Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nắng tháng tám - William Faulkner



Dù sở hữu một cốt truyện hấp dẫn: ban đầu (một phần do cách mà đội ngũ làm sách giới thiệu), bạn dễ nghĩ Lena hay Hightower là nhân vật chính, nhưng sau bạn nhận thấy nhân vật chiếm phần lớn tác phẩm là Joe Chirstmas, với cuộc đời phiêu bạt, chứa trong nó rất nhiều cay đắng, dục vọng, bạo lực, tội ác và cuối cùng là sự giải thoát; bên cạnh đó, những số phận con người, đa phần sống câm nín dưới bầu không khí dồn nén, ngột ngạt của nạn phân biệt chủng tộc, với không ít ám ảnh dày vò -  tôi thấy khá khó nhọc khi đọc tác phẩm này. Tôi đọc vào  mỗi cuối tuần hoặc những buổi tối và điều lạ lùng là cứ chỉ mươi trang thì tôi bắt đầu rơi vào trạng thái gà gật, dù việc đọc những cuốn sách có dung lượng lớn không hẳn quá xa lạ với tôi. Tôi được tặng cuốn này vào khoảng giữa năm nay. Và mãi gần đây tôi mới đọc xong.

Có lẽ bởi lối hành văn không hấp dẫn (với tôi): mang phong vị miền Nam, tuy khá chân chất nhưng vì lẽ nào đó, trong ngôn từ vẫn có sự trúc trắc đôi khi rất khó hiểu. Hoặc hiện thực khắc nghiệt (khiến tôi không thể không nghĩ vùng Jeffferson trong truyện hẳn giống với hoang mạc, bị thiêu đốt dưới ánh nắng mặt trời, chẳng có gì mọc nổi, khắp nơi chỉ là cát nóng bỏng, khô nghiệt, y như tâm hồn của dân xứ này). Dường như ít tìm thấy tình yêu trong Nắng tháng tám, dù hẳn là có chứ, ít ra với Byron và Lena, dù có ít biểu lộ bằng ngôn từ chăng nữa. Hay do thủ pháp đảo thời gian, đặc biệt khi càng về cuối tác phẩm, khiến vài tình tiết trở nên càng khó nắm bắt. Tôi thấy mơ hồ về cái chết của những nhân vật. Và tôi cũng không nhìn thấy thứ ánh sáng như lời bạt nhắc đến. Khi gấp cuốn sách lại, tôi chỉ nghĩ kết thúc có một tia hy vọng nào đó. Nhưng cụ thể là gì thì tôi không biết. Đọc lời bạt, tôi cứ liên tưởng đến một thứ ánh sáng choáng ngợp, lung linh và như là sẽ gột rửa tâm hồn người – kiểu ánh sáng tái sinh, sẽ xuất hiện vào khoảnh khắc kết thúc cuốn sách. Nhưng tôi đã lật qua hết những trang cuối tác phẩm mà chỉ bị những rối rắm làm trĩu mày. Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng của vầng hào quang.

Trong cuốn sách có in kèm hai bài viết của tác giả Nhật Chiêu, hẳn để độc giả có cái nhìn rõ về Faulkner và những sáng tác của ông . Tuy vậy, bài viết in ở phần đầu cuốn sách lại bất đồ tóm tắt toàn bộ nội dung của tác phẩm, trong khi Nắng tháng tám hàm chứa nhiều tình tiết mà độc giả nhẫn nại có thể từ từ khám phá theo từng trang sách. Cái tóm tắt ấy như kẻ phá bĩnh, cái bất ngờ trong diễn biến câu chuyện nếu có thì cũng đã mất đi rồi. Bài viết in ở phía cuối, điểm qua những nét chính trong sáng tác và đồng thời tóm tắt hai tác phẩm khác trong sự nghiệp của Faulkner, nhìn chung không liên quan gì đến Nắng tháng tám. Tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu người ta bỏ qua cái đoạn tóm tắt ở phần đầu kia đi và thay vì viết tản mác về những tác phẩm khác thì tập trung vào chính bản thân tác phẩm trong cuốn sách này, ngõ hầu giúp độc giả hiểu sâu hơn qua lăng kính người khác. Việc khái quát những tác phẩm còn lại trong sự nghiệp của tác giả, nếu muốn, có thể dành chúng cho chính tác phẩm ấy trong cuốn sách thuộc về nó. Dù thật thà cho rằng đây là tác phẩm khiến mình cảm thấy vất vả khi đọc thì chính mấy điểm này trong hai bài viết in kèm mới là điểm khiến tôi thấy đáng tiếc nhất.

