Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Trên kệ sách (7)




1Q84 (Haruki Murakami, Lục Hương dịch, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2012-2013) 

Tôi khá vất vả với bộ tiểu thuyết này. 

Tập 1 khá hấp dẫn, tôi đọc nhanh hơn một tẹo. Tập 2 tương đối, dẫu sao ta còn muốn đọc. Đến tập 3 thì gần như phải rất nỗ lực, chỉ vì không nỡ bỏ dở thứ đã bắt đầu. Một vài người đọc bộ 1Q84 tôi biết cũng có nhận định tương tự. Họ cảm thấy câu chuyện mỗi lúc một dài và gây chán nản, thậm chí có người không thể theo hết. Và sở dĩ tôi nhận được bộ này vì nhờ một người không đọc nổi đến cuốn thứ ba của nó.

Thật ra điều khiến tôi khó chịu hơn cả với bộ tiểu thuyết 1Q84 không hẳn là độ dài hay kiểu lề mề của Haruki Murakami, vì vốn tôi có thể hình dung với một tiểu thuyết đồ sộ như thế, thể nào ông ấy cũng sẽ nhẩn nha trong những chi tiết đời thường và tất nhiên, chớ mong chờ một chi tiết bùng nổ. Mọi thứ đến khi phải đến, theo cách cứ thế mà biết với nhau trong lặng lẽ. Và nếu có gì ta thấy hơi chán về tình tiết thì mấy cái nhân vật tưởng chừng ghê ghớm lại “ngỏm” một cách quá dễ dàng.. 

Điều khiến tôi khó chịu xảy ra sau vài trang của tập đầu, khi tôi cứ thấy mình như đang đọc văn học Trung Quốc thì đúng hơn là văn học Nhật Bản và của Haruki Murakami. Và rồi nhanh chóng tôi nhận ra bản dịch cả ba tập 1Q84 đều được dịch từ bản tiếng Trung với dịch giả dường như cũng là người hay dịch văn học Trung Quốc. Tôi không nghĩ mình hiểu đúng về văn phong của tác giả ngoại quốc hay một nền văn học. Nhưng ít nhiều quá trình đọc sách này sách kia mang đến cho ta những cảm nhận riêng, trở thành một cái gì có tính trực giác. Nó không dễ để diễn đạt nhưng nó tồn tại, vì nó là cảm giác chân chực của bạn. Tôi thấy hơi tiếc về điều đó.

Tôi còn một cuốn khác của Haruki Murakami mua từ hội sách mùa xuân năm ngoái, Kafka bên bờ biển, một tác phẩm cũ hơn và được ca ngợi nhiều hơn. Tôi không vội đọc vì cảm thấy mình đọc Haruki Murakami đã hơi quá nhiều. 

Nhưng cái suy nghĩ mình sẽ không đọc nhiều tác phẩm của cùng một tác giả, thật ra theo thời gian, tôi cũng đã tự phá vỡ. Đôi khi bạn không biết phải chọn gì giữa một rừng sách. Và bạn, theo thói quen, tìm đến thứ bạn từng biết, một cái tên khả dĩ vẫn gây niềm tin, một cuốn sách vẫn hứa hẹn khả năng gây đắm chìm.. tuy chúng ngày càng ít đi mà nguyên nhân của việc này một phần nằm ở nơi bạn. 

Tù nhân của thiên đường (Carlos Ruiz Zafón, Võ Hồng Long dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2017) 

Khi cuốn sách này ra mắt, tôi đặt mua ngay và gạt những cuốn khác sang một bên để dành cho nó vài buổi tối. Tôi nghĩ trong cái năm nay thì đây là cuốn đem đến cho tôi cảm giác chờ đợi khi đặt mua. Tôi đã rất thích cuốn đầu tiên trong bộ tứ của nó, cuốn Bóng hình của gió mà tôi được Còi Cọc tặng (xem lại thời gian đọc, thì đó là vào năm 2015). Dĩ nhiên không phải là khoảng thời gian quá ngắn để tôi có thể hệ thống lại từng chi tiết nữa, có cái tôi đã quên rồi, thứ còn nhớ được thì chưa hẳn đã chính xác. 


Tù nhân của thiên đường đơn giản hơn nhiều, về cốt truyện cũng như hệ thống nhân vật. Xét về năm ra đời của nguyên tác thì nó phải là tập thứ 03 trong bộ truyện. Nhưng hình như việc đọc không cần phải theo thứ tự đó, có thể vì nó vẫn có tính độc lập, cũng có thể trên cái nền của cuốn đầu tiên thì những cuốn khác, chỉ cần chưa phải là cuốn cuối cùng, ta đều có thể đọc xuôi đọc ngược được. 

Một cuốn sách của những bí mật, chúng được hé mở để rồi ta hiểu rằng mọi thứ lại chỉ như mới bắt đầu. Trong chừng mực nào đó, đó là cách hay để tạo tiền đề cho cuốn sau. Dù nếu đặt trong sự so sánh với cuốn đầu tiên, Bóng hình của gió thì Tù nhân của thiên đường kém hẳn. 

Zafón vẫn giữ cho tiểu thuyết của mình một nhịp thở hiện đại trong bối cảnh Barcelona những 1957. Quá khứ được tiết lộ với những chi tiết có tính bạo lực nhưng không gieo bi kịch khiến ta thấy đau buồn. Vài tình tiết lãng mạn kiểu điện ảnh khiến bạn thấy thú vị. Tính cách nhân vật cũng hiện lên sắc nét. Như theo dõi một phim đủ kịch tính, có chiều sâu và sự nồng nàn nhất định. 

