Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Người ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn nhìn

Có một ngày, dân tình đổ đi mua Iphone 4G, xếp dài hàng cơ số trước mỗi cửa hàng. Có người mua được, người không. Người mua được, hỉ hả bảo “quá sướng” rồi thi nhau quay clip, chụp hình “đập hộp” – hưởng thụ niềm vui sở hữu một món thời thượng. Người không mua được thì thôi không cần nói, có quy ngược niềm vui của kẻ trên thì ra được tâm trạng kẻ này. Cá nhân tôi cũng yêu thích trái táo ngọt ngào này, cũng (từng) hy vọng mình sẽ mua được một cái (từ cái thời mà trên giang hồ chưa có sự xuất hiện của Iphone 4G và ngôi vị dẫn đầu đang thuộc về chú 3GS). Cho nên, về cơ bản thì tôi hiểu, tại sao người ta lại có thể vui và buồn vì một đồ vật vô tri, vô giác đến thế. Tôi hiểu, như người sở hữu nó hiểu, như nhiều khác cũng có thể hiểu; chỉ có cụ già đó là không hiểu.

Cụ ngồi bệt trên trên vỉa hè, ngay ngã tư đèn đỏ. Cụ già lắm rồi, mắt đục ngầu, da dẻ xếp li hết lớp này đến lớp khác, tưởng như lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy một người già như vậy ở cái thành phố này. Một tay cụ cầm gậy, ngay dưới chân cụ, một cái làn cói nằm mỏng manh. Tôi không biết cụ có nhận thức được những gì xảy ra xung quanh không. Đôi mắt cụ như đã không còn nhìn thấy gì nữa. Đôi mắt ấy càng mờ hơn bởi nước mắt vây quanh. Có một người đàn bà khác vòng tay ôm lấy cụ như muốn an ủi cụ, quan tâm cụ, người đàn bà này cũng già rồi, mái tóc bạc trắng nhưng có vẻ còn khỏe mạnh. Người đàn bà này gục đầu vào vai cụ, trong khi cụ vẫn ngồi lặng yên, nước mắt ròng ròng. Tôi không biết giữa họ có quan hệ gì. Tôi chỉ biết khoảng trời ở trên đầu hai người già đó đau khổ quá! Sự đau khổ đó, có lẽ chỉ có hai người già đó hiểu. Tôi hiểu, dù rất ít. Và người “quá sướng” vì mua được chiếc Iphone 4G, liệu có hiểu?


Hồi còn bé, tôi có thói quen xem ti vi. Thường chuyển kênh cho đến khi tìm được kênh có chương trình hay. Đôi khi tôi dừng lại trước một lễ hội truyền hình trực tiếp. Rồi bật qua kênh khác, và thấy người ta miêu tả về một tai ương đang xảy ra tại một tỉnh nào đó trên cả nước. Ngày còn bé, tôi rất không hiểu chuyện. Tôi nghĩ ở nơi này người ta đang đau khổ, mà ở nơi kia anh tổ chức lễ hội vui mừng. Tôi nghĩ đó là tàn nhẫn. Sau này lớn khôn, tôi biết cuộc đời là như vậy. Rằng khi ta đau, thì người khác vẫn có quyền hạnh phúc. Ngược lại khi ta hạnh phúc, hỏi rằng ta có nghĩ được đến ai?

Cha mẹ có chết thì con cái vẫn phải sống. Con cái có chết thì cha mẹ cũng vẫn phải sống…

Nghĩ ra thế, và hiểu rằng đời sống là phải luôn trôi chảy, chẳng thể vì niềm đau của ai mà ngừng lại. Ngoại trừ, có lẽ duy nhất trong tình yêu, may ra có kẻ vì sự ra đi của người này mà cả đời sống trong âm thầm đau khổ. Tình yêu vốn là tình cảm rất ích kỷ, nhưng có lẽ vì ích kỷ mà nó mới đạt được trạng thái duy nhất. Và bởi duy nhất, đến cuối cùng lại chẳng có thứ tình nào vượt qua nổi nó. Dù khi phải đưa lên bàn cân so sánh, có thể nó còn lâu mới sánh bằng những thứ tình khác trong thiên hạ.

Tôi biết và tôi hiểu, nhưng tôi vẫn thấy buồn. Có ai đó vui mừng, đất nước này tràn đầy lễ hội, tràn đầy những cuộc thi, tràn đầy những niềm vui … Thật sao???

Có lẽ, người ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn nhìn – không còn cách nào khác.

3 nhận xét:


  1. Tuệ Tâm1978 at 10/03/2010 02:30 pm comment

    Thường người ta chỉ thích gần những thứ đem lại cho họ cảm giác hoan hỉ, còn cảm giác khổ não hoặc không vui thì chẳng ai muốn lại gần Một cô bé khờ, một người tàn tật, một kẻ nghèo khó... chẳng ai muốn kết thân; Nhưng ...một cô bé lém lỉnh xinh xắn, một kẻ lắm tiền, một người nổi danh, một người quyền chức...thì ai cũng muốn kết thân Qui luật của cuộc sống có lẽ là như vậy, và nó vốn dĩ là như vậy. Cuối tuần vui vẻ bạn nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 10/03/2010 10:12 pm reply

      Ừ, qui luật cuộc sống, mình hiểu...

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...