Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Trên kệ sách (7)




1Q84 (Haruki Murakami, Lục Hương dịch, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2012-2013) 

Tôi khá vất vả với bộ tiểu thuyết này. 

Tập 1 khá hấp dẫn, tôi đọc nhanh hơn một tẹo. Tập 2 tương đối, dẫu sao ta còn muốn đọc. Đến tập 3 thì gần như phải rất nỗ lực, chỉ vì không nỡ bỏ dở thứ đã bắt đầu. Một vài người đọc bộ 1Q84 tôi biết cũng có nhận định tương tự. Họ cảm thấy câu chuyện mỗi lúc một dài và gây chán nản, thậm chí có người không thể theo hết. Và sở dĩ tôi nhận được bộ này vì nhờ một người không đọc nổi đến cuốn thứ ba của nó.

Thật ra điều khiến tôi khó chịu hơn cả với bộ tiểu thuyết 1Q84 không hẳn là độ dài hay kiểu lề mề của Haruki Murakami, vì vốn tôi có thể hình dung với một tiểu thuyết đồ sộ như thế, thể nào ông ấy cũng sẽ nhẩn nha trong những chi tiết đời thường và tất nhiên, chớ mong chờ một chi tiết bùng nổ. Mọi thứ đến khi phải đến, theo cách cứ thế mà biết với nhau trong lặng lẽ. Và nếu có gì ta thấy hơi chán về tình tiết thì mấy cái nhân vật tưởng chừng ghê ghớm lại “ngỏm” một cách quá dễ dàng.. 

Điều khiến tôi khó chịu xảy ra sau vài trang của tập đầu, khi tôi cứ thấy mình như đang đọc văn học Trung Quốc thì đúng hơn là văn học Nhật Bản và của Haruki Murakami. Và rồi nhanh chóng tôi nhận ra bản dịch cả ba tập 1Q84 đều được dịch từ bản tiếng Trung với dịch giả dường như cũng là người hay dịch văn học Trung Quốc. Tôi không nghĩ mình hiểu đúng về văn phong của tác giả ngoại quốc hay một nền văn học. Nhưng ít nhiều quá trình đọc sách này sách kia mang đến cho ta những cảm nhận riêng, trở thành một cái gì có tính trực giác. Nó không dễ để diễn đạt nhưng nó tồn tại, vì nó là cảm giác chân chực của bạn. Tôi thấy hơi tiếc về điều đó.

Tôi còn một cuốn khác của Haruki Murakami mua từ hội sách mùa xuân năm ngoái, Kafka bên bờ biển, một tác phẩm cũ hơn và được ca ngợi nhiều hơn. Tôi không vội đọc vì cảm thấy mình đọc Haruki Murakami đã hơi quá nhiều. 

Nhưng cái suy nghĩ mình sẽ không đọc nhiều tác phẩm của cùng một tác giả, thật ra theo thời gian, tôi cũng đã tự phá vỡ. Đôi khi bạn không biết phải chọn gì giữa một rừng sách. Và bạn, theo thói quen, tìm đến thứ bạn từng biết, một cái tên khả dĩ vẫn gây niềm tin, một cuốn sách vẫn hứa hẹn khả năng gây đắm chìm.. tuy chúng ngày càng ít đi mà nguyên nhân của việc này một phần nằm ở nơi bạn. 

Tù nhân của thiên đường (Carlos Ruiz Zafón, Võ Hồng Long dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2017) 

Khi cuốn sách này ra mắt, tôi đặt mua ngay và gạt những cuốn khác sang một bên để dành cho nó vài buổi tối. Tôi nghĩ trong cái năm nay thì đây là cuốn đem đến cho tôi cảm giác chờ đợi khi đặt mua. Tôi đã rất thích cuốn đầu tiên trong bộ tứ của nó, cuốn Bóng hình của gió mà tôi được Còi Cọc tặng (xem lại thời gian đọc, thì đó là vào năm 2015). Dĩ nhiên không phải là khoảng thời gian quá ngắn để tôi có thể hệ thống lại từng chi tiết nữa, có cái tôi đã quên rồi, thứ còn nhớ được thì chưa hẳn đã chính xác. 

Ba người bạn – Erich Maria Remarque

Con người cũng phải biết thua; nếu không làm sao sống nổi – tr.27.

Thật tuyệt diệu khi rượu chè, nó khiến người ta mau chóng xích lại với nhau, nhưng từ đêm tới sáng, nó cũng lại tạo ra những khoảng trống, dường như đã trôi qua có đến hàng năm – tr. 35.

Cái gì ta đã để đến với ta rồi, ta cứ muốn giữ lấy. Mà giữ thì ta lại không thể… - tr.35.

Đó là nỗi cay cực thời hiện đại – trước kia người ta suy sụp từ từ, và bao giờ cũng vẫn còn cơ hội để ngoi lên – nhưng ngày nay, liền sau mỗi sự thải hồi là cái vực thẳm thất nghiệp vĩnh viễn – tr. 36.

Một viên chức khiêm tốn, tận tụy. Nhưng giờ đây chính những người như thế lại khốn đốn nhất. Mà có lẽ vào thời nào họ cũng là những kẻ lận đận nhất. Đức khiêm tốn và tận tụy chỉ được trả ơn trong tiểu thuyết mà thôi. Trong cuộc sống, chúng bị lợi dụng để rồi sau đó bị gạt sang bên – tr. 36.

Theo tôi con người người ta không bao giờ quá trẻ cả. Chỉ luôn luôn quá già – tr. 56.