Đôi khi tôi cũng nghĩ đây hẳn là cách khai thác phù hợp với độc giả đương đại, những người sẽ hơi lười với một cuốn sách sâu thăm thẳm, nhưng cũng phe phẩy chán nản những màn chữ nghĩa nửa vời. 

Thì một sự kết hợp giữa nghệ thuật và giải trí bao giờ cũng dễ được lòng hết thảy các bên. 

Sách ngược đời xuôi (Gabrielle Zevin, Hồng Ly dịch, NXB Hội nhà văn & IPM, 2016) 

Cuốn này hình như tôi mua cùng với cuốn Kafka bên bờ biển, vào hội sách mùa xuân năm ngoái. Nhưng tôi không chắc lắm. Khi tôi nói hội sách mùa xuân thì ý tôi muốn nói là trên đường hoa Nguyễn Huệ, năm ngoái người ta tổ chức đoạn đường bán sách nhiều hơn hẳn mấy năm trước đó. Để chọn mua cũng không dễ vì sách sắp xếp thành từng đoạn, theo đơn vị phát hành. Tôi mua được vài cuốn nhưng bây giờ tôi không nhớ chính xác nó có phải là mấy cuốn tôi đang nói không. 

Hơi quá lâu để nhắc đến cuốn này, thành ra trí nhớ đi vắng như vậy. 

Tôi nghĩ mình luôn có cảm tình với những cuốn sách mà trong đó có đề cập đến sách hay một hiệu sách. Như trong Bóng hình của gió và Tù nhân của thiên đường, không nghi ngờ gì sự hấp dẫn của nó liên quan đến sách, hiệu sách Sempere&Con trai và đặc biệt là Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên. Tiểu thuyết của Modiano cũng có kiểu nhân vật sống trôi dạt với kiểu mưu sinh nói ngắn gọn là mua bán sách dạo và với tôi nó là một cái gì khá thú vị, khá nên thơ (dù tôi nghĩ thực tế thì không nên thơ dù có thể thú vị). 

Với Sách ngược đời xuôi, ta có tiệm sách Hải Đảo, tiệm sách duy nhất trên đảo Alice với tay chủ tiệm kén chọn, chỉ bán loại sách mình muốn bán và theo cách, ta có thể đoán ra: "Mua thì mua, không mua thì thôi". Một tay khó chịu, kì quặc – ta có thể nói thế như nói về hầu hết những người dẫu sao vẫn sẽ sống theo nguyên tắc của mình, bất chấp thời thế thay đổi thế nào. 

Dĩ nhiên không chỉ có tình yêu sách và công việc bán sách trong Sách ngược đời xuôi, còn nhiều tình cảm khác, tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ và tình cảm giữa những con người. Tất cả hợp thành một tác phẩm dễ chịu nhưng không xa rời hiện thực. Và bạn có thể hiểu cấu tứ của sự dễ chịu đó là nó sẽ ẩn chứa một nỗi buồn vào phút cuối, như không thể khác được vì cuộc đời vẫn giăng đầy những cái bẫy, như mấy phim sitcom thường làm bạn cười từ đầu đến gần cuối và ngay khi kết thúc thì một trạng huống khác sẽ bật lại niềm vui trước đó. 

Dù vậy với lối tư duy lành mạnh và tích cực phương Tây, Sách ngược đời xuôi khép lại với niềm tin và sự hứng khởi vào cuộc sống, với những cuốn sách và một hiệu sách mà những người biết nó đều yêu nó bằng cả trái tim. 

Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki (Yagisawa Satoshi, Trần Quỳnh Anh dịch, NXB Hà Nội & Nhã Nam, 2017) 

Cuốn này dụ hoặc tôi cũng bởi cái tên của nó nhắc đến một hiệu sách. Câu chuyện một cô gái thất tình, thất nghiệp, có thể ngủ mười ba tiếng mỗi ngày để trốn tránh nỗi buồn và hiện thực, rồi được người cậu là chủ một hiệu sách truyền thống lôi khỏi những tháng ngày vô nghĩa bằng cách nhờ cô đến trong hiệu sách giúp mình. Nghe cũng rất hấp dẫn phải không? 

Rồi, một hiệu sách cũ trong khu phố sách cũ lớn nhất thế giới, nơi khiến Tatako choáng ngợp đến nỗi ngay đêm đầu tiên ngủ lại cô đã mơ thấy một thành phố được xây dựng đều bằng sách cũ. Bối cảnh câu chuyện nghĩ thôi hẳn đã khiến những người yêu sách thấy rằng cần phải đọc nó. 

Tuy nhiên, đúng hơn, bản thân cuốn sách kể về chuỗi ngày mất phương hướng của một người trẻ tuổi mà tình cờ hiệu sách Morisaki với người cậu yêu công việc bán sách và vẫn thủy chung chờ đợi người vợ bỏ đi năm năm không một tin tức đã nhen nhóm dần lại trong cô gái động lực để bắt đầu lại mọi thứ. 

Hơi tiếc là không phải là với công việc bán sách. Hiệu sách cũ chỉ là nơi cô gái nghỉ ngơi. Cuộc sống của cô vẫn là công việc bận rộn ở văn phòng. Dẫu vậy, cái hiệu sách chẳng mấy khi có khách tới ấy trở thành một nơi chốn mà người ta có thể quay về bất cứ lúc nào. Bởi nó luôn ở đó và thủy chung chờ đợi.

2 nhận xét:

  1. Chúc Vi Phong năm mới an lành, công việc ngày càng tốt và ngày càng xinh đẹp hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Ko biết vi phong khỏe ko nhỉ?

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...