Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Trên kệ sách (2)



Chinatown (Thuận, NXB Văn học & Nhã Nam, 2014)

Cả cuốn sách hầu như không xuống dòng, ngoài những đoạn truyện do nhân vật nữ viết được in  bởi những dòng nghiêng. Chinatown tạo ngay cho tôi một cảm giác kỳ lạ, hơi giống với cảm giác khi tôi bắt đầu đọc Tình ơi là tình của Jelinek hay gần đây hơn, Những ngã tư những cột đèn của Trần Dần. Có lẽ Thuận là một nhà văn thích sự phá cách và hẳn có khuynh hướng làm mới mình qua mỗi tác phẩm. Nhận xét này có thể là vội vàng khi tôi chưa đọc những cuốn sách khác của cô. Nhưng tôi linh cảm rằng người ta khó mà viết đi viết lại theo cùng một cách như thế. Và họ sẽ thuộc về những người viết không (không muốn/không thể) duy trì một phong cách. Họ thích thử thách và có khả năng đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; sẽ có thể có nhiều độc giả, những nhà văn thông minh ấy, nhưng không hẳn là sẽ có những độc giả trung thành (lại nhận xét vội vàng quá chăng?). 

Trở lại với bản thân cuốn sách này, tôi mua trong khi cố gắng đọc nhiều tác giả Việt Nam hơn, ý tôi là những tác giả đương đại, những người có thể viết về những thứ gần với cuộc sống bây giờ. Có lẽ là một tín hiệu vui khi bước chân vào nhà sách và bạn thấy mấy cái kệ dành cho tác giả Việt đã được trưng bày khá “hoành tráng” và bắt mắt, có lẽ không kém kệ sách của tác giả Trung Quốc là mấy. Tuy nhiên để chọn một cuốn sách đem về lại không dễ chút nào. Tôi đã trở nên già quá chăng? Có lẽ chẳng có lúc nào tôi thấy mình già như vậy khi đứng trước những cuốn sách Việt bán chạy nhất nước (lại lan man rồi...).

Chinatown bắt đầu với một chuyến tàu điện ngầm và khi kết thúc, cũng vẫn là chuyến tàu điện ngầm đó. Giống như một hành trình không có điểm kết thúc và có lẽ vì vậy, nó hợp với cách nhà văn chọn để kể. Không theo một trật tự thông thường – điều rất có thể biến câu chuyện thành một bi kịch sến súa, hiện tại và ký ức cứ thế tuôn trào, sít sao, đuổi bắt nhau – một màn độc thoại nội tâm liên tục, liên tục tạo thành một nhịp điệu nhanh và bình tĩnh lạ thường. Không có chỗ để người đọc xen vào những lâm li cảm động của chính mình. Mà người ta có lẽ cũng sẽ không cảm động trước một con người  - nhân vật nữ chính, người dường như bình tĩnh khi đối mặt với mọi biến cố đời mình (người đời cần những bi kịch gào thét để có cơ hội bày tỏ sự nhân từ). Nhưng dư âm đọng lại đâu đó, bởi cái hành trình không có hồi kết đó, những chuyến tàu điện ngầm cứ thế tiếp diễn và người ta gần như phỏng đoán rằng cuộc sống của cô và con trai sẽ kéo dài như thế mãi mãi, trong những hồi tưởng xa xăm về quá khứ và sự vắng bóng tình yêu – cái người đã ám ảnh toàn bộ thế giới tâm hồn của cả hai mẹ con ở thực tại…

Tôi cũng ghi nhớ ở Chinatown là thi thoảng nó lại đem đến cho tôi chút cảm giác mờ ám của trinh thám, chút giễu nhại hài hước mà thường bắt gặp ở nhà văn nam hơn nhà văn nữ và vài nét chấm phá về cuộc sống của người Hoa ở Sài Gòn. Họ cũng là những người sống trong tâm thế xa lạ ở một đất nước không phải quê hương. Và nó cũng khó khăn cho họ hơn là ta có thể hình dung…

Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2016)

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Trên kệ sách


Về những cuốn sách tôi đã đọc từ khoảng tháng 9 năm ngoái đến nay. Đã thấy được là tôi quá lười để có thể viết dài dòng về mấy cuốn sách mà tôi đã đọc. Thế nên tôi hạ quyết tâm là: không từ bỏ nhưng viết thật ngắn thôi, chỉ cần vừa đủ để mình không quên. 


Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie, Nham Hoa dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2014)

Nên bắt đầu từ cuốn này. Tôi đang đọc trong những ngày tháng 9/2015 và hẳn là lê lết sau đó. Một cuốn dày bự, nhìn lại thì thấy mình khá phi thường (vì là một độc giả kiên nhẫn, thế thôi). Tôi không nghĩ mình thích cuốn sách theo cách mà nó đã quyến rũ tôi mang về. Nhưng nhìn chung thì tâm thế đọc sách của tôi không còn ở giai đoạn tuần tự kiểu mong ngóng – háo hức – nín thở  – òa vỡ vui sướng hay ngược lại, ở bước cuối cùng này: hụt hẫng thất vọng. Tôi rất bình tĩnh. Vì không hy vọng nên cũng không thất vọng.

