Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Cuối tuần dzui dzẻ


Rời khỏi rạp chiếu phim, tôi hơi phân vân giữa việc đi thẳng về nhà hoặc tạt ngang một hiệu sách nào đó. Tôi nghiêng về hướng thứ nhất. Chỉ mới hơn ba giờ chiều và ánh nắng vẫn gắt gao như đang giữa trưa. Sài Gòn đã đi qua mùa mưa, dù thi thoảng ở những mạn ngoại ô, trời vẫn có mưa khi đêm xuống. Bây giờ nắng thường vàng ươm trên mọi nẻo đường, hầu như trong cả ngày, trừ những đoạn còn nhiều cây xanh tỏa bóng mát.

Tôi nghĩ sẽ đi thẳng về nhà nhưng đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ, tôi lại rẽ phải. Trong đầu nghĩ đến hai cuốn sách mỏng mới phát hành dạo gần đây. Chỉ hai cuốn sách mỏng thì không có gì là quá nhiều. Đi thẳng một đoạn và lại tiếp tục rẽ phải. Tôi biết mình muốn đi đâu dù lâu lắm rồi không còn thú lang thang ở những nhà sách. Tôi hỏi, phải đến hai lần, với hai nhân viên khác nhau, rằng tôi cần phải để giỏ xách của mình ở đâu. Tôi nhớ luôn có nhiều hàng hộc tủ ở đây, bạn tự tay mình cất giỏ xách và khóa lại. Mất một lúc thì tôi thấy ra là không gian bên hông nhà này, phía trong thường dùng làm nơi để xe, phía ngoài một bên treo những kệ hộc tủ, một bên thường để một cái bàn để linh tinh những vật dụng dùng để gói quà, cái chỗ ấy bây giờ bày đủ các loại sách. Giá bán giảm từ 40% đến 70%. Và nhân viên bảo bạn có thể mang giỏ xách vào bên trong.

Không gian này tuy không quá sâu so với mặt đường nhưng hẳn được thiết kế làm hầm giữ xe, thế nên nó hơi bít bùng. Mấy cái quạt công nghiệp đang hoạt động hết công suất thì bạn vẫn có cảm giác nóng hầm hập khi ở trong đấy. Dẫu sao mấy con số phần trăm giảm cũng khá hấp dẫn. Tuy vậy sách bày biện khá lộn xộn, bốn hàng dài với những tấm biển viết phần trăm giảm ngăn giữa những hàng sách theo từng mức. Tôi cũng đoán mình không thể tìm thấy hai cuốn sách định mua. Song đống sách văn học vẫn đủ níu giữ sự chăm chú của tôi. Hầu hết là những tác phẩm văn học kinh điển, đa số dày đến rất dày, xuất bản từ vài năm trước. Tất cả được giảm ở mức 50%. Tôi nhìn thấy một loạt tinh hoa văn học ở đây: Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy, Những người khốn khổ, Bá tước Monte Cristo, Bà Bovary, Những chàng lính ngự lâm, Trà hoa nữ, Tội ác và trừng phạt…

Tôi chú ý đến những tác phẩm của Dostoyevsky. Tôi nhớ hồi đọc Những màu khác, những dòng văn của Orhan Parmuk đã khuấy động trong tôi ý muốn đọc tác phẩm của nhà văn Nga ấy. Tội ác và trừng phạt, Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Caramazov, cả ba cuốn đều ở đây, với độ dày đáng nể. Và tôi cũng lại nhìn thấy Tiếng chim hót trong bụi mận gai mà đã bao lần tôi lỗi hẹn. Trong khi phân vân về Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Caramazov. Và tôi cũng chợt nhìn thấy Trở về Eden mà mới ngày hôm qua tôi còn hỏi bạn mình đã đọc qua chưa, dù những câu chuyện lẫn lộn yêu hận tình thù kiểu điện ảnh kịch tính thường không thuộc “gu”  đọc của tôi. Và còn kia là Tất cả những dòng sông đều chảy, còn kia nữa là Bông hồng vàng và Bình minh mưa, và kia nữa, khiêm nhường nhưng vẫn đầy mê hoặc là Đồi gió hú…

