Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Lớp học dinh dưỡng

Sau khi tham gia lớp học dinh dưỡng về, bạn tôi trở nên khắt khe trong việc ăn uống. 

Ban đầu cô ấy bỏ rượu và bia. Trước đây chỉ thỉnh thoảng cô ấy mới đụng đến thức uống có cồn, thường trong những buổi chiều mưa, khi cô ấy cảm thấy đời mình buồn như thể không bao giờ có ngày mai. Bây giờ thì cô ấy bỏ hẳn. Tôi nghĩ lớp học dinh dưỡng kia phải nhân rộng mô hình. Tôi nói hoài nhưng chưa từng có người đàn ông nào trong đời tôi bỏ rượu, bỏ bia. Họ thà bỏ mạng (và dĩ nhiên - bỏ tôi) còn hơn. Nhưng việc không dừng ở đó, rủi thay. 

Bạn tôi bắt đầu tránh xa muối và đường. Cô ấy nói về sự trung hòa của các chất khi đi vào cơ thể, sự bài trừ lẫn nhau của chúng. Cô ấy nói những điều tôi không hiểu. Nhưng đại thể, ở lớp học dinh dưỡng, người ta cho cô ấy biết rất nhiều thứ con người nạp vào dạ dày là độc dược. Thức ăn nhanh, thịt đỏ, dầu thực vật tinh luyện và hơn tất cả, sữa. Cô ấy căm thù sữa, cô ấy nói sữa là kẻ thù của xương, sữa bào mòn xương, phá hủy xương. Mọi sản phẩm sữa, mọi thành tố canxi, tất cả chỉ là những mỹ từ quảng cáo, chúng không là gì khác ngoài đội quân ăn cắp xương. Cứ thế, bạn tôi ăn rất ít, thậm chí tuyệt thực, khi cô không thể tìm được những thứ siêu sạch theo chỉ dẫn của các chuyên gia trong lớp học để ăn. Cuối cùng cô nhập viện trong một tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi đó, không ai có thể làm cho cô ăn trở lại, kể cả bác sĩ. 

Trong lúc tuyệt vọng, tôi vội đăng ký một lớp học dinh dưỡng cho cô, nơi khác lần trước, lần này người ta dạy học viên ăn đủ thứ. Khi chúng tôi khênh cô đến lớp học, cô đã rất yếu. Điều kỳ diệu xảy ra sau đó: chỉ qua một buổi học, cô bắt đầu ăn trở lại.

(Tháng 8/2015)

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Nhà tôi ở lầu năm


“Ổ khóa bị sao vậy nhỉ!” tôi nghĩ, trong khi cố tra chìa khóa vào khe cắm. Loay hoay, chìa khóa vẫn không khớp, cánh cửa nhà tôi vẫn im lìm, bất động. Tôi nhíu mày, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Gần đây nhất tôi tự mở cửa vào nhà là khi nào, tôi cố nhớ. Hai năm nay tôi thất nghiệp. Ngoại trừ ra khỏi nhà để nộp hồ sơ xin việc, thi thoảng nhận một cuộc phỏng vấn, tôi hầu như ở nhà. Thứ bảy rồi, Dương rủ tôi đi xem phim, tôi cũng viện cớ từ chối. Tôi hạn chế tối đa mọi chi tiêu cá nhân từ khi không làm ra tiền. 

Vậy lần cuối cùng tôi dùng đến chìa khóa để mở cửa vào nhà mình là khi nào? Có thể là tháng trước, cả nhà tôi ai cũng có việc đi khỏi thành phố. Trong ba hay bốn ngày, tôi không chắc lắm, có thể nhiều hơn. Hẳn tôi có lúc phải ra đường, mua báo hay thức ăn, đến tiệm cắt tóc. Tôi không thể nhớ nổi. Tôi định gọi cho Dương, hỏi cậu ấy thấy tôi lần cuối cùng là khi nào. Nhưng có thể Dương đang bận họp, hoặc đang trên đường đến Bảo hiểm xã hội, tôi sẽ làm phiền bạn ấy. 

Tôi đành nhấn chuông cửa. Vào giờ này, tôi nhìn đồng hồ, chín giờ sáng, tôi không biết ai có thể ở nhà, ngoại trừ tôi. Có lẽ là mẹ tôi, sáng nay khi tôi rời nhà, mẹ tôi là người đóng cửa, có thể hôm nay mẹ tôi nghỉ ở nhà. Hai phút trôi qua, không có âm thanh nào vang lên, không tiếng bước chân, không tiếng vặn tay nắm cửa. Tôi nhấn chuông lần thứ hai. Cánh cửa bất động như cố tình trêu tức tôi. Tôi bắt đầu giận dữ. Có thể họ đã thay ổ khóa. Bố tôi đã nói với mẹ tôi, chúng ta không thể nuôi nó mãi. Còn em gái tôi nói với bố mẹ nó, nghĩa là bố mẹ tôi, nhìn chị ấy ở nhà hoài con phát ngốt. Và mẹ tôi bảo, biết làm thế nào để tống cổ nó đi. Cuối cùng họ tìm ông thợ khóa. Một ổ khóa mới được thay, tôi không thể vào nhà mình. 

