Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Chút suy ngẫm trong ngày

Có lần tiếp chuyện một khách hàng trong một quán cà phê cũng có thể nói là ở trung tâm thành phố. Quán này có khá đông người nước ngoài lui tới. Vì ngồi gần cửa ra vào nên tôi có thể bắt gặp họ đi ngang qua. Có người da trắng và cả người da đen. Ít khi một lúc lại nhìn thấy nhiều người nước ngoài như thế. Còn cả hai cô gái người Nhật đi cùng một người Việt Nam dường như đang làm nhiệm vụ hướng dẫn viên. Ngoại trừ hai cô gái này (có lẽ vì họ nhỏ nhắn và cùng là người Châu Á, tôi thấy họ không quá xa lạ với dân mình), những người đàn ông da trắng và da đen trong quán cà phê ấy đều gợi lên cho tôi cảm giác đường bệ đến kinh ngạc. Nhất là nhóm ba người đàn ông đủ sắc tộc bước vào quán cùng một lúc (trong số họ có người nhìn như người Ấn). Họ rất to lớn, phục sức trịnh trọng (vest, cà vạt, cặp da), ánh mắt nhìn quanh tự phụ. Bạn nghĩ họ hẳn đến đây để thương thảo và đi đến ký kết một phi vụ quan trọng nào đó. Một cuộc họp với đối tác, những bộ vest chỉn chu, quán cà phê Sài Gòn, giữa trời trưa nắng, tất cả những thứ ấy bỗng dưng gợi lên cho tôi một cái gì đó thật gượng gạo. 

Có những lúc nhìn người nước ngoài ở Sài Gòn, tôi lại có cảm giác họ không phải đang ở trên một xứ sở xa lạ. Ngược lại, chính tôi – dân bản xứ mới là khách lạ nơi này. Rồi tôi nhủ lòng, nếu từng có người Việt treo biển miễn tiếp người Việt tại đất nước Việt Nam thì cảm giác ấy của tôi hẳn cũng dễ hiểu. Tôi cũng nhớ vài năm trước, có ông anh đang dạy ở một trường đại học than vãn với tôi một câu nghe chừng rất hài hước: ở trường anh giờ chỉ muốn tiến sĩ, đặc biệt là tiến sĩ ở nước ngoài về, không cần biết là cái nước gì, cứ miễn nước ngoài thì nhận hết…Cái sự sùng bái nước ngoài ăn sâu vào dân xứ mình như vậy, đến mức trở thành vô thức, trong đủ mọi lĩnh vực và vì vậy không phải không có lúc như mù quáng, làm tổn thương tinh thần chính dân tộc mình. Nhưng rốt cuộc là cái gì đã dẫn đến sự sùng bái ấy?

Tôi nhớ khi đọc tác phẩm Vô hồn của Sergey Minaev, có một đoạn viết khiến tôi chú ý. Nó cung cấp cho tôi một cách nhìn, về những người nước ngoài làm việc tại những công ty trong nước, ở đây là Nga. Với tôi, đó là một khía cạnh hiện thực đáng để suy ngẫm. Và đương nhiên là không chỉ cho dân Nga thuở ấy...

"Những expat (từ chỉ những người nước ngoài đang làm việc tại các công ty trong nước)… không kể đến một số chuyên gia cao cấp người nước ngoài đang làm việc tại những công ty tên tuổi… - những người được trả lương rất cao để nâng công ty lên tầm cỡ quốc tế. Thường thì chi phí đó thực sự đáng đồng tiền bát gạo. 

Với tôi, expat là một đám ngoại quốc thường đảm nhận những công việc như quản lý khách sạn, giám đốc nhà hàng, chuyên viên tư vấn đủ loại, chuyên gia quảng cáo, tiếp thị, giám đốc điều hành, giám đốc bán hàng v.v… Đa số đều là những tên láu cá hoặc là những kẻ không thành đạt ngay ở quê nhà và tới đây từ đầu hoặc giữa những năm chín mươi, lập nghiệp ở một đất nước gần như còn mông muội với ý định làm giàu bằng việc "đổi giày thủy tinh lấy vàng" cho những kẻ nhẹ dạ…

Dễ thấy rằng, người đang có công ăn việc làm tử tế không dễ gì bỏ ra nước ngoài làm ăn, nếu không phải là để mở rộng hoạt động kinh doanh lên tầm quốc tế hoặc là hoán đổi vị trí làm việc trong một công ty đa quốc gia. Tất cả những xê-ri phân bua kiểu như "Đơn giản là tôi thích đi du lịch" hay là "Phụ nữ nước bạn đẹp thế" chỉ là những câu sáo rỗng không hơn không kém. Và thế là trong một thời gian ngắn, những kẻ thất bại trong cuộc cạnh tranh ở nước mình bỗng dưng trở thành những người thầy dẫn dắt chúng ta làm thương mại. Họ được trả lương cao kinh hoàng… giúp họ chứng tỏ sự thành đạt của mình cho dân Nga ta, những người còn chưa kịp trở thành ông chủ của họ. Cứ thế hình thành một nếp nghĩ như thế này: dân ngoại quốc thì dứt khoát phải có giá hơn và luôn làm việc tốt hơn các đồng nghiệp bản địa…" *.

