Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Buồn hơn

Chúng tôi chuyển văn phòng lên tầng trên.

Một nơi đủ rộng cho tất cả nhưng lại chật hẹp hơn với mỗi cá nhân. 

Người ta bảo rằng chúng tôi đi đến đâu thì lộn xộn đến đấy. Có lẽ dơ bẩn cũng thuộc phạm trù của cái lộn xộn ấy.

Nói thế cũng không sai.

Khi sếp của tôi quay lại, cái ngày để nhận bàn giao công việc. Chị ấy nhận ra thứ mùi kinh khủng trong cái phòng khi đó còn ở dưới tầng trệt. Cái mùi hổ lốn, tập hợp của thức ăn thừa, thức ăn thiu, và rác rưởi, cả mùi mồ hôi đóng thành cặn dưới gầm bàn, trong mấy đôi vớ hay giày dép đi lại tại khu vực làm việc.

Chị ấy như thể phát hiện thứ mùi kinh tởm ấy và hỏi, liệu có thể sử dụng loại khử mùi nào cho cái phòng này, như loại khử mùi đậm hương xả của nhà vệ sinh, để các bạn đỡ ngột ngạt.

Vào khoảnh khắc đó, tôi bật cười.

Sau ba tháng, giữa những nhiễu loạn thông tin, nỗi lo sợ phập phồng, những hy vọng mong manh… Rồi chị ấy cũng trở về.

Và cái cảm giác mất mát trong tôi bỗng trở nên rõ ràng hơn.

Rằng chẳng có gì còn vẹn nguyên như cũ.


Người ta cũng chọn tôi cho vị trí Leader. Với thời gian thử thách kèm theo, dĩ nhiên, như thường thấy, khi giao cho bạn những công việc không thuộc vị trí của bạn, với miếng mỡ treo trước mắt. Làm thêm đi, và có thể miếng mỡ đó sẽ thuộc về bạn. 

Điều họ đếch quan tâm, rằng bạn có thèm vào cái miếng mỡ đó không?

Một cái gì đó đê tiện đằng sau việc này. 

Tôi không biết.

Với cấp trên, vì tôi có những hai cấp trên, kẻ xem tôi như quân cờ, người nhìn tôi như bù nhìn rơm. Tôi ở giữa họ. Cuộc chiến của họ. 

Với cấp dưới, toàn đàn bà con gái, những ồn ào thị phi diễn ra hàng ngày. Bạn biết rõ rằng bạn chẳng muốn dính vào.

...

Có lần, trong những ngày tăm tối của mấy năm trước, tôi nói với Còi Cọc “Bạn chỉ muốn có một công việc ổn định, mỗi tháng lãnh lương, cứ thế an phận suốt đời. Nhưng, biết đâu được… có thể lúc nào đó bạn lại muốn tự do…”

Lúc đó tôi rất buồn.

Bây giờ, những ngày này, tôi còn buồn hơn.

"Nỗi buồn ấy nào ai biết được
Đối với ta chỉ con đường phía trước..." (LQV)  
...

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Trên kệ sách (4)


Zazie trong tàu điện ngầm (Raymond Queneau, Cẩm Thơ dịch, NXB Trẻ, 2012)

Dường như NXB Trẻ có một tủ sách gọi là “Cánh cửa mở rộng”. Thật ra tôi không hiểu sự phân loại đó, cũng sẽ thường không mặn mà với những gì được dán nhãn theo cách định hướng người đọc. Chưa kể chúng khá mắc mỏ (tôi nhớ cuốn tôi cảm thấy muốn đọc nhất trong tủ sách này là Gia đình Buddenbrook nhưng dạo đó vì thường ở vào tình trạng rỗng túi nên cái giá của nó với tôi quá khủng khiếp).

Riêng cuốn này, sau nhiều lần lữa, vào khoảng tháng ba, tư năm nay, khi tình cờ thấy trên trang Vinabook ghi dòng chữ: “Chỉ còn 02 quyển”, tôi mới chẳng suy nghĩ thêm, mua luôn cả hai, một cho mình, một gửi tặng bạn. Sách xuất bản từ năm 2012, khi nhận các trang giấy đã kịp tỏa mùi cũ kĩ. 

Đọc cuốn này là một trải nghiệm lạ lùng. Không giống một tác phẩm văn học, nhất là văn học theo lối kinh điển, Zazie trong tàu điện ngầm giống một kịch bản phim và nó sẽ hoàn toàn dễ hiểu nếu tồn tại ở dạng phim ảnh. Khi là một cuốn sách, nó làm tôi thỉnh thoảng rơi vào vùng khó hiểu khi giữa các đoạn hội thoại và tình tiết không có phân đoạn nào cho thấy sự chuyển tiếp. Các nhân vật xuất hiện khá ồ ạt và dường như chẳng với trọng điểm nào. Hơn nửa cuốn, tôi đọc một cách nỗ lực. Vì không muốn bỏ dở giữa chừng, cũng vì vẫn hy vọng vào một cái gì sáng chói như đã được mặc định ở phía sau.

Cho đến khi đọc hết cuốn sách, tôi không dám chắc về sự xuất sắc của nó. Nhưng sự thú vị thì có. Zazie trong tàu điện ngầm có sự thú vị của một bộ phim hài châm biếm, với một vài tình tiết mang chất trinh thám hành động, đôi khi hơi cường điệu. Có lúc tôi thấy cuốn sách hài kinh khủng đến mức phải phá lên cười. Dĩ nhiên, bạn đồng thời cũng cảm nhận được vị mặn đằng sau bức tranh toàn thể tưởng chừng hài hước đó. Như sẽ hiểu Zazie sau khi cùng cô bé trải quá mấy ngày ở Paris, rằng sau dáng vẻ ngông nghênh, lối ăn nói sống sượng kiểu người lớn, Zazie vẫn chỉ là một đứa trẻ với những mộng ước rất trẻ thơ, bất chấp cái tuổi thơ đầy bi kịch có thể khiến bất kỳ ai gục ngã. 

Như lời dẫn ở phần đầu tác phẩm, Zazie trong tàu điện ngầm có thể viết theo lối bi lụy nhưng Raymond Queneau đã làm ngược lại. Và độc giả nhấm nháp tấn trò đời bi kịch sau chính những tràng cười của mình. 

Về cô gái này (Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Trẻ, 2015)

Như cân nặng của cô gái ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời cô trong câu chuyện, cuốn sách này nặng hơn nghìn lần khối lượng cơ học của nó và may mắn là nó khá mỏng. Nếu không đọc nó sẽ là một trải nghiệm rất, rất nặng nề.

Cuộc đời một cô gái béo phì có gì vui? Một vài cô tôi biết, chưa ở mức béo phì nhưng cân nặng quá khổ dường như không ảnh hưởng đến niềm vui sống của họ. Bất chấp một vòng eo vượt giới hạn, một thân hình mà giới mỹ học không gọi là đẹp, thậm chí dễ bị cười chê, thậm chí bị cảnh báo về bệnh tật, họ vẫn rất vui vẻ. Và một trong những thứ giữ cho họ vui vẻ, là họ sẽ ăn bất cứ thứ gì họ thích. Họ cười nhạo cái ý nghĩ sống là phải kiêng khem món này, món nọ của người khác. Dĩ nhiên, với tôi, chẳng có vấn đề gì nếu người ta không chú ý đến cân nặng của họ. Cũng như chẳng có vấn đề gì nếu người ta chú ý đến cân nặng của họ. Suy cho cùng đó là tự do cá nhân (tôi chỉ sợ thứ gọi là bệnh tật gây ra nếu bạn quá béo hay quá gầy).

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Trên kệ sách (3)


Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng (Monique Brinson  Demery, Mai Sơn dịch, NXB Hội nhà văn & Phương Nam Book, 2016)

Viết theo kiểu hồi kí về một nhân vật chính trị nhưng cách viết cũng như phương thức tiếp cận của tác giả gây cho tôi cảm giác mình đang được đọc một tiểu thuyết văn học. Tôi theo dõi suốt mấy kì trên vnexpress nhưng một lần nữa, tôi vẫn không cởi bỏ được sự thận trọng dành cho những cuốn sách phi hư cấu do người ta tự viết về mình hay được người khác viết về. Thế nên nếu không phải vì được tặng thì khả năng là tôi chẳng bao giờ đọc trọn vẹn tác phẩm này.

