Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Hình dáng cuộc sống


Bỗng dưng tôi không thể nhớ chính xác mình bắt đầu nghỉ việc vào đầu tháng chín hay tháng mười. Có lẽ đó là quãng thời gian của rất nhiều những lo lắng, và có lẽ vì tôi cứ thường xuyên lo lắng, nỗi lo của ngày hôm qua và hôm nay cứ thế trộn vào nhau, thành ra tôi chẳng còn gì để nhớ, hị. Tôi đã dự định chỉ nghỉ việc khi đã tìm được công việc mới. Đó là điều mọi người thường làm. Kinh nghiệm cũng nói với tôi, tôi chẳng nên liều lĩnh, cái giá phải trả có thể kéo dài nhiều năm sau. Song, có lẽ người ta chỉ già đi chứ không lớn khôn thêm, tôi vẫn hành động như trước đây đã từng.

Tôi nhớ những buổi sáng ghé một sạp báo vỉa hè, mua hai tờ tin trước khi đến công ty mỗi ngày. Đã trở thành thói quen mà giờ đây con đường này tôi đã không còn đi. Và bà bác tóc bạc nhiều, đôi lần ngủ gật trong những buổi sớm mệt nhọc, mỗi lần thấy tôi trờ xe tới đã cuộn sẵn hai tờ báo chờ tôi, hẳn có thắc mắc trong mấy ngày đầu (tôi áy náy khi nghĩ về, như thể việc tôi không mua báo của bà là một hành vi phá vỡ sự cam kết). Tôi không biết bà bác tên gì, tôi không trò chuyện riêng với bà. Chỉ có lần bà bảo tôi, chỉ vào người đàn ông vừa rời khỏi, đang chống gậy đi khập khiễng, rằng ông ta mỗi ngày đều mua báo của bà, “thả dê” bà, làm cho bà cảm thấy sợ. Và khi nói, bà đỏ mặt cười rạng rỡ. Và tôi nghĩ bà vui mừng hơn là bà cảm thấy sợ. Và thốt nhiên tôi nhận ra, tính nữ của một người đàn bà, trong quan hệ với đàn ông, nếu có, thì theo họ suốt cuộc đời.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Những người đàn ông không có đàn bà - Haruki Murakami

(Tập truyện ngắn)

"Anh vui vì có thể trở thành người khác à?"

"Trong trường hợp biết rằng có thể trở lại là mình."

"Đã bao giờ anh thấy không muốn trở lại là mình chưa?"

... "Đâu còn nơi nào khác để trở lại."... - tr.23.

Chuyện người và người gắn bó với nhau, đặc biệt là nam gắn bó với nữ, nói thế nào nhỉ, là vấn đề mang tính tổng thể hơn. Mơ hồ hơn, ích kỷ hơn, day dứt hơn - tr. 27.

Chẳng phải chúng ta không bao giờ có thể hiểu đúng được những gì phụ nữ nghĩ hay sao. Ý tôi là thế. Bất kể đó là người phụ nữ nào. Thành thử, đó có phải là điểm mù của riêng anh Kafuku không ư, tôi có cảm giác là không. Nếu cho đó là điểm mù thì tất cả chúng ta đều sống và mang một điểm mù giống nhau. Do đó, tôi nghĩ không nên tự dằn vặt mình như vậy - tr. 38.

Thoát khỏi bản thân, rồi lại trở về với bản thân. Nhưng khi quay lại thì không còn chính xác là nơi cũ nữa - tr. 45.

(Drive my car)

Con người không thể chạy trốn được âm thanh của tâm hồn - tr. 200.

(Kino)

Dù ngay lúc này, thế giới đang tan tác, nhưng bằng việc duy trì cần mẫn, nghiêm chỉnh những việc nhỏ nhặt, biết đâu con người lại giữ được tỉnh táo - tr. 231.

Nếu mong gặp ai đó thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ gặp lại được thôi - tr. 232.

(Samsa đang yêu)

Trở thành những người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong....- tr. 247 - 248.

Có lúc, mất đi một người đàn bà cũng là mất đi tất cả đàn bà - tr. 251.

(Những người đàn ông không có đàn bà)

(Trương Thùy Lan dịch, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2015)



Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Lớp học dinh dưỡng

Sau khi tham gia lớp học dinh dưỡng về, bạn tôi trở nên khắt khe trong việc ăn uống. 

Ban đầu cô ấy bỏ rượu và bia. Trước đây chỉ thỉnh thoảng cô ấy mới đụng đến thức uống có cồn, thường trong những buổi chiều mưa, khi cô ấy cảm thấy đời mình buồn như thể không bao giờ có ngày mai. Bây giờ thì cô ấy bỏ hẳn. Tôi nghĩ lớp học dinh dưỡng kia phải nhân rộng mô hình. Tôi nói hoài nhưng chưa từng có người đàn ông nào trong đời tôi bỏ rượu, bỏ bia. Họ thà bỏ mạng (và dĩ nhiên - bỏ tôi) còn hơn. Nhưng việc không dừng ở đó, rủi thay. 

Bạn tôi bắt đầu tránh xa muối và đường. Cô ấy nói về sự trung hòa của các chất khi đi vào cơ thể, sự bài trừ lẫn nhau của chúng. Cô ấy nói những điều tôi không hiểu. Nhưng đại thể, ở lớp học dinh dưỡng, người ta cho cô ấy biết rất nhiều thứ con người nạp vào dạ dày là độc dược. Thức ăn nhanh, thịt đỏ, dầu thực vật tinh luyện và hơn tất cả, sữa. Cô ấy căm thù sữa, cô ấy nói sữa là kẻ thù của xương, sữa bào mòn xương, phá hủy xương. Mọi sản phẩm sữa, mọi thành tố canxi, tất cả chỉ là những mỹ từ quảng cáo, chúng không là gì khác ngoài đội quân ăn cắp xương. Cứ thế, bạn tôi ăn rất ít, thậm chí tuyệt thực, khi cô không thể tìm được những thứ siêu sạch theo chỉ dẫn của các chuyên gia trong lớp học để ăn. Cuối cùng cô nhập viện trong một tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi đó, không ai có thể làm cho cô ăn trở lại, kể cả bác sĩ. 

Trong lúc tuyệt vọng, tôi vội đăng ký một lớp học dinh dưỡng cho cô, nơi khác lần trước, lần này người ta dạy học viên ăn đủ thứ. Khi chúng tôi khênh cô đến lớp học, cô đã rất yếu. Điều kỳ diệu xảy ra sau đó: chỉ qua một buổi học, cô bắt đầu ăn trở lại.

(Tháng 8/2015)

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Nhà tôi ở lầu năm


“Ổ khóa bị sao vậy nhỉ!” tôi nghĩ, trong khi cố tra chìa khóa vào khe cắm. Loay hoay, chìa khóa vẫn không khớp, cánh cửa nhà tôi vẫn im lìm, bất động. Tôi nhíu mày, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Gần đây nhất tôi tự mở cửa vào nhà là khi nào, tôi cố nhớ. Hai năm nay tôi thất nghiệp. Ngoại trừ ra khỏi nhà để nộp hồ sơ xin việc, thi thoảng nhận một cuộc phỏng vấn, tôi hầu như ở nhà. Thứ bảy rồi, Dương rủ tôi đi xem phim, tôi cũng viện cớ từ chối. Tôi hạn chế tối đa mọi chi tiêu cá nhân từ khi không làm ra tiền. 

Vậy lần cuối cùng tôi dùng đến chìa khóa để mở cửa vào nhà mình là khi nào? Có thể là tháng trước, cả nhà tôi ai cũng có việc đi khỏi thành phố. Trong ba hay bốn ngày, tôi không chắc lắm, có thể nhiều hơn. Hẳn tôi có lúc phải ra đường, mua báo hay thức ăn, đến tiệm cắt tóc. Tôi không thể nhớ nổi. Tôi định gọi cho Dương, hỏi cậu ấy thấy tôi lần cuối cùng là khi nào. Nhưng có thể Dương đang bận họp, hoặc đang trên đường đến Bảo hiểm xã hội, tôi sẽ làm phiền bạn ấy. 

Tôi đành nhấn chuông cửa. Vào giờ này, tôi nhìn đồng hồ, chín giờ sáng, tôi không biết ai có thể ở nhà, ngoại trừ tôi. Có lẽ là mẹ tôi, sáng nay khi tôi rời nhà, mẹ tôi là người đóng cửa, có thể hôm nay mẹ tôi nghỉ ở nhà. Hai phút trôi qua, không có âm thanh nào vang lên, không tiếng bước chân, không tiếng vặn tay nắm cửa. Tôi nhấn chuông lần thứ hai. Cánh cửa bất động như cố tình trêu tức tôi. Tôi bắt đầu giận dữ. Có thể họ đã thay ổ khóa. Bố tôi đã nói với mẹ tôi, chúng ta không thể nuôi nó mãi. Còn em gái tôi nói với bố mẹ nó, nghĩa là bố mẹ tôi, nhìn chị ấy ở nhà hoài con phát ngốt. Và mẹ tôi bảo, biết làm thế nào để tống cổ nó đi. Cuối cùng họ tìm ông thợ khóa. Một ổ khóa mới được thay, tôi không thể vào nhà mình. 

“Mẹ ơi, mở cửa cho con!” Tôi gào lên, giật mạnh tay nắm cửa. Tôi sắp khóc, tôi hoảng loạn, tôi điên cuồng giật tay nắm cửa. Thế rồi cánh cửa bật ra, đột ngột, dưới sức kéo của một bàn tay giận dữ phía sau. Trước mắt tôi là chủ căn hộ lầu bốn. Nhà tôi ở lầu năm. 

(Tháng 8/2015)

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Những đứa con của nửa đêm - Salman Rushdie

... có lẽ, nếu muốn giữ mình là một cá nhân giữa đám đông lúc nhúc, người ta phải tự biến mình thành dị dạng - tr.147.

Tôi học được thật: bài học đầu tiên của đời tôi: không ai mở mắt mà đối mặt với đời mãi được - tr. 169.

... cả im lặng cũng có tiếng vang, rỗng hơn và kéo dài hơn tiếng vọng của bất cứ âm thanh nào... - tr. 202.

Hầu hết những điều trọng đại của đời ta đều xảy ra vắng mặt ta - tr. 310.

... mỗi con người, bên trong hắn ta, là tất cả trừ một tổng thể, tất cả trừ tính đồng nhất; đủ loại tấtcảbấtkỳthứgì được nhồi nhét ở bên trong hắn, phút trước hắn là người này sang phút sau đã thành người khác... Đột nhiên ta sẽ mãi mãi khác ta trước kia; và thế giới đổi thay đến độ cha mẹ có thể thôi không là cha mẹ nữa, yêu thương có thể hóa thành căm ghét - tr. 310-311.

... đừng hòng trốn tránh những người quen cũ. Ta mãi mãi là ta của quá khứ - tr. 482.

Người chết chết đi, và dần bị lãng quên, thời gian hàn gắn vết thương, và họ nhạt nhòa đi - ... điều ngược lại cũng đúng; rằng cả hồn ma cũng bắt đầu quên; rằng người chết cũng mất dần hồi ức về người sống, và sau cùng, sau khi bị tách khỏi sự sống, họ mờ nhạt đi - rằng sự chết, nói tóm lại, vẫn tiếp diễn một thời gian dài sau cái chết - tr. 499.

"...không ai nên tàng hình lâu như thế - nguy hiểm lắm..." - tr. 499.

