Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Gió lạnh qua tim

Thứ bảy, trời buồn như một bãi tha ma…âm âm…u u…

Nghe mấy bài nhạc “sến” thích hợp hơn mấy bài nhạc “sang” (kể ra dòng nhạc buồn “bình dân” nhiều khi cũng quý như dòng nhạc buồn “hàn lâm”, còn hơn ở điểm đỡ phải nặng đầu suy nghĩ).

Trang Nhaccuatui, mục Nhạc trữ tình:

- Mưa nửa đêm

Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa
Từng hạt rơi gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang

Bây giờ chưa là đêm, nhưng nghe xong đã muốn đi “khò”. Cả ngày nay lạnh lẽo, lý ra phải vùi mình trong chăn cho ấm. Thế mà, khi đã làm người lớn, người ta mất quyền “nướng” – tại sao vậy hảaaa? Ngó ra ngoài, bầu trời vẫn ẩm ướt, mờ đục. Cả ngày hôm nay, mặt trời đi vắng. Cả ngày hôm nay, gió lạnh tràn về.

Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay
Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đấy
Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm

Tôi có người bạn bị rối loạn giấc ngủ (là bạn tự nhận), nom người lúc nào cũng phờ phạc, rời rạc. Bạn chỉ mong có một ngày được ngủ thật ngon, thật say.

Tôi có người bạn thường lên giường từ sớm nhưng mãi mới tìm được giấc ngủ chập chờn. Hai con mắt hõm sâu, lúc nào cũng thèm ngủ (ngủ ngon).

Tôi thì đôi khi ngủ nhiều, và đôi khi ngủ ít (nghĩa là thường tôi ngủ vừa phải).

Chúng tôi thấy gì trong đêm, khi giấc ngủ chưa đến tìm?

- Mưa đêm tỉnh nhỏ

Trời đổ mưa cho phố vắng mênh mông, khơi lòng bao nỗi nhớ…

Thành phố Hồ Chí Minh không phải là một tỉnh nhỏ. Nhưng mưa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như mưa ở tỉnh nhỏ. Cũng buồn, cũng lạnh. Cũng làm người qua đường ngại bước…

Trời mưa nghe giá buốt con tim....

- Nghe mới được hai bài, tắt nhạc. Đi nướng vài con mực nhâm nhi. Thấy đời vui hơn một tẹo.

Vừa ăn, vừa nhớ chuyện hôm qua. Vào lúc 21 giờ 30 phút tối, đi qua cầu Khánh Hội…gió lạnh cắt người…

Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt… (câu này thuộc nhạc Trịnh – không liên quan gì đến “sến”).

Không biết, có ai đi qua cây cầu này, dù chỉ một lần, để gió lạnh qua tim…như tôi chăng…



Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Mùa thu chết

Nửa cuối năm thứ tư bậc đại học, một người bạn xa gửi cho tôi một bài hát. Bài hát ấy sau này mở ra một cõi âm nhạc thật buồn mà tôi thường hay đắm chìm. Đó là bài Mùa thu chết.

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!”

Bạn gửi, tôi nghe. Tôi nghe xong, tôi nói. Lời tôi nói làm bạn hối hận, bạn bảo biết vậy không gửi cho tôi. Hình như còn từng so sánh tôi với một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết của Murakami Haruki. Nhưng tôi gạt đi, bạn gửi đúng rối, bài hát hay quá! Một bài hát có thể làm cho người nghe khóc, đó là một bài hát hay.

“Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi.
Em nhớ cho!
Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau...”

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Alabama Song - Gilles Leroy

Người ta uống để nhớ bao nhiêu thì cũng để quên bấy nhiêu. Mặt phải và mặt trái của cùng một tấm huy chương, chẳng lấy gì làm vẻ vang, mang tên bất hạnh – tr.26. 

Nhớ quá kỹ là một chứng điên – tr. 87. 

Sự lý giải về cuộc đời chẳng lý giải được gì hết – tr.125. 

Để hiểu thì cần phải yêu – tr.148. 

Tôi không thấy có gì thanh bình trong cái chết cả, nó là một kẻ thù sâu kín từ quá lâu rồi : tôi chỉ có thể đoán trước rằng sau rất nhiều đau đớn cùng tranh đấu vô vọng, người ta buông xuôi và quen với vòng tay của kẻ thù như một giải pháp cho tình thế nan giải tệ hại – tr. 255 – 256. 

