Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 8

12. Mẹ hỏi tôi, con định về ở tới bao giờ? Tôi bảo, con về ở luôn. Mẹ ôm chầm lấy tôi, sau đó còn bật khóc nức nở. Tôi vuốt ve lưng mẹ, tự nói với lòng mình: Vâng, con đã về rồi. Cuối cùng là con đã về rồi. Ngày tôi rời bỏ quê nhà, tôi mang theo trong lồng ngực trái tim tổn thương và cô đơn. Nhưng sống bao nhiêu năm ở nơi đất lạ, trái tim tôi cũng không ấm áp hơn, còn trống trải thêm bởi thiếu vắng tình cảm. Tôi trốn chạy để nhận lấy hư không, trốn chạy để thấy ký ức không những không tan biến, còn trở thành gánh nặng làm mệt mỏi đời tôi. Tất cả đã đến lúc phải buông bỏ, phải quyết tâm buông bỏ. Bắt đầu lại, từ ở chính nơi đã chứa đựng bao ký ức đau buồn, gia đình của tôi...

Cuối trời mùa hạ, nắng nhẹ dần nhưng gió còn hiu hắt. Tôi thường ra vườn, giúp bố tôi chăm sóc vườn hoa lan. Sức khỏe của ông có dấu hiệu sa sút, có vẻ như thời gian của người già chỉ tính từng ngày, từng giờ. Thật may mắn tôi đã trở về kịp lúc, ít nhất có thể cho ông chút niềm vui đoàn tụ. Ngôi nhà có thêm người ở, có thêm niềm vui, có thêm sinh khí. Tôi sống những ngày thư nhàn, không còn mơ những giấc mơ đau thương, cũng không biết là vì tôi đã biết chấp nhận những được – mất ở đời hay là vì trong giấc mơ cuối cùng về em trai, vào cái đêm đầu tiên tôi về ở hẳn nhà, tôi đã kịp nắm lấy tay em mà nói trong nước mắt:

Chị thương em, sự biệt li này thật không đáng có. Tất cả chúng ta đều nợ em một lời xin lỗi. Nhưng chị xin em hãy tha thứ và cho phép mọi người được sống một cuộc đời mới. Hãy để tất cả chúng ta được hạnh phúc dù có thiếu vắng nhau.

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 7

10. Tôi hẹn Trung ở một quán cà phê nhỏ, yên tĩnh. Tôi dặn anh đừng mang máy tính xách tay theo, nếu không sau này anh sẽ phải mua một cái mới. Trung không phản đối, chỉ ừ một cái có vẻ cam chịu. Có lẽ anh cũng dự cảm được tôi có chuyện quan trọng muốn nói với anh. Từ lúc về lại thành phố đến hôm nay, chúng tôi không gặp nhau. Sự im lặng kéo dài, tưởng như đã một thập kỷ trôi.

Tôi đến trước, nhẫn nại ngồi đợi Trung. Ánh nến xung quanh làm tôi thấy dễ chịu. Tôi thích những quán cà phê như thế này. Không gian ấm áp, trầm mặc, nhạc nhẹ dịu dàng, sâu lắng. Ở đây người ta không nói chuyện lớn tiếng với nhau được. Mọi người đều nói bằng một thanh âm vừa đủ chỉ đế người ngồi cùng nghe. Cũng có nhiều người ngồi tư lự, sống trong cõi riêng. Ai nấy cũng có vẻ thật lòng, sự thật lòng khiến người ta yên tâm.

Trung đến, lịch sự nhưng không nồng nhiệt. Tuy rằng giữa chúng tôi không còn là cái màn hình laptop 14 inches án ngữ nhưng anh ngồi trước mặt tôi, vẫn như xa cách tận chân trời. Chúng tôi ăn một ít thức ăn nhẹ. Trong lúc ăn, không ai nhìn ai, cũng không ai mở miệng nói. Thật ra dù tôi chủ động hẹn Trung nhưng tôi vẫn có ý chờ, chờ anh lên tiếng trước. Tôi vẫn bằng lòng cho anh bảo toàn lòng tự tôn ở trước mặt tôi. Tôi muốn mang theo hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, giàu lòng tự tin đến mức cao ngạo của anh đi xa. Tôi muốn nhớ về anh như nhớ về một người đàn ông không bao giờ chịu để mất danh dự và lòng tự trọng. Nhưng Trung rất lặng lẽ, lặng lẽ hơn cả bình thường. Anh dừng ánh mắt rất lâu ở những ngón tay cầm tách cà phê, chăm chú như đối với cái thế giới trong màn hình laptop của anh. Tôi đành phải mở miệng nói với anh, cái điều tưởng rất khó khăn nhưng không ngờ lại được dễ dàng trút bỏ, tự nhiên như khi người ta hít vào thở ra:

Chúng ta chia tay nhé!

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 6

9. Cuối giờ chiều, tôi đến tìm Hoài. Ngồi nhâm nhi cà phê đợi cô ấy xin phép quản lý nghỉ sớm, tôi ngó ra đường. Xa thành phố này mấy ngày, khi về, tôi mới nhận ra thành phố này ồn ào và đông đúc quá! Ngày còn nhỏ, tôi không có ý định sẽ rời khỏi quê nhà. Quê tôi yên ả và thanh bình, đến bây giờ vẫn thế. Tôi đã nghĩ mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ ở đó, kế cận nhà của cha mẹ tôi. Em trai tôi sẽ lấy vợ, cũng như tôi sẽ lấy chồng. Hai nhà vẫn sẽ ở sát vách, sớm tối thăm nom nhau. Tôi và em trai đã vạch sẵn tương lai. Chúng tôi không có tham vọng cao xa, không nghĩ mình sẽ phải tiến thân làm giàu ở một nơi nào đó. Tôi nghĩ nó rất giống tôi, đều là loại nặng tình cảm, dễ dàng để cảm xúc chi phối mọi hoạt động sống nên cũng dễ dàng sụp đổ. Nhưng tôi có thể chịu đựng mọi mất mát, kiên nhẫn chờ đợi thời gian cho mình đáp án hoặc chỉ đơn giản thu mình trong cảm giác tê liệt, còn em trai tôi thì không. Nó mãnh liệt và bốc đồng. Nó không cho chúng tôi thời gian, không cho bản thân thời gian. Nó tự giải thoát chính mình theo cái cách đã vô hình ràng buộc chúng tôi mãi mãi trong cảm giác bi hận. Trong những giấc mơ của tôi, đôi mắt trẻ con của nó lúc nào cũng tràn ngập đau thương.