Hầu hết những tác phẩm kinh điển đang được bày bán ở đây, người ta dường như không thể không trộm nghĩ, sau khi đã cầm trên tay và lật giở vài trang sách, rằng khi xuất bản hẳn chúng đã không được đội ngũ xuất bản ưu ái đầu tư, ít nhất về mặt hình thức. Những trang bìa đơn điệu, đôi khi như đóng khung trí tưởng tượng của độc giả vào những hình ảnh mặc định nào đó, đôi khi làm người ta dễ liên tưởng là chúng được in một cách tùy tiện. Dù sao, cái đáng buồn hơn là ở chất lượng giấy in. Đa số trung bình và với tôi thì điều này vẫn có thể chấp nhận, như những trang bìa buồn tẻ của chúng. Nhưng kém, đến mức có khi là tệ hơn cả sách lậu thì lại khác. Tôi định  chọn  Đồi gió hú, dù sao thì bản dịch của Mạnh Chương cũng khác với bản dịch của Dương Tường (tôi nghĩ bản của Dương Tường chính là bản trước đây tôi đã đọc). Và Bà Bovary, chỉ vì đã biết nhiều về cốt truyện mà tôi cũng lỗi hẹn với tác phẩm từ rất lâu. Hai cuốn sách cũng khá mỏng. Nhưng chất lượng giấy in tồi tệ, mỏng dính và những hàng chữ lem nhem mờ nhạt. Tôi có suy nghĩ là, nếu chỉ vì ham rẻ mà mua thì như là tôi đang xúc phạm đến bản thân hai tác phẩm này vậy.

Cuối cùng tôi trở lại với Dostoyevsky. Tôi chọn Anh em nhà Caramazov, tác phẩm mà tôi hầu như chưa biết gì. Và Tiếng chim hót trong bụi mận gai, như bước một bước đến lời hứa hẹn sẽ đọc với chính bản thân mình. Tôi hơi tiếc nhiều cuốn khác. Nhưng tôi quyết định là sẽ không vội vàng. Dù sao thì tôi sẽ mất nhiều thời gian cho hai cuốn đã mua. Và tôi nghĩ đến hai cuốn sách mỏng mình định mua. Có thể tôi sẽ tìm thấy chúng trong khu nhà chính.

Khi thanh toán tiền, tôi nói với thu ngân là tôi muốn vào trong và xem những sách khác, những sách mới xuất bản. Cô hơi nhăn mặt, nói rằng tất cả chỉ có bấy nhiêu, nghĩa là trong cái hầm ấy, tôi đã xem đủ rồi. Tôi hơi nhìn lên trên lầu và bấy giờ mới nhận thấy, không gian trước đây là rất nhiều kệ sách giờ đã là một gian bán hàng điện tử. Ở dưới trệt này phía trước chủ yếu là trưng bày lịch để bán, phía bên trong là những hàng kệ xếp những loại sách dường như cho thiếu nhi, mấy loại sách kiểu tập đánh vần hay tô màu...

Trong khi thanh toán tiền, tôi lại hỏi: lúc trước ở đây bán rất nhiều sách, bây giờ không bán nữa à? Cô thu ngân vẫn nhăn mặt, nói vắn tắt, đượm vẻ lúng túng: không, không có bán. Tôi không thể không nghĩ, hẳn là nhà sách đã trả lại phần lớn mặt bằng (có phải họ đang tiến hành thanh lý phần còn lại hay dù sao cũng sẽ tiếp tục kinh doanh với phần mặt bằng khiêm nhường hơn trước) và cô nhân viên này, tôi chẳng thể nào thấy không ưa cô, khi tôi nghĩ hẳn tâm trạng cô không vui chỉ vì tôi gợi nhắc đến thực tế này của nhà sách chăng? Đã rất lâu tôi không quay lại đây. Và có những thứ đã đổi thay trong khi tôi vắng mặt. Tôi thấy hơi buồn. Kiểu đổi thay này giống như một sự mất mát.
 ...

Suất chiếu phim vào giữa trưa không ngờ vẫn thu hút rất đông người xem. Đến địa điểm thứ ba theo chỉ dẫn thì tôi mới gửi được xe. Trong khi cuốc bộ một đoạn ngắn giữa trời nắng, sau khi băng qua đường, tôi bắt đầu nghĩ sau này sẽ đoạn tuyệt với rạp chiếu phim này. Tuy không đến trễ so với giờ chiếu nhưng muộn hơn 5 phút so với giờ hẹn. Nó khiến tôi ái ngại, nhất là khi nhìn thấy bạn mình ngồi thu lu với vé và bắp rang bơ đã mua sẵn.