(Bằng Quang dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam, 2010)

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Hẳn cuộc đời đã không có những cuộc chia xa…

Mấy năm trước được một người bạn tặng cho một chú heo con làm bằng cao su dẻo. Chú màu vàng, mặt mũi tròn quay nhưng bốn cái chân nhỏ xíu. Ruột của chú rỗng, chứa đầy nước, bóp vào rất mềm mại. Bạn không nói nhiều, chỉ đại thể bảo: dù hành hạ nó kiểu nào, nó vẫn mạnh mẽ trở lại đúng với nó ban đầu. Còn có ý nhắc vui: khi tức giận, dùng rất hữu dụng…

Tôi mang chú heo con về nhà, để chú ở một góc, có ý lãng quên. Nhưng thực lòng tôi vẫn biết trong ngăn bàn tôi, có một chú heo con mềm mại, nhỏ xinh nhưng ngoan cường hơn tất cả. Thỉnh thoảng tôi giữ chú heo con trong lòng bàn tay, trút vào chú nỗi buồn bực. Chú heo con vẫn không hề gì, qua năm tháng… Nhưng đôi khi nhìn chú, tôi chợt nghĩ, có thể chú không ngoan cường như bạn tôi nghĩ, có thể biết đâu chú rất mệt và muốn vong thân – một lần mãi mãi… Những thương tích trong suốt không ai nhìn thấy nơi chú, trên bàn tay tôi, trở nên quá nặng… Tôi ước gì chú biết nói, hẳn tiếng nói đầu tiên sẽ là tiếng gào khóc…


Tôi vẫn để chú heo con trong ngăn bàn, như nhắc nhớ một người bạn đầy tấm lòng, mà bởi tôi quá rút sâu vào nội tâm, và bạn thì sống đời khác biệt, nên tình bạn chỉ có thể để ở một nơi nào đó trong mênh mông tâm hồn… Dù vậy mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn thầm nói hai tiếng “cảm ơn”, tự đáy lòng… tuy rằng có thể bạn không bao giờ biết… những gì ngắn ngủi nhất ấy, với tôi đã đủ gọi là tình bạn…


Giá không có ai quay lưng lại với tôi, trên đời này…


Giá tôi không quay lưng lại với ai, trên đời này…


Hẳn cuộc đời đã không có những cuộc chia xa…


Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Một mình mà làm cả cuộc phân ly

Tôi vốn không ý thức được nhiều về thời gian. Thành ra tôi vẫn trải qua những ngày thường nhật, buồn vui ám ảnh... Chưa kể, tôi cần hoàn tất cái đám bài tập mà tôi cứ để lửng lơ qua ngày. Mà hạn chót thì đến rồi và tôi phải gấp gáp lên. Khi gấp gáp, tôi càng không ý thức được ngày tháng. Đó là ưu điểm của gấp gáp, của bận rộn. (Người bận rộn không biết buồn, đơn giản vì họ không có thời gian – nhưng tôi về cơ bản thì không bao giờ bận rộn ngay cả khi tôi cần và đang bận rộn chết đi được). Nhưng thời gian thì có buông tha ai bao giờ… Ngày cứ đến, đêm cứ qua…vẫn có lúc tôi giật mình, về cái sự “trôi”…

Hôm qua cô em đồng nghiệp cũ ở Vũng Tàu gọi điện. Bao giờ cũng vậy, nếu là em, thì đầu tiên là cái giọng cười “hi hi hi” cố hữu và câu “chị à!” cửa miệng. Em chúc mừng tôi ngày 20 tháng 10. Tôi khựng lại. 20 tháng 10. Tôi bảo em vốn tôi không nhớ nhưng không ngờ lại có người nhắc (là em!). Tôi đang phải cố làm cho xong bài tập để ngày mai còn nộp, nghĩa là vào lúc em gọi, tôi đang gò lưng trước màn hình vi tính. Và tất nhiên, sau khi bỏ điện thoại xuống, tôi tiếp tục gõ gõ xóa xóa đến tận khuya…