…đám đàn bà có thể tốt bụng mà không thực sự có lòng trắc ẩn. Đám đàn ông bây giờ cũng vậy, có lẽ. Nhưng chỉ có những mụ đàn bà xấu tính mới có thể tỏ ra tốt bụng với một người đàn bà khác đang cần lòng trắc ẩn – tr. 27.

Con người. Tất cả mọi người. Nó sẽ khước từ cả trăm cơ hội để làm điều thiện chỉ cốt đổi lấy một cơ hội xía vào việc người khác mà không ai mở miệng yêu cầu. Nó sẽ bỏ qua và quên thấy các cơ may, các thời cơ để làm ra tiền tài, danh vọng và việc thiện, và đôi khi cả việc ác nữa. Nhưng nó sẽ không bao giờ bỏ qua một dịp nào để xía vào việc người khác – tr.42.

Con người biết quá ít về đồng loại của mình ! Dưới mắt chúng ta, đàn ông và đàn bà đều hành động dựa theo cùng những lý do thúc đẩy ngay chính chúng ta, nếu chúng ta điên khùng tới mức làm những gì mà họ đang làm – tr.71.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Cuối tuần dzui dzẻ


Rời khỏi rạp chiếu phim, tôi hơi phân vân giữa việc đi thẳng về nhà hoặc tạt ngang một hiệu sách nào đó. Tôi nghiêng về hướng thứ nhất. Chỉ mới hơn ba giờ chiều và ánh nắng vẫn gắt gao như đang giữa trưa. Sài Gòn đã đi qua mùa mưa, dù thi thoảng ở những mạn ngoại ô, trời vẫn có mưa khi đêm xuống. Bây giờ nắng thường vàng ươm trên mọi nẻo đường, hầu như trong cả ngày, trừ những đoạn còn nhiều cây xanh tỏa bóng mát.

Tôi nghĩ sẽ đi thẳng về nhà nhưng đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ, tôi lại rẽ phải. Trong đầu nghĩ đến hai cuốn sách mỏng mới phát hành dạo gần đây. Chỉ hai cuốn sách mỏng thì không có gì là quá nhiều. Đi thẳng một đoạn và lại tiếp tục rẽ phải. Tôi biết mình muốn đi đâu dù lâu lắm rồi không còn thú lang thang ở những nhà sách. Tôi hỏi, phải đến hai lần, với hai nhân viên khác nhau, rằng tôi cần phải để giỏ xách của mình ở đâu. Tôi nhớ luôn có nhiều hàng hộc tủ ở đây, bạn tự tay mình cất giỏ xách và khóa lại. Mất một lúc thì tôi thấy ra là không gian bên hông nhà này, phía trong thường dùng làm nơi để xe, phía ngoài một bên treo những kệ hộc tủ, một bên thường để một cái bàn để linh tinh những vật dụng dùng để gói quà, cái chỗ ấy bây giờ bày đủ các loại sách. Giá bán giảm từ 40% đến 70%. Và nhân viên bảo bạn có thể mang giỏ xách vào bên trong.

Không gian này tuy không quá sâu so với mặt đường nhưng hẳn được thiết kế làm hầm giữ xe, thế nên nó hơi bít bùng. Mấy cái quạt công nghiệp đang hoạt động hết công suất thì bạn vẫn có cảm giác nóng hầm hập khi ở trong đấy. Dẫu sao mấy con số phần trăm giảm cũng khá hấp dẫn. Tuy vậy sách bày biện khá lộn xộn, bốn hàng dài với những tấm biển viết phần trăm giảm ngăn giữa những hàng sách theo từng mức. Tôi cũng đoán mình không thể tìm thấy hai cuốn sách định mua. Song đống sách văn học vẫn đủ níu giữ sự chăm chú của tôi. Hầu hết là những tác phẩm văn học kinh điển, đa số dày đến rất dày, xuất bản từ vài năm trước. Tất cả được giảm ở mức 50%. Tôi nhìn thấy một loạt tinh hoa văn học ở đây: Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy, Những người khốn khổ, Bá tước Monte Cristo, Bà Bovary, Những chàng lính ngự lâm, Trà hoa nữ, Tội ác và trừng phạt…