Xin lỗi đã để cậu chờ nhé!

Hoài đã cắt tóc ngắn, còn nhuộm vàng hoe, nhìn gần nom khô rang như rơm rạ. Hoài không đẹp, còn có vẻ hơi thừa cân nhưng lúc nào trông cũng tràn đầy sức sống. Cô ấy thích nhất là mặc quần short và uống bia mặc dù tửu lượng thuộc vào hàng kém. Hoài lôi tôi đến một quán nhậu vỉa hè. Tôi hiểu ngay rằng cô đang không vui cho dù miệng vẫn cười rất tươi. Chúng tôi nói những chuyện trên trời dưới đất, vô thưởng vô phạt. Tôi vốn định tâm sự với Hoài chuyện xảy ra mấy ngày gần đây nhưng nhận ra sự khác lạ trong thái độ của Hoài nên đành dặn lòng chờ đến lúc thích hợp. Hoài uống một lúc đã say, gương mặt không còn tươi tắn như trước. Đột nhiên cô khóc rống lên như đứa trẻ, còn không ngừng cầm tay tôi nói lời xin lỗi. Những cặp mắt đổ dồn về phía chúng tôi khiến tôi phát hoảng.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 5

7. Phòng em trai tôi lúc nào cũng được giữ y nguyên như hồi nó còn sống. Chỉ cần mở cửa bước vào, tôi đã cảm thấy mùi vị của nó ở khắp nơi trong căn phòng. Tất cả những đồ vật nó yêu thích khi còn sống đều ở đây, mỗi một thứ đều lưu cữu hình bóng nó khi chơi đùa. Tôi nằm trên chiếc giường của em trai, nhớ lại những ngày chúng tôi còn ở bên nhau. Mỗi lần nhớ là mỗi lần tôi khóc. Khóc cho đến khi thiếp vào giấc ngủ, rồi lại giật mình tỉnh giấc vì hình bóng em trai lẩn khuất. Lần nào tôi cũng nỗ lực nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của em nhưng lần nào tôi cũng thất bại và em cứ thế rời xa tôi vĩnh viễn. Nhiều năm nay, tôi bị ám ảnh bởi cùng một giấc mơ ấy. Nhiều năm nay, tôi thức giấc với gương mặt đầm đìa nước mắt.

Khi bóng chiều chiếu những tia vàng vọt vào căn phòng yên tĩnh, tôi tỉnh dậy, người mướt mồ hôi. Tiết trời mùa hè oi nóng, giấc ngủ nặng nề càng khiến tôi mất sức. Tôi có cảm tưởng như bị vắt kiệt nước trong người, đến cả khoảng không để thở dường như cũng không có. Lần tìm cửa sổ, tôi mở toang căn phòng lâu nay luôn trong tư thế khép kín. Những cơn gió hiếm hoi lập tức đua nhau chạy đến. Tôi khép mắt lại, hít một hơi dài để không khí tràn vào lồng ngực. Gió mơn man trên gương mặt tôi, trên đôi mắt nặng trĩu bắt đầu lấy lại cảm giác thanh thản. Đột nhiên, tôi mở mắt. Và phía sau hàng rào, tôi đã nhìn thấy. Không thể tin được, chính là cậu ấy. Trong khoảnh khắc, trái tim tôi đập rộn ràng. Sau bao nhiêu năm, người con trai ấy vẫn là người duy nhất có thể khiến tôi hồi hộp. Cảm xúc này thật mãnh liệt. Như thể là tôi đang sống, rất thật. Sự tồn tại của tôi trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Và tôi khóc, niềm vui làm người.

Năm đó, mình cặp kè với một cô bé. Đã cùng nhau làm ra những điều dại dột cho nên không còn cách nào khác, gia đình mình phải chuyển đi khỏi đây. Mọi việc diễn ra quá nhanh, mình cũng đã rất xấu hổ nên không thể nói lời tạm biệt.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 4

6. Bố tôi về nhà với cái chân phải bó bột. Tuy thế, ông vẫn chống nạng ra sân để chăm sóc vườn hoa của ông. Bố tôi không có nhiều sở thích. Nhưng ông đã thích gì thì kiên nhẫn và thủy chung đến kỳ lạ. Hiếm có người nào lại duy trì sở thích của mình như kiểu một sĩ quan tuân thủ kỷ luật quân đội như ông. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày khỏe cũng như ngày ốm, ông đều đặn đến thăm vườn hoa của ông, tự tay chăm sóc từng chiếc lá, từng đóa hoa. Cả khu vườn chỉ trồng mỗi một loài hoa. Hoa lan. Loài hoa mà người vợ cũ của ông yêu thích. Ngày bà ấy qua đời, cách đây chừng năm năm, bố tôi ở lì trong khu vườn này, không ăn không uống hai ngày trời. Ông đau khổ hệt như cái ngày mà em trai tôi chết. Có lẽ suốt cuộc đời này ông cũng không thể tự tha thứ cho chính mình khi nghĩ về hai con người ấy.

Lần trở về này, tôi nhận ra bố tôi già đi nhiều, mái tóc bạc trắng, khóe mắt, khóe miệng đều hằn rõ nhiều nếp nhăn. Tôi cũng nhận ra ông vui thế nào khi nhìn thấy tôi. “Người già cần tình cảm của con cái” – ông đã luôn có mặt bên tôi khi tôi còn là một cô bé. Nhưng tôi đã chủ động rời xa ông khi tôi lớn khôn. Bất chấp ông đã già và cần có tôi, tôi vẫn muốn chỉ sống cuộc đời của riêng mình.

