Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thời gian...


Tôi đang đọc cuốn Những đứa con của nửa đêm, cuốn sách dày cộm được đặt đầu giường cả tháng nay. Chỉ đang ở những trang 50-51, và có thể nói là nó có một khởi đầu, tuy hơi rối rắm nhưng đan xen những dòng văn khá hài hước.

Trước cuốn này, tôi đọc Từ thăm thẳm lãng quên, và tôi nghĩ cần phải ghi lại đôi dòng về tiểu thuyết của nhà văn Pháp đoạt giải Nobel văn chương năm 2014 – Patrick Modiano (chả hiểu sao tôi hay nhầm thành Mobiado, nếu không lầm, là một nhãn hiệu điện thoại hạng sang). Cái tin nhà văn đoạt giải Nobel tôi đọc thấy khi đang nghiền ngẫm cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Một sự trùng hợp (rồi sau đó Nhã Nam phát hành liền thêm hai cuốn tiểu thuyết của ông). Có lẽ cần có thêm Phố của những cửa hiệu u tối rồi ghi lại cảm nhận một thể  - bộ ba này được nhắc đến cạnh nhau, cùng là những tiểu thuyết ngắn với cảm thức về quá khứ, sự trôi giạt, sự mất mát. Nhưng thời điểm này có thể mua Phố của những cửa hiệu u tối nữa không thì tôi không chắc. Xuất bản sách giấy rơi vào một nghịch lý lạ lùng: ở mặt bên này, bạn thấy người ta than van nó gặp khó bởi sách điện tử (trên hết là tình trạng xâm phạm bản quyền trên mạng cũng như từ mấy lò sách in lậu); nhưng ở mặt bên kia, lượng sách phát hành vẫn bán hết veo (và tôi nghe rằng, lượng phát hành trên thực tế luôn nhiều hơn so với số bản thống kê chính thức in ở trang đầu hay cuối cuốn sách - có thể chỉ là lời đồn nhưng là một lời đồn kỳ lạ, ta không biết phải cười hay khóc khi nghĩ đến nó, cái phần trăm mà lời đồn đó có thể là sự thật).

Tôi gặp khó khăn với cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, ở những cái tên và địa danh tiếng Pháp. Tôi luôn sẵn có một câu trả lời, đơn giản thôi “Paris, Pháp” khi ai đó hỏi tôi muốn được đặt chân đến đâu. Mười mấy năm trước hay mười mấy năm sau, cái từ đó vẫn phun ra mà chủ nhân của tiếng nói vẫn chẳng biết tại sao và thậm chí chẳng mảy may bận tâm đến việc tìm hiểu về cái mình đang nhắc đến. Để rồi khi phố xá, quảng trường, những nơi chốn, những con đường giăng mắc trong cuốn sách mỏng của Patrick Modiano, tôi choáng váng. Tôi sẽ lạc mất thôi. Tôi thậm chí còn không thể phát âm cho ra hồn, đừng nói đến việc tôi sẽ nhớ. Dĩ nhiên, ở khía cạnh này, cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano thật dễ nể. Như một tấm bản đồ được phả vào sự sống, những nơi chốn được tỉ mỉ gọi tên, trong sự gắn kết xúc cảm của những con người đã đến, đã đi qua, đã trốn chạy: nếu Paris trong thực tế chẳng biết từ đâu và từ bao giờ đã vốn được khoác tấm áo huyền thoại, rất có khi đẹp hơn chính nó thì Paris của Patrick Modiano cũng chân thực, rắc rối, không ít bí hiểm, nơi mà dường như cứ khiến người ta phải buông mình vào ký ức. Tôi sẽ lạc, tôi nghĩ, nếu quả thật có ngày tôi đặt chân đến Paris.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Linh tinh ngày


Tôi nhuộm tóc, màu xanh lá cây. Đùa đấy, í tôi là màu vàng. Ha ha, vẫn đùa thôi, như vẻ mặt người thợ tóc khi hỏi: “Em tính nhuộm màu gì? Màu vàng à?” Khi đó cô thợ phụ giãy nảy “Làm sao chị ấy có thể nhuộm màu vàng được”. Và rồi mấy người họ không ngừng tranh luận về việc đó, cứ như đang nhuộm tóc của chính mình. Mãi tôi mới nói được, tựa hồ một người không liên quan, tôi thường nhuộm tóc màu nâu hạt dẻ và tối đến mức không ai phát hiện tôi nhuộm tóc; bây giờ tôi muốn một màu nâu sáng hơn, làm sao che được mớ tóc bạc của tôi, nhưng đừng biến tôi thành một bà già. À à, giải thích một chút, kẻo mọi người hình dung tôi lụ khụ như bà cụ đã trải tám mươi mùa xuân. Tóc tôi bạc từ những năm tôi còn rất nhỏ, mới có mười mấy tuổi đầu. Theo thời gian, tóc bạc nhiều lên chứ không ít đi, như những nếp nhăn trên vỏ não, như nỗi buồn. Nếu tôi có thể sống đến tuổi già thì đây là may mắn của tôi, tôi sẽ không thấy sốc khi nhìn thấy mớ tóc bạc trên đầu mình. Tôi có đủ sốc rồi, tôi còn chẳng đếm nổi. 

