Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Muốn nuôi một chú chó (2)


Khi nói một chú chó, thật ra ý tôi muốn nói đến một… cô chó. Như một cô em gái hoặc một cô con gái. Khác với phần lớn phụ nữ mà tôi biết, bao gồm trong quan hệ bạn bè và trong gia đình, khi đề cập đến con cái, trước tiên tôi luôn nghĩ đến một cô con gái (lẽ dĩ nhiên con nào cũng là con và có cả hai, một trai, một gái thì càng tốt thôi). Nhưng, dẫu sao, một cách cảm tính, tôi vẫn thích có một cô con gái hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi rất nhanh chóng loại trừ suy nghĩ sẽ nuôi một chú chó giống cái. Tôi không có ý định và cũng không có điều kiện sở hữu một gia đình nhà chó, càng không có ý muốn nhân giống vật cưng của mình vì mục đích kinh doanh. Nuôi một chú chó, theo đúng nghĩa của từ này, phù hợp với mong muốn của tôi hơn. Và giả sử mong muốn này trở thành sự thực, khả năng chắc chắn là tôi sẽ tiến hành triệt sản chú chó của mình. Triệt sản một chú chó đực sẽ đơn giản và ít đau đớn cho nó hơn. 

Đó là sau khi tìm hiểu một chút về thế giới của những chú chó, tôi mới có một trong những suy nghĩ như trên. Trước đó, tôi cũng mù tịt về loài này. Mặc dù chó cũng như mèo, xuất hiện từ trong tuổi thơ của tôi. Chủ yếu là chó cỏ và vài con becgie. Không thể nói rằng chúng dễ thương. Nếu không muốn nói những con becgie to lớn có thể làm người khác sợ như thế nào. Chúng ăn thịt sống và ăn nhiều, lúc nào cũng rất hung hăng. Những chú chó cỏ thì bẩn thỉu, buồn bã, số phận sau cùng thường là bị giết làm thịt. Trong quá khứ và có lẽ đến bây giờ, tình trạng này không thay đổi nhiều trên mọi miền đất nước. Đôi khi nghĩ đến chó, trong đầu tôi vẫn hình dung ngay đến những con vật tôi biết từ ngày bé ấy. Có thể nói kinh nghiệm của tôi về loài chó bị giam cầm trong ký ức ấy, vô cùng ít ỏi.

Tôi cũng nhớ hồi đại học có một người bạn. Cô ấy khá gần gũi với loài vật. Trong giai đoạn đau buồn khi mất đi tình yêu, cô nhận nuôi một chú chó nhỏ. Việc này an ủi cô ấy rất nhiều. Hổi ấy, thi thoảng tôi ghé thăm cô, vẫn nhìn thấy cô ấy ôm ấp và hôn hít chú chó. Bây giờ nghĩ lại, tôi đoán có lẽ đó là giống chó gấu, khi còn nhỏ cũng rất bụ bẫm đáng yêu. Chú ta thường sủa nhặng xị mỗi khi tôi đến và có lẽ do được nuông chiều, chú ta có khuynh hướng cắn xé lung tung. Tôi hơi sợ, chưa bao giờ dám chạm vào chú ta. Có điều có thể vì tôi không có phản ứng nào, thế nên chú ta cuối cùng cũng ngừng sủa. Có lúc vào buổi trưa, bạn tôi lăn ra ngủ. Chú ta ở bên cạnh, thi thoảng lại dòm tôi. Tôi mãi giữ im lặng, chú ta cũng im lìm, dáng vẻ tiu nghỉu, buồn hiu. Một lần khác tôi chứng kiến bạn mình trong lúc không vui, đã cho chú chó nhỏ của mình một đạp khi chú ta chạy đến bên cô. Và có vẻ như nếu không vui thì cô ấy cũng sẵn sàng trừng phạt chú chó như bắt nó nhịn ăn. Tôi nhận ra tuy cô ấy yêu chú chó nhưng có lẽ đó là một kiểu tình yêu tương đối thực dụng, vì bản thân cô nhiều hơn là vì chính chú chó. Sau này, chú chó bị anh trai của cô đem bỏ đi. Cô khá đau buồn khi kể lại cho tôi nghe. Không ai trong chúng tôi biết về số phận của chú chó ấy nữa.

