Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Ghi chú về tuyển truyện Tình yêu, tội ác & trừng phạt

1. Tuyển truyện gồm 14 truyện ngắn, xuất bản (tái bản) năm 2013. Cuốn sách tôi nhận được từ nhà sách khá cũ, một phần vì kiểu giấy in đặc trưng của NXB Trẻ, một phần vì vài trang có vết rách ngang. Bản thân ấn phẩm còn mắc lỗi về trật tự số trang. Nhưng nói chung tôi khá dễ chịu, chỉ cần đủ trang, chữ vẫn đọc đủ đầy thì chấp nhận được.

Nhớ lại lần đầu tiên mua sách online, chuyện cách đây nhiều năm, là mua ở nhà sách S. Trong số sách nhận được có một cuốn thiếu hẳn nhiều trang. Khi gọi điện phản hồi, nhận ra là họ sớm đã biết cái lỗi này (hẳn ngay từ quá trình in ấn đã mắc phải sai sót ở một số cuốn) rồi hứa hẹn sẽ đổi trả. Nhưng sau im ru. Từ đó, tôi tìm mua sách ở nơi khác, nơi cũng gắn bó mua đến bây giờ. Ờ, tôi chỉ “vĩnh biệt” cái gì đó trong một kiểu trường hợp tương tự như thế mà thôi.

2. 14 truyện viết rải rác trong những năm từ 1986 đến 2004. Truyện đầu tiên trong cuốn sách là Tướng về hưu viết năm 1986.

Tôi chắc mình nghe đến cụm từ “Tướng về hưu” trước khi biết đến cái tên Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ một buổi học văn nào đó trong những năm tháng học trò xa xưa, một cô giáo dạy văn đã thoáng nhắc qua, về cái tình tiết “cô con dâu làm ở bệnh viện phụ sản, công việc là nạo phá thai và hàng ngày các rau thai bỏ đi cô mang về cho chó, lợn ăn”. Trong ký ức lờ mờ, tình tiết này hẳn tôi cũng đã từng đọc thấy trên báo, kiểu người ta phân tích về nhân vật – cái sự vô cảm đó, cái hiện thực cuộc sống với những giá trị đảo lộn khiến ông tướng về hưu thất kinh, sống dần chết, đại loại vậy. Tướng về hưu cũng được dựng thành phim và hẳn điện ảnh cũng góp phần thêm vào sự nổi tiếng của nó.

Tên tuổi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì mãi sau này tôi mới biết, khi ông không còn sáng tác (một cách chính thức) nữa. Ông bán tác quyền cho NXB Trẻ, chiều chiều đưa cháu nội đi học, cà phê hay dạo phố - đó là những gì tôi nhớ được, từ một bài báo, về tuổi già của nhà văn. Với một ngòi bút hiện thực, lạnh lùng và tỉnh táo ngần ấy, kể cũng khó hình dung về sự “tận hưởng tuổi già nhàn nhã” ấy, khi mà cuộc sống dĩ nhiên vẫn cần nơi Nguyễn Huy Thiệp khả năng “xông pha trận mạc” như “con ngựa bất kham” năm nào. Nhưng có lẽ ai cũng già, và khi già thì người ta hay nghĩ là thời của mình đã qua. Cũng có thể có lý do khác. Song tôi cứ nghĩ biết đâu, rất lâu sau này, hậu nhân lại tìm thấy trong những di cảo của ông ấy, những thứ chưa được xuất bản khi còn sống, viết trong chính những năm tuyên bố “nghỉ hưu” ấy. Biết đâu đấy!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Đối thoại với Trần Khải Ca - Lý Nhĩ Uy


(Những trích dẫn dưới đây thuộc về những chia sẻ của Trần Khải Ca trong những cuộc đối thoại với Lý Nhĩ Uy, liên quan đến các bộ phim đã thực hiện và một số khía cạnh đời sống riêng tư của ông).

Con người không cần thiết phải bận rộn tìm mọi hình thức xã hội hoặc chính trị nào để viện cớ cho hành vi của mình. Bởi xét cho cùng vẫn là sự lựa chọn và quyết định của tính người – tr. 14.