Tôi dõi nhìn bố tôi lúi húi một mình trong mảnh vườn của ông từ cửa sổ ban công tầng hai. Tôi chưa bao giờ ngắm nhìn ông từ vị trí này. Bóng dáng lẻ loi của ông bất chợt làm tôi ngậm ngùi. Tôi ước gì tôi cần ông nhiều như ngày tôi còn bé. Dứt khoát tôi sẽ không nỡ rời xa ông và ở lại với ông mãi mãi. Phải chăng như vậy, cả hai chúng tôi sẽ cảm thấy đời nhau bớt hiu quạnh?

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 3

4. Quả thực, từ sau ngày em trai tôi qua đời, tôi thường xuyên gặp rắc rối với giấc ngủ. Hễ nhắm mắt lại là tôi nhìn thấy gương mặt của nó nhưng không phải gương mặt năm nó hai mươi mốt tuổi mà là gương mặt khi nó vẫn còn là đứa bé năm tuổi. Nó nhìn tôi với đôi mắt to tròn đáng yêu, miệng nó ngọng ngịu gọi tôi hai tiếng “chị ơi”. Rồi đột nhiên nó khóc và không ngừng kêu cứu. Tôi muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nó nhưng em tôi cứ tuột dần, tuột dần về phía bóng tối âm u. Tôi sực tỉnh và thấy mặt mình đầm đìa nước mắt. Cảm xúc bị dồn nén tận cùng, tôi lâm vào một nỗi buồn không thoát ra được. Có lẽ vì vậy mà Hoài cho rằng tôi mang bệnh, còn thỉnh thoảng gọi tôi là “cô bạn trầm cảm”. Tôi thừa nhận ít khi tôi có cảm giác hạnh phúc, thậm chí rất lâu mới có thể cười một cách vui vẻ. Dường như nụ cười đã trở thành một thứ xa xỉ mà tôi không mua nổi bằng đồng lương eo hẹp của mình. Nụ cười – thật dễ biết bao khi ta còn là một đứa trẻ. Nếu cho tôi một điều ước – rất có thể tôi chỉ ước được sống một ngày thật vui, một ngày mà tiếng cười đến và đi từ thật niềm hạnh phúc thực sự của con tim.

Cũng từ sau ngày em trai tôi chết, tôi rất ít khi về nhà, đặc biệt là sau khi tốt nghiệp đại học và tìm được một việc làm ở thành phố. Bố mẹ tôi không ép tôi. Chính họ cũng không muốn ở ngôi nhà đó từ nhiều năm nay. Nhưng tôi biết họ vẫn hy vọng tôi trở về, lập gia đình và cũng như họ, sống hết đời ở đó. Bố tôi thường gọi điện cho tôi và bảo: “Sao con không đưa anh bạn trai về? Bố mẹ nghĩ cũng đã đến lúc gặp mặt người con đã chọn lựa”.

Tôi cứ khất lần, khất lần. Đến nay đã là ba năm. “Đôi lúc mẹ nghĩ có lẽ con không còn cần gia đình này nữa. Nhưng dù thế nào, con cũng cần phải nhớ, con vẫn còn cha, còn mẹ và… một đứa em trai”. Tôi không muốn làm cho cha mẹ tôi thất vọng, nhưng tôi rất sợ về nhà, nói thẳng ra là không muốn về nhà. Nếu có thể, tôi thà mãi tha phương như thế này. Vả lại, thật ra Trung cũng không có ý định ra mắt gia đình tôi. Cho dù anh không ngại đưa tôi đến nhà anh và nói với người thân của anh rằng: “Đây là người yêu con”, anh vẫn chưa sẵn sàng để tôi làm điều tương tự với anh. Tôi cũng không tin rằng mình có thể vui vẻ nói với cha mẹ tôi rằng: “Đây là người con trai con muốn kết hôn”. Khoảng cách giữa chúng tôi cứ ngày càng lớn và cùng với điều đó, càng ngày ở gần Trung, tôi lại càng cảm thấy một nỗi cô đơn đáng sợ đang dần tước tôi ra khỏi cuộc sống này và vứt tôi vào một nơi chỉ có bóng đêm và nước mắt. Tôi ước có thể chia sẻ với Trung nhưng tâm hồn anh quá ngay ngắn, quá trật tự. Có lẽ việc tôi và anh ở bên cạnh nhau là một sự an bài rất vô ích của tạo hóa.

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 2

2. Giống như nhiều người trên con phố đông vào giờ tan sở làm, tôi hối hả trở về nhà để rồi chẳng mấy chốc lại lục đục cho buổi làm việc sớm mai. Sống những ngày tháng mà từ đó có thể đọc được những ngày còn lại tiếp theo, tôi cảm thấy sự tồn tại của tôi trên đời này là một sự phí hoài. Tôi đã từng muốn một cái chết trẻ trung và xinh đẹp. Mười tám tuổi, tôi nghĩ đó là con số lý tưởng. Trong đầu tôi vẫn nảy ra một cảnh tưởng thế này, vào cái đêm tôi chọn được cho mình một cái giường thật êm, thật thân quen, thật ấm áp, tôi sẽ ngủ một giấc thật sâu và không bao giờ tỉnh lại nữa. Mọi thứ kết thúc bình yên và ngọt ngào, như khi tôi chào đời, trái tim nào gợn chút bụi trần cay đắng. Nhưng tôi đã bước qua tuổi mười tám, và từ đó đến nay vẫn mỗi sáng thức giấc, luôn luôn phát hiện ra rằng mình vẫn sống sờ sờ, cách mặt đất 1m55 và tất bật đi về như thường lệ. Một ngày như trăm năm.

Trông cậu chẳng bao giờ có dáng vẻ của một cô gái đang yêu cả!

Tôi thường nhớ đến câu nói của Hoài mỗi khi ở bên cạnh Trung và ngắm nhìn anh say sưa trước màn hình vi tính. Tôi chưa bao giờ nói với anh, rằng đôi khi tôi muốn có một giấc ngủ mãi mãi. Anh sẽ nghĩ tôi đang cố làm cho anh chú ý bằng một trò đùa không mấy hài hước. Cũng có thể Trung cho rằng tôi muốn anh phải cầu hôn tôi. Cái ngày đó sẽ đến thôi nhưng trái với suy nghĩ của anh và của mọi người, tôi không chờ đợi, càng không hy vọng. Thế giới của tôi phức tạp hơn Trung tưởng và một người đàn ông thực tế như anh sẽ không bao giờ hiểu nổi. Tôi muốn khóc với ý nghĩ rằng thật ra tôi không yêu anh nhưng lại không có cách nào nói lời chia tay.

