Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đọc lại một cuốn sách của Márquez


Khi đọc được thông tin nhà văn Márquez qua đời, giữa những ngày tháng tư, trong lòng tôi chợt thấp thoáng hình ảnh một cuốn sách mỏng trên kệ sách của mình. Đó không phải là tác phẩm lớn nhất của ông. Nhắc đến Márquez thì người ta sẽ nghĩ ngay đến Trăm năm cô đơn (cái tựa sách thôi đã nổi tiếng như cụm từ phổ biến đại diện cho sự cô đơn của loài người). Dạo nào đó, tôi ấp ủ kế hoạch đọc Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tảSống để kể lại. Theo một kiểu cảm tính thì những tác phẩm ấy hấp dẫn tôi từ đầu. Nhưng rồi cũng theo một kiểu cảm tính, tôi không thử cố gắng đọc những tác phẩm ấy nữa. Tôi nghĩ đó là điều sớm muộn mình sẽ làm, nghĩa là không cần phải là bây giờ, lúc này. Thế là thời gian trôi qua. Và dù việc đọc không thường xuyên, tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian cho những tác phẩm khác nhau. Nhưng trong đó không từng có ba tác phẩm kể trên. Và nay thì Márquez qua đời.

Cuốn sách duy nhất tôi có của ông: Hồi ức về những cô gái điềm buồn của tôi*. Đó là những năm tôi còn thi thoảng lang thang ở hiệu sách cũ trên đường Sư Vạn Hạnh (nhưng không chỉ là bán sách cũ, mà có những sách hoàn toàn mới nhưng được bán giảm giá đôi chút, bao gồm cuốn Hồi ức… ấy). Và từ xưa ấy thì tôi đã dễ bị thu hút bởi những đính kèm kiểu: tác giả đoạt giải Nobel văn học. Những năm tuổi 20 trở về trước, thật ra tôi thích văn học cổ điển hơn. Thế nên tôi hay tìm đến những tác phẩm của những tên tuổi lớn (những người theo tôi nghĩ dạo đó thì là có một quá trình sáng tác dài, có tác phẩm để đời và được công nhận bởi lịch sử và/hoặc những giải thưởng danh giá như Nobel). Thế nên không gì lạ trong giai đoạn 16 – 20 tuổi, tôi thường đọc sách của mấy ông già hay thường hơn là người đã khuất (sau này tôi đọc phong phú hơn một tẹo, bắt đầu ưa thích văn học đương đại). Bìa cuốn Hồi ức về những cô gái điềm buồn của tôi có in dòng chữ to tướng dưới tên tác giả: Nobel văn học 1982. Nếu không có cái ghi chú này thì tôi dễ nghĩ đây là loại sách cấm dù bản thân tựa đề ấy vẫn gợi lên một nỗi buồn khá quyến rũ. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Márquez. Và tuy lần đầu tiên ấy tôi đã không đọc tác phẩm lớn nhất của ông, tôi vẫn mặc định trong lòng về danh tiếng và sự vĩ đại trong văn học của nhà văn.

Khi đọc được tin Márquez chết, điều sau đó tôi làm là lấy từ trên kệ sách xuống cuốn Hồi ức về những cô gái điềm buồn của tôi và bắt đầu đọc lại. Rất ít khi tôi đọc lại toàn bộ một tác phẩm nào đó như lần đầu tiên đọc. Nhưng lần này thì tôi rất nghiêm chỉnh, đọc như lần đầu được đọc. Tuy chậm nhưng không bỏ ngang. Tôi cảm thấy tôi cần phải làm điều này dù chính tôi cũng không giải thích được tại sao. Dĩ nhiên là từ năm 2005 tới nay thì trí nhớ tôi không đủ để nhớ những gì viết trong cuốn sách. Những con chữ đối với tôi đều dường như mới mẻ. Chỉ nội dung chính của tác phẩm và đặc biệt là cảm nhận của mình đối với cuốn sách trong lần đọc ấy thì tôi không quên. Khi đối chiếu với suy nghĩ hiện giờ, thật ra cảm xúc dạo ấy còn rõ rệt hơn. 