.. đối với tình yêu, đời người quá dài. Đơn giản là quá dài.. Tình yêu sao mà tuyệt vời. Nhưng bao giờ nó cũng quá dài với một người. Còn người kia, người kia ngồi lại, mắt nhìn trống rỗng. Trống rỗng như một kẻ điên – tr.127.

Con người ta trở nên sầu não khi ngẫm nghĩ về cuộc đời…và hóa trơ trẽn khi tận mắt chứng kiến phần đông giống người xoay xở ra sao với đời – tr. 173.

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Đêm núm sen – Trần Dần

Người ta cứ mất dần, mất dần những ngày thơ dại – tr. 44.

Tại sao thế? Thói quen à? Tao đánh mày cái tát. Mai tao lại đánh nữa. Mày cần bao nhiêu ngày thì quen? Tao chả quen được. Mỗi lần đứt tay, tao lại đau một lần… - tr. 67.

Một người đã buồn, lại thêm nhàn rỗi. Đó là một người đã tới mức: ngụy-mình! – tr. 92.

Im lặng. Một thứ im lặng ghê rợn. Có cái gì đổ vỡ. Mà vẫn im lặng. Những tiếng động không kêu – tr. 95.

Những đổ vỡ be bé trong các cuộc đời, trong các thói quen – tr. 126.

Nếu tôi là số mệnh, khỏi phải nói, tôi sẽ tây vị ra mặt đối với những người yêu nhau – tr. 133.

Những số phận be bé… Họ lọt thỏm đi, phi tang, phi tang… Ta không nghe thấy tiếng "Sứa ơi" be bé của họ. Ta chỉ nghe thấy tiếng "Rõ!" mạnh mẽ của họ. Rồi họ lọt thỏm đi, phi tang, phi tang… Để lại cho ta: những chiến công! Những: sự tích! Những: trang sử! Một vài tên tuổi! Có thế thôi. Ai đi mà bới lại cả một mớ những số phận không tên, với những đổ vỡ không tên, và những hy sinh không tên của họ? .. Mưa tháng Bảy. Mưa tháng Tám. Mưa thánh Chín… Năm nào cũng sẽ mưa. Nhưng không phải năm nào chúng cũng sẽ mặc niệm họ đầy đủ bổn phận như họ đã đầy đủ bổn phận đối với chúng ta – tr.182.
                                                                                                                                                                                                                                                 
Yêu thì chỉ có một, tôi giữ ý kiến… Tất cả ở trong một người. Một người thay thế tất cả. Thế mới gọi là yêu – tr. 268.

Người ta tự an ủi: "Sau này, xây lại!" Nhưng người ta cũng biết rằng mọi cái gì làm lại, đều không đúng là nó nữa – tr. 289.

(NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2017)

1Q84 (tập 3) – Haruki Murakami

Chẳng ai dễ gạt hơn những người tin rằng mình đang phục vụ cho sự nghiệp chính nghĩa – tr. 65.

Người ta có cố gắng giữ im đến chừng nào đi nữa thì vẫn có những dấu hiệu chứng tỏ người ta đang ở đó – tr. 78.

Năm tháng từ từ cướp đi sự sống của người ta, không ai thoát được. Con người ta không phải đến số chết thì đột nhiên ngã xuống, mà chầm chậm chết từ bên trong trước, rồi cuối cùng mới đến ngày kết toán. Không ai thoát được… Đêm đó tôi mất đi một người bạn là cô, đồng thời cũng mất đi thứ gì đó sâu trong nội tâm mình. Hoặc có lẽ là mấy thứ đã tích lũy nhiều năm, những thứ vẫn luôn ở trung tâm sự tồn tại của tôi, mạnh mẽ chống đỡ cho tôi.

..thứ còn lại trong tôi không phải là cảm giác phẫn nộ hừng hực như trước kia nữa, mà biến thành một thứ giống như nỗi bi thương có sắc điệu nhàn nhạt… như một người đánh xe không biết mệt mỏi, không biết xót thương.. nhưng giờ đây nó đã mất đi sức mạnh..

Tr. 233-234.

Khổ sở thế nào, ai chưa từng trải qua thì không biết được đâu. Nỗi đau là thứ không thể nói chung chung một cách đơn giản được. Mỗi loại đau đớn đều có cá tính riêng. Cần sửa lại câu nói nổi tiếng của Tolstoy một chút: mọi niềm vui đều giống nhau, nhưng nỗi đau thì không đau nào giống nhau đau nào – tr. 411.

Họ cứ giấu nỗi nhớ ấy vào sâu trong tim, cứ để mỗi người một ngả chẳng phải tốt hơn sao? Như vậy hẳn là có thể vĩnh viễn sống với một niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy sẽ là nguồn nhiệt nhỏ bé nhưng quý báu sưởi ấm họ đến tận trong cội rễ, ngọn lửa nhỏ xíu mà họ khum hai bàn tay che chở không để nó bị gió thổi tắt, ngọn lửa mà một khi cơn cuồng phong của hiện thực ùa tới thì có thể dễ dàng lụi tắt.

… Anh vô cùng mong được gặp lại Aomame. Đồng thời, cuộc gặp gỡ với cô lại trở nên đáng sợ. Nỗi thất vọng tàn khốc cùng sự im lặng gượng gạo có thể sẽ nảy sinh trong cuộc gặp khiến tim anh thắt lại. Cơ thể anh dường như bị xé toang thành hai nửa. Nhưng anh không thể không đi gặp Aomame. Đó là điều mà trái tim anh hai mươi năm nay không ngừng khát khao mãnh liệt. Cho dù kết quả có thể là thất vọng đến thế nào chăng nữa, anh cũng không thể quay người trốn chạy được.

Tr. 451.

