Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Lọt qua cánh cửa hẹp


Tôi một mình đi trên con đường nhỏ…

Liệu đó có phải là một câu thơ, trong hầm bà lằng những câu thơ tôi đã đọc, đã quên, còn mang máng nhớ? Tôi không chắc lắm. Nó thiếu nhạc điệu, và trước và sau nó, không có câu nào vang lên nữa cả. Mà thơ thì có tính nhạc, và thơ thì ít khi chỉ một câu đã đủ. Ấy thế, mỗi lần đi trong  sân trường luật, đặc biệt là khi về, trong tôi vang lên câu ấy, như kiểu một câu thơ.

Tôi một mình đi trên con đường nhỏ…

Trường Nguyễn Hữu Thọ xây xong từ bao giờ, và con đường vòng từ bảo tàng chạy sang trường luật hoàn thiện từ lúc nào, tôi không biết. Khi theo đường cũ đến trường luật, tôi thấy mọi thứ đều xa lạ.

Buổi phổ biến quy chế thi diễn ra vào chiều thứ sáu. Và trong khi xem danh sách phòng thi, tôi thoáng chút ngại ngùng. Dò tên mình trong danh sách, tôi ghi lại bằng bút và giấy. Xung quanh tôi những chiếc điện thoại màn hình to không ngừng chớp lóe. Hội trường đã đông như nêm và tôi ngồi trên mấy cái ghế nhựa được xếp thêm dưới cùng. Cho đến khi một chị nào đó xuất hiện, như thể đã quen tôi từ trước, rủ tôi lên ngồi cùng hàng ghế phía trên. Chị làm tôi thoáng nhớ đến chị Th, cùng một kiểu thân thiện ấy. Chị Th bỏ luận văn cao học ở những giai đoạn cuối. Chị bảo chị muốn làm “nghiên cứu sanh”. Và chị sinh thêm bé con thứ ba. 

Tôi và chị gái kia không thi chung phòng, tên chị và tên tôi cách nhau như buổi sáng cách buổi chiều. Chị rủ tôi đi mua thêm sách luật, sau khi nói với tôi mấy cái văn bản pháp luật in ra trên giấy không được phép sử dụng. Tôi thấy vô lý nhưng tôi hốt hoảng. 

Ở nhà sách Chính trị Quốc gia, trong lúc tôi với tay lần lữa giữa các loại luật, nhiều quá, một anh nhìn tôi cười cười hỏi: “Mai thi hả?”. Tôi gật đầu. Và tất cả những người có mặt ở nhà sách, trừ nhân viên, tất cả nhận ra nhau là thí sinh của cùng một cuộc thi. Trong vòng độ tiếng, sách luật, bao gồm cả luật đã và sắp hết hiệu lực, được tiêu thụ hẳn nhiều hơn trong cả tháng gộp lại.

Buổi sáng của ngày thi đầu tiên, tôi quyết định đi taxi. Tôi đeo balo và xách theo một túi giấy. Tôi đến trường khi đồng hồ nhích sau sáu giờ vài phút. Đã có những người đến sớm hơn tôi. Và trên sân trường không hiếm những người vừa kéo vali vừa tay xách nách mang. “Hành lí” của tôi vẫn là gọn nhẹ vô cùng.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Tiếng chim hót trong bụi mận gai


Cuối cùng cũng đọc xong. Dài quá, tôi nghĩ, cả trong quá trình đọc lẫn khi đọc xong. Nửa năm, và giữa chừng là mấy cuốn khác, chủ nhật rồi tôi mới đi đến trang cuối cùng. Một ngày cuối tuần nhiều mưa, và chẳng có cách nào chống chọi sự buồn chán bằng cách đọc một cuốn sách… Dẫu đó là một cuốn sách, khi đọc xong, tôi phát hiện nó buồn quá thể…

Tôi nhớ bộ phim cùng tên, tuy không hẳn là fan của phim này, khi ấy tôi còn quá nhỏ, song những ấn tượng đọng lại chưa phai mờ: Mecghi rực rỡ, đầy quyết liệt và cứng cỏi –  như một con chim sẵn sàng chịu chết; và ở thế đối lập, cha Ralph trầm tĩnh, chừng mực và đầy lảng tránh – một con chim ẩn mình chờ chết. Điện ảnh đã chọn những gì đắt nhắt, điều này không hẳn không có lý. Người xem muốn một câu chuyện tình yêu đầy ám ảnh thì họ đã có nó. Tiểu thuyết kể một câu chuyện rộng hơn, một lịch sử về gia đình Kliri. Có lẽ vì vậy mà tình yêu của Mecghi và cha Ralph dường như ít đau đớn hơn so với phiên bản điện ảnh, nhưng tình yêu ấy buồn, nỗi buồn dai dẳng, đậm sâu như chính số phận mỗi con người trong gia đình Kliri ở vùng đất khô nghiệt Đrôghêđa, như màu tro của hoa hồng, cái màu áo Mecghi mặc khi nàng đã về già…