Những chương đầu hấp dẫn với tôi hơn. Càng về sau thì những chi tiết càng trở nên mập mờ khó hiểu. Có lẽ đó là bóng đen lịch sử mà ở góc độ tác giả, viết về bà Nhu thông qua những cuộc điện đàm với chính bà, cuốn nhật kí riêng tư của bà Nhu cũng như những tư liệu của những nhân vật liên quan, mà sự rõ ràng trắng đen là bất khả. Có cảm giác cuốn sách được bọc trong một lớp màng an toàn. Nhiệm vụ của nó không phải là truy tầm sự thật lịch sử mà dường như mang tính cá nhân nhiều hơn: tác giả cất giọng nói của riêng mình, một giọng nói phụ nữ - nghĩa là hàm chứa trong đó sự dịu dàng, sự cảm thông, về một nhân vật khét tiếng trong lịch sử miền Nam Việt Nam: Madam Nhu Trần Lệ Xuân.

Ngoài ra, còn một sự thật đáng xấu hổ khác là tôi không mấy rành rọt về lịch sử của chính quốc gia mình, ngoài những cột mốc và sự kiện nhất định – những cuộc chiến tranh, những trận đánh. Một cách tổng quát, có thể nói thêm như vậy, từ thời còn đi học (mà giờ đây tôi cũng chẳng thể nhớ hết nổi). Sâu xa vào từng ngóc ngách của mỗi sự kiện hay mỗi nhân vật lịch sử thì sự hiểu biết của tôi càng bập bõm. Với chế độ Ngô Đình Diệm, với những nhân vật trọng yếu của nó: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân cũng thế. Chính cái khoảng trống đó cũng khiến cho việc đọc hiểu những trang viết, với những sự kiện và con người được nhắc đến, với tôi càng chẳng dễ dàng chút nào.

Điều tôi có thể tạm rút ra là, với cuốn sách này, cho phép tôi cảm nhận Ngô Đình Diệm vẫn là một người yêu nước. Quan điểm và đường lối chính trị của ông ta chỉ là khác với những nhà cầm quyền cách mạng – có thể hiểu đơn giản như vậy. Dĩ nhiên, chế độ họ Ngô hàm chứa trong nó những sai lầm – sự tập trung quyền lực vào một gia đình, chẳng hạn. Chế độ đó làm xuất hiện cũng cuộc bạo động, đảo chính nhưng ở phía ngược lại, tôi lại cảm nhận được tinh thần tự do của miền Nam Việt Nam giai đoạn đó – sự đối kháng diễn ra công khai và người dân dường như không khiếp sợ điều gì.

Cuối cùng, thật kỳ lạ, có một nỗi hoài buồn khi tôi những dòng viết về cuộc đời bà Nhu hay cũng chính là số phận gia tộc bà. Những con người đi từ tột đỉnh quyền quý đến sự suy vong, với những bi kịch tiếp nối bi kịch. Như một câu được trích trong cuốn sách, là lời của chính chị gái bà Nhu: “Bạn càng kể lể về những vinh quang của quá khứ, cái kết cục càng trở nên kinh khủng.” Những cuộc đời ấy rồi cũng phải khép lại, dù công tội ra sao…

Giấc mơ Mỹ (An Lâm, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2016)

Giữa một rừng văn chương về cơ bản là khai phá nỗi buồn của con người, tập truyện ngắn này sáng lên như một cuốn sách self-help (dĩ nhiên không mang quá tinh thần “cải tiến con người” như thể loại sách này). Nó khiến tôi nghĩ tác giả hẳn phải là người thành công trong cuộc sống, ít nhất ở nghĩa là một người có lối tư duy tích cực và một đời sống lành mạnh - lành mạnh trong đời sống riêng cũng như được thụ hưởng sự lành mạnh ở môi trường sống xung quanh. 

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Thấm hiểu


Một vài thứ đã đổi thay, rất nhanh.

Khi tôi còn lởn vởn suy nghĩ mình sẽ ở trong nhóm về Q thì (thực chất kế hoạch đó đã bị hoãn lại, như bây giờ tôi biết), một sự ra đi khác, đột ngột, khiến tôi trong thoáng chốc rơi vào cảm giác về một sự sụp đổ. Tôi không nghĩ mình có thể có thứ cảm xúc đó. Ý tôi là, có những người bạn không thực sự nhận thức ý nghĩa quan trọng của họ, cho đến khi họ ra đi. 

Cũng có thể, vào khoảnh khắc đó, cái tin N nói với tôi, với âm lượng rù rì như tiếng một con muỗi, khiến tôi nghĩ đến ba chữ “bị sa thải”. Buổi sáng đó, chị còn họp với mấy bạn mới; khi kết thúc cuộc họp, chị vẫn nhắn: “Tuần sau sẽ có một buổi như thế này nữa.”

Đó có thể là lý do cho sự xúc động.

Nếu tôi là chị ấy, tôi sẽ cảm thấy như thế nào. Sẽ là một nỗi buồn kinh khủng, nếu là với tôi. Nhưng với chị ấy, đó là điều tôi không bao giờ biết. Bởi vì, chị, trong những ngày tiếp theo, kể cả trong buổi tiệc chia tay, vẫn còn mãi sự vui vẻ thường thấy.

Đó là sếp của tôi. 

Một sự luân chuyển tạm thời. Mà đằng sau đó, có lẽ là một án phạt. Cho một sự cố gây ra bởi sự sơ suất của một nhân viên thuộc tổ khác. Chẳng ai có thể ngờ sự sơ suất ấy dẫn đến những hậu quả tồi tệ mà giờ đây mỗi ngày ở công ty trở nên dài đằng đẵng. Và bạn thậm chí có cảm giác như đống lộn xộn này chẳng bao giờ có thể vãn hồi…

Ở nơi chị ấy ngồi, cùng lúc, thay bởi một người khác. Tôi biết cái tinh thần làm việc quyết liệt – mà chính đám nhân viên chúng tôi đôi khi thấy ngán ngại: rằng chị ôm vào tổ và cá nhân mình mọi trách nhiệm, đã đi theo cùng chị ấy. Người ta hẳn có lý do cho sự điều động nhân sự của mình. Nhưng nếu chị ấy ở đây, cái niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ lại đâu vào đấy ở trong tôi lớn hơn. Ít ra là lớn hơn bây giờ. 

Tôi không biết chị ấy có quay về với chúng tôi. Đó là việc của mấy tháng sau này. Tôi cảm thấy buồn. Và cùng với nỗi buồn ấy, tôi càng thấm hiểu, mỗi ngày một nhiều hơn, về nơi tôi đang làm việc.

Bạn có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Tình yêu của chúng ta (3)

4. 

“Này Y, em lấy anh đi!” 

C, sau năm tháng nhìn Y héo mòn trong cửa hàng tạp hóa của cha mẹ cô, đề nghị cô lấy anh. Họ từng hẹn hò ăn tối với nhau vài lần, trong những dịp Y thoát được sự kiểm soát của ông bố hà khắc. Chưa thể gọi đó là tình yêu. Nhưng Y đã ba mươi tuổi và ở hầu khắp nơi trên đất nước này, phụ nữ ba mươi tuổi, chưa chồng, là đã quá già. 

Bố mẹ Y phản đối khi C đưa bố mẹ anh đến thưa chuyện. Họ cho rằng như thế là quá vội vàng. Họ có một cô con gái đã ly dị chồng và không muốn có thêm một cô con gái ly dị chồng. Một là quá đủ. Y van nài. Nhưng không là không. 

