Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Chìm


Mấy năm trước, đi làm ở công ty cũ, mặt trời đuổi phía sau lưng. Đoạn đường có lẽ cũng tương đương với bây giờ, không gần, cũng không xa. Chỉ những ngày gặp cơn mưa lớn, có khi đứng chờ nước rút đến nửa ngày. Hồi ấy nơi tôi cần đến thuộc một trong những điểm ngập lớn của thành phố. Đó còn là những năm thành phố rộ phong trào làm đường. Đi đâu cũng dễ gặp lô cốt, vừa phải chịu cảnh tắt đường, vừa khó đi hơn mỗi khi trời mưa. Mấy năm nay thấy ít làm đường, chắc vì đường làm mãi cũng hết. Hôm nào trời mưa lớn thì đường vẫn ngập. Những con đường ở trung tâm thành phố cũng không thoát khỏi cảnh sông nước mênh mông. Được cái nước mau rút. Thành phố này chưa từng rơi vào cảnh lụt lội kéo dài mấy ngày liền như Hà Nội. Tôi không biết bơi. Có lần đang ngồi ở công ty trời mưa rất to, lác đác vài đứa bé nhà ai chạy ào ra tắm mưa, vừa chạy vừa hét vang: mưa lớn lên đi, mưa lớn lên đi, ai lùn chết chìm. Cười nghĩ cái vế sau cùng chắc dành cho mình đây.

Đợt trước ảnh hưởng bão, Sài Gòn mưa nhiều. Tôi còn ngỡ năm nay mùa mưa đến sớm. Rồi thì hết bão, Sài Gòn nắng ráo trở lại, vỡ ra mình nhầm. Khoảng 3 năm trước, thành phố có một năm khô hạn kéo dài. Sống ở đây hai mươi năm, lần đầu tiên tôi thấy lịch cúp điện dày đặc đến vậy. Cứ định kỳ chỗ tôi ở, một tuần một lần. Ban đầu còn càm ràm nóng nực, sau biết ở những nơi khác, có bạn mình còn chịu 2 – 3 lần một tuần, nhằm cả vào ngày nghỉ và buổi tối mới hiểu mình may chán. Người ta cứ phải thấy cái khổ của người khác thì mới biết mình sướng. Năm nay khác, có lẽ là một năm của mưa (bão) và những đám cháy. Thật ra mấy năm nay thiên tai địch họa ngày càng nhiều. Nhớ hồi cuối năm 1999 rộ lên thông tin năm 2000 sẽ là năm tận thế. Nhưng rồi Sài Gòn đã tưng bừng đón năm 2000 bằng bài hát thịnh hành dạo bấy giờ, nếu tôi nhớ không nhầm, là “Sài Gòn cô tiên năm 2000”. Sau này thi thoảng vẫn có những lời đồn như vậy nhưng không có ngày hủy diệt nào diễn ra sau đó. Vậy nên tôi không nghĩ sau này và sau này, sẽ có một ngày được đánh dấu là ngày tận diệt của loài người. Chỉ đôi khi nghiền ngẫm, với cách mà con người đối xử với thiên nhiên và đối xử với nhau, kỳ thực mỗi ngày đều có thể là ngày tận thế. 

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Những buổi sáng lại nghe về những người ra đi*

Đôi khi tôi cảm thấy cái chết ở thật gần. Khi nhận tin những người vừa chết và sắp chết. Cái chết là một phần của đời sống. Triết luận này hẳn thuộc về Osho hay Krisnamurtri. Tôi dễ có thể bị thuyết phục bởi hai vị thiền sư này. Nhưng tôi thấy mình vẫn còn lo buồn trước điều dẫu biết thuộc về tự nhiên ấy: cái chết.

Tôi không khác những người trẻ tuổi hơn tôi là mấy, ở điểm trong tuổi thanh xuân của mình, đâu đó tôi cũng nghĩ về cái chết. Một kiểu kết thúc triệt để nào đó. Và rồi chúng ta không còn mệt mỏi, cái mệt mỏi làm người. Ắt hẳn trong quãng đời phía trước, có lúc nào đó tôi lại trầm mình trong những suy nghĩ nhuốm màu bi ai đó. Hoặc là ngay lúc này đây, tôi thấy mình mục rã. Con đường trải dài vô tận, bạn mỗi lúc một cô đơn.

