Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Màn ảnh TVB (2)

Tôi viết dựa theo trí nhớ, sự yêu thích riêng và trong khuôn khổ những bộ phim tôi từng xem.

2. Sheren và Wayne: Cầu mong người trường tồn, ngàn dặm nối kết nhau


Xứng danh tài nữ phát hành tại Việt Nam vào năm 2009. Một năm sau, được xem là phần hai của nó, mặc dù kể một câu chuyện khác, Nghĩa hải hào tình ra mắt. Ít nhất từ năm 2009 đến nay, tôi nghĩ không có phim nào của TVB hay bằng hai phim này, bất chấp năm rồi Sứ đồ hành giả càn quét các giải thưởng (có lẽ tôi chưa bao giờ là fan của dòng phim cảnh sát, tôi chỉ xem nổi đến tập 20 nhưng tôi tin rằng để kể một câu chuyện rung động lòng người thì Xứng danh tài nữ và Nghĩa hải hào tình ở một vị trí chói sáng hơn hẳn). Cả hai tác phẩm này đã giúp người ta nhìn rõ hơn tài năng của hai diễn viên mà quá trình sự nghiệp của họ gắn với những nỗ lực không ngừng, đồng thời ghi dấu sự ra đời của một cặp đôi kinh điển, đó chính là Sheren Tang - Đặng Tụy Văn  và Wayne Lai - Lê Diệu Tường.


Một đỉnh cao sự nghiệp

Một thời gian khá dài và như tôi nhớ, tôi không còn hứng thú với phim nhiều tập nữa, nếu có thì hẳn tôi cũng bắt đầu đón xem phim Hàn Quốc nhiều hơn phim Hồng Kông. Nên, có thể nói, nếu không có Xứng danh tài nữ mà tôi được xem một cách khá tình cờ, thì tình cảm của tôi đối với phim TVB khó lòng được hâm nóng lại như ngày tôi còn bé. Tôi nhớ hình ảnh Sheren trong vai diễn Khang Bảo Kỳ xuất hiện trên màn ảnh khi đó. Cô không còn trẻ nữa, đã là một phụ nữ bước qua tuổi bốn mươi. Và Wayne, tôi không nghĩ là mình từng chú ý đến mấy vai diễn của anh ngày xưa, đến nỗi giờ đây, trong vai Sài Cửu, anh khá xa lạ và nhìn thoáng qua, cũng thấy là không có vẻ gì hấp dẫn. Dĩ nhiên, từ lúc bắt đầu phim, tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào Sheren. Dù không quá thích cô trước đây: Sheren trong quá khứ, như tôi nghĩ, không quá xinh đẹp, gắn với các vai diễn cá tính, không dễ chiếm cảm tình của số đông khán giả, song diễn xuất của cô Đặng bao giờ cũng nổi bật, thường dễ làm lu mờ bạn diễn. Tôi không phải thất vọng. Và còn hơn thế nữa.  

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tới ngọn hải đăng - Virginia Woolf



Rất khó để trích lại những câu văn theo cách thông thường đối với cuốn sách này. Văn phong của Virginia Woolf trải dài như sự miên viễn của ý thức. Nếu đọc chậm, kỹ và cảm nhận sâu, bạn biết rằng mọi câu đều đẹp, vẻ đẹp thẳm sâu khó dò. Tác phẩm không dễ đọc, cũng khó nắm bắt, bởi bản thân cái nó viết, là về sự mong manh, hữu hạn của cuộc đời. Tình tiết không nhiều, trong một câu chuyện với bản thân cốt truyện chính thì đơn giản song cách viết về nó rất khác, độc đáo, mang dấu ấn riêng. Từng đó gương mặt người, từng đó thế giới nội tâm, những khám phá tinh tế và sâu sắc không ngờ. Và những dòng văn thì cứ mãi tuôn chảy như những suy nghĩ không bao giờ cạn. Tôi đọc và nghĩ mình phần nào cảm nhận thấy cái mà người ta đã nói về Virginia Woolf "bà được đánh giá là một trong các tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sữ văn chương Anh ngữ..." Dĩ nhiên, cái tôi cảm nhận được, từ lần đọc này, cũng chỉ là lớp kem trên mặt bánh. Như khi ngồi gõ lại một số câu văn trong tác phẩm, tôi thấy việc này rõ là bất khả. Tuy vậy, vẫn cố ghi lại như một cách để dẫn lối ghi nhớ sau này. Một cuốn sách khá buồn, như dáng vẻ của Virginia Woolf trong bức ảnh nhỏ, nhìn nghiêng, in ở phần bìa sách gấp lại - một gương mặt phụ nữ, dài, đẹp và buồn.