C buộc phải hủy tiệc cưới tại nhà hàng. Anh tiếc số tiền cọc, sự từ chối thẳng thừng của gia đình cô cũng khiến anh choáng váng và anh trút cả lên cô. “Nếu nó không thể đợi để được lấy mày, nó không phải là người dành cho mày”, bố Y nói, “Và chuyện cưới xin không chỉ là chuyện của hai đứa mày, nó là chuyện của hai gia đình”. Ông nhìn cô con gái út đe nẹt. Y hiểu bố cô có lý do để lo lắng nhưng cô mong muốn thoát khỏi bốn bức tường gia đình. “Cái cửa hàng tạp hóa quanh năm bốc mùi nhựa này đang giết mình”, ý nghĩ đó đeo đẳng Y và cô bám víu vào lời đề nghị của C như một lối thoát. “Nhưng giờ thì hết rồi”, cô tuyệt vọng và càng tuyệt vọng khi nhìn về quá khứ, cánh cửa cuộc sống dường như cứ đóng chặt trước cô vĩnh viễn. C đã tuyên bố không muốn gặp Y một thời gian. Một thời gian là bao lâu, cô hỏi và anh lạnh lùng quay đi. 

Y nghĩ đến việc tự tử. 

Cô nhắn tin cho bốn người chị gái, cùng một nội dung: “Em chẳng còn gì. Em quá mệt mỏi. Có lẽ cuộc sống không phải thứ dành cho em”. Trong lúc đi gom một lượng lớn thuốc ngủ từ những hiệu thuốc khác nhau, Y đợi điện thoại rung lên, cô nghĩ nó sẽ rung lên nhưng nó lại im lặng cả ngày dài. Y sũng trong nước mắt nhưng chẳng bao giờ cô đụng đến những viên thuốc ngủ. 

Một ý niệm khác về hạnh phúc – Marc Levy

Kỷ niệm thật kỳ quặc… Có những người nuôi dưỡng kỷ niệm như thể có sợi dây níu giữ chúng tồn tại giúp họ tránh xa cái chết; những người khác lại xóa bỏ chúng để quãng thời gian còn lại tươi sáng hơn – tr. 10.

Những thứ xưa cũ đều mang trong mình một câu chuyện – tr. 79.

Khi dứt bỏ mọi quan hệ và quay lưng lại với quá khứ, ta đang lãng quên chính bản thân mình – tr. 91.

Không thể sống cùng một người chỉ vì anh ấy tốt bụng, mà bởi anh ấy khiến ta rung động, khiến ta cười, bởi anh ấy thúc đẩy chứ không níu giữ ta, bởi ta nhớ anh ấy ngay cả khi anh ấy ở phòng bên cạnh, bởi sự im lặng của anh ấy cũng có ý nghĩa như lời nói, bởi anh ấy yêu những thói xấu của ta cũng nhiều như yêu những đức tính tốt của ta, bởi khi chìm vào giấc ngủ ban đêm ta sợ cái chết, điều duy nhất khiến ta yên lòng là ánh mắt anh ấy, bàn tay ấm áp của anh ấy. Đó là lý do để xây dựng cuộc sống với một ai đó, và nếu người đó tốt bụng thì càng tốt, đó là một điểm cộng, nhưng chỉ là một điểm cộng mà thôi – tr. 106-107.

Cuối cùng thì chúng ta sẽ luôn đến một nơi nào đó – tr. 109.

Thật điên rồ khi ta nói với người mình yêu thương biết bao điều vô nghĩa, và còn điên rồ hơn thế khi ta chẳng nói gì – tr. 283.

(Phạm Thị Minh Hằng dịch, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2015)

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Chuyện là thế đấy


Người mới có lẽ sẽ bắt đầu từ tuần sau. Hai hay ba người. Rồi sau đó, một nhóm nhỏ sẽ tách về Q. Chuyện này nói khá lâu rồi, từ dạo tôi mới bước chân vào làm. Khi đó, một nhóm nhỏ đã tách về S. Họ tuyển thêm người để chia thành những vệ tinh. Dĩ nhiên, bạn không biết điều đó khi được tuyển vào. Sự sắp xếp diễn ra từ trước và nếu bạn không tự nguyện, đương nhiên bạn sẽ chịu sự phân công (hoặc nghỉ việc, nếu bạn chả theo trường phái nào). 

Tôi không biết liệu tôi có ở trong nhóm người lần này, về Q. Có nhiều chi tiết cho thấy tôi thích hợp (khi so sánh với cái không thích hợp, tỷ lệ là 2-1, kiểu vậy). Một chút ích kỷ khi tôi so sánh giữa việc đi và ở, cái nào có lợi hơn cho mình (tôi chẳng mấy tin vào mấy cái lời màu mè của sếp, mặc dù xét tổng thể, tôi tin tưởng chị hơn tất cả - tôi đã trải mấy đời sếp, và thế là có đủ người để đưa lên bàn cân, nếu cần phải làm thế). Vấn đề là tôi không có câu trả lời. Lợi hại gắn liền nhau. Vả lại, làm sao có thể dự phóng tương lai khi bạn là kẻ “ất ơ” với kế hoạch, với mục tiêu, với tham vọng và với cả giác quan thứ sáu?!

Những người mới còn chưa bắt đầu. 

Có một người cũ đã ra đi, cách đây khoảng hai tuần. Một cái gì đó bất ngờ. Cô gái đó, vui vẻ và nhanh nhẹn – tôi phải ao ước mình có cái vui vẻ và dạn dĩ đó. Và cực hợp rơ với sếp. Thế rồi kể cả như vậy thì người ta vẫn cứ nghỉ việc. Cô ấy ra đi đúng vào lúc cao trào, sau một trận ốm, cả núi công việc đang cần cô ấy, còn chúng tôi thì cần thêm người. Tôi có một chút hốt hoảng. Nhưng, “chuyện gì mà tôi không biết má” – phải chăng đó là tuyên ngôn chung của giới văn phòng? Kỳ quặc là tôi và họ, cùng hít thở cái bầu không khí ấy, giữa những con người đó, giữa bộn bề công việc đó, họ biết mọi thứ kể cả trong giai đoạn thai nghén, tôi thì luôn như thể từ trên trời rơi xuống. 

Chúng tôi cũng có thêm một cấp trên. Đây có phải là căn bệnh của mấy tập đoàn, hay bởi quy mô công việc cần phải thế: người ta ngày càng làm dày những cấp bậc, những chức danh (hồi xa lắc, khi còn làm ở A, gặp lại bạn cũ, tôi phải vẽ cả một sơ đồ dài ngoằng để cuối cùng mới chỉ ra được cái vị trí tôi đang làm – với cái dự báo huênh hoang là chẳng mấy chốc thì một phòng ban sẽ toàn sếp là sếp, nhân viên thực sự - người trực tiếp làm việc theo chỉ đạo chỉ còn lèo tèo một, hai người – khi đó chúng tôi sẽ trở nên quý hiếm đến độ sếp có thể cho nghỉ việc ngay còn chúng tôi mới là tầng lớp không thể thay thế ^ . ^). 

Cấp trên của cấp trên là một người còn khá trẻ. Thế nên có vẻ trong cái khoảng thời gian đầu này, cậu ta hẵng còn loay hoay tìm vị trí cho mình. Cậu ta sẽ làm gì? Đó là việc hầu hết chúng tôi chưa biết và cũng chẳng có thời gian để bận tâm. Hầu hết thời gian làm việc trong ngày, chúng tôi quên mất sự có mặt của vị cấp trên của cấp trên, ngoại trừ cái nóng hầm hập cậu ta mang đến. Cậu ta sợ lạnh. Trong cái góc của mình, cậu ta tắt máy lạnh hoặc điều chỉnh nhiệt độ lên 29, 30 độ C. Văn phòng chật hẹp đến nỗi cấp trên của cấp trên chưa có nổi phòng riêng.

Tôi đã làm việc ở đây đến tháng thứ tám. Và vẫn không biết ngày mai mình sẽ ở đâu. Chuyện là thế đấy. 

“Nếu gột rửa hết những gì xót xa
Chúng ta sẽ đi đâu trong những buổi chiều tà…?”