(Lục Hương dịch, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2013)

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Nhà giả kim – Paulo Coelho

Nghề bán kem được coi trọng hơn là chăn cừu… Nói cho cùng con người coi việc kẻ khác đánh giá anh bán kem hay cậu chăn cừu quan trọng hơn là thực hiện điều thâm tâm mình muốn – tr. 41

…khi ngày nào cũng như ngày nấy thì con người cũng chẳng nhận biết được những việc hay ho xảy đến trong đời – tr. 46

…mình có thể nhìn thế giới hoặc với con mắt của một kẻ khốn khổ bị cướp sạch hoặc của một kẻ phiêu lưu trên đường đi tìm kho tàng – tr. 64.

Đôi khi không có cách gì ngăn được dòng đời – tr. 83.

Quyết định mới chỉ là khởi đầu. Khi đã quyết định rồi tức là ta trôi nổi trong một dòng sông cuồn cuộn chảy; nó cuốn ta theo đến một nơi mà lúc lấy quyết định ta không hề dám nghĩ tới – tr. 96.

Nếu ta lúc nào cũng ở trong hiện tại được thì ta là người hạnh phúc. Như thế ta sẽ thấy rằng sa mạc này vẫn đang sống, rằng bầu trời vẫn đầy sao và người ta đánh nhau vì đó là đặc trưng của con người. Như thế cuộc đời sẽ thành một ngày hội lớn, một buổi lễ lớn vì đời bao giờ cũng chỉ là khoảnh khắc ta hiện đang sống – tr. 120.

Tình yêu đòi hỏi người ta phải ở gần người mình yêu – tr. 135.

Đừng quên rằng trái tim cậu ở đâu thì kho báu cũng ở đó – tr. 156.

Cậu phải hiểu rằng tình yêu không bao giờ ngăn cản ai theo đuổi vận mệnh của mình cả. Nếu để cho chuyện ấy xảy ra thì đó không phải là tình yêu đúng nghĩa – tr. 162.

Người ta yêu vì yêu. Cần gì phải có lý do – tr. 163.

Con người mơ được về trở về hơn là ra đi… 

Nếu những gì ta tìm thấy là thật, là vàng ròng thì chúng sẽ không bao giờ hư hao và bất cứ lúc nào ta quay về thì chúng vẫn còn nguyên vẹn đó; còn nếu chúng chỉ là thoáng qua như ánh sao băng thì khi trở về ta sẽ chẳng tìm thấy gì nữa cả. Nhưng dẫu sao cậu cũng đã được sống cái phút thoáng qua ấy và bấy nhiêu đã là quý rồi.

(tr. 166)

Phần lớn người ta nhìn thế giới như một nơi đầy đe dọa, chính vì thế mà thế giới trở thành một nơi đe dọa thật – tr. 175.

Giờ tối nhất trong đêm lại chính là ngay trước lúc rạng đông – tr. 176.

Khi yêu thì không cần phải hiểu chuyện gì đang xảy ra vì mọi sự diễn ra trong chính mình – tr. 195.

(Lê Chu Cầu dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2017)

Đà Lạt đơn sắc

Đà Lạt những ngày đầu tháng 8.

Tôi ở sâu trong hồ Tuyền Lâm. Không như hồi tháng 11 năm ngoái. Một Đà Lạt ít xô bồ hơn ở đây. Tôi nhận ra phố núi trong những rặng cây trải dài hai bên đường, trong buổi chiều rất nhanh sụp tối. Và trong cái thẳm sâu của đêm cao nguyên.

Tôi chụp bằng điện thoại. Chỉnh về màu như cách tôi nhìn. Đà Lạt những ngày này, âm u và buồn tênh. 



Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Trên kệ sách (6)


69 (Ryu Murakami, Hoàng Long dịch, NXB Lao Động & Bách Việt, 2016) 

Tôi gần như quên khuấy cuốn này. Không phải vì nó dở hay ít thú vị. Dạo sau này, tôi nghĩ mình ít tập trung vào việc đọc. Đúng ra tôi đọc để tìm kiếm sự tập trung. Sự đọc khi đó dở hơn tự thân nó. Nghĩa là, thay vì hành vi đọc dẫn đến sự tập trung vào việc đọc, một cách tự nhiên thì tôi cố ép buộc mình. Hệ quả là tôi nhanh chóng thấy mệt và quên cái mình đã đọc nhanh hơn hẳn bình thường.

Đó có phải là vấn đề của tuổi tác không? 

Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm…

Kazuo viết cái dòng ấy cho Ken, sau nhiều năm xa xách. Nàng đã lấy chồng còn chàng trở thành nhà văn. Thi thoảng họ liên lạc với nhau, bằng những cú điện thoại hay thư từ. 

Rồi cuốn sách ngừng ở đó. Dĩ nhiên đó là một cái kết không thể nào đẹp hơn. Bởi lẽ cuốn sách không viết về cái thực tại mà viết về quá khứ. Cái năm 1969, khi họ còn là những cô cậu mười bảy tuổi… 

Không ơ thờ lãng đãng, không u ám thâm trầm, càng không huyền bí siêu thực, Ryu Murakami mang đến cho tôi một cảm giác mới mẻ về văn chương Nhật. Một thời tuổi trẻ sôi nổi, không thiếu ngông cuồng nhưng tươi sáng và khá hài hước được ông gói gọn trong hơn hai trăm trang sách với lối hành văn hiện đại, cái nhìn dí dỏm và một niềm say mê mà hẳn chỉ nhiệt tình tuổi trẻ mới có. 

Bạn có thể là gà, hay là người, nhưng chỉ cần chút nổi loạn là ta biết được đời ta thuộc về chính bản thân ta (trang 234). 