Làm lành với hôn nhân – Elizabeth Gilbert



(Dạo mua quyển sách này có lẽ cái mà tôi nhắm đến lại là quyển Ăn, cầu nguyện, yêu – có thể được xem như là phần trước của nó. Thế nhưng, trong khi đi qua đi lại, lúng túng trước rất nhiều kệ sách, gần như không biết phải chọn ra quyển nào thì tôi nhìn thấy Làm lành với hôn nhân. Đọc đôi ba dòng giới thiệu, tôi quyết định sẽ tìm Ăn, cầu nguyện, yêu đọc trước. Nhưng quyển này đã được xuất bản cách đó khá lâu và có vẻ như không có mặt ở nhà sách nữa. Và có vẻ như cuối cùng, vì nản lòng, tôi đã bước ra khỏi nhà sách với Làm lành với hôn nhân

Tôi có một hình dung sơ lược về phần trước của nó, tức là quyển Ăn, cầu nguyện, yêu. Tất nhiên không có gì là phức tạp trong việc nối kết hai phần này với nhau. Sự thực là chúng ta có thể đọc chúng một cách riêng biệt. Không phải là một câu chuyện có nhiều lớp lang, nhân vật hay tầng sâu ý nghĩa. Quyển sách cung cấp những thông tin thú vị về phong tục hôn nhân ở vài nơi trên thế giới. Lồng trong đó là quan điểm suy nghĩ của tác giả. Trên hết là câu chuyện của chính cô ấy, người trải qua cú sốc ly hôn ở độ tuổi không còn trẻ và đang đi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, bắt đầu bằng việc chữa lành những vết thương, củng cố lại niềm tin trong tâm hồn mình. Cô là một nhà báo – nhà văn của Mỹ. Tôi thích những suy nghĩ, quan niệm của những kiểu phụ nữ như cô – kiểu phụ nữ có sự độc lập trong đời sống, được thừa hưởng sự giáo dục, được hun đúc bởi môi trường mà cô sinh sống để rồi có được những ý thức rõ rệt về giá trị bản thân. Đó không phải là điều mà mọi phụ nữ trên thế giới được thụ hưởng dù họ xứng đáng đến đâu. 

Những gì được viết ra bởi tác giả nữ này có thể nói là rõ ràng, dễ hiểu và giàu ý nghĩa như kiểu một cuốn sách dạy về giá trị cuộc sống. Ngòi bút của cô tỉnh táo. Những suy nghĩ của cô đủ thực tế để không tạo sự huyễn hoặc cho chính mình hay cho độc giả. Nhưng ngòi bút ấy cũng không tách rời tình yêu, cốt tủy của mọi giá trị nhân văn. Vậy nên, sự tỉnh táo cần thiết ấy cũng chỉ là phương tiện để nhìn rõ trái tim, nhìn rõ đời sống và rồi trả lại đời sống sự nguyên bản của nó. Từ đó chữa lành những vết thương và mở lòng trước hạnh phúc…)

…lẩn khuất đâu đó bên dưới bề mặt êm ả ban đầu, mọi mối quan hệ mật thiết đều chứa đựng những cơn sóng ngầm có khả năng tạo nên một thảm họa mang tính hủy diệt – tr. 23.

 …hôn nhân là một nơi đi vào dễ hơn trăm ngàn lần thoát ra. Vì không bị ràng buộc bởi pháp luật nên những cặp đôi yêu nhau nhưng chưa kết hôn có thể chấm dứt mối quan hệ tồi tệ bất cứ lúc nào. Nhưng các bạn, những người đã kết hôn hợp pháp đang muốn thoát khỏi một tình yêu bất hạnh - có thể nhanh chóng phát hiện ra rằng một phần không nhỏ trong  hôn nhân của bạn phụ thuộc vào nhà nước, và rằng có khi bạn phải đợi rất lâu mới được nhà nước cho phép bỏ đối phương. Vì vậy, bạn có thể thấy mình bị mắc kẹt nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trời trong một mối quan hệ ràng buộc bởi pháp lý, không còn tình yêu, cảm giác chẳng khác gì một tòa nhà đang bốc cháy. Một tòa nhà bị bốc cháy trong đó bạn, bạn thân mến của tôi, bị còng tay vào một nơi nào đó dưới tầng hầm, không thể giật còng để thoát thân, trong khi khói bốc lên cuồn cuộn và xà nhà đang sập xuống… - tr.23-24.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Tiến sĩ của tương lai


Cách đây khá lâu, cậu ấy nói với tôi: hy vọng tôi vẫn tiếp tục học, học lên tiến sĩ. Lúc bấy giờ tôi đã cảm nhận sâu sắc việc học lên cao không phù hợp với mình. Tôi lặng lẽ nói không. Cậu ấy thì rất hăm hở. Quá trình của chúng tôi khác nhau, mục đích động cơ cũng khác nhau. Tôi đơn thuần hơn nhưng cũng quyết liệt hơn. Sau đó luôn cảm thấy buồn phiền mỗi khi nghĩ về. Kết quả là không muốn đi lại con đường trước đây.