...tôi không còn muốn là gì khác ngoài chính bản thân mình. Tôi là ai, cái gì? Trả lời: tôi là tổng hợp mọi thứ diễn ra trước mắt tôi, mọi thứ tôi đã là đã thấy đã làm, mọi thứ được-làm-với-tôi. Tôi là tất cả mọi người mọi vật mà sự-tồn-tại-trên-thế-giới-này tác động đến tôi bị tôi tác động. Tôi là bất kỳ thứ gì xảy ra sau khi tôi ra đi nhưng sẽ không xảy ra nếu tôi không xuất hiện. Tôi cũng không phải là ngoại lệ cá biệt trong vấn đề này; mỗi một "Tôi", mỗi cá nhân trong số nay-là-hơn-sáu-trăm-triệu-con-người chúng ta, đều chứa đựng một sự đa dạng tương tự. Tôi nhắc lại lần cuối: để hiểu tôi, quý vị sẽ phải nuốt cả thế giới - tr. 501.

Có những nỗi đau, ít ra, vẫn có khả năng bị chế ngự - tr. 502.

(Nham Hoa dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2014)

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Truyện rất ngắn: Câu hỏi của người mẹ - Không gấp - Ở cửa hàng thức ăn nhanh, gặp lại bạn học cũ

Khi tôi nhận ra sự co duỗi tuyệt vời của truyện ngắn, tôi muốn thử viết những truyện cực ngắn. Trong quá trình viết, tôi phát hiện nó vừa dễ lại vừa khó. Nó dễ, vì có vẻ như cái tôi cần chỉ là một khoảnh khắc, hơn là những tình tiết và sự kiện - mà tôi thì không giỏi trong việc quan sát tỉ mỉ và hoạch định chi tiết. Nó cũng dễ cho tôi bởi vì khi không viết dài, tôi không phải chạy theo triết lý, và ở lại quá lâu với một cảm xúc nào đó. Tất nhiên, viết ngắn đến cực ngắn cũng khó, như tôi nói từ đầu. Bởi một câu chuyện cực ngắn rất dễ chỉ là những dòng văn lủng củng, lảm nhảm, vô nghĩa và rốt cuộc cũng gây tốn thời gian hệt như viết dài (mà chẳng đi đến đâu).

Dưới đây là ba trong số năm truyện rất ngắn đầu tiên tôi viết. So với mấy truyện sau đó, nó ở một độ ngắn hơn cả. Tôi nghĩ mấy truyện sau mình viết khá hơn, hị hị. Nhưng dĩ nhiên không có khởi đầu thì không có tiếp theo. 

Cũng cần nói rằng một số truyện rất ngắn của mình, tôi có đánh liều gửi báo. Sau đó thu nhận kết quả: buồn một nhẽ, nhưng buồn theo một kiểu lạ thường thì tôi chưa từng ngờ. Nhưng đó là một câu chuyện khác vậy.

Câu hỏi của người mẹ
Cô đi qua đi lại, với vẻ rụt rè, nửa muốn vào, nửa không. Cửa rộng mở, trong văn phòng có hai luật sư và một trợ lý. Cô tần ngần đến tận trưa. Khi văn phòng chỉ còn lại người trợ lý, cô lưỡng lự bước vào.
Tôi mời cô ngồi, rót nước mời cô. Gương mặt cô nhiều nét ngại ngùng. Cô hỏi phí tư vấn. Tôi trấn an cô. Tư vấn miễn phí. Cô vẫn rụt rè. Tôi mỉm cười bảo “Tôi lắng nghe đây”. Cuối cùng cô nói, cô sắp kết hôn với một người nước ngoài, cô từng ly dị, cô có một đứa con và cô hỏi:
“Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiện mình từng ly hôn không? Và…” , cô dè dặt: “Có cách nào để đừng ai biết mình có một đứa con không?”
Tôi chớp mắt và trân nhìn cô. Trong nhiều giây, ngôn từ từ bỏ tôi.
.
Không gấp
Ông bước vào phòng tiếp nhận và trả hồ sơ nhà đất khi cán bộ nhân viên còn chưa sẵn sàng cho ngày làm việc dù kim đồng hồ đã nhích sau bảy giờ ba mươi phút. Ông tìm một chỗ ngồi trong dãy ghế nhựa, khoanh tay chờ. Một viên chức trẻ, hẳn mới ra trường, bước vào đầu tiên. Khi cô ngồi vào bàn làm việc, ông tiến lại, cúi xuống cái ô khoét trên tấm kính ngăn, nói vào: “Nhờ cô xem dùm!” - ông đẩy biên nhận hồ sơ về phía cô - “Nhiều năm quá rồi, tôi cũng không biết thế nào, hôm nay ghé hỏi lần nữa coi sao”. Cô cầm tờ biên nhận, đứng lên, bước về phía tủ hồ sơ, giở một bìa còng xem xét. Khi quay lại, cô nói: “Hồ sơ này người phụ trách chưa đến. Chú có gấp không?” Cô trả lại biên nhận cho ông. Ông cẩn thận cất tờ giấy đã ố nhàu và trả lời: “Không. Không gấp. Đến bây giờ thì không gấp nữa”.
.
Ở cửa hàng thức ăn nhanh, gặp lại bạn học cũ
Mười hai năm sau ngày ra trường, tôi tình cờ gặp lại bạn học cũ. Cô làm nhân viên trong một cửa hàng thức ăn nhanh. Tôi hỏi cô có thời gian không, tôi muốn trò chuyện với cô một chút. Cô ngần ngừ: “Chắc không được, chẳng có ai thay tớ bây giờ”. Tôi gật đầu: “Tớ hiểu. Hẹn gặp lại cậu sau vậy!” Tôi quay người bước đi với túi thức ăn trên tay. Cô vịn vội cánh tay tôi: “Khoan, cho tớ số điện thoại của cậu nào”. “À, ờ”.
Trong khi tôi lấy điện thoại bấm số máy của cô, cô nói nhanh: “Lớp chúng mình có tạo một nhóm trên Facebook, mọi người kết nối và cập nhật tin tức của nhau luôn. Cậu không dùng Facebook nhỉ?!” Cô ngừng lời, nhìn tôi chờ đợi. “Ừ, tớ không dùng”, tôi xác nhận và nhắc cô “Cậu có số của tớ rồi đấy”. Cô thò tay vào túi quần, ngắt cuộc gọi đến. Ngước nhìn lên, cô bảo “Không tìm thấy cậu trên Facebook, thời buổi này, có lúc bọn tớ nghĩ là cậu đã chết rồi.”
Tôi nhìn chằm vào mắt cô. Cô nghiêm túc, hoàn toàn.

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Về cô gái này - Nguyễn Ngọc Thuần

Phần lớn chúng ta đóng đinh mình vào một cái gì đó có vẻ bất biến nhưng lại ngoài con người mình. Ở con người ngoài mình, chúng ta vật lộn, thắt và gỡ, những mối dây ràng rịt tưởng chắc nhưng lại chóng phai -tr. 61.

Tình yêu đôi khi chết đi hoặc khôi phục chỉ bởi bằng chính con người đó. Không có người thứ hai - tr. 62.

Đàn bà, xét về một khía cạnh nào đó vẫn thuộc về kỷ niệm. Chúng tôi sống và không cách gì thoát khỏi kỷ niệm, kỷ niệm cứ như muốn mắc vào thịt da của chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi gần như không có gì khác ngoài kỷ niệm mà mình hằng có. Chúng tôi lớn lên và kỷ niệm bám đuổi theo, như một tay thợ săn truy đuổi xác chết vậy. Khi phanh phui kỷ niệm, chúng tôi mới hả dạ hả lòng - tr. 110.

Mỗi thời điểm, con người có một cách lựa chọn riêng, nhưng tiêu chuẩn của sự lựa chọn đó lại hoàn toàn giống nhau. Thực ra thì bản thân sự lựa chọn của mỗi người đã là duy nhất. Họ chỉ bớt đi phần tự cho là lỗi của quá trình lựa chọn trước, nhưng lại giữ lại gần như nguyên vẹn cái cũ ở một góc nhìn khác. Cuối cùng thì, cái cũ đã bị lặp lại - tr. 140.

Sự yêu thương, không giống như một sự mất đi. Chúng ta không tìm thấy ở đây, hoặc chúng ta bị tước đoạt ở đây, thì không có nghĩa chúng ta sẽ không tim thấy ở một nơi nào khác. Rồi thì nó sẽ tìm thấy. Đừng nghĩ cuộc sống quá rộng đến mức người ta sẽ bỏ quên chúng - tr. 151.

Sự cô đơn làm cho chúng ta không có nơi nương tựa - tr. 153.

(NXB Trẻ, 2015)

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Thế nào cũng tốt thôi

Windows XP Pro (2002) SP 3, Pentium 4 CPU 2.6Ghz 1GB Ram.

Đó là cấu hình bộ máy tính để bàn của tôi, hy vọng tôi đã viết đủ thông số.

Sau khi FPT thay đổi đường truyền Internet tốc độ cao kèm tặng một thiết bị modern có phát Wifi (sau nửa năm thông báo), bộ máy tính càng trở nên chậm chạp. Dĩ nhiên tôi có lý do để tin rằng đây là vấn đề thuộc về phần cứng. Khi sử dụng điện thoại để vào mạng, tôi không vấp phải sự ì ạch kinh hoàng như với cái máy tính của mình.

Tôi không nhớ tôi đã mua bộ máy vi tinh` này từ khi nào nhưng hẳn không ít hơn mười năm. Tất nhiên đã có sự sửa chữa và đôi khi nâng cấp. Ví dụ như với monitor, trước đây là một Samsung to đùng thì vài năm trước buộc phải thay bằng một Samsung phẳng phiu.

Có một lần trong toàn bộ thời gian sử dụng, bộ máy tính hư nặng nhất, hư một bộ phận thuộc CPU dẫn đến phải thay đồng bộ theo vài thứ khác. Tôi không có đủ ngân sách để thay một CPU hoàn toàn mới, điều mà chắc chắn tôi sẽ làm nếu có thể bởi vì vào thời điểm đó, không thể tìm được những linh kiện mới cho dòng sản phẩm cũ kỹ mà tôi còn dùng. Tôi thấy hơi xấu hổ nhưng anh thợ ráp và sửa máy vi tính cho tôi từ lúc anh còn là chàng trai độc thân đến lúc đó là người đàn ông một vợ một con (và nghe bảo giờ đây anh đã có thêm một em bé nữa), dù ngờ vực và có vẻ đã cho tôi là một kẻ keo kiệt với công nghệ hơn là một kẻ đang không có tiền, đã tìm và sử dụng những linh kiện còn dùng được trong những bộ máy tính cùng thời để thay thế cái bị hỏng. Từ lần sửa đó, bộ máy vi tính không hư hỏng gì nghiêm trọng hơn. Nhưng nó trở nên bất tiện với những lỗi lặt vặt và gần như mất khả năng kiểm soát virus. Đồng thời, nó chạy chậm và đôi khi ầm ĩ như cái quạt thông gió công nghiệp.

Thật ra nếu so sánh với những bộ máy vi tính tôi từng sử dụng trong quá trình đi làm, bộ máy của tôi chưa phải là tệ nhất. Anh thợ sửa vi tính từng nói rằng những ông chủ Việt Nam không mấy khi chịu chi cho những khoản thiết bị vi tính, bao gồm phần cứng cũng như phần mềm. Và những người phụ trách công nghệ thông tin như anh trong quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn vì vậy. Anh nói nhiều thứ khác nữa nhưng tôi đều quên cả rồi. Có lẽ bây giờ anh vẫn còn làm cố định cho một công ty và làm thêm với tư cách cá nhân. Dù tin tưởng anh nhưng phí của anh càng lúc càng cao. Có thể bây giờ đã leo lên tận nóc, với hai đứa con và một người vợ.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thời gian...