“đôi lúc ngại một cơn mưa hay một ngày nhiều gió
Chỉ vì biết sẽ phải tự mình che chở
Dù có lạnh hay không...”
(Thơ Nguyễn Phong Việt)

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

PC bị lỗi

Rồi, PC bị lỗi mất quyền admin. Tôi đoán vậy, từ mấy dòng thông báo bằng tiếng Anh. Tôi không mấy hiểu loại lỗi này. Chỉ biết giờ đây Windows mỗi lần khởi động là xóa sạch dữ liệu của lần khởi động trước, hệt như một người bị mất trí nhớ ngắn hạn. Lần đầu tôi thậm chí hơi thích. Vì cái PC ì ạch bỗng có vẻ chạy trơn tru hơn. Mặc dù mấy cái dữ liệu ở ổ C mất sạch. Một lô hình phong cảnh hoa hòe các thứ, những bản nhạc chưa kịp lưu về ổ đĩa D và linh tinh nhiều thứ khác. Lạy trời là chẳng bao giờ tôi khám phá ra, trong những thứ bị mất sạch ấy, có thứ rất quan trọng với mình. Từ lần khởi động thứ hai thì tôi hết thích. Quá bất tiện khi không có gì trong bộ nhớ. Mọi thứ luôn phải bắt đầu lại từ đầu.

Tháng sáu ngập ngụa trong công việc. Một sự bất mãn ngầm diễn ra khi người ta làm rất nhiều mà vẫn bị quy là không hiệu quả. Tôi ngồi thống kê số giờ làm sau giờ làm việc của các thành viên trong tổ, một tháng tính 22 ngày công chuẩn, nhưng số lượng ngày làm việc thực tế trung bình là 25, có người lên tới 29 ngày. Đó là chưa tính thứ bảy, chủ nhật.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào công việc cũng rơi vào điểm cao trào. Như sếp giải thích. Nhưng một thực tế nhìn thấy được là cái nhúm người nhỏ bé như chúng tôi quá tải. Một nhúm người nhỏ bé phục vụ cho một lượng lớn người, bên trong, bên ngoài. Và dễ dàng bị đánh giá là chậm chạp, bất chấp việc mỗi người dường như đã vắt kiệt sức mình.

Một cuộc họp nhanh. Và sếp thông qua việc tuyển thêm người, với lời cảnh báo, miếng bánh vốn nhỏ, nay sẽ càng bị chia phần.

Tôi biết rằng chẳng cần đợi cái chu trình hai năm để sự ngán ngẩm len vào tâm hồn mình. Người ta khó mà yêu được đời sống văn phòng, nơi mà bạn chẳng sớm thì muộn nhận ra những sự thật đắng nghét đằng sau vẻ nhàn nhãn, vui vẻ, sạch sẽ. 

Đôi lúc tôi cảm thấy mình có thể có được tình bạn. Nhưng thường hơn, cảm giác trong tôi, bạn biết là bạn không thể kết bạn với đồng nghiệp của mình. Những mối quan hệ kiểu chính trị. Sự hòa thuận chỉ là lớp băng trên bề mặt. 

Tôi có thể là cái PC bị lỗi, liên tục bắt đầu lại từ đầu? Là mười năm trước, câu trả lời sẽ khác với bây giờ. Tất nhiên. 


Niềm vui trong ngày: trái cây ưa thích vào mùa hè và bạn tặng cho bộ sách. 1Q84. Cuối cùng thì cũng đã về với mình, cả ba.


Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Trên kệ sách (2)



Chinatown (Thuận, NXB Văn học & Nhã Nam, 2014)

Cả cuốn sách hầu như không xuống dòng, ngoài những đoạn truyện do nhân vật nữ viết được in  bởi những dòng nghiêng. Chinatown tạo ngay cho tôi một cảm giác kỳ lạ, hơi giống với cảm giác khi tôi bắt đầu đọc Tình ơi là tình của Jelinek hay gần đây hơn, Những ngã tư những cột đèn của Trần Dần. Có lẽ Thuận là một nhà văn thích sự phá cách và hẳn có khuynh hướng làm mới mình qua mỗi tác phẩm. Nhận xét này có thể là vội vàng khi tôi chưa đọc những cuốn sách khác của cô. Nhưng tôi linh cảm rằng người ta khó mà viết đi viết lại theo cùng một cách như thế. Và họ sẽ thuộc về những người viết không (không muốn/không thể) duy trì một phong cách. Họ thích thử thách và có khả năng đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; sẽ có thể có nhiều độc giả, những nhà văn thông minh ấy, nhưng không hẳn là sẽ có những độc giả trung thành (lại nhận xét vội vàng quá chăng?). 

Trở lại với bản thân cuốn sách này, tôi mua trong khi cố gắng đọc nhiều tác giả Việt Nam hơn, ý tôi là những tác giả đương đại, những người có thể viết về những thứ gần với cuộc sống bây giờ. Có lẽ là một tín hiệu vui khi bước chân vào nhà sách và bạn thấy mấy cái kệ dành cho tác giả Việt đã được trưng bày khá “hoành tráng” và bắt mắt, có lẽ không kém kệ sách của tác giả Trung Quốc là mấy. Tuy nhiên để chọn một cuốn sách đem về lại không dễ chút nào. Tôi đã trở nên già quá chăng? Có lẽ chẳng có lúc nào tôi thấy mình già như vậy khi đứng trước những cuốn sách Việt bán chạy nhất nước (lại lan man rồi...).

Chinatown bắt đầu với một chuyến tàu điện ngầm và khi kết thúc, cũng vẫn là chuyến tàu điện ngầm đó. Giống như một hành trình không có điểm kết thúc và có lẽ vì vậy, nó hợp với cách nhà văn chọn để kể. Không theo một trật tự thông thường – điều rất có thể biến câu chuyện thành một bi kịch sến súa, hiện tại và ký ức cứ thế tuôn trào, sít sao, đuổi bắt nhau – một màn độc thoại nội tâm liên tục, liên tục tạo thành một nhịp điệu nhanh và bình tĩnh lạ thường. Không có chỗ để người đọc xen vào những lâm li cảm động của chính mình. Mà người ta có lẽ cũng sẽ không cảm động trước một con người  - nhân vật nữ chính, người dường như bình tĩnh khi đối mặt với mọi biến cố đời mình (người đời cần những bi kịch gào thét để có cơ hội bày tỏ sự nhân từ). Nhưng dư âm đọng lại đâu đó, bởi cái hành trình không có hồi kết đó, những chuyến tàu điện ngầm cứ thế tiếp diễn và người ta gần như phỏng đoán rằng cuộc sống của cô và con trai sẽ kéo dài như thế mãi mãi, trong những hồi tưởng xa xăm về quá khứ và sự vắng bóng tình yêu – cái người đã ám ảnh toàn bộ thế giới tâm hồn của cả hai mẹ con ở thực tại…

Tôi cũng ghi nhớ ở Chinatown là thi thoảng nó lại đem đến cho tôi chút cảm giác mờ ám của trinh thám, chút giễu nhại hài hước mà thường bắt gặp ở nhà văn nam hơn nhà văn nữ và vài nét chấm phá về cuộc sống của người Hoa ở Sài Gòn. Họ cũng là những người sống trong tâm thế xa lạ ở một đất nước không phải quê hương. Và nó cũng khó khăn cho họ hơn là ta có thể hình dung…

Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2016)

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Trên kệ sách


Về những cuốn sách tôi đã đọc từ khoảng tháng 9 năm ngoái đến nay. Đã thấy được là tôi quá lười để có thể viết dài dòng về mấy cuốn sách mà tôi đã đọc. Thế nên tôi hạ quyết tâm là: không từ bỏ nhưng viết thật ngắn thôi, chỉ cần vừa đủ để mình không quên. 


Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie, Nham Hoa dịch, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2014)

Nên bắt đầu từ cuốn này. Tôi đang đọc trong những ngày tháng 9/2015 và hẳn là lê lết sau đó. Một cuốn dày bự, nhìn lại thì thấy mình khá phi thường (vì là một độc giả kiên nhẫn, thế thôi). Tôi không nghĩ mình thích cuốn sách theo cách mà nó đã quyến rũ tôi mang về. Nhưng nhìn chung thì tâm thế đọc sách của tôi không còn ở giai đoạn tuần tự kiểu mong ngóng – háo hức – nín thở  – òa vỡ vui sướng hay ngược lại, ở bước cuối cùng này: hụt hẫng thất vọng. Tôi rất bình tĩnh. Vì không hy vọng nên cũng không thất vọng.

Cuốn sách không tệ chút nào, dĩ nhiên. Nếu nó tệ thì hẳn tôi chẳng bao giờ đọc xong. Nó chỉ kỳ lạ. Kể chuyện một cách khoa trương, màu mè và hài hước. Có lẽ đó một dạng tài năng. Bạn sẽ hiểu có cả một lịch sử quốc gia trong cuốn sách này, một câu chuyện nghiêm túc và vĩ mô. Đồng thời, cuộc đời những con người đã được kể lại không thể ít màu sắc truyền kỳ hơn. Giống với thần thoại mặc dù tính hiện thực vẫn vẹn nguyên. 

Điều may mắn là, cuốn sách rất nặng trên tay nhưng tôi đã đọc một cách khá hăm hở. Cũng nhờ cách kể chuyện ít nhàm chán của nhà văn vậy.

Cánh cửa (Sazbó Magda, Giáp Văn Chung dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2015)

Đọc vào những tháng cuối của năm ngoài, nếu tôi nhớ không lầm. Và có thể nói đây là một trong những cuốn hay nhất tôi đọc trong năm rồi. 

Trong năm rồi, tôi vẫn nhớ Bóng hình của gió là một tác phẩm hay tuyệt. Nhưng nếu cuốn tiểu thuyết của Carlos Ruiz Zofón thi thoảng vẫn gây cho tôi cảm giác mỏi mệt bởi sự tham lam của nó, thì Cánh cửa tuyệt không có điểm phàn nàn. Cần có tài năng thế nào để viết về cuộc đời một người giúp việc nhà – một nghề nghiệp dường như chỉ hé mở một cuộc đời bình thường, tẻ nhạt mà gây sửng sốt, khiến người đọc rúng động, bâng khuâng và không thể không luôn tìm thấy sự hấp dẫn ẩn nấp nơi  sự khép kín dị thường, trong một chân dung văn học hết sức độc đáo, giữa sự bình lặng của những dòng văn?

Cánh cửa khiến tôi có cảm giác tất cả những gì tôi đọc sau này sẽ đều rơi vào tình cảnh nhàm chán, không thể nào hay hơn. Điều đó vừa đúng lại vừa không đúng. Quả thực tôi ít tìm thấy tác phẩm hay độ sau này (mặc dù mấy cái hội sách ngày càng lớn và doanh thu ngày càng khủng). Nhưng dĩ nhiên, vẫn còn đó những tác giả khiến bạn thán phục, ví như, may quá mà đời còn Alice Munro…

Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, Nguyễn Đức Tùng dịch, NXB Trẻ, 2015)
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới (Alice Munro, Trần Hạnh-Đặng Xuân Thảo-Hạnh Mai dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2016)

Truyện rất ngắn: Em bé đau khổ - Một buổi nhậu

Em bé đau khổ 

Sau khi ba mẹ ly dị, Mèo ở với ba (Mèo không phải tên thật của con bé, dĩ nhiên, nhưng vì nó nhỏ xíu như một con chuột nên mọi người gọi nó là Mèo). Con bé biết rằng mẹ và em trai nó sẽ không quay về. Phải mất nhiều năm sau nữa, Mèo mới hiểu lý do của sự đổ vỡ. Bây giờ thì không. Con bé xấp xỉ ba tuổi, còn quá sớm để cho nó biết sự thật. Bà nội con bé nuôi hy vọng, vì còn quá nhỏ, Mèo sẽ quên mẹ và sự thật cũng được chôn vùi cùng với sự lãng quên đó. “Thằng bé không có điểm nào giống với nhà này”, bà vẫn còn thấy cay đắng mỗi khi nghĩ đến niềm vui và sự yêu thương đã dành cho đứa cháu trai suốt một năm kể từ khi thằng bé chào đời. Bây giờ bà dồn tất cả tình thương cho Mèo. Ba con bé, chẳng mấy chốc đã tìm cho mình, không chỉ một, mà vài người đàn bà khác. 

Mèo vốn là đứa trẻ thông minh, tinh nghịch. Con bé từng hỗn vô cùng, cả cô giáo ở nhà trẻ cũng phải than phiền. Mọi người đã nghĩ sẽ chẳng ai dạy nổi con bé. Nhưng bù cho thói hỗn hào, Mèo có vẻ ngoài xinh xắn cùng một tính cách vui nhộn. Kể cả khi con bé văng tục (con bé rất ưa chửi bậy, ở tuổi lên hai lên ba, con bé không biết “Đ.M” có ý nghĩa gì nhưng bằng cách nào đó, nó sử dụng câu chửi một cách nhuần nhuyễn), con bé vẫn làm người lớn bật cười sảng khoái, trừ bà nội nghiêm khắc của nó. Bà cố gắng uốn nắn và một thời gian, con bé ghét bà ra mặt. Giờ đây có lúc bà thèm nghe một tiếng chửi bậy của con bé. Nhưng Mèo hầu như không bao giờ mở miệng. 

Sau khi ba mẹ ly dị, con bé trở nên ít nói. Lần gần đây nhất nó nói một câu đầy đủ là khi ngồi bô. Con bé dạo này bị bón và có vẻ rặn ị một cách khổ sở. Nó vục mái đầu hoe vàng trên hai bàn tay mũm mỉm, ngắn lũn chũn và cất tiếng, rành rọt từng chữ: “Trời ơi, sao tôi đau khổ thế này!” Khi bà nội con bé hấp háy mắt nhìn nó và thận trọng hỏi (bà vẫn ngỡ bà nghe nhầm): “Mày làm gì mà đau khổ? Bón quá hả con?”, con bé chỉ không ngừng lặp lại “Trời ơi, sao tôi đau khổ thế này…” 

(10/2015) 
---

Một buổi nhậu 

Kiên đãi tân niên tại nhà. Anh chỉ mời mấy người thân thiết. Món ăn được mẹ vợ tài trợ, hầu như là các món còn mang hơi hướng ngày Tết: bánh chưng, thịt gà luộc, thêm món cháo, một dĩa thịt luộc và một dĩa gỏi gà. Anh cũng lôi mấy phong nem chua và chả giò mang từ quê lên để thết bạn bè. “Chủ yếu là uống bia, chứ ăn chẳng bao nhiêu” anh nghĩ và không đặt thêm thức ăn. Kiên mua sẵn hai thùng bia và đúng như anh nghĩ, chỉ thức có cồn này là tiêu thụ nhanh. 

 Huân không đến cùng vợ. Thay vào đó, anh chở theo cô thư ký riêng. Cô này uống khá, chẳng kém cánh đàn ông là bao. Mẫy gã đàn ông vỗ vai Huân cười bảo “Thằng này được” như ngầm ám chỉ quan hệ tình ái giữa anh và cô gái trẻ. Huân lắc đầu quầy quậy “Thôi đi tụi mày”. Chuyện này đến tai vợ anh thì hỏng bét. 

Vợ Kiên về muộn, cô đang cố thụ thai nên không uống bia và ý chừng kiêng khem đủ thứ. Họ kết hôn được hai năm, sức khỏe bình thường nhưng chưa có tin vui. “Thằng này giao ban có đầy đủ không?”, Sơn già nhất hội vỗ vai Kiên hỏi. Anh chàng hớn hở cười nói: “Em ngày nào cũng làm tròn phận sự.” Cả bọn cười phá lên và cụng ly chan chát.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Người Rác


Tôi về nhà vào quãng năm giờ. Đó là một buổi chiều cuối tháng tư. 

