Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Màn ảnh TVB

Tôi viết theo trí nhớ, sự yêu thích riêng và trong khuôn khổ những bộ phim mình từng xem. 

1. Bobby và Esther: Always and Ever
 

Cặp đôi tôi yêu thích nhất trên màn ảnh TVB. Khi kết hợp với nhau, Bobby và Esther là cặp tình nhân đem lại cảm giác gần gụi và dễ chịu nhất. Tình yêu của họ trên phim tuy không thuộc dạng ám ảnh, song cũng có lẽ vì vậy mà gần với cuộc đời hơn. Bản thân Bobby và Esther, khi tách riêng, cả hai vẫn có những vai diễn  hay. Nên với họ, nói rằng tôi thích trong nghĩa cặp đôi màn ảnh thì cũng bằng tôi thích mỗi người trong vai trò diễn viên độc lập. Sự yêu thích đó chưa bao giờ thay đổi, xưa cũng như nay, dẫu rằng đỉnh cao trong sự nghiệp của họ cũng như thời vàng son của TVB, là cái gì đó đã qua.

Âu Dương Chấn Hoa (Bobby Au Yeung) 

Âu Dương Chấn Hoa là một diễn viên đặc biệt. Đặc biệt vì xét cho cùng thì bạn mập chẳng đẹp trai lắm và các vai diễn cũng rất ít dạt dào sức hút nam tính, nếu không muốn nói phần đông là những người đàn ông bình thường, thậm chí có chút “bà tám”. Thế nhưng. Thử làm một phép so sánh. Cái thời vàng son của phim TVB, nam diễn viên tôi thích nhất, ngoài Âu Dương Chấn Hoa, chính là Cổ Thiên Lạc. Chẳng có gì có thể chê được ở anh Cổ. Thậm chí ở Cổ tử, người ta có thể chẳng cần để ý đến diễn xuất của anh ấy. Cổ tử quá đẹp trai (sự thực là sau khi Cổ Thiên Lạc xuất hiện thì tôi thấy Quách Phú Thành bỗng cũng không còn quá đẹp trai nữa, dù trước đó, để hình dung về sự đẹp trai, tôi sẽ dùng lối ví von: “Đẹp trai như Quách Phú Thành”). Nhưng giả thử mà ông trời cho hai người xuất hiện cạnh nhau và hỏi tôi, sẽ ủng hộ ai hơn. Thì nước mắt tôi chảy dài mà bảo: Âu Dương Chấn Hoa. Thế mới nói, sức hút của Bobby rất đặc biệt. Từng một thời báo chí gọi bạn mập là “sát thủ của những bà nội trợ”, và hầu hết những diễn viên nam, nữ từng hợp tác đều rất thích làm việc chung với Bobby. Có thể thấy trong đời sống cá nhân, Bobby cũng là người cởi mở, vui vẻ như phần lớn nhân vật trên phim.

Âu Dương Chấn Hoa đóng phim đều đặn và có nhiều vai diễn thành công (hình dung lại những phim mình từng xem, tôi không tìm ra vai diễn nào đáng thất vọng, mặc dù có thể có những bộ phim thiếu sức hút về mặt kịch bản). Tôi đã xem rất nhiều phim: Lực lượng chống lừa đảo, Thăng Bình công chúa, Sóng gió phim trường, Nỗi lòng của cha, Mỹ vị thiên vương, Bức màn bí mật, Kim ngọc mãn đường, Kỳ án nhà Thanh, Bằng chứng thép, Oan gia tương phùng… Không có phim nào mà tôi không thích vai diễn của bạn mập.

Về cuộc sống riêng, hôn nhân của Âu Dương Chấn Hoa đến nay đã bước sang năm thứ mười bảy. Tuy không có con, Bobby và vợ vẫn thường được biết đến như một trong những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Và ở tuổi 55, Bobby vẫn tích cực đóng phim, ở cả Hồng Kông và Trung Quốc. Dĩ nhiên, vẫn là vai chính. 

