Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Ghi chú về tuyển truyện Tình yêu, tội ác & trừng phạt

1. Tuyển truyện gồm 14 truyện ngắn, xuất bản (tái bản) năm 2013. Cuốn sách tôi nhận được từ nhà sách khá cũ, một phần vì kiểu giấy in đặc trưng của NXB Trẻ, một phần vì vài trang có vết rách ngang. Bản thân ấn phẩm còn mắc lỗi về trật tự số trang. Nhưng nói chung tôi khá dễ chịu, chỉ cần đủ trang, chữ vẫn đọc đủ đầy thì chấp nhận được.

Nhớ lại lần đầu tiên mua sách online, chuyện cách đây nhiều năm, là mua ở nhà sách S. Trong số sách nhận được có một cuốn thiếu hẳn nhiều trang. Khi gọi điện phản hồi, nhận ra là họ sớm đã biết cái lỗi này (hẳn ngay từ quá trình in ấn đã mắc phải sai sót ở một số cuốn) rồi hứa hẹn sẽ đổi trả. Nhưng sau im ru. Từ đó, tôi tìm mua sách ở nơi khác, nơi cũng gắn bó mua đến bây giờ. Ờ, tôi chỉ “vĩnh biệt” cái gì đó trong một kiểu trường hợp tương tự như thế mà thôi.

2. 14 truyện viết rải rác trong những năm từ 1986 đến 2004. Truyện đầu tiên trong cuốn sách là Tướng về hưu viết năm 1986.

Tôi chắc mình nghe đến cụm từ “Tướng về hưu” trước khi biết đến cái tên Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ một buổi học văn nào đó trong những năm tháng học trò xa xưa, một cô giáo dạy văn đã thoáng nhắc qua, về cái tình tiết “cô con dâu làm ở bệnh viện phụ sản, công việc là nạo phá thai và hàng ngày các rau thai bỏ đi cô mang về cho chó, lợn ăn”. Trong ký ức lờ mờ, tình tiết này hẳn tôi cũng đã từng đọc thấy trên báo, kiểu người ta phân tích về nhân vật – cái sự vô cảm đó, cái hiện thực cuộc sống với những giá trị đảo lộn khiến ông tướng về hưu thất kinh, sống dần chết, đại loại vậy. Tướng về hưu cũng được dựng thành phim và hẳn điện ảnh cũng góp phần thêm vào sự nổi tiếng của nó.

Tên tuổi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì mãi sau này tôi mới biết, khi ông không còn sáng tác (một cách chính thức) nữa. Ông bán tác quyền cho NXB Trẻ, chiều chiều đưa cháu nội đi học, cà phê hay dạo phố - đó là những gì tôi nhớ được, từ một bài báo, về tuổi già của nhà văn. Với một ngòi bút hiện thực, lạnh lùng và tỉnh táo ngần ấy, kể cũng khó hình dung về sự “tận hưởng tuổi già nhàn nhã” ấy, khi mà cuộc sống dĩ nhiên vẫn cần nơi Nguyễn Huy Thiệp khả năng “xông pha trận mạc” như “con ngựa bất kham” năm nào. Nhưng có lẽ ai cũng già, và khi già thì người ta hay nghĩ là thời của mình đã qua. Cũng có thể có lý do khác. Song tôi cứ nghĩ biết đâu, rất lâu sau này, hậu nhân lại tìm thấy trong những di cảo của ông ấy, những thứ chưa được xuất bản khi còn sống, viết trong chính những năm tuyên bố “nghỉ hưu” ấy. Biết đâu đấy!