… mơ ước luôn là đặc trưng của trẻ con, còn người lớn chúng ta làm gì có ước mơ – tr. 15.

… dù xã hội biến đổi ra sao, một số thứ vẫn không hề biến đổi, ví dụ như niềm đam mê… Đối với người thực sự mê đắm nghệ thuật, hạnh phúc của anh ta chỉ tồn tại trong nghệ thuật của anh ta. Đó là điểm chung trong cuộc đời của rất nhiều nghệ sĩ. Niềm vui thực sự là được làm thứ mà mình cực kỳ yêu thích – tr. 16.

… con người là sản vật của hoàn cảnh. Nếu người nào có thể vượt qua được sự tác động của hoàn cảnh, họ sẽ trở thành vĩ nhân – tr. 17.

Mọi việc đều tự nhiên như nước chảy theo dòng, vì vậy không thể lôi "đột phá" ra làm khẩu hiệu suông được – tr. 22.

Tôi thấy nghệ thuật là một thứ rất nặng về tình cảm, còn triết lý là thứ mà con người tổng kết nên… Nếu bạn không kể  ra được những câu chuyện mang tính triết lý sẽ luôn cảm thấy mình không đủ mức độ thanh cao. Thực ra nghệ thuật là thứ hoàn toàn cảm tính, không cần thiết phải tống kết thứ gì – tr. 24-25.

… tôi không coi điện ảnh chỉ đơn thuần là phương tiên mưu sinh. Muốn mưu sinh, tôi sẽ đi kinh doanh, cần gì phải làm phim cơ chứ ? Tôi luôn cho rằng điện ảnh sinh ra nhờ khoa học và được tập hợp nhờ tính người. Một thứ như vậy cần phải được đối đãi chân thành  - tr. 27-28.

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Giấc mơ thiếu vắng nụ cười


Cuối năm rồi, tính theo âm lịch, tôi tự thưởng cho mình vài cuốn sách. Hai tập truyện ngắn, năm tiểu thuyết. Tất cả, ba trăm trang đổ lại. Được tặng kèm thêm một cuốn sách về những cuộc đối thoại của vị một đạo diễn cùng một DVD phim hoạt hình. Rõ chán cái đầu DVD lâu ngày không sử dụng nên hỏng rồi. Về sách thì không chỉ những cuốn mới mua, tôi còn ít cuốn đang đọc dở/chưa đọc nữa cơ. Tôi hoàn toàn dự định sẽ ngốn hết tất cả trong dịp Tết này nhưng đến hôm nay cho thấy, dự định đấy không thành. 

Mùa xuân, tôi bỗng cảm thấy đọc sách trở thành một việc làm quá có tính trì trệ

Khi đọc, nhiều lúc là cảm thấy một cái gì mở ra trong lòng, giống như ngôi nhà với những cửa sổ mở rộng và tôi lao đến những cửa sổ đó, ngắm nhìn nắng và gió và những chân trời xa tít. Và tôi hăm hở cái ý nghĩ mình sẽ ngồi ngay vào bàn viết, bên cái cửa sổ đó, và rồi sẽ vung bút và viết được cái gì hay ho như những thứ mình vừa đọc. Đó không phải là điều tôi muốn ở vai một người đọc đơn thuần. Tôi đã nghĩ, một ngày nào đó tôi sẽ chỉ đọc sách mà thôi, và không viết bất kỳ thứ gì nữa, ngoại trừ thư tư vấn hay đơn kiện hay giấy tờ pháp lý các thứ. Tôi cảm thấy chỉ đọc thôi thì dễ dàng hơn cho mình. Chỉ là… chính tôi cũng không chắc nếu không muốn viết thì liệu tôi có yêu thích cái việc đọc không? Câu chuyện giữa viết và đọc với tôi giống như câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước. Có lẽ vì không thông minh, tôi đã chẳng có tí não nào để trả lời câu hỏi đó.

Cũng có nhiều khi, ngược lại, đọc với tôi nghĩa là những cánh cửa khép kín vẫn khép chặt, tôi cảm thấy chính cái điều có trong đôi mắt mình, khi tôi thử chụp một hình “tự sướng” vào đầu năm nay, tôi nhìn thấy rõ hơn đôi mắt của mình. Cái có trong mắt tôi là “không gì cả”, sự lạnh lẽo vô hồn ấy nơi một phụ nữ, tôi thấy mình cũng không yêu nổi mình. 