Nhà cậu có gen tự tử cho nên vấn đề của cậu không đơn giản, gặp bác sĩ tâm lý nhé!

Khi tôi bước vào năm thứ ba đại học, em trai tôi tự tử. Tôi trở về nhà và ở lì trong căn phòng của nó. Trước đây chưa bao giờ tôi thấy thiếu vắng nó khủng khiếp như vậy, cho dù những năm sinh viên tôi phải sống xa nhà. Tôi đã chọn từng cánh hoa đẹp nhất phủ trên mộ của nó. Tôi khóc đến cạn nước mắt. Nhưng em trai tôi sẽ mãi mãi không bao giờ tỉnh lại.

Cậu trở nên buồn bã hẳn chính là từ sau cái chết của em trai cậu phải không? Cậu chưa bao giờ kể về câu chuyện đó, và mình tin đó là lý do cậu không thoát ra được.

Hoài rất tốt, là người bạn thật lòng mến thương con người của tôi. Cho dù tôi suốt ngày ủ dột làm cho vạn vật xung quanh mình phải chùng xuống, Hoài cũng không trách móc tôi nửa lời, ngược lại còn cùng tôi hít thở bầu không khí sầu muộn đó. Nhưng những tồn tại sâu thẳm trong lòng tôi, tôi lại không sao chia sẻ được với Hoài. Cho dù tôi rất tin và quý trọng cô ấy.

Mọi người làm sao vậy? Xem mình như là kẻ điên rồi sao?

Tôi không biết nên đùa hay nổi giận thực sự. Tâm lý của tôi hoàn toàn bình thường. Tôi chỉ nhạy cảm hơn người khác một chút, suy nghĩ nhiều hơn người khác một chút và buồn bã hơn người khác một chút. Đó là vấn đề sao? So với hòa bình thế giới, an sinh xã hội, đói nghèo, dịch bệnh… thì vấn đề của tôi tầm thường quá, tầm thường đến mức không xứng đáng để được gọi là “vấn đề”.

Thiên thần hoa hồng- Kim Tử

Em hiểu tình yêu là gì chứ? Chính là hai người ngồi kề nhau và nói: “em yêu anh”, “anh yêu em!” (tr.57-58).

Cuộc đời là một câu đố, con người mãi mãi vùng vẫy giãy giụa trong tụ tán, tán tụ, buồn vui, ly hợp, giãy giụa trong nỗi khiếp sợ giữa sự sống và cái chết. (tr.97).

Vĩnh viễn là gì? Người đi trước chính là người được vĩnh viễn, người ở lại, có chăng chỉ là niềm đau thương vô hạn, nhung nhớ khôn nguôi. Có lẽ đó cũng là vĩnh viễn.
(tr.98).

(Phan Quốc Trung dịch, NXB Hội Nhà văn & Dân Trí, 2009)

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Tìm lại tình yêu 1

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
(Chinh phụ ngâm)

1. Mùa xuân năm 26 tuổi, một buổi sáng lạnh lẽo, tôi nhìn vào gương và phát hiện những đốm nâu mờ lảng vảng trên làn da khô khốc, ngay phía dưới hai đôi mắt đang rệu rã vì một giấc ngủ mệt mỏi. Ôi, gương mặt của tôi. Tôi thở dài, chợt cảm thấy như tuổi trẻ của đời tôi sắp kết thúc. Một nỗi buồn man mác lan tỏa trong tâm hồn tôi. Nhưng rồi như mọi lần, tôi lập tức chặn bản thân rơi vào những suy nghĩ vẩn vơ. Lại cố bắt đầu một ngày mới, như thường lệ.

Ngồi đối diện với Trung. Cũng như mọi khi, anh chăm chú nhìn vào màn hình laptop đặt ngay trước mặt. Ngoại trừ những lúc phải trả lời điện thoại, anh không bao giờ rời mắt khỏi màn hình, thậm chí là lúc uống cà phê, thậm chí là khi trò chuyện cùng tôi. Tôi đã quen với việc đó, quen đến mức chính tôi khi nói cũng không cảm thấy cần phải nhìn về anh. Có một khía cạnh buồn cười trong câu chuyện này. Ấy là khi Hoài nói với tôi: “Kiểu tóc mới của tay người yêu cậu trông như một cu cậu mười bảy tuổi ấy. Hắn định quay lại tuổi xì tin à?”. Tôi gần như chẳng có khái niệm gì điều Hoài nói, dù tôi mới gặp Trung tối hôm trước và Hoài thì đã trông thấy Trung cách một tuần hơn. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra với Trung. Chúng tôi lạc nhau trong khu chợ sầm uất và anh không thể nói về màu áo tôi mặc khi gợi hỏi người khác về tôi. Có một lần tôi nói bâng quơ với anh: “Có phải chúng ta đã trở nên quá cũ trong mắt nhau?”. Trung vẫn chú mục vào cái thế giới khổng lồ ở ngay phía trong màn hình 14 inches mà trả lời tôi (tôi chắc đó là câu trả lời dù hình thái của nó không phải là thể khẳng định): “Em không nghĩ rằng suy cho cùng đó là sự thấu hiểu nhau sao?”. Tôi không chắc rằng tôi thực sự hiểu Trung. Khi hồi tưởng lại lần đầu tiên trông thấy anh. Vẻ trí tuệ toát ra từ con người ấy. Anh lịch sự và lễ độ không ngờ. Người ta có thể dễ dàng đoán ra xuất thân của anh. Một thành phần ưu tú của xã hội. Nhưng quen anh ngần ấy năm, chính xác là 3 năm lẻ 75 ngày, những gì tôi có thể nhìn thấy nơi anh cũng vẫn chỉ là như vậy. Nói cách khác, tôi không nhìn vào được trong anh. Có một tầng sâu trong tâm hồn người đàn ông ấy khiến tôi đắn đo. Tôi không biết chính xác nó là gì. Nghĩ thế tôi bật cười và bảo “Anh không có ý nghĩ ngốc nghếch là em hiểu anh đấy chứ?”. “Nếu em yêu một người đàn ông mà em không hiểu thì em đúng là loại phụ nữ ngốc nghếch”. Thỉnh thoảng, Trung biết cách làm dập tắt cảm xúc trong tôi. Anh không cười trong những lúc thế này. Tôi lại càng không.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Mộng

(Đăng trên Phụ nữ Chủ nhật số 49 ngày 16/12/2007 tuy nhiên tòa soạn tự đổi tên thành “Tình xa” – có lẽ vì nhầm lẫn. Tên thực sự chỉ có một chữ “Mộng”).

