Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

18 độ C

(Bản khi gửi cho tạp chí - Xem thêm ở đây)


Ông trở dậy, hé mắt nhìn đồng hồ. Gần sáu giờ sáng. Dù chẳng có nơi nào cần đi nhưng ông vẫn muốn rời khỏi giường. Ông nghĩ mình sẽ về nhà. Liền đó ông nghĩ, ở nhà không có ai đợi mình. Nhưng dù sao ông cũng phải về. Đó là mệnh đề thuộc về hiện thực. 

Hẳn cô cảm nhận được ông muốn bỏ đi nên vòng tay ôm ông thật chặt. Ông nhìn thấy mắt cô vẫn còn nhắm nhưng cử chỉ ấy của cô, có lẽ cô đã thức giấc. Ông khẽ cúi xuống áp môi lên tóc cô. Ý là tạm biệt. Nhưng tay cô ghì chặt lấy cổ ông. Có lẽ thậm chí cô muốn cuốn chặt lấy ông một lần nữa. Ông nhớ lại đêm qua. Mùi da thịt của cô, cái nóng trong những hơi thở, cảm giác khi ở trong cô. Nhưng đêm đã tàn, bây giờ ông biết mình phải trở về nhà. 

“Đừng đi…” 

Giọng cô khe khẽ, vẫn còn ngái ngủ. Ông gỡ tay cô, áp môi lên cánh tay mịn màng mát lạnh. Nghĩa là tạm biệt. Ông rời căn hộ khi trời dần sáng. 

*** 

Lũ sinh viên của ông, mỗi lần thấy ông đều chạy đến hoan hỉ hai tiếng: “Chào thầy!” Chúng dễ thương hết sức. Bao giờ cũng hỏi ông về cuốn sách hay bộ phim nào đó. Chúng cần ông giới thiệu cho chúng những món tinh thần hay ho cho tuổi trẻ - phần nhiều là nhàn rỗi của mình. Chúng nêu những cái tên, và không ngừng đặt câu hỏi “Thầy ơi, thầy nghĩ sao về cuốn Lotita? Bản dịch mới so với nguyên tác của nó ấy ạ? Có đáng đọc không thầy?”,“Thầy ơi, thầy dự đoán năm nay phim nào đoạt giải Oscar vậy thầy? Thầy nghĩ Amour có cơ hội không?”, “Thầy ơi, có phim nào thích hợp để xem với bạn gái không ạ? Ý em phim gì lãng mạn tí khi hẹn hò ấy!”... Khi ông sải bước trong sân trường, những cô cậu sinh viên vây quanh ông. Dù nhiều lần ông mỉm cười và bảo: “Cho tôi xin, tôi không thể biết hết tất cả!” thì đám trẻ cũng chẳng dễ buông tha ông. Điện thoại, email của ông trở thành nơi để học trò thi nhau hỏi. Đôi khi, ông nghĩ, có lẽ ý nghĩa đời ông vỏn vẻn có thế, trong những ánh mắt, trong những mong chờ sáng trong của đám học trò hướng về mình, trong hai chữ: “Chào thầy!” rộn rã. 

Chiều tối qua, bị thúc đẩy bởi cảm giác cô đơn, điều hiếm khi vướng bận ông. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ là tại bộ phim Mít Đặc và các bạn. Một phim Liên Xô cũ, của thiếu nhi, chả hiểu sao đã khiến ông buồn ghê ghớm. Có lẽ khi nhìn một đứa trẻ cô đơn người ta mới thấy hết nỗi khủng khiếp của sự cô đơn. Ông gọi cho cô và mời cô ăn tối. Nhưng lúc đó cô đang khóc. Cô nói ông có thể đến chỗ cô và cô sẽ nấu cho ông ăn. Ông lưỡng lự và rồi ông đồng ý. Ông quen cô từ hai tháng trước, trong một buổi triển lãm tranh. Cô ba mươi, ông năm mươi. Tuổi tác khiến ông ngần ngại. Nhưng trong tình bạn thì tuổi tác cũng chẳng đáng kể. 

