Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Đọc Bóng hình của gió

Đây là cuốn sách, nếu nhớ không nhầm, ngốn của Còi Cọc nguyên một đêm nào đó. Khi tặng lại cho tôi, sau những dòng viết lạ lùng liên quan đến chim cánh cụt, con gì đó hình như là con cúm và con kiến, lời đề tặng của bạn ấy cũng đến với điểm chính: hy vọng tôi sẽ đọc cuốn sách mà không phải nâng lên bỏ xuống mấy bận (việc tôi đọc sách một cách lê thê lê lết có lẽ đã đến tai bạn mình, thiệt ngại!). Sự thực đúng là tôi hiếm khi có thể đọc cuốn sách nào đó liền một mạch, thường sẽ luôn có cái gọi là "nâng lên bỏ xuống mấy bận", đặc biệt là với những cuốn sách dày cộm. Tuy nhiên nếu bạn tôi có thể dành cả đêm để đọc một cuốn sách, thì bản thân hành động này với tôi gây hiệu quả chẳng khác gì cụm từ "made in Japan". Dĩ nhiên, Bóng hình của gió là một cuốn sách đầy hấp lực. Tôi tin một khi đã bắt đầu đọc thì dù là ai cũng rất nhanh chóng muốn ngấu nghiến nó tới trang cuối cùng.

Với một nhan đề phảng phất sự lãng mạn, lại được in kèm dòng chữ "phiêu lưu ly kỳ", từ cái nhìn đầu tiên, tôi có phần hơi nhầm lẫn đây là sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, thể loại trinh thám. Nhưng dù cái sườn dẫn dắt câu chuyện mang yếu tố ma mị và xuyên suốt cuốn sách là hành trình khám phá sự thật đằng sau những bức màn bí ẩn được sắp xếp khéo léo, tài tình, tôi nghĩ Bóng hình của gió không nên được ghép cho bốn từ "phiêu lưu kỳ bí". Nó có nhiều hơn thế:

Một vẻ ngoài mang phong cách huyền bí, với những màn theo đuổi kịch tính, những bí mật được giăng cài công phu, với đôi chỗ "tung hỏa mù", người đọc được dẫn dắt vào một mê cung, hệt như với Daniel, đã bước vào thì không thể ngừng khao khát kiếm tìm lời giải bên trong. Ấy thế xét về bản chất, Bóng hình của gió mang cốt truyện của một bộ phim tâm lý xã hội: một câu chuyện trải dài 30 năm, bao phủ bởi bóng đen chiến tranh, trong bối cảnh xã hội với sự phân tầng giai cấp cùng những vòng xoáy định mệnh nghiệt ngã; trên cái nền đó, bản nhạc đời được tấu lên với đầy đủ sắc thái: Tình yêu, tình bạn, sự thù hận, tội ác, nỗi cô đơn, sự mất mát, những hồi ức đau buồn chôn vùi con người trong bóng ma quá khứ không thể nào quên. Bóng hình của gió đẫm chất bi kịch, và sức nặng cùng dư âm của nó nằm cả ở đó, trong mỗi nhân vật, mỗi tình tiết, tuyến chính cũng như tuyến phụ, mỗi nhân vật mỗi số phận và chính những câu chuyện riêng cũng đạt đến độ "hay kinh người".

Tôi nghĩ Carlos Ruiz Zofón là một nhà văn quá thông minh, với tác phẩm này, nếu có thể ví von, nó giống một bom tấn điện ảnh, nhưng may mắn và đáng quý, dù tung đủ chiêu hấp dẫn người đọc, nhà văn không sa đà vào sự giải trí tầm thường. Với bút lực dồi dào, văn phong quyến rũ (tuy càng về cuối tác phẩm, có lẽ vì độ dày của nó, tôi càng thấy có phần khoa trương, rườm rà, và bỗng trong tôi là ao ước được đọc chất văn nhẹ nhàng, mỏng mảnh như của Banana Yoshimoto hay Ekuni Kaori), sự trải nghiệm cùng cách thức lựa chọn, tiếp cận tác phẩm, nhà văn đã kể một câu chuyện sâu sắc, ám ảnh, vừa giàu chất hiện đại, vừa có bóng dáng của văn chương kinh điển. Có thể nói Bóng hình của gió dường như là tất cả các thể loại mà mỗi người đọc, với gu riêng, đều có thể tìm thấy trong nó. Tôi nghĩ ban đầu mình bị lôi cuốn bởi khía cạnh kỳ bí của câu chuyện, song khiến tôi rung động là sự đau thương và các nhân vật của nó. Khi gấp cuốn sách lại, có lẽ ngay cả nhân vật thoảng qua là Ngài Phó mát cũng khiến tôi bâng khuâng. Và bất chấp Penélope vô cùng đáng thương, nếu khóc, tôi sẽ khóc cho Nuria Monfort hay khóc cho Jacinta Coronado (viết đến đây, tôi tự hỏi, trong lúc đọc, tôi có thực sự khóc không? Và rồi tôi nhớ đến một câu văn của Haruki Murakami, mà tôi không hy vọng được là tôi còn nhớ chính xác, rằng "tôi quá ích kỷ để khóc cho người khác và quá già để khóc cho chính tôi").

Có rất nhiều cảm xúc khi tôi đọc Bóng hình của gió, phảng phất trong đó là nỗi sợ hãi bởi có một đêm tôi cũng thức khá khuya để đọc. Bạn nên biết đây là một cuốn sách hàm nhiều tội ác, cả sự điên rồ. Tuy nhiên, có điểm này, thiết nghĩ cũng nên nói ra: ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã đoán được nhân vật vô diện là ai và thậm chí, tôi tin rằng tôi đã lờ mờ đoán được cha của Jullián là ai. Thế nên với tôi, khía cạnh trinh thám không phải là sự thành công tuyệt đối của tác phẩm. Nếu có cái gì khiến tôi tò mò nhiều hơn và chưa được thỏa lòng, thì đó là về Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên. Trong phần giới thiệu tác giả, người ta có đề cập đến những tác phẩm được xem là một bộ tứ mà khởi đầu bằng Bóng hình của gió. Tôi tự hỏi không rõ có phải ở những tác phẩm sau đó thì sự tò mò của tôi mới được giải tỏa. Ấy thế, dù sao thì nếu có thì đó hẳn là chuyện đọc trong tương lai…

P/s: kể ra có lúc đọc Bóng hình của gió tôi thấy hơi phiền muộn là bạn mình lại tặng mình một cuốn sách nặng nề dường này – tôi bị cúm mấy ngày nay và khi ôm sách đọc, tôi thấy mình cúm nặng hơn, dù mặt khác, tôi lại tự hỏi làm sao bạn tôi lại có thể tặng người khác một cuốn sách mà cô đã đọc và thấy hay đến vậy. Khi tặng tôi, Còi Cọc có nói thêm là khi đọc xong, bạn ấy mong có cái kho sách như tác giả đã đề cập. Ấy thế bạn ấy lại như quên lời nhắc nhở của tác giả, rằng hãy bảo trợ cho cuốn sách. Chả phải tự nhiên mà cuốn sách trong câu chuyện cũng là Bóng hình của gió, ngoại trừ lý do hình tượng thì cũng còn lý do khác, tôi đoán, vì Carlos Ruiz Zofón quá thông minh, như tôi đã nói. Hiển nhiên, Còi Cọc là người bạn rộng lượng. Nhưng tôi ngờ bạn ấy không có mong muốn đọc lại cuốn sách này lần nữa, những câu chuyện bi kịch, gần đây tôi mới chú ý, chưa bao giờ là sở đọc của bạn ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...