Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Đôi lời về Đời tôi

Hơi quá lâu kể từ lúc tôi đọc xong cuốn này (tôi đã kịp đọc vài cuốn khác và ghi lại những câu hay ho mình cảm thấy – một đoạn thời gian chả ngắn tí nào đã trôi qua, thế đấy !). Sở dĩ tôi để cuốn này chịu số phận bị gấp lại ở nhiều trang vì ngay sau khi đọc xong, ấn tượng bởi cách nhìn tinh tế của tác giả đối với những chân dung văn học (ở đây là những nhà văn Đức), tôi đã muốn có thể lọc lại những chi tiết đắt giá liên quan đến những nhà văn này (bằng cách tìm hiểu sâu hơn về tiểu sử của họ, giá trị tác phẩm của họ và sau đó liệt kê tất cả, dĩ nhiên trọng điểm là phải làm sao đan cài cái nhìn hóm hỉnh, chân thực của Marcel Reich – Ranicki vào). Nhưng để làm cái việc này thì rõ là phải mất nhiều thời gian, và tôi cũng e việc trích dẫn cuốn sách trong trường hợp này, hẳn có thể là một sự xâm phạm thô bạo quyền tác giả. Thế là từ từ tôi lờ tịt cái hào hứng mình từng có. Và nói chung thì lâu dần, cái hào hứng ấy cũng tự động xẹp dần thôi. Dù sao, tôi vẫn muốn nói đôi điều về cuốn tự truyện này, một trong những cuốn sách đọc trong năm rồi mà tôi rất thích.

Cần mở ngoặc đôi điều là tôi không hề ưa cái việc thống kê những cuốn sách mình từng đọc, bao gồm các kiểu : đếm xem đã mua bao nhiêu cuốn, thích cuốn nào nhất, cuốn nào có ảnh hưởng nhất, cuốn nào gây thất vọng nhất..vv..vv (dù tôi có vẻ hay thủ thỉ thù thì về từng cuốn chăng nữa). Nên khi nói Đời tôi là một trong những cuốn tôi rất thích trong cái sự đọc năm rồi, tôi không chắc mình có thực sự đặt nó trong một tổng thể những cuốn mình đã đọc trong năm 2014 không. Có lẽ nên nói đơn giản là tôi thích thì đúng hơn. Nhưng nói thế thì phải đặt trong tổng thể tất cả những cuốn sách đã đọc à. Chỉ cái suy nghĩ ấy đã thấy kinh khủng rồi.

Đời tôi là một cuốn sách khá đặc biệt, mặc dù tự truyện là một thể loại mà thường tôi chọn đọc với ít nhiều khắt khe hơn so với tác phẩm hư cấu thông thường, nhưng cuốn này thì tôi mua mà cũng không lăn tăn nhiều lắm. Tự truyện của một nhà phê bình văn học thì lạ nên cũng đáng để đọc. Huống nữa thì đó là một cuộc đời đã trải qua những biến cố bi thảm trong lịch sử và có một cuộc sống đủ dài, đủ tầm quan trọng để kể lại đời mình. Giới thiệu sơ nét (trên bìa sách) thì thế này: "Marcel Reich – Ranicki (1920–2013) là nhà phê bình văn học Đức uy tín nhất nửa sau thế kỷ 20, nhận xét của ông có những ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp của một nhà văn Đức”.

Và có lẽ để tăng hiệu quả bán sách, người ta đã phải chú thích thêm dòng chữ ở ngay bìa trước: "Tự truyện của Giáo hoàng Văn học Đức" khiến cho một người mù tịt về tác giả và có khuynh hướng suy nghĩ thật thà non nớt dại khờ như tôi ban đầu hơi băn khoăn về tính tôn giáo trong tác phẩm. Sém tí nữa tôi đã bỏ qua hai chữ "Văn học" để lầm tưởng đây là tự truyện của một Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo nào đó ( __ __ !). Và cũng có lẽ để tránh cảm giác khô khan cho độc giả, người ta cũng he hé một chuyện tình đẹp, cảm động, bất tử bên trong câu chuyện về cuộc đời nhà phê bình văn học này. Dù theo tôi thấy sau đó thì, khía cạnh tình yêu riêng tư không phải điều trọng yếu trong cuốn sách, dù những dòng viết về tình yêu (mà khi trích dẫn lại) tôi phát hiện chúng có khi còn hay hơn trong những cuốn tiểu thuyết tình yêu lãng mạn. Sự thực là những khía cạnh cá nhân được đề cập khá kín đáo và mặc dù Ranicki cùng người bạn đời của mình gần như sống bên nhau cả đời, dĩ nhiên không có lý do để nghi ngờ tình yêu của họ, song tình yêu ấy, người bạn đời ấy không ngăn ông thi thoảng qua lại với những người phụ nữ khác, và hẳn ít nhiều ông cho đó là bình thường.