Nhưng sống, và cứ càng sống thì điều chúng ta đang làm là từ chối những cái chết. Và hễ bạn đã làm điều này rồi, nghĩa là đã từng chiến thắng suy nghĩ tự sát hay vượt qua bệnh tật và từng khát khao đến vô vọng giành giật người bạn yêu thương từ tay tử thần, bạn sẽ hiểu sự quý giá của sự sống. Hiểu rằng sự quý giá ấy không phải ai cũng được may mắn trao tặng và trao tặng kịp thời. Cũng không có may mắn nào kéo dài mãi mãi.

Đôi khi trong giấc mơ tôi, tôi bắt gặp hình ảnh những người tôi thương yêu. Họ đã rời xa tôi theo cách tôi chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn. Không thể có bất cứ sự thỏa thuận nào. Tất cả họ nằm lại lặng lẽ trên cây số 8 của một tỉnh thành xa xôi. Tôi mất họ như ngày hôm nay mất ngày hôm qua. Bất lực vãn hồi.

Có những bia mộ không có tấm hình người quá cố. Có những ngôi mộ cứ thế bạc dần theo thời gian. Những ngôi mộ to, những ngôi mộ nhỏ. Có danh tính và cả không tên tuổi. Đôi khi cái còn lại chỉ là nắm đất nhỏ nhoi giữa những lối đi đầy cỏ dại. Rất nhiều người đã bị lãng quên, rất nhiều người đã bị bỏ lại. Chúng ta nói rằng ký ức về họ còn thì họ vẫn còn đây. Không ai nói với chúng ta vế sau của sự thật này, người giữ ký ức có thể một ngày sẽ quên, bản thân người giữ ký ức đến một ngày cũng đối diện với kết thúc của mình. Tất cả đều chìm vào hố sâu quên lãng. Con người cuối cùng cũng giống nhau.

Những buổi sáng lại nghe về những người ra đi
như những cơn gió thầm thì
như những cánh chim thiên di
dù chưa đến mùa đông rét mướt…*

Sự sống mong manh. Có lúc ta phải thấy thật nhiều biết ơn và trân trọng.

---


*Thơ của Nguyễn Phong Việt

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Phim hoạt hình (9)

Mary và Max (Úc)

Tôi đã từng bỏ qua phim này. Một cái gì đó thiếu hấp dẫn với tôi từ đầu. Có thể vì tình trạng không có thông tin. Cũng có thể vì Poster phim với những hình ảnh kém thu hút chừng như sẽ hứa hẹn một nội dung nhàm chán. Tất cả những cảm giác sai lầm ấy suýt chút nữa khiến tôi thậm chí bỏ qua phim này lần thứ hai. Khá lâu tôi không xem một phim xúc động đến vậy. Khi những thước phim cuối cùng chậm rãi đi qua trước mắt, tôi nhớ mình trầm ngâm ngồi đó, và nước mắt tôi lặng lẽ chảy. Một phim tuyệt vời về tình bạn mà ẩn sâu trong đó một vẻ đẹp rất thiêng liêng của tình người. Đẹp và buồn.

Đó là năm 1976. Mary 8 tuổi sống ở Mount Waverley (Úc). Cô bé không có bạn bè và với cái bớt có màu đống phân trên trán, Mary còn thường bị bạn học bắt nạt. Xung quanh cô bé là những con người dường như chỉ sống trong thế giới riêng của mình. Cha cô bé, ông Noel làm việc trong một nhà máy. Ông dành tất cả thời gian cho việc dập dây túi trà và cho sở thích nhồi bông những con chim chết ông tìm được trên đường cao tốc. Mẹ cô bé, bà Vera cả ngày phì phèo khói thuốc và cả đời chìm trong say xỉn. Hàng xóm của cô bé, Lens rời bỏ quân ngũ với đôi chân cụt và không dám ra khỏi nhà vì chứng sợ đám đông… Mary trong sáng luôn rất cô đơn, cô bé ao ước có được một người bạn để cùng trò chuyện, vui chơi. Thế rồi trong một lần ra bưu điện cùng mẹ, Mary nhìn thấy một quyển danh bạ điện thoại. Những cái tên Mỹ khiến cô bé tò mò và nảy ra ý định viết một bức thư cho một người Mỹ để hỏi trẻ em Mỹ sinh ra từ đâu. Ngẫu nhiên cái tên được chọn là Max Jerry Horovitz – một người đàn ông Do Thái 44 tuổi sống đơn thân trong một căn hộ ở New York (Mỹ).