Tôi không rõ anh là ai…

Chỉ thấy anh vẫn thường xuất hiện vào khoảng thời gian này trong năm. Vẫn vẻ mặt đó, vóc dáng đó, cử chỉ đó, động tác đó… Không có gì thay đổi…Con người bị thói quen nghiền nát. Dù sao thì anh đẹp trai…Ai cũng công nhận điều đó. Và vì anh đẹp trai, không cô gái nào không để ý đến anh.
Tôi để ý đến anh. Không vì anh đẹp trai.
Tôi để ý đến anh. Vì anh cô đơn. Anh cô đơn khi chỉ có một mình. Càng cô đơn khi đứng trong đám đông người. Anh luôn riêng một góc trời. Con người đơn lẻ. Lòng tôi âm thầm quyết định. Chúng tôi là một cặp.

Nhưng, tôi vẫn không rõ anh là ai…

Khi yêu người ta trở nên mơ mộng, đặc biệt là phụ nữ. Tôi không ngoại lệ. Tôi nghĩ đến những giờ phút chúng tôi ở bên nhau. Có lẽ chúng tôi sẽ không nói nhiều. Những điều quan trọng nhất thường lại là những điều không thể nói bằng lời. Vả lại, tôi đã nghe quá nhiều. Hầu hết đều là những điều tôi chẳng muốn nghe. Có quá nhiều người luôn nói những điều mà chính bản thân họ chẳng muốn nghe từ miệng người khác. Có quá nhiều người chỉ thích độc thoại trong một cuộc đối thoại. Và có không ít người chẳng bao giờ nói được điều gì có ý nghĩa. Ngôn từ đẹp đôi khi rất xa lạ trong đời sống thường nhật. Chúng có nhiều trong phim ảnh, trong sách vở. Người ta đọc, người ta nghe rồi người ta quên. Tiếng nói chỉ là chuyện của cá nhân. Phản hồi của người khác không có gì quan trọng. Tôi thực sự không mong mỏi rồi gắn bó suốt đời với tôi sẽ là một cái ti vi phát thanh không ngừng. Sẽ không có cái điều khiển nào đủ hiệu lực cho trọn một cuộc đời. Và tôi sẽ phát điên…

Tôi là một nhân viên trực tổng đài điện thoại. Mỗi tháng tôi nhận gần bốn ngàn cuộc gọi từ khách hàng. Ngần ấy con người, tôi đều không biết đến gương mặt dáng hình. Nhưng ngần ấy con người, tôi đều phải xem như nhau, tất thảy là thượng đế tôi tận tụy phục vụ. Suốt ngày tôi dán mắt vào màn hình, đeo tai nghe, miệng luôn chực sẵn lời chào thân ái nhất. Những cuộc gọi lịch sự nhã nhặn, những cuộc gọi gay gắt tức giận, những cuộc gọi vô thưởng vô phạt, những cuộc gọi rên rỉ sầu muộn…Việc của tôi là nghe và giải thích. Giải thích và nghe. Nghe và giải thích. Tất cả ngày của tôi. Tất cả đời của tôi. Có lúc tôi trở nên chán nản. Tựa như viễn cảnh người vợ yêu chồng và gia đình thế nào, cũng không tránh khỏi giây phút thốt lên lời mệt mỏi buông xuôi. Chỉ là giây phút thôi. Rồi đâu lại vào đấy.

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Đại Nam























































(Ngày 15/8/2010)

* Những hình ảnh này đã được sửa lại kích thước so với hình gốc.

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 7

11. Bức ảnh gia đình

Một lần duy nhất, tất cả chúng tôi, bao gồm cả gia đình của bố, cùng tập họp đông đủ để cùng chụp chung một tấm hình. Lúc đó mẹ tôi chỉ còn sống được chừng một, hai tháng nữa theo lời nói của bác sĩ. Tôn xin bảo lưu kết quả học tập, chị Mi và anh Khiêm ngừng mọi chuyến công tác, còn tôi xin nghỉ phép dài hạn. Chúng tôi chỉ muốn được ở bên mẹ những ngày tháng cuối đời. Tôi nhớ tôi đã khóc nhiều hơn bất cứ lần khóc nào, bao gồm cả lần tưởng như không sống nổi khi thất tình ở tuổi mười chín. Tôi nhận ra mẹ là người quan trọng như thế nào với tôi và tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để đổi lấy tính mạng của bà, bao gồm cả cuộc sống của tôi. Nhưng chẳng có phép màu nào xảy ra và tôi buộc phải hiểu, cho dù ta yêu thương một người nào đó sâu nặng thế nào, ta cũng không thể giữ họ lại bên mình. Phải chăng giới hạn của con người chính là điều này?