Nói cho đúng thì Đời tôi nên được hiểu là Đời một nhà phê bình văn học, nghĩa là mọi thứ được đề cập đến chỉ để xoay quanh, làm rõ cái trục chủ đạo là văn chương, ý nghĩa của nó đối với cuộc đời tác giả mà thôi. Tất nhiên, không thể gạt bỏ những khía cạnh thuộc về đời riêng của Ranicki, bao gồm tình yêu nam nữ và đặc biệt là những trải nghiệm đau thương khi sống trong trại tập trung Warsaw, những ám ảnh giữa cái đói, sự sống – cái chết và nỗi nhục nhã triền miên phải chịu đựng chỉ bởi nguồn gốc Do Thái của mình. Cả hai chủ đề này, được lồng ghép giữa những hoài bão, chiêm nghiệm về văn chương, từ khi còn là một cậu học sinh cho đến khi trở thành một nhà phê bình được công nhận của tác giả. Đó là những trang viết đẹp, ưu tư nhưng dễ hiểu (Ranicki luôn chủ trương viết hướng tới công chúng, vì vậy hẳn cách hành văn của ông không có tính phức tạp, rườm rà và tôi đoán - vì không có khả năng đọc nguyên tác - bản dịch đã làm chủ được phương châm này của tác giả, cuốn Đời tôi không mỏng nhưng đọc có thể nói là dễ chịu), với những sự kiện đủ để thậm chí viết riêng thành một tiểu thuyết khác, đã làm đầy đặn thêm cuốn tự truyện mà vốn cũng sẽ rất hấp dẫn đối với những ai yêu văn học, ở cái không khí văn học nghệ thuật thấm đẫm qua từng trang sách. Tôi ngạc nhiên về cái không khí ấy, dường như đâu đâu cũng là văn học, cũng là âm nhạc, kể cả khi cận kề cái chết. Và văn học không phải là một cái gì chỉ thuộc về một cộng đồng viết hay đọc sách, mà thuộc hoàn toàn về đời sống, nơi người ta có thể cà kê với nhau suốt ngày về những chủ đề văn chương. Có phải vì thiên hướng của Ranicki sớm cho phép ông sống trong bầu không khí nghệ thuật, gặp gỡ những con người có cùng mối quan tâm hay vì ở Đức, ở những nước Châu Âu, người ta đọc sách và bàn luận văn học, nghe nhạc giao hưởng như chúng ta ngồi và hóng hớt tin trên báo lá cải mỗi ngày?

Một phần hay nhất trong cuốn tự truyện này, như những lời đầu tôi đã nói, thuộc về những chân dung văn học của các nhà văn Đức mà trong cuộc đời một nhà phê bình, Ranicki không hiếm khi được gặp gỡ và quen biết. Dưới ngòi bút của Ranicki, họ hiện lên ở những khía cạnh có lẽ hiếm ai khai thác được, hẳn nhiên cũng không thể có trong những dòng tiểu sử chính thống. Khái quát từng ấy chân dung, có thể rút ra những kết luận rất thú vị kiểu như nhà văn là những người tự cao tự đại, yêu bản thân hết mức (và cũng chính với những điểm như thế, họ tài năng, thường ở tầm cỡ thế giới), rất hiếm khi chịu thừa nhận tài năng của đồng nghiệp cùng thời, và đặc biệt dành sự yêu ghét cho nhà phê bình tương ứng với mức độ nhà phê bình ca ngợi hay chê bai tác phẩm của họ. Mấy lời này của tôi thoạt nghe hẳn là thấy khá trần trụi nhưng ngòi bút của Ranicki đặc biệt tinh tế và hóm hỉnh, không chút ác ý và thường thì bạn sẽ thấy thú vị đến muốn bật cười, như cái giai thoại về Stanislaw Jerzy Lec mà có lần tôi đã ghi lại trong blog này khi đọc đến trong cuốn sách. Có thể nói, thông qua những chân dung nhà văn, bằng cả đời hoạt động sôi nổi của mình trong tư cách một nhà phê bình, Ranicki đã đúc rút khá nhiều những chiêm nghiệm sâu sắc liên quan đến nghề nghiệp, trong đó mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình (mà trước đó, đầu tiên là một độc giả của nhà văn) được ông trở đi trở lại khá nhiều lần. Những chiêm nghiệm của Ranicki, với cá nhân tôi, đã củng cố giúp tôi một vài suy nghĩ của mình trước đây. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến tôi thích cuốn sách này đến vậy.

Như được giới thiệu, Marcel Reich – Ranicki là một nhà phê bình văn học nổi tiếng của Đức "một nhà phê bình không khoan nhượng, thẳng thắn, không bị bất cứ yếu tố nào tác động tới tính công tâm trong suy nghĩ”, cũng vì vậy trong thực tế thường là nỗi khiếp sợ của những nhà văn. Trong cuốn tự truyện, ông cũng không ít khi hé lộ mình bị ghét đến thế nào. Khía cạnh này có lẽ là một sự đáng tiếc vì cá nhân tôi không đọc được bài phê bình văn học nào của tác giả để hiểu rõ hơn cái sự không khoan nhượng ấy (thế nên đọc tự truyện của một người mà bạn không có đến lấy một chút hiểu biết về họ quả tình là cái điều gì đó như sự vô duyên vậy). Tuy nhiên, với cuốn tự truyện duy nhất của mình, được viết ở quãng tuổi 73 đến 79, Ranicki đã được một lần nói rõ tình yêu của ông dành cho văn chương, trong tư cách một con người nói chung và một nhà phê bình nói riêng. Đồng thời, với tình yêu ấy, ông cũng không quên khẳng định sự hàm ơn đối với những nhà văn. Như ông nói, không có văn học thì không có phê bình. Và dĩ nhiên, không có tình yêu văn học thì cũng không thể có phê bình. Có lẽ đó chính là sự trọng thị, một tình yêu ghê ghớm và là điều quan trọng nhất mà ông muốn nói, trong tư cách một nhà phê bình văn học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...