Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Dòng xuân lan man


Mùa xuân và cái Tết người Việt. Tôi thích Tết, được nghỉ, ăn nhiều, tổng vệ sinh nhà cửa, cảm giác tạm biệt cái cũ, đón cái mới, nghĩa là lại có hy vọng. Tôi cũng ghét Tết. Vì tất cả những lẽ vừa kể, cộng với thêm một tuổi, biết mình và người thân đang già đi, sợ cái "chớt" chia lìa. Có lúc nghĩ về sự bất tử của con người. Nhưng không tìm được độ tuổi nào thích hợp nhất. Có lẽ là ba hay năm tuổi, tuổi này ít biết đến lừa gạt do còn bận ở nhà ăn ngủ ị, khóc cười vô cớ, rất sinh động, ai cũng yêu dù chả yêu ai. Hay mười lăm đến mười chín, tuổi trẻ, đẹp, vui buồn thất thường, tự kỷ già đời nhưng thực ngây thơ, yêu người hơn yêu mình, đối tượng chính bị cuộc đời lừa gạt. Hay hai lăm ba mươi, đã nếm thực mùi đời, thấu nhận tầm quan trọng của  lớp vỏ bên ngoài, bắt đầu thích tiền, học viên đông đảo của những khóa học lừa gạt. Hay sau nữa, ba lăm bốn mươi, tuổi u sầu nhưng chưa hẳn tàn phai, hiểu rõ bản thân, muốn có tất cả, lừa gạt chuyên nghiệp. Hay năm mươi sáu mươi, tuổi thanh nhàn, nhìn đời từ trên cao, vô cùng hiểu biết, những chuyên gia đầu ngành lừa gạt. Hay nên cho con người bất tử ở tuổi chín mươi, tuổi này rất ghét soi gương, ít đi chơi, yêu nhân loại, đạt đến cảnh giới từ bi, hoàn toàn sám hối… Tôi ngờ là nếu có Thượng đế, Thượng đế cũng lúng túng trong việc chọn lựa. Thế nên rốt cuộc con người không thể được định là giống loài bất tử. Hẳn thế.

Mùa xuân năm nay gói bánh chưng. Đó là một việc làm khá vui, cảm giác rất bận rộn tuy có hơi vất vả. Tôi lẩm nhẩm những nguyên liệu cần thiết để ghi nhớ cho những năm sau này, cả cách mẹ chọn lựa và xử lý từng thứ một. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ có biết điều gì quan trọng nhất khi gói bánh chưng không?” Mẹ liệt kê vài thứ, không nghĩ điều tôi nói sau đó: “Quan trọng nhất là có mẹ”. Mẹ bận rộn, mẹ nấu nướng và mẹ cúng kiếng. Bao giờ cũng thế. Tôi dọn dẹp, tôi gói bánh và những việc vặt linh tinh. Những nghi lễ giữa người sống với người cõi âm xa lạ với tôi. Tôi tưởng nhớ họ và không chống lại phong tục. Nhưng tôi không mặn mà những lầm rầm khấn vái, những khói nhang nghi ngút. Đứng trước các bệ thờ hay bàn thờ, những suy nghĩ của tôi rời rạc và động tác tôi nghô nghê. Sau tuổi hai mốt hay hai hai, tôi cũng không âm thầm cầu nguyện, ý là với Chúa, dù không theo đạo, có lẽ một vệt ký ức trong tuổi thơ đã khiến tôi biết đến Chúa trước khi biết đến Phật. Nhưng sau những năm tuổi hai mươi, tôi không cầu nguyện nữa. Vài năm trước, một người bạn rủ tôi đi chùa một ngày đầu xuân. Bạn khấn lạy khá chuyên nghiệp, bạn cầu duyên, cầu gia đạo. Tôi lúng túng đứng trước tượng Phật, tôi cũng thắp nhang và làm động tác vái. Nhưng suy nghĩ của tôi lộn xộn, tôi không thể tập trung hướng về các bức tượng nghiêm cẩn trước mắt mình. Khi về, bạn hỏi tôi có khấn vái không. Tôi bảo có, nhưng tôi không biết mình đã nghĩ những gì, thành ra không rõ Phật có hiểu. Bạn cười ồ. Đó là một mùa xuân cũ, và bạn cũ. Bạn chợt nhắn tin chúc Tết vào đầu năm nay. Và tôi chúc lại. Và lạ lùng, chúng tôi lịch sự với nhau như hai kẻ xa lạ. 