Quan Vịnh Hà (Esther Kwan) 

Lần đầu tiên nhìn thấy Quan Vịnh Hà là trong phim Ba nữ cảnh sát thiện xạ (1995): gầy nhom, tóc cắt ngắn như con trai, không thể nói là kiểu diễn viên có ngoại hình nổi bật, duy có khuôn mặt thì từ hồi đó tôi đã thấy Esther sở hữu những đường nét rất, rất ưa nhìn. Bản thân phim này thì tôi không nhớ, cũng không nghĩ đây là một phim xuất sắc. Sự đặc biệt nếu có hẳn chỉ ở chỗ Ba nữ cảnh sát thiện xạ là phim duy nhất Esther đóng chung với Sheren – Đặng Tụy Văn (và nghĩ lại thì từ hồi đó, ở cô Đặng đã bộc lộ một ngạo khí rất hợp với những vai diễn đỉnh cao của cô sau này). 

Thường khi nói đến Quan Vịnh Hà, tôi nghĩ đến Miêu Thúy Hoa. Tôi cũng luôn cho rằng đây là bộ phim tuyệt vời nhất của cô. TVB cũng có lẽ sẽ khó lòng làm một phim tương tự - tập trung vào một nhân vật nữ, ngay từ cách đặt tên phim (điểm này nếu là nhân vật nam thì hết sức bình thường, chả thế khi Cate Blanchett lên nhận Oscar cho vai diễn trong Blue Jasmine, một phim “rất phụ nữ”, cổ cứ nhấn mạnh “nữ quyền” khiếp lên được). Nếu tôi nhớ không lầm, Tuyên Huyên từng rất kỳ vọng có được bộ phim tương tự như Miêu Thúy Hoa (với vai diễn Phàn Lê Huê thì phải) song cuối cùng đã thất vọng. Cho nên cái vinh dự có được một bộ phim mang tên chính nhân vật mình, đến nay ở TVB, nữ diễn viên có được chỉ có Quan Vịnh Hà.

Esther còn tỏa sáng trong nhiều phim khác. Những phim tôi đã xem: Thăng Bình công chúa, Sư tử hà đông, Mỹ vị thiên vương, Tứ đại tài tử, Lực lượng phản ứng, Như Ý Cát Tường, Ngũ vị nhân sinh, Tình nghịch tam thế duyên. Tất cả Esther đều đóng rất tròn trịa và tôi yêu mến mọi vai của cô. 

Về đời riêng, Quan Vịnh Hà kết hôn với Trương Gia Huy và có một cô con gái. Từ sau khi lập gia đình, cô dần vắng bóng trên màn ảnh. Có lẽ vị trí Esther sẽ còn tiến xa nếu cô tiếp tục đóng phim thường xuyên, song cũng chẳng thể đánh giá sự chọn lựa đó là nên hay không. Kỳ thực thì từ lúc đang rất nổi tiếng, tôi nghĩ ở Esther đã có cái ước muốn được đứng sau lưng Trương Gia Huy, ủng hộ sự thành công của người yêu/chồng hơn là mong muốn mình vượt trội. Và việc lui về hậu trường của cô không hẳn là không được đền đáp. Bởi vì ngày nay Trương Gia Huy có một sự nghiệp điện ảnh thành công rực rỡ. 

Trong sự nghiệp diễn xuất, tính đến nay, Quan Vịnh Hà và Âu Dương Chấn Hoa đóng cặp với nhau trong bốn bộ phim: 
- Mỹ vị thiên vương (1997): phim này có thể là phim đầu tiên đóng chung, mặc dù lại là phim mãi sau này tôi mới xem, khi tình cờ thấy phát sóng lại trên SCTV 9. Phim này thú nhất là tạo hình của Bobby, có thể nói là khá dị. Kế đến là những diễn viên sau này đều có chỗ đứng riêng trong làng giải trí Hồng Kông, hồi đó họ trẻ măng, nhìn lại thấy quá là đáng yêu như Cổ Thiên Lạc, Tuyên Huyên, Trương Khả Di.

Tình yêu của Esther và Bobby trong Mỹ vị thiên vương không khác nhiều so với mấy phim họ từng đóng với nhau: vẫn là kiểu “oan gia ngõ hẹp”, trước ghét sau yêu nhưng không hề nhàm chán. Đối với người đã theo dõi phim họ đóng chung sau đó, xem Mỹ vị thiên vương còn có cảm tưởng như chứng kiến tình yêu của họ ngày trẻ (mà được nối dài qua những phim tiếp theo). Phong vị đó có chút ngọt ngào. 

