Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Tôi đợi ai cuối cuộc chơi này?

Buổi sáng ngày 24, trên đường đi qua một nhà tang lễ, tình cờ nghe được tiếng kèn đang thổi giai điệu bài Một cõi đi về của Trịnh, tôi dỏng tai nghe. Thì ra người ta có thể dùng bài này để tiễn người mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là một trong những bài hát buồn, đậm chất triết lý kiểu Trịnh, nghĩa là kiểu gì thì tôi cũng chẳng biết bởi có nghiên cứu gì về âm nhạc đâu. Nhưng cứ như người ta thường ví von “vô thường như Trịnh”, tôi nghĩ cũng không hẳn là người ta biết thế nghĩa là thế nào, người ta cứ ví von vậy thôi. Quan trọng là khi nói thế thì mọi người hiểu “kiểu Trịnh” có nghĩa “kiểu Trịnh” mà không phải “kiểu Trương” hay “kiểu Nguyễn”, vậy là đủ. Giữa đường sá láo nháo, tiếng kèn tạo nên những giai điệu không lời nghe thật mênh mang. Nó dễ khiến người ta phải nghĩ ngợi về cuộc đời, thế nào nhỉ, một nỗi đời có khởi đầu và kết thúc, ở giữa hai điểm ấy là những chuỗi ngày loanh quanh.

Trên đường, ở một ngã tư dừng chờ đèn đỏ, tôi lơ đễnh nhìn sang ngay bên phải mình. Đập vào mắt là chiếc giày nâu mới cứng. Mới đến độ mắt tôi cứ nhìn hoài, cứ như là chưa bao giờ thấy cái gì mới đến thế! Ngó lên chút thì lại thấy một ống quần jean cũng mới cứng. Nếu cái áo gió của anh này cũng mới cứng thì hẳn anh ta đã diện cả cây quần áo mới rồi mới phóng xe ra đường hôm nay. Nhưng cái áo gió không mới lắm, dù cũng chẳng cũ. Còn cái nón bảo hiểm, tôi không nhớ rõ lắm, chỉ mang máng nó có vẻ rất to, loại fullface, nom như ụp cái nồi cơm điện lên đầu ấy. Không hiểu sao đôi giày và cái ống quần jean quá mới lại thu hút sự chú ý của tôi đến thế. Đến giờ tôi cũng chẳng biết tại sao. Hồi xưa lâu lắm, thời học đại học, ghé nhà một cô bạn chơi. Tôi không còn nhớ đó là ngôi nhà nào của bạn ấy, vì sinh viên thì chuyển chỗ trọ nhiều nhưng hình như căn nhà nằm trong ngõ hẻm và khi về tôi phải qua nhiều ngõ hẻm khác. Khi gần ra đến đầu đường tôi tình cờ nhìn thấy một cậu sinh viên học cùng lớp, đang ngồi trên xe máy, vận một chiếc áo thun trắng, loại áo tay dài, form rộng. Có lẽ chúng tôi có chào nhau vài ba câu. Bây giờ tôi cũng không còn nhớ nữa, kể cả nét mặt cậu ấy khi đó. Nhưng tôi lại nhớ cái áo cậu ta mặc. Đúng hơn là nhớ cái giây phút nhìn thấy màu áo trắng khi ấy. Nếu so với ghi nhớ tên tuổi, dáng hình của một người, bao giờ tôi cũng nhớ những chi tiết lặt vặt, không rõ rệt, trong một giây phút bất đồ nào ấy thuộc về họ như thế tốt hơn. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại thế.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Phim hoạt hình (12)

Frozen (Disney, Mỹ)

Cũng khoảng thời gian này một năm về trước, bộ phim “làm mưa làm gió” tại Việt Nam cũng như quốc tế không phải phim nào khác mà chính là Frozen này đây. Dường như cũng lâu rồi tôi không xem một phim hoạt hình đậm chất cổ tích với màu sắc thần tiên như phim này, từ nền câu chuyện đến phong cách làm phim kết hợp nhạc kịch. Dễ hiểu là Frozen không những đại thắng về doanh thu mà còn ẵm luôn giải Oscar phim hoạt hình hay nhất năm ngoái (kể cũng đáng tiếc là phim không lặp lại được kỷ lục của Người đẹp và quái vật). Tôi nhớ có bạn mình xem xong cứ khen nức nở mãi. Cá nhân tôi thấy cũng bình thường thôi, dù có xem đi xem lại đâu cũng mấy lần (hơ hơ…).

Câu chuyện xảy ra tại một vương quốc gọi là Arendelle. Vua và hoàng hậu xứ này có hai người con gái, Elsa và Anna. Elsa mang trong mình sức mạnh tạo ra băng giá. Trong một lần chơi đùa, chẳng may cô bé làm bị thương em gái Anna. Vua và hoàng hậu phải nhờ các thạch yêu chữa lành cho Anna đồng thời xóa bỏ mọi ký ức của Anna về phép thuật của chị gái. Lo sợ không kiểm soát được sức mạnh của mình, từ đó Elsa nhốt mình trong phòng, mặc cho Anna bao lần đến tìm chị. Không bao lâu sau vua và hoàng hậu gặp tai nạn qua đời nhưng Elsa vẫn cự tuyệt tình cảm của em gái dẫn đến sự xa cách giữa hai chị em trong nhiều năm.