Sáng, tin nhắn, bạn chúc mừng ngày 20 tháng 10. Trời ạ, có những ngày trôi qua cả thế giới này không ai nghĩ đến tôi, dù tôi vẫn nghĩ đến cả thế giới (với ước mong dữ dội là vào một ngày đẹp trời nào đó, tôi hoàn toàn khỏi nghĩ đến bất cứ ai hay bất cứ điều gì). Nhưng lại cũng có ngày mà trong tôi rất trống rỗng, rất mơ hồ thì ai đó của thế giới này lại lôi tôi về với vùng tháng ngày thực tại. Chẳng còn cách nào, tôi ngậm ngùi, hiểu ra rằng: vâng, hôm nay là ngày 20 tháng 10.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai

Nhớ Trịnh Công Sơn những năm cuối đời rất gầy. Ông xuất hiện trong một chương trình trực tiếp ca nhạc trên ti vi, có trả lời phỏng vấn, còn tự hát ca khúc Một cõi đi về của chính mình. Tôi vẫn không quên cảm giác kinh ngạc của mình khi đó, nom ông - như ca sĩ Khánh Ly có lần viết - “gầy như chẳng thể gầy hơn nữa”. Tôi còn là một nữ sinh, có lẽ chỉ tầm 14, 15 tuổi hoặc ít hơn, không biết nhiều đến Trịnh và âm nhạc của ông. Một cõi đi về khó hiểu và buồn, kết hợp với cái gầy guộc của ông càng gia tăng thêm sự mênh mông, xa vắng. Mẹ tôi cảm thán, cho rằng ông sẽ sống không được bao lâu. Ít năm sau, quả nhiên, ông đã bỏ trần gian mà đi…một ngày đầu tháng tư năm 2001…

Sau đó, hát nhạc Trịnh bỗng trở thành trào lưu, nhiều ca sĩ hát nhạc của ông, mỗi người một vẻ. Nhưng tôi không nghe hoặc có nghe qua mà không nhớ. Với tôi, nhạc Trịnh vẫn là còn là một miền đất bí ẩn, mà tôi thì bản tính không tò mò, tôi nghĩ cả đời tôi cũng không ham khai phá. Nhưng rồi tôi tình cờ nghe Khánh Ly hát Diễm xưa. Giọng hát hay như thế sao có thể bỏ lọt ngoài tai? Tôi tiếp cận dần âm nhạc Trịnh Công Sơn … Tôi nghĩ nếu tôi không nghe được giọng hát Khánh Ly, tôi sẽ không buồn biết đến nhạc Trịnh. Tuy nhiên cũng không thể cho rằng tự thân nhạc Trịnh không có sức thu hút (có điều sức thu hút này do ai diễn đạt và có đủ làm bạn say mê không? Tôi nghe Khánh Ly hát thì ít còn thích nghe ai khác, trong khi bạn tôi thì nghe được rất nhiều người, nhưng lại ít nghe được Khánh Ly – cũng là điều dễ hiểu). Thêm rằng, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, hễ nghĩ về hai con người này, đã có nhau trong tình yêu âm nhạc của họ, tôi cảm nhận được tính duyên phận ở đây, như người đời thường nói, cho nên vì giọng hát của người này mà yêu sáng tác của người kia hay ngược lại, thật ra cũng không quan trọng để phân biệt.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Sau tất cả chỉ có mùa đông

Trở về với câu chuyện: khi buồn ta nghĩ đến ai? Có người bạn bảo, nghĩ đến một người anh (không phải ruột rà thân thích mà hình như thân hơn ruột rà thân thích – là tôi tự võ đoán) nhưng người anh giờ đã đi xa (là đi khỏi cõi đời này, một lần mãi mãi). Tôi hơi buồn, nhưng không nghĩ gì. Trước cái chết, tôi thường như vậy, trở nên đờ đẫn, trống rỗng, có phần tương tự như trước tình yêu. Bạn quay lại hỏi: còn tôi thì thế nào? Tôi mỉm cười khỏa lấp bằng vài câu linh tinh, nhưng tôi thật lòng nghĩ:

Hết ngày hết tháng hết năm…
Sau tất cả chỉ có mùa đông…

Thật ra bạn cũng hiểu, rằng mỗi con người sống trên đời này đều mang theo một gánh nặng trên vai, cho nên không trút nặng thêm vai nhau cũng là ân từ lớn dành cho nhau. Nhưng nhiều người không nghĩ như vậy. Hẳn nhiên, san sẻ là một niềm vui. Nếu ai đó có thể cười cùng tôi, khóc cùng tôi, tin rằng đó là người tôi có thể tận tụy đi theo suốt kiếp này. Có điều, cười cùng nhau thì dễ, mà khóc cùng nhau thì… Đời người so với yêu thương thường quá dài, ngược lại yêu thương so với đời người lại quá ngắn ngủi… Nên, chẳng phải:

Hết ngày hết tháng hết năm…
Sau tất cả chỉ có mùa đông…

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Con người là gì của nhau?

