Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Anh em nhà Caramazov - F. Doxtoevxki



Nhiều khi người đời, dù là độc ác, cũng vẫn ngây thơ và chất phác hơn ta tưởng. Vả chăng, chính chúng ta cũng thế - tr. 10.

Kẻ tự dối mình và nghe lời dối trá ấy thường đi đến chỗ không phân biệt được sự thật ở bản thân mình và xung quanh nữa, thế là họ, không còn tôn trọng cả bản thân mình và người khác. Một khi không tôn trọng ai thì cũng không còn yêu ai nữa… - tr. 53.

Có người biết không ai xúc phạm mình, rằng xúc phạm là do y bịa đặt ra và vẽ vời thêm, tự y phóng đại lên cho thành chuyện, y bám lấy một lời nói và biến hạt đậu thành quả núi – chính y biết thế, nhưng y vẫn cứ là người trước nhất oán giận, oán giận đến độ thích thú, đến mức cảm thấy hết sức khoái trá và vì vậy đi đến chỗ oán thù thực sự… - tr. 53.

Trong dân chúng có nỗi đau xót thầm lặng và hết sức nhẫn nại, nó ẩn sâu vào bên trong và im tiếng. Nhưng cũng có nỗi đau xót vỡ tung ra, nó bột phát ra ngoài thành nước mắt và từ phút ấy, nó biến thành lời than vãn. Nhất là ở phụ nữ. Nhưng nó không nhẹ nhõm hơn nỗi đau xót thầm lặng. Lời than vãn chỉ làm nguôi lòng vì nó khiến con tim mưng mủ và tan nát. Nỗi đau xót như thế không muốn được an ủi, nó được nuôi dưỡng bằng cảm giác không thể nguôi dịu được của mình. Sự than vãn chỉ là nhu cầu không ngừng khơi sâu vết thương – tr. 58.

… tình yêu thể hiện bằng hành động so với tình yêu mơ mộng là một cái gì khắc nghiệt và đáng sợ. Tình yêu mơ mộng khao khát công quả mau chóng, khao khát được thỏa mãn ngay, và nó muốn mọi người để ý đến thành quả của nó. Ở đấy thực sự người ta sẵn lòng hy sinh cả tính mệnh, miễn là cái đó không kéo dài, mà diễn ra mau như trên sân khấu, sao cho mọi người đều nhìn thấy và khen ngợi. Tình yêu thể hiện bằng hành động, đấy là công việc và sự tự chủ, mà đối với một số người thì có lẽ đó là cả một khoa học – tr. 72.

Bây giờ tôi nhìn thấy anh ấy đáng thương, đấy là một dấu hiệu chẳng lành về tình yêu. Nếu như tôi yêu anh ấy, vẫn còn yêu thì bây giờ có lẽ tôi không thương hại anh ấy, mà phải căm thù kia… - tr. 237.

Một người bị xúc phạm bao giờ cũng hết sức đau lòng khi tất cả mọi người đều tự xem mình là ân nhân của người đó… - tr. 270.

Những người quá cố thân thiết yên nghỉ ở đấy, mỗi phiến đá trên mộ họ đều nói lên cuộc đời sôi nổi đã qua… - tr. 290.

Muốn yêu được một con người thì phải giấu mặt đi, hễ phô mặt ra thì tình yêu biến mất.

… với nhiều người ít kinh nghiệm về tình yêu, nhiều khi bộ mặt con người là trở ngại ngăn cản người ta yêu nhau.

(tr.298 – 299)

… giả sử tôi đau khổ sâu sắc, những người khác không bao giờ có thể biết được tôi đau khổ dường nào, vì đấy là người khác, chứ không phải là tôi, vả lại ít có người chịu thừa nhận người khác là con người đau khổ (dường như đấy là một phẩm tước)… - tr. 299.

Về lý thuyết thì vẫn có thể yêu đồng loại, dù là yêu từ xa, nhưng ở gần thì hầu như không bao giờ… Trẻ em thì ở gần vẫn có thể yêu chúng được, cho dù chúng bẩn thỉu, cho dù mặt mũi chúng xấu xí (nhưng tôi cho rằng trẻ em không bao giờ xấu xí)…- tr. 299.