Chị Mi nói: Làm tất cả những gì có thể khiến mẹ vui. Tôi bảo chị: chị tha thứ cho bố, và mẹ sẽ mỉm cười khi nhắm mắt. Tôi còn nhớ cuộc gặp gỡ lần trước giữa gia đình hai chúng tôi, mà kết thúc là đôi bên nhìn nhau càng thêm đau đớn. Cho dù chúng tôi đã dự liệu trước sự cố chấp của chị Mi, không ai ngờ được phản ứng quá khích của chị.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 6

10. Hàn gắn

Mẹ tôi rất vui, cái ngày mà trên bàn ăn gia đình có đông đủ vợ chồng chị Mi, tôi và Tôn. Tưởng như rất lâu tôi không thấy mẹ cười nhiều như vậy. Anh rể nói với tôi rằng chính tôi đã tháo được khúc mắc lớn nhất trong lòng chị Mi, anh ấy cám ơn tôi đã trả lại cho anh ấy một người vợ biết yêu anh và cũng biết được anh yêu. Tôi cho rằng tôi chẳng làm gì cả, vì tình yêu của họ đã có sẵn ở đấy và tôi chỉ giúp họ nhận ra trước khi quá muộn. Chị Mi lại nói ý định ly hôn của chị chẳng qua là để thử thách tình cảm của họ, thử thách xong rồi thì lại về với nhau, cho nên tôi chẳng những không có vai trò đáng kể nào mà chính xác lại là kẻ phá bĩnh trò chơi của chị. Mẹ tôi thì nói rằng quan trọng là sóng gió đã qua, những việc còn lại đều không đáng bận tâm. Tôn dạn dĩ tham gia vào câu chuyện của chúng tôi, bông đùa rằng sẽ rất rắc rối nếu chị Mi chia tay với anh rể vì ngoài anh rể ra không ai có can đảm cưới chị về làm vợ. Chúng tôi nhận ra Tôn đã bớt vẻ ít nói, ít cười như trước. Cuộc sống ở nước ngoài đã khiến nó cởi mở và có cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống. Cho dù nó chỉ về ít ngày, tôi cũng nhận ra cái sức sống mới mẻ mà nó mang về. Nó khiến cho tất cả chúng tôi trở nên tươi mới, trong cách nhìn nhau và cách soi vào tâm hồn mình.

Tôn nói với tôi: Trước khi rời Việt Nam nó muốn đến gặp cha và cảm ơn ông ấy. Nó nói rằng cha tôi đã làm cho chúng tôi rất nhiều việc mà chúng tôi không biết. Ở Úc, một người đàn ông đã đến gặp Tôn, tự xưng là bạn chí cốt của cha tôi. Người đàn ông này đã giúp nó rất nhiều trong việc hòa nhập vào xứ người. Ông ấy cũng kể cho nó nghe tấm lòng của cha dành cho chúng tôi. Rằng cha tôi vẫn âm thầm dõi theo bước chân chúng tôi. Ngày mà Tôn lâm bệnh nặng, lý do cha không thể có mặt vì trong lúc vội vã, ông ấy đã bị một chiếc xe đi ngược chiều tông phải, kết quả là phải nằm viện cả tháng trời. Ngày mà chúng tôi tốt nghiệp cử nhân, ông ấy lặng lẽ chúc mừng chúng tôi ở một góc sân trường. Ngày mà chị Mi kết hôn, cha tôi đã đứng ra thuê biệt thư ở Đà Lạt và âm thầm vui sướng tiễn con về nhà chồng. Mẹ tôi cũng bảo rằng, đã đến lúc chúng tôi phải chính thức nói lời cảm ơn ông ấy. Cha tôi chưa từng rời bỏ cuộc đời chúng tôi cho dù chúng tôi thậm chí muốn gạt bỏ họ của ông ấy ra khỏi họ tên mình.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 5

8. Ly hôn

Có hai từ khi được thốt ra đã làm thay đổi cuộc đời tôi – cuộc đời của một cô bé tám tuổi – đó là hai từ “ly hôn”. Từ một đứa trẻ hàng ngày có thể gọi cha, gọi mẹ, tôi đã bị tước đoạt mất một tiếng gọi thiêng liêng. Tôi không có cha ở bên cạnh để có thể gọi ông mỗi ngày và dù ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trước mắt tôi, tôi cũng chẳng còn có thể gọi cha tôi theo cái cách mà tôi vẫn gọi ông ấy trước năm tám tuổi. Cho dù giờ đây tôi có thể thông cảm với tình yêu lớn của ông thì những năm tháng cô đơn của tuổi ấu thơ vẫn ngăn tôi trở lại trong vòng tay ông, như đứa con bé bỏng năm nào. Tôi chưa thể đón nhận gia đình ông, bình thản và hiển nhiên như cách mà mẹ tôi đã đón nhận. Một hạnh phúc được đánh đổi bằng nỗi đau, hạnh phúc ấy thực sự có cái giá rất đắt của nó.

Tôi vẫn ẩn mình kỹ càng trong cái thư viện tổng hợp, càng lúc càng nhận ra mình không còn biết cái quái gì về cuộc đời này. Chị Mi từng bảo, cứ như thế thì tôi sẽ hỏng mất. Tôi không biết tôi có tiền đồ gì nên thật ra tôi cũng chẳng mất mát gì. Tôi cứ giấu mình kỹ lưỡng như vậy, nghe thời gian trôi qua thật đều, thật chậm...

Mẹ tôi càng lúc càng nôn có cháu. Bà cảm thấy mình đang trở nên vô ích trong cuộc đời chúng tôi. Có lẽ có một đứa cháu, bà tự khắc sẽ thấy khá hơn. Nhưng thay vì giúp mẹ tôi đạt được ý nguyện, chị Mi đã gần như giết bà khi tuyên bố: Chúng con sẽ ly hôn. Anh chị mới lấy nhau chưa đầy nửa năm.

Giữa họ có mâu thuẫn gì sâu sắc, trong lòng họ đau đớn đến nhường nào, tôi hoàn toàn không hay biết bởi không thể cảm nhận. Chị Mi vẫn đi về như con thoi giữa các chuyến công tác. Chị không dọn về nhà ở vì không muốn trở thành cuốn nhật ký để mẹ tôi trút vào những muộn phiền, chị dọn đến một khách sạn, sống tự do như thể chẳng bị ràng buộc bởi bất cứ ai, bất cứ điều gì. Mẹ tôi không thể gặp chị, cũng không thể gặp anh rể. Mẹ cứ âu sầu rơi vào mòn mỏi bệnh tật.

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 4

7. Mẹ không thể là người mẹ tốt

Tôi về khuya. Đèn trong nhà vẫn sáng.

- Mẹ vẫn thức đợi con?