Khi đọc thơ, tôi thường không dừng được mà tìm hiểu thêm về cuộc đời của người làm thơ. Bởi với tôi, thơ là tiếng nói gần và rất thật của nội tâm con người. Người ta viết truyện có thể hư cấu, thậm chí giả tạo; nhưng thơ là thứ không vay mượn cảm xúc của ai được, cũng không thể là thứ được tạo ra từ những toan tính, đắn đo. Vậy nên tôi vẫn thường cho phép bản thân tin rằng thơ và đời là hai khái niệm có thể đi song hành với nhau. Đời ở đây ý nói đời của người viết ra thơ, tức thi sĩ. Có lẽ vì cái niềm tin này mà tôi thường chủ ý dõi đọc chuyện đời của các nhà thơ, điều mà tôi ít làm với các nhà văn, dù rằng tôi đọc văn cũng không quá ít.

Nhà thơ đầu tiên trong cuộc đời tôi, tất nhiên chính là cái người rất yêu trăng nhưng nếu phải vì “đoàn viên”, vì “ước hẹn hò” thì cũng sẵn sàng bán đi “trăng vàng, trăng ngọc”. Một con người tài hoa và đau khổ. Còn nhớ biết đến Hàn Mạc Tử lại là thông qua một vở cải lương cùng tên. Nhớ cái đoạn nhân vật Mai Đình hát “Anh Trí ơi, kể từ nay anh không còn sợ cô đơn, bên anh em trọn đời chăm sóc yêu thương…” thì bản thân đã cảm ngay cái cuộc đời của ông này. Nhưng phải rất lâu sau mới có dịp mày mò tư liệu cuộc đời nhà thơ. Người ta viết nhiều về Hàn Mạc Tử, đặc biệt về những mối tình của ông. Những cái tên được kể ra nhiều trong “nghi án” tình yêu với Hàn thì có Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình trong đó Mộng Cầm được cho là tình yêu lãng mạn, tha thiết nhất của Hàn Mạc Tử. Về mối tình này, Hàn từng khóc thương bằng những câu thơ như:

“Ta lang thang tìm tới chốn lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi…”

(Phan Thiết! Phan Thiết)

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Thấm mệt đầu đời

Tình mới lớn phải không em rất thích?
Cách tập tành nào cũng thật dễ thương
Thuở đầu đời chú bé soi gương
Và mê mải dĩ nhiên làm lạ

Tình mới lớn phải không em rất lạ?
Cách tập tành nào cũng ngượng như nhau
Thuở đầu đời chú bé ôm phao
Và nhút nhát, dĩ nhiên ngộp nước

Tôi có cánh buồm tấp về ký ức
Em có chỗ ngồi quên lãng như mây

Dù cát bụi có nhiều phen dấy loạn
Cũng yên nằm mang phân bón cho cây
Nên bao giờ tôi cũng phải thương tôi
(Những ích kỷ nảy sinh sau lần thảm bại!)

Tuổi mười lăm giữa con trai, con gái
Đã rõ ràng ai khờ khạo hơn ai
Nên bao giờ tôi cũng phải thương tôi
(Những ích kỷ nảy sinh sau lần nhục nhã!)

Em có một đời rong xanh mơ đá
Tôi có ngàn năm say khướt hận thù!

Tình mới lớn phải không em rất mỏng?
Cách tập tành nào cũng dễ hư hao
Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ

Khi mỏi mòn nghe đời mình trắc trở
Hơn lúc nào tôi quá đỗi thương tôi!

