Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Ghi chú về Anh em nhà Caramazov

1. Cuốn sách dài gần một ngàn trang nhưng hầu như không cảm thấy vất vả khi đọc. Lý do: như trong bài viết giới thiệu của dịch giả Phạm Mạnh Hùng đã nói, Anh em nhà Caramazov là tác phẩm cuối cùng và vĩ đại nhất của Dostoyevsky song cũng là “cuốn tiểu thuyết dễ hiểu nhất, nhiều tính cụ thể nhất, bố cục sáng rõ nhất” trong số các tác phẩm của ông. Tuy nhiên cuốn sách cầm trên tay quá nặng. Tôi không hiểu tại sao với những cuốn dày thế này, người ta không dùng loại giấy mà NXB Trẻ ưa dùng để in. Từ lúc chưa đọc xong, bìa sách và gáy sách đã te tua trông thấy với những vết gãy không có khả năng vãn hồi ( T _ T ). 

2. Pamuk trong một bài viết về Anh em nhà Caramazov đã kể về hai lần đọc cuốn tiểu thuyết này của mình. 

- Lần đầu lúc mười tám tuổi: ông dẫn lời của Borges nào đó (có lẽ là Jorge Luis Borges, nhà văn nổi tiếng người Argentina theo những dòng giới thiệu về tiểu sử trên Wiki mà tôi tìm thấy khi tra Google): “Khám phá ra Dostoyevsky cũng giống như lần đầu khám phá ra tình yêu, hay biển cả - nó đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong hành trình cuộc sống” và khẳng định: “Lần đầu đọc Dostoyevsky của tôi luôn luôn dường như đánh dấu khoảnh khắc tôi đánh mất sự ngây thơ”.

- Lần thứ hai: tuy không nói rõ bao nhiêu tuổi nhưng hẳn đã hoàn toàn trưởng thành, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dành cho Anh em nhà Caramozov sự ngưỡng mộ nhưng có thể thấy trong cách đánh giá lần này, thay cho tinh thần hồn nhiên, lòng sẵn sàng yêu ghét những thứ mình đọc ở tư cách độc giả, Pamuk đã tiếp nhận tác phẩm bằng sự điềm tĩnh, cái nhìn thấu suốt của một người từng trải, với nhận thức chín chắn và cũng dĩ nhiên, còn trong vai trò một nhà văn. 

Qua hai lần đọc, đại thể Orhan Pamuk cho rằng có thể đọc Anh em nhà Caramozov khi nhận thức đã trưởng thành nhưng tốt nhất nên được đọc khi còn trẻ bởi những phản ánh của nó là “một trải nghiệm gây sốc đối với độc giả trẻ”

Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ còn chia sẻ nhiều suy nghĩ liên quan đến sự đọc cuốn tiểu thuyết của mình như: “người ta không thể không kinh ngạc về khả năng của Dostoyevsky trong việc sáng tạo nhiều nhân vật như thế mà lại khác biệt nhau đến thế và phả hơi sống vào họ trong tâm trí người đọc với chi tiết, màu sắc và chiều sâu thuyết phục đến thế”“các nhà văn khác… tạo ra những nhân vật đáng nhớ, nhưng hầu như ta nhớ họ vì những đặc điểm lạ lẫm hay ngọt ngào” nhưng “trong thế giới của Dostoyevsky, những tâm hồn bị hành hạ của các nhân vật ám ảnh ta”, rằng những tranh luận của các nhân vật “mau chóng trở thành tranh luận về cuộc đời”… 

Tất cả những dòng viết của Orhan Pamuk là những chỉ dẫn hết sức tuyệt vời có khả năng lôi kéo người đọc đến với cuốn sách ông đang viết về. Dù vậy, khi đọc Anh em nhà Caramozov, tôi đã không còn nhớ được những gì Pamuk từng viết. Nhưng điều hay ho là khi đọc xong cuốn tiểu thuyết của Dostoyevsky, tôi lại muốn xem lại Orhan Pamuk đã viết gì về nó. Và khi đọc lần này, tôi thấy là mình hiểu sâu hơn.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Anh em nhà Caramazov - F. Doxtoevxki



Nhiều khi người đời, dù là độc ác, cũng vẫn ngây thơ và chất phác hơn ta tưởng. Vả chăng, chính chúng ta cũng thế - tr. 10.

Kẻ tự dối mình và nghe lời dối trá ấy thường đi đến chỗ không phân biệt được sự thật ở bản thân mình và xung quanh nữa, thế là họ, không còn tôn trọng cả bản thân mình và người khác. Một khi không tôn trọng ai thì cũng không còn yêu ai nữa… - tr. 53.