Tôi đang đọc cuốn Những đứa con của nửa đêm, cuốn sách dày cộm được đặt đầu giường cả tháng nay. Chỉ đang ở những trang 50-51, và có thể nói là nó có một khởi đầu, tuy hơi rối rắm nhưng đan xen những dòng văn khá hài hước.

Trước cuốn này, tôi đọc Từ thăm thẳm lãng quên, và tôi nghĩ cần phải ghi lại đôi dòng về tiểu thuyết của nhà văn Pháp đoạt giải Nobel văn chương năm 2014 – Patrick Modiano (chả hiểu sao tôi hay nhầm thành Mobiado, nếu không lầm, là một nhãn hiệu điện thoại hạng sang). Cái tin nhà văn đoạt giải Nobel tôi đọc thấy khi đang nghiền ngẫm cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Một sự trùng hợp (rồi sau đó Nhã Nam phát hành liền thêm hai cuốn tiểu thuyết của ông). Có lẽ cần có thêm Phố của những cửa hiệu u tối rồi ghi lại cảm nhận một thể  - bộ ba này được nhắc đến cạnh nhau, cùng là những tiểu thuyết ngắn với cảm thức về quá khứ, sự trôi giạt, sự mất mát. Nhưng thời điểm này có thể mua Phố của những cửa hiệu u tối nữa không thì tôi không chắc. Xuất bản sách giấy rơi vào một nghịch lý lạ lùng: ở mặt bên này, bạn thấy người ta than van nó gặp khó bởi sách điện tử (trên hết là tình trạng xâm phạm bản quyền trên mạng cũng như từ mấy lò sách in lậu); nhưng ở mặt bên kia, lượng sách phát hành vẫn bán hết veo (và tôi nghe rằng, lượng phát hành trên thực tế luôn nhiều hơn so với số bản thống kê chính thức in ở trang đầu hay cuối cuốn sách - có thể chỉ là lời đồn nhưng là một lời đồn kỳ lạ, ta không biết phải cười hay khóc khi nghĩ đến nó, cái phần trăm mà lời đồn đó có thể là sự thật).

Tôi gặp khó khăn với cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, ở những cái tên và địa danh tiếng Pháp. Tôi luôn sẵn có một câu trả lời, đơn giản thôi “Paris, Pháp” khi ai đó hỏi tôi muốn được đặt chân đến đâu. Mười mấy năm trước hay mười mấy năm sau, cái từ đó vẫn phun ra mà chủ nhân của tiếng nói vẫn chẳng biết tại sao và thậm chí chẳng mảy may bận tâm đến việc tìm hiểu về cái mình đang nhắc đến. Để rồi khi phố xá, quảng trường, những nơi chốn, những con đường giăng mắc trong cuốn sách mỏng của Patrick Modiano, tôi choáng váng. Tôi sẽ lạc mất thôi. Tôi thậm chí còn không thể phát âm cho ra hồn, đừng nói đến việc tôi sẽ nhớ. Dĩ nhiên, ở khía cạnh này, cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano thật dễ nể. Như một tấm bản đồ được phả vào sự sống, những nơi chốn được tỉ mỉ gọi tên, trong sự gắn kết xúc cảm của những con người đã đến, đã đi qua, đã trốn chạy: nếu Paris trong thực tế chẳng biết từ đâu và từ bao giờ đã vốn được khoác tấm áo huyền thoại, rất có khi đẹp hơn chính nó thì Paris của Patrick Modiano cũng chân thực, rắc rối, không ít bí hiểm, nơi mà dường như cứ khiến người ta phải buông mình vào ký ức. Tôi sẽ lạc, tôi nghĩ, nếu quả thật có ngày tôi đặt chân đến Paris.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Linh tinh ngày


Tôi nhuộm tóc, màu xanh lá cây. Đùa đấy, í tôi là màu vàng. Ha ha, vẫn đùa thôi, như vẻ mặt người thợ tóc khi hỏi: “Em tính nhuộm màu gì? Màu vàng à?” Khi đó cô thợ phụ giãy nảy “Làm sao chị ấy có thể nhuộm màu vàng được”. Và rồi mấy người họ không ngừng tranh luận về việc đó, cứ như đang nhuộm tóc của chính mình. Mãi tôi mới nói được, tựa hồ một người không liên quan, tôi thường nhuộm tóc màu nâu hạt dẻ và tối đến mức không ai phát hiện tôi nhuộm tóc; bây giờ tôi muốn một màu nâu sáng hơn, làm sao che được mớ tóc bạc của tôi, nhưng đừng biến tôi thành một bà già. À à, giải thích một chút, kẻo mọi người hình dung tôi lụ khụ như bà cụ đã trải tám mươi mùa xuân. Tóc tôi bạc từ những năm tôi còn rất nhỏ, mới có mười mấy tuổi đầu. Theo thời gian, tóc bạc nhiều lên chứ không ít đi, như những nếp nhăn trên vỏ não, như nỗi buồn. Nếu tôi có thể sống đến tuổi già thì đây là may mắn của tôi, tôi sẽ không thấy sốc khi nhìn thấy mớ tóc bạc trên đầu mình. Tôi có đủ sốc rồi, tôi còn chẳng đếm nổi. 

Bây giờ tóc tôi có màu nâu nhưng không biết nên gọi cụ tỉ là màu gì. Người ta bảo nam giới nhận diện màu sắc dở hơn nữ giới. Ví dụ với màu xanh, có đủ loại màu xanh, phụ nữ phân biệt chúng, nào là xanh da trời, xanh nước biển, xanh ngọc, xanh cô ban..vv..; đàn ông sẽ gọi tất cả chúng là màu xanh, hết. Ở góc độ này, ấy thế, tôi nghĩ tôi không có được cái nhìn của phụ nữ, như đáng lẽ phải có. Màu nâu, hẳn cũng có đủ loại màu nâu, nhưng tôi chỉ biết gọi là màu nâu. Nếu phải mô tả nhiều hơn để có thể phân biệt, tôi chịu thua. Tôi nghĩ màu tóc mới nhuộm, tôi không chắc là đẹp, mang đến một vẻ mới mới, kiểu tóc tôi muôn đời như một. Cũng tốt. Cuộc sống đôi khi cần cái mới hơn là cái đẹp. Con người vẫn thế. 

Sài Gòn có những ngày nắng chói chang, cái nắng điên rồ như muốn nung chảy mạng lưới những bức tường bê tông trong thành phố và lại có những ngày mưa như trút, vào sáng sớm hay cuối chiều, hạt mưa rơi thẳng đứng, ken dày trắng xóa. Bây giờ là tháng 9, thời tiết không đẹp hơn. Việc trông coi sạp hàng ở chợ khiến da dẻ Mỹ Mỹ đen hơn. Nhưng tinh thần cô khá tốt và cô tăng cân trở lại. Mười một hay mười hai năm trước, có lẽ tôi không hình dung Mỹ Mỹ sẽ gắn với sạp hàng này, như mẹ cô đã gắn với nó suốt đời. Hẳn Mỹ Mỹ cũng không nghĩ thế. Có lần cô kể, cô tình cờ nối lại liên lạc với một người bạn học chung hồi cấp hai. Anh ta tỏ ra thích cô. Nhưng khi anh ta biết, cô hiện làm gì, không một lần anh ta gọi cho cô nữa. Tôi im lặng. “Bạn phải cám ơn hắn vì đã làm thế”, Mỹ Mỹ nói. Tôi gật đầu. Chúng tôi ăn ốc và tán chuyện. Thi thoảng phá lên cười. Gió thổi từ hướng sông mát rượi. 

Nghe lại mấy bài hát Việt, phát hiện những bản nhạc về mùa đông tôi có rất ít. Hình như mùa thu được ưu ái hơn, trong âm nhạc cũng như trong thơ ca. Thử nhớ xem mình nhớ được bao nhiêu bài hát có mùa thu trong đó: 

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Đọc Takazi Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương


Thời điểm cuốn sách có mặt tại Việt Nam (cuối năm 2014 thì phải), nó trở thành tác phẩm mới nhất của Haruki Murakami, nghe bảo là tác phẩm đầu tiên được xuất bản sau ba năm hoàn thành bộ tiểu thuyết 1Q84. Dường như đây là chu trình sáng tác của nhà văn : sau những tiểu thuyết đồ sộ, Haruki Murakami sẽ "nghỉ xả hơi" bằng những tác phẩm nhẹ nhàng hơn, về độ dày cũng như nội dung. Kỳ thực tôi vẫn ưa thích những tiểu thuyết ngắn của ông, không hẳn vì lười đọc, mà vì chúng gần gũi và tập trung vào cốt lõi câu chuyện hơn. Những tác phẩm dài hơi, suy cho cùng, là sự thêm thắt của những tình tiết siêu thực. 

 Tsukuru không màu (tôi viết tắt như vậy, và cũng thường chỉ nhớ được như vậy), là một cuốn sách gợi nhắc về tuổi trẻ. Phảng phất cái gì đó của Rừng Nauy nhưng nhẹ nhàng và sáng sủa hơn (dạo xưa tôi chỉ thoáng đọc Rừng Nauy thông qua bản lược đăng trên mạng, sự so sánh như vậy có thể chông chênh, tuy nhiên từ những gì người ta nói qua nhiều đến tác phẩm làm nên tên tuổi của Haruki Murakami thì không quá khó để khẳng định điều đó). Cốt truyện của Tsukuru không màu tương đối rõ ràng, với chủ đề xoay quanh tình bạn nhưng trọng tâm vẫn là việc tìm kiếm bản thân (mặc dù kết thúc vẫn có thể là không tìm thấy điều gì cả) – luôn luôn, điều này có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm của Haruki Murakami. Trong lúc đọc Tsukuru không màu, tôi thoáng có suy nghĩ: nếu đây là tác phẩm thay thế cho Rừng Nauy, nó có gây tiếng vang lớn như cuốn tiểu thuyết ấy không? Như một cú lội ngược dòng, sau nhiều năm, nhà văn Nhật Bản như đang viết những tác phẩm đầu tay (chỉ như thôi, bởi để viết cái gì đó đơn giản hơn lẽ thường, đó có thể lại là kết quả của một bộ óc tinh vi). Tôi không chê cuốn tiểu thuyết mới. Điều tôi muốn nói là cho bất kỳ ai muốn khởi đọc Haruki Murakami thì Tsukuru không màu lại vô cùng thích hợp. 

