Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Ghi chú về Anh em nhà Caramazov

1. Cuốn sách dài gần một ngàn trang nhưng hầu như không cảm thấy vất vả khi đọc. Lý do: như trong bài viết giới thiệu của dịch giả Phạm Mạnh Hùng đã nói, Anh em nhà Caramazov là tác phẩm cuối cùng và vĩ đại nhất của Dostoyevsky song cũng là “cuốn tiểu thuyết dễ hiểu nhất, nhiều tính cụ thể nhất, bố cục sáng rõ nhất” trong số các tác phẩm của ông. Tuy nhiên cuốn sách cầm trên tay quá nặng. Tôi không hiểu tại sao với những cuốn dày thế này, người ta không dùng loại giấy mà NXB Trẻ ưa dùng để in. Từ lúc chưa đọc xong, bìa sách và gáy sách đã te tua trông thấy với những vết gãy không có khả năng vãn hồi ( T _ T ). 

2. Pamuk trong một bài viết về Anh em nhà Caramazov đã kể về hai lần đọc cuốn tiểu thuyết này của mình. 

- Lần đầu lúc mười tám tuổi: ông dẫn lời của Borges nào đó (có lẽ là Jorge Luis Borges, nhà văn nổi tiếng người Argentina theo những dòng giới thiệu về tiểu sử trên Wiki mà tôi tìm thấy khi tra Google): “Khám phá ra Dostoyevsky cũng giống như lần đầu khám phá ra tình yêu, hay biển cả - nó đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong hành trình cuộc sống” và khẳng định: “Lần đầu đọc Dostoyevsky của tôi luôn luôn dường như đánh dấu khoảnh khắc tôi đánh mất sự ngây thơ”.

- Lần thứ hai: tuy không nói rõ bao nhiêu tuổi nhưng hẳn đã hoàn toàn trưởng thành, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dành cho Anh em nhà Caramozov sự ngưỡng mộ nhưng có thể thấy trong cách đánh giá lần này, thay cho tinh thần hồn nhiên, lòng sẵn sàng yêu ghét những thứ mình đọc ở tư cách độc giả, Pamuk đã tiếp nhận tác phẩm bằng sự điềm tĩnh, cái nhìn thấu suốt của một người từng trải, với nhận thức chín chắn và cũng dĩ nhiên, còn trong vai trò một nhà văn. 

Qua hai lần đọc, đại thể Orhan Pamuk cho rằng có thể đọc Anh em nhà Caramozov khi nhận thức đã trưởng thành nhưng tốt nhất nên được đọc khi còn trẻ bởi những phản ánh của nó là “một trải nghiệm gây sốc đối với độc giả trẻ”

Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ còn chia sẻ nhiều suy nghĩ liên quan đến sự đọc cuốn tiểu thuyết của mình như: “người ta không thể không kinh ngạc về khả năng của Dostoyevsky trong việc sáng tạo nhiều nhân vật như thế mà lại khác biệt nhau đến thế và phả hơi sống vào họ trong tâm trí người đọc với chi tiết, màu sắc và chiều sâu thuyết phục đến thế”“các nhà văn khác… tạo ra những nhân vật đáng nhớ, nhưng hầu như ta nhớ họ vì những đặc điểm lạ lẫm hay ngọt ngào” nhưng “trong thế giới của Dostoyevsky, những tâm hồn bị hành hạ của các nhân vật ám ảnh ta”, rằng những tranh luận của các nhân vật “mau chóng trở thành tranh luận về cuộc đời”… 

Tất cả những dòng viết của Orhan Pamuk là những chỉ dẫn hết sức tuyệt vời có khả năng lôi kéo người đọc đến với cuốn sách ông đang viết về. Dù vậy, khi đọc Anh em nhà Caramozov, tôi đã không còn nhớ được những gì Pamuk từng viết. Nhưng điều hay ho là khi đọc xong cuốn tiểu thuyết của Dostoyevsky, tôi lại muốn xem lại Orhan Pamuk đã viết gì về nó. Và khi đọc lần này, tôi thấy là mình hiểu sâu hơn.

3. Cốt truyện của Anh em nhà Caramazov không khiến tôi cảm thấy sốc hay kinh ngạc dù tôi chưa từng biết qua tình tiết. Tôi nghĩ điều này có thể là do tuổi đọc của mình, như lưu ý của Orhan Pamuk, nghĩa là tôi thuộc dạng độc giả đọc khi nhận thức đã trưởng thành. Nhưng cũng còn một lý do khác. Khi mỗi ngày dõi đọc tin tức báo chí nước mình, tôi tin rằng chẳng có cuốn tiểu thuyết nào còn có thể khiến người ta bàng hoàng hơn chính những gì đang xảy ra trong xã hội. Câu chuyện con giết cha, câu chuyện về những tráo trở ở đời, bi kịch gia đình, thói đạo đức giả, sự độc ác… tất cả những điều này hoàn toàn không lạ với cuộc đời như ta đã biết. Thế nên sự kinh ngạc nếu có thuộc về tài năng của Dostoyevsky mà câu được in trên bìa cuốn sách – một nhận định của nhà văn Đức Hermann Hesse hẳn có thể nói lên tất cả về tài năng đó “Một con người đơn độc mà viết nổi Anh em nhà Caramazov thì đó là phép màu”.