Mẹ tôi ngồi trên ghế sô pha, nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Tôi ngồi đối diện với mẹ và nhìn mẹ đăm đăm. Mẹ vẫn vậy, nhẫn nại và dịu dàng. Nếu mẹ sinh vào thời loạn lạc chiến tranh, hẳn mẹ sẽ là thiếu phụ thủy chung chờ đợi chồng cho đến khi hóa thành đá như nàng Tô Thị. Cha tôi đã bỏ mẹ để lấy một người đàn bà khác. Mẹ tôi không bao giờ đợi ông ấy trở về nhưng bà cũng chẳng đi bước nữa. Cuộc đời mẹ tôi trước là dành cho cha tôi, sau là dành cho tất cả chúng tôi. Người ta có thể ca ngợi đó là cuộc đời của một người phụ nữ giàu đức hy sinh nhưng tôi cho rằng nó cũng đồng thời là cuộc đời hết sức buồn thảm của một người phụ nữ bất hạnh. Mẹ tôi cũng giống như hàng vạn phụ nữ trên quả đất này, đủ xứng đáng để được yêu bằng một tình yêu thủy chung và bền vững. Nếu cha tôi đã là người không thể cho bà điều đó, tại sao lại không thể là một người khác?

- Con có gì muốn nói sao?

- Hai hôm trước con đã gặp hai đứa con của họ. Chúng dường như biết tất cả về chúng ta. Có vẻ như ông ấy vẫn kể về gia đình này với họ.

- Bố con lúc nào cũng nhớ đến chị em các con. Mẹ luôn muốn các con hiểu điều này.

Trong bóng tối, tôi vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng long lanh trong mắt mẹ. Tôi đoán mẹ không hiểu ý tôi khi bà tỏ ra khá hồ hởi.

- Mẹ nghĩ ông ấy kể về chúng con vì nhung nhớ và yêu thương chúng con sao? Hay chẳng qua ông ấy buộc phải làm thế, vẽ ra cái hình ảnh một người cha thương yêu con cái để cho lũ trẻ ấy không bao giờ biết được cái sự thật là ông ấy đã bỏ rơi chúng con, đã không hề có mặt bên chúng con những lúc chúng con cần đến ông ấy? Ông ấy nặn ra hạnh phúc của chúng ta để khỏa lấp lương tâm của ông ấy, để cho cái gia đình khốn kiếp ấy tưởng rằng hạnh phúc của họ không phải được đánh đổi bằng hạnh phúc của chính chúng ta? Chỉ cần nghĩ đến cái bộ mặt của ông ta khi ấy con đã không chịu đựng nổi.

Trong lòng tôi trào dâng một cảm giác căm phẫn. Những ý nghĩ như những con sóng dồn dập và dữ tợn. Nếu lúc này có cha tôi ở đây, có lẽ tôi sẽ gào lên đuổi ông ấy ra khỏi ngôi nhà này. Tôi sẽ trút tất cả sự oán giận vào con người ông ấy. Tôi sẽ bất chấp tất cả đạo lý.

Mẹ tôi đứng lên và thay vì nhìn tôi, bà ngước ánh mắt nhìn về ánh trăng xa xôi ẩn hiện lẻ loi bên ngoài khung cửa sổ. Mẹ im lặng rất lâu đến mức tôi bắt đầu thấy hối hận. Có lẽ tôi đã nói những điều không nên nói.

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 3

5. Nhịp điệu cuộc sống

Sau khi kết hôn, chị Mi vẫn về nhà ăn cơm trưa cùng mẹ như lúc trước. Tuy chị nói vì nhà chồng quá xa chỗ làm không tiện đi đi về về nhưng tôi thừa biết chị không muốn động tay vào việc bếp núc, có thể tránh được lúc nào thì tránh. Thành thử nỗi buồn của tôi trong đám cưới chị bỗng chốc trở nên vô duyên. Tôi vẫn gặp chị hàng ngày, và lúc này thì tôi tin rằng điều đó là không cần thiết. Chị vẫn liên tục chất vấn tình hình công việc của tôi, cho rằng trong ba người, tôi là người đáng lo hơn cả. Bởi tôi không tìm được điều tôi thực sự muốn làm, cho nên dù làm gì, tôi cũng rơi vào tình trạng thất vọng. Cho dù kiếm được tiền nhưng tôi không vui, cảm thấy đời mình hết sức vô nghĩa. Chị Mi biết tỏng bụng dạ tôi cho nên không ngừng vạch sẵn cho tôi một con đường. Từ từ, tôi ít về nhà vào dịp trưa.

Tôn sang Úc, ban đầu gọi điện và gửi email khá thường xuyên nhưng từ từ cũng thưa dần. Tôi nghĩ nó học hành chăm chỉ và làm thêm vất vả. Mẹ tôi không biết rằng nó quyết tâm ở lại Úc cho nên nhất định phải tốt nghiệp thạc sĩ loại ưu. Chị Mi can không nên vội nói với mẹ nhưng tôi tin rằng, điều gì tốt cho Tôn, mẹ nhất định ủng hộ. Tôn là đứa rất ít biểu lộ cảm xúc, bao giờ nó cũng cố gắng làm một người đàn ông chân chính, trụ cột của gia đình. Đổi ngược lại, chúng tôi vẫn luôn xem nó là một đứa trẻ cần được yêu thương và chăm sóc nhất. Thật kỳ lạ là lớn lên trong sự chăm bẵm của cả ba người phụ nữ, Tôn vẫn đường hoàng trở thành một người đàn ông mạnh mẽ. Tất cả chúng tôi đều tự hào dù không nói ra.

Mẹ tôi muốn chị Mi mau sinh em bé nhưng hai anh chị đều mê mải theo đuổi sự nghiệp, dường như chuyện làm cha làm mẹ vẫn chưa có trong kế hoạch của họ. Tôi nghĩ những đôi lứa mới kết hôn nhất định toàn sống trong thời kì trăng mật ngọt ngào và lãng mạn. Trên vẻ mặt họ chắc chắn khắc những chữ như: “Hạnh phúc”, “Tuyệt diệu”, “Yêu em”, Yêu anh” ….

