Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đọc lại một cuốn sách của Márquez


Khi đọc được thông tin nhà văn Márquez qua đời, giữa những ngày tháng tư, trong lòng tôi chợt thấp thoáng hình ảnh một cuốn sách mỏng trên kệ sách của mình. Đó không phải là tác phẩm lớn nhất của ông. Nhắc đến Márquez thì người ta sẽ nghĩ ngay đến Trăm năm cô đơn (cái tựa sách thôi đã nổi tiếng như cụm từ phổ biến đại diện cho sự cô đơn của loài người). Dạo nào đó, tôi ấp ủ kế hoạch đọc Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tảSống để kể lại. Theo một kiểu cảm tính thì những tác phẩm ấy hấp dẫn tôi từ đầu. Nhưng rồi cũng theo một kiểu cảm tính, tôi không thử cố gắng đọc những tác phẩm ấy nữa. Tôi nghĩ đó là điều sớm muộn mình sẽ làm, nghĩa là không cần phải là bây giờ, lúc này. Thế là thời gian trôi qua. Và dù việc đọc không thường xuyên, tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian cho những tác phẩm khác nhau. Nhưng trong đó không từng có ba tác phẩm kể trên. Và nay thì Márquez qua đời.

Cuốn sách duy nhất tôi có của ông: Hồi ức về những cô gái điềm buồn của tôi*. Đó là những năm tôi còn thi thoảng lang thang ở hiệu sách cũ trên đường Sư Vạn Hạnh (nhưng không chỉ là bán sách cũ, mà có những sách hoàn toàn mới nhưng được bán giảm giá đôi chút, bao gồm cuốn Hồi ức… ấy). Và từ xưa ấy thì tôi đã dễ bị thu hút bởi những đính kèm kiểu: tác giả đoạt giải Nobel văn học. Những năm tuổi 20 trở về trước, thật ra tôi thích văn học cổ điển hơn. Thế nên tôi hay tìm đến những tác phẩm của những tên tuổi lớn (những người theo tôi nghĩ dạo đó thì là có một quá trình sáng tác dài, có tác phẩm để đời và được công nhận bởi lịch sử và/hoặc những giải thưởng danh giá như Nobel). Thế nên không gì lạ trong giai đoạn 16 – 20 tuổi, tôi thường đọc sách của mấy ông già hay thường hơn là người đã khuất (sau này tôi đọc phong phú hơn một tẹo, bắt đầu ưa thích văn học đương đại). Bìa cuốn Hồi ức về những cô gái điềm buồn của tôi có in dòng chữ to tướng dưới tên tác giả: Nobel văn học 1982. Nếu không có cái ghi chú này thì tôi dễ nghĩ đây là loại sách cấm dù bản thân tựa đề ấy vẫn gợi lên một nỗi buồn khá quyến rũ. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Márquez. Và tuy lần đầu tiên ấy tôi đã không đọc tác phẩm lớn nhất của ông, tôi vẫn mặc định trong lòng về danh tiếng và sự vĩ đại trong văn học của nhà văn.

Khi đọc được tin Márquez chết, điều sau đó tôi làm là lấy từ trên kệ sách xuống cuốn Hồi ức về những cô gái điềm buồn của tôi và bắt đầu đọc lại. Rất ít khi tôi đọc lại toàn bộ một tác phẩm nào đó như lần đầu tiên đọc. Nhưng lần này thì tôi rất nghiêm chỉnh, đọc như lần đầu được đọc. Tuy chậm nhưng không bỏ ngang. Tôi cảm thấy tôi cần phải làm điều này dù chính tôi cũng không giải thích được tại sao. Dĩ nhiên là từ năm 2005 tới nay thì trí nhớ tôi không đủ để nhớ những gì viết trong cuốn sách. Những con chữ đối với tôi đều dường như mới mẻ. Chỉ nội dung chính của tác phẩm và đặc biệt là cảm nhận của mình đối với cuốn sách trong lần đọc ấy thì tôi không quên. Khi đối chiếu với suy nghĩ hiện giờ, thật ra cảm xúc dạo ấy còn rõ rệt hơn. 

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Viết cho Năm Thế giới Hòa bình*


Tháng 3, chiếc máy bay MH 370 của hãng hàng không Malaysia khởi hành đi Bắc Kinh đột nhiên biến mất trên bầu trời. Hai tháng trôi qua. Lời giải đáp cho số phận của 239 con người vẫn chìm trong màn sương bí ẩn.

Tháng 4, phà Sewol (Hàn Quốc) chìm. Chuyến đi đến đảo Jeju với hơn 400 con người. Mỗi ngày người ta trục vớt nhiều hơn những thi thể chủ yếu còn trong độ tuổi thanh xuân. Những người thợ lặn nói rằng đây là công việc khủng khiếp nhất trong đời họ.