Colleen McCulough xây dựng một cha Ralph quá hoàn mỹ, mà vẻ điển trai đĩnh đạc của diễn viên Richard Chamberlain năm nào hóa ra cũng chưa đủ. Không chỉ thế, cha có tài năng của một nhà ngoại giao, một người thông minh, bản lĩnh, tự chủ và đầy lý trí. Và cha sẽ mãi như vậy, nếu không có Mecghi. Mecghi phá vỡ sự cân bằng tỉnh táo trong Ralph. Chỉ với Mecghi, người ta thấy Ralph vẫn là một con người mà trước sự rung động, ông đầu hàng, dù chỉ trong những khoảnh khắc. Trong trí nhớ của tôi, cha Ralph trong phim “nhát gan” hơn. Trong tiểu thuyết, Ralph không phủ nhận tình cảm của mình. Ông chỉ không chọn tình yêu với Mecghi, và không phải vì ông “nhát gan” hay vì tình yêu với Chúa quá lớn, mà vì ông không muốn đánh mất những gì mình đã có, sẽ có nếu chọn Mecghi, thay vì chức phận của mình (vả chăng, nếu chọn Mecghi, ông chỉ có nàng, nhưng chọn danh vọng, trên thực tế Ralph có cả hai). Mecghi trong tiểu thuyết, ngược lại, dường như ít rực rỡ hơn so với hình ảnh Mecghi của nữ diễn viên Rachel Ward, cũng ngây thơ và dịu dàng hơn. Tôi nhớ sự ngoan cường của Mecghi trong phiên bản điện ảnh, nàng làm chủ số phận mình, đấu tranh cho tình yêu, thứ tình yêu mãnh liệt, pha trộn giữa đắm say và thù hận. Mecghi dưới ngòi bút của Colleen McCulough da diết, tha thiết không kém, song ở những khúc quanh nào đó, nàng xuôi theo dòng chảy định mệnh. Nàng mang trong mình nỗi buồn nhiều hơn là sự đau đớn phẫn nộ và kể cả khi nàng căm thù thì nỗi căm thù ấy cũng mang dáng dấp của một nỗi buồn lặng yên. Và nàng cuối cùng đã chọn sống bằng cách ngắm nhìn nỗi buồn của mình, chấp nhận suy tàn cùng nó trong đời sống cô quạnh ở Đrôghêđa…

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCullough

Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... - tr. 9.

Tuổi già là sự trả thù tàn bạo nhất mà Chúa trời hay thù hằn trút lên đầu chúng ta. Tại sao ông ta không đồng thời làm cho tâm hồn ta già đi? - tr. 226.

Mọi cái trên thế gian đều có quyền ra đời, kể cả ý nghĩ - tr. 253.

kí ức không phải là thứ sờ được mó được, dù có cố gắng đến thế nào đi nữa, cảm giác thực không trở lại, chỉ còn lại một ảo giác, một cái bóng, một đám mây buồn rầu đang tan dần - tr. 283.

Chưa chắc có người nào lí giải được rõ ràng trong hai điều sau đây cái gì nặng nề hơn: sự khắc khoải vô thức đi liền với sự bồn chồn kích động, hay niềm mong muốn rõ ràng và xác định, nhất quyết tìm cách để được toại nguyện - tr. 290.

Thời gian trôi qua mà nỗi đau vẫn không giảm bớt. Trái lại, nó càng giày vò mãnh liệt hơn, biến thành một khổ hình lạnh lùng ghớm ghiếc. Trước kia sự cô đơn không có diện mạo, cha chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lấy một người bước vào đời cha và có thể chữa lành bệnh cho cha. Bây giờ sự cô đơn có tên: Mecghi, Mecghi, Mecghi... - tr. 301.

mỗi người chúng ta đều có nỗi đau xót và buồn rầu của mình và những hồi ức đau buồn chẳng phải là điều tội lỗi - tr. 302.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương - Haruki Murakami

Mục đích hạn hẹp khiến cho cuộc đời trở nên đơn giản - tr. 26.

Dù cậu đã khéo léo che giấu ký ức ở một nơi nào đó, dù cậu đã nhấn nó chìm nghỉm xuống đáy sâu, nhưng cậu không thể xóa bỏ được lịch sử do nó tạo ra... Riêng điều này thì cậu nên nhớ. Không thể xóa bỏ cũng như làm lại lịch sử. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc giết chết chính cái thực thể là cậu - tr. 42.

"Khi cảm thấy cơn đau không thể chịu nổi, gã sẽ rời bỏ thân xác. Thế rồi từ cái nơi không đau đớn cách xa đó một chút, gã sẽ quan sát Tazaki Tsukuru đang chịu đựng nỗi đau. Nếu tập trung ý thức một cách mãnh liệt, điều đó không phải là không thể.

