Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Đời tôi – Marcel Reich-Ranicki

Lần đầu tiên tôi hiểu, hoặc chỉ phỏng đoán, rằng tình yêu là một đam mê không biết đến giới hạn, rằng trạng thái quá độ của những kẻ hạnh phúc hoặc bất hạnh vì tình sẽ dẫn đến điên cuồng, thách thức, hoặc muốn thách thức thế gian. Tôi cảm thấy tình yêu vừa là hạnh phúc vừa là trừng phạt, vừa là ân sủng vừa là tai họa. Tôi như bị sét đánh khi phát hiện tình yêu và cái chết gắn bó với nhau, rằng chúng ta yêu vì chúng ta phải chết – tr. 94 – 95.

… ta có thể phát hiện và nhận ra điều gì đấy trong văn học, chẳng hạn tìm ra được chính mình, cảm xúc, ý nghĩ, hy vọng và ức chế của riêng mình, nhưng không thể đánh giá nó quá cao – tr. 105.

"Tình yêu là tên gọi chúng ta đặt cho một thứ tình cảm tột bậc, thứ tình cảm đưa ta từ thiện cảm tới mến thương và từ mến thương đến lệ thuộc; nó đưa ta vào một trạng thái ngây ngất, đôi khi nó có khả năng khiến người trong cuộc thiếu sáng suốt. Nó là niềm hạnh phúc gây ra đau khổ và là sự đau khổ đem hạnh phúc đến cho con người" – tr. 108.

… tình yêu luôn liên quan mật thiết đến nhu cầu tự khẳng định bản thân và không tình yêu nào không có sự hàm ơn. Tình yêu không nhất thiết phải nảy sinh từ sự hàm ơn, nhưng nó dẫn tới sự hàm ơn hoặc nó tắt lịm – tr. 109.

… khủng khiếp hơn cái đói là nỗi sợ chết, khủng khiếp hơn nỗi sợ chết là sự nhục nhã triền miên – tr. 213.

Tuy ngày ấy chúng tôi chưa biết, song hẳn đã dự cảm rằng ai tình cờ thoát chết trong khi người thân của mình bị giết, người ấy khó có thể sống an bình với chính mình – tr. 227.

Phần lớn nhà văn không hiểu về văn học hơn chim muông hiểu về các nhà điểu học. Và họ ít có khả năng nhất để đánh giá về tác phẩm của chính họ. Vì thông thường tuy họ biết đại thể điều họ muốn thể hiện, làm sáng tỏ, đạt được và tác động, nhưng chính điều này đã che mờ đôi mắt họ trước những gì họ đã thật sự làm và đạt được. Nhà phê bình cần – cặn kẽ và cẩn thận như có thể - đánh giá điều tác giả viết. Còn những gì tác giả nói về tác phẩm của họ, nhà phê bình không nên bỏ qua, nhưng cũng chớ nên quá coi trọng.

Nhưng hồi đó tôi cũng học thêm được điều này: không có phê bình vẫn có văn học, nhưng thiếu văn học thì không thể có phê bình. Nói cách khác: ăn nhậu trước, luân lý sau; thơ văn trước, lý thuyết sau; văn học trước, phê bình sau. Vì lý do đó, chúng ta cần tránh coi thường hoặc thậm chí quên những gì chúng ta hàm ơn họ - những nhà văn đã thật sự góp phần vào nền văn học của chúng ta. 

(tr.255)

… giữa một tác giả và một nhà phê bình chỉ có hòa bình hoặc thậm chí tình bạn, khi nhà phê bình không bao giờ viết về sách của tác giả ấy và tác giả dứt khoát mãi mãi chấp nhận – tr. 273.

Khi viết về người khác thì hoàn toàn không thể tránh khỏi đồng thời viết về chính mình – tr.322.

Nhắc lại bao nhiêu cũng không đủ : không có tình yêu văn học thì không có phê bình – tr. 323.

... các nhà văn cảm nhận mọi chuyện mãnh liệt hơn và dữ dội hơn người khác, nên họ phải chịu giày vò hơn người khác. Nhu cầu thường xuyên tự khẳng định của họ liên quan đến điều này. Thế là rõ, nhưng điều đáng ngạc nhiên là sự thành công, thậm chí thành công tầm cỡ thế giới, cũng chẳng khiến cho nhu cầu này giảm bớt chút nào – tr. 331.

"Đối với nhà văn thì nói chung một bài phê bình ‘hay’ là bài ca ngợi ông ta và nói xấu đối thủ, bài phê bình ‘dở’ là bài chê bai ông ta và tán dương đối thủ" (Georg Lukás) - tr. 331.

Một số nhà văn đã quả cảm đi tìm ngay chiến lũy. Phải chăng họ đã sao nhãng văn học để hiến thân mạnh hơn từ trước nay cho chính trị? Hay họ sở dĩ ráo riết tìm chốn náu thân nơi chính trị, chẳng qua chỉ vì họ không còn tiến bộ trong sáng tác? – tr. 344.

"Những nghệ sĩ tài ba chỉ sống trong tác phẩm của họ thôi, do đó cá nhân họ chẳng có gì đáng quan tâm" (Oscar Wilde) - tr. 367.

(Lê Chu Cầu dịch, NXB Thế giới và Nhã Nam, 2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...