Phong vị tuổi trẻ thấm đẫm trong 69 như thế… 

Gió đùa trong liễu (Kenneth Grahame, Nguyễn Thị Cẩm Linh dịch, NXB Văn học & Đông A, 2017)  

Tôi đặt mua online. Vì vậy khá ngạc nhiên khi sách đến tay. Hình thức rất đẹp, bìa cứng, còn có tranh mình họa. (Dù kỳ thực tôi không thích sách bìa cứng, nó lạc điệu giữa hầu hết sách tôi có, chỉ là loại bìa mềm). Cuốn này hợp với bạn đọc nhỏ tuổi, từ thể thức trình bày đến văn phong và nội dung câu chuyện. Tất nhiên nếu thiếu nhi đọc được thì người lớn cũng là đối tượng có thể đọc (phép loại trừ chỉ diễn ra ở chiều ngược lại?!) 

Bạn sẽ thấy mến Chuột Chũi vì sự trung hậu của cậu, rồi cũng sẽ mến Chuột Sông với sự thông minh nhưng không thiếu trìu mến yêu thương trong cậu… Rồi những nhân vật khác xuất hiện và bạn thấy tất cả đều đáng yêu. Nhưng rất có lẽ cậu Cóc ưa phiêu lưu, cả thèm chóng chán là nhân vật thú vị hơn cả. Một kẻ cuối cùng cũng trưởng thành hơn sau những vấp váp. Nhưng cái thú vị ở Cóc, là một người lớn thì ta chẳng buồn đánh giá cao cái chi tiết cuối cùng ấy (trừ phi ta phải thuyết giảng với mấy bé thiếu nhi), mà ta sẽ thấy thú vị trước những chi tiết nổi loạn, những biểu hiện luôn ở ngưỡng tối đa cảm xúc của cậu. Sự si mê đối với cái xe ô tô, sự lao mình vào thú nguy hiểm mặc kệ mọi lời can ngăn… Một kẻ hay gây rối nhưng lại là tâm điểm để làm câu chuyện bên dòng sông nơi vi vu gió đùa trở nên sống động và tràn đầy tinh thần phiêu lưu hơn…

Cô gái Brooklyn – Guillaume Musso



Khẳng định rằng mình yêu ai đó phỏng có ích gì nếu ta không đủ khả năng bảo vệ người ấy? – tr.160

Quá độ tuổi nào đó, con người không còn sợ gì ngoài kỷ niệm của chính mình – tr. 61.

Cuộc sống đúng là khốn kiếp. Khi chia bài, nó giành phần bài quá khó cho một số người – tr. 82.

Ông vẫn nhớ những tối khi mà trong một cơn bốc đồng, ông rời thủ đô và đi gặp bà, vô tư lao về phía Nancy sau tay lái chiếc R8 Gordini… Người ta chỉ trải qua những việc như thế một lần duy nhất, nhưng ngay lúc đó, người ta hiếm khi ý thức được giá trị của nó. Và nó là một trong những bi kịch của cuộc đời – tr.166.

"Tôi vẫn thích sự điên cuồng của đam mê hơn là sự khôn ngoan của hờ hững." (Anatole France) - tr. 170.

…trong vô số những thứ tồn tại trên đời, không gì mạnh hơn quá khứ, sự trong trắng đã mất và những mối tình bị chôn vùi. Không gì khiến ta quặn lòng hơn ký ức về những cơ hội bị bỏ lỡ và hương vị hạnh phúc mà ta đã để tuột mất – tr. 258.

Mỗi đời người đều có ngày phải trải qua một cơn địa chấn như thế: thời khắc mà tình cảm trở thành những que diêm quẹt lên giữa một khu rừng khô xác. Màn dạo đầu cho một vụ hỏa hoạn có thể tàn phá tất cả những gì ta đã xây đắp, và kéo ta xuống vực thẳm. Hoặc sự tái sinh – tr. 262.

Mọi sự thật trên thế giới này đều bắt rễ trên mảnh đất thời thơ ấu – tr. 279.

(Nguyễn Thị Tươi dịch, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2017)

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Vui như chim sổ lồng

N lướt qua, hơi nhăn nhăn sống mũi và bảo: “Em bị chuyển về khu đông”.

Tôi nhìn N và đính chính: “Chỉ là hỗ trợ tạm thời”. Và tôi hỏi: “Có gần chỗ em ở không?”

N gật đầu, cười cười.

Tôi không rõ N vui hay không vui về điều đó. Chúng tôi không nói gì thêm. Nhưng nếu tôi đúng, có lẽ N không vui như có thể vui vì được gần nhà.

Bất giác tôi muốn cảm ơn N, vì em đã không quá vui. 

Người khác, thì vui như chim sổ lồng…

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Màn ảnh TVB (4)



Tôi viết dựa theo trí nhớ, sự yêu thích riêng và trong khuôn khổ những bộ phim tôi từng xem.


4. Louis và Carman: Hỏi thế gian tình là gì?



Một trong những hồi ức đẹp nhất của tôi về TVB thuộc về phim này, Thần điêu đại hiệp 1995.

Đó là những năm tháng mà tên tuổi diễn viên hầu như không có ý nghĩa với bạn. Thông tin hạn chế và bạn tiếp nhận mọi thứ rộng mở hơn khi trưởng thành. Bạn sẽ đi theo trật tự lý tưởng, xem phim trước và để ý đến các thể loại tên tuổi, diễn viên hay đạo diễn sau. Không như về sau này, rất thường khi bạn chọn phim nào đó để xem vì được ám thị về một sự “bảo chứng” nào đó…

Những năm tháng ấy là tuổi thơ của bạn. Và thanh xuân của họ. Tôi muốn nói đến Loius Koo Cổ Thiên Lạc, mà fan hay thân mật gọi anh là Cổ tử hay Mr Cool. Và Carman Lee Lý Nhược Đồng, người mà danh xưng Cô Cô rồi đây sẽ gắn với cô mãi mãi…

Một thiên tình sử

Hỏi thế gian tình là gì?