(Nguyễn Tất Nhiên)

-------------------------------------------------------------------------------

Bài này mới đọc được gần đây. Trước, hồi còn sinh viên, có đọc Bởi yêu em sầu khổ dịu dàng cũng của Nguyễn Tất Nhiên. Thật ra rất yêu bài thơ này, ngày xưa và cả ngày nay, lâu lâu vẫn:

"Bởi yêu em sầu khổ dịu dàng
Những kỷ niệm đời xin hãy còn xanh..."

nhưng bấy giờ không thích người làm thơ (ông ngoa ngoắt quá với Duyên của ta tình con gái Bắc, dù rằng vẫn hết sức cảm hai câu trong bài này:

"Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta
ngại bước xa đời!"
)

Sau này và bây giờ, đọc thêm thơ Tất Nhiên, lại biết thêm về cuộc đời ông, ngẫm khi xưa không thích con người này có phần vô lý. Ông si tình như vậy, cho dù hay hờn giận kiểu trẻ nít, thậm chí đôi khi vô lối, điên khùng, nhưng tình cảm chung quy rất thực (mà thực thì nghĩa là đẹp). Nguyễn Tất Nhiên có vẻ giống Vũ Hoàng Chương ở một điểm, trong nghiệp sáng tác đều chỉ có một nàng thơ - là người con gái được (các) ông yêu đắm đuối từ đời thực  (nếu ông Vũ có "Tố của Hoàng ơi" tức Tố Uyển thì ông Nguyễn có "Cô Bắc kỳ nho nhỏ"- tức Bùi Thị Duyên). Vì người con gái này, Nguyễn Tất Nhiên đau khổ không ít. Có lẽ về sau mắc chứng trầm cảm và tự sát, nguồn cơn bắt đầu ngay từ những đổ vỡ thưở vào đời này.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Nước mắt thanh xuân 10

Hai tuần sau cái ngày mưa tạm biệt Lâm, cô mới gặp lại anh. Vẫn là do anh hẹn gặp cô. Vẫn là một buổi chiều cuối tuần, trong một quán cà phê nhỏ ấm cúng. Cô không ăn mặc đẹp hơn ngày thường, mặc dù cái ý nghĩ được trở nên mới mẻ, thu hút trong con mắt của chàng trai mình chú ý vẫn xoắn lấy cô. Cô đã dự tính trang điểm, thay đổi một chút ít trong mái tóc, và mặc váy để chứng tỏ sự nữ tính. Nhưng tủ quần áo của cô không có váy, cô cũng không biết cách trang điểm và càng không có ý tưởng nào với mái tóc của mình. Ngồi trước gương cả tiếng đồng hồ trước khi giờ hẹn đến, cô soi nhìn lâu hơn bất kể thời khắc nào trong đời. Cô nhận ra dung mạo lỗi thời của bản thân. Chúng tố cáo cô rằng, cô có một tâm hồn cũ kĩ. Sự cũ kĩ ấy hằn rõ nhất trong đôi mắt của cô. Đôi mắt cô rất buồn, dưới đuôi mắt bên trái còn có một nốt ruồi, người đời thường bảo là nốt ruồi lệ. Cô không tin dị đoan, nhưng cô rất dễ rơi nước mắt. Chọn nghiệp văn còn là để văn chương khóc thay mình. Vì vậy, truyện nào của cô hầu như cũng buồn. Nỗi buồn, nước mắt, chúng không có màu sắc, chúng như tâm hồn cô, cũ kĩ; chúng như dung mạo cô, lỗi thời. Thật ra tâm hồn như thế, dung mạo như thế, chẳng phải rất hợp nhau? Cho dù cô thay đổi vẻ bề ngoài của mình, cô cũng không thay đổi được nội tâm bên trong. Cô không muốn chính mình lại xa lạ với mình. Mình xa lạ với mình, cô nghĩ loại cảm giác này đau đớn lắm!

Hai tuần không gặp, em không thay đổi gì!

Lâm đón cô bằng những tia nhìn trìu mến cùng cung cách từ tốn cố hữu. Anh không bao giờ quá gần, cũng không bao giờ tỏ ra xa cách. Anh là đại dương mênh mông mà cô chỉ có thể ngắm nhìn, không dám hòa mình trong muôn vàn dòng chảy của nó. Có lúc cô nghĩ cô sẽ không còn được và có lẽ cả không cần gặp lại anh. Gặp anh, như đọc lại một cuốn sách ngày xưa mình rất yêu thích, có thể vì từng dòng chữ, mỗi đêm thao thức. Nhưng cuốn sách của ngày xưa có nên đọc lại để phải đối mặt với những cảm xúc có khi đã rất khác hay cứ để nó ở đấy với ngày xưa, mãi mãi trong tâm khảm, một cuốn sách tuyệt vời không nên đọc lần thứ hai? Trong lòng cô có quá nhiều câu hỏi về Lâm. Chừng như đó là lý do cô phải tiếp tục gặp anh. Có lẽ khi con người còn hướng đến nhau muôn vàn những thắc mắc, nghĩa là duyên cớ họ gặp nhau chưa tận. Đi tìm lời giải đáp cho duyên phận này, đó chẳng phải là bổn phận của những người trong cuộc hay sao?