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Tình yêu, tội ác & trừng phạt (tuyển truyện ngắn) - Nguyễn Huy Thiệp



Tình yêu đòi hỏi điều kiện, trong đó thời gian cũng cần – tr. 7.

"Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần" – tr. 19.

"Con ơi, con không hiểu rằng cả tin chính là sức mạnh để sống hả con?" – tr. 24.

(Tướng về hưu)

"…đàn bà không ra gì. Nhưng đàn ông cũng nhiều người không ra gì. Lấy chồng phải anh nghèo, bất tài mà lại cao thượng thì hãi lắm. Nó làm tan nát đời người đàn bà như bỡn... đàn bà không cần lòng cao thượng. Đàn bà cần cảm thông với vuốt ve, cần giúp đỡ bằng tiền mặt. Đấy là tình yêu. Lòng cao thượng chỉ dành cho nhà chính trị. Chính trị mà không cao thượng thì hãi lắm, chính trị là chỗ người ta nhìn vào để yên tâm sống." - tr. 74.

"Nhân dân không cần tri thức sao?... Trẻ em rất cần. Còn khi trưởng thành, tôi nói là nhân dân ấy, cần một thứ còn hơn cả tri thức nữa: sự bình ổn để sống tự nhiên hài hòa…" - tr. 77.

"Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ này rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiểu rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng ai cho, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có khi cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do." - tr. 84.

(Những bài học nông thôn)

"…tôi nghĩ nếu ai phản bội tình yêu thì xấu xa lắm." Cô Phượng cười đau đớn: "Anh chẳng hiểu gì, kẻ phản bội cũng là người tốt, có điều người ta không dám hy sinh." - tr. 103.

… tình yêu… Ở đó lẫn lộn rất nhiều mơ ước xen vào: đấy là hạnh phúc, giọt nước mắt, sự ấm êm, những chân trời, chân trời và mặt biển rộng xa vời, một góc nhỏ trong vườn, một ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng… Ồ, rất nhiều thứ đấy ! - tr. 122.

… trật tự… tình yêu, đạo đức, tình bạn, sự tín nghĩa, lòng trung thực, cả tôn giáo nữa… tất cả điều ấy chỉ là ước lệ, không chính xác bao nhiêu, độ bền vững thấp, do ai đó đặt ra trong những tình thế bắt buộc, đôi khi trong những tình thế sinh tử. Kẻ đặt ra nó sẽ rối trí, sẽ xấu hổ khi y chán đời, khi y thất bại, nghĩa là khi ấy y đã không còn nhiều cơ hội nữa trong đời – tr. 123.

"… Cuộc sống là một quá trình suy đồi, là một quá trình hưởng thụ…" - tr. 125.

… trên đời có rất nhiều thứ láo khoét được trang sức rực rỡ bề ngoài – tr. 126.

Chúng tôi sống, lớn lên, hàng trăm hàng vạn thế hệ nối nhau, quanh quẩn chuyện làm ăn, gia đình, tôn giáo, nhà cửa, dục vọng… Thoắt buổi sáng, đã trưa, đã chiều. Thoắt mùa xuân, đã thu, đã đông… Chỉ nỗi buồn là vĩnh cửu – tr. 127.

(Con gái thủy thần)

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Buồn ơi chào mi – Francoise Sagan



Chúng ta tìm kiếm điều gì, nếu như không phải là làm cho người khác thích mình? – tr. 12.

…chúng tôi nói chuyện về tình yêu, về những rắc rối của nó. Trong mắt cha tôi, những điều đó là tưởng tượng. Ông dứt khoát gạt bỏ những khái niệm về lòng chung thủy, về tính nghiêm túc, về chuyện hẹn ước. Ông giải thích cho tôi rằng khái niệm đó là tùy tiện, vô bổ… Nhưng tôi biết là về phần ông, điều đó không loại trừ cả sự âu yếm lẫn lòng tận tụy, những thứ tình cảm mà ông càng dễ có hơn một khi ông muốn và biết rằng chúng chỉ là tạm thời. Cái quan niệm này hấp dẫn tôi: những mối tình chóng vánh, dữ dội và qua nhanh. Tôi không ở cái tuổi mà sự chung thủy là điều hấp dẫn. Tôi chẳng biết mấy về tình yêu: những cuộc hẹn hò, những nụ hôn và sự chán chường – tr. 16.