“Mẹ ơi, mở cửa cho con!” Tôi gào lên, giật mạnh tay nắm cửa. Tôi sắp khóc, tôi hoảng loạn, tôi điên cuồng giật tay nắm cửa. Thế rồi cánh cửa bật ra, đột ngột, dưới sức kéo của một bàn tay giận dữ phía sau. Trước mắt tôi là chủ căn hộ lầu bốn. Nhà tôi ở lầu năm. 

(Tháng 8/2015)

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Những đứa con của nửa đêm - Salman Rushdie

... có lẽ, nếu muốn giữ mình là một cá nhân giữa đám đông lúc nhúc, người ta phải tự biến mình thành dị dạng - tr.147.

Tôi học được thật: bài học đầu tiên của đời tôi: không ai mở mắt mà đối mặt với đời mãi được - tr. 169.

... cả im lặng cũng có tiếng vang, rỗng hơn và kéo dài hơn tiếng vọng của bất cứ âm thanh nào... - tr. 202.

Hầu hết những điều trọng đại của đời ta đều xảy ra vắng mặt ta - tr. 310.

... mỗi con người, bên trong hắn ta, là tất cả trừ một tổng thể, tất cả trừ tính đồng nhất; đủ loại tấtcảbấtkỳthứgì được nhồi nhét ở bên trong hắn, phút trước hắn là người này sang phút sau đã thành người khác... Đột nhiên ta sẽ mãi mãi khác ta trước kia; và thế giới đổi thay đến độ cha mẹ có thể thôi không là cha mẹ nữa, yêu thương có thể hóa thành căm ghét - tr. 310-311.

... đừng hòng trốn tránh những người quen cũ. Ta mãi mãi là ta của quá khứ - tr. 482.

Người chết chết đi, và dần bị lãng quên, thời gian hàn gắn vết thương, và họ nhạt nhòa đi - ... điều ngược lại cũng đúng; rằng cả hồn ma cũng bắt đầu quên; rằng người chết cũng mất dần hồi ức về người sống, và sau cùng, sau khi bị tách khỏi sự sống, họ mờ nhạt đi - rằng sự chết, nói tóm lại, vẫn tiếp diễn một thời gian dài sau cái chết - tr. 499.

"...không ai nên tàng hình lâu như thế - nguy hiểm lắm..." - tr. 499.

...tôi không còn muốn là gì khác ngoài chính bản thân mình. Tôi là ai, cái gì? Trả lời: tôi là tổng hợp mọi thứ diễn ra trước mắt tôi, mọi thứ tôi đã là đã thấy đã làm, mọi thứ được-làm-với-tôi. Tôi là tất cả mọi người mọi vật mà sự-tồn-tại-trên-thế-giới-này tác động đến tôi bị tôi tác động. Tôi là bất kỳ thứ gì xảy ra sau khi tôi ra đi nhưng sẽ không xảy ra nếu tôi không xuất hiện. Tôi cũng không phải là ngoại lệ cá biệt trong vấn đề này; mỗi một "Tôi", mỗi cá nhân trong số nay-là-hơn-sáu-trăm-triệu-con-người chúng ta, đều chứa đựng một sự đa dạng tương tự. Tôi nhắc lại lần cuối: để hiểu tôi, quý vị sẽ phải nuốt cả thế giới - tr. 501.

Có những nỗi đau, ít ra, vẫn có khả năng bị chế ngự - tr. 502.

(Nham Hoa dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2014)

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Truyện rất ngắn: Câu hỏi của người mẹ - Không gấp - Ở cửa hàng thức ăn nhanh, gặp lại bạn học cũ

Khi tôi nhận ra sự co duỗi tuyệt vời của truyện ngắn, tôi muốn thử viết những truyện cực ngắn. Trong quá trình viết, tôi phát hiện nó vừa dễ lại vừa khó. Nó dễ, vì có vẻ như cái tôi cần chỉ là một khoảnh khắc, hơn là những tình tiết và sự kiện - mà tôi thì không giỏi trong việc quan sát tỉ mỉ và hoạch định chi tiết. Nó cũng dễ cho tôi bởi vì khi không viết dài, tôi không phải chạy theo triết lý, và ở lại quá lâu với một cảm xúc nào đó. Tất nhiên, viết ngắn đến cực ngắn cũng khó, như tôi nói từ đầu. Bởi một câu chuyện cực ngắn rất dễ chỉ là những dòng văn lủng củng, lảm nhảm, vô nghĩa và rốt cuộc cũng gây tốn thời gian hệt như viết dài (mà chẳng đi đến đâu).