Bây giờ tóc tôi có màu nâu nhưng không biết nên gọi cụ tỉ là màu gì. Người ta bảo nam giới nhận diện màu sắc dở hơn nữ giới. Ví dụ với màu xanh, có đủ loại màu xanh, phụ nữ phân biệt chúng, nào là xanh da trời, xanh nước biển, xanh ngọc, xanh cô ban..vv..; đàn ông sẽ gọi tất cả chúng là màu xanh, hết. Ở góc độ này, ấy thế, tôi nghĩ tôi không có được cái nhìn của phụ nữ, như đáng lẽ phải có. Màu nâu, hẳn cũng có đủ loại màu nâu, nhưng tôi chỉ biết gọi là màu nâu. Nếu phải mô tả nhiều hơn để có thể phân biệt, tôi chịu thua. Tôi nghĩ màu tóc mới nhuộm, tôi không chắc là đẹp, mang đến một vẻ mới mới, kiểu tóc tôi muôn đời như một. Cũng tốt. Cuộc sống đôi khi cần cái mới hơn là cái đẹp. Con người vẫn thế. 

Sài Gòn có những ngày nắng chói chang, cái nắng điên rồ như muốn nung chảy mạng lưới những bức tường bê tông trong thành phố và lại có những ngày mưa như trút, vào sáng sớm hay cuối chiều, hạt mưa rơi thẳng đứng, ken dày trắng xóa. Bây giờ là tháng 9, thời tiết không đẹp hơn. Việc trông coi sạp hàng ở chợ khiến da dẻ Mỹ Mỹ đen hơn. Nhưng tinh thần cô khá tốt và cô tăng cân trở lại. Mười một hay mười hai năm trước, có lẽ tôi không hình dung Mỹ Mỹ sẽ gắn với sạp hàng này, như mẹ cô đã gắn với nó suốt đời. Hẳn Mỹ Mỹ cũng không nghĩ thế. Có lần cô kể, cô tình cờ nối lại liên lạc với một người bạn học chung hồi cấp hai. Anh ta tỏ ra thích cô. Nhưng khi anh ta biết, cô hiện làm gì, không một lần anh ta gọi cho cô nữa. Tôi im lặng. “Bạn phải cám ơn hắn vì đã làm thế”, Mỹ Mỹ nói. Tôi gật đầu. Chúng tôi ăn ốc và tán chuyện. Thi thoảng phá lên cười. Gió thổi từ hướng sông mát rượi. 

Nghe lại mấy bài hát Việt, phát hiện những bản nhạc về mùa đông tôi có rất ít. Hình như mùa thu được ưu ái hơn, trong âm nhạc cũng như trong thơ ca. Thử nhớ xem mình nhớ được bao nhiêu bài hát có mùa thu trong đó: 

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Đọc Takazi Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương


Thời điểm cuốn sách có mặt tại Việt Nam (cuối năm 2014 thì phải), nó trở thành tác phẩm mới nhất của Haruki Murakami, nghe bảo là tác phẩm đầu tiên được xuất bản sau ba năm hoàn thành bộ tiểu thuyết 1Q84. Dường như đây là chu trình sáng tác của nhà văn : sau những tiểu thuyết đồ sộ, Haruki Murakami sẽ "nghỉ xả hơi" bằng những tác phẩm nhẹ nhàng hơn, về độ dày cũng như nội dung. Kỳ thực tôi vẫn ưa thích những tiểu thuyết ngắn của ông, không hẳn vì lười đọc, mà vì chúng gần gũi và tập trung vào cốt lõi câu chuyện hơn. Những tác phẩm dài hơi, suy cho cùng, là sự thêm thắt của những tình tiết siêu thực. 