Một lần rồi từ nay thôi

Câu chuyện này ngắn, đã cũ, vốn không muốn viết ra nhưng trong lòng còn lấn cấn, nên hôm nay đành để lại đôi dòng rồi thôi từ nay không nghĩ đến nữa…

Dạo trước, hồi vụ người chuyển giới bị xâm hại còn gây khá nhiều lùm xùm trên mặt báo, có bà bán trái cây (cứ gọi là bà bán trái cây 1) dỏng tai nghe được, trong lúc nhàn rổi, kể cho bà bán trái cây (gọi là bà bán trái cây 2) nghe. Bà bán trái cây 2 nghe xong, có vẻ giận dữ, bảo ngay: Bị hại sờ sờ ra đấy mà mấy bố còn bàn với cãi gì nữa, theo tôi phải xử ngay cho cái bọn khốn nạn ấy biết mặt. Hai bà định toan nói gì đấy nữa thì có khách đến mua hàng. Tôi cũng rời bước đi, trong lòng vốn không có ý định lưu giữ cuộc trò chuyện thoáng qua của họ.

Buổi tối, tôi lướt web đọc tin tức. Cũng vụ người chuyển giới được đăng tải nhiều trên mạng. Vừa ngáp ngắn ngáp dài, tôi đọc thử xem có gì hay ho mà người ta bàn luận nhiều thế. Dừng mắt lâu ở một ý kiến của một giảng viên trường đại học luật, ngôi trường mà cả ngày xưa mà ngày nay tôi đang theo học. Tôi đọc xong, nhớ đến phản ứng của bà bán trái cây 2, lại nhớ đến một câu chuyện thuộc chuyên mục truyện cười mà tôi đã từng đọc trước đây, đại khái thế này:

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Người ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn nhìn

Có một ngày, dân tình đổ đi mua Iphone 4G, xếp dài hàng cơ số trước mỗi cửa hàng. Có người mua được, người không. Người mua được, hỉ hả bảo “quá sướng” rồi thi nhau quay clip, chụp hình “đập hộp” – hưởng thụ niềm vui sở hữu một món thời thượng. Người không mua được thì thôi không cần nói, có quy ngược niềm vui của kẻ trên thì ra được tâm trạng kẻ này. Cá nhân tôi cũng yêu thích trái táo ngọt ngào này, cũng (từng) hy vọng mình sẽ mua được một cái (từ cái thời mà trên giang hồ chưa có sự xuất hiện của Iphone 4G và ngôi vị dẫn đầu đang thuộc về chú 3GS). Cho nên, về cơ bản thì tôi hiểu, tại sao người ta lại có thể vui và buồn vì một đồ vật vô tri, vô giác đến thế. Tôi hiểu, như người sở hữu nó hiểu, như nhiều khác cũng có thể hiểu; chỉ có cụ già đó là không hiểu.

Cụ ngồi bệt trên trên vỉa hè, ngay ngã tư đèn đỏ. Cụ già lắm rồi, mắt đục ngầu, da dẻ xếp li hết lớp này đến lớp khác, tưởng như lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy một người già như vậy ở cái thành phố này. Một tay cụ cầm gậy, ngay dưới chân cụ, một cái làn cói nằm mỏng manh. Tôi không biết cụ có nhận thức được những gì xảy ra xung quanh không. Đôi mắt cụ như đã không còn nhìn thấy gì nữa. Đôi mắt ấy càng mờ hơn bởi nước mắt vây quanh. Có một người đàn bà khác vòng tay ôm lấy cụ như muốn an ủi cụ, quan tâm cụ, người đàn bà này cũng già rồi, mái tóc bạc trắng nhưng có vẻ còn khỏe mạnh. Người đàn bà này gục đầu vào vai cụ, trong khi cụ vẫn ngồi lặng yên, nước mắt ròng ròng. Tôi không biết giữa họ có quan hệ gì. Tôi chỉ biết khoảng trời ở trên đầu hai người già đó đau khổ quá! Sự đau khổ đó, có lẽ chỉ có hai người già đó hiểu. Tôi hiểu, dù rất ít. Và người “quá sướng” vì mua được chiếc Iphone 4G, liệu có hiểu?