Sau khi vặn chìa khóa, bước vào nhà và xoay người đóng cửa – một việc làm tuần tự, tôi đứng sững ngay thềm nhà. Không hẳn là giật mình. Tôi là kiểu người phản ứng chậm chạp, thể như não bộ đã tự thiết lập một quy trình dài lâu và phức tạp để tôi nhận thức được cái gì đang diễn ra và cũng dài lâu và phức tạp như thế, để tôi buộc cơ thể phải làm gì sau đó. Dĩ nhiên, bởi vì dài lâu và phức tạp, cả hai quá trình ấy, thường là tôi chẳng làm gì được nữa. Tôi chỉ đứng thộn mặt ra. 

Có một người đàn ông đang ở trong phòng khách. Gã vừa mới đứng lên, hẳn vậy, với chiều cao áp đảo. Và giơ tay chào. 

“Xin chào, tôi là Người Rác!” 

Dễ chừng năm phút trôi qua mà tôi vẫn đứng đó, á khẩu.

 “Tôi biết có hơi đường đột, nhưng xin cô chớ hiểu nhầm. Tôi ở đây chỉ để nói chuyện và sẽ không làm phiền cô lâu. Được chứ, thưa cô?” Gã nói và mỉm cười thân thiện. 

 “Ờ”, cuối cùng tôi phát ra thứ âm thanh yếu ớt, chẳng biểu lộ gì ngoài sự đờ đẫn. 

“Cô có thể mở cửa, để bớt sợ hãi. Đây là một cuộc trò chuyện, và tôi mong cô thoải mái” Gã nói. 

Tôi hành động theo như cái máy được thao tác, dù còn lâu, còn lâu tôi mới có thể cảm thấy thoải mái với sự tình này. Một gã đàn ông xa lạ xuất hiện trong căn nhà khép kín của bạn, khi bạn không có ở đó, chờ bạn về và đề nghị một cuộc trò chuyện. Y như phim trinh thám.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Tình yêu của chúng ta (2)


3. 

B, hai chín tuổi, nghĩ mình là người đồng tính khi anh phải lòng G, cậu trai nhỏ hơn mình chín tuổi. Là người trưởng thành, B không thấy điều đó là kinh khủng. Trong quá khứ, anh từng trải vài mối tình với phụ nữ nhưng chưa từng yêu ai sâu đậm. Với tính cách không câu nệ và ưa tự do, B còn cảm thấy như được bơm chất kích thích vào người, khiến nhịp đời anh hối hả và rạo rực, trong cái ngày anh khám phá ra tình yêu đồng giới của mình. 

G ở trong một nhóm kịch thường biểu diễn ở các phòng trà và quán cà phê. Nhóm kịch của cậu tập hợp nhiều thành phần cùng ở độ tuổi hai mươi, với xuất phát điểm chung là đam mê diễn xuất nhưng không có điều kiện và vận may để trở thành ngôi sao. Sau ba năm hoạt động, nhóm kịch nhận được sự được yêu thích và chào đón. Việc tham gia những cuộc thi được phát sóng trên truyền hình cũng khiến G và các thành viên dần được biết đến rộng rãi. 

G điển trai, thân hình cân đối, khuôn mặt rám nắng, là thỏi nam châm thu hút sự chú ý. Nhưng cậu, vốn không thích làm tâm điểm công chúng, cũng tỏ ra xuất sắc ở vai trò viết kịch bản. “Tôi muốn trở thành một biên kịch hơn là một diễn viên. Tôi không chịu được mùi son phấn, của chính mình – khi buộc phải thế, hay của bạn diễn”, G nói với B sau này. Mỗi cử chỉ và ánh nhìn của cậu toát vẻ quyến rũ dù không bao giờ cậu cố quyến rũ ai. 

B trúng tiếng sét ái tình với G. Và anh trở thành khán giả trung thành, ở mọi nơi và trong mọi suất cậu diễn. Cái nhìn của anh như đốt cháy sân khấu và sau một thời gian cũng có hiệu quả. Một ngày kia, sau một vở kịch ngắn và vui nhộn, khi mọi người lục đục ra về, G bước phăm phăm về phía B và hỏi: “Anh tính nhìn tôi đến bao giờ?” 

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Cậu có thể cho tớ mượn hết sách của cậu được không?


X có một phòng riêng chất đầy sách. Cô đọc khá đa dạng, nhiều nhất là tiểu thuyết và sách dạy kỹ năng; khoa học, lịch sử hay thiền tự cô cũng quan tâm nhưng ít hơn. X cũng lưu giữ sách học, sách giáo khoa các cấp và nhiều hơn là sách về luật, những cuốn giáo trình nặng trịch cùng các Luật, Bộ luật qua các năm (cô không nỡ vứt bỏ thứ gì). Về sau, khi tham gia các khóa học về nấu ăn hay quản trị, X lại tiếp tục làm đầy thêm kho sách của mình. 

V ngưỡng mộ khả năng đọc của X. Cô cũng có cho một số lượng sách là gia tài riêng nho nhỏ. Nhưng V hầu như chỉ đọc những gì cô thích, nghĩa là văn học. Có một thời, những cuốn sách kỹ năng cũng ngốn kha khá thời gian của V. Nhưng càng nhiều tuổi, cô càng cảm thấy chúng phù phiếm, giả tạo. V càng không lưu giữ sách học. Cô tống chúng đi mỗi khi có thể, khi sự tiếc nuối dành cho quá khứ vơi dần. Và sự căm ghét trường học, chẳng hiểu sao cứ lởn vởn trong trái tim cô, bất chấp cô đã học gần ba mươi năm đời mình, và gần ba mươi năm ấy, tuy không phải với tình yêu, nhưng là một sự trân trọng hơn cả chân thành. 

X thích sưu tầm sách, một lần cô thú nhận. Không phải như một kiểu kinh doanh, đến một ngày nào đó những cuốn sách sẽ có giá trị của một món đồ cổ và đem lại lợi nhuận. Đó là cảm giác thỏa mãn được sở hữu, đặc biệt là sở hữu những thứ hữu hạn, hiếm có. Trong đám sách của mình, chính thế, X nâng niu những cuốn sách cũ hơn cả, những cuốn giấy đen, bìa rách nát hoặc đã mất bìa, có những dòng chữ xuất xưởng từ quá khứ, chứa đựng những cụm từ ngữ mà thời nay không còn ưa dùng. X tốn khá nhiều thời gian cho chúng, tìm kiếm, lùng sục và bảo dưỡng. Cô thường nói về chúng như nói về vật báu, với sự tự hào không giấu diếm. Và cũng kĩ lưỡng bọc mọi cuốn sách cô có.

“Để làm gì vậy?” V hỏi “Mỗi cuốn sách đã có một trang bìa, như một cách thể hiện vẻ đẹp bên trong, cậu bọc lại thì còn gì nữa”. “Phòng mối mọt và ẩm mốc, sách vở mong manh lắm, rất dễ bị hủy hoại, cậu không biết à?” X nói. Vì việc này, có lần cô suýt mất toi hai thùng sách khi giao chúng cho kẻ tự nhận là “dịch vụ bọc sách chất lượng cao” mà sau đó hóa ra là kẻ đang mắc nợ, thế nên luôn sống với tinh thần bỏ chạy mỗi khi có món nợ gọi tên mình. “Một bài học nhớ đời”, X rùng mình và không bao giờ giao sách cho bất kỳ dịch vụ tương tự. Cô tự bọc lấy, chủ yếu bằng da, giấy và đôi khi nilong.

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Tay sát thủ mù – Margaret Atwood

Cũng như tia X. Con người chỉ là một thứ sương mù, là nước nhuộm phẩm. Mà nước thì luôn làm gì nó thích. Bao giờ cũng lao xuống dốc – tr. 23.

…tôi đồ rằng tất cả mọi người đều không tránh khỏi phận biến thành cổ lỗ trong mắt đám trẻ con – tr. 38.