Câu thơ vốn gắn với nhân vật có lẽ là vô tình nhất mà cũng lại hữu ý nhất trong Thần điêu đại hiệp: Lý Mạc Sầu. Nó không được thốt lên bởi Dương Quá hay Tiểu Long Nữ, những kẻ yêu nhau đã tìm được đúng người để yêu. Nhưng tôi vẫn nghĩ, dù chưa đọc tiểu thuyết gốc, trong Xạ điêu tam bộ khúc, Thần điêu đại hiệp là tác phẩm thấm đẫm tình yêu hơn cả, đến nỗi người ta có thể gọi nó là tiểu thuyết tình yêu – một thiên tình sử hơn là tiểu thuyết kiếm hiệp. Thế nên cái lời vấn thế gian ấy, tuy xuất phát từ một cá nhân mang trong mình bi kịch của một mối hận tình, vẫn hiển lộ là lời dò hỏi về độ nông sâu của chữ tình, cho những ai đã, đang và sẽ yêu, cũng như cho cả những ai ngắm nhìn tình yêu của kẻ khác, bằng tinh thần cao quý hay phàm tục. Và tình yêu của Dương Quá – Tiểu Long Nữ, vượt qua cái hạn hẹp đời thường, quá nhiều hy sinh, quá nhiều đợi chờ, những đằng đẵng chia xa, những phút giây sum vầy trào nước mắt… là câu trả lời với đầy đủ cung bậc của tình yêu, một tình yêu lớn mà nếu yêu người ta cũng chỉ có thể yêu như thế một lần trong đời. Nó khiến ta rung cảm. Dẫu, dĩ nhiên, ta sẽ không quên, câu chuyện của Lý Mạc Sầu: nàng đến chết vẫn còn mang theo câu hỏi ấy như mang theo nỗi oán hận đã chiếm trọn đời mình.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

1Q84 (1&2) – Haruki Murakami

…việc con người giành được tự do rốt cuộc có ý nghĩa gì ? Chẳng lẽ lại là khéo léo thoát khỏi một nhà tù, để rồi tự chui vào một nhà tù lớn hơn ? – tr. 279.

Dù là thứ gì chăng nữa, thế nào cũng có người không vừa ý – tr. 284.

Cô độc một mình cũng chẳng sao, chỉ cần thật lòng yêu một người, cuộc đời sẽ được cứu rỗi. Dẫu rằng không được sống bên người ấy – tr. 289.

Sách sử cho chúng ta biết một sự thực rằng, chúng ta trong quá khứ và ngày nay về cơ bản là tương đồng. Tuy phục trang và phương thức sống khác nhau, nhưng tư tưởng và hành vi của chúng ta thì không thay đổi nhiều lắm. Con người, xét cho cùng, chẳng qua chỉ là giá thể của gien di truyền. Chúng cứ lần lượt thay thế chúng ta hết đời này đến đời khác, giống như người ta vứt bỏ những con ngựa đã chạy mệt lử mà đổi ngựa mới vậy. Chẳng những thế, gien di truyền xưa nay không bao giờ nghĩ xem thế nào là thiện và ác. Dù ta hạnh phúc hay bất hạnh, chúng cũng chẳng hề quan tâm. Vì chúng ta rốt cuộc chỉ là một phương tiện. Bọn chúng chỉ quan tâm đến một điều : đối với chúng, thứ gì mới là hiệu quả nhất – tr. 322.

Khi đắm chìm vào suy tư, con người ta dường như mất đi cảm giác về thời gian. Duy chỉ trái tim là vẫn cứng nhắc khắc ghi một tiết tấu nhất định – tr. 330.

Chuyện tương lai, với bất cứ ai cũng là vùng đất chưa được biết. Không có bản đồ. Muốn biết vòng qua lối rẽ sẽ là cái gì đang chờ đợi ta thì phải vòng qua chỗ đó mới biết được. Hiện giờ chẳng thể dự liệu được điều gì – tr. 348.

Thế giới này chính là cuộc tranh đấu bất tận giữa một ký ức với một ký ức khác ở phía đối nghịch – tr. 441.

(Tập 1, Lục Hương dịch, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2012)

Đây là thế giới hiện thực, đầy rẫy những kẽ hở, những mâu thuẫn và kết cục khiến người ta cụt hứng – tr. 66.

Thành phố lớn tụ tập đầy đủ mọi hạng người thì ắt sinh ra sức nóng, sức nóng ấy có lúc chuyển hóa thành bạo lực – tr. 69.

Thế giới này tràn ngập quá nhiều câu đố - tr. 74.

Truyện rất ngắn: Kẻ thù - Khi anh đang ngủ

Kẻ thù 

Tôi nhìn thấy hai khách hàng ở tiền sảnh, khi đi từ cầu thang trên lầu một xuống. Họ có vẻ giận dữ và đang lớn tiếng chửi rủa nhau. Rồi bất ngờ người đàn ông đấm vào mặt người phụ nữ. Cú đấm trúng ngay hàm. Nhưng người phụ nữ không phí một phút giây nào ôm mặt, cô lập tức nhảy xổ vào người đàn ông, dẫu chỉ đứng đến ngực anh ta. Cả hai hét tướng và không ngừng chửi nhau. Mọi người xung quanh, bao gồm các cô giao dịch viên và khách hàng ngồi chờ đến lượt, có vẻ kinh ngạc đến đờ cả người. Chỉ mấy anh bảo vệ vội vàng lao đến. Mất một lúc can ngăn mới vãn hồi được trật tự. 