Họ tới với bà, một cách tự nhiên, vì bà là một người đàn bà, suốt cả ngày dài bận rộn với việc này việc nọ; người muốn điều này, kẻ muốn điều kia; lũ trẻ thì đang tuổi mới lớn; bà thường cảm thấy bà chẳng là gì cả ngoài một mẩu bọt biển thấm đẫm những cảm xúc của con người – tr. 64.

… thật là khác thường nếu nghĩ rằng họ có thể tiếp tục sống suốt bao nhiêu năm qua khi bà không hề nghĩ tới họ hơn một lần suốt quãng thời gian đó. Cuộc đời của chính bà đã có biết bao sự kiện trong cùng những năm tháng đó. Thế nhưng có lẽ Carrie Manning cũng không nghĩ tới bà. Ý nghĩ đó thật lạ lùng và khó chịu – tr. 131.

Sự thực là ông không thích cuộc sống gia đình. Chính trong trạng thái này mà người ta phải tự hỏi mình, Người ta sống là vì cái gì? Vì sao, người ta tự hỏi mình, người ta lại phải gánh chịu mọi đau thương này để dòng giống loài người tiếp diễn ? Điều đó có rất đáng ao ước hay không? Chúng ta có hấp dẫn không với tư cách là một loài?... Những câu hỏi ngốc nghếch, những câu hỏi rỗng tuếch, những câu hỏi mà người ta không bao giờ đưa ra nếu người ta đang bận tâm suy nghĩ. Đây có phải là cuộc sống của con người? Kia có phải là cuộc sống của con người? Người ta chẳng bao giờ có thời gian để suy nghĩ về nó. Nhưng ông đang ngời đây tự hỏi mình cái loại câu hỏi đó,… vì ông thấy bị sốc khi nghĩ rằng bà Ramsay đã ngạc nhiên đến mức nào về việc Carrie Manning vẫn còn tồn tại, rằng những tình bạn hữu, ngay cả những tình bạn chí thân nhất, cũng chỉ là những điều mong mang tạm bợ. Người ta trôi giạt cách xa – tr. 133.

Cô đã thực hiện trò lừa thường lệ - tỏ ra tốt bụng. Cô sẽ chẳng bao giờ biết được anh ta. Anh ta sẽ chẳng bao giờ biết được cô. Tất cả những mối quan hệ người và người đều như thế cả, cô nghĩ, và mối quan hệ tệ hại nhất… là giữa đàn ông và đàn bà – tr. 137.

Thật sự, đôi khi bà nghĩ bà thích nhất là những kẻ vụng về khờ khạo. Họ không quấy rầy người ta với những bài luận thuyết của mình – tr. 145.

Bây giờ nó bao trùm lên cả cô – cái cảm xúc đó, sự rung động đó, của tình yêu. Cô cảm thấy một cách kín đáo mình đứng về phía Paul! Anh ta, tỏa sáng, bốc cháy; cô, cách biệt, nhạo báng; anh ta, gắn bó với sự phiêu lưu; cô, gắn bó với bờ biển; anh ta, dấn thân, khinh suất; cô lẻ loi, bị bỏ rơi – và, sẵn sàng khẩn nài để được chia sẻ với tai họa của anh ta, nếu như nó là một tai họa… - tr. 148.

… từ thuở khai thiên lập địa những bài tụng ca tình yêu đã được hát lên; những vòng hoa chất thành đống và những đóa hoa hồng; và nếu bạn hỏi chín người trong số mười người họ sẽ bảo rằng họ không muốn gì hơn ngoài thứ này – tình yêu; trong khi những người phụ nữ, xét theo kinh nghiệm của chính cô, sẽ cảm thấy trong một lúc, đây không phải là thứ mà tôi muốn; không có gì nhạt nhẽo, tầm thường và vô nhân đạo hơn điều này; thế nhưng nó cũng đẹp đẽ và cần thiết – tr. 149-150.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Màn ảnh TVB

Tôi viết theo trí nhớ, sự yêu thích riêng và trong khuôn khổ những bộ phim mình từng xem. 