Câu chuyện của Tsukuru, giữa những người bạn mà tên họ đại diện cho những màu sắc (và anh chàng nghĩ bạn bè của mình, như tên của họ, là những người "có màu", còn bản thân anh chàng thì từ tính cách và tên họ của mình, là người "không màu"). Một tình bạn đẹp bị đứt đoạn bởi một biến cố mà Tsukuru không hề hay biết, ngoại trừ cái sự thật là một ngày đẹp trời, cả bốn người bạn thân đều đồng loạt từ mặt anh. Thường trong quãng đời tuổi trẻ, người ta hay rơi vào nỗi đau do tình yêu gây ra nhưng trong câu chuyện của Tsukuru, anh suy sụp tinh thần bởi cùng lúc mất đi bốn người bạn thân, mà hoàn toàn không biết lý do tại sao. Ở điểm này, ngòi bút Haruki Murakami cho thấy hết sự tinh tế và thấu hiểu - trong cách viết về nỗi đau, không ồn ào, không gào khóc, mà âm thầm hủy hoại tâm hồn , một cái chết tinh thần mà chính chủ thể rất nhiều năm sau mới thấu nhận; tinh tế hơn nữa ở cách bỏ lửng lý do – Tsukuru lặng lẽ chấp nhận hiện thực, tuy trong lòng tồn tại câu hỏi, anh đơn giản là bỏ đi. 16 năm sau, lần đầu tiên có người bước vào thế giới của Tsukuru và khơi dậy câu chuyện năm nào. Chỉ khi đó, Tsukuru mới quyết định tìm lại bốn người bạn, truy tầm cả quá khứ lẫn tương lai. Khi cuốn tiểu thuyết kết thúc, cuộc đời Tsukuru vẫn đứng giữa hai cánh cửa, một cái có thể dẫn đến một thế giới mới, nơi hạnh phúc mỉm cười với anh, cái kia thì không, Tsukuru sẽ tiếp tục đơn độc như đã từng. Haruki Murakami khôn khéo, ông để độc giả có sự chọn lựa riêng nhưng cái kết u ám không phải là cái đích nhắm đến, có thể tin tưởng như vậy. Đại thể đó là nội dung cuốn sách. 

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Đọc Bóng hình của gió

Đây là cuốn sách, nếu nhớ không nhầm, ngốn của Còi Cọc nguyên một đêm nào đó. Khi tặng lại cho tôi, sau những dòng viết lạ lùng liên quan đến chim cánh cụt, con gì đó hình như là con cúm và con kiến, lời đề tặng của bạn ấy cũng đến với điểm chính: hy vọng tôi sẽ đọc cuốn sách mà không phải nâng lên bỏ xuống mấy bận (việc tôi đọc sách một cách lê thê lê lết có lẽ đã đến tai bạn mình, thiệt ngại!). Sự thực đúng là tôi hiếm khi có thể đọc cuốn sách nào đó liền một mạch, thường sẽ luôn có cái gọi là "nâng lên bỏ xuống mấy bận", đặc biệt là với những cuốn sách dày cộm. Tuy nhiên nếu bạn tôi có thể dành cả đêm để đọc một cuốn sách, thì bản thân hành động này với tôi gây hiệu quả chẳng khác gì cụm từ "made in Japan". Dĩ nhiên, Bóng hình của gió là một cuốn sách đầy hấp lực. Tôi tin một khi đã bắt đầu đọc thì dù là ai cũng rất nhanh chóng muốn ngấu nghiến nó tới trang cuối cùng.

Với một nhan đề phảng phất sự lãng mạn, lại được in kèm dòng chữ "phiêu lưu ly kỳ", từ cái nhìn đầu tiên, tôi có phần hơi nhầm lẫn đây là sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, thể loại trinh thám. Nhưng dù cái sườn dẫn dắt câu chuyện mang yếu tố ma mị và xuyên suốt cuốn sách là hành trình khám phá sự thật đằng sau những bức màn bí ẩn được sắp xếp khéo léo, tài tình, tôi nghĩ Bóng hình của gió không nên được ghép cho bốn từ "phiêu lưu kỳ bí". Nó có nhiều hơn thế:

Một vẻ ngoài mang phong cách huyền bí, với những màn theo đuổi kịch tính, những bí mật được giăng cài công phu, với đôi chỗ "tung hỏa mù", người đọc được dẫn dắt vào một mê cung, hệt như với Daniel, đã bước vào thì không thể ngừng khao khát kiếm tìm lời giải bên trong. Ấy thế xét về bản chất, Bóng hình của gió mang cốt truyện của một bộ phim tâm lý xã hội: một câu chuyện trải dài 30 năm, bao phủ bởi bóng đen chiến tranh, trong bối cảnh xã hội với sự phân tầng giai cấp cùng những vòng xoáy định mệnh nghiệt ngã; trên cái nền đó, bản nhạc đời được tấu lên với đầy đủ sắc thái: Tình yêu, tình bạn, sự thù hận, tội ác, nỗi cô đơn, sự mất mát, những hồi ức đau buồn chôn vùi con người trong bóng ma quá khứ không thể nào quên. Bóng hình của gió đẫm chất bi kịch, và sức nặng cùng dư âm của nó nằm cả ở đó, trong mỗi nhân vật, mỗi tình tiết, tuyến chính cũng như tuyến phụ, mỗi nhân vật mỗi số phận và chính những câu chuyện riêng cũng đạt đến độ "hay kinh người".

Bóng hình của gió – Carlos Ruiz Zofón

Mỗi câu chuyện, mỗi tập sách con thấy ở đây đều chứa đựng một tâm hồn. Tâm hồn của người đã viết nên cuốn sách, của những người đã đọc, sống và mơ ước cùng nó. Mỗi lần một cuốn sách qua tay một người đọc khác, mỗi lần người nào đó lướt mắt qua từng trang sách là một lần linh hồn của cuốn sách ấy trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn… Ở cửa tiệm chúng ta mua đi bán lại những cuốn sách, nhưng thực tế chúng không hề có chủ. Mỗi cuốn sách con thấy ở đây đều từng là người bạn thân thiết nhất của ai đó – tr. 12.

… giữa những trang bìa của mỗi cuốn sách kia đều tồn tại một vũ trụ không bờ bến đang chờ được khám phá, trong khi ấy, bên kia những bức tường này, tại thế giới bên ngoài, người ta để mặc cho cuộc sống trôi qua với những buổi chiều chìm đắm trong bóng đá và các xê ri kịch truyền thanh sướt mướt, hài lòng với chuyện chả quan tâm gì hơn những vấn đề của riêng mình – tr. 13.

… hiếm có gì để lại dấu ấn trong lòng người đọc sâu đậm như cuốn sách đầu tiên tìm được đường vào trái tim người đó. Những hình ảnh đầu tiên ấy, tiếng vọng của những từ ngữ mà ta tưởng mình đã bỏ quên lại phía sau tự khi nào, chúng vẫn đồng hành cùng ta trong suốt cuộc đời, chúng khắc tạc một lâu đài trong ký ức ta, nơi mà sớm hay muộn – bất kể ta có đọc bao nhiêu cuốn sách, khám phá ra bao nhiêu thế giới, thậm chí học được cách lãng quên bao nhiêu điều – chúng vẫn sẽ quay trở lại – tr. 15.

Chẳng có gì gọi là tử ngữ, chỉ có những ký ức ngủ đông – tr. 24.

… trên các con phố, nhà xưởng, trong trại lính, ta có thể đọc thấy tương lai rõ hơn nhiều so với đọc trong các tờ báo sáng – tr. 30.

… nhờ đọc sách, tôi có thể sống mãnh liệt hơn – tr. 37.

Một trong những cạm bẫy của tuổi thơ là đứa trẻ chẳng cần phải hiểu mới cảm nhận thấu điều gì đó. Tới khi trí não đử sức lĩnh hội những gì đã xảy ra, thì những vết thương lòng đã hằn quá sâu rồi – tr. 46.

Chẳng còn gì như cũ sau một cuộc chiến – tr. 48.

… điều xuẩn ngốc vĩnh viễn của con người là không ngừng theo đuổi kẻ khiến hắn tổn thương nhất – tr. 54.

Thời gian luôn chơi ở phe đối địch với ta – tr. 59.

Thực sự căm ghét ai đó cũng là một nghệ thuật mà ta phải học dần theo năm tháng – tr. 77.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

18 độ C

(Bản khi gửi cho tạp chí - Xem thêm ở đây)


Ông trở dậy, hé mắt nhìn đồng hồ. Gần sáu giờ sáng. Dù chẳng có nơi nào cần đi nhưng ông vẫn muốn rời khỏi giường. Ông nghĩ mình sẽ về nhà. Liền đó ông nghĩ, ở nhà không có ai đợi mình. Nhưng dù sao ông cũng phải về. Đó là mệnh đề thuộc về hiện thực. 

Hẳn cô cảm nhận được ông muốn bỏ đi nên vòng tay ôm ông thật chặt. Ông nhìn thấy mắt cô vẫn còn nhắm nhưng cử chỉ ấy của cô, có lẽ cô đã thức giấc. Ông khẽ cúi xuống áp môi lên tóc cô. Ý là tạm biệt. Nhưng tay cô ghì chặt lấy cổ ông. Có lẽ thậm chí cô muốn cuốn chặt lấy ông một lần nữa. Ông nhớ lại đêm qua. Mùi da thịt của cô, cái nóng trong những hơi thở, cảm giác khi ở trong cô. Nhưng đêm đã tàn, bây giờ ông biết mình phải trở về nhà. 

“Đừng đi…” 

Giọng cô khe khẽ, vẫn còn ngái ngủ. Ông gỡ tay cô, áp môi lên cánh tay mịn màng mát lạnh. Nghĩa là tạm biệt. Ông rời căn hộ khi trời dần sáng. 

*** 

Lũ sinh viên của ông, mỗi lần thấy ông đều chạy đến hoan hỉ hai tiếng: “Chào thầy!” Chúng dễ thương hết sức. Bao giờ cũng hỏi ông về cuốn sách hay bộ phim nào đó. Chúng cần ông giới thiệu cho chúng những món tinh thần hay ho cho tuổi trẻ - phần nhiều là nhàn rỗi của mình. Chúng nêu những cái tên, và không ngừng đặt câu hỏi “Thầy ơi, thầy nghĩ sao về cuốn Lotita? Bản dịch mới so với nguyên tác của nó ấy ạ? Có đáng đọc không thầy?”,“Thầy ơi, thầy dự đoán năm nay phim nào đoạt giải Oscar vậy thầy? Thầy nghĩ Amour có cơ hội không?”, “Thầy ơi, có phim nào thích hợp để xem với bạn gái không ạ? Ý em phim gì lãng mạn tí khi hẹn hò ấy!”... Khi ông sải bước trong sân trường, những cô cậu sinh viên vây quanh ông. Dù nhiều lần ông mỉm cười và bảo: “Cho tôi xin, tôi không thể biết hết tất cả!” thì đám trẻ cũng chẳng dễ buông tha ông. Điện thoại, email của ông trở thành nơi để học trò thi nhau hỏi. Đôi khi, ông nghĩ, có lẽ ý nghĩa đời ông vỏn vẻn có thế, trong những ánh mắt, trong những mong chờ sáng trong của đám học trò hướng về mình, trong hai chữ: “Chào thầy!” rộn rã. 

Chiều tối qua, bị thúc đẩy bởi cảm giác cô đơn, điều hiếm khi vướng bận ông. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ là tại bộ phim Mít Đặc và các bạn. Một phim Liên Xô cũ, của thiếu nhi, chả hiểu sao đã khiến ông buồn ghê ghớm. Có lẽ khi nhìn một đứa trẻ cô đơn người ta mới thấy hết nỗi khủng khiếp của sự cô đơn. Ông gọi cho cô và mời cô ăn tối. Nhưng lúc đó cô đang khóc. Cô nói ông có thể đến chỗ cô và cô sẽ nấu cho ông ăn. Ông lưỡng lự và rồi ông đồng ý. Ông quen cô từ hai tháng trước, trong một buổi triển lãm tranh. Cô ba mươi, ông năm mươi. Tuổi tác khiến ông ngần ngại. Nhưng trong tình bạn thì tuổi tác cũng chẳng đáng kể. 