Tôi ngơ ngác hỏi chị đồng nghiệp, “Ai vậy? Thành viên công ty mâu thuẫn về lợi ích hả chị?” Chị ngước lên nhìn tôi và cười bảo: “Em nghĩ sao vậy? Cư xử như kẻ thù thế thì chỉ có thể là vợ chồng của nhau thôi” rồi quay lại với đống chứng từ của chị. 
... 

Khi anh đang ngủ 

Em thường dậy vào lúc năm giờ sáng. Trong lúc mơ màng, anh nghe tiếng em sập cửa. Em xuống phố, băng ngang con đường hẹp, bước vào khu chợ nhỏ. Em mua thức ăn trong ngày, cho buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Thỉnh thoảng em cũng quên vài thứ, em trở về nhà rồi lộn vòng con đường cũ. Một ngày vài ba bận, từng bậc cầu thang quen mòn những bước chân em. 

Khi trong bếp vang lên những âm thanh khẽ khàng, tiếng dao thớt chạm nhau, tiếng chén đĩa leng keng, tiếng xèo xèo của thức ăn nấu chín và mùi thức ăn loang dần trong không khí, hương thơm quyện trong làn khói bay cao, anh vẫn còn đang ngủ. Lãng đãng trong những giấc mơ chưa tắt. Những giấc mơ về cuộc đời, chúng ta còn trẻ, mọi thứ ở trong tầm tay. 

Một buổi sáng như thế, như thường lệ, em xuống phố, băng ngang con đường hẹp, với danh sách nhẩm tính cần mua. 

Và chiếc ô tô bốn chỗ mất lái. 

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Chuyện kể Trăng nghe – Shin Kyung Sook

Một người bạn từng hỏi Van Gogh phương châm của cuộc đời ông là gì. Trả lời cho câu hỏi ấy, Van Gogh đã nói thế này.

"Đó là việc phải lên tiếng dù muốn giữ im lặng. Là yêu và được yêu. Là sống trên cõi đời này. Là cho đi một cuộc đời, làm mới, hồi sinh và bảo toàn cuộc đời ấy. Làm việc như những chùm pháo hoa. Và hơn hết là làm điều tốt, có ý nghĩa để giúp đỡ người khác…" - tr. 22.

(Đôi giày của Thượng đế)

Đang đọc sách mà bắt gặp từ "năm tháng" len lỏi đâu đó giữa những câu văn, tôi thường phải dừng lại lặng nhìn. Cũng giống như lúc gọi tên ai đó vậy – tr. 24.

Con người, chẳng biết rồi sẽ gặp lại nhau vào lúc nào và ở đâu. Đó là lý do mà ta phải luôn sống hết mình cho từng khoảnh khắc… Khi chạm mặt người mình từng rời xa ở một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời, tuy đã quên cả tên nhau vẫn nhận nhận ra nhau, phải, chính là khi ấy.
Họ sẽ gọi tôi là gì nhỉ ? Và bạn, bạn sẽ được gọi là gì? – tr. 28.

(Cậu, Bánh Bắp đây mà!)

Tình yêu ấy mà, người càng yêu nhiều thì càng có nhiều quyền lực hơn. So sánh tình yêu với quyền lực như thế cũng có hơi khập khiễng, nhưng đúng là thế đấy. Người yêu đối phương nhiều hơn dường như luôn là người giỏi đối đãi hơn – tr. 36.

(Lời chào năm mới)

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Sách ngược đời xuôi – Gabrielle Zevin


… chỉ cần dám thử thì hầu hết các vấn đề của loài người sẽ đều có cách giải quyết – tr. 18.

… trên đời này, có thứ gì riêng tư hơn những cuốn sách nữa đâu ? – tr. 25.

Sống một mình có cái dở là tự bày thì phải tự đi mà dọn. Không phải, dở nhất là chẳng có ai quan tâm lúc đau khổ - tr. 27.

Cảm xúc khi 20 tuổi chẳng nhất thiết phải giống lúc 40 tuổi hoặc hơn. Điều này đúng với những cuốn sách và với cả cuộc đời – tr. 51.

Người ta vẫn luôn buông lời dối trá về chính trị, Chúa và tình yêu. Con có thể biết mọi điều cần biết về một người chỉ với câu hỏi nhỏ : Cuốn sách yêu thích của anh là gì ? – tr. 99.

Đôi khi, phải chờ tới một thời điểm thích hợp, những cuốn sách mới tìm đến chúng ta – tr. 104.

… hầu hết những điều tệ hại trên đời đều do sai thời điểm cả, còn những thứ tốt cũng bởi đúng thời điểm mà ra – tr. 118.

Sau chừng đó năm, ta học được rằng, thà yêu thương, mất mát, thà cô độc một mình cũng còn hơn phải sống cùng người mình không thực sự thích – tr. 126.

Nỗi sợ không được yêu thương khiến chúng ta cô độc, nhưng chính vì cô độc, ta mới nghĩ mình không được yêu thương – tr. 176.

… ngày nào đó, nếu nghĩ đến chuyện kết hôn, hãy chọn một người mà trong mắt họ, con là duy nhất – tr. 177.

Ta đọc sách để biết mình không còn cô đơn. Ta đọc vì cô đơn. Ta đọc và không còn cô đơn nữa. Ta không còn cô đơn nữa – tr. 266.