Thực ra, đôi khi người ta nói về sự tàn bạo "thú vật" của con người, nhưng như vậy là oan ức cho thú vật : thú vật không bao giờ tàn bạo được như con người, con người tàn bạo một cách tài tình có nghệ thuật – tr. 300 – 301.

Nhiều người có cái tính thế này: thích hành hạ trẻ em, nhưng chỉ trẻ em thôi. Đối với tất cả các loại người khác, những kẻ tàn bạo ấy lại tỏ ra tử tế và hiền lành, như những người châu Âu có học và nhân đạo, nhưng rất thích hành hạ trẻ em, hiểu theo nghĩa đó thì thậm chí là họ yêu trẻ - tr. 304- 305.

Bản chất con người phải chăng là gạt bỏ phép lạ và trong những lúc ghê ghớm của cuộc đời, lúc phải giải đáp những câu hỏi cơ bản, đau khổ, ghê ghớm nhất của tâm hồn thì vẫn chỉ theo quyết định tự do của con tim ? – tr. 323.

… con người không có kỷ niệm nào quý giá hơn kỷ niệm về thời thơ dại của mình trong nhà mẹ cha, hầu như bao giờ cũng thế, nếu như trong gia đình có chút ít tình yêu và sự gắn bó. Hơn nữa, ngay cả gia đình xấu xa nhất cũng có thể để lại những kỷ niệm quý giá, miễn là tâm hồn người ta có khả năng tìm kiếm cái quý giá – tr. 366.

… mỗi người đều có lỗi với tất cả mọi người và về mọi người, có điều người ta không biết điều đó, nếu như người ta hiểu ra thì trần gian tức khắc sẽ là thiên đàng – tr. 376.

… ở khắp mọi nơi, kỳ cục thay, trí óc con người không hiểu rằng đảm bảo thực sự cho cá nhân không phải ở những cố gắng riêng biệt của cá nhân, mà ở sự thống nhất toàn vẹn của cả loài người – tr. 383.

… tình yêu khó mà có được, phải mua bằng giá đắt, bằng cố gắng lâu dài và qua một thời gian dài, bởi vì không phải yêu trong chốc lát, chỉ do tình cờ, mà là yêu trọn đời. Bất cứ người nào cũng có thể yêu một cách tình cờ, kể cả kẻ bất lương – tr. 403.

Địa ngục là gì?… Là nỗi đau khổ vì không thể yêu được nữa – tr. 407.

… trong một số trường hợp, quả thực là để mình bị lôi cuốn vào cuộc đam mê tuy là cuồng dại, nhưng do tình yêu lớn lao thôi thúc thì còn đáng trọng hơn là không đam mê gì hết! Nhất là trong thời tuổi trẻ, bởi vì một thanh niên luôn luôn chín chắn thì chẳng hay ho gì và là thứ đồ rẻ tiền – tr. 425.

Thử hỏi thứ tình yêu mà cứ phải rình mò theo dõi như thế thì có nghĩa lý gì, thứ tình yêu mà người ta phải ráo riết canh giữ như thế có giá trị gì không? Nhưng kẻ thực sự cả ghen không bao giờ hiểu được điều đó. – tr. 478.

Thiếu gì cớ để người ta có thể đánh một con người – tr. 531.

Con người dù sao cũng không phải là tấm da mặt trống – tr. 576.

Ai biết được bao nhiêu lần con người ta nhố nhăng hay tuồng như có vẻ nhố nhăng? Vả lại ngày nay hầu hết những người có khả năng đều sợ mình nhố nhăng và vì thế mà đau khổ… ngay cả thiếu nhi cũng bắt đầu đau khổ về chuyện ấy - tr. 699.