Có người biết không ai xúc phạm mình, rằng xúc phạm là do y bịa đặt ra và vẽ vời thêm, tự y phóng đại lên cho thành chuyện, y bám lấy một lời nói và biến hạt đậu thành quả núi – chính y biết thế, nhưng y vẫn cứ là người trước nhất oán giận, oán giận đến độ thích thú, đến mức cảm thấy hết sức khoái trá và vì vậy đi đến chỗ oán thù thực sự… - tr. 53.

Trong dân chúng có nỗi đau xót thầm lặng và hết sức nhẫn nại, nó ẩn sâu vào bên trong và im tiếng. Nhưng cũng có nỗi đau xót vỡ tung ra, nó bột phát ra ngoài thành nước mắt và từ phút ấy, nó biến thành lời than vãn. Nhất là ở phụ nữ. Nhưng nó không nhẹ nhõm hơn nỗi đau xót thầm lặng. Lời than vãn chỉ làm nguôi lòng vì nó khiến con tim mưng mủ và tan nát. Nỗi đau xót như thế không muốn được an ủi, nó được nuôi dưỡng bằng cảm giác không thể nguôi dịu được của mình. Sự than vãn chỉ là nhu cầu không ngừng khơi sâu vết thương – tr. 58.

… tình yêu thể hiện bằng hành động so với tình yêu mơ mộng là một cái gì khắc nghiệt và đáng sợ. Tình yêu mơ mộng khao khát công quả mau chóng, khao khát được thỏa mãn ngay, và nó muốn mọi người để ý đến thành quả của nó. Ở đấy thực sự người ta sẵn lòng hy sinh cả tính mệnh, miễn là cái đó không kéo dài, mà diễn ra mau như trên sân khấu, sao cho mọi người đều nhìn thấy và khen ngợi. Tình yêu thể hiện bằng hành động, đấy là công việc và sự tự chủ, mà đối với một số người thì có lẽ đó là cả một khoa học – tr. 72.

Bây giờ tôi nhìn thấy anh ấy đáng thương, đấy là một dấu hiệu chẳng lành về tình yêu. Nếu như tôi yêu anh ấy, vẫn còn yêu thì bây giờ có lẽ tôi không thương hại anh ấy, mà phải căm thù kia… - tr. 237.

Một người bị xúc phạm bao giờ cũng hết sức đau lòng khi tất cả mọi người đều tự xem mình là ân nhân của người đó… - tr. 270.

Những người quá cố thân thiết yên nghỉ ở đấy, mỗi phiến đá trên mộ họ đều nói lên cuộc đời sôi nổi đã qua… - tr. 290.

Muốn yêu được một con người thì phải giấu mặt đi, hễ phô mặt ra thì tình yêu biến mất.

… với nhiều người ít kinh nghiệm về tình yêu, nhiều khi bộ mặt con người là trở ngại ngăn cản người ta yêu nhau.

(tr.298 – 299)

… giả sử tôi đau khổ sâu sắc, những người khác không bao giờ có thể biết được tôi đau khổ dường nào, vì đấy là người khác, chứ không phải là tôi, vả lại ít có người chịu thừa nhận người khác là con người đau khổ (dường như đấy là một phẩm tước)… - tr. 299.

Về lý thuyết thì vẫn có thể yêu đồng loại, dù là yêu từ xa, nhưng ở gần thì hầu như không bao giờ… Trẻ em thì ở gần vẫn có thể yêu chúng được, cho dù chúng bẩn thỉu, cho dù mặt mũi chúng xấu xí (nhưng tôi cho rằng trẻ em không bao giờ xấu xí)…- tr. 299.

Thực ra, đôi khi người ta nói về sự tàn bạo "thú vật" của con người, nhưng như vậy là oan ức cho thú vật : thú vật không bao giờ tàn bạo được như con người, con người tàn bạo một cách tài tình có nghệ thuật – tr. 300 – 301.

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Đôi lời về Đời tôi

Hơi quá lâu kể từ lúc tôi đọc xong cuốn này (tôi đã kịp đọc vài cuốn khác và ghi lại những câu hay ho mình cảm thấy – một đoạn thời gian chả ngắn tí nào đã trôi qua, thế đấy !). Sở dĩ tôi để cuốn này chịu số phận bị gấp lại ở nhiều trang vì ngay sau khi đọc xong, ấn tượng bởi cách nhìn tinh tế của tác giả đối với những chân dung văn học (ở đây là những nhà văn Đức), tôi đã muốn có thể lọc lại những chi tiết đắt giá liên quan đến những nhà văn này (bằng cách tìm hiểu sâu hơn về tiểu sử của họ, giá trị tác phẩm của họ và sau đó liệt kê tất cả, dĩ nhiên trọng điểm là phải làm sao đan cài cái nhìn hóm hỉnh, chân thực của Marcel Reich – Ranicki vào). Nhưng để làm cái việc này thì rõ là phải mất nhiều thời gian, và tôi cũng e việc trích dẫn cuốn sách trong trường hợp này, hẳn có thể là một sự xâm phạm thô bạo quyền tác giả. Thế là từ từ tôi lờ tịt cái hào hứng mình từng có. Và nói chung thì lâu dần, cái hào hứng ấy cũng tự động xẹp dần thôi. Dù sao, tôi vẫn muốn nói đôi điều về cuốn tự truyện này, một trong những cuốn sách đọc trong năm rồi mà tôi rất thích.