Chúng ta không hẳn là tiểu thuyết…
Chúng ta không hẳn là những mẩu truyện ngắn…
Cuối cùng thì mỗi chúng ta là một tuyển tập…
…Chẳng có tuyển tập nào mà mọi truyện trong đó đều hấp dẫn. Một số tuyệt hay. Một số thì chẳng ra sao cả. Nếu may mắn, tuyển tập đó sẽ nổi như cồn. Cuối cùng, người ta cũng chỉ nhớ đến những truyện nổi nổi thôi, nhưng cũng chẳng nhớ được lâu đâu…

(tr. 266)

(Hồng Ly dịch, NXB Hội nhà văn & IPM, 2016)

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Trên kệ sách (5)


Để em khỏi lạc trong khu phố (Patrick Modiano, Phùng Hồng Minh dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2016) 

Tôi hơi không tin được là tôi lại tiếp tục đọc tiểu thuyết của Patrick Modiano. Tôi nghĩ cuốn đầu tiên - Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối và cùng lắm đến cuốn thứ hai - Từ thăm thẳm lãng quên là đã đủ rồi. Thế nhưng, bất luận là đến cuốn thứ ba Phố những cửa hiệu u tối, không chỉ là “đã đủ” mà là “quá đủ” thì lại thêm một lần nữa, tôi sa chân vào cái mạng nhện của ông ấy, nhà văn của Paris - Paris của riêng ông, nơi đi vào là lạc ngay đó. 

Một câu chuyện nữa về lãng quên và tìm về. Tôi ngờ là những nhân vật của Patrick Modiano đều mắc hội chứng “não cá vàng”. Để rồi đến lượt mình, đám độc giả cũng mắc lây cái chứng ấy. Cảm giác mơ hồ đeo đẳng tôi suốt những trang sách. Tôi không thể hiểu tường tận, cùng lắm chỉ có thể cảm nhận. Nhưng sự cảm nhận đó cũng mong manh và nghèo nàn, không khác nhau giữa những cuốn sách, và như đã được mặc định: nỗi hoài nhớ, sự lãng quên và cảm thức trôi dạt, ta thậm chí không biết ta là ai và càng không biết những người từng ở bên ta, họ là ai trong cuộc đời này... Đọc tiểu thuyết của Patrick Modiano như thể đi lạc trong một giấc mơ. Một giấc mơ mà khi tỉnh thức, bạn chẳng nhớ được điều gì, chỉ cảm thấy nỗi buồn vương vất đâu đó, nỗi buồn của cảm giác bị bỏ lại, bơ vơ mà không biết tại sao mình bơ vơ… 

May mắn thay, giấc mơ không quá dài… 

Một ý niệm khác về hạnh phúc (Marc Levy, Phạm Thị Minh Hằng dịch, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2015) 

Có người bảo tôi thật can đảm, theo nghĩa mỉa mai, khi chọn mua sách của Marc Levy. Như thể với họ, một người đọc chân chính sẽ không đọc Marc Levy.

Tôi không nghĩ thế. Dẫu rằng rất lâu, có lẽ trên mười năm, tôi mới trở lại với một cuốn sách của ông. Ấn tượng của tôi dành cho nhà văn Pháp từ cái thời Nếu em không phải một giấc mơ vẫn vậy: một nhà văn lãng mạn với cái nhìn điện ảnh – như một đạo diễn hơn là một nhà ngôn ngữ (chả là từ cái thời đó tôi đã có suy nghĩ tác phẩm của Marc Levy rất thích hợp để dựng thành phim, kiểu phim tình cảm lãng mạn của Mỹ mà ta có thể dành những ngày thứ bảy để xem, để thư giãn và để thấy cuộc đời này vẫn còn đáng yêu). 

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Những người nuôi giữ bồ câu – Alice Hoffman

… những gì con người ta thèm khát, họ thường lại hủy hoại mất – tr.18.

Ta càng có ít để mất, thì càng dễ dàng cầm lấy một con dao, thanh kiếm hay một con bò cạp – tr.260.

Với một số, chúng ta giống như những người khổng lồ ; và với một số khác, chúng ta lại là những con kiến có thể bị giẫm nát dưới chân – tr. 260.

Nếu ta không đối diện với một điều gì đó, thế nào rồi nó cũng sẽ bám theo ta… một khi ta đã bỏ chạy, ta sẽ không bao giờ có thể dừng lại được – tr. 313.

Vợ của một người đàn ông quyền thế cũng có thể trở nên thèm khát quyền lực cho chính mình – tr. 341.

… một vài bí mật đưa con người ta lại gần với nhau hơn khi cùng chia sẻ, cũng hệt như một số bí mật khác làm người ta trở nên xa cách – tr. 414.

Bất cứ ai để lộ con người thực của mình đều là do lời nói – tr. 478.

Tình yêu làm ta trao đi chính mình, nó trói buộc ta vào thế giới này, vào số phận của một người khác – tr. 612.

(Lê Đình Chi dịch, NXB Phụ nữ, 2014)

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Cái Tết quá nhanh



Cái Tết dường như đến quá nhanh… Tôi thấy mình chẳng kịp làm gì. 

Có lẽ mấy năm đã quen với cái Tết sẽ diễn ra từ giữa tháng 02 trở đi nên năm nay tháng 01 chưa qua, giao thừa đã gõ cửa, cảm giác có chút đường đột. 