Song song cùng khoảng thời gian, bạo động xảy ra ở Ucraina. Và Nga tuyên bố Crimea thuộc về họ… Gần đây, tờ báo Tuổi trẻ đưa tin : Thủ tướng Thái Lan bị phế truất, sau và tiếp diễn những bất đồng chính trị kéo dài ở xứ sở Chùa Vàng… Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hàng trăm con người vừa chết trong một vụ sập hầm mỏ…

Và những ngày này, Việt Nam rung lên bởi sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng biển Hoàng Sa. Tin tức tràn ngập báo đài, các trang mạng. Lần đầu tiên làn sóng biểu tình chống Trung Quốc được (cho phép) biểu lộ công khai và rộng lớn đến thế… 

Mỗi ngày bạn đọc được những tin tức đầy bất an, không phải chỉ lòng vòng quanh nơi bạn ở hay trên những con đường bạn đi. Có những nỗi bất an lớn hơn, bao trùm ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Tôi nhớ trong một bài thơ có tựa đề được đặt thật lãng mạn, Hoa cẩm chướng trong mưa, được Lưu Quang Vũ ghi chú viết cho Năm Thế giới Hòa bình, có đoạn :

Trái đất mình rộng quá

Ở đâu cũng có con người

Sao chưa tìm được cách nào

Sống với nhau cho ổn thoả?*


Mỗi lần đoạn thơ này nhói lên, như một câu hỏi rơi rụng vào không trung vô vọng, tôi lại cảm thấy thế giới này thật buồn. Như thể là từ xưa đến nay, thế giới vẫn vậy, chỉ ở trong tay những kẻ điên rồ nhất…

Dưới mặt trời ô nhục

Trái đất mình đẹp lắm phải không em?*

...

* Của Lưu hết.

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Những ngày hè



Có lần ở trên sân thượng, vào một buổi chiều, tôi nhìn thấy một cánh diều đang bay. Xa xa, trên những ngọn cây. Có lẽ là từ hướng quận 8. Bên ấy có khu Đồng Diều khá nổi tiếng. Ngày trước, từ cửa sổ phòng mình, vào những ngày hè, tôi cũng có thể nhìn thấy khá nhiều bóng dáng những con diều bay trên vòm trời cao vợi. Nhưng sau này rất hiếm. Không rõ vì khu ấy không còn cho thả diều hay vì những tòa nhà mọc lên sau này đã che khuất tầm nhìn của tôi. Mười năm trước từ chung cư tôi ở, tôi thậm chí có thể nhìn thấy pháo hoa bắn lên từ phía bến Bạch Đằng vào mỗi đêm giao thừa. Nhưng chỉ vài năm sau, khoảng trời nơi từ đó có thể nhìn thấy những chùm pháo rực rỡ đã hoàn toàn bị che khuất bởi một tòa nhà xây cao hơn theo năm tháng. Hễ mỗi lần nhìn thấy cái tòa nhà vô duyên vô cớ án ngữ tầm nhìn ấy của mình thì tôi không khỏi nghĩ: mười năm và “đằng ấy” đã phát triển thế kia rồi, còn tớ thì vẫn vậy, chôn chân một chỗ và đã trở nên “lụp xụp” thấp “lè tè” thế này đây ... “Đằng ấy” - cái tòa nhà cao tầng ốp kính dưới ánh nắng thường phản chiếu lại một gam màu xanh tôi tối ấy, thuộc về một thế giới nào khác ở thành phố này…

Khi cánh diều lướt ngang qua tầm mắt, tôi nhớ đến những ngày hè khi tôi còn nhỏ. Những năm tháng ở thị xã buồn tênh chúng tôi chẳng có gì sẵn để chơi. Không có bất cứ kiểu trò chơi nào có thể được mua về từ cửa hàng, thậm chí cũng không có truyện tranh và gần như cũng không có phim ảnh hay âm nhạc. Dĩ nhiên thời ấy càng không có máy vi tính và những thiết bị điện tử cầm tay như bây giờ. Thứ chúng tôi có có lẽ chỉ là có nhau. Loang loáng trong trí nhớ tôi là khá nhiều gương mặt trẻ thơ nhưng dù cố gắng đến thế nào tôi cũng không thể nhớ rõ lại tất cả, thậm chí cũng không thể nhớ sắc nét điều gì. Mọi thứ giống như ảo ảnh, như thể tôi đang mường tượng về những thước phim trong một bộ phim cũ mà tôi xem ngót chừng mấy chục năm về trước. Nghi ngờ cái mình nhớ là cái đã thực sự xảy ra, chỉ vốn thế hay là cái so với bản gốc ban đầu đã hoàn toàn khác bởi từ lúc nào đã được mình vô tình khoác thêm nhiều lớp áo. Nếu có chiếc máy du hành thời gian, hoặc kỳ diệu hơn là ai cũng có một bạn Doreamon bên mình, hẳn mỗi người trong chúng ta chẳng thể nào đánh mất cái tôi của ngày hôm qua. Sẽ không có khoảng trắng trong ký ức. Chúng ta lúc nào cũng có thể tìm lại ngày xưa.

Giết con chim nhại - Harper Lee



Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó – tr. 47.

Có những loại người… họ quá bận lo về thế giới bên kia đến độ không hề biết cách sống trong thế giới này – tr. 71.

Con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi… đây là một việc tốt – tr.115.

…cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng – tr. 115.

Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người – tr.156.

…bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng, nhưng đôi khi con cũng thắng – tr. 166.

…sự thật là điều này : một số người Da đen nói dối, một số người Da đen đồi bại, một số đàn ông Da đen không được phép đến gần phụ nữ - đen hoặc trắng. Nhưng đây là một sự thật đúng với cả loài người chứ không với riêng một chủng tộc cụ thể nào – tr. 298.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...