 Tsukuru không màu (tôi viết tắt như vậy, và cũng thường chỉ nhớ được như vậy), là một cuốn sách gợi nhắc về tuổi trẻ. Phảng phất cái gì đó của Rừng Nauy nhưng nhẹ nhàng và sáng sủa hơn (dạo xưa tôi chỉ thoáng đọc Rừng Nauy thông qua bản lược đăng trên mạng, sự so sánh như vậy có thể chông chênh, tuy nhiên từ những gì người ta nói qua nhiều đến tác phẩm làm nên tên tuổi của Haruki Murakami thì không quá khó để khẳng định điều đó). Cốt truyện của Tsukuru không màu tương đối rõ ràng, với chủ đề xoay quanh tình bạn nhưng trọng tâm vẫn là việc tìm kiếm bản thân (mặc dù kết thúc vẫn có thể là không tìm thấy điều gì cả) – luôn luôn, điều này có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm của Haruki Murakami. Trong lúc đọc Tsukuru không màu, tôi thoáng có suy nghĩ: nếu đây là tác phẩm thay thế cho Rừng Nauy, nó có gây tiếng vang lớn như cuốn tiểu thuyết ấy không? Như một cú lội ngược dòng, sau nhiều năm, nhà văn Nhật Bản như đang viết những tác phẩm đầu tay (chỉ như thôi, bởi để viết cái gì đó đơn giản hơn lẽ thường, đó có thể lại là kết quả của một bộ óc tinh vi). Tôi không chê cuốn tiểu thuyết mới. Điều tôi muốn nói là cho bất kỳ ai muốn khởi đọc Haruki Murakami thì Tsukuru không màu lại vô cùng thích hợp. 

Câu chuyện của Tsukuru, giữa những người bạn mà tên họ đại diện cho những màu sắc (và anh chàng nghĩ bạn bè của mình, như tên của họ, là những người "có màu", còn bản thân anh chàng thì từ tính cách và tên họ của mình, là người "không màu"). Một tình bạn đẹp bị đứt đoạn bởi một biến cố mà Tsukuru không hề hay biết, ngoại trừ cái sự thật là một ngày đẹp trời, cả bốn người bạn thân đều đồng loạt từ mặt anh. Thường trong quãng đời tuổi trẻ, người ta hay rơi vào nỗi đau do tình yêu gây ra nhưng trong câu chuyện của Tsukuru, anh suy sụp tinh thần bởi cùng lúc mất đi bốn người bạn thân, mà hoàn toàn không biết lý do tại sao. Ở điểm này, ngòi bút Haruki Murakami cho thấy hết sự tinh tế và thấu hiểu - trong cách viết về nỗi đau, không ồn ào, không gào khóc, mà âm thầm hủy hoại tâm hồn , một cái chết tinh thần mà chính chủ thể rất nhiều năm sau mới thấu nhận; tinh tế hơn nữa ở cách bỏ lửng lý do – Tsukuru lặng lẽ chấp nhận hiện thực, tuy trong lòng tồn tại câu hỏi, anh đơn giản là bỏ đi. 16 năm sau, lần đầu tiên có người bước vào thế giới của Tsukuru và khơi dậy câu chuyện năm nào. Chỉ khi đó, Tsukuru mới quyết định tìm lại bốn người bạn, truy tầm cả quá khứ lẫn tương lai. Khi cuốn tiểu thuyết kết thúc, cuộc đời Tsukuru vẫn đứng giữa hai cánh cửa, một cái có thể dẫn đến một thế giới mới, nơi hạnh phúc mỉm cười với anh, cái kia thì không, Tsukuru sẽ tiếp tục đơn độc như đã từng. Haruki Murakami khôn khéo, ông để độc giả có sự chọn lựa riêng nhưng cái kết u ám không phải là cái đích nhắm đến, có thể tin tưởng như vậy. Đại thể đó là nội dung cuốn sách. 

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Đọc Bóng hình của gió

Đây là cuốn sách, nếu nhớ không nhầm, ngốn của Còi Cọc nguyên một đêm nào đó. Khi tặng lại cho tôi, sau những dòng viết lạ lùng liên quan đến chim cánh cụt, con gì đó hình như là con cúm và con kiến, lời đề tặng của bạn ấy cũng đến với điểm chính: hy vọng tôi sẽ đọc cuốn sách mà không phải nâng lên bỏ xuống mấy bận (việc tôi đọc sách một cách lê thê lê lết có lẽ đã đến tai bạn mình, thiệt ngại!). Sự thực đúng là tôi hiếm khi có thể đọc cuốn sách nào đó liền một mạch, thường sẽ luôn có cái gọi là "nâng lên bỏ xuống mấy bận", đặc biệt là với những cuốn sách dày cộm. Tuy nhiên nếu bạn tôi có thể dành cả đêm để đọc một cuốn sách, thì bản thân hành động này với tôi gây hiệu quả chẳng khác gì cụm từ "made in Japan". Dĩ nhiên, Bóng hình của gió là một cuốn sách đầy hấp lực. Tôi tin một khi đã bắt đầu đọc thì dù là ai cũng rất nhanh chóng muốn ngấu nghiến nó tới trang cuối cùng.