Cần mở ngoặc đôi điều là tôi không hề ưa cái việc thống kê những cuốn sách mình từng đọc, bao gồm các kiểu : đếm xem đã mua bao nhiêu cuốn, thích cuốn nào nhất, cuốn nào có ảnh hưởng nhất, cuốn nào gây thất vọng nhất..vv..vv (dù tôi có vẻ hay thủ thỉ thù thì về từng cuốn chăng nữa). Nên khi nói Đời tôi là một trong những cuốn tôi rất thích trong cái sự đọc năm rồi, tôi không chắc mình có thực sự đặt nó trong một tổng thể những cuốn mình đã đọc trong năm 2014 không. Có lẽ nên nói đơn giản là tôi thích thì đúng hơn. Nhưng nói thế thì phải đặt trong tổng thể tất cả những cuốn sách đã đọc à. Chỉ cái suy nghĩ ấy đã thấy kinh khủng rồi.

Đời tôi là một cuốn sách khá đặc biệt, mặc dù tự truyện là một thể loại mà thường tôi chọn đọc với ít nhiều khắt khe hơn so với tác phẩm hư cấu thông thường, nhưng cuốn này thì tôi mua mà cũng không lăn tăn nhiều lắm. Tự truyện của một nhà phê bình văn học thì lạ nên cũng đáng để đọc. Huống nữa thì đó là một cuộc đời đã trải qua những biến cố bi thảm trong lịch sử và có một cuộc sống đủ dài, đủ tầm quan trọng để kể lại đời mình. Giới thiệu sơ nét (trên bìa sách) thì thế này: "Marcel Reich – Ranicki (1920–2013) là nhà phê bình văn học Đức uy tín nhất nửa sau thế kỷ 20, nhận xét của ông có những ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp của một nhà văn Đức”.

Và có lẽ để tăng hiệu quả bán sách, người ta đã phải chú thích thêm dòng chữ ở ngay bìa trước: "Tự truyện của Giáo hoàng Văn học Đức" khiến cho một người mù tịt về tác giả và có khuynh hướng suy nghĩ thật thà non nớt dại khờ như tôi ban đầu hơi băn khoăn về tính tôn giáo trong tác phẩm. Sém tí nữa tôi đã bỏ qua hai chữ "Văn học" để lầm tưởng đây là tự truyện của một Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo nào đó ( __ __ !). Và cũng có lẽ để tránh cảm giác khô khan cho độc giả, người ta cũng he hé một chuyện tình đẹp, cảm động, bất tử bên trong câu chuyện về cuộc đời nhà phê bình văn học này. Dù theo tôi thấy sau đó thì, khía cạnh tình yêu riêng tư không phải điều trọng yếu trong cuốn sách, dù những dòng viết về tình yêu (mà khi trích dẫn lại) tôi phát hiện chúng có khi còn hay hơn trong những cuốn tiểu thuyết tình yêu lãng mạn. Sự thực là những khía cạnh cá nhân được đề cập khá kín đáo và mặc dù Ranicki cùng người bạn đời của mình gần như sống bên nhau cả đời, dĩ nhiên không có lý do để nghi ngờ tình yêu của họ, song tình yêu ấy, người bạn đời ấy không ngăn ông thi thoảng qua lại với những người phụ nữ khác, và hẳn ít nhiều ông cho đó là bình thường.

Đời tôi – Marcel Reich-Ranicki

Lần đầu tiên tôi hiểu, hoặc chỉ phỏng đoán, rằng tình yêu là một đam mê không biết đến giới hạn, rằng trạng thái quá độ của những kẻ hạnh phúc hoặc bất hạnh vì tình sẽ dẫn đến điên cuồng, thách thức, hoặc muốn thách thức thế gian. Tôi cảm thấy tình yêu vừa là hạnh phúc vừa là trừng phạt, vừa là ân sủng vừa là tai họa. Tôi như bị sét đánh khi phát hiện tình yêu và cái chết gắn bó với nhau, rằng chúng ta yêu vì chúng ta phải chết – tr. 94 – 95.