---

* Bản dịch của Nhật An và Trương Hồng Hạnh, NXB Trẻ và Tinh Văn, 2007.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Đảo cô hồn

Trong câu chuyện

Một. Tôi phải gặp Diêm vương

Một nơi không bao giờ có ánh sáng nhưng cũng không bao giờ có đêm đen, một nơi không có tiếng cười nhưng cũng không khi nào có tiếng khóc than. Đó là Đảo cô hồn.

Tôi ở đây có lẽ đã đến mấy trăm năm. Ngày lại ngày trôi qua, tôi vất vưởng trôi trong không khí, thi thoảng dừng lại ngó lăm lăm những vong hồn khác. Tôi cố tìm một nét quen thuộc, một gợi nhớ thân thương đến cõi người nhưng nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy những kẻ như mình, nhợt nhạt, tội nghiệp, âm u, tù đọng. Trăm năm ở đảo, trăm năm tìm kiếm, trăm năm cô đơn. Tâm trạng tôi dần trở nên u uất. Đã nhiều năm, tôi thường để mình trôi vô định từ góc đảo này đến góc đảo khác, mang theo sự nặng nề trong lòng mình hòa vào không gian trầm lắng của đảo. Tôi gặp gỡ nhiều cô hồn khác, kết bạn với họ. Nhưng thế giới cô hồn không có niềm vui, Đảo cô hồn là nơi chôn cất tiếng cười. Trăm năm ở đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nụ cười nào. Tất cả chúng tôi đều có gương mặt lặng câm như nhau.

Mấy trăm năm sống cuộc sống sau cái chết như thế, tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi muốn tìm gặp Diêm Vương, người duy nhất có quyền lực ở địa ngục có thể giải thoát các  vong hồn khỏi số phận vĩnh viễn không thể siêu thoát của họ. Nhưng câu chuyện được truyền tụng nghìn năm trước vẫn còn ở trong tâm trí tôi, về kết cuộc của một cô hồn muốn thoát khỏi đảo. Diêm Vương không bao giờ ưa thích những hồn ma có ý định chống lại bàn tay của tạo hóa. Tại cửa ngõ duy nhất thông đảo đến chốn khác đến nay vẫn còn treo mái tóc anh ta. Đó là tất cả những gì còn lại sau một tiếng sét. Anh ta đã hóa thành tro bụi, mãi mãi không thể luân hồi chuyển kiếp. Tôi đã từng lang thang đến chốn ấy, nhìn cái thứ còn lại minh chứng cho sự tồn tại của kiếp người, lòng đau se sắt. Dạo ấy tôi vừa mới chết xuống đây, được răn dạy bằng câu chuyện của anh ta, hẳn tính người trong tôi hãy còn nên tôi còn nước mắt khóc cho anh ta. Mấy trăm năm trôi qua, nước mắt cũng tiêu tan, tôi nhìn vật thể sót lại của người thiên cổ, chỉ tự hỏi lòng mình có nên lặp lại số phận của anh ta. Tôi có mong muốn trở lại làm người không? Suy cho cùng, tôi nghĩ, thà trở thành cát bụi còn hơn tiếp tục là một cô hồn thế này, với chuỗi ngày lê thê tiếp nối sầu thảm lại đến sầu thảm.

Tôi phải tìm gặp Diêm Vương.

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Hồ - Banana Yoshimoto

Chỉ thiếu tập truyện ngắn Thằn lằn là tôi có đủ những tác phẩm được dịch và xuất bản tại Việt Nam của Banana Yoshimoto. Cái gì khiến tôi có duyên với tác giả này đến vậy nhỉ? Khi đọc nhiều tác giả Nhật hơn, cũng như nhiều tác giả Trung hơn, bạn dễ dàng nhận ra những điểm giống nhau của họ. Điều đó có khả năng dẫn bạn đến thẳng sự nhàm chán và rồi từ từ bạn ít muốn chọn lựa các đầu sách thuộc về nền văn chương của đất nước ấy hơn (điều này tôi lại ít cảm thấy khi đọc sách của các nhà văn phương Tây). Văn học Trung Quốc, dù các đầu sách xuất bản tại Việt Nam chiếm thế thượng phong, từ lâu tôi rất ít đọc. Với văn học Nhật, ngoài Banana Yoshimoto, Haruki Murakami hay Ekuni Kaori là những tác giả có nhiều sách xuất bản tại Việt Nam (tôi tin rằng mình đã bỏ lỡ Dazai Osami, Kawataba hay Watanabe vì vậy chưa thể liệt kê tên họ vào đây). Vì vậy với tôi,  không ngần ngại nói rằng, Haruki Murakami ám ảnh hơn cả, dẫu cho nhân vật của ông có giống nhau cỡ nào đi chăng nữa. Nhưng hỏi tôi,  ở tư cách người đọc nữ, thích đọc ai hơn, tôi sẽ trả lời là tôi thích đọc Banana Yoshimoto hơn (khi tự hỏi và tự trả lời, bỗng tôi cũng thấy sáng rõ được lý do tại sao tôi mua sách của tác giả này nhiều hơn cả). Đọc Banana với tôi khá dễ chịu nhưng không phải kiểu dễ chịu làm cho người ta quên (thường thì chúng ta chỉ nhớ những gì làm chúng ta trăn trở hay đau đớn đúng không?!). Cái không quên ở đây không có nghĩa là bạn sẽ nhớ được chi tiết những gì bạn đã đọc của tác giả này, tôi vẫn phải nói vậy bởi vì điểm chung trong sáng tác vẫn có lúc làm tôi nhớ nhầm giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, nhưng cái không quên nằm ở sức hút, kiểu “bảo chứng tên tuổi” của một diễn viên thực lực – tôi vẫn sẵn sàng để đọc những tác phẩm tiếp theo của Banana Yoshimoto và sự thực đúng là như vậy.  