3. 14 truyện ngắn, những lát cắt hiện thực, tôi nghĩ nó thậm chí không xa rời so với hiện thực đời sống bây giờ, dù là những câu chuyện viết từ thời kì đổi mới. Sức sống của văn chương có lẽ là như vậy, dù viết trong những năm tháng nào, một tác phẩm giá trị vẫn phù hợp với lớp người đọc ở những thời đại sau. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, càng đọc nhiều sách, người ta càng nhận thức được rằng cuộc đời hóa ra trước sau không khác là bao, bất kể những biến thiên thời đại. Những thứ xấu xa hôm xưa thì đến hôm nay vẫn tồn tại, tuy diện mạo có thể khác, hoặc trơ tráo hơn hoặc khéo léo tài tình hơn. Những điều tốt đẹp thì hẳn nhiên, vẫn có đó, và người ta truy tầm nó trên ngòi bút của mình, có thể tuyệt vọng song cái hướng về nó thì như một sứ mệnh có tính như nhất thủy chung, nghĩa là, thời đại nào thì cái đẹp cũng ít, cũng hiếm, cũng chỉ tồn tại mạnh mẽ nhất ở cõi hy vọng. Tôi nghĩ thế giới truyện của Nguyễn Huy Thiệp gần với thế giới của Dostoevsky trong cuốn tiểu thuyết tôi đọc ngay trước đó là Anh em nhà Caramazov và rất có lẽ Nguyễn Huy Thiệp chịu sự ảnh hưởng nhất định của nhà văn Nga vĩ đại này.

4. Viết về những bệnh trạng xã hội và khiến người đọc có thể sửng sốt vì những nhân vật ở đâu đó giữa lằn ranh “trí thức” và “lưu manh”, giữa sự trơ tráo và sự tử tế nhiều khi không thể phân biệt nổi, ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp thẳng đuột, tuy giàu triết lý song không nặng nề; đau đớn đấy nhưng hầu như không chìm trong u buồn, giọng văn có lúc giễu nhại với những tình tiết tuy dung tục nhưng rất hài hước.

Tôi nghĩ những truyện ngắn Tướng về hưu, Không có vua, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn là những truyện ngắn đặc sắc cho thấy hết cái gai góc, không khoan nhượng của “hiện tượng” Nguyễn Huy Thiệp. Ông lột trần cuộc đời, phanh phui tâm hồn con người đến tận đáy. Thế giới của ông không có hạnh phúc hay bất hạnh, mà chỉ có sự thật, kiểu sự thật như chính cái mệnh đề khắc nghiệt “cuộc đời vốn thế” và người ta thấy thảng thốt mà không thể làm gì. Trong truyện Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp có trích làm đề từ một câu nói của Dostoevsky, rằng “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới” nhưng tôi thấy hoài nghi ý niệm này. Các nhà văn, các nhà nghệ thuật làm tốt cái gọi là phản ánh cuộc đời, song để trả lời câu hỏi: cái gì sẽ cứu rỗi con người khỏi sự xấu xa, suy đồi thì không. Theo thời gian cho thấy, cái xấu vẫn đầy rẫy đó thôi...

5. Trong tuyển truyện, dường như chỉ có Con gái thủy thần và Như sương như khói bay là hai truyện nặng về tình cảm. Trong đó, ấn tượng về Con gái thủy thần chẳng hiểu sao gợi lên cho tôi một chút cảm giác “sến súa” mặc dù đọc một nhà văn hiện thực thì cảm giác này hoàn toàn không thích hợp. Có lẽ khi chạm đến tình yêu, cái kiểu rời bỏ gia đình, rời bỏ quê hương, lang thang qua các vùng miền và dù bị cuộc đời hủy diệt thì vẫn thao thiết đi tìm “con gái thủy thần” – hình bóng người yêu hay hẳn có thể là một ẩn dụ nào đó về cái đẹp hoặc lý tưởng sống, thì người ta không thể nào không cảm thấy cái chất “sến” ấy, kể cả khi ta có là “sư phụ của sến” đi chăng nữa. Cũng có thể vì khi đặt trong toàn tập truyện, Con gái thủy thần đã được viết bằng một văn phong khá yếu mềm, như kiểu nỗi lòng của những cậu trai đang yêu tuyệt vọng.