- Thăng Bình công chúa (1997): phim này là phim đầu tiên tôi xem Esther và Bobby đóng
cặp. Một phim rất hay như hầu hết phim cổ trang của TVB giai đoạn này. Có thể cảm nhận khá rõ phong cách diễn xuất của Esther và Bobby qua phim. Ở Esther, hiếm khi là sự dịu dàng đến yếu đuối, song cũng không bao giờ quá mạnh mẽ ngoa ngoắt. Ở cô là sự hòa trộn giữa hòa nhã và quyết liệt, trong sự hài hước sẽ thấy phảng phất nét nghiêm nghị và ngược lại, giữa đôi mày nhíu lại, người ta vẫn cảm nhận được sự thoải mái, nhẹ nhàng nơi cô. Tôi nghĩ rằng luôn có thể tìm thấy những điều đó ở Esther trong nhiều vai diễn khác của cô ấy sau này.
Ở Bobby cũng thế. Mặc dù trong sự nghiệp, cũng có lần hóa thân vào dạng vai rất nghiêm túc, hoàn hảo song ở Bobby luôn có sự thoải mái, đem lại cảm giác gần gụi, dễ chịu cho người xem. Riêng với dạng vai một nhân vật bình thường, có chút “nham nhở” thì chắc không cần nói nhiều. Cái sự bình thường, “nham nhở” của Bobby bao giờ cũng đáng yêu, dí dỏm và hài hước. Người ta khó lòng không yêu thích cái chất duyên rất riêng ấy của bạn mập. 

Có thể vì đồng điệu trong diễn xuất, mà với tôi, Esther và Bobby luôn là tình nhân lý tưởng nhất trên màn ảnh của nhau, mặc dù tôi cho rằng, những bộ phim họ đóng cặp với nhau chưa hẳn là phim hay nhất của mỗi người (với Quan Vịnh Hà, tôi chọn Miêu Thúy Hoa; với Âu Dương Chấn Hoa, tôi chọn Kim ngọc mãn đường và Bức màn bí mật – hai phim này hay như nhau nên không chọn một được). 

- Lực lượng phản ứng: tôi nhớ không lầm thì phim này Esther và Bobby chỉ đóng chung phần một và hai. Kiểu phim series luôn gây thất vọng ở điểm này. Người xem chứng kiến hai con người từng yêu nhau tha thiết để rồi qua phần mới, vì không có sự có mặt của người diễn viên nọ thế là kịch bản phim “khai tử” luôn vai diễn đó không thương tiếc. Chính vì vậy, mặc dù phim có nhiều đất diễn cho mỗi nhân vật – và tình yêu giữa Trần Tiểu Sanh và Chu Tố Nga nếu không kể cái kết thì rất trọn vẹn, cũng có thể xem là một trong những phim tiêu biểu của cả Quan Vịnh Hà và Âu Dương Chấn Hoa, với tôi phim vẫn có điểm thất bại: chính là vì đã “khai tử” tình yêu của Tiểu Sanh và Tố Nga một cách “lãng xẹt” sau hai phần (và sau đó vẫn kéo lê phim này đến tận phần 4). 