Ở căn hộ của cô, họ gần như không ăn uống gì. Cô buồn vì tình yêu tan vỡ. Cô nói: “Chuyện tình mười năm của em, vậy là đi tong rồi!” Và dù không muốn, cô cứ khóc. Một cái ôm đến như sự an ủi giữa hai con người. Song le cô lại ngước mặt lên nhìn ông. Hơi ấm của cô, mùi thơm nhè nhẹ trên cơ thể và làn môi ươn ướt, sự mềm mại của cô cùng căn hộ của cô, với những bóng đèn trang trí hắt một màu vàng ấm cúng dịu đẹp như ánh nến. Môi họ khẽ chạm nhau nhưng trong khoảnh khắc, ông vội giằng cô xa khỏi mình. Cô hơi ngỡ ngàng. Cô chớp mắt, hỏi ông, giọng nhẹ như làn khói:

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Hãy chăm sóc mẹ & Chàng trai vườn nho


Hai cuốn này được tặng vào năm rồi. Dẫu Hãy chăm sóc mẹ hứa hẹn một câu chuyện xúc động hơn, trên thực tế tôi đã chọn đọc Chàng trai vườn nho trước. Có những nỗi xúc động trên đời mà việc tiếp nhận nó kỳ thực rất khó nhọc, trong đó dứt khoát có nỗi xúc động gây ra bởi tình mẫu tử. Luôn luôn, tình yêu với người mẹ hòa trộn trong đó cảm giác ân hận, sự day dứt – ta yêu mẹ mình bao nhiêu, cuối cùng trước mẹ, một người con vẫn vẹn nguyên mặc cảm tội lỗi. 

Một cảm giác thực nặng nề khi tôi đọc Hãy chăm sóc mẹ, tôi có thể hình dung rằng hẳn mình sẽ giống như cô nhà văn trong truyện, nhảy bổ vào sở cảnh sát và gào toáng lên tuyệt vọng "Hãy tìm mẹ tôi". Hoặc tôi sẽ phát điên trước khi làm thế. Ai có thể chịu đựng nổi, khi không biết mẹ mình đang ở đâu, trong một thế giới đã trở nên xa lạ với bà, giữa những ngày đông hay ngày hè; và mọi bất trắc đều có thể xảy ra… Tôi lật nhanh đến những trang cuối và mong đọc được một kết thúc có hậu. Song có lẽ câu chuyện cần một thông điệp đầy sức mạnh, mà cái kết có hậu có thể phá hỏng nó. Tôi không khóc. Nhưng nước mắt dường như thấm tim tôi…

Với cuốn sách đọc trước đó, Chàng trai vườn nho, có thể khái quát trong vài chữ: giống một kịch bản phim hơn là một tác phẩm văn học, ít dư âm nhưng cũng đủ dễ thương và thuần giải trí lành mạnh.

Hãy chăm sóc mẹ - Shin Hyung Sook

Mối quan hệ giữa mẹ và con gái sẽ thuộc một trong hai dạng, hoặc là biết rất rõ về nhau hoặc là giống như người xa lạ - tr. 24.

Người ta thường nói rằng khi đứa trẻ khóc, bà nội sẽ bảo, "Con khóc kìa, mau cho con bú đi", còn bà ngoại thì sẽ bảo, "Cái đứa trẻ này, mẹ thì đang mệt sao cứ khóc mãi vậy?" - tr. 239.

… tất cả những việc đã xảy ra thực chất đều hòa mình vào trong hiện tại, những việc ngày xưa đều trộn lẫn vào những việc hôm nay và những việc hôm nay lại trộn lẫn vào những việc trong tương lai và những việc trong tương lai lại trộn lẫn với những việc ngày xưa, chỉ là chúng ta không thể cảm nhận được mà thôi… - tr. 267.