Như sương như khói bay là một dạng tình cảm trực tiếp không mang tính ẩn dụ, gần như tình yêu nam nữ song không có sự thừa nhận vì thuộc về một trong những cấm kị thường thấy của người đời: một tình cảm vượt khung khổ tuổi tác, gần như có thể xem nhau là ông cháu. Nếu ở Márquez, tình cảm kiểu này (và còn kinh khủng hơn thế về khoảng cách tuổi tác) vẫn có một con đường để đi thì với một câu chuyện ở Việt Nam, nhân vật của chúng ta, ông Trụ chỉ có thể chọn cách rời xa cô bé San với một mớ triết lý tự an ủi rằng sự hợp tan ở trên đời là lẽ thường. Và điểm nhìn của Nguyễn Huy Thiệp về phía ông Trụ dừng lại ở những triết lý trống rỗng, khuôn sáo đó; trong khi để cô bé San, cô bé con trong xóm núi không biết triết lý, ôm ấp tình yêu của mình và cứ thế, phỏng đoán rằng với một tình yêu như thế, nó sẽ bước dần đến cái chết. Như sương như khói bay như tên gọi của mình, tuy không phải là truyện ngắn đặc sắc, song là truyện ngắn gợi một nỗi đau rất riêng trong tuyển truyện: nỗi đau đánh mất cái đẹp.

8. Nếu hỏi tôi, nhớ cái gì sau khi đọc, tôi lại thấy nhớ khá nhiều đến mấy cái tình tiết khiến tôi phá lên cười trong truyện Những bài học nông thôn, như: 

 -  Đoạn Hiếu ăn cơm ở nhà Lâm. Đàn ông ăn mâm riêng, gồm bố con Hiếu và Hiếu. Mâm còn lại dành cho bà Lâm, mẹ Lâm, chị Hiên, cái Khanh với thằng Tiến. Khi chị Hiên mời mâm trên, rằng: “Các cụ xơi tự nhiên” thì thằng Tiến (4 tuổi) đòi: “Cho em làm các các cụ với!”. Mẹ nó mới nạt, bảo chim nó bằng quả ớt thì làm các cụ ra sao. Thế là bà nội, bà cụ 80 tuổi thở dài bảo: “Chim các cụ toàn chim to”. 

-    Ở đoạn Hiếu nhận được thư bố gửi. Trong thư ông bố vừa ngọt ngào bảo “Con thân yêu, Bố rất bực mình vì bố đi vắng thì mẹ tự tiện thả con về nông thôn”, thì liền đó đã phang ngay cho ông con trai câu chửi “Tao xin báo cho mày biết, đồ chó, rằng nhà mày ở thành phố, tương lai của mày ở đấy…”  

-  Đoạn chị Hiên kể lần đi xem vở Tần Hương Liên xử án, có “một tay cứ gí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: “Làm gì thế?” Tay này cũng dơ, nói thản nhiên: “Làm chủ nhiệm hợp tác.” Cái Lược mắng: “Thôi đi chứ.” Tay này lại bảo: “Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm.”

Là người đọc có khuynh hướng đọc những cuốn sách nghiêm cẩn, nhiều khi nặng trĩu, tôi không thường đọc những tác phẩm có thể khiến độc giả cười, dù là cái cười mang tính châm biếm hay hàm chứa sự sâu cay hay là cười một cách thoải mái, vui vẻ. Có lẽ vì vậy tôi cũng dễ nhớ cách một cuốn sách có thể khiến tôi cười, dù là một tình huống thoáng qua hay là những tình tiết có tính dung tục song thú vị và ở mức chấp nhận được, theo cách giễu nhại mà người ta không thể không nghĩ đằng sau nó có hàm chứa ý nghĩa nào đó. Tôi cho rằng làm người khác cười được như thế thì không dễ tí nào. Là tôi thì tuyệt không bao giờ làm được.

1 nhận xét:

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...