Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Mùa thu chết

Nửa cuối năm thứ tư bậc đại học, một người bạn xa gửi cho tôi một bài hát. Bài hát ấy sau này mở ra một cõi âm nhạc thật buồn mà tôi thường hay đắm chìm. Đó là bài Mùa thu chết.

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!”

Bạn gửi, tôi nghe. Tôi nghe xong, tôi nói. Lời tôi nói làm bạn hối hận, bạn bảo biết vậy không gửi cho tôi. Hình như còn từng so sánh tôi với một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết của Murakami Haruki. Nhưng tôi gạt đi, bạn gửi đúng rối, bài hát hay quá! Một bài hát có thể làm cho người nghe khóc, đó là một bài hát hay.

“Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi.
Em nhớ cho!
Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau...”


Có một người nào đó trên đời này có thể khiến chúng ta đau lòng vì “từ nay mãi mãi không thấy nhau” không?

Có một người nào đó trên đời này có thể vì chúng ta mà đau lòng bởi “sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa” không?

Khi nghĩ về sự vĩnh biệt, tôi nghĩ về cái chết. Cái chết ngăn cản người ta gặp gỡ nhau (hẳn nhiên). Nhưng tạm biệt và vĩnh biệt nhiều lúc chỉ là sự khác nhau về mặt từ. Đôi khi vẫn có những con người còn sống mà chỉ có thể dõi nhìn nhau qua hai bờ sông tưởng tượng (hoặc chỉ một người mỏi mắt???). Họ cũng vĩnh viễn không gặp được nhau. Ai đó gọi nó là thảm cảnh. Tôi nghĩ đấy cũng là vĩnh biệt. Thời gian sẽ trả lời đấy…

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!”

Là mùa thu đã chết rồi? Hay là “ta” hay là “em” đã chết rồi? Hẳn nhiên, có một câu chuyện rất khác xoay quanh bài hát này. Từ bản gốc bài thơ L’Adieu của Guillaume Apollinaire đến bản dịch Lời vĩnh biệt của Bùi Giáng. Nhưng tôi đang không muốn nói về thơ ca hay phân tích âm nhạc (đã có nhiều người làm rồi và tôi chắc chắn rằng có cố viết cũng chỉ là ăn cắp từ họ, tất nhiên sẽ còn là ăn cắp rất dở). Tôi chỉ đang đề cập đến khía cạnh cảm xúc cá nhân dành cho bài hát. Và ngay cả ở khía cạnh này, tôi cũng chỉ đang nói những điều không ăn nhập. Với một mớ cảm xúc lung tung.

“Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ....
Vẫn chờ... đợi em!”

Tôi nghĩ đã là “mãi mãi không thấy nhau” sao vẫn còn “chờ…đợi …”?

Tay “ngắt đi một cụm hoa thạch thảo”…

Tâm “ngát hương thời gian mùi thạch thảo”…

Và hoa thạch thảo, loài hoa tượng trưng cho sự lưu luyến, sự chờ đợi.

Vậy nên…

Sự vĩnh biệt hay cái chết, cuối cùng cũng chẳng là gì trước tình yêu và nỗi nhớ!

Vâng…

“Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...” *


----------------

* Bài thơ Lời Vĩnh Biệt (Bùi Giáng dịch). Những chữ trong ngoặc kép còn lại là lời bài hát Mùa thu chết của nhạc sĩ Phạm Duy.

4 nhận xét:


  1. singlestar at 10/30/2010 11:22 pm comment

    Tôi nghĩ đã là “mãi mãi không thấy nhau” sao vẫn còn “chờ…đợi …”? Chờ đợi vì biết rõ chẳng gặp nhau, thực tế là thế, tự dối lòng và ko thể chấp nhận thực tế quá phũ phàng.Có rất nhiều người như vậy...CN vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 11/02/2010 06:19 pm reply

      Đời không là mơ, nhưng loài người thì có ai không mơ, bạn nhỉ! Chắc là thế... nên người ta vẫn cứ chờ, đợi... một người không đến! ^ ^

      Xóa

  2. Nắng at 10/30/2010 01:51 pm comment

    Có những nỗi mong chờ sẽ theo ta đến cả cuộc đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 10/30/2010 09:02 pm reply

      và chỉ chấm dứt cùng với cuộc đời?!

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...