Tôi biết tôi không thực sự thích câu chuyện này, đặc biệt là trong lần đọc đầu tiên. Tình yêu kiểu "ông - cháu" (với đứa cháu trong độ tuổi trẻ em) không thực sự nằm trong khả năng thấu hiểu của tôi. Tôi tin là ở trên đời có tồn tại thứ tình yêu vượt lên trên tuổi tác và tôi khâm phục những người yêu nhau và sẽ tiếp tục yêu nhau bất chấp những rào cản suy cho cùng cũng chỉ là định kiến của người đời: tuổi tác, địa vị, giới tính - hằng bao đời nay vẫn có khả năng ngăn cản con người sống đúng với trái tim mình. Nhưng làm thế nào để chấp nhận tình yêu giữa một ông già 90 tuổi và một đứa bé gái chưa đầy 14 đây ? Dĩ nhiên là khi ở trong văn học, cái méo mó kỳ dị nhất vẫn có thể tồn tại song hành với một vẻ đẹp cảm động nào đó…

Đến năm 50 tuổi, ông nhà báo già – chỉ một lần trong đời suýt lấy vợ - đã thống kê cả đời đã ngủ được với 514 người phụ nữ ít nhất một lần, nhưng kể cả với cái tựa đề ".. những cô gái điếm.. " ở số nhiều thì truyện ngắn dưới dạng hồi ức này không hề có nhiều cô gái điếm đến thế. Nếu không muốn nói rằng : rốt cuộc thì cũng chỉ có một Lotita mà thôi. Em là Delgadina, một bé gái còn trinh nguyên và luôn xuất hiện trong dáng nằm ngủ. Đó là vào năm nhà báo già tròn 90 tuổi, sau nhiều năm "giữ gìn thân xác hoàn toàn thánh thiện", ông chợt có cái ước vọng mãnh liệt là được qua đêm với một thiếu nữ trong trắng. Ông nhấc điện thoại lên và gọi cho bà chủ nhà chứa quen biết từ thời trẻ. Đó là cách ông gặp "Delgadina, tâm hồn của tôi" theo cách ông tự gọi. Điều nằm ngoài dự tính của nhà báo già là ông đã yêu và yêu điên cuồng. Khi nhìn cô bé say ngủ, nhà báo già nhận ra "niềm thích thú thực sự khi được ngắm nhìn thân thể người phụ nữ ngủ say mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng". Ông không còn chủ tâm chiếm đoạt cô bé dù tình yêu thôi thúc ông tiếp tục phải có những đêm dệt giấc mộng yêu đương  khi được ngắm nhìn em say ngủ. Cứ như vậy, nhà báo già tạo tác một chuyện tình mà ở trong đấy, người ta không còn nhìn thấy ông là ông già 90 tuổi...

Khi đọc lại lần thứ hai này, điều khác biệt với lần thứ nhất là tôi nhận ra mình lưu tâm với khá nhiều cảm động ở cái kiểu yêu như yêu lần đầu ấy của nhà báo già, dù rằng ông đã 90 tuổi, nhưng mọi mộng tưởng, hành vi của ông khi yêu không khác với đầy đủ những cung bậc cảm xúc của những thanh niên mười tám đôi mươi lần đầu nếm trải hương vị tình yêu. Và tình yêu làm giọt đời ông tuôn chảy. Ở tuổi 90 ông lại thấy cái đời sống tẻ nhạt, cô đơn, nghèo cực của mình “hồi sinh từ đống tro tàn… với niềm háo hức và hạnh phúc như chưa từng có trong cuộc đời trước đây". Với cách tiếp cận vấn đề cùng sự diễn đạt tài tình ấy, Márquez  với một chủ đề ít nhiều khiến tôi ngần ngại trong việc rộng lòng đón nhận – vẫn làm cho tôi không thể quay lưng đi. Người ta thường nhận xét về Hồi ức… ở khía cạnh của một thông điệp bày tỏ sự trân trọng, yêu thương đối với phụ nữ, nhưng tôi thì chỉ bị khát vọng sống của nhân vật nhà báo già, đến cách ông ta sẵn sàng yêu và để tình yêu hồi sinh cuộc đời mình làm cho cảm động. Như khi đọc những vần thơ:

“Có lúc anh đến quá sớm
Như khi anh đến với thế giới
Đôi khi anh đến quá muộn
Như anh yêu em ở tuổi này” (Aziz Nesin)


Ở cuối truyện, nhà báo già đã vượt qua được cái mốc tuổi 90 và Márquez viết để kết thúc : "Cuối cùng thì đó chính là đời thực, với trái tim tôi mạnh khỏe nhưng đã bị tuyên án sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm của tôi".

Tôi cố hình dung về kết thúc tương tự cho chính Márquez - như  tin rằng những dòng chữ ấy vốn là những lời ông dự đoán cho số phận mình. Dù nhà văn vĩ đại Columbia dừng cuộc phiêu lưu của mình ở tuổi 87. Vào ngày 17 tháng 4 năm 2014 vừa qua…

--

* Lê Xuân Quỳnh dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM và First News, 2005.
* Những câu in nghiêng trong ngoặc kép trích từ tác phẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...