Tôi dự tính phải làm vài thứ cho mình. Cần phải thay gọng kính mới (mà có khi phải đổi cả cặp kính nếu chẳng may không có cái gọng nào vừa với tròng cũ – sẽ phải móc thêm hầu bao và tôi còn tiếc đứt ruột cái giá phải trả cho cái tròng cũ được quảng cáo xuất xứ từ Nhật, loại chỉ rẻ hơn cái đắt nhất – có lẽ của Ý, nếu tôi nhớ không nhầm). Cần phải mua một cái đồng hồ đeo tay. Sẽ chọn hàng chính hãng, sau mấy chục năm đeo toàn hàng dỏm, hị hị… Cần phải đến nha sĩ để tổng vệ sinh răng miệng. Bao lâu rồi ta không đi? Lần gần nhất khám sức khỏe tổng quát, nha sĩ bảo không có gì nghiêm trọng nhưng có những vết thương nhỏ, li ti, li ti… nghe thi vị như đang nói về mấy vết thương lòng. Miệng đang bận ngoác dưới ánh đèn soi, không thì hẳn tôi không ngăn được mình cười ha hả. 

Tôi còn muốn mua một cái một cái Ipad và một cái máy chụp hình. Đây là kiểu ham mê cũ. Thi thoảng tôi vẫn để mình bị cuốn vào những thứ như thế, những thứ không chắc cần thiết nhưng vì một lý do nào đó, không hoàn toàn dứt khỏi tâm trí. Chúng ở đó, dưới lớp băng kìm nén. Tôi quá quen với điều này, thành ra hầu như chẳng gặp rắc rối gì với chúng. Nghĩa là, bạn hãy hình dung, thứ có thể khiến ta phát cuồng cũng có thể đồng thời là thứ ta hoàn toàn dửng dưng.

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Đà Lạt chỉ còn là quá khứ

Chưa có năm nào giáng sinh ở Sài Gòn nóng như năm rồi. Kể cả cái năm khô hạn đến mức thành phố phải cúp điện định kỳ mỗi tuần, có nơi một lần, có nơi hai lần… Cái năm mà hẳn tôi đã từng nói vui, rằng giờ đây tôi nhận ra tình yêu của đời mình là cái máy lạnh hay cái tủ lạnh…

Thời tiết cứ mỗi lúc một trở nên bất ổn. Mưa vẫn có thể rơi vào tháng 12, tháng 1 và xứ nhiệt đới, ở đâu đó từ lâu đã có tuyết rơi…

Tôi có dịp đến Đà Lạt vào khoảng giữa tháng 12. Một chuyến du lịch ngắn ngày gắn mác teambuilding. Một năm có vài chuyến, tôi vắng mặt hầu hết. 

Vui vì được trở lại Đà Lạt. Hơn hai mươi năm. Hồi đó tôi chỉ là một bé gái. Giờ đây tôi đã bước qua tuổi ba mươi. Một khoảng thời gian thật là dài để gặp lại cái từng có trong tuổi thơ mình...

Đà Lạt bây giờ xô bồ hơn. Khách sạn, nhà nghỉ nối liền nhau. Hàng ăn mọc như nấm. Khách du lịch lẫn với dân địa phương, chẳng thể nào nhận ra, giữa người và người. 

Và Đạt Lạt, trong tôi, như phút chốc trở thành một thành phố xa lạ. Thành phố với mớ kiến trúc hạ tầng ngổn ngang, với những náo nhiệt trên hè phố, trong chợ đêm, trong những bán buôn thuần túy đã mất đi nét trong trẻo, nên thơ, an tĩnh của một vùng thung lũng tôi từng biết. Đà Lạt hôm nay cũng như Vũng Tàu, cũng tiệm cận với Nha Trang, cũng hệt như Ninh Thuận... Trong cách thức mà người ta nhào nặn lên cái gọi là du lịch, nơi nào rồi cũng trở nên giống nhau, nơi nào rồi cũng mất dần đi cái mà buổi ban sơ chỉ thuộc về riêng mình…

Tôi không tìm lại được hương vị của ly sữa đậu nành nóng ngày xưa. Nó mất đi đâu đó trong dòng thời gian, như người ta đánh rơi trí nhớ của mình…

D nói với tôi, đại ý nếu ở Đà Lạt lâu hơn, sống như người dân địa phương, chị sẽ lại thấy Đà Lạt của những ngày yên tĩnh…

D sinh năm 1992 hay 1993, ở giữa chúng tôi, một cô gái với phẩm chất vô tư, nhiệt tình hiếm có… Bạn sẽ hiểu D là kiểu đồng nghiệp đáng mến, một thành viên lý tưởng của bất kỳ tập thể nào. Nhưng D nói với tôi, em không nghĩ em sẽ tiếp tục công việc ở đây sau một năm.

Danh sách những cuộc chia tay theo cách đó, theo cách người ta rời bỏ công việc của mình, sẽ còn nối dài, nối dài thêm nữa… Và bạn nhún vai, tốt thôi, cho cả mình.


Tôi ngủ suốt trên xe. Người ta nói đó cũng là một kiểu say. Cơn buồn ngủ cứ chực ập tới không thể nào chống đỡ  và tôi phó mặc cho việc bị nó nuốt trọn trong hầu hết thời gian. Duy khi chỉ còn vài tiếng về đến Sài Gòn, bầu trời nhá nhem tối, và tiếng hát văng vẳng trên xe, lúc này đây, bỗng những tâm hồn nghệ sĩ thức giấc, kể cả với người trùm kín chăn để ngăn mùi xăng xe hành hạ dạ dày; họ hát trong sự nhiệt tình cao nhất như thể tất cả những mong cầu trong chuyến đi là đây, là được hát cho đến vô tận, trong những náo nức bình phẩm, những hò hét, những tràng cười, những tranh giành và tiếng vỗ tay hoan hỉ.  

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, vào điểm duy nhất, đốm xanh kỳ lạ xa xa trên vách kính. Trong cái nhá nhem của buổi chiều muộn, lướt đi, lướt đi cùng thời gian, cho đến khi bóng tối dày đặc…

Đà Lạt chỉ còn là quá khứ.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...