Cuốn sách không tệ chút nào, dĩ nhiên. Nếu nó tệ thì hẳn tôi chẳng bao giờ đọc xong. Nó chỉ kỳ lạ. Kể chuyện một cách khoa trương, màu mè và hài hước. Có lẽ đó một dạng tài năng. Bạn sẽ hiểu có cả một lịch sử quốc gia trong cuốn sách này, một câu chuyện nghiêm túc và vĩ mô. Đồng thời, cuộc đời những con người đã được kể lại không thể ít màu sắc truyền kỳ hơn. Giống với thần thoại mặc dù tính hiện thực vẫn vẹn nguyên. 

Điều may mắn là, cuốn sách rất nặng trên tay nhưng tôi đã đọc một cách khá hăm hở. Cũng nhờ cách kể chuyện ít nhàm chán của nhà văn vậy.

Cánh cửa (Sazbó Magda, Giáp Văn Chung dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2015)

Đọc vào những tháng cuối của năm ngoài, nếu tôi nhớ không lầm. Và có thể nói đây là một trong những cuốn hay nhất tôi đọc trong năm rồi. 

Trong năm rồi, tôi vẫn nhớ Bóng hình của gió là một tác phẩm hay tuyệt. Nhưng nếu cuốn tiểu thuyết của Carlos Ruiz Zofón thi thoảng vẫn gây cho tôi cảm giác mỏi mệt bởi sự tham lam của nó, thì Cánh cửa tuyệt không có điểm phàn nàn. Cần có tài năng thế nào để viết về cuộc đời một người giúp việc nhà – một nghề nghiệp dường như chỉ hé mở một cuộc đời bình thường, tẻ nhạt mà gây sửng sốt, khiến người đọc rúng động, bâng khuâng và không thể không luôn tìm thấy sự hấp dẫn ẩn nấp nơi  sự khép kín dị thường, trong một chân dung văn học hết sức độc đáo, giữa sự bình lặng của những dòng văn?

Cánh cửa khiến tôi có cảm giác tất cả những gì tôi đọc sau này sẽ đều rơi vào tình cảnh nhàm chán, không thể nào hay hơn. Điều đó vừa đúng lại vừa không đúng. Quả thực tôi ít tìm thấy tác phẩm hay độ sau này (mặc dù mấy cái hội sách ngày càng lớn và doanh thu ngày càng khủng). Nhưng dĩ nhiên, vẫn còn đó những tác giả khiến bạn thán phục, ví như, may quá mà đời còn Alice Munro…

Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, Nguyễn Đức Tùng dịch, NXB Trẻ, 2015)
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới (Alice Munro, Trần Hạnh-Đặng Xuân Thảo-Hạnh Mai dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2016)

Truyện rất ngắn: Em bé đau khổ - Một buổi nhậu

Em bé đau khổ 

Sau khi ba mẹ ly dị, Mèo ở với ba (Mèo không phải tên thật của con bé, dĩ nhiên, nhưng vì nó nhỏ xíu như một con chuột nên mọi người gọi nó là Mèo). Con bé biết rằng mẹ và em trai nó sẽ không quay về. Phải mất nhiều năm sau nữa, Mèo mới hiểu lý do của sự đổ vỡ. Bây giờ thì không. Con bé xấp xỉ ba tuổi, còn quá sớm để cho nó biết sự thật. Bà nội con bé nuôi hy vọng, vì còn quá nhỏ, Mèo sẽ quên mẹ và sự thật cũng được chôn vùi cùng với sự lãng quên đó. “Thằng bé không có điểm nào giống với nhà này”, bà vẫn còn thấy cay đắng mỗi khi nghĩ đến niềm vui và sự yêu thương đã dành cho đứa cháu trai suốt một năm kể từ khi thằng bé chào đời. Bây giờ bà dồn tất cả tình thương cho Mèo. Ba con bé, chẳng mấy chốc đã tìm cho mình, không chỉ một, mà vài người đàn bà khác. 

Mèo vốn là đứa trẻ thông minh, tinh nghịch. Con bé từng hỗn vô cùng, cả cô giáo ở nhà trẻ cũng phải than phiền. Mọi người đã nghĩ sẽ chẳng ai dạy nổi con bé. Nhưng bù cho thói hỗn hào, Mèo có vẻ ngoài xinh xắn cùng một tính cách vui nhộn. Kể cả khi con bé văng tục (con bé rất ưa chửi bậy, ở tuổi lên hai lên ba, con bé không biết “Đ.M” có ý nghĩa gì nhưng bằng cách nào đó, nó sử dụng câu chửi một cách nhuần nhuyễn), con bé vẫn làm người lớn bật cười sảng khoái, trừ bà nội nghiêm khắc của nó. Bà cố gắng uốn nắn và một thời gian, con bé ghét bà ra mặt. Giờ đây có lúc bà thèm nghe một tiếng chửi bậy của con bé. Nhưng Mèo hầu như không bao giờ mở miệng. 