Ở căn hộ của cô, họ gần như không ăn uống gì. Cô buồn vì tình yêu tan vỡ. Cô nói: “Chuyện tình mười năm của em, vậy là đi tong rồi!” Và dù không muốn, cô cứ khóc. Một cái ôm đến như sự an ủi giữa hai con người. Song le cô lại ngước mặt lên nhìn ông. Hơi ấm của cô, mùi thơm nhè nhẹ trên cơ thể và làn môi ươn ướt, sự mềm mại của cô cùng căn hộ của cô, với những bóng đèn trang trí hắt một màu vàng ấm cúng dịu đẹp như ánh nến. Môi họ khẽ chạm nhau nhưng trong khoảnh khắc, ông vội giằng cô xa khỏi mình. Cô hơi ngỡ ngàng. Cô chớp mắt, hỏi ông, giọng nhẹ như làn khói:

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Hãy chăm sóc mẹ & Chàng trai vườn nho


Hai cuốn này được tặng vào năm rồi. Dẫu Hãy chăm sóc mẹ hứa hẹn một câu chuyện xúc động hơn, trên thực tế tôi đã chọn đọc Chàng trai vườn nho trước. Có những nỗi xúc động trên đời mà việc tiếp nhận nó kỳ thực rất khó nhọc, trong đó dứt khoát có nỗi xúc động gây ra bởi tình mẫu tử. Luôn luôn, tình yêu với người mẹ hòa trộn trong đó cảm giác ân hận, sự day dứt – ta yêu mẹ mình bao nhiêu, cuối cùng trước mẹ, một người con vẫn vẹn nguyên mặc cảm tội lỗi. 

Một cảm giác thực nặng nề khi tôi đọc Hãy chăm sóc mẹ, tôi có thể hình dung rằng hẳn mình sẽ giống như cô nhà văn trong truyện, nhảy bổ vào sở cảnh sát và gào toáng lên tuyệt vọng "Hãy tìm mẹ tôi". Hoặc tôi sẽ phát điên trước khi làm thế. Ai có thể chịu đựng nổi, khi không biết mẹ mình đang ở đâu, trong một thế giới đã trở nên xa lạ với bà, giữa những ngày đông hay ngày hè; và mọi bất trắc đều có thể xảy ra… Tôi lật nhanh đến những trang cuối và mong đọc được một kết thúc có hậu. Song có lẽ câu chuyện cần một thông điệp đầy sức mạnh, mà cái kết có hậu có thể phá hỏng nó. Tôi không khóc. Nhưng nước mắt dường như thấm tim tôi…

Với cuốn sách đọc trước đó, Chàng trai vườn nho, có thể khái quát trong vài chữ: giống một kịch bản phim hơn là một tác phẩm văn học, ít dư âm nhưng cũng đủ dễ thương và thuần giải trí lành mạnh.

Hãy chăm sóc mẹ - Shin Hyung Sook

Mối quan hệ giữa mẹ và con gái sẽ thuộc một trong hai dạng, hoặc là biết rất rõ về nhau hoặc là giống như người xa lạ - tr. 24.

Người ta thường nói rằng khi đứa trẻ khóc, bà nội sẽ bảo, "Con khóc kìa, mau cho con bú đi", còn bà ngoại thì sẽ bảo, "Cái đứa trẻ này, mẹ thì đang mệt sao cứ khóc mãi vậy?" - tr. 239.

… tất cả những việc đã xảy ra thực chất đều hòa mình vào trong hiện tại, những việc ngày xưa đều trộn lẫn vào những việc hôm nay và những việc hôm nay lại trộn lẫn vào những việc trong tương lai và những việc trong tương lai lại trộn lẫn với những việc ngày xưa, chỉ là chúng ta không thể cảm nhận được mà thôi… - tr. 267.

Ngôi nhà là một thứ thật kỳ lạ. Tất cả mọi thứ đều hỏng hóc đi khi con người tác động đến, đôi khi ta có thể cảm nhận được chất độc của con người nếu ta tới gần người đó, nhưng nhà cửa lại không như vậy. Cho dù một ngôi nhà bền đẹp bao nhiêu mà không có người qua lại thì chẳng mấy chốc cũng sẽ bị phá hủy. Một ngôi nhà chỉ tồn tại khi có người sống trong đó, quét dọn lau chùi, chăm sóc nó – tr. 270-271.

(Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch, NXB Hà Nội và Nhã Nam, 2013)

Chàng trai vườn nho – Kim Rang

"Sao anh lại yêu em?"

"Em hỏi tại sao lại yêu à?"

"Vâng."

"Ai lại hỏi thế chứ? Người nói ra được lý do mình yêu thương người khác, chứng tỏ người đó không hề biết yêu."

"Đúng là như vậy. Khi yêu một ai đó, ta chẳng cần biết lý do vì sao ta yêu họ, ta chỉ có cảm giác đó như một sự mang ơn."

"Mang ơn ạ?"

"Ừ."

"Sao lại là mang ơn?"

"Nghĩa là ta cảm ơn người đã cho mình được nhìn thấy gương mặt mình nhớ nhung mỗi sáng thức dậy, ta cảm ơn vì người đó đã cùng mình ăn những món ăn mình thích, cảm ơn vì đã cùng chia sẻ thời gian hữu ích cho nhau, cảm ơn vì có thể được cùng nhau nhìn thấy gương mặt già nua khi về già, và cảm ơn vì người đó coi gương mặt già nua của mình là một vẻ đẹp, chứ không nghĩ nó nhăn nheo xấu xí."

(tr. 355 – 356)

(Khánh Lan dịch, NXB Lao Động và Nhã Nam, 2012)

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Âm thanh biến điệu

Sáng nay, tôi thấy một truyện ngắn của mình được đăng báo. Sau hai tháng, kể từ ngày gửi đi. Đó là một khoảng thời gian không ngắn... Tôi đã chờ đợi, và tôi nghĩ khi cầm tờ báo trên tay, có truyện ngắn của mình, tôi sẽ vui. Mặc dù đây là lần thứ hai truyện của tôi được đăng báo. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi dùng bút danh Vi Phong. Và lần trước thì cách đây quá lâu rồi...

Nhưng tôi không vui chút nào. Có thể khung khổ trang báo có hạn, người ta cắt bỏ quá nhiều, những đoạn buồn rầu và gợi cảm nhất, thậm chí cả tình yêu (với cái hình minh họa, người ta đã nhìn thấy gì trong câu chuyện tôi gửi đi? Đây không phải câu chuyện về ngoại tình). Hơn thế, nhiều câu văn bị chỉnh sửa, và chất giọng mệt mỏi của truyện, giữa những cắt xén, gọt giũa đã không giữ được nhịp của nó...

Nếu tôi đã cố gắng viết một câu chuyện, dù thế nào, có chất văn riêng của mình thì vào giây phút tôi lướt đọc nó trên trang báo, một cái gì trong tôi tan vỡ. Tên tôi ở đó nhưng câu chuyện của tôi thì không, nó đã biến điệu thành một âm thanh khác...

...

Tôi sẽ đăng lại truyện ngắn của mình trên blog vào tuần sau, khi bản truyện trên báo được tạp chí tôi gửi đăng lại trên website của họ. Tôi hy vọng ai đọc được bản truyện tạp chí đăng thì cũng đồng thời đọc được bản gốc truyện đăng ở đây, trước khi cả hai cùng được lãng quên.

...

Quả là một ngày thích hợp để nghe lại một bản nhạc của Trương Học Hữu, Đợi em đợi đến hoa cũng tàn.

"Mọi người đều hỏi 'Rốt cuộc thì tôi vẫn còn chờ đợi điều gì'?
Đợi đến khi xuân hạ thu đông trôi qua, mà lẽ nào vẫn còn chưa đủ hay sao?

...Đáp lại điều đó là sự im lặng vô tận...
... Tôi đợi chờ, đợi đến hoa cũng tàn rồi..."


Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Màn ảnh TVB (3)

Tôi viết dựa theo trí nhớ, sự yêu thích riêng và trong khuôn khổ những bộ phim tôi từng xem. 

3. Moses và Maggie: Một sinh mạng – Một tấm lòng 

“Nếu phải đi đến tận cùng gió thổi mưa giông 
Phiền não để lại sau lưng, xin đừng nhìn nó nữa… 
Tin tưởng không, ôm chặt lấy cô ấy 
Yêu thương nhau đến đời đời kiếp kiếp, ai đó kinh ngạc”*


Hẳn Miêu Thiên đã phải lòng Cố Tân Nguyệt từ lần đầu tiên nhìn thấy cô, khi anh hãy còn là một cậu bé sún răng 10 tuổi còn cô thì đang ngồi trong kiệu hoa về nhà chồng. Thế nên hình bóng Cố Tân Nguyệt vẫn luôn lảng vảng trong tâm trí Miêu Thiên. Nhiều năm qua đi, anh không từng rung động trước người con gái khác, chỉ chuyên tâm với việc thu hoạch thảo dược trong một ngôi làng hẻo lánh. 

Một lần, khi dẫn dắt các thanh niên trong làng đến Quảng Châu bán thảo mộc, anh tình cờ nhìn thấy Cố Tân Nguyệt. Dù chỉ thoáng qua, Miêu Thiên nhận ra chị gái năm nào ngay. Cố Tân Nguyệt khi đó là phu nhân nhà họ Hạ, có ba đứa con nhỏ, cuộc sống ngỡ không còn gì viên mãn hơn.


Số phận run rủi khiến Miêu Thiên nợ Hạ Thế Chương, chủ một hiệu thuốc lớn ở Quảng Châu, cũng là chồng của Cố Tân Nguyệt một ân tình. Sau đó, anh còn phát hiện ông Hạ có nhân tình ở bên ngoài. Khi Cố Tân Nguyệt phát hiện sự thật này cũng là lúc Hạ Thế Chương đột ngột qua đời. Lúc này một mặt cô phải chèo chống cả gia đình một mặt phải đối phó với những âm mưu nhắm vào công việc kinh doanh của nhà họ Hạ. Miên Thiên đã tình nguyện ở bên cạnh Cố Tân Nguyệt, với tình yêu lặng thầm, cùng cô vượt qua sóng gió này đến sóng gió khác. Tình yêu của anh như mạch nước ngầm thấm sâu lòng đất, từ lúc nào cũng khiến trái tim Cố Tân Nguyệt xao động.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Lọt qua cánh cửa hẹp


Tôi một mình đi trên con đường nhỏ…

Liệu đó có phải là một câu thơ, trong hầm bà lằng những câu thơ tôi đã đọc, đã quên, còn mang máng nhớ? Tôi không chắc lắm. Nó thiếu nhạc điệu, và trước và sau nó, không có câu nào vang lên nữa cả. Mà thơ thì có tính nhạc, và thơ thì ít khi chỉ một câu đã đủ. Ấy thế, mỗi lần đi trong  sân trường luật, đặc biệt là khi về, trong tôi vang lên câu ấy, như kiểu một câu thơ.

Tôi một mình đi trên con đường nhỏ…

Trường Nguyễn Hữu Thọ xây xong từ bao giờ, và con đường vòng từ bảo tàng chạy sang trường luật hoàn thiện từ lúc nào, tôi không biết. Khi theo đường cũ đến trường luật, tôi thấy mọi thứ đều xa lạ.