Chúng tôi không gặp nhau. Cậu ấy sống và làm việc ở Cần Thơ, nơi cậu ấy cho rằng người ta sống chan hòa tình cảm hơn thành phố này. Tôi thì vẫn ở chỗ của mình, vật vã với đời sống trì trệ. Thi thoảng cậu ấy gọi điện. Có những cuộc nói chuyện dài. Cậu ấy vẫn vậy. Là một thanh niên tương đối hiền lành. Luôn tập tành thích nghi với đời sống, thường nói về hiện thực thối nát – từ mà cậu dùng -  trong ngành nghề của mình với thái độ chấp nhận, và xây dựng tôn chỉ sống làm sao để không ai ghét mình. Tôi không có gì bất mãn với cậu. Khi có thể, vẫn khuyến khích, động viên cậu trong ý nghĩa mong cậu đạt được thành công mà cậu mong đợi. Chỉ là tôi không sống theo cách của cậu được. Có lẽ đến hôm nay tôi có thể chốt hạ là tôi cũng chẳng biết phải sống thế nào. Chỉ là cứ sống thôi, và không theo cách của cậu được.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Muốn nuôi một chú chó (1)


Dạo gần đây bỗng muốn nuôi một chú chó. Tuy viễn cảnh này rất ấm áp nhưng tôi cũng lại sợ chỉ là cơn sóng cảm xúc nhất thời. Người ta có thể rất muốn một điều gì đó vào ngày hôm nay và hôm sau, vẫn cái thứ từng làm người ta phát cuồng ấy, bỗng dưng trở thành một vật thể xa lạ và tất cả những gì còn lại chỉ là một khối băng ở trong lòng họ. Điều này dẫu sao cũng chấp nhận được thôi nếu chỉ là đối với đồ vật vô tri vô giác. Nhưng một chú chó là một sinh mệnh, khắc nghiệt hơn, luôn luôn mang thân phận của một đứa trẻ, số phận được định đoạt bởi bàn tay người chăm sóc. Tôi có thể nào bảo bọc cho một chú chó suốt cuộc đời nó không? 

Tôi e dè các loài vật nói chung. Tôi không lớn lên và cũng chưa từng sống với một em thú cưng nào trong gia đình. Có thể hồi còn ngoài Bắc, nhà tôi từng nuôi mèo. Nhưng ở quê, và nhất là thời ấy, người ta nuôi các con vật để khai thác đặc tính giống loài của chúng. Chó được nuôi để giữ nhà, mèo để bắt chuột, gà để lấy trứng, heo để lấy thịt… và tất nhiên, những con có thể lấy thịt được thì dù với chức năng chính là gì thì số phận của chúng cuối cùng vẫn là bị làm thịt thôi. Con mèo từng xuất hiện ở nhà tôi ấy, tôi cũng không chắc có phải là mèo nhà tôi không. Có thể chỉ là con mèo hàng xóm nhưng loài mèo thì hành tung có phần bí ẩn, thoắt ở chỗ này, thoắt ở chỗ kia. Cái chính là tôi nhớ có một con mèo đã nằm ổ ở nhà tôi, ngay trên phần gác trong phòng ngủ. Và rồi nó hạ sinh vài con mèo con. Có một con rớt xuống ở trước mắt tôi. Sinh vật ấy nhỏ xíu, trụi lông và nhầy nhụa. Tôi nhìn thấy và từ đó tôi sợ mèo. Tôi nghĩ khi ấy tôi ở vào tầm từ 5 đến 7 tuổi. Một kiểu ký ức không thể quên như thế, tôi đoán là vì tôi thực sự khiếp sợ. Nhưng chắc chắn là trước đó, trong máu của mình, tôi chưa bao giờ là một người có tình yêu nồng nhiệt với động vật. Tôi có thể thấy chúng dễ thương và không bao giờ muốn làm hại chúng nhưng gần gũi một vật nuôi nào đó là điều tôi chưa từng làm. 

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...