1. Bobby và Esther: Always and Ever
 

Cặp đôi tôi yêu thích nhất trên màn ảnh TVB. Khi kết hợp với nhau, Bobby và Esther là cặp tình nhân đem lại cảm giác gần gụi và dễ chịu nhất. Tình yêu của họ trên phim tuy không thuộc dạng ám ảnh, song cũng có lẽ vì vậy mà gần với cuộc đời hơn. Bản thân Bobby và Esther, khi tách riêng, cả hai vẫn có những vai diễn  hay. Nên với họ, nói rằng tôi thích trong nghĩa cặp đôi màn ảnh thì cũng bằng tôi thích mỗi người trong vai trò diễn viên độc lập. Sự yêu thích đó chưa bao giờ thay đổi, xưa cũng như nay, dẫu rằng đỉnh cao trong sự nghiệp của họ cũng như thời vàng son của TVB, là cái gì đó đã qua.

Âu Dương Chấn Hoa (Bobby Au Yeung) 

Âu Dương Chấn Hoa là một diễn viên đặc biệt. Đặc biệt vì xét cho cùng thì bạn mập chẳng đẹp trai lắm và các vai diễn cũng rất ít dạt dào sức hút nam tính, nếu không muốn nói phần đông là những người đàn ông bình thường, thậm chí có chút “bà tám”. Thế nhưng. Thử làm một phép so sánh. Cái thời vàng son của phim TVB, nam diễn viên tôi thích nhất, ngoài Âu Dương Chấn Hoa, chính là Cổ Thiên Lạc. Chẳng có gì có thể chê được ở anh Cổ. Thậm chí ở Cổ tử, người ta có thể chẳng cần để ý đến diễn xuất của anh ấy. Cổ tử quá đẹp trai (sự thực là sau khi Cổ Thiên Lạc xuất hiện thì tôi thấy Quách Phú Thành bỗng cũng không còn quá đẹp trai nữa, dù trước đó, để hình dung về sự đẹp trai, tôi sẽ dùng lối ví von: “Đẹp trai như Quách Phú Thành”). Nhưng giả thử mà ông trời cho hai người xuất hiện cạnh nhau và hỏi tôi, sẽ ủng hộ ai hơn. Thì nước mắt tôi chảy dài mà bảo: Âu Dương Chấn Hoa. Thế mới nói, sức hút của Bobby rất đặc biệt. Từng một thời báo chí gọi bạn mập là “sát thủ của những bà nội trợ”, và hầu hết những diễn viên nam, nữ từng hợp tác đều rất thích làm việc chung với Bobby. Có thể thấy trong đời sống cá nhân, Bobby cũng là người cởi mở, vui vẻ như phần lớn nhân vật trên phim.

Âu Dương Chấn Hoa đóng phim đều đặn và có nhiều vai diễn thành công (hình dung lại những phim mình từng xem, tôi không tìm ra vai diễn nào đáng thất vọng, mặc dù có thể có những bộ phim thiếu sức hút về mặt kịch bản). Tôi đã xem rất nhiều phim: Lực lượng chống lừa đảo, Thăng Bình công chúa, Sóng gió phim trường, Nỗi lòng của cha, Mỹ vị thiên vương, Bức màn bí mật, Kim ngọc mãn đường, Kỳ án nhà Thanh, Bằng chứng thép, Oan gia tương phùng… Không có phim nào mà tôi không thích vai diễn của bạn mập.

Về cuộc sống riêng, hôn nhân của Âu Dương Chấn Hoa đến nay đã bước sang năm thứ mười bảy. Tuy không có con, Bobby và vợ vẫn thường được biết đến như một trong những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Và ở tuổi 55, Bobby vẫn tích cực đóng phim, ở cả Hồng Kông và Trung Quốc. Dĩ nhiên, vẫn là vai chính. 