Buổi phổ biến quy chế thi diễn ra vào chiều thứ sáu. Và trong khi xem danh sách phòng thi, tôi thoáng chút ngại ngùng. Dò tên mình trong danh sách, tôi ghi lại bằng bút và giấy. Xung quanh tôi những chiếc điện thoại màn hình to không ngừng chớp lóe. Hội trường đã đông như nêm và tôi ngồi trên mấy cái ghế nhựa được xếp thêm dưới cùng. Cho đến khi một chị nào đó xuất hiện, như thể đã quen tôi từ trước, rủ tôi lên ngồi cùng hàng ghế phía trên. Chị làm tôi thoáng nhớ đến chị Th, cùng một kiểu thân thiện ấy. Chị Th bỏ luận văn cao học ở những giai đoạn cuối. Chị bảo chị muốn làm “nghiên cứu sanh”. Và chị sinh thêm bé con thứ ba. 

Tôi và chị gái kia không thi chung phòng, tên chị và tên tôi cách nhau như buổi sáng cách buổi chiều. Chị rủ tôi đi mua thêm sách luật, sau khi nói với tôi mấy cái văn bản pháp luật in ra trên giấy không được phép sử dụng. Tôi thấy vô lý nhưng tôi hốt hoảng. 

Ở nhà sách Chính trị Quốc gia, trong lúc tôi với tay lần lữa giữa các loại luật, nhiều quá, một anh nhìn tôi cười cười hỏi: “Mai thi hả?”. Tôi gật đầu. Và tất cả những người có mặt ở nhà sách, trừ nhân viên, tất cả nhận ra nhau là thí sinh của cùng một cuộc thi. Trong vòng độ tiếng, sách luật, bao gồm cả luật đã và sắp hết hiệu lực, được tiêu thụ hẳn nhiều hơn trong cả tháng gộp lại.

Buổi sáng của ngày thi đầu tiên, tôi quyết định đi taxi. Tôi đeo balo và xách theo một túi giấy. Tôi đến trường khi đồng hồ nhích sau sáu giờ vài phút. Đã có những người đến sớm hơn tôi. Và trên sân trường không hiếm những người vừa kéo vali vừa tay xách nách mang. “Hành lí” của tôi vẫn là gọn nhẹ vô cùng.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Tiếng chim hót trong bụi mận gai


Cuối cùng cũng đọc xong. Dài quá, tôi nghĩ, cả trong quá trình đọc lẫn khi đọc xong. Nửa năm, và giữa chừng là mấy cuốn khác, chủ nhật rồi tôi mới đi đến trang cuối cùng. Một ngày cuối tuần nhiều mưa, và chẳng có cách nào chống chọi sự buồn chán bằng cách đọc một cuốn sách… Dẫu đó là một cuốn sách, khi đọc xong, tôi phát hiện nó buồn quá thể…

Tôi nhớ bộ phim cùng tên, tuy không hẳn là fan của phim này, khi ấy tôi còn quá nhỏ, song những ấn tượng đọng lại chưa phai mờ: Mecghi rực rỡ, đầy quyết liệt và cứng cỏi –  như một con chim sẵn sàng chịu chết; và ở thế đối lập, cha Ralph trầm tĩnh, chừng mực và đầy lảng tránh – một con chim ẩn mình chờ chết. Điện ảnh đã chọn những gì đắt nhắt, điều này không hẳn không có lý. Người xem muốn một câu chuyện tình yêu đầy ám ảnh thì họ đã có nó. Tiểu thuyết kể một câu chuyện rộng hơn, một lịch sử về gia đình Kliri. Có lẽ vì vậy mà tình yêu của Mecghi và cha Ralph dường như ít đau đớn hơn so với phiên bản điện ảnh, nhưng tình yêu ấy buồn, nỗi buồn dai dẳng, đậm sâu như chính số phận mỗi con người trong gia đình Kliri ở vùng đất khô nghiệt Đrôghêđa, như màu tro của hoa hồng, cái màu áo Mecghi mặc khi nàng đã về già…

Colleen McCulough xây dựng một cha Ralph quá hoàn mỹ, mà vẻ điển trai đĩnh đạc của diễn viên Richard Chamberlain năm nào hóa ra cũng chưa đủ. Không chỉ thế, cha có tài năng của một nhà ngoại giao, một người thông minh, bản lĩnh, tự chủ và đầy lý trí. Và cha sẽ mãi như vậy, nếu không có Mecghi. Mecghi phá vỡ sự cân bằng tỉnh táo trong Ralph. Chỉ với Mecghi, người ta thấy Ralph vẫn là một con người mà trước sự rung động, ông đầu hàng, dù chỉ trong những khoảnh khắc. Trong trí nhớ của tôi, cha Ralph trong phim “nhát gan” hơn. Trong tiểu thuyết, Ralph không phủ nhận tình cảm của mình. Ông chỉ không chọn tình yêu với Mecghi, và không phải vì ông “nhát gan” hay vì tình yêu với Chúa quá lớn, mà vì ông không muốn đánh mất những gì mình đã có, sẽ có nếu chọn Mecghi, thay vì chức phận của mình (vả chăng, nếu chọn Mecghi, ông chỉ có nàng, nhưng chọn danh vọng, trên thực tế Ralph có cả hai). Mecghi trong tiểu thuyết, ngược lại, dường như ít rực rỡ hơn so với hình ảnh Mecghi của nữ diễn viên Rachel Ward, cũng ngây thơ và dịu dàng hơn. Tôi nhớ sự ngoan cường của Mecghi trong phiên bản điện ảnh, nàng làm chủ số phận mình, đấu tranh cho tình yêu, thứ tình yêu mãnh liệt, pha trộn giữa đắm say và thù hận. Mecghi dưới ngòi bút của Colleen McCulough da diết, tha thiết không kém, song ở những khúc quanh nào đó, nàng xuôi theo dòng chảy định mệnh. Nàng mang trong mình nỗi buồn nhiều hơn là sự đau đớn phẫn nộ và kể cả khi nàng căm thù thì nỗi căm thù ấy cũng mang dáng dấp của một nỗi buồn lặng yên. Và nàng cuối cùng đã chọn sống bằng cách ngắm nhìn nỗi buồn của mình, chấp nhận suy tàn cùng nó trong đời sống cô quạnh ở Đrôghêđa…

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCullough

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... - tr. 9.

Tuổi già là sự trả thù tàn bạo nhất mà Chúa trời hay thù hằn trút lên đầu chúng ta. Tại sao ông ta không đồng thời làm cho tâm hồn ta già đi? - tr. 226.

Mọi cái trên thế gian đều có quyền ra đời, kể cả ý nghĩ - tr. 253.

kí ức không phải là thứ sờ được mó được, dù có cố gắng đến thế nào đi nữa, cảm giác thực không trở lại, chỉ còn lại một ảo giác, một cái bóng, một đám mây buồn rầu đang tan dần - tr. 283.

Chưa chắc có người nào lí giải được rõ ràng trong hai điều sau đây cái gì nặng nề hơn: sự khắc khoải vô thức đi liền với sự bồn chồn kích động, hay niềm mong muốn rõ ràng và xác định, nhất quyết tìm cách để được toại nguyện - tr. 290.

Thời gian trôi qua mà nỗi đau vẫn không giảm bớt. Trái lại, nó càng giày vò mãnh liệt hơn, biến thành một khổ hình lạnh lùng ghớm ghiếc. Trước kia sự cô đơn không có diện mạo, cha chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lấy một người bước vào đời cha và có thể chữa lành bệnh cho cha. Bây giờ sự cô đơn có tên: Mecghi, Mecghi, Mecghi... - tr. 301.

mỗi người chúng ta đều có nỗi đau xót và buồn rầu của mình và những hồi ức đau buồn chẳng phải là điều tội lỗi - tr. 302.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương - Haruki Murakami

Mục đích hạn hẹp khiến cho cuộc đời trở nên đơn giản - tr. 26.

Dù cậu đã khéo léo che giấu ký ức ở một nơi nào đó, dù cậu đã nhấn nó chìm nghỉm xuống đáy sâu, nhưng cậu không thể xóa bỏ được lịch sử do nó tạo ra... Riêng điều này thì cậu nên nhớ. Không thể xóa bỏ cũng như làm lại lịch sử. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc giết chết chính cái thực thể là cậu - tr. 42.

"Khi cảm thấy cơn đau không thể chịu nổi, gã sẽ rời bỏ thân xác. Thế rồi từ cái nơi không đau đớn cách xa đó một chút, gã sẽ quan sát Tazaki Tsukuru đang chịu đựng nỗi đau. Nếu tập trung ý thức một cách mãnh liệt, điều đó không phải là không thể.

Cái cảm giác đó đến giờ vẫn sống dậy trong gã mỗi khi có cơ hội. Cảm giác rời bỏ bản thân. Cảm giác ngắm nhìn nỗi đau của chính mình như thể đang ngắm nhìn nỗi đau của kẻ khác."

(tr. 44)

...trong đời người, chỉ cần tìm thấy một đối tượng mà mình quan tâm dù rằng hạn hẹp, thì đã là một thành tựu to lớn rồi còn gì - tr. 55.

Khởi sinh của phản tỉnh là nỗi đau. Không phải tuổi tác - tr. 57.

Con người bị tước đoạt tự do tất yếu sẽ căm ghét ai đó - tr. 68.

Mọi thứ đều cần có khuôn khổ. Tư duy cũng vậy. Không việc gì phải sợ khuôn khổ, song cũng đừng sợ phá vỡ khuôn khổ. Đây là điều tối quan trọng để con người có được tự do. Vừa kính nể vừa căm ghét khuôn khổ. Mọi thứ quan trọng trong cuộc đời đều có tính hai mặt - tr. 69.

Có vẻ như một cuộc đời tưởng chừng vô cùng bình ổn và nhất quán, thì đâu đó vẫn tồn tại một khoảng đứt gãy. Cũng có thể gọi đó là quãng thời gian để điên. Một thứ mang tính dấu mốc như thế có lẽ luôn cần thiết cho cuộc đời con người - tr. 76.

Mỗi người đều có màu sắc của riêng mình, màu sắc đó tạo thành một quầng sáng lờ mờ dọc theo đường nét cơ thể. Kiểu như ánh hào quang, hay đèn nền vậy... Có những màu được ưa thích, cũng có những màu gây cảm giác vô cùng khó chịu. Có những màu vui vẻ, cũng có những màu buồn bã. Có những người tỏa ra thứ ánh sáng đậm đặc, cũng có những người mờ nhạt... - tr. 89-90.

Về cơ bản, chúng ta đang sống trong một thời đại dửng dưng, nhưng đồng thời cũng bị bao bọc bởi một khối lượng thông tin khổng lồ về những con người khác. Nếu muốn, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng lấy được những thông tin như thế. Dù vậy, chúng ta thật sự gần như chẳng biết gì về mọi người - tr. 139.

Dù có khéo miệng đến đâu, cũng khó lòng bán được cho người khác cái mà bản thân mình không thể chấp nhận - tr. 158.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Mỗi năm đến hè

Mấy ngày cuối tháng năm, chiều Sài Gòn có lúc vần vũ mây đen. Có cơn mưa nặng hạt ở đâu đó. Có cơn mưa trên một đoạn đường tôi về và tôi đầm mình trong nó mà chẳng màng mặc áo mưa. Khi rẽ vào một con đường nhỏ, trên lòng đường chẳng có cái xe nào lưu thông, tôi nhìn thấy phía trước một cái cây cong hẳn về một phía. Dưới sức nặng của gió mưa, cái cây ấy dường như chỉ muốn gãy. 