Trong lúc ngồi chém gió về ý tưởng rạp chiếu phim dành riêng cho tuổi trung niên vừa bột phát, tôi cảm nhận không khí ở xung quanh mình. Dù hãn hữu mới đặt chân đến rạp, ở nơi này chẳng có sự thay đổi nào đáng kể. Vẫn đa số là những người còn rất trẻ, trong lứa tuổi học sinh sinh viên và/hoặc ba mươi tuổi đổ lại. Phục sức hiện đại phối hợp với những kiểu tóc Hàn Quốc hợp mốt. Đa số đều trang bị cho mình một chiếc di động màn hình lớn. Trong khi ngồi đợi đến giờ chiếu, nhiều người chăm chú vào cái thế giới trong màn hình ấy. Và trong khi xếp hàng chờ soát vé, họ cũng tranh thủ chụp ảnh “tự sướng” với nhau. Bạn cũng thấy rất nhiều những bước chân vội vã, không ngừng đi qua đi lại và những rầm rì to nhỏ. Tất cả tạo nên một hợp âm tương đối ồn ào nhưng không thể nghe rõ âm thanh nào với âm thanh  nào, như có một bầy ong ở trên đầu bạn. Sự yên lặng chỉ bắt đầu khi bạn đã yên vị tại vị trí ngồi xem trong rạp. Và khi phim bắt đầu chiếu.

Lần gần đây nhất đi xem phim, tôi nhớ lại, chẳng may ngồi gần một thanh niên có vấn đề với mùi cơ thể. Không thể không nghĩ là cậu ta đã đến rạp xem phim, với một người bạn tôi không rõ là nam hay nữ, mà chẳng buồn ý thức về sự sạch sẽ. Khủng khiếp hơn nữa là thứ mùi toát ra theo đường thở của cậu. Để né tránh, tôi gần như phải ngồi nghiêng hẳn về một bên, ở một tư thế (làm sao mà có thể ở nguyên mãi một tư thế mà không mỏi cơ chứ). Có lúc tôi nín thở (và làm sao mà người ta có thể không thở mãi cơ chứ). Cứ phảng phất trong không khí, và mỗi khi cậu ta chuyển động thì mùi hôi khẳm theo đó tăng lên. Tôi phải dùng tay làm bộ hững hờ đặt lên mũi của mình suốt buổi. Cố mà chịu trận. Trong khi đó thì sự hứng thú theo dõi phim gần như hoàn toàn phá sản. Thế nên ngay khi thấy rằng lần này ngồi một bên cạnh của mình là một đứa con nít thì tôi thở phào nhẹ nhõm.

Big Hero 6 không quá đặc sặc về cốt truyện, có vài tình tiết tôi cho là khai thác chưa đủ sâu, thiếu hẳn yếu tố bất ngờ gây kịch tính , và cả những pha hành động cũng chưa đủ mãn nhãn dù đồ họa rất đẹp. Nhưng sự đáng yêu của Bay Max khả dĩ xí xóa toàn bộ thiếu sót đó. Nếu trong Frozen có Olaf cũng là kiểu nhân vật bạn đồng hành đáng yêu nhưng bên cạnh Olaf, dàn nhân vật chính vẫn rất nổi bật và người xem có thể chia đều tình cảm của mình cho dành cho tất cả bọn họ hoặc thích nhân vật này hơn nhân vật kia thì trong Big Hero 6, tôi nghĩ Bay Max là nhân vật có khả năng độc chiếm mọi tình cảm của người xem. Ngoài ra thì vẻ ngoài của Hiro gợi nhắc tôi nhớ đến Hiccup trong Bí kíp luyện rồng của hãng Dreamworks. Tôi không muốn bình luận quá nhiều về phim, sợ rằng sẽ sa đà vào một màn giới thiệu dài dòng.

Chúng tôi xem phim rất vui vẻ dù có hơi thiếu tính kết nối. Trên đường về, tôi tạt qua nhà sách. Sự thay đổi của chốn cũ đọng lại trong tôi chút cảm giác trống trải nhưng việc mua được hai cuốn sách sau đó cũng lấp đầy sự trống trải ấy...