Có lúc tôi chán mấy cuốn sách khủng khiếp. Chắc chắn là tôi không có thứ cảm xúc này trước đây. Và đó không phải vì yếu tố tuổi tác hay vì hồi còi báo động rằng thói quen đã đến lúc nhàm chán và đang trên đà mục rỗng. Tất nhiên có những cuốn sách làm cho bạn chán, nhưng chúng thường không phải là dấu chấm hết cho sự đọc. Tôi cảm thấy sự bội bạc trong cả những gì tôi thích nhất, và sự phù phiếm của văn chương. Tôi hiểu lẽ thường vẫn thế, chỉ khi ta rất, rất thích cái gì ta mới cảm thấu tận xương sự bội bạc của nó. Nhưng tôi vẫn nghĩ con người nắm giữ khả năng bội bạc, còn sách, và văn chương thì không. Tôi đề cao văn chương nhưng rồi tôi thấy văn chương cũng như một món ăn. Có nhiều thứ chả ra gì. 

Bạn Còi từng nói “sách là người bạn đặc biệt” của bạn ấy. Tôi hẳn không thể so sánh hết tình cảm của tôi với sách và tình cảm của bạn mình với sách. Có thể nói cùng một câu, rằng “tớ thích (đọc) sách” nhưng không thể nói là tình cảm ấy giống nhau. Tôi thường thấy bạn Còi yêu sách một cách dung dị, nghĩa là hầu như hạnh phúc. Còn tôi yêu sách, thật ra là văn chương, đôi khi, tình yêu ấy khổ sở. Và tôi nghĩ, biết đâu đến lúc nào đó, tôi sẽ căm thù sách. Tôi vẫn biết  khi người ta quá khổ sở về một điều gì đó, người ta sẽ căm thù nó mà vẫn tiếp tục yêu nó. Tôi biết đó là bi kịch. Và tôi chỉ muốn tránh cho xa.

Ta cứ ngồi lặng im thế…
Cõng lên vai… những muộn phiền của đêm nào thức trắng
Tách ra nỗi đau nào hồn nhiên, nỗi đau nào trĩu nặng…
Rồi đặt lên chăn gối một viên đá ướp lạnh
Những giấc mơ thiếu vắng nụ cười…

(Thơ Nguyễn Phong Việt)

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Thiên đàng đã mất - Heinrich Boll



Người ta đau đớn nhận thấy những thay đổi trong tâm hồn ở ngưỡng cửa trưởng thành. Hết sức đau buồn, người ta giã từ đồ chơi, sân chơi trẻ thơ để vừa sợ hãi, buồn rầu vừa hứng thú bổ nhào vào cái cảnh nhốn nháo mà người trưởng thành luôn gọi là đời sống, còn buồn hơn nữa khi người ta giã từ ngôi nhà thời niên thiếu, vùng đất mơ mộng, có lẽ vì dự cảm rằng kỷ niệm chỉ là kỷ niệm về những giấc mơ, và ngay lúc này, người ta đã nếm trải nỗi đau khôn tả, khi không còn tuổi trung niên nữa mà đã già lão và ngay cả cái khoảnh khắc chắc chắn duy nhất, khi người ta bước qua thềm của cái chết để vào một đời sống khác – tr. 10.

tất cả chúng ta đều có lỗi ở mọi việc. Chúng ta đều vô cảm và nói không khi ai hỏi chúng ta về một người nào đó. Lúc nào chúng ta cũng phải nói không và chúng ta nói thế mà không mủi lòng… - tr. 18.

…anh không thể chỉ múc một thùng nước biển mà bảo là biển cả thuộc về mình – tr. 28.

Tất cả mọi người đều như nhau, họ đều cô đơn… - tr. 31.

… sự thực là có những thứ trên đời không thể mua và không cách nào giành được, những thứ chỉ có thể được tặng, và một trong những thứ đó là tình yêu… - tr. 43.

(trích từ tập truyện 'Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác', Phạm Hải Hồ dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2014)

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...