Tôi chú ý đến những tác phẩm của Dostoyevsky. Tôi nhớ hồi đọc Những màu khác, những dòng văn của Orhan Parmuk đã khuấy động trong tôi ý muốn đọc tác phẩm của nhà văn Nga ấy. Tội ác và trừng phạt, Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Caramazov, cả ba cuốn đều ở đây, với độ dày đáng nể. Và tôi cũng lại nhìn thấy Tiếng chim hót trong bụi mận gai mà đã bao lần tôi lỗi hẹn. Trong khi phân vân về Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Caramazov. Và tôi cũng chợt nhìn thấy Trở về Eden mà mới ngày hôm qua tôi còn hỏi bạn mình đã đọc qua chưa, dù những câu chuyện lẫn lộn yêu hận tình thù kiểu điện ảnh kịch tính thường không thuộc “gu”  đọc của tôi. Và còn kia là Tất cả những dòng sông đều chảy, còn kia nữa là Bông hồng vàng và Bình minh mưa, và kia nữa, khiêm nhường nhưng vẫn đầy mê hoặc là Đồi gió hú…

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Làm một cái cây, chắc là hết phiền toái

 

Vừa mới hôm trước, còn rốt ráo lo phần báo cáo tập sự và chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm thì qua hôm sau, người ta bảo chúng tôi chưa đủ điều kiện thi lần này, rằng cái thời hạn 12 tháng phải kéo dài đủ đến 18 tháng. Tôi không biết mình buồn hay vui. Tôi chỉ cảm thấy, trước mắt tôi, cái lững lờ khó chịu của thời gian…

...
Lật vài trang ebook của tác phẩm “Bên cạnh thiên đường” (tác giả Quản Ngai) thấy có đoạn đối đáp này (hẳn giữa hai người bạn): 

- Sống thật vô nghĩa.
- Chết càng vô nghĩa hơn.
- Cũng phải.
- Kiếp sau làm cây đi, chắc là hết phiền toái ... 

Cảm giác hững hờ chán chường trong cuộc sống này có lẽ có thể gói gọn trong vài câu trao đổi ấy. Dĩ nhiên cuộc sống còn muôn vạn cảm xúc khác. Nhưng có khi người ta trống rỗng và uể oải như thế, sự vô nghĩa tràn ngập trong không khí, trong từng cử chỉ, lời nói, cái nhìn, điệu bộ, nét mặt… Người ta thu mình trong sự bất động, có lẽ đến nhìn bản mặt người yêu cũng thấy nhạt thếch.

Một lần tôi nằm mơ (mỗi lần tôi khởi đầu câu nói này đều có chút cảm giác ngại ngùng, cứ như là tôi chẳng có gì để kể ngoài cái việc nhảm nhất là ườn xác ngủ và rồi thì là lại nằm mơ). Có điều, nếu đúng như một nghiên cứu từng nói, rằng giấc mơ phản ánh mong muốn nội tâm của bạn, trong khi (hẳn là Osho) chỉ ra rằng giấc mơ thể hiện bạn đã tiêu hao quá nhiều năng lượng cho điều/người bạn mơ về, rằng có cái gì đó đang sai… thì một giấc mơ, dù mãi chỉ là mộng mị, hẳn cũng để lại trong bạn dư âm nào đó. Cũng thường là vô hại thôi.

Trong mơ, tôi thấy mình  đang hát, dù đứt từng câu một: “Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ… Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao… Xin sống lại tình yêu đơn sơ, rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa đường mòn xưa, dang nắng dầm mưa”.  Sự đứt đoạn ấy cũng dễ hiểu, tôi chỉ biết có mấy câu trong bài hát mà lâu lắm rồi tôi không nghe, không nhớ, chưa từng thuộc hết lời ấy. Còn thương rau đắng mọc sau hè. Tôi hơi tần ngần nghĩ đến những lần thi thoảng trong mình lại trỗi dậy cái ham muốn đi công viên và chơi các trò chơi. Khi bạn còn nhỏ, một giấc mơ phi thường được thực hiện có lẽ chỉ đơn giản là việc được bố mẹ dẫn đi chơi công viên. Trong sự ngưỡng vọng của mình, hẳn tôi đã nhìn công viên như ước mơ trở thành sự thật của các bạn nhỏ, cũng có thể nơi ấy là cỗ máy thời gian giữa đời thực, ở đó, người ta được, một lần rồi lại một lần, sống lại những cảm xúc trẻ thơ. Còn nhớ lúc trước đọc một bài báo viết về một tài tử điện ảnh Mỹ, người ta bảo bất kể yêu ai, nơi chốn hẹn hò anh ta luôn thích dắt bạn gái đến chính là Disneyland. Tôi không rành tâm lý đàn ông (tôi không rành tâm lý ai cả, trừ bản thân tôi và với bản thân mình thì cũng chỉ trong chừng mực nào đó mà thôi). Nhưng trong suy nghĩ của tôi khi ấy thì anh chàng như ảnh thật dễ thương.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Biết ra sao ngày sau


 Cuối cùng thì cái thông báo về một kỳ thi cũng xuất hiện.