Cái cảm giác đó đến giờ vẫn sống dậy trong gã mỗi khi có cơ hội. Cảm giác rời bỏ bản thân. Cảm giác ngắm nhìn nỗi đau của chính mình như thể đang ngắm nhìn nỗi đau của kẻ khác."

(tr. 44)

...trong đời người, chỉ cần tìm thấy một đối tượng mà mình quan tâm dù rằng hạn hẹp, thì đã là một thành tựu to lớn rồi còn gì - tr. 55.

Khởi sinh của phản tỉnh là nỗi đau. Không phải tuổi tác - tr. 57.

Con người bị tước đoạt tự do tất yếu sẽ căm ghét ai đó - tr. 68.

Mọi thứ đều cần có khuôn khổ. Tư duy cũng vậy. Không việc gì phải sợ khuôn khổ, song cũng đừng sợ phá vỡ khuôn khổ. Đây là điều tối quan trọng để con người có được tự do. Vừa kính nể vừa căm ghét khuôn khổ. Mọi thứ quan trọng trong cuộc đời đều có tính hai mặt - tr. 69.

Có vẻ như một cuộc đời tưởng chừng vô cùng bình ổn và nhất quán, thì đâu đó vẫn tồn tại một khoảng đứt gãy. Cũng có thể gọi đó là quãng thời gian để điên. Một thứ mang tính dấu mốc như thế có lẽ luôn cần thiết cho cuộc đời con người - tr. 76.

Mỗi người đều có màu sắc của riêng mình, màu sắc đó tạo thành một quầng sáng lờ mờ dọc theo đường nét cơ thể. Kiểu như ánh hào quang, hay đèn nền vậy... Có những màu được ưa thích, cũng có những màu gây cảm giác vô cùng khó chịu. Có những màu vui vẻ, cũng có những màu buồn bã. Có những người tỏa ra thứ ánh sáng đậm đặc, cũng có những người mờ nhạt... - tr. 89-90.

Về cơ bản, chúng ta đang sống trong một thời đại dửng dưng, nhưng đồng thời cũng bị bao bọc bởi một khối lượng thông tin khổng lồ về những con người khác. Nếu muốn, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng lấy được những thông tin như thế. Dù vậy, chúng ta thật sự gần như chẳng biết gì về mọi người - tr. 139.

Dù có khéo miệng đến đâu, cũng khó lòng bán được cho người khác cái mà bản thân mình không thể chấp nhận - tr. 158.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Mỗi năm đến hè

Mấy ngày cuối tháng năm, chiều Sài Gòn có lúc vần vũ mây đen. Có cơn mưa nặng hạt ở đâu đó. Có cơn mưa trên một đoạn đường tôi về và tôi đầm mình trong nó mà chẳng màng mặc áo mưa. Khi rẽ vào một con đường nhỏ, trên lòng đường chẳng có cái xe nào lưu thông, tôi nhìn thấy phía trước một cái cây cong hẳn về một phía. Dưới sức nặng của gió mưa, cái cây ấy dường như chỉ muốn gãy. 

Người tôi ướt như chuột lột, ông già người Hoa nhìn bảo: “Trời mưa mày không mặc áo mưa ướt mẹ nó hết rồi”. Tôi cười xuề xòa. Ở chung cư có cái bất tiện. Tôi gửi xe. Ông già người Hoa cầm cây dù từ trong nhà bước ra. Ông che mưa cho tôi. Một ông già cao chưa đầy mét sáu, một vợ, ba con, vài đứa cháu. Đến nơi, tôi hét ầm ĩ, hai lần: “Con cảm ơn”. Tôi không biết ông ấy có nghe được không. Vài năm nay, tai ông ấy gần như điếc.

Mấy cơn mưa lớn, tôi ngỡ thế là mùa mưa Sài Gòn đến rồi nhưng sáng nay, ánh nắng lại vàng ruộm khắp nơi. Ánh nắng của ngày đầu tiên của tháng sáu. Nắng như màu lửa cháy/sém lòng một vết thương. Trong cái nắng này, tôi thấy mình ủ rũ. Như trong mấy giấc mơ, thường có sẵn nỗi buồn khủng khiếp. 


Mấy bữa nhìn tụi con nít ngồi trước một hiên nhà nhuộm những chỏm tóc trên đỉnh đầu, màu xanh lá cây, màu vàng, màu cam, tôi ngớ ra tụi nhỏ đã vào hè. Mùa hè, chỉ đám con nít là vui nhất. Tôi nhìn niềm vui đó với vẻ hiếu kỳ, lạ lẫm. Tôi đã ở quá xa những mùa hè còn có thể có niềm vui trong đáy mắt.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...