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Thu miền Nam đã có lá vàng bay



Mấy ngày trước, tôi đi trên con đường đó… chừng như hôm ấy nắng không rát lưng…bầu trời dịu dàng…và gió thoảng bên tai…gió mang theo một chiếc lá vàng, rơi ngang tầm mắt…chỉ một chiếc duy nhất, màu vàng của mùa thu…dường như…

“… lá thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi, chiếc lá cuối cùng là đây!
Quạnh hiu như tấm thân này…”


Mùa thu đến? Hay mùa thu trở lại? Tôi có đợi - hay không?

“Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?
………………………………………………..
Thu đến đây! Chừ, mới nói răng?
Chừ đây, buồn giận biết bao ngăn?”

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

10 câu trả lời

Như có nói ở entry 10 câu hỏi, tôi sẽ có 10 câu trả lời của riêng mình. Tôi hy vọng giống như tôi, những ai đã đọc qua 10 câu hỏi ấy, đến hôm nay cũng đã có 10 câu trả lời riêng. Tuy rằng những câu trả lời có thể không giống nhau ở nhiều thời điểm, rằng rất có thể điều bạn nghĩ hôm nay, mai bạn đã nghĩ khác. Nhưng tôi nghĩ điều này không quan trọng, ngược lại còn giúp bạn có cơ hội hiểu mình hơn mỗi khi nhìn lại. Hãy tin vào sự thú vị của việc làm này. Không có gì ngộ nghĩnh và xúc động hơn là khi bạn được gặp lại chính mình của ngày xưa, thông qua những ý tưởng, những tâm tư mà bạn đã lưu lại bằng câu chữ. Vì vậy đừng ngại ngần trả lời 10 câu hỏi và giữ lại ở đâu đó, trên trang blog của bạn chẳng hạn. 10 năm sau rất có thể nó chính là báu vật đối với bạn. Hãy làm và chia sẻ cùng tôi nhé!

1. Bạn làm cách nào để có được một tâm hồn thanh thản?

Tôi luôn tìm kiếm sự thanh thản, tôi nghĩ gần như đó là điều quan trọng nhất mà tôi muốn đạt được trong bất kể công việc hay mối quan hệ nào. Nhưng cũng như một số người (hay nhiều người), tôi đã không tìm thấy. Tôi bắt đầu tin rằng sự tìm kiếm này là vô vọng và rất có thể, thanh thản chỉ là một loại cảm giác không có thật. Nhưng, tồn tại ở trong cuộc đời này, cho dù là không có sự thanh thản, thì còn đó những khoảng lặng. Ấy là khi tôi được một mình, đọc một quyển sách, đọc một bài thơ, ngâm ngư một giai điệu hay đặc biệt hơn là trải lòng mình với những con chữ, hoặc chỉ rất đơn giản, trầm ngâm nghĩ về một điều gì đó, quá vãng, xa xôi…Tôi được an toàn và đó là cảm giác duy nhất tôi biết, gần với sự thanh thản.

2. Cho đến thời điểm này, bạn rút ra được điều gì từ cuộc sống?

Cuộc sống bạn được dạy và cuộc sống khi bạn tự khám phá bằng đôi chân của chính mình, dường như là hai thế giới khác nhau - như ngày và đêm, rất nhiều khi sẽ làm bạn lẫn lộn, mất thăng bằng, phát điên. Đôi khi bạn không biết được cái gì mới là đúng. Đôi khi bạn không biết được ai mới là người tốt. Mọi giá trị đảo lộn, đến sự thật cũng là thứ bị từ chối; điều buồn hơn cả, bạn chỉ có một mình. Bạn làm thế nào đây? Cuộc sống đôi khi giống như một cơn mưa dài, và cái tôi có thể làm là hy vọng, hy vọng cơn mưa ấy sẽ chấm dứt, ánh mặt trời sẽ ló rạng… Và hy vọng, cuộc sống không đáp trả tôi bằng những đòn roi, vì tôi đến với cuộc đời này, thật thà và vô hại...

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...