Buổi sáng đó, tôi nằm mơ. Trong mơ dường như đã quay ngược lại cái thời còn đi học. Một kỳ thi học kỳ mà trong khi đang chờ thi những môn cuối, tôi phát hiện thì ra mình đã bỏ lỡ mất hai môn. Tôi nhìn lại lịch thi, trong một ngày thi cả sáng lẫn chiều, tôi đã bỏ qua hai môn vào buổi chiều. Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Một chữ “RỚT” treo tòng tenh trước mắt tôi. Khi tôi tỉnh dậy và nghĩ về giấc mơ đó, có cái gì như nói với tôi, cái cần xuất hiện sẽ xuất hiện vào hôm nay (tức là hôm qua, khi tôi ngồi gõ những dòng này). Và… đúng vậy, chính xác thì vào giữa buổi chiều ngày hôm qua (giá mà tôi mơ cái gì như trúng số, sau đó nó xảy ra, thì dễ có thể khoác lác và thấy giấc mơ ấy kỳ diệu biết bao - Nói raaa thiiiệt là đau looòng…).

Nếu từng nhẩm tính thời gian, tôi biết cái thông báo đấy phải xuất hiện vào tháng 7 rồi. Bây giờ là tuần đầu tiên của tháng 11. Trong cái việc này, thật ra tôi không có ý đợi. Có lúc tôi hơi mong mỏi nhưng thường là không. Phần vì, với tôi, nó là một cái gì đó cuối cùng sẽ đến thôi, sau những lình xình, những căng thẳng, cuối cùng thì họ cũng phải cho tiến hành cái cần phải được tiến hành, bất kể giờ đây những cái ghế ai đang ngồi… Nhưng sau đó, sau cái kỳ thi này, mà trong quá trình diễn ra cũng đã thấy trước sẽ không ít mỏi mệt (biết đâu chừng như giấc mơ đã cảnh báo, chữ “RỚT” đang treo tòng teng), mọi sự sẽ ra sao… Chẳng có gì hứa hẹn ở phía sau, chẳng có gì chờ tôi ở phía trước, không có đến cả một vì sao tín hiệu…. Như đi hết ngã tư này thì lại đến ngã tư khác, qua mùa nắng thì tới mùa mưa, qua ngày dài thì lại đến đêm thâu, tôi đã thôi không còn vọng tưởng: cứ đi đi, rồi sẽ có đường, cứ cố gắng đi, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp. Phần vì, cụ thể hơn, cái việc theo đuổi nghề luật sư dường như là việc tôi muốn làm, mà dường như có nhất thiết trở thành luật sư hay không thì cũng thế thôi. Trong cái việc này, tôi cho là mình gần như chuồi theo dòng số phận. Mà có lẽ cũng từ lâu, tôi ngẫm cái việc vùng vẫy để cố thoát khỏi một tình cảnh nào đó cũng chẳng thể đưa mình tới đâu. Tôi lại thấy, việc tìm đến một cái giếng cạn bỏ không, ngồi dưới đáy giếng, trầm tư mặc tưởng như cái tay Toru cũng hay hay. Dưới đáy giếng, cô lập, tĩnh lặng, đời vẫn trôi...

--
Hồi lâu có một cô bé từ đâu gọi điện cho tôi và mượn tôi cuốn luận văn về đề tài tôi từng làm. Tôi hơi ngạc nhiên, sau gần hai năm; sau gần hai năm, tôi lại nghĩ về đoạn thời gian đó. Nhớ lại trước đây một người từng bảo, đề tài tôi làm có thể mở hướng cho những đề tài sau này (khi bỏ đi một phương thức liên lạc, tôi đã quên phắt cô bạn này. Nhưng cái dạo ấy thì cô ấy đang yêu, hẳn cũng điên dại. Thế giới của người đang - yêu - điên - dại chỉ còn mỗi người mình yêu).

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...