Có những lúc người ta thích phạm tội…

Phải, phải!... người ta thích, mọi người đều thích và bao giờ cũng thích, chứ không phải là "có những phút"… Về điểm này mọi người dường như đã giao hẹn với nhau cùng nói dối và từ đó luôn luôn nói dối. Mọi người đều nói rằng họ ghét cái xấu xa, nhưng trong thâm tâm đều thích nó.

(tr.732)

Tình yêu sẽ thỏa mãn chỉ một khoảnh khắc của cuộc sống, nhưng chỉ riêng ý thức rằng tình yêu ngắn ngủi sẽ làm ngọn lửa yêu đương thêm mãnh liệt cũng như trước đó nó phân tán vào những hy vọng về tình yêu bất tận ở thế giới bên kia – tr. 817.

Điều đáng làm chúng ta khiếp sợ là những vụ án thê thảm như vậy không còn làm chúng ta khiếp sợ nữa ! Đấy chính là điều đáng sợ, sợ thói quen của chúng ta, chứ không phải là hành động tàn ác của cá nhân này hay cá nhân khác. Đâu là nguyên nhân sự thờ ơ của chúng ta, thái độ hầu như dung thứ của chúng ta đối với những vụ việc như thế, đối với những điềm triệu của thời đại báo trước cho chúng ta một tương lai không lấy gì làm hay ho? Phải chăng là do sự trâng tráo của chúng ta, do sự sớm suy nhược trí tuệ và trí tưởng tượng của một xã hội còn trẻ như xã hội chúng ta nhưng đã già lão quá sớm? Phải chăng đấy là do nền móng đạo đức của chúng ta bị lung lay tận gốc hay cuối cùng, có lẽ chúng ta hoàn toàn không có những nền móng đạo đức ấy… Đó là những câu hỏi giày vò, và mỗi công dân có bổn phận, có trách nhiệm đau khổ về chúng – tr. 870.

Ôi, chúng ta tốt đẹp tuyệt vời, nhưng chỉ khi mọi việc của ta tốt đẹp tuyệt vời… - tr. 876.

Ôi, người ta thích sống trước mắt mọi người và bằng cách đó, cho mọi người biết tất cả mọi ý nghĩ dù là quỷ quái và nguy hiểm nhất của mình, người ta thích chia sẻ với mọi người, không hiểu vì sao, ngay lập tức đòi hỏi mọi người phải đáp lại ta bằng thiện cảm hoàn toàn, hòa nhập vào mọi lo âu quản ngại của ta, phụ họa với ta và đừng cản trở ý thức của ta. Nếu không thì người ta nổi cáu và đập tan tành cả quán rượu – tr. 882.

Người có tiền thì ở đâu cũng là con người – tr. 900.

Miếng bánh trong tay người khác bao giờ xem ra cũng to hơn – tr. 916.

"Cha ơi, hãy nói cho con biết: vì lẽ gì con phải yêu cha? Cha hãy chứng minh rằng con phải yêu cha". Nếu ông bố có can đảm và khả năng trả lời và chứng minh thì đấy là gia đình bình thường, thực sự, không chỉ dựa trên thiên kiến thần bí, mà dựa trên cơ sở hợp lý, nhân đạo chặt chẽ. Ngược lại, nếu người cha không chứng minh được, thì gia đình ấy cáo chung… - tr. 933.

… không có gì cao hơn, mạnh mẽ hơn, trong lành hơn và có ích hơn cho cuộc đời bằng một kỷ niệm tốt đẹp, đặc biệt là một kỷ niệm thời thơ ấu sống dưới mái nhà mẹ cha. Người ta nói nhiều với các bạn về sự giáo dục của các bạn, nhưng một kỷ niệm tuyệt đẹp, thiêng liêng giữ được từ thuở bé có lẽ là sự giáo dục tốt nhất. Nếu thu thập được nhiều kỷ niệm như thế đem vào đời thì con người sẽ được cứu vớt suốt đời. Cho dù chỉ còn một kỷ niệm đẹp ở trong tim chúng ta thì cũng sẽ có ngày nó cứu vớt chúng ta – tr. 965.

(Phạm Mạnh Hùng dịch, NXB Văn học và SaiGonBook, 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...