Người tôi ướt như chuột lột, ông già người Hoa nhìn bảo: “Trời mưa mày không mặc áo mưa ướt mẹ nó hết rồi”. Tôi cười xuề xòa. Ở chung cư có cái bất tiện. Tôi gửi xe. Ông già người Hoa cầm cây dù từ trong nhà bước ra. Ông che mưa cho tôi. Một ông già cao chưa đầy mét sáu, một vợ, ba con, vài đứa cháu. Đến nơi, tôi hét ầm ĩ, hai lần: “Con cảm ơn”. Tôi không biết ông ấy có nghe được không. Vài năm nay, tai ông ấy gần như điếc.

Mấy cơn mưa lớn, tôi ngỡ thế là mùa mưa Sài Gòn đến rồi nhưng sáng nay, ánh nắng lại vàng ruộm khắp nơi. Ánh nắng của ngày đầu tiên của tháng sáu. Nắng như màu lửa cháy/sém lòng một vết thương. Trong cái nắng này, tôi thấy mình ủ rũ. Như trong mấy giấc mơ, thường có sẵn nỗi buồn khủng khiếp. 


Mấy bữa nhìn tụi con nít ngồi trước một hiên nhà nhuộm những chỏm tóc trên đỉnh đầu, màu xanh lá cây, màu vàng, màu cam, tôi ngớ ra tụi nhỏ đã vào hè. Mùa hè, chỉ đám con nít là vui nhất. Tôi nhìn niềm vui đó với vẻ hiếu kỳ, lạ lẫm. Tôi đã ở quá xa những mùa hè còn có thể có niềm vui trong đáy mắt.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Thời đại dửng dưng


Tôi đang dừng đèn đỏ, một xe gắn máy trờ tới bên cạnh, khoảng cách quá gần so với khoảng cách thông thường khi đường phố không ken dày xe cộ hay đang trong tình trạng kẹt xe. Tôi ngó mắt sang nhìn, thấy một gương mặt đàn ông, chỉ một giây thôi rồi tôi hướng cái nhìn của mình thẳng con đường trước mặt. Song bên tai tôi văng vẳng câu nói: Cho anh mười ngàn đổ xăng chạy xe về Long An… Tôi lại ngó mắt nhìn sang. Trong khoảnh khắc tôi nghĩ đến việc dừng xe và lấy tiền từ trong cốp. Nhưng điều tôi đã làm sau đó, tôi hẵng còn ngạc nhiên về tính tự nhiên trong hành động của mình, là quay mặt đi và phóng rất nhanh khi tín hiệu đèn xanh bật. Tôi không nghĩ gì. Tôi chỉ nhìn vào kính chiếu hậu, để chắc chắn không có cái xe nào bám đuôi mình. Rất lâu sau, tôi mới tự hỏi, có khi nào tôi đã từ chối giúp đỡ một người đang thực sự cần sự giúp đỡ?

Tôi không thể chắc chắn về câu trả lời. Tôi đã gặp nhiều trường hợp tương tự. Và trường hợp nào, khi là lần đầu, tôi đều không ngần ngại rút tiền đưa cho họ. Để rồi, như cái lần tôi nhìn thấy người đàn bà trong dáng vẻ “dở người” từng xin tiền xe về Tiền Giang, một lần nữa tôi lại nhìn thấy bà ta, trong dáng vẻ đó, cùng một kiểu xin tiền đó. Và nếu giờ đây, ngồi liệt kê những màn “móc” tiền từ túi người khác của cơ man những gương mặt người tôi đã gặp, tôi biết chỉ là đào sâu thêm cái lòng tin đã cạn của mình.

Ngày hôm qua, một người xin tiền tôi. Và tôi đã bỏ mặc anh ta.

Ước chi mọi việc giản đơn
Như bó tầm xuân vừa mới hái…*

...

Tôi không nhận được hồi âm từ phía NXB. Dù công khai một quy trình rõ ràng, tôi không nhận được bất cứ hồi âm nào sau gần hai tháng gửi bản thảo. Lần này tôi không hỏi nữa. Tôi biết, nếu cố hỏi, tôi sẽ nhận được câu trả lời. Nhưng câu trả lời là gì thì đâu cần hỏi tôi cũng đã biết, sau hơn một lần kinh nghiệm.

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Nói với mình (3)



Buổi sáng, hai ngày liên tục, mình hắt xì hơi, một lần ba cái, một lần hai cái. Dấu hiệu của cảm cúm, mình nghĩ. Nhưng may mắn là không. Duy có cổ họng mình hơi rát. Mình tọng quá nhiều nước đá. Cái nóng Sài Gòn tàn nhẫn. Cái nóng tháng Năm. Tháng Năm buồn chán như một cô gái già cảm thấy cuộc đời mình sắp hết. Nhưng lại luôn tự nhủ, vào lúc nào đó, như ánh nắng chói chang hãnh tiến tràn ngập khắp vỉa hè, nhất là mấy đoạn qua cầu, không một bóng cây che, rằng: “Mị còn trẻ, Mị còn trẻ lắm, Mị wanna party”.

Mình xem thử hắt xì hơi vào cái ngày giờ như thế có điềm báo gì, hị hị. Và câu trả lời: Bạn đang thích một người cho ngày đầu và ở ngày hôm sau, Một ngày tốt đẹp hay Bạn có lộc ăn. Hài dễ sợ, mình thấy. Hôm trước, mình nói với Mỹ Mỹ, cuộc sống của mình không có khe hở nào dành cho sự lãng mạn. Mỹ Mỹ gật gù. Sau bận yêu phải gã ưa khủng bố tinh thần bằng cách dọa giết và đủ thứ hành động điên rồ khác, Mỹ Mỹ đâm ngán tình yêu hơn xưa. Nhưng mình nghĩ mình hiểu bạn mình. Có thế nào thì cô ấy sẽ vẫn tìm một anh chàng nào đó. Và mặc dù mấy mối quan hệ đàn ông đàn bà, lổn nhổn trong đó “toàn sạn đạo”, mình vẫn biết, đó là cách cuộc sống tiếp diễn. Một dòng chảy tình cảm bị chặn đứng, và người ta chẳng khác gì cái kiềng ba chân thiếu mất một chân.

Mỹ Mỹ nói trong lớp ngày xưa, nhiều người bặt tin; Mỹ Mỹ nhắc vài cái tên và tự hỏi, không biết bây giờ L làm gì, ra sao. Mình bảo trong tiệc cưới Tr vài năm trước, chẳng phải có người bảo cậu ấy giờ đã làm cha xứ. Mình nói có thể L có những chuyện buồn nào đó, ngày xưa cậu ấy ở trên lớp thì không nói gì nhưng mỗi tối thường hay gọi điện nói chuyện phiếm với mình. Có lần vài năm sau đó, nghĩa là cách đây độ mười năm, L đột nhiên gọi cho mình, tự giới thiệu là một người bạn của L, và nói rằng L buồn lắm, L thấy mình trên núi Bà Đen, L vẫy mình nhưng mình không ngó ngàng đến cậu ấy... Mình đã chỉ biết nói, nghĩa là vờ chấp nhận người gọi cho mình đúng là bạn của L và nhờ bạn ấy chuyển lời đến L, rằng mình không từng như thế, chắc chắc là mình không nhìn thấy L trong chuyến đi đó, nếu thấy, không có lý do nào mình ngoảnh mặt làm ngơ. Mình vốn không rõ L gặp phải những chuyện gì trong cuộc sống, cậu ấy chưa bao giờ thực sự nói rõ. Ngày xưa khi ở trên lớp, L trong dáng vẻ chỉn chu thường chỉ hay cười cười và cư xử với mình chỉ như một người bạn học chung lớp bình thường. Và mình cũng đối với cậu ấy như vậy.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Đằng sau bức tranh - Sri Boorapha

...'Tuy rằng chúng ta sinh ra không phải là hoa Sakura, cũng đừng tủi hổ khi sinh ra là một loài hoa khác. Hãy là bông hoa đẹp nhất trong giống loài của mình. Ngọn núi Fuji chỉ có một, nhưng vẫn còn biết bao nhiêu ngọn núi khác...Tất cả chúng ta không thể trở thành thuyền trưởng được, bởi nếu không có những con thuyền nhỏ, chúng ta sẽ ra khơi thế nào? Tuy rằng chúng ta không phải là con đường lớn, thì xin hãy là con đường nhỏ... Tuy rằng không thể là mặt trời, thì hãy là những ánh sao...' - tr. 51.

 ...bản thân người phụ nữ, khi có được niềm hạnh phúc rồi cũng thường không quan tâm nhiều đến thứ gọi là tình yêu nữa, bởi vì dù có phải là tình yêu hay không, khi có được hạnh phúc thì chẳng cần thêm thứ gì nữa. Nhiều người sống với nhau cũng vì lẽ như thế, và số đông tin rằng tình yêu sinh ra hạnh phúc, nhưng theo quan điểm của ta thì không phải lúc nào cũng đúng. Tình yêu có thể là mầm mống của sự chịu đựng hay nhiều loại tội ác trong cuộc sống. Nhưng trong trái tim của những người sở hữu tình yêu như vậy, sẽ có một loại thần dược ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn họ suốt đời suốt kiếp - là sự yêu thương sâu nặng đến lạ kỳ... - tr. 67-68.

Không có gì dại dột bằng việc lo lắng về những điều không có thật hay thứ chỉ có trong giấc mơ mà thôi... Việc có được nhiềm hạnh phúc mà không có tình yêu có lẽ sẽ tốt hơn việc mơ màng đến một tình yêu mà không có được hạnh phúc - tr. 69.

Con người có thể độc ác, nhưng thế giới vẫn rất đáng yêu, không phải sao? - tr. 98.

... đừng quên là chúng ta đang nói tới câu chuyện đã qua, một câu chuyện đã có hồi kết, không đáng để cho chúng ta phải tranh luận... -tr. 98.
 
Hoa hồng không thể đâm chồi trên đường bê tông được đâu - tr. 101.

...Khoảnh khắc gặp được tình yêu là sự gặp gỡ của duyên phận. Tôi xin công nương, làm ơn đừng lấy lý do ra để nói chuyện, làm ơn đừng lấy tư cách đạo đức ra để bàn luận. Tôi sẽ không có đường để trả lời. Những điều này được tạo ra đằng sau quy luật tự nhiên và mỗi người chúng ta đều sẽ phải theo sự chỉ dẫn của trái tim.

...Cậu tin rằng, xã hội sẽ thừa nhận cái quy luật tự nhiên mà cậu đưa ra à? Nopporn, hãy tin ra, cậu phải đối mặt với thực tế, chỉ có thực tế mới có thể quyết định số phận của chúng ta. Quy tắc và sự lý tưởng hóa có thể mỹ lệ nhưng lại vô ích trong hành động thực tế.

(tr.105)

Tôi cũng không biết nếu một người đang nhớ tới một ai đó bằng tất cả trái tim và thổ lộ những cảm xúc đó với tất cả sự chân thành từ tận đáy lòng thì có gọi là không tỉnh táo được không? - tr. 128.

"Nhớ không Nopporn, ở nơi đó đã xảy ra điều gì?"...

"Tình yêu của tôi sinh ra ở nơi đó". Tôi trả lời.

"Tình yêu của chúng ta, Nopporn"... "Tình yêu của cậu sinh ra ở đó và cũng chết ở nơi đó, nhưng tình yêu của người còn lại thì vẫn âm ỉ trong thân thể đang dần khô héo"...

"Ta chết mà không có được người yêu ta
Nhưng ta mãn nguyện vì đã tìm được người ta yêu."