Chuyện bẩn thỉu là cách khuyến khích xóa mù tốt nhất – tr. 39.

Mỗi cuộc đời đã là một bãi phế thải ngay từ khi còn đang diễn ra quá trình sống, và càng tệ hơn sau quá trình đó. Nhưng dù là bãi phế thải, thì cũng nhỏ đến bất thường: ai đã trải qua việc dọn dẹp khi người khác chết, sẽ hiểu tới lượt mình chắc chỉ đầy dăm bảy cái túi rác xanh – tr. 56-57.

Từ biệt có thể nát lòng, nhưng gặp lại chắc chắn còn tệ hơn nữa. Thịt xương không bao giờ bằng được cái bong bóng lung linh choán chỗ trong khoảng trống. Thời gian và khoảng cách vuốt mịn mọi đường nét; rồi bỗng nhiên người thương xuất hiện, chính giữa ánh mặt trời ban trưa soi mói, mỗi nốt ruồi với lỗ chân lông và nếp nhăn hay râu cứng đều phơi rành rành – tr. 72-73.

Sự xả thân có mặt trái ấy: thói độc tài – tr.74.

Không hiểu cảm giác ấy ra sao – khát khao, mong mỏi người đang ở ngay trước mắt mình, ngày nào cũng vậy? – tr. 75.

(Mẹ nào ta có đều là do ta tự chế. Là bù nhìn, là hình nhân sáp để chúng ta cắm kim vào, là những sơ đồ thô thiển. Chúng ta không cho phép họ được tồn tại biệt lập, chúng ta bịa ra họ cho hợp với ta – cho cơn đói, cho ước muốn, cho thiếu thốn của riêng chúng ta…) – tr. 88.

Vì sao chúng ta khao khát muốn để lại ký ức về bản thân? Ngay giữa khi đang sống. Ta cần khẳng định sự tồn tại của mình, như chó tè vào chân trụ cứu hỏa. Ta bày ra ảnh chụp đóng khung, bằng cấp lồng kính, cúp thưởng mạ bạc: ta thêu chữ đầu tiên trên góc chăn, khắc tên lên cây, vạch nguệch ngoạc lên tường nhà tiểu. Vẫn chỉ là nỗi khắc khoải ấy thôi. Chúng ta mong muốn điều gì? Khen ngợi, ganh tị hay kính trọng? Hay chỉ cần chú ý, kiểu gì cũng được?

Ở mức thấp nhất ta cần một chứng nhân. Ta không chịu được ý nghĩ giọng mình rốt cuộc sẽ tắt lịm, như cái đài hết pin.

Tr. 90

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Cần luôn làm việc


Tôi bận rộn đến ngày cuối cùng của năm. 27 Tết. Điều khác biệt của hôm đó là, mọi người cùng đợi đến thời khắc đồng hồ điểm năm giờ ba mươi phút chiều. Trong khi sắp xếp lại mọi thứ. Không còn ai đến làm phiền ai, như có thể phó mặc những hồ sơ chưa có người đến nhận. Từng giây, từng giây thời gian trở nên chậm chạp hơn bao giờ. Rồi cây kim phút nhích vào con số chỉ 30 phút, rồi một rồi hai giây nữa qua đi. Tất cả xôn xao, và những lời chào nhau, tạm biệt, ăn Tết vui vẻ… dậy sóng. Đến bây giờ, sau bốn tháng, đó là ngày đầu tiên và duy nhất tôi đi làm về sớm. Nghĩa là về đúng giờ.

Trong toàn bộ quá trình làm việc của mình, tôi chưa từng bận rộn như hiện tại. Điểm này không khiến tôi nản lòng. Tôi biết là mình mong được bận rộn. Không có gì kinh khủng hơn khi bạn đến sở làm và ngồi đờ đẫn như một người buồn ngủ mà không được phép ngủ. Cần luôn làm việc. Nếu bạn đến nơi nào đó để làm việc, ý tôi là vậy.

Có những người không qua nổi giai đoạn thử việc, kinh ngạc làm sao. Và chính sách công ty, tôi  có thể gọi nó là gì nếu hai từ “thay máu” không thích hợp, sẽ lần hồi sa thải những người trong danh sách cuối của một bảng xếp hạng (mà họ phân bổ nó như một chỉ tiêu phải đáp ứng), như buộc người lao động làm việc trong một đe búa khổng lồ. Và hàng lô những quy định và quy trình… 

Có những người muốn nghỉ việc, sau một năm lương thưởng hậu hĩnh, chẳng vì lý do gì ngoài lý do tôi đã biết. Công việc sẽ luôn như vậy, và em chẳng thể phát triển được. Em không phải nói về sự thăng tiến, mà kiến thức và tư duy… Dân luật thường chung một luận điệu. Và tôi bảo, “cỏ nhà người khác luôn xanh hơn”… 

Sau hai tháng thử việc, hợp đồng lao động chính thức cũng đã được đặt bút ký. Vài ngày đắn đo, tôi không hăm hở, nhưng rồi tôi biết chẳng thể khác được. Tôi cần phải kiếm tiền. Ngoài ra thì chẳng có gì quan trọng. 

Đừng đi…
Cuộc đời khốn khó rồi sẽ qua…
Chúng ta sẽ ngồi trên xích đu và cùng nhắm mắt
Thấy đời mình như một cánh chim…
(Thơ Nguyễn Phong Việt)

Người đọc – Bernhard Schlink

Tại sao? Tại sao khi nhìn lại quá khứ thì những gì đẹp đẽ của chúng ta lại rạn nứt bởi sự thật xấu xa tiềm ẩn trong đó? Tại sao hồi ức về những năm tháng hôn nhân nhuốm cay đắng khi lộ ra rằng người kia chừng ấy năm có một người tình? Vì người ta không thể hạnh phúc trong tình cảnh đó được? Song người ta đã hạnh phúc cơ mà? Có lúc hồi ức không trung thành với hạnh phúc, nếu kết cục diễn ra đau đớn. Vì hạnh phúc chỉ đúng thật nếu nó vĩnh viễn tồn tại ? Vì chỉ cái gì đã từng đau đớn, cho dù không ý thức và không nhận ra, mới kết thúc đau đớn ? Nhưng thế nào là nỗi đau không ý thức và không nhận ra? – tr. 40-41.

Sự chối bỏ làm hại đến mối quan hệ không khác gì phản bội trắng trợn – tr. 74.

Cô không theo đuổi ý muốn riêng, mà đấu tranh cho sự thật và công lý của riêng cô. Sự thật ấy, công lý ấy – chỉ vì cô luôn luôn phải ngụy tạo chút ít, vì cô không bao giờ được hoàn toàn cởi mở, không bao giờ được là chính mình – là một chân lý thê thảm, một công lý thê thảm, nhưng là của riêng cô, và cuộc đấu tranh giành lấy chân lý và công lý ấy là cuộc đấu tranh của riêng cô.

Chắc chắc là cô đã hoàn toàn kiệt sức. Cô không chỉ đấu tranh trước tòa, cô đã và luôn luôn đấu tranh, không để chứng minh năng lực của mình, mà để che giấu những bất lực của mình. Một cuộc đời mà những lúc vùng dậy là những cuộc rút lui hiên ngang, những chiến thắng là những thất bại che đậy.

(tr. 131-132)

Nếu sự thật của những gì ta nói ra chính là hành động của ta, thì nói để làm gì – tr. 170.

… khi thời điểm lý tưởng đã lỡ, khi ta chối bỏ quá lâu, khi ta bị chối bỏ quá lâu thì cuộc đời đã quá muộn, ngay cả khi nó được vận hành mạnh mẽ và cuối cùng cũng được tưng bừng đón chào. Hay là không có chuyện quá muộn, chỉ có muộn, và muộn vẫn còn hơn là không bao giờ? – tr. 182.

… người ta cũng xua đuổi ai đó bằng cách đẩy người ấy vào một ngách nhỏ - tr. 191.

Những năm cô đơn phải chăng đã làm người ta không chịu nổi cuộc đời này nữa? Thà tự sát còn hơn rời chốn tu viện ẩn dật để quay lại với cuộc đời? – tr. 201.