Với một nhan đề phảng phất sự lãng mạn, lại được in kèm dòng chữ "phiêu lưu ly kỳ", từ cái nhìn đầu tiên, tôi có phần hơi nhầm lẫn đây là sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, thể loại trinh thám. Nhưng dù cái sườn dẫn dắt câu chuyện mang yếu tố ma mị và xuyên suốt cuốn sách là hành trình khám phá sự thật đằng sau những bức màn bí ẩn được sắp xếp khéo léo, tài tình, tôi nghĩ Bóng hình của gió không nên được ghép cho bốn từ "phiêu lưu kỳ bí". Nó có nhiều hơn thế:

Một vẻ ngoài mang phong cách huyền bí, với những màn theo đuổi kịch tính, những bí mật được giăng cài công phu, với đôi chỗ "tung hỏa mù", người đọc được dẫn dắt vào một mê cung, hệt như với Daniel, đã bước vào thì không thể ngừng khao khát kiếm tìm lời giải bên trong. Ấy thế xét về bản chất, Bóng hình của gió mang cốt truyện của một bộ phim tâm lý xã hội: một câu chuyện trải dài 30 năm, bao phủ bởi bóng đen chiến tranh, trong bối cảnh xã hội với sự phân tầng giai cấp cùng những vòng xoáy định mệnh nghiệt ngã; trên cái nền đó, bản nhạc đời được tấu lên với đầy đủ sắc thái: Tình yêu, tình bạn, sự thù hận, tội ác, nỗi cô đơn, sự mất mát, những hồi ức đau buồn chôn vùi con người trong bóng ma quá khứ không thể nào quên. Bóng hình của gió đẫm chất bi kịch, và sức nặng cùng dư âm của nó nằm cả ở đó, trong mỗi nhân vật, mỗi tình tiết, tuyến chính cũng như tuyến phụ, mỗi nhân vật mỗi số phận và chính những câu chuyện riêng cũng đạt đến độ "hay kinh người".

Bóng hình của gió – Carlos Ruiz Zofón

Mỗi câu chuyện, mỗi tập sách con thấy ở đây đều chứa đựng một tâm hồn. Tâm hồn của người đã viết nên cuốn sách, của những người đã đọc, sống và mơ ước cùng nó. Mỗi lần một cuốn sách qua tay một người đọc khác, mỗi lần người nào đó lướt mắt qua từng trang sách là một lần linh hồn của cuốn sách ấy trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn… Ở cửa tiệm chúng ta mua đi bán lại những cuốn sách, nhưng thực tế chúng không hề có chủ. Mỗi cuốn sách con thấy ở đây đều từng là người bạn thân thiết nhất của ai đó – tr. 12.

… giữa những trang bìa của mỗi cuốn sách kia đều tồn tại một vũ trụ không bờ bến đang chờ được khám phá, trong khi ấy, bên kia những bức tường này, tại thế giới bên ngoài, người ta để mặc cho cuộc sống trôi qua với những buổi chiều chìm đắm trong bóng đá và các xê ri kịch truyền thanh sướt mướt, hài lòng với chuyện chả quan tâm gì hơn những vấn đề của riêng mình – tr. 13.

… hiếm có gì để lại dấu ấn trong lòng người đọc sâu đậm như cuốn sách đầu tiên tìm được đường vào trái tim người đó. Những hình ảnh đầu tiên ấy, tiếng vọng của những từ ngữ mà ta tưởng mình đã bỏ quên lại phía sau tự khi nào, chúng vẫn đồng hành cùng ta trong suốt cuộc đời, chúng khắc tạc một lâu đài trong ký ức ta, nơi mà sớm hay muộn – bất kể ta có đọc bao nhiêu cuốn sách, khám phá ra bao nhiêu thế giới, thậm chí học được cách lãng quên bao nhiêu điều – chúng vẫn sẽ quay trở lại – tr. 15.

Chẳng có gì gọi là tử ngữ, chỉ có những ký ức ngủ đông – tr. 24.

… trên các con phố, nhà xưởng, trong trại lính, ta có thể đọc thấy tương lai rõ hơn nhiều so với đọc trong các tờ báo sáng – tr. 30.

… nhờ đọc sách, tôi có thể sống mãnh liệt hơn – tr. 37.

Một trong những cạm bẫy của tuổi thơ là đứa trẻ chẳng cần phải hiểu mới cảm nhận thấu điều gì đó. Tới khi trí não đử sức lĩnh hội những gì đã xảy ra, thì những vết thương lòng đã hằn quá sâu rồi – tr. 46.

Chẳng còn gì như cũ sau một cuộc chiến – tr. 48.

… điều xuẩn ngốc vĩnh viễn của con người là không ngừng theo đuổi kẻ khiến hắn tổn thương nhất – tr. 54.

Thời gian luôn chơi ở phe đối địch với ta – tr. 59.

Thực sự căm ghét ai đó cũng là một nghệ thuật mà ta phải học dần theo năm tháng – tr. 77.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...