Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Cậu có thể cho tớ mượn hết sách của cậu được không?


X có một phòng riêng chất đầy sách. Cô đọc khá đa dạng, nhiều nhất là tiểu thuyết và sách dạy kỹ năng; khoa học, lịch sử hay thiền tự cô cũng quan tâm nhưng ít hơn. X cũng lưu giữ sách học, sách giáo khoa các cấp và nhiều hơn là sách về luật, những cuốn giáo trình nặng trịch cùng các Luật, Bộ luật qua các năm (cô không nỡ vứt bỏ thứ gì). Về sau, khi tham gia các khóa học về nấu ăn hay quản trị, X lại tiếp tục làm đầy thêm kho sách của mình. 

V ngưỡng mộ khả năng đọc của X. Cô cũng có cho một số lượng sách là gia tài riêng nho nhỏ. Nhưng V hầu như chỉ đọc những gì cô thích, nghĩa là văn học. Có một thời, những cuốn sách kỹ năng cũng ngốn kha khá thời gian của V. Nhưng càng nhiều tuổi, cô càng cảm thấy chúng phù phiếm, giả tạo. V càng không lưu giữ sách học. Cô tống chúng đi mỗi khi có thể, khi sự tiếc nuối dành cho quá khứ vơi dần. Và sự căm ghét trường học, chẳng hiểu sao cứ lởn vởn trong trái tim cô, bất chấp cô đã học gần ba mươi năm đời mình, và gần ba mươi năm ấy, tuy không phải với tình yêu, nhưng là một sự trân trọng hơn cả chân thành. 

X thích sưu tầm sách, một lần cô thú nhận. Không phải như một kiểu kinh doanh, đến một ngày nào đó những cuốn sách sẽ có giá trị của một món đồ cổ và đem lại lợi nhuận. Đó là cảm giác thỏa mãn được sở hữu, đặc biệt là sở hữu những thứ hữu hạn, hiếm có. Trong đám sách của mình, chính thế, X nâng niu những cuốn sách cũ hơn cả, những cuốn giấy đen, bìa rách nát hoặc đã mất bìa, có những dòng chữ xuất xưởng từ quá khứ, chứa đựng những cụm từ ngữ mà thời nay không còn ưa dùng. X tốn khá nhiều thời gian cho chúng, tìm kiếm, lùng sục và bảo dưỡng. Cô thường nói về chúng như nói về vật báu, với sự tự hào không giấu diếm. Và cũng kĩ lưỡng bọc mọi cuốn sách cô có.

“Để làm gì vậy?” V hỏi “Mỗi cuốn sách đã có một trang bìa, như một cách thể hiện vẻ đẹp bên trong, cậu bọc lại thì còn gì nữa”. “Phòng mối mọt và ẩm mốc, sách vở mong manh lắm, rất dễ bị hủy hoại, cậu không biết à?” X nói. Vì việc này, có lần cô suýt mất toi hai thùng sách khi giao chúng cho kẻ tự nhận là “dịch vụ bọc sách chất lượng cao” mà sau đó hóa ra là kẻ đang mắc nợ, thế nên luôn sống với tinh thần bỏ chạy mỗi khi có món nợ gọi tên mình. “Một bài học nhớ đời”, X rùng mình và không bao giờ giao sách cho bất kỳ dịch vụ tương tự. Cô tự bọc lấy, chủ yếu bằng da, giấy và đôi khi nilong.

Khá thường xuyên, X và V tặng sách cho nhau. Họ chọn từ trong đám sách của mình, những cuốn không quá tiếc khi cho đi, hoặc những cuốn mua về mà không còn sẵn lòng đọc. Nhưng thường, với tình bạn, X và V sẽ mua sách để tặng nhau. X thường tặng V những cuốn tiểu thuyết, đôi khi quá phức tạp và đôi khi quá đơn giản. “Quá phức tạp” với V có nghĩa là “quá dày, nặng về chính trị, và khô khan quá mức”. “Quá đơn giản” có nghĩa là “một kịch bản vụn, với những đối thoại ê a, như chẳng có gì để viết nhưng rồi vẫn cố kéo dài để làm thành một câu chuyện”. V tặng X, một vài cuốn mang hơi hướng ý nghĩa cuộc sống (mà thâm tâm cô vừa thừa nhận vừa chối bỏ), và những cuốn gợi cảm xúc từ nhan đề, một ý nghĩa nào đó mà cô muốn gửi gắm, nhưng rất có thể nội dung chẳng mang ý nghĩa gì (và V chẳng quan tâm như thể việc của cô là tặng, còn cảm thấy thế nào là việc của X). Một vài cuốn sách họ tặng nhau sẽ trở thành một trong những cuốn hay nhất mà họ từng đọc, vào một thời điểm nào đó, còn nhiều cuốn khác, chỉ là sự thất vọng với cả hai. 

Tặng nhau sách, một cách hào hiệp nhưng X và V không bao giờ mượn sách của nhau. Nếu chia sẻ chúng, có lẽ họ sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá trong thời gian dài. Nhưng mượn sách dường như là một chủ đề cấm kị, họ không nói đến, hoặc một cách tự nhiên, những người yêu sách tự tìm đến với sách theo cách riêng – mua là việc hiển nhiên, mượn là một việc không thể tưởng tượng. Đôi khi, vượt qua cơn nhói tim của việc ai đó hỏi mượn sách, vì lịch sự, X và V trao đi cuốn sách. Và họ mất nó, hoặc nhận lại trong tình trạng thảm hại (cuốn sách phù lên do bị ướt, hoặc long bìa, hoặc rách trang). X đã học cách nói “Không” và V, không kém khắc nghiệt, khi nói thẳng, nếu không lờ được: “Mượn thì phải trả, và nguyên vẹn, và không tì vết”. 

Liệu đó có phải là một hành vi ích kỷ? 

Cuộc tranh luận chẳng bao giờ có hồi kết. Người ta biết rằng chẳng ai giữ được riêng cho mình điều gì, một lúc nào đó họ phải để chúng đi (hoặc chính họ phải rời bỏ) và rất ít khả năng một người sẽ đọc đi đọc lại kho sách của mình. Để chúng ở đó, và như thể đám sách đang bị lãng quên. Nhưng một câu hỏi khác cũng được đặt ra, tại sao bạn không thể mua một cuốn sách, nếu bạn thích đọc, khi bạn có khả năng tiêu phí cả đống tiền vào mỹ phẩm, quần áo, cà phê, bi da? 

X hài lòng vì V không dòm ngó kho sách của cô. Và V thoải mái vì X không bao giờ đòi hỏi, ngoài những gì được nhận. Chỉ một lần duy nhất, V phá vỡ cam kết ngầm giữa họ, khi cô hỏi X: 

“Cậu có thể cho tớ mượn hết sách của cậu được không?” 

Sau khi được X tiết lộ: 

 “Tớ thường hay kẹp tiền trong mấy cuốn sách của tớ. Rồi tớ quên bẵng cậu ạ! Có lần không còn xu dính túi, một tờ năm trăm ngàn đã rơi ra từ một trong những cuốn sách cũ của tớ. Trời ơi, còn hơn một phép màu khi đó..”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...