"- Cháu hình dung về tình yêu theo hướng hơi đơn giản hóa quá. Đó không phải là một loạt những cảm xúc độc lập với nhau…

Tôi nghĩ rằng tất cả các mối tình của tôi đều đã như vậy. Một xúc cảm đột ngột trước một gương mặt, trước một cử chỉ, trong một nụ hôn… Những khoảnh khắc thăng hoa, rời rạc, đó là toàn bộ kỷ niệm về tình yêu mà tôi có.

- Đó là thứ khác, cô Anne nói. Trong đó có tình cảm trìu mền bền lâu, có vị ngọt ngào, có nỗi nhớ nhung. Những thứ mà cháu không thể hiểu được."

(Tr. 36 – 37)

… Bà ấy kiêu hãnh vì đã không làm việc này việc nọ chứ không phải vì đã thực hiện một điều gì đó… Đó là một ảo ảnh nguy hiểm, tôi kêu lên. Thế rồi người ta tự nhủ: "Ta đã thực hiện nghĩa vụ của mình" bởi vì ta chả làm gì cả…  - tr. 39 - 40.

Người ta cũng có thể gắn bó với những điều phù phiếm như gắn bó với những thứ khác – tr. 40.

Thật là dễ dàng khi cứ buông xuôi theo những cơn ngẫu hứng của mình và rồi sau đó ăn năn – tr. 92.

Tình yêu khiến tôi sống với đôi mắt mở to, như ở trên mây, nhã nhặn và thanh thản – tr. 106.

Có lẽ, đến tuổi bà ta, tôi cũng sẽ trả tiền cho những chàng trai trẻ để họ yêu tôi bởi vì tình yêu là thứ êm dịu nhất và sống động nhất, hợp lý nhất. Và giá cả đâu có quan trọng gì. Cái quan trọng, đó là đừng trở nên cau có và ghen tuông – tr. 115.

Khi say, người ta thường nói thật nhưng không ai tin cả - tr. 116.

...trong những buổi tối dài lê thê, ở hàng hiên các quán cà phê, Lombard buông ra những lời tâm sự buồn bã: "Tôi chỉ yêu có mình cô ấy thôi, Raymond ạ! Cậu có nhớ cái mùa xuân trước khi cô ấy ra đi không… Thật là ngớ ngẩn, một đời trai vì một người đàn bà duy nhất!" Điều đó có một vẻ bỗ bã, ê chề nhưng nồng ấm, hai người đàn ông giãi bày nỗi lòng với nhau bên một ly rượu – tr. 117.

"- Cháu có biết những người đàn ông cùng loại với ông Webb sẽ kết thúc ra sao không ?

Tôi thầm nghĩ "và cùng loại với cha tôi".

- Bên một cái rãnh lề đường, tôi vui vẻ nói.

- Đến một tuổi nào đó, họ sẽ không còn quyến rũ nữa, cũng chẳng "còn sức", như người ta thường nói. Họ không thể uống rượu được nữa và họ vẫn còn nghĩ tới đàn bà; chỉ có điều là họ buộc phải trả tiền cho đàn bà, phải chấp nhận nhiều thỏa hiệp nhỏ để tránh nỗi cô đơn. Họ bị lừa gạt, khổ sở. Đó lại chính là lúc họ chọn để trở nên đa cảm và khắt khe… Cô đã thấy nhiều người trở nên thân tàn ma dại như vậy.

- Tội nghiệp bác Webb! tôi nói."

(Tr. 120 – 121)

"- ...Cháu ít nghĩ đến tương lai, phải không? Đó là đặc quyền của tuổi trẻ.

- Cháu xin cô ... cháu không nghĩ là nó cho phép cháu được hưởng mọi thứ đặc quyền hay mọi sự tha thứ. Cháu không cho là nó quan trọng. 

- Thế cháu cho cái gì quan trọng? Sự thanh thản của cháu, sự độc lập của cháu à?

- ... Chẳng có cái gì cả, tôi nói..."

(Tr. 121)

Thật kỳ cục khi định mệnh lại thích chọn những gương mặt không xứng đáng hoặc tầm thường để đại diện cho nó – tr. 127.

(Lê Ngọc Mai dịch, NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam, 2014)

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...