Sau khi ba mẹ ly dị, con bé trở nên ít nói. Lần gần đây nhất nó nói một câu đầy đủ là khi ngồi bô. Con bé dạo này bị bón và có vẻ rặn ị một cách khổ sở. Nó vục mái đầu hoe vàng trên hai bàn tay mũm mỉm, ngắn lũn chũn và cất tiếng, rành rọt từng chữ: “Trời ơi, sao tôi đau khổ thế này!” Khi bà nội con bé hấp háy mắt nhìn nó và thận trọng hỏi (bà vẫn ngỡ bà nghe nhầm): “Mày làm gì mà đau khổ? Bón quá hả con?”, con bé chỉ không ngừng lặp lại “Trời ơi, sao tôi đau khổ thế này…” 

(10/2015) 
---

Một buổi nhậu 

Kiên đãi tân niên tại nhà. Anh chỉ mời mấy người thân thiết. Món ăn được mẹ vợ tài trợ, hầu như là các món còn mang hơi hướng ngày Tết: bánh chưng, thịt gà luộc, thêm món cháo, một dĩa thịt luộc và một dĩa gỏi gà. Anh cũng lôi mấy phong nem chua và chả giò mang từ quê lên để thết bạn bè. “Chủ yếu là uống bia, chứ ăn chẳng bao nhiêu” anh nghĩ và không đặt thêm thức ăn. Kiên mua sẵn hai thùng bia và đúng như anh nghĩ, chỉ thức có cồn này là tiêu thụ nhanh. 

 Huân không đến cùng vợ. Thay vào đó, anh chở theo cô thư ký riêng. Cô này uống khá, chẳng kém cánh đàn ông là bao. Mẫy gã đàn ông vỗ vai Huân cười bảo “Thằng này được” như ngầm ám chỉ quan hệ tình ái giữa anh và cô gái trẻ. Huân lắc đầu quầy quậy “Thôi đi tụi mày”. Chuyện này đến tai vợ anh thì hỏng bét. 

Vợ Kiên về muộn, cô đang cố thụ thai nên không uống bia và ý chừng kiêng khem đủ thứ. Họ kết hôn được hai năm, sức khỏe bình thường nhưng chưa có tin vui. “Thằng này giao ban có đầy đủ không?”, Sơn già nhất hội vỗ vai Kiên hỏi. Anh chàng hớn hở cười nói: “Em ngày nào cũng làm tròn phận sự.” Cả bọn cười phá lên và cụng ly chan chát.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Người Rác


Tôi về nhà vào quãng năm giờ. Đó là một buổi chiều cuối tháng tư. 

Sau khi vặn chìa khóa, bước vào nhà và xoay người đóng cửa – một việc làm tuần tự, tôi đứng sững ngay thềm nhà. Không hẳn là giật mình. Tôi là kiểu người phản ứng chậm chạp, thể như não bộ đã tự thiết lập một quy trình dài lâu và phức tạp để tôi nhận thức được cái gì đang diễn ra và cũng dài lâu và phức tạp như thế, để tôi buộc cơ thể phải làm gì sau đó. Dĩ nhiên, bởi vì dài lâu và phức tạp, cả hai quá trình ấy, thường là tôi chẳng làm gì được nữa. Tôi chỉ đứng thộn mặt ra. 

Có một người đàn ông đang ở trong phòng khách. Gã vừa mới đứng lên, hẳn vậy, với chiều cao áp đảo. Và giơ tay chào. 

“Xin chào, tôi là Người Rác!” 

Dễ chừng năm phút trôi qua mà tôi vẫn đứng đó, á khẩu.

 “Tôi biết có hơi đường đột, nhưng xin cô chớ hiểu nhầm. Tôi ở đây chỉ để nói chuyện và sẽ không làm phiền cô lâu. Được chứ, thưa cô?” Gã nói và mỉm cười thân thiện. 

 “Ờ”, cuối cùng tôi phát ra thứ âm thanh yếu ớt, chẳng biểu lộ gì ngoài sự đờ đẫn. 

“Cô có thể mở cửa, để bớt sợ hãi. Đây là một cuộc trò chuyện, và tôi mong cô thoải mái” Gã nói. 

Tôi hành động theo như cái máy được thao tác, dù còn lâu, còn lâu tôi mới có thể cảm thấy thoải mái với sự tình này. Một gã đàn ông xa lạ xuất hiện trong căn nhà khép kín của bạn, khi bạn không có ở đó, chờ bạn về và đề nghị một cuộc trò chuyện. Y như phim trinh thám.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...