Quan Vịnh Hà (Esther Kwan) 

Lần đầu tiên nhìn thấy Quan Vịnh Hà là trong phim Ba nữ cảnh sát thiện xạ (1995): gầy nhom, tóc cắt ngắn như con trai, không thể nói là kiểu diễn viên có ngoại hình nổi bật, duy có khuôn mặt thì từ hồi đó tôi đã thấy Esther sở hữu những đường nét rất, rất ưa nhìn. Bản thân phim này thì tôi không nhớ, cũng không nghĩ đây là một phim xuất sắc. Sự đặc biệt nếu có hẳn chỉ ở chỗ Ba nữ cảnh sát thiện xạ là phim duy nhất Esther đóng chung với Sheren – Đặng Tụy Văn (và nghĩ lại thì từ hồi đó, ở cô Đặng đã bộc lộ một ngạo khí rất hợp với những vai diễn đỉnh cao của cô sau này). 

Thường khi nói đến Quan Vịnh Hà, tôi nghĩ đến Miêu Thúy Hoa. Tôi cũng luôn cho rằng đây là bộ phim tuyệt vời nhất của cô. TVB cũng có lẽ sẽ khó lòng làm một phim tương tự - tập trung vào một nhân vật nữ, ngay từ cách đặt tên phim (điểm này nếu là nhân vật nam thì hết sức bình thường, chả thế khi Cate Blanchett lên nhận Oscar cho vai diễn trong Blue Jasmine, một phim “rất phụ nữ”, cổ cứ nhấn mạnh “nữ quyền” khiếp lên được). Nếu tôi nhớ không lầm, Tuyên Huyên từng rất kỳ vọng có được bộ phim tương tự như Miêu Thúy Hoa (với vai diễn Phàn Lê Huê thì phải) song cuối cùng đã thất vọng. Cho nên cái vinh dự có được một bộ phim mang tên chính nhân vật mình, đến nay ở TVB, nữ diễn viên có được chỉ có Quan Vịnh Hà.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Nói với mình

 

1. Mình sực tỉnh khi nghe tiếng mưa, ngỡ là ba giờ sáng. Nhưng sau mẹ bảo, cơn mưa đến vào lúc năm rưỡi. Mình cứ cảm thấy cơn mưa khá to, thanh âm nghe như tiếng mưa rào. Nhưng mẹ bảo, cơn mưa nhỏ xíu, vừa rơi đã tạnh, và trời càng nóng hơn. Từ năm 2009, Sài Gòn lại có một năm nóng điên người. Sở dĩ mình nhớ cái mốc 2009 vì năm đó ông ngoại mất. Ông mất vào tháng 5. Mẹ vẫn bảo, đó là năm nóng kinh hoàng.

Mình nghĩ ngày xưa, nếu ông Quân mang 50 đứa con qua Mỹ sống, bà Cơ chọn Dubai cho 50 đứa con lại, không hiểu số phặn mình bây giờ ra sao?

2. Mình có giấc mơ khá trong lành.

Mình thấy cô giáo dạy văn năm lớp 12 của mình, như bao cô giáo dạy văn khác, hiếm khi khen ngợi tài văn chương không lấy gì làm đặc sắc của mình, tuy thường cho mình điểm 8 tập làm văn. Với cô, mình chưa bao giờ vượt qua được con điểm 8 ấy. Và hồi đó, mình ngờ là cô chẳng ưa gì mình. Không, cũng có thể trước thì chẳng ưa gì nhưng sau ưa hơn tí. Nhưng vì trước đã chẳng ưa, thành ra sau có ưa hơn tí cũng chẳng làm gì được nữa. Bức tường đã dựng nên, chẳng hơi sức đâu mà phá vỡ hay vượt qua.