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Chào tháng tám viết một entry dài vô thưởng vô phạt



Thỉnh thoảng tôi lại loay hoay cố tạo một giao diện mang tính cá nhân nào đó cho Blog của mình. Từ cái hồi còn ở Yahoo Blog đã thế. Nhưng tôi phải thừa nhận là, có những khía cạnh tin học dường như tôi không bao giờ có thể chạm đến. Việc tạo theme là một trong số đó. Dẫu sao, so với Blogspot, nền tảng của Yahoo Blog dễ tác động hơn. Có một lực lượng hùng hậu những người thiết kế themes và cung cấp sẵn các đoạn code trang trí. Chỉ cần kiên nhẫn một chút, tôi cũng có thể tìm thấy cái gì đó phù hợp với mình và ít bị trùng lặp với người khác. Nhưng Blogspot thì không như vậy. Những gì tôi có thể can thiệp vào hình thức của trang Blog này chỉ đơn thuần là tìm một hình nền nào đó và sử dụng. Tất cả chỉ có thế. Nhưng có một sự thực là ở đây, tôi không cảm thấy “thuận mắt” với bất cứ một hình nền nào mà mình đã từng tìm thấy và sử dụng. Độ vài tháng tôi lại thay một hình nền mới với cảm giác cái sau càng đáng thất vọng hơn cái trước. Tôi không biết phải giải thích điều này như thế nào. Có lẽ chỉ là vấn đề thuộc về cảm giác và thuộc về thời gian. Kiểu như là đến một lúc nào đó, vì thời gian trôi qua, bạn già đi, nhận ra bản chất buồn bã của đời sống và của chính mình, thế là một mặt bạn không còn dễ dàng rung động trước điều gì, một mặt bạn chủ tâm tìm kiếm sự tối giản trong mọi thứ. Cầu kỳ hoa lá hẹ không còn hợp với bạn nữa. Kiểu thế. Không, tôi e là tôi đang nói dối. Sự thực là tôi vẫn hơi thích cầu kỳ hoa lá hẹ. Tôi đứng ở lằn ranh giữa sự đơn giản và sang trọng. Tôi phải thừa nhận là tôi thích cả hai như nhau. Nhưng là theo kiểu mỗi thứ một ít, trộn vào nhau ở một khoảng nào đó. Tôi thích cái khoảng đó, khi chúng vừa là một vừa không lất lướt chiếm đoạt nhau.

Không biết thiết kế themes, cũng bắt đầu lười tìm kiếm một hình ảnh gây xao xuyến. Trong lúc loay hoay nhiều hơn thường lệ, tôi nhận ra là tôi vẫn luôn thích giao diện mặc định này của Blogspot (trong số những giao diện của nó). Ý tôi là thích cái tông màu nâu nhạt nhạt và nhất là hình ảnh mấy con chim. Nhưng đôi khi tôi mong màu nâu của nó tối hơn, đậm hơn (trong khi lại tự hỏi là nếu nó tối hơn, đậm hơn thì tôi có còn thích nó không). Chỉ duy nhất giao diện mặc định này khiến tôi động lòng. Thật vậy. Những hình nền xưa nay tôi sử dụng đã che lấp nền mặc định này của Blogspot. Điều này có nghĩa là từ hồi dọn “nhà” qua đây, tôi chỉ sử dụng duy nhất nền tảng này. Lý do tôi dùng những hình nền thay thế thì cũng dễ hiểu, như tôi nói từ đầu, tôi muốn tạo một giao diện mang tính cá nhân, chỉ cho riêng một mình tôi. Tất nhiên việc sử dụng hình nền tìm thấy trên mạng cơ bản không tạo ra cái tính cá nhân tôi mong muốn nhưng dẫu sao xác suất người dùng tình cờ sử dụng cùng một hình nền là hiếm. Trong khi sử dụng themes mặc định thì trang blog của tôi sẽ trùng giao diện với nhiều trang blog khác. Những người mà một mặt thích giao diện này như tôi, một mặt cũng không có khả năng thiết kế themes riêng (cũng giống như tôi nốt). Tuy nhiên, khi loay hoay thay hết hình nền này đến hình nền khác, tôi bỗng cảm thấy điều này không còn quan trọng nữa. Blogspot là nơi khác với Yahoo. Và tôi cũng khác. 

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...