… ta có thể phát hiện và nhận ra điều gì đấy trong văn học, chẳng hạn tìm ra được chính mình, cảm xúc, ý nghĩ, hy vọng và ức chế của riêng mình, nhưng không thể đánh giá nó quá cao – tr. 105.

"Tình yêu là tên gọi chúng ta đặt cho một thứ tình cảm tột bậc, thứ tình cảm đưa ta từ thiện cảm tới mến thương và từ mến thương đến lệ thuộc; nó đưa ta vào một trạng thái ngây ngất, đôi khi nó có khả năng khiến người trong cuộc thiếu sáng suốt. Nó là niềm hạnh phúc gây ra đau khổ và là sự đau khổ đem hạnh phúc đến cho con người" – tr. 108.

… tình yêu luôn liên quan mật thiết đến nhu cầu tự khẳng định bản thân và không tình yêu nào không có sự hàm ơn. Tình yêu không nhất thiết phải nảy sinh từ sự hàm ơn, nhưng nó dẫn tới sự hàm ơn hoặc nó tắt lịm – tr. 109.

… khủng khiếp hơn cái đói là nỗi sợ chết, khủng khiếp hơn nỗi sợ chết là sự nhục nhã triền miên – tr. 213.

Tuy ngày ấy chúng tôi chưa biết, song hẳn đã dự cảm rằng ai tình cờ thoát chết trong khi người thân của mình bị giết, người ấy khó có thể sống an bình với chính mình – tr. 227.

Phần lớn nhà văn không hiểu về văn học hơn chim muông hiểu về các nhà điểu học. Và họ ít có khả năng nhất để đánh giá về tác phẩm của chính họ. Vì thông thường tuy họ biết đại thể điều họ muốn thể hiện, làm sáng tỏ, đạt được và tác động, nhưng chính điều này đã che mờ đôi mắt họ trước những gì họ đã thật sự làm và đạt được. Nhà phê bình cần – cặn kẽ và cẩn thận như có thể - đánh giá điều tác giả viết. Còn những gì tác giả nói về tác phẩm của họ, nhà phê bình không nên bỏ qua, nhưng cũng chớ nên quá coi trọng.

Nhưng hồi đó tôi cũng học thêm được điều này: không có phê bình vẫn có văn học, nhưng thiếu văn học thì không thể có phê bình. Nói cách khác: ăn nhậu trước, luân lý sau; thơ văn trước, lý thuyết sau; văn học trước, phê bình sau. Vì lý do đó, chúng ta cần tránh coi thường hoặc thậm chí quên những gì chúng ta hàm ơn họ - những nhà văn đã thật sự góp phần vào nền văn học của chúng ta. 

(tr.255)

… giữa một tác giả và một nhà phê bình chỉ có hòa bình hoặc thậm chí tình bạn, khi nhà phê bình không bao giờ viết về sách của tác giả ấy và tác giả dứt khoát mãi mãi chấp nhận – tr. 273.

Khi viết về người khác thì hoàn toàn không thể tránh khỏi đồng thời viết về chính mình – tr.322.

Nhắc lại bao nhiêu cũng không đủ : không có tình yêu văn học thì không có phê bình – tr. 323.

... các nhà văn cảm nhận mọi chuyện mãnh liệt hơn và dữ dội hơn người khác, nên họ phải chịu giày vò hơn người khác. Nhu cầu thường xuyên tự khẳng định của họ liên quan đến điều này. Thế là rõ, nhưng điều đáng ngạc nhiên là sự thành công, thậm chí thành công tầm cỡ thế giới, cũng chẳng khiến cho nhu cầu này giảm bớt chút nào – tr. 331.

"Đối với nhà văn thì nói chung một bài phê bình ‘hay’ là bài ca ngợi ông ta và nói xấu đối thủ, bài phê bình ‘dở’ là bài chê bai ông ta và tán dương đối thủ" (Georg Lukás) - tr. 331.

Một số nhà văn đã quả cảm đi tìm ngay chiến lũy. Phải chăng họ đã sao nhãng văn học để hiến thân mạnh hơn từ trước nay cho chính trị? Hay họ sở dĩ ráo riết tìm chốn náu thân nơi chính trị, chẳng qua chỉ vì họ không còn tiến bộ trong sáng tác? – tr. 344.

"Những nghệ sĩ tài ba chỉ sống trong tác phẩm của họ thôi, do đó cá nhân họ chẳng có gì đáng quan tâm" (Oscar Wilde) - tr. 367.

(Lê Chu Cầu dịch, NXB Thế giới và Nhã Nam, 2014)

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...