(Lê Quang dịch, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2014)

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Tình yêu của chúng ta

 
1.

A yêu B khi cả hai vừa vào trung học, lớp 10, bậc phổ thông.

A hiện đại, đào hoa trong khi B là cô gái có khuynh hướng truyền thống, bảo thủ. Để có được cái gật đầu của B, A kiên trì theo đuổi cô bé một năm ròng. Cả lớp bàn tán, tình yêu của họ không sống sót nổi sau hai tháng. Nhưng hai năm sau và bốn năm tiếp theo, A và B cùng vào đại học, mỗi người một trường, họ vẫn yêu nhau.

Sau khi tốt nghiệp, B vào làm cho một công ty quảng cáo, A được cử đi tu nghiệp ở xứ sở sương mù trong hai năm. Khi quay về, cậu cầu hôn B nhưng B từ chối. Lá số tử vi nói cô phải lập gia đình sau năm hai bảy tuổi, nếu không, sẽ trải ít nhất hai lần đò. “Đợi em ba năm”, cô nói. A ô kê và tìm cách giải phóng đám tinh trùng của mình, như thi thoảng cậu vẫn làm. Để giữ sự trong trắng cho bạn gái, cậu nghĩ đó là lý do chính đáng, việc ngủ với những cô nàng dễ dãi hoặc đôi khi, với gái làng chơi chỉ là vấn đề sinh học.

B phát hiện sự thật. Cô hét lên kinh tởm trong khi A giải thích và cầu xin cô tha thứ. Rồi họ làm hòa, sau vài lần B hét vào mặt A và cậu cầu xin cô tha thứ. Nhưng B như trở thành con người khác, khó chiều chuộng, hay cáu gắt và ưa tỏ ra cay đắng. A chán ngán. Đám tinh trùng không được giải phóng lại vẫn không ngừng hành hạ cậu. Cậu nói lời chia tay. B sốc và chìm trong đau khổ.

Sau hai năm, B tình cờ gặp lại T, người bạn thời thơ ấu. T vừa chia tay người yêu. Họ hẹn hò rồi cả hai cảm thấy đối phương là người mình tìm kiếm bấy lâu. Họ lấy nhau. B thường kể về tình yêu với T, nhuốm màu thần tiên: kéo dài từ thời học mẫu giáo, từng lạc nhau giữa biển người để rồi gặp lại ở tuổi hai bảy, hai trái tim vẫn mãi đập chung một nhịp. B xóa sổ A trong câu chuyện. Một năm sau ngày cưới, cô sinh bé trai đầu lòng.

A, về phần mình, cặp kè với cơ số phụ nữ, sau đám cưới B ít lâu, kết hôn với một phụ nữ hơn cậu hai tuổi. Hai năm sau, anh làm cha một bé gái.

2.

Hai mươi tuổi, C có mối tình đầu.

Trên chuyến tàu Bắc Nam xuyên qua cái nóng bỏng rát của mùa hè, vì chứng say xe, C vật vờ, trôi nổi như bóng ma. Ngồi chung khoang, D tận tình chăm sóc cô. Hai ngày một đêm bên nhau, họ phát hiện, không chỉ cùng quê, họ còn học chung một trường đại học. D có giọng nói thanh khan nhỏ nhẹ và óc hài hước. Anh thường làm C phá lên cười dù bình thường tính cách cô có phần nghiêm nghị.

D trọ học ở gần trường, một mình trong khi C ở cùng đám bạn gái. Do vậy lẽ thường cô hay đến chỗ anh thay vì ngược lại. Cô nấu nướng và thi thoảng giặt giũ cho D. D thường mua hoa tặng cô và nhắn tin cho cô mỗi tối, nội dung thường là chúc ngủ ngon và nói rằng anh yêu cô, mãi mãi.

C không phải loại con gái dễ dãi. Nhưng cô không có tí kinh nghiệm tình trường nào. Trong tình yêu, nam cũng như nữ, có nỗi nhớ nhung và những khao khát hướng về người mình yêu. Chẳng bao lâu, C để D hôn hít, vuốt ve và sờ soạng qua lớp áo ngoài. Rồi một lần cô để anh đi xa hơn.

Bấy giờ là tháng mười, và trong một buổi chiều mưa rầu rĩ, P đến lớp học và tìm gặp C. P nói mình và D đã yêu nhau hơn hai năm, rằng có vẻ D đang lừa dối cả P và C. C không tin vào tai mình. Cô tìm D nhưng D lẩn tránh. Anh nhắn tin nói lời xin lỗi và nói rằng mình không thể chọn lựa, anh yêu C và cũng yêu P.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Rất nhiều âm thanh


Tiệc cưới diễn ra tại một nhà hàng nhỏ. Sau giờ làm, tôi đến hơi muộn và gần như chẳng còn chỗ nào để ngồi. Tình thế khó xử này làm rõ thân phận “người mới” của tôi. Tôi không nghĩ việc tham dự tiệc cưới của một đồng nghiệp mình chỉ vừa quen hai tháng, vào thời điểm tổ chức tiệc là sau giờ làm việc của một ngày trong tuần, là một ý hay. Nhưng bởi mức độ tương tác trong công việc, và một lần nữa, thời điểm tổ chức tiệc, ở phía ngược lại, khiến việc không đi trở nên khó xử. Vả chăng, sự giao lưu của tôi đối với xã hội đã trở nên quá nghèo nàn.

Tôi mất khoảng hai ba phút để đợi được nhét thêm ghế vào một cái bàn đã đầy người cho mình ngồi. Hai ba phút song đủ rót vào lòng tôi cảm giác lạc lõng. Và cảm giác này theo tôi suốt hai tiếng sau. Có những tiệc cưới của người khác mà khi ở đó tất cả những gì bạn muốn làm là xuất hiện để chúc mừng cô dâu chú rể và nhanh chóng ra về. Nhưng dù vậy, trong khi bạn muốn ra về, thì bạn ngồi ở lại. Chỉ có chiếc điện thoại đôi khi lấp giúp sự bối rối của tôi. Thật bất nhã và lúng túng không kém khi giữa mọi người, bạn chúi mũi vào màn hình điện thoại dù ngày nay việc này, trong mọi dịp, không ít phổ biến. 

Tiệc cưới có bầu không khí trẻ trung, với ban nhạc, những bài hát và điệu nhảy sôi động. Nhưng vị trí tôi ngồi ở một góc khuất thế nên những gì nhìn thấy lại chỉ là một vách tường (và tôi tự hỏi tiệc cưới có nhất thiết phải tràn đầy âm thanh - trên nền những bài hát, người ta nói chuyện lớn tiếng với nhau và cứ thế, quyện vào bầu không khí sự ồn ào của một cơn mưa đá). Món ăn không hợp khẩu vị. Phục vụ chậm. Sự trò chuyện diễn ra rôm rả ở góc này – đôi khi, trên bàn tiệc của tôi và lặng lẽ ở những góc khác, trong những khoảng thời gian ngừng ăn, chúng tôi như thể không thể nhìn vào mắt nhau để tránh sự bối rối. Và tôi nghĩ mình nhận ra, không chỉ là cảm giác lạc lõng của riêng tôi, mà ở cả những người khác, vốn như thể một khối trong công việc, nhưng ở đây, khi rời xa cái hộp, ở họ cũng tồn tại những khoảng lặng mà rồi được vội vã lấp đầy bằng những câu chuyện vu vơ, mà người ta phá lên cười dẫu rằng có thể không hài hước.

Có thể là tôi đã quá nhạy cảm.

Nhưng tôi biết là tôi đã đến đó, một cách rạng rỡ nhất có thể, và ra về trong cảm giác lầm lũi của một kẻ dư thừa. Những gì mong mỏi là không có hình ảnh nào của mình được chụp lại. Nhưng hẳn đã muộn.

Tôi yêu sự yên tĩnh. Cuối cùng đã bước vào tập thể của rất nhiều những âm thanh.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...