4. Có lúc đọc Anh em nhà Caramazov, tôi cảm thấy như đang đọc Osho trong cách vị thiền sư này chỉ chứng bản chất thật của con người. Tôi có thể cảm thấy sự thích chí của mình, cái cảm giác như vừa khám phá ra cái gì hết sức mới mẻ hoặc tìm thấy cái mà mình đã biết song không thể đặt tên, cùng lúc đó là phảng phất nỗi hổ thẹn, bởi tôi cũng chắc chắn là mình không nằm ngoài hai chữ “con người” mà họ phô bày. Dĩ nhiên, Dostoyevsky là một nhà văn hơn là nhà tư tưởng. Những khảo sát của ông đặt trong bối cảnh của cuốn tiểu thuyết Anh em nhà Caramazov với những xung đột không chỉ diễn ra trong mối quan hệ giữa các nhân vật mà chủ yếu hơn là trong chính nội tâm mỗi người vì vậy hoàn toàn phức tạp và nhiều tầng nghĩa hơn. Có thể nói mỗi nhân vật trong Anh em nhà Caramazov là một hiện thân sống động nhưng rất khó để xác định họ đại diện cho điều gì, thuộc kiểu mẫu điển hình nào bởi thường thấy họ thay đổi nhanh như chong chóng. Sự thay đổi ấy có lúc khiến tôi rối rắm, khó chịu. Như đang xem một vở kịch, tôi thường cảm thấy điều đó khi đọc Anh em nhà Caramazov, trong khi ở mặt bên kia của cảm giác đó, tôi biết rõ là các nhân vật đang chính là họ trong từng suy nghĩ và hành xử. Liệu sự thay đổi chóng vánh của các nhân vật hay bởi những màn đối thoại quá dài, rất khó hình dung nó sẽ diễn ra như thế trong hiện thực, cùng phong cách nói tuồng như trong kịch cổ điển (phải chăng vì bối cảnh Nga thế kỷ 19) đã tạo nên cảm giác đó trong tôi? Hay bởi thế giới của Dostoyevsky, mỗi nhân vật là hiện thân của rất nhiều mâu thuẫn, liên tục chuyển biến giữa các thái cực trái ngược nhau, và rằng con người lúc nào cũng có thể giở trò, rằng người ta “không chân thành kể cả khi khóc”?

5. Khó nhằn nhất thuộc về Chương V. Viên đại pháp quan tôn giáo (Quyển năm) và Chương IX. Con quỷ, cơn ác mộng của Ivan Fiodorovitr (Quyển mười một). Tôi hầu như đọc mà không muốn hiểu. 

6. Tính tôn giáo, quan niệm về Thượng đế, Chúa trời được đề cập nhiều song phức tạp và một lần nữa, tôi cũng ít quan tâm.

7. Quyển mười về Những chú bé hầu như không liên quan đến tổng thể câu chuyện. Có cảm giác như vì cần giãi bày toàn bộ tư tưởng trong tác phẩm cuối cùng này, Dostoyevsky đã viết rất dài. 

8. Sau khi đọc xong Anh em nhà Caramazov, hình dung của tôi về các nhân vật có thể tóm tắt trong vài dòng thế này: Caramazov cha đồi bại, trơ trẽn nhưng so với bốn người con, hắn hoàn toàn dễ nắm bắt và đem lại cảm giác dễ chịu hơn cả. Cậu anh cả Mitia ngu ngốc trong khi người em thứ hai Ivan giảo quyệt, cậu em út Aliosa quá ngây thơ (cậu là một kiểu tốt đẹp nhưng lại mờ nhạt đến đáng tiếc), riêng đứa con hoang Xmerdiakov thì khốn khổ độc ác. Hầu hết những người phụ nữ gian trá đến kinh ngạc, trong khi những đứa con nít thì mệt mỏi như người lớn... Đây là những tóm tắt hết sức gọn, hiển nhiên. Tôi không biết có lúc nào mình ngồi lại để kể lể nhiều hơn về các nhân vật không, vài ba dòng này rõ ràng không thể nói hết và nói đủ, có khi là quá phiến diện, tuy nhiên khi gấp cuốn tiểu thuyết này, trong tâm trí tôi nếu nghĩ về họ thì luôn vang lên như thế. Hy vọng lúc nào đó có thể có những khảo sát sâu sắc hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...