Ngôi nhà là một thứ thật kỳ lạ. Tất cả mọi thứ đều hỏng hóc đi khi con người tác động đến, đôi khi ta có thể cảm nhận được chất độc của con người nếu ta tới gần người đó, nhưng nhà cửa lại không như vậy. Cho dù một ngôi nhà bền đẹp bao nhiêu mà không có người qua lại thì chẳng mấy chốc cũng sẽ bị phá hủy. Một ngôi nhà chỉ tồn tại khi có người sống trong đó, quét dọn lau chùi, chăm sóc nó – tr. 270-271.

(Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch, NXB Hà Nội và Nhã Nam, 2013)

Chàng trai vườn nho – Kim Rang

"Sao anh lại yêu em?"

"Em hỏi tại sao lại yêu à?"

"Vâng."

"Ai lại hỏi thế chứ? Người nói ra được lý do mình yêu thương người khác, chứng tỏ người đó không hề biết yêu."

"Đúng là như vậy. Khi yêu một ai đó, ta chẳng cần biết lý do vì sao ta yêu họ, ta chỉ có cảm giác đó như một sự mang ơn."

"Mang ơn ạ?"

"Ừ."

"Sao lại là mang ơn?"

"Nghĩa là ta cảm ơn người đã cho mình được nhìn thấy gương mặt mình nhớ nhung mỗi sáng thức dậy, ta cảm ơn vì người đó đã cùng mình ăn những món ăn mình thích, cảm ơn vì đã cùng chia sẻ thời gian hữu ích cho nhau, cảm ơn vì có thể được cùng nhau nhìn thấy gương mặt già nua khi về già, và cảm ơn vì người đó coi gương mặt già nua của mình là một vẻ đẹp, chứ không nghĩ nó nhăn nheo xấu xí."

(tr. 355 – 356)

(Khánh Lan dịch, NXB Lao Động và Nhã Nam, 2012)

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Âm thanh biến điệu

Sáng nay, tôi thấy một truyện ngắn của mình được đăng báo. Sau hai tháng, kể từ ngày gửi đi. Đó là một khoảng thời gian không ngắn... Tôi đã chờ đợi, và tôi nghĩ khi cầm tờ báo trên tay, có truyện ngắn của mình, tôi sẽ vui. Mặc dù đây là lần thứ hai truyện của tôi được đăng báo. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi dùng bút danh Vi Phong. Và lần trước thì cách đây quá lâu rồi...

Nhưng tôi không vui chút nào. Có thể khung khổ trang báo có hạn, người ta cắt bỏ quá nhiều, những đoạn buồn rầu và gợi cảm nhất, thậm chí cả tình yêu (với cái hình minh họa, người ta đã nhìn thấy gì trong câu chuyện tôi gửi đi? Đây không phải câu chuyện về ngoại tình). Hơn thế, nhiều câu văn bị chỉnh sửa, và chất giọng mệt mỏi của truyện, giữa những cắt xén, gọt giũa đã không giữ được nhịp của nó...

Nếu tôi đã cố gắng viết một câu chuyện, dù thế nào, có chất văn riêng của mình thì vào giây phút tôi lướt đọc nó trên trang báo, một cái gì trong tôi tan vỡ. Tên tôi ở đó nhưng câu chuyện của tôi thì không, nó đã biến điệu thành một âm thanh khác...

...

Tôi sẽ đăng lại truyện ngắn của mình trên blog vào tuần sau, khi bản truyện trên báo được tạp chí tôi gửi đăng lại trên website của họ. Tôi hy vọng ai đọc được bản truyện tạp chí đăng thì cũng đồng thời đọc được bản gốc truyện đăng ở đây, trước khi cả hai cùng được lãng quên.

...

Quả là một ngày thích hợp để nghe lại một bản nhạc của Trương Học Hữu, Đợi em đợi đến hoa cũng tàn.

"Mọi người đều hỏi 'Rốt cuộc thì tôi vẫn còn chờ đợi điều gì'?
Đợi đến khi xuân hạ thu đông trôi qua, mà lẽ nào vẫn còn chưa đủ hay sao?

...Đáp lại điều đó là sự im lặng vô tận...
... Tôi đợi chờ, đợi đến hoa cũng tàn rồi..."


From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...