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 2

3. Thiệp cưới

Cuối cùng, chị Mi nhận lời cầu hôn của anh Khiêm. Chị muốn lễ cưới diễn ra trước khi Tôn sang Úc học. Gia đình chúng tôi phút chốc trở nên bận rộn vì thời gian không còn quá nhiều. Mẹ tôi vừa buồn vì sắp phải xa Tôn đã lại trở nên năng hoạt, vui vẻ với việc chuẩn bị lễ cưới cho chị. Tuy gấp rút nhưng vào cái ngày đã định, mọi thứ đều đã sẵn sàng. Duy chỉ có một việc. Mẹ tôi đưa cho tôi tấm thiệp cưới, bảo tôi đích thân đi mời gia đình của bố đến dự. Tôi nói với mẹ, nếu mẹ muốn đám cưới diễn ra vui vẻ, muốn anh chị hạnh phúc thì đừng bắt tôi phải làm việc này. Nhưng mẹ bảo, nếu không làm, một ngày kia chị Mi sẽ hối hận. Và mẹ không muốn ai trong các con của mẹ, phải sống cuộc đời dằn vặt nuối tiếc.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ngôi nhà mà bố tôi sau khi từ bỏ chúng tôi đã tạo dựng nên. Tôi phải nói thật rằng, tôi khâm phục tài năng người cha của mình. Ông đã để lại tất cả tài sản cho chúng tôi và bằng thực lực của mình, ông đã làm lại tất cả, và thậm chí làm tốt hơn. Mỗi chúng tôi đều nói căm ghét ông nhưng từng ấy năm, vẫn sống bằng tiền của ông. Ông chu cấp cho chúng tôi đầy đủ. Và đã xây dựng một giang sơn cho người vợ mới và những đứa con mới. Thật ra tôi cũng đã lớn, đã không còn oán hận ông như ngày xưa. Nhưng tận mắt chứng kiến hạnh phúc của ông, trong khi thấu hiểu nỗi cô đơn dằng dặc của mẹ trong bấy nhiêu năm, đứa con như tôi không khỏi cảm thấy căm phẫn.

Bố không có ở nhà, tiếp tôi là người đàn bà ấy. Tôi thầm so sánh cô ta với mẹ tôi. Tuy trẻ hơn nhưng không hẳn là đẹp hơn. Có điều tôi nhận ra cô ta hết sức vui vẻ và cởi mở. Ở người đàn bà này, sức mạnh hàn gắn và bản tính nồng nhiệt được thể hiện ra một cách tự nhiên, không chút giả dối. Ở bên cạnh cô ta, tôi không thể tản mác suy nghĩ của mình đi chỗ khác, chỉ có thể tập trung vào giọng nói và điệu cười đang hiện hữu sống động trước mặt. Tuy thừa hiểu tôi nghi ngại và không thể có tình cảm với cô ta, tại sao cô ta vẫn có thể hồn hậu đến thế? Lần đầu tiên gặp cô ta, con người mà tôi tin rằng là lý do tan vỡ gia đình của chúng tôi, lạ lùng thay tôi đã không thể căm ghét cô ta. Tôi nghĩ tôi có lỗi với mẹ tôi, với chị Mi, với Tôn. Tôi thấy mến người đàn bà này.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 1

(Một câu chuyện về gia đình, trong lúc tôi cố gắng viết một cái gì khác hơn những gì mình từng viết. Nếu bạn chán đọc truyện tình yêu nam nữ, có thể đọc truyện này. Tuy nhiên đừng hy vọng rằng nó sẽ làm bạn cảm thấy thú vị. Câu chuyện của gia đình này rất bình thường, có lẽ không vui cũng chẳng buồn. Tuy nhiên có một vài chi tiết có thể làm bạn xúc động, nếu bạn tình cờ mang sẵn một trái tim mềm yếu nơi lồng ngực. Truyện ngắn nhưng không quá ngắn, hãy cân nhắc trước khi đọc).

1. Gác xép

Dùng để chứa đồ cũ, gác xép là nơi quanh năm hầu như không ai để mắt tới, bám nhiều bụi bẩn và có mùi ẩm mốc. Rất nhiều thứ đồ đạc vất vưởng ở đây từ trước cả những năm tôi ra đời. Tuổi của nhiều trong những đồ đạc này theo đó lớn hơn cả tuổi của tôi, thậm chí của ngôi nhà này. Và mặc dù ngôi nhà qua năm tháng vẫn được chăm chút sắc diện cho ngày càng hiện đại thì căn gác xép vẫn khoác trên mình vẻ cũ kỹ xa xưa. Một nơi của những chứng tích thời gian, cũng đã bị thời gian vội vã quên lãng. Dường như không ai nhớ đến sự tồn tại của nó…

Tôi mò ra nó vào cái ngày bố mẹ tôi chính thức thông báo cho chúng tôi biết rằng họ sẽ ly hôn. Không có gì ồn ào xảy ra vào giây phút đó. Có lẽ cũng như tôi, chị gái và em trai, thảy đều chỉ có cảm giác bước hụt chân vào một cái hố trên mặt đường vốn chỉ nhìn thấy sự bằng phẳng, êm ái. Một cú hụt chân nhớ đời, với cái đau âm ỉ kéo dài theo năm tháng lớn khôn. Ngây người, chúng tôi lặng lẽ nhìn hai đấng sinh thành. Tôi vẫn kịp nhớ, chúng tôi đã từng là một gia đình hạnh phúc.

Chúng tôi sống với mẹ. Bố tôi đi bước nữa không lâu sau đó. Vào ngày bố tôi báo tin về đám cưới, trước sự tức giận hoài nghi của chúng tôi, mẹ tôi đã nói rằng cuộc hôn nhân của họ tan vỡ vì họ không còn yêu nhau và hiểu nhau nữa, hoàn toàn không liên quan đến kẻ thứ ba. Mẹ tôi muốn chúng tôi ủng hộ việc làm của bố. Nhưng chúng tôi lại xem như ông ấy không còn tồn tại trên đời này nữa. Đó là cách duy nhất để tất cả được bình yên. Bố có hai con với người vợ sau. Theo những gì tôi được nghe kể thì họ là một gia đình hạnh phúc. Dường như điều này chỉ làm tăng hố sâu ngăn cách giữa chúng tôi.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...