 - Tình nghịch tam thế duyên (2013): một thời gian rất là dài không đóng chung và bản thân Quan Vịnh Hà cũng không đóng phim, Bobby và Esther mới tái hợp với nhau trong bộ phim nói về một tình yêu kéo dài ba kiếp.
Có thể thấy không có phim nào tập trung sâu vào tình cảm của họ như phim này, bởi vì có lẽ việc thực hiện bộ phim mang dấu ấn như một sự tái ngộ với khán giả. Và khán giả ở đây hẳn phần đông chính là kiểu khán giả như tôi, những người yêu mến họ từ trong quá khứ để rồi sẽ có cái mong mỏi nhìn thấy họ lần nữa trên màn ảnh. Tôi xem phim này hoàn toàn là vì Bobby và Esther. Bản thân Esther nếu không vì sự thuyết phục của Bobby, chắc chẳng bao giờ cô đóng phim nữa. Còn Bobby, bạn mập rất trân trọng người bạn diễn ăn ý ngày nào, và chắc có lẽ có cái mong muốn được làm tròn đầy duyên phận trên màn ảnh của họ, nên đã dồn rất nhiều tâm huyết cho phim. 
Phim này, về diễn xuất hay ngoại hình của Esther và Bobby không có gì đáng để chê. Đặc biệt là Esther, lâu không đóng phim nhưng diễn xuất của cô không có chút chuệch choạng, thậm chí chín mùi hơn thời trẻ và sự ăn ý với Bobby thì vẫn hệt ngày xưa. Tuy nhiên nếu phim không hơi bị dài quá đối với tôi (tôi luôn nghĩ rằng phim bộ chỉ 20 tập là đủ rồi) thì sẽ là một phim tuyệt vời. Bởi vì hơi dài nên đã bộc lộ chút vấn đề về kịch bản. Ở kiếp thứ hai chẳng hạn, khi Kim Xương (anh Bill) bị cho là mất trí nhớ, tôi cảm giác diễn xuất của Bobby như cho thấy việc mất trí nhớ chỉ là đóng kịch mà thôi. Ấy thế, đó lại là thật. Cứ như thể kịch bản phim thay đổi vào phút chót nhưng những cảnh đã quay vẫn cứ được dùng. 
Một điểm khá thú vị trong phim là tình duyên ở kiếp thứ hai giữa anh Bill và Thu Phụng lại gợi tôi nhớ đến mối tình của Cửu Muội (do Sheren đóng) và Lưu Tỉnh (Wayne - Lê Diệu Tường đóng) trong Nghĩa hải hào tình. Tôi thầm so sánh. Ở Esther và Bobby không có cái tinh chất dữ dội trong diễn xuất của Sheren và Wayne nên nhân vật của họ mềm mại hơn, tình yêu của họ sâu lắng, đằm thắm, là thứ tình gắn với mái ấm gia đình, có cái vui tươi và ấm áp đời thường; khác với thứ tình của Lưu Tỉnh và Cửu Muội, một tình cảm đậm chất tri kỷ, mang nét bi hùng khốc liệt giữa hai con người sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng và vì lý tưởng của tri âm. Không thể nói cái nào đẹp hơn. Song đọng lại nhiều day dứt hơn chắc có lẽ là mối tình của Lưu Tỉnh và Cửu Muội. Bởi Tình nghịch tam thế duyên về tổng thể vẫn là một bộ phim tương đối nhẹ nhàng, hài hước, có kết thúc viên mãn khi trải qua hai kiếp, ở kiếp thứ ba, hai người yêu nhau cuối cùng đã đến được với nhau trong một kết cuộc vuông tròn hạnh phúc. 
Có lẽ không thể nào hy vọng giữa Quan Vịnh Hà và Âu Dương Chấn Hoa sẽ còn gặp nhau trên màn ảnh một lần nữa. Nhưng như chính cái tên tiếng Anh của Tình nghịch tam thế duyên (rất có thể là tác phẩm truyền hình cuối cùng họ đóng chung) Always and Ever, ở trong lòng tôi, họ là một cặp đôi diễn viên như vậy: Always and Ever.

2 nhận xét:

  1. Có thể cho em bổ sung một chút được không ạ? Em nhớ là Sheren và Esther đóng chung với nhau đến 2 phim lận, ngoài bộ Ba nữ cảnh sát thiện xạ đã được kể ở trên thì còn bộ Sự thật vô hình (1994) nữa ạ.
    Em nhớ có một thời gian em đi mua đĩa xem toàn ra hỏi chủ tiệm là những phim nào mà Bobby và Esther đóng cặp với nhau không, có thì em mới chịu coi đó!
    Em cũng có cùng suy nghĩ là khi xem kiếp thứ hai, mối tình giữa Bill và Thu Phụng thì em lúc nào cũng liên tưởng đến câu chuyện giữa Lưu Tỉnh và Cửu Muội. Nói gì thì hai cặp Bobby - Esther và Sheren - Wayne là hai cặp diễn viên TVB mà em thích nhất, trước đây cũng vậy, bây giờ cũng vậy và sau này cũng vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bộ Sự thật vô hình chị không xem (em nhắc chị chỉ mang máng nhớ poster phim - hình như có Quách Tấn An thì phải). Vui vì có em cùng sở thích :'' > Chị xem phim TVB từ hồi còn nhỏ, thời còn băng từ ấy. Nhiều thế hệ diễn viên, những vai diễn của họ, những bộ phim của họ, đến nay vẫn còn ở trong tim chị, hị hị...

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...