(tr. 182)

(Trần Quỳnh Trang dịch, NXB Văn học & Quảng Văn, 2014)
 

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Nói với mình (2)




1. Mình cứ nghĩ là USB đã bị xóa sạch dữ liệu.

Trong hai ngày, mình thậm chí không nghĩ đến việc có thể tìm cách nào đó để khôi phục. Như ngày xưa, có lần mình đã dùng Recuva để khôi phục vài thứ đã xóa. Lần này mình không nghĩ đến điều đó.

Còi Cọc thường cảnh báo mình, rằng mình phải thực hiện sao lưu/liên tục sao lưu. Dữ liệu trong USB là thứ vô cùng dễ bị virus phá hủy, khi nó được dùng với nhiều máy tính khác nhau.

Đôi khi mình thấy mệt với các loại thiết bị công nghệ. Ở xung quanh con người, bây giờ chỉ toàn là những thứ này. Chúng lưu hầm bà lằng mọi thứ. Như cái máy tính để bàn của mình. Mình dọn dẹp, sắp xếp và sau đó chúng lại bừa bộn. Theo thời gian, nó trở nên chậm chạp, ì ạch. Và mình đoán chừng, nó sẽ chứa, nào virus, nào trojan, nào mã độc… Từ lâu, chúng đã không còn có thể được bảo vệ nữa…

Mình có quan tâm không?

Không. Một ngày nào đó, dĩ nhiên mình sẽ tống khứ mấy cái thứ đã cũ mòn này. Nhưng cho đến lúc đó, mình sẽ không động tay để cải thiện. Mình mặc kệ.

Có nhiều thứ quan trọng đấy. Mình nghĩ và người ta vẫn nói. Nhưng rồi khi chúng mất đi, mình chợt nhận ra, không, không có gì quan trọng đến thế! Vào cái khoảnh khắc nhìn thấy mọi dữ liệu sạch trơn, mình buông mình trong một cảm giác phó thác nhẹ nhàng…

Ấy thế, mấy cái hầm bà lằng trong USB chỉ là bị ẩn đi. Chúng vẫn còn đó. Và mình đoán, kèm theo một đống virus ẩn tàng…

2. Một tuần lễ quá mệt mỏi. Và nếu không quay đi, trước mặt Còi Cọc, hẳn mình đã khóc tu tu như một đứa trẻ. Mấy giọt nước mắt ngớ ngẩn. Mình không nhớ lần gần đây nhất khóc là khi nào. Mình luôn biết. Thỉnh thoảng mình khóc. Thỉnh thoảng mình không khóc.

Có lúc đi trên đường. Và mình biết là nếu không gắng nhủ chậm lại, mình hoặc sẽ tông vào xe người khác hoặc trở thành đối tượng bị người khác tông xe.  Khi mình đã có thể, ngủ những giấc khỏe khoắn hơn thì dù mắt mình nặng trĩu, mình vô cùng buồn ngủ, mình lại chẳng dễ ngủ được và thức dậy sớm hơn cả thường lệ.

Còi Cọc bảo là hãy kệ mẹ mọi thứ. Mình đồng ý. Mình cần phải kệ mẹ mọi thứ.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Màn ảnh TVB (2)

Tôi viết dựa theo trí nhớ, sự yêu thích riêng và trong khuôn khổ những bộ phim tôi từng xem.

2. Sheren và Wayne: Cầu mong người trường tồn, ngàn dặm nối kết nhau


Xứng danh tài nữ phát hành tại Việt Nam vào năm 2009. Một năm sau, được xem là phần hai của nó, mặc dù kể một câu chuyện khác, Nghĩa hải hào tình ra mắt. Ít nhất từ năm 2009 đến nay, tôi nghĩ không có phim nào của TVB hay bằng hai phim này, bất chấp năm rồi Sứ đồ hành giả càn quét các giải thưởng (có lẽ tôi chưa bao giờ là fan của dòng phim cảnh sát, tôi chỉ xem nổi đến tập 20 nhưng tôi tin rằng để kể một câu chuyện rung động lòng người thì Xứng danh tài nữ và Nghĩa hải hào tình ở một vị trí chói sáng hơn hẳn). Cả hai tác phẩm này đã giúp người ta nhìn rõ hơn tài năng của hai diễn viên mà quá trình sự nghiệp của họ gắn với những nỗ lực không ngừng, đồng thời ghi dấu sự ra đời của một cặp đôi kinh điển, đó chính là Sheren Tang - Đặng Tụy Văn  và Wayne Lai - Lê Diệu Tường.


Một đỉnh cao sự nghiệp

Một thời gian khá dài và như tôi nhớ, tôi không còn hứng thú với phim nhiều tập nữa, nếu có thì hẳn tôi cũng bắt đầu đón xem phim Hàn Quốc nhiều hơn phim Hồng Kông. Nên, có thể nói, nếu không có Xứng danh tài nữ mà tôi được xem một cách khá tình cờ, thì tình cảm của tôi đối với phim TVB khó lòng được hâm nóng lại như ngày tôi còn bé. Tôi nhớ hình ảnh Sheren trong vai diễn Khang Bảo Kỳ xuất hiện trên màn ảnh khi đó. Cô không còn trẻ nữa, đã là một phụ nữ bước qua tuổi bốn mươi. Và Wayne, tôi không nghĩ là mình từng chú ý đến mấy vai diễn của anh ngày xưa, đến nỗi giờ đây, trong vai Sài Cửu, anh khá xa lạ và nhìn thoáng qua, cũng thấy là không có vẻ gì hấp dẫn. Dĩ nhiên, từ lúc bắt đầu phim, tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào Sheren. Dù không quá thích cô trước đây: Sheren trong quá khứ, như tôi nghĩ, không quá xinh đẹp, gắn với các vai diễn cá tính, không dễ chiếm cảm tình của số đông khán giả, song diễn xuất của cô Đặng bao giờ cũng nổi bật, thường dễ làm lu mờ bạn diễn. Tôi không phải thất vọng. Và còn hơn thế nữa.  

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tới ngọn hải đăng - Virginia Woolf



Rất khó để trích lại những câu văn theo cách thông thường đối với cuốn sách này. Văn phong của Virginia Woolf trải dài như sự miên viễn của ý thức. Nếu đọc chậm, kỹ và cảm nhận sâu, bạn biết rằng mọi câu đều đẹp, vẻ đẹp thẳm sâu khó dò. Tác phẩm không dễ đọc, cũng khó nắm bắt, bởi bản thân cái nó viết, là về sự mong manh, hữu hạn của cuộc đời. Tình tiết không nhiều, trong một câu chuyện với bản thân cốt truyện chính thì đơn giản song cách viết về nó rất khác, độc đáo, mang dấu ấn riêng. Từng đó gương mặt người, từng đó thế giới nội tâm, những khám phá tinh tế và sâu sắc không ngờ. Và những dòng văn thì cứ mãi tuôn chảy như những suy nghĩ không bao giờ cạn. Tôi đọc và nghĩ mình phần nào cảm nhận thấy cái mà người ta đã nói về Virginia Woolf "bà được đánh giá là một trong các tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sữ văn chương Anh ngữ..." Dĩ nhiên, cái tôi cảm nhận được, từ lần đọc này, cũng chỉ là lớp kem trên mặt bánh. Như khi ngồi gõ lại một số câu văn trong tác phẩm, tôi thấy việc này rõ là bất khả. Tuy vậy, vẫn cố ghi lại như một cách để dẫn lối ghi nhớ sau này. Một cuốn sách khá buồn, như dáng vẻ của Virginia Woolf trong bức ảnh nhỏ, nhìn nghiêng, in ở phần bìa sách gấp lại - một gương mặt phụ nữ, dài, đẹp và buồn.

Họ tới với bà, một cách tự nhiên, vì bà là một người đàn bà, suốt cả ngày dài bận rộn với việc này việc nọ; người muốn điều này, kẻ muốn điều kia; lũ trẻ thì đang tuổi mới lớn; bà thường cảm thấy bà chẳng là gì cả ngoài một mẩu bọt biển thấm đẫm những cảm xúc của con người – tr. 64.

… thật là khác thường nếu nghĩ rằng họ có thể tiếp tục sống suốt bao nhiêu năm qua khi bà không hề nghĩ tới họ hơn một lần suốt quãng thời gian đó. Cuộc đời của chính bà đã có biết bao sự kiện trong cùng những năm tháng đó. Thế nhưng có lẽ Carrie Manning cũng không nghĩ tới bà. Ý nghĩ đó thật lạ lùng và khó chịu – tr. 131.

Sự thực là ông không thích cuộc sống gia đình. Chính trong trạng thái này mà người ta phải tự hỏi mình, Người ta sống là vì cái gì? Vì sao, người ta tự hỏi mình, người ta lại phải gánh chịu mọi đau thương này để dòng giống loài người tiếp diễn ? Điều đó có rất đáng ao ước hay không? Chúng ta có hấp dẫn không với tư cách là một loài?... Những câu hỏi ngốc nghếch, những câu hỏi rỗng tuếch, những câu hỏi mà người ta không bao giờ đưa ra nếu người ta đang bận tâm suy nghĩ. Đây có phải là cuộc sống của con người? Kia có phải là cuộc sống của con người? Người ta chẳng bao giờ có thời gian để suy nghĩ về nó. Nhưng ông đang ngời đây tự hỏi mình cái loại câu hỏi đó,… vì ông thấy bị sốc khi nghĩ rằng bà Ramsay đã ngạc nhiên đến mức nào về việc Carrie Manning vẫn còn tồn tại, rằng những tình bạn hữu, ngay cả những tình bạn chí thân nhất, cũng chỉ là những điều mong mang tạm bợ. Người ta trôi giạt cách xa – tr. 133.

Cô đã thực hiện trò lừa thường lệ - tỏ ra tốt bụng. Cô sẽ chẳng bao giờ biết được anh ta. Anh ta sẽ chẳng bao giờ biết được cô. Tất cả những mối quan hệ người và người đều như thế cả, cô nghĩ, và mối quan hệ tệ hại nhất… là giữa đàn ông và đàn bà – tr. 137.

Thật sự, đôi khi bà nghĩ bà thích nhất là những kẻ vụng về khờ khạo. Họ không quấy rầy người ta với những bài luận thuyết của mình – tr. 145.

Bây giờ nó bao trùm lên cả cô – cái cảm xúc đó, sự rung động đó, của tình yêu. Cô cảm thấy một cách kín đáo mình đứng về phía Paul! Anh ta, tỏa sáng, bốc cháy; cô, cách biệt, nhạo báng; anh ta, gắn bó với sự phiêu lưu; cô, gắn bó với bờ biển; anh ta, dấn thân, khinh suất; cô lẻ loi, bị bỏ rơi – và, sẵn sàng khẩn nài để được chia sẻ với tai họa của anh ta, nếu như nó là một tai họa… - tr. 148.

… từ thuở khai thiên lập địa những bài tụng ca tình yêu đã được hát lên; những vòng hoa chất thành đống và những đóa hoa hồng; và nếu bạn hỏi chín người trong số mười người họ sẽ bảo rằng họ không muốn gì hơn ngoài thứ này – tình yêu; trong khi những người phụ nữ, xét theo kinh nghiệm của chính cô, sẽ cảm thấy trong một lúc, đây không phải là thứ mà tôi muốn; không có gì nhạt nhẽo, tầm thường và vô nhân đạo hơn điều này; thế nhưng nó cũng đẹp đẽ và cần thiết – tr. 149-150.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...