Mình thấy cổ chuẩn bị lên lớp. Và mình tá hỏa là mình đi học mà không mang đủ tập vở. Tệ hơn nữa là mình đã quên bẵng làm bài tập về nhà. Cũng có mấy đứa như mình. Vậy là vội vàng mình nguệch ngoạc vài dòng cho cái bài tập ấy. Đứa bên cạnh mình nói với mình bài tập cô cho là hãy liệt kê 9 điều mình muốn làm. Song khi đang loay hoay thì một đứa khác hê lên, cô bảo chỉ cần liệt kê 2 điều thôi, 2 điều muốn làm nhất thôi. Vậy là trong lúc mình mới liệt kê được điều thứ nhất thì cô đã bước vào lớp. Cô đi vòng vòng kiểm tra mấy vở bài tập. Mình mới viết được vài dòng cho cái điều thứ nhất. May sao cô chỉ nhìn lướt lướt qua mà không nói gì. Nhưng khi quay về bục giảng, cô bắt đầu gọi tên mỗi đứa.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Còn lại là sa mạc

Tôi nhớ mình khởi cái suy nghĩ và hành động gửi đi bản thảo một tập truyện vào tháng 12 năm ngoái. Ngay từ đầu, bản thảo đã đi lòng vòng một cách ngoài mong đợi. Và cái sự lòng vòng đó cũng ngốn hơn một tháng trời, kết quả là chẳng có kết quả gì. Rồi tôi cũng đấm bụng, vượt qua trở ngại tâm lý của chính mình, gửi tiếp đến một công ty phát hành sách khác, tiếp tục kéo lê một khoảng thời gian chờ đợi dài hơn mình có thể hình dung. Đến hôm nay, sau những gắng gỏi hỏi han vài lần, cuối cùng tôi nhận được câu trả lời “không thể xuất bản”. Khi nhận được câu trả lời chính thức, thực ra tôi không buồn như là lúc bản thân không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Tôi vẫn biết, dù càng biết thì càng ngạc nhiên hơn, rằng xuất bản sách ngày nay là việc dễ bao nhiêu mà cũng khó bao nhiêu. Như thường thấy trong đời mình, phàm cố sức làm cái gì thì hệt như là đâm đầu vào ngõ cụt, việc tôi bị từ chối cũng nằm sẵn trong dự liệu, dĩ nhiên cạnh đó, bạn vẫn luôn phải có hy vọng. Nếu không có hy vọng thì không thể tiếp tục điều gì.

Trong quãng thời gian chờ đợi sự phản hồi cho bản thảo tập truyện thứ nhất, và bạn hẳn hiểu điều này đủ lâu như thế nào, tôi viết được một số truyện ngắn khác, với một động lực bất đồ nào đó và thời gian nghỉ Tết cũng góp phần vào khả năng tập trung cho viết lách. Lần này tôi chọn một NXB. Tôi gửi qua đường bưu điện. Tôi biết ngay cả khi chưa gửi đi, trải trước mắt tôi lại là quãng thời gian đợi chờ thăm thẳm, có thể là không bao giờ có câu trả lời, trừ phi tự bạn liên tục “làm phiền” họ bằng những câu hỏi khi cái hạn công bố đã trôi qua lâu. Tất nhiên chỉ để câu trả lời từ chối đến một cách rõ ràng, thay vì cái im lặng mà người ta hoặc vì quên hoặc cho là nó tử tế hơn từ “không”. Thật ra sự thật nào suy cho cùng cũng thích hợp hơn sự im lặng - với tôi là như vậy. Tôi vẫn nói là tôi ghét sự lịch sự khủng khiếp, đôi khi.
 
Tôi thương xót cho tập bản thảo thứ nhất của mình nhưng giờ nó cũng trở thành một kiểu quá khứ mà việc xếp lại giống như khi ta trút khỏi lồng ngực mình một hơi thở phào nhẹ nhõm, sau một chuỗi chờ đợi và hy vọng, và bất cứ điều gì đến cũng tốt hơn là không có điều gì đến. Chẳng phải tôi cố tự an ủi mình. Khi bạn hy vọng rồi thất vọng, giữa những cái đó là li ti những cảm xúc tiêu cực, hễ nhiều lần như thế, dù muốn hay không, cuối cùng bạn cũng đỗi đãi nhẹ nhàng hơn với bản thân mình. Yêu mình hơn sau những bầm dập, phải thế, vì đâu còn ai yêu mình hơn được…

Dù sao cũng phải cố gắng, chẳng còn cách nào để không ân hận khi nhìn lại những việc trong đời. Tuy kỳ thực, để an ủi mình, thì sự thật của cuộc đời là đây: Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc”…

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...