Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Con người là gì của nhau?

Khi đọc thơ, tôi thường không dừng được mà tìm hiểu thêm về cuộc đời của người làm thơ. Bởi với tôi, thơ là tiếng nói gần và rất thật của nội tâm con người. Người ta viết truyện có thể hư cấu, thậm chí giả tạo; nhưng thơ là thứ không vay mượn cảm xúc của ai được, cũng không thể là thứ được tạo ra từ những toan tính, đắn đo. Vậy nên tôi vẫn thường cho phép bản thân tin rằng thơ và đời là hai khái niệm có thể đi song hành với nhau. Đời ở đây ý nói đời của người viết ra thơ, tức thi sĩ. Có lẽ vì cái niềm tin này mà tôi thường chủ ý dõi đọc chuyện đời của các nhà thơ, điều mà tôi ít làm với các nhà văn, dù rằng tôi đọc văn cũng không quá ít.

Nhà thơ đầu tiên trong cuộc đời tôi, tất nhiên chính là cái người rất yêu trăng nhưng nếu phải vì “đoàn viên”, vì “ước hẹn hò” thì cũng sẵn sàng bán đi “trăng vàng, trăng ngọc”. Một con người tài hoa và đau khổ. Còn nhớ biết đến Hàn Mạc Tử lại là thông qua một vở cải lương cùng tên. Nhớ cái đoạn nhân vật Mai Đình hát “Anh Trí ơi, kể từ nay anh không còn sợ cô đơn, bên anh em trọn đời chăm sóc yêu thương…” thì bản thân đã cảm ngay cái cuộc đời của ông này. Nhưng phải rất lâu sau mới có dịp mày mò tư liệu cuộc đời nhà thơ. Người ta viết nhiều về Hàn Mạc Tử, đặc biệt về những mối tình của ông. Những cái tên được kể ra nhiều trong “nghi án” tình yêu với Hàn thì có Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình trong đó Mộng Cầm được cho là tình yêu lãng mạn, tha thiết nhất của Hàn Mạc Tử. Về mối tình này, Hàn từng khóc thương bằng những câu thơ như:

“Ta lang thang tìm tới chốn lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi…”

(Phan Thiết! Phan Thiết)


Hay:

“Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi !”

(Một Nửa Trăng)

Cả:

“Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi”

(Muôn năm sầu thảm)


Tuy nhiên, từ lúc còn sống cho đến lúc chết, Mộng Cầm trước sau không thừa nhận chuyện tình yêu với Hàn Mạc Tử, mặc cho những đau khổ của ông dưới con mắt người đời là rất thật.

Về Hoàng Cúc - người con gái Hàn thi sĩ từng đêm ngày mơ tưởng “Muốn ôm hồn cúc ở trong sương” đồng thời là linh hồn của Đây thôn Vĩ Dạ, trước dư luận đây là mối tình đầu của Hàn, cũng như Mộng Cầm, Hoàng Cúc lên tiếng phủ nhận. Tuy nhiên khác với Mộng Cầm sống yên vui bên chồng con, Hoàng Cúc xa lánh cõi đời, tìm đến cõi thiền, cõi tu (có tài liệu ghi khi quy y, bà vẫn dành một căn phòng riêng tại nhà để “ngày đêm hương hoa tụng niệm” tưởng nhớ mối tình với Hàn Mạc Tử).

Với Mai Đình, chuyện tình cảm giữa bà và Hàn Mạc Tử cũng tồn tại khá nhiều thông tin hư thực. Có người cho rằng tình cảm của đôi bên chỉ là biểu hiện của tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” bởi Mai Đình cũng là người làm thơ và mến sùng tài thơ của Hàn Mạc Tử. Lại có người cho rằng Mai Đình rất yêu Hàn Mạc Tử - một tình yêu cao thượng và không hề già cỗi đi theo năm tháng, nhưng đối với nàng, Hàn chỉ thương chứ không yêu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, trong quãng đời đau khổ nhất của Hàn, Mai Đình là người con gái duy nhất ở bên ông và chăm sóc cho ông. Hàn Mạc Tử có khá nhiều bài thơ viết cho Mai Đình. Nếu dừng ở đọc và cảm nhận những bài thơ này, có thể thấy tình cảm của Hàn dành cho Mai Đình nồng nàn hơn tình thương rất nhiều, như mấy câu sau đây:

“Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt
Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật"

(Thắm thiết)

“Anh nhìn trăng lỏn lẻn đậu ngành cao
Phải giờ này đang lúc em chiêm bao
Vì chính giờ này anh đang yêu thiệt
Em, hãy nhập hồn em trong bóng nguyệt!”