Dưới đây là ba trong số năm truyện rất ngắn đầu tiên tôi viết. So với mấy truyện sau đó, nó ở một độ ngắn hơn cả. Tôi nghĩ mấy truyện sau mình viết khá hơn, hị hị. Nhưng dĩ nhiên không có khởi đầu thì không có tiếp theo. 

Cũng cần nói rằng một số truyện rất ngắn của mình, tôi có đánh liều gửi báo. Sau đó thu nhận kết quả: buồn một nhẽ, nhưng buồn theo một kiểu lạ thường thì tôi chưa từng ngờ. Nhưng đó là một câu chuyện khác vậy.

Câu hỏi của người mẹ
Cô đi qua đi lại, với vẻ rụt rè, nửa muốn vào, nửa không. Cửa rộng mở, trong văn phòng có hai luật sư và một trợ lý. Cô tần ngần đến tận trưa. Khi văn phòng chỉ còn lại người trợ lý, cô lưỡng lự bước vào.
Tôi mời cô ngồi, rót nước mời cô. Gương mặt cô nhiều nét ngại ngùng. Cô hỏi phí tư vấn. Tôi trấn an cô. Tư vấn miễn phí. Cô vẫn rụt rè. Tôi mỉm cười bảo “Tôi lắng nghe đây”. Cuối cùng cô nói, cô sắp kết hôn với một người nước ngoài, cô từng ly dị, cô có một đứa con và cô hỏi:
“Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiện mình từng ly hôn không? Và…” , cô dè dặt: “Có cách nào để đừng ai biết mình có một đứa con không?”
Tôi chớp mắt và trân nhìn cô. Trong nhiều giây, ngôn từ từ bỏ tôi.
.
Không gấp
Ông bước vào phòng tiếp nhận và trả hồ sơ nhà đất khi cán bộ nhân viên còn chưa sẵn sàng cho ngày làm việc dù kim đồng hồ đã nhích sau bảy giờ ba mươi phút. Ông tìm một chỗ ngồi trong dãy ghế nhựa, khoanh tay chờ. Một viên chức trẻ, hẳn mới ra trường, bước vào đầu tiên. Khi cô ngồi vào bàn làm việc, ông tiến lại, cúi xuống cái ô khoét trên tấm kính ngăn, nói vào: “Nhờ cô xem dùm!” - ông đẩy biên nhận hồ sơ về phía cô - “Nhiều năm quá rồi, tôi cũng không biết thế nào, hôm nay ghé hỏi lần nữa coi sao”. Cô cầm tờ biên nhận, đứng lên, bước về phía tủ hồ sơ, giở một bìa còng xem xét. Khi quay lại, cô nói: “Hồ sơ này người phụ trách chưa đến. Chú có gấp không?” Cô trả lại biên nhận cho ông. Ông cẩn thận cất tờ giấy đã ố nhàu và trả lời: “Không. Không gấp. Đến bây giờ thì không gấp nữa”.
.
Ở cửa hàng thức ăn nhanh, gặp lại bạn học cũ
Mười hai năm sau ngày ra trường, tôi tình cờ gặp lại bạn học cũ. Cô làm nhân viên trong một cửa hàng thức ăn nhanh. Tôi hỏi cô có thời gian không, tôi muốn trò chuyện với cô một chút. Cô ngần ngừ: “Chắc không được, chẳng có ai thay tớ bây giờ”. Tôi gật đầu: “Tớ hiểu. Hẹn gặp lại cậu sau vậy!” Tôi quay người bước đi với túi thức ăn trên tay. Cô vịn vội cánh tay tôi: “Khoan, cho tớ số điện thoại của cậu nào”. “À, ờ”.
Trong khi tôi lấy điện thoại bấm số máy của cô, cô nói nhanh: “Lớp chúng mình có tạo một nhóm trên Facebook, mọi người kết nối và cập nhật tin tức của nhau luôn. Cậu không dùng Facebook nhỉ?!” Cô ngừng lời, nhìn tôi chờ đợi. “Ừ, tớ không dùng”, tôi xác nhận và nhắc cô “Cậu có số của tớ rồi đấy”. Cô thò tay vào túi quần, ngắt cuộc gọi đến. Ngước nhìn lên, cô bảo “Không tìm thấy cậu trên Facebook, thời buổi này, có lúc bọn tớ nghĩ là cậu đã chết rồi.”
Tôi nhìn chằm vào mắt cô. Cô nghiêm túc, hoàn toàn.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...