Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Biết ra sao ngày sau


 Cuối cùng thì cái thông báo về một kỳ thi cũng xuất hiện.

Buổi sáng đó, tôi nằm mơ. Trong mơ dường như đã quay ngược lại cái thời còn đi học. Một kỳ thi học kỳ mà trong khi đang chờ thi những môn cuối, tôi phát hiện thì ra mình đã bỏ lỡ mất hai môn. Tôi nhìn lại lịch thi, trong một ngày thi cả sáng lẫn chiều, tôi đã bỏ qua hai môn vào buổi chiều. Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Một chữ “RỚT” treo tòng tenh trước mắt tôi. Khi tôi tỉnh dậy và nghĩ về giấc mơ đó, có cái gì như nói với tôi, cái cần xuất hiện sẽ xuất hiện vào hôm nay (tức là hôm qua, khi tôi ngồi gõ những dòng này). Và… đúng vậy, chính xác thì vào giữa buổi chiều ngày hôm qua (giá mà tôi mơ cái gì như trúng số, sau đó nó xảy ra, thì dễ có thể khoác lác và thấy giấc mơ ấy kỳ diệu biết bao - Nói raaa thiiiệt là đau looòng…).

Nếu từng nhẩm tính thời gian, tôi biết cái thông báo đấy phải xuất hiện vào tháng 7 rồi. Bây giờ là tuần đầu tiên của tháng 11. Trong cái việc này, thật ra tôi không có ý đợi. Có lúc tôi hơi mong mỏi nhưng thường là không. Phần vì, với tôi, nó là một cái gì đó cuối cùng sẽ đến thôi, sau những lình xình, những căng thẳng, cuối cùng thì họ cũng phải cho tiến hành cái cần phải được tiến hành, bất kể giờ đây những cái ghế ai đang ngồi… Nhưng sau đó, sau cái kỳ thi này, mà trong quá trình diễn ra cũng đã thấy trước sẽ không ít mỏi mệt (biết đâu chừng như giấc mơ đã cảnh báo, chữ “RỚT” đang treo tòng teng), mọi sự sẽ ra sao… Chẳng có gì hứa hẹn ở phía sau, chẳng có gì chờ tôi ở phía trước, không có đến cả một vì sao tín hiệu…. Như đi hết ngã tư này thì lại đến ngã tư khác, qua mùa nắng thì tới mùa mưa, qua ngày dài thì lại đến đêm thâu, tôi đã thôi không còn vọng tưởng: cứ đi đi, rồi sẽ có đường, cứ cố gắng đi, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp. Phần vì, cụ thể hơn, cái việc theo đuổi nghề luật sư dường như là việc tôi muốn làm, mà dường như có nhất thiết trở thành luật sư hay không thì cũng thế thôi. Trong cái việc này, tôi cho là mình gần như chuồi theo dòng số phận. Mà có lẽ cũng từ lâu, tôi ngẫm cái việc vùng vẫy để cố thoát khỏi một tình cảnh nào đó cũng chẳng thể đưa mình tới đâu. Tôi lại thấy, việc tìm đến một cái giếng cạn bỏ không, ngồi dưới đáy giếng, trầm tư mặc tưởng như cái tay Toru cũng hay hay. Dưới đáy giếng, cô lập, tĩnh lặng, đời vẫn trôi...

--
Hồi lâu có một cô bé từ đâu gọi điện cho tôi và mượn tôi cuốn luận văn về đề tài tôi từng làm. Tôi hơi ngạc nhiên, sau gần hai năm; sau gần hai năm, tôi lại nghĩ về đoạn thời gian đó. Nhớ lại trước đây một người từng bảo, đề tài tôi làm có thể mở hướng cho những đề tài sau này (khi bỏ đi một phương thức liên lạc, tôi đã quên phắt cô bạn này. Nhưng cái dạo ấy thì cô ấy đang yêu, hẳn cũng điên dại. Thế giới của người đang - yêu - điên - dại chỉ còn mỗi người mình yêu).

Tôi gần như đã quẳng hết mọi thứ liên quan đến quãng thời gian ấy, chỉ còn mỗi cuốn luận văn này… ở trong xó tủ, gần hai năm nay. Một dây cảm xúc nào đó ngân lên, như là sự xúc động. Có cái gì giống tôi và cô bé đã gọi điện cho tôi vào một sáng thứ bảy. Nhưng sau, tôi phải nhờ Còi Cọc chuyển dùm cuốn luận văn ấy. Tôi sợ mình sẽ nhiệt tình dây dưa. Tôi đã trả lời những email mà không hỏi han thêm, dù lòng tôi quan tâm... Tôi cũng phát hiện thì ra mình không muốn mất nốt cuốn luận văn của mình nhưng cũng đồng thời, khi trao đi, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm nếu không khi nào còn nhìn thấy… Tôi nhớ dáng vẻ tự mãn của một vị, trong khi hai bàn tay đặt trên cái bụng tròn ủng, mép hơi nhếch lên khi bảo, anh lấy bằng thạc sĩ rồi. Cái câu nói ấy, dáng vẻ ấy, suy cho cùng cũng là bình thường thôi, lại khiến tôi thấy tổn thương, như thể người ta đang chà đạp tôi, dù họ không có lý do và cũng chẳng có quyền gì làm điều ấy. Và sau, anh ta bảo, đang làm giảng viên. Tôi nghĩ đồng thời mình cũng ấn tượng với từng ấy thứ thuộc về họ. Tôi tôn trọng nỗ lực của người ta chứ, như là tôi tôn trọng chính mình vậy. Nhưng mà, cái ấn tượng ấy cũng dễ dàng bị lu mờ đi, trước cái dáng vẻ ấy, rằng anh ta quá béo, và cái nhìn của anh ta ở đâu đâu. Không phải lỗi của anh ta. Anh ta bị lé.