(Hãy nhập hồn em)

“Chúng ta biến, em ơi, làm thanh khí
Cho tan ra hòa hợp với tinh anh
Của trời đất, của muôn vàn ý nhị
Và tình ta sáng láng như trăng thanh”

(Sáng láng)

Nhà thơ thứ hai, cũng là nhà thơ rất lớn ở trong tôi, hẳn nhiên không ai khác ngoài Xuân Diệu. Tuy thế đưa ông vào bài viết này khi cuộc đời ông vẫn còn những câu hỏi không thể có lời giải đáp thì e chừng có muốn viết cũng viết không xong. Chỉ đơn giản một việc, rằng Xuân Diệu vốn được xưng tụng là ông hoàng thơ tình nghĩa là kho tàng thơ tình của ông giàu có và rực rỡ hơn hẳn bất cứ nhà thơ nào khác trong lịch sử thơ ca Việt Nam, nhưng giả hỏi ai là nàng thơ của những lời thơ say đắm ấy, thì có lẽ chẳng có ai chỉ ra được. Bởi cái nghi án giới tính vẫn đè nặng lên cuộc đời nhà thơ, và dù người đời sau có cố khám phá thế nào, nhưng nhân vật chính đã mất rồi thì sự thật ra sao, ai nói gì, tin rằng cũng không thể có câu trả lời nào là đại diện cho sự thật. Vậy nên muốn nhắc chuyện đời Xuân Diệu nhưng thôi cũng đành phải nín lặng cho qua…

Bên cạnh Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, những tên tuổi của phong trào Thơ Mới khác (không kém rực rỡ) như Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… cũng đều là những nhà thơ có những thi phẩm mà tôi rất thích. Tuy nhiên, một cách nào đó, lại không phải là những con người khiến tôi cảm động. Nói đến cảm động, sau Hàn Mạc Tử (một con người đau khổ) và Xuân Diệu (một con người cô sầu), chỉ tính riêng các nhà thơ Việt Nam thì phải đợi đến tận mấy ngày trước, khi mà cuộc đời Nguyễn Tất Nhiên hiện ra trước mắt tôi, thì tôi mới gặp lại cái cảm giác cảm động như thế trước một thi nhân. Dù rằng, tôi cũng hết sức cảm khái một Vũ Hoàng Chương cổ kính và một Xuân Quỳnh đầy nội tâm. Tuy thế lại rất ít thuộc được thơ Vũ Hoàng Chương và với Xuân Quỳnh, nếu cần phải viết, hẳn phải viết trong một bài riêng biệt.

Trở lại với Nguyễn Tất Nhiên, trong cuộc đời, ông chỉ có một Bùi Thị Duyên mà ông yêu đắm đuối, điên dại. Tuy thế, giữa họ có tồn tại một chuyện tình hay không cũng là một câu hỏi không có lời đáp cụ thể. Bởi, Bùi Thị Duyên cho rằng Nguyễn Tất Nhiên chỉ quý mình, còn cô chỉ xem Nhiên là một người bạn không hơn không kém. Điều này có thật không thì có lẽ chỉ có trời mới biết. Bùi Thị Duyên sau này sống yên vui bên chồng con; riêng Nguyễn Tất Nhiên trước từng muốn tử tự vì thất tình cô Duyên (tình một chiều???), sau sang Mỹ định cư, có lập gia đình nhưng vợ chồng sớm bỏ nhau và cuối cùng, tự sát ở tuổi 40.

Hãy đọc tiếng lòng Nguyễn Tất Nhiên khi thất tình Bùi Thị Duyên, xem rằng nhà thơ đau khổ đến mức nào?

“Tôi vẫn đơị như ngày tôi đã đợi
Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi
(Nghĩa là tôi vẫn ấp úng chuyện yêu người
Cơ khổ như những lời thú tội !)”

(Tình một hai năm)

“Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
Người thì không bắt bóng được bao giờ!
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng”

(Bởi yêu em sầu khổ dịu dàng)

'Xin đánh đổi cuộc đời này (lận đận!)
Bằng phút giây cầm được tay người

Như loài thiêu thân mê lửa ngọn
Buổi yêu em, tôi hăng hái lìa trần”

(Như những hoàng hôn bỏ mặt trời)

Và còn nhiều những câu thơ khác, hẳn có thể khiến kẻ có tình rơi lệ, bới chí ít nhận ra đây cũng là một tấm lòng rất mực tha thiết trong cõi người và tất nhiên, cõi tình.

Khi viết đến đây, tôi tự hỏi liệu Bùi Thị Duyên có đọc được những dòng thơ của ông Nhiên không? Cũng như Mộng Cầm, bà có đọc được nỗi đau của Hàn Mạc Tử khi sống vui phận mình không? Thiên hạ thường thắc mắc họ là gì của nhau và cố đi tìm câu trả lời. Nhưng như ai đó nói, câu trả lời thì qua đi, câu hỏi thì còn ở lại. Tôi nghĩ khi một người nói có, một người nói không, mối quan hệ thế này vĩnh viễn không có lời giải. Dù với cái có hay cái không, người ta đều tìm ra được lý do để giải thích. Nhưng lý do thì có rất nhiều, còn sự thật chỉ có một. Và khi không muốn nói ra sự thật, người ta viện đến lý do. Cho nên tôi không bao giờ thắc mắc, rằng bọn họ là gì của nhau, như không bao giờ thắc mắc rằng tôi là gì của ai. Nhưng thảng, tôi lại tự hỏi lòng, rốt cuộc con người là gì của nhau? Và tôi ngay lập tức khựng lại. Một câu hỏi đến từ vô biên và phải chăng:

“Người đã sống hết tận cùng năm tháng
Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên”

(Thơ Lưu Quang Vũ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...