Hồ là tác phẩm mới nhất của cô. Một câu chuyện trong trẻo về tình yêu. Dù những khía cạnh về cuộc đời Nakajima, được hé mở dần dần về cuối trang sách, cho thấy một quá khứ không phải không khủng khiếp, cách viết của Banana Yoshimoto vẫn tinh tế và nhẹ nhàng như không. Điều này khiến bầu không khí trong truyện, dù cô đơn, thuộc về những con người sống như biết không có ai cần mình, và mình cũng không có ai bên cạnh, quá khứ hay tương lai là một màn sương mờ ảo không rõ hình thù, vẫn đạt đến độ trong lành, tinh khiết tuyệt đối. So với những tác phẩm đã viết, tôi nghĩ Hồ còn tinh khiết, đôi chỗ hài hước và lấp lánh ánh sáng lạc quan hơn. Tuy nhiên, một ấn tượng khá lạ về tình yêu đôi lứa giữa Chihiro và Nakajima (so với tình yêu đôi lứa trong những tác phẩm đã đọc của cô) là tôi không sao không cảm thấy mối quan hệ của họ cứ như giữa hai người bạn gái với nhau. Là bởi nhà văn xây dựng Nakajima ôn hòa, nhẹ nhàng quá hay tình cảm của họ trong lành quá, dù không hề thiếu sự chung đụng thể xác, mà chúng ta thì vốn quen ngó nghiêng những bụi bặm ở đời, đến nỗi ta không thể không bật cười (dĩ nhiên là trìu mến) trước sự trong lành ấy?! Có lần tôi nhớ đọc được rằng sở dĩ nhà văn chọn bút danh Banana vì đó là một cái tên rất trung tính. Và thú thật là đôi khi tôi cũng cảm thấy tình yêu mà Banana Yoshimoto viết cũng là thứ tình yêu rất trung tính.

---
 
Được yêu là thế. Là khi một người ‘muốn chạm vào mình, muốn tỏ ra dịu dàng với mình’ – tr. 18. 

Nghe một câu chuyện trắc trở của người khác cũng giống như cầm tiền của người ta vậy, không thể chỉ nghe xong để đấy. Bởi vì đã nghe nghĩa là ta đã nhận lấy trách nhiệm – tr.41. 

Thừa nhận mình không hiểu những chuyện mình thực sự không hiểu chính là tôn trọng người đó – tr.50.

Chỉ ở giai đoạn đầu của tình yêu người ta mới chịu đựng điều mình không thích vì người kia. Tới khi cả hai biết rõ điều người kia không thích thì tự nhiên họ sẽ không còn làm thế nữa – tr. 83.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Tôi là Bêtô - Nguyễn Nhật Ánh

Trích dẫn từ ebook


  … càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn”.

 Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả”.

 Khi bạn không làm được điều bạn muốn làm, có lẽ bạn cũng cảm thấy tự do bị tước đoạt”.

 Khi một kẻ được đối xử đặc biệt hơn những kẻ khác, tự nhiên hắn trở thành cái gai trong mắt những kẻ còn lại.

Dù bản thân hắn và những kẻ không ưa hắn, xét cho cùng thì cũng chẳng ai độc ác gì”.

 Các bậc có tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết”.

 Khi bạn quá tin cậy hoặc sùng bái một ai, chắc chắn bạn không bao giờ đề phòng, thậm chí nghi ngờ. Và đôi khi bạn chết vì niềm tin ngây thơ của mình”.

 Khi con người ta trông thiện lương hơn thì không phải vẻ mặt mà chính tâm hồn của họ vừa được lau chùi”.

 …khi ta yêu ai bao giờ cũng yêu tất cả những gì thuộc về người đó, cả điều hay lẫn điều dở. Cả những điều không hay không dở”.

 Tình bạn là điều gì đó thật kỳ diệu. Đó là thứ tình cảm trong sáng và vô điều kiện, là món quà tặng mà khi ta trao vào tay ai số phận hiếm khi giật lại. Vì vậy mà nó bền chắc và có thể kéo dài thăm thẳm qua thời gian và sự xa cách”.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...