Trên đường về, tôi cũng thoáng nhớ đến cậu con trai tôi gặp trong cái hầm để sách kia. Không phải nhớ dáng vẻ của cậu ấy, không thể nhớ nổi vì tôi không nhìn cậu quá năm giây. Tôi nhớ câu hỏi của cậu ấy. “Bạn có biết tìm mấy cuốn của John Maxwell ở đâu không?”. Cậu ấy chỉ  mới ngoài hai mươi là cùng. Tôi chỉ biết trả lời là tôi không biết, tôi chỉ vừa mới đến đây. Kỳ thực cái tên John Maxwell không gợi cho tôi điều gì cả, ngoại trừ nhà văn Coetzee nhưng chẳng ai gọi không Coetzee là John Maxwell cả. Và dù chỉ trong khoảnh khắc thì trực giác của tôi nói với tôi rằng, cậu con trai này hẳn đang tìm sách dạy kỹ năng, kiểu như tư duy lãnh đạo hay học làm giàu… và John Maxwell mà cậu đang tìm kiếm không thể là John Maxwell Coetzee của Giữa miền đất ấy đầy ám ảnh cô độc được. Nhưng mà, cái chính của chuyện này là, tiếng “bạn” của cậu ấy làm tôi thấy dễ chịu làm sao, hị hị…

Đừng buồn nữa nhá…
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa (LQV)

Thứ bảy, 17.11.2014

4 nhận xét:

  1. Tôi bị nghiện tiểu thuyết Haruki Murakami. Vi Phong có vậy không? Và mỗi lần đọc tôi lại nhớ đến kiểu của bạn. Thật trùng hợp khi hôm nay là một bải nhạc Nhật. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không cảm thấy mình nghiện tiểu thuyết Haruki Murakami. Tuy nhiên tôi cũng không ngần ngại đọc, dù không theo kiểu phải đọc bằng được. Tôi thấy vài người hay phát biểu rằng họ sợ thế giới trong tiểu thuyết của ông ấy. Tôi cũng không rõ có phải vì bản thân tôi là người đọc tỉnh táo không, hay vì tôi chưa đọc thứ nào thực sự đáng sợ, nhưng những gì tôi từng đọc thì tôi không có cảm giác sợ ấy, nếu không muốn nói rằng, thật ra tôi thấy khá nhẹ nhàng, kể cả dù có buồn đi chăng nữa. Để nói hết về suy nghĩ của mình về câu hỏi của bạn thì cũng thật khó nhỉ. Dù sao, tôi nghĩ ngày nay không có nhiều tác giả có thể làm xao động tâm hồn người khác (dù theo cách nào). Nên, Haruki Murakami vẫn là một sự lựa chọn tốt nếu muốn tìm kiếm cảm xúc trong tâm hồn (tôi nghĩ vậy, ít nhất cho đến lúc này).

      Mà, kiểu của tôi là kiểu gì vậy : )

      Xóa
    2. À! Đó là kiểu tự sự nhẹ nhàng. Thế giới trong tiểu thuyết của ông ấy thực ra mới lạ chứ không đáng sợ. Sự mới lạ đó đôi khi tôi thấy nó có sẵn sâu trong tâm hồn mỗi người nhưng chưa được gọi tên.
      Có lẽ hơi khó hiểu, nhưng đó là quan điểm cá nhân tôi.
      Và "thật ra tôi thấy khá nhẹ nhàng, kể cả dù có buồn đi chăng nữa". :)

      Xóa
    3. Nghe bạn nói "bị nghiện", tôi nghĩ bạn phải bị ám ảnh sâu sắc, không nghĩ là bạn cảm thấy "nhẹ nhàng". Tôi mới đọc vài cuốn của Haruki Murakami. Tôi thấy chúng có những điểm giống nhau, thay vì mới lạ. Và sự giống nhau cũng có thể đặt trong tương quan với những tác phẩm của những nhà văn Nhật khác. Dù sao, đến nay tôi vẫn ưa thích sự tinh tế trong văn chương Nhật. Và so với những tác giả Nhật tôi đã đọc thì tác phẩm của Haruki thường có độ sâu hơn cả.

      Vài lời chia sẻ với bạn. À, dường như cũng là lần đầu có người nói nhớ kiểu của tôi và đó là kiểu "tự sự nhẹ nhàng" : )

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...