Tôi không giới thiệu với ai về học vị của mình. Tôi không tự hào. Tôi thấy đau khổ. Tôi thấy đau khổ đến bây giờ.

--
Còi Cọc bảo muốn có và sẽ học một nhạc cụ. Cái trống diemjbe gì đấy, tôi nghĩ mình viết sai rồi, nhưng cũng lười tìm lại từ đúng. Một loại nhạc cụ của thổ dân Châu Phi. Tôi chẳng biết bên trong bạn ấy cũng có âm thanh, cũng có ti tỉ cái muốn có mà hầu hết là nửa đời người vẫn chưa có nổi cái nào - và rồi thế vẫn mãi có lý do để chần chừ có được cái mình muốn, trừ những chuyến đi. Trong ti tỉ những cái đó thì có cái trống của Châu Phi. Tại sao không phải một cây đàn violin hay ghi ta mà lại là một cái trống của thổ dân? Tôi vô năng trong âm nhạc, tôi có nghe nhạc, dù không nhiều, và cũng dễ cảm, dễ rung trước những giai điệu, lời ca mà vào khoảnh khắc ấy tôi thấy chúng tuyệt vời (và chỉ cần một khoảnh khắc đó, chúng khả dĩ mãi tuyệt vời đối với tôi) nhưng đại để nếu hát thì tôi hát không hay, lúc nào cũng sai nhạc và những nốt, những tông, những âm.. trong các bản nhạc, trong các loại nhạc cụ đối với tôi rối rắm như các phép toán. Tôi sợ. Nhưng giả có tưởng tượng cảnh mình chơi được một loại nhạc cụ nào đó, hẳn tôi sẽ thích làm màu với một cây violin hay một cây đàn uke nhỏ xinh. Trong những kiểu sở thích nếu thoạt có giống nhau thì giữa tôi và bạn ấy cũng thường khác nhau như vậy. Hầu như luôn luôn.

Có lúc tôi nghĩ đến những năm tháng xa thật xa, khi bạn ấy còn là một cô bé, ăn nhờ ở đậu nhà cô dì chú bác, người ta tiếc bạn ấy cả những hạt cơm. Nhưng rồi bạn ấy vẫn lớn lên, tâm hồn ngay thẳng, không vương oán hận. Tôi có đồng cảm với tuổi thơ côi cút ấy không? Khi kể với tôi, đó là những lời vắn tắt, những lời cụt ngủn như một tin vắn trên những tờ báo buổi sớm. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, chưa kịp xúc động. Nhưng, theo thời gian, sau những lần nghe “..sẽ…sẽ…” và rồi sau đó là “…chưa…chưa…” từ bạn mình thì tôi lại thấy buồn, có đôi khi lướt qua là cảm giác giận dữ, nhưng tôi thấy buồn nhiều hơn. Có những ước mong nào đến từ những năm xa rất xa ấy... Người ta bỏ qua những thứ họ muốn, trong thời gian, họ vẫn không ngừng ao ước, và rồi lại tiếp tục bỏ qua chúng, trong thời gian… Những ước mơ nối dài, nối dài những mộng tưởng không thành. Và người ta an ủi nhau, có ước mơ là tốt rồi…

Tôi nói sẽ mua cho Còi Cọc một cái kèn harmonica (bạn ấy cũng muốn có một cái kèn harmonica). Nhưng tôi chẳng biết là khi nào. Bạn ấy bảo tôi hãy tận hưởng cuộc sống. Tận hưởng cuộc sống. Trong khi mua một cái kèn harmonica cũng khiến tôi băn khoăn. Tôi nhớ có lần khi một cuộc trò chuyện rơi rụng ở điểm mà Còi Cọc chốt lại “Ừ, bạn hiểu”, tôi nói với bạn ấy, đại loại: trong các bộ phim Mỹ, hay có cảnh một nhân vật đang khủng hoảng nói về vấn đề của mình, người kia sẽ bảo: “Tôi hiểu”; và nhân vật ấy hỏi lại “Anh/cô hiểu thật sao?”, người kia cuối cùng sẽ nói “Tôi đồng ý, tôi không hiểu”.  Sau đó, họ sẽ nhìn nhau một khắc rồi một người bỏ đi, một người nhìn theo… Tôi nói xong, Còi Cọc đặt một câu hỏi, hơi dè dặt. Và tôi biết là bạn ấy chẳng hiểu gì.

--
Tháng 11, Sài Gòn vẫn hai mùa mưa nắng. Sắp hết năm, không có dự tính nào thành. Dự tính nào cũng thật ngây thơ. Tôi bắt đầu ngây thơ hay bắt đầu già? Ngày sắp hết, năm sắp hết. Thời gian nào cho bốn mắt ta xanh?

-- 

(Những câu in nghiêng được nhặt nhạnh, 
không theo thứ tự, từ trong một bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...