. Và không chỉ với hạ tầng vật chất, tôi nghĩ chúng ta cũng quen dần với mọi thay đổi khác trong đời sống xã hội, bao gồm những thứ hiện tồn như mặt trái của những gì (từng) tốt đẹp (Sở dĩ tôi phải viết thêm một chữ “từng” và bỏ trong ngoặc bởi khi soi nhìn hiện thực cuộc sống, tôi cũng hoang mang không hiểu trong xã hội này, liệu còn có thể có được một định nghĩa hay không cho những gì là tốt đẹp và những gì không là tốt đẹp).

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Phim hoạt hình (8)

Tôi viết những dòng dưới đây cách đây mấy ngày, trước khi xảy ra sự cố khiến tôi rơi vào vòng sợ hãi mấy ngày vừa qua. Đọc lại, tôi thấy rằng tinh thần mình trong lúc viết tiếp loạt bài giới thiệu này khá nhẹ nhàng và thanh thản. Nhưng ngay sau đó, một sự việc không hay đã xảy ra. Và lúc này tôi muốn viết đôi điều để lòng vơi nhẹ trước khi có thể có một quyết định thuận tình thuận lý. Chợt đọc nhớ bài viết này, vốn đã được chỉn chu hoàn tất đợi dịp cuối tuần đăng lên, và bây giờ đăng lên, sao bỗng thấy buồn thế... 

Xem trong hai năm trở lại đây. Hai năm trở lại đây cũng là khoảng thời gian nhiều mệt mỏi. Sự tiếp nhận của tôi đối với mọi thứ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm trạng căng thẳng, hãn hữu niềm vui. Tôi nhớ rằng có lúc tôi chẳng thể kiên nhẫn theo dõi diễn tiến của một phim nào đấy bởi nhanh chóng cảm thấy nó “dở tệ” – dẫu sao vẫn tỉnh táo nhận ra chính tâm trạng “xám xịt” của mình là thủ phạm thực sự dẫn đến kết luận phũ phàng đó. Có những khoảng thời gian, tôi không xem một phim nào, đọc một cuốn sách nào và/hoặc tham gia vào bất cứ hình thức giải trí nào. Ngay cả khi tinh thần của tôi trở nên đói kém khủng khiếp. Một phần nguyên nhân cũng vì tôi biết trước sự phũ phàng ấy của mình. Nói hai năm nhưng phần lớn phim dưới đây được xem rải rác tập trung vào một khoảng thời gian nào đấy khi tâm trạng của tôi ở vào trạng thái đón nhận. Hy vọng có thể giới thiệu lại một cách đầy đủ. 

1. Những người vay mượn tí hon (The Borrower Arrietty): 

Một phim của hãng Studio Ghibli, sản xuất vào năm 2010. Tôi vẫn cứ đinh ninh Ponyo bên bờ biển là phim cuối cùng của họ, cho đến khi tôi nhìn thấy The Borrower Arrietty và vỡ ra sự nhầm lẫn của mình. Tôi thích phim này bởi những cảm xúc thuần khiết mà nó mang lại. Sự độc đáo dẫu có, không phải là dấu ấn khó quên của phim. Một cái gì đó đượm buồn nhưng sáng trong, dịu dàng xuyên suốt mạch phim có lẽ mới là thứ khiến người ta nhung nhớ. Như những kỷ niệm đẹp đã mất đi. Những kỷ niệm được con người cất giữ trong chiếc hộp bí mật có đề tên là “Mãi mãi”.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...