Đến năm 21 tuổi, Elsa đăng quang lên làm nữ hoàng. Cũng trong ngày đại lễ, Anna gặp hoàng tử Hans, được chàng cầu hôn và nàng lập tức đồng ý. Cho rằng em gái quá vội vàng, giữa Elsa và Anna xảy ra tranh cãi, không may sức mạnh của nàng bộc lộ và Elsa làm cả vương quốc chìm trong băng giá. Nàng bỏ đi, tự tạo một lâu đài tuyết sống ẩn mình trên núi. Anna giao vương quốc lại cho Hans và quyết tâm đi tìm chị. Trên đường đi, nàng gặp Kristoff, một thanh niên hơi thô lỗ nhưng nhân hậu, giàu lòng chính nghĩa cùng con tuần lộc Sven của anh ta (bạn tuần lộc này gợi người ta nhớ đến chú ngựa Maximus khó chịu nhưng cũng hài hước vô ngần trong Nàng công chúa tóc mây, một phim hoạt hình cũng lấy ý tưởng từ truyện cổ tích và có yếu tố nhạc kịch vào năm 2010 của Disney). Sau đó cả bọn còn nhập hội với người tuyết Olaf lắm lời nhưng ngây thơ, đáng yêu. 

Trải qua chặng đường vất vả nhưng khi tìm gặp được Elsa, Anna không những không khuyên được chị gái trở về mà còn bị thương. Vết thương lần này, theo lời thạch yêu, chỉ có nghĩa cử của một tình yêu đích thực mới cứu được nàng. Kristoff tức tốc đưa Anna trở về gặp Hans, không hay biết cái đang chờ Anna là một âm mưu thâm độc. Bản thân Elsa sau đó nhận được tin Anna đã chết vì mình, nàng vô cùng đau khổ… 

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nắng tháng tám - William Faulkner



Dù sở hữu một cốt truyện hấp dẫn: ban đầu (một phần do cách mà đội ngũ làm sách giới thiệu), bạn dễ nghĩ Lena hay Hightower là nhân vật chính, nhưng sau bạn nhận thấy nhân vật chiếm phần lớn tác phẩm là Joe Chirstmas, với cuộc đời phiêu bạt, chứa trong nó rất nhiều cay đắng, dục vọng, bạo lực, tội ác và cuối cùng là sự giải thoát; bên cạnh đó, những số phận con người, đa phần sống câm nín dưới bầu không khí dồn nén, ngột ngạt của nạn phân biệt chủng tộc, với không ít ám ảnh dày vò -  tôi thấy khá khó nhọc khi đọc tác phẩm này. Tôi đọc vào  mỗi cuối tuần hoặc những buổi tối và điều lạ lùng là cứ chỉ mươi trang thì tôi bắt đầu rơi vào trạng thái gà gật, dù việc đọc những cuốn sách có dung lượng lớn không hẳn quá xa lạ với tôi. Tôi được tặng cuốn này vào khoảng giữa năm nay. Và mãi gần đây tôi mới đọc xong.

Có lẽ bởi lối hành văn không hấp dẫn (với tôi): mang phong vị miền Nam, tuy khá chân chất nhưng vì lẽ nào đó, trong ngôn từ vẫn có sự trúc trắc đôi khi rất khó hiểu. Hoặc hiện thực khắc nghiệt (khiến tôi không thể không nghĩ vùng Jeffferson trong truyện hẳn giống với hoang mạc, bị thiêu đốt dưới ánh nắng mặt trời, chẳng có gì mọc nổi, khắp nơi chỉ là cát nóng bỏng, khô nghiệt, y như tâm hồn của dân xứ này). Dường như ít tìm thấy tình yêu trong Nắng tháng tám, dù hẳn là có chứ, ít ra với Byron và Lena, dù có ít biểu lộ bằng ngôn từ chăng nữa. Hay do thủ pháp đảo thời gian, đặc biệt khi càng về cuối tác phẩm, khiến vài tình tiết trở nên càng khó nắm bắt. Tôi thấy mơ hồ về cái chết của những nhân vật. Và tôi cũng không nhìn thấy thứ ánh sáng như lời bạt nhắc đến. Khi gấp cuốn sách lại, tôi chỉ nghĩ kết thúc có một tia hy vọng nào đó. Nhưng cụ thể là gì thì tôi không biết. Đọc lời bạt, tôi cứ liên tưởng đến một thứ ánh sáng choáng ngợp, lung linh và như là sẽ gột rửa tâm hồn người – kiểu ánh sáng tái sinh, sẽ xuất hiện vào khoảnh khắc kết thúc cuốn sách. Nhưng tôi đã lật qua hết những trang cuối tác phẩm mà chỉ bị những rối rắm làm trĩu mày. Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng của vầng hào quang.

Trong cuốn sách có in kèm hai bài viết của tác giả Nhật Chiêu, hẳn để độc giả có cái nhìn rõ về Faulkner và những sáng tác của ông . Tuy vậy, bài viết in ở phần đầu cuốn sách lại bất đồ tóm tắt toàn bộ nội dung của tác phẩm, trong khi Nắng tháng tám hàm chứa nhiều tình tiết mà độc giả nhẫn nại có thể từ từ khám phá theo từng trang sách. Cái tóm tắt ấy như kẻ phá bĩnh, cái bất ngờ trong diễn biến câu chuyện nếu có thì cũng đã mất đi rồi. Bài viết in ở phía cuối, điểm qua những nét chính trong sáng tác và đồng thời tóm tắt hai tác phẩm khác trong sự nghiệp của Faulkner, nhìn chung không liên quan gì đến Nắng tháng tám. Tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu người ta bỏ qua cái đoạn tóm tắt ở phần đầu kia đi và thay vì viết tản mác về những tác phẩm khác thì tập trung vào chính bản thân tác phẩm trong cuốn sách này, ngõ hầu giúp độc giả hiểu sâu hơn qua lăng kính người khác. Việc khái quát những tác phẩm còn lại trong sự nghiệp của tác giả, nếu muốn, có thể dành chúng cho chính tác phẩm ấy trong cuốn sách thuộc về nó. Dù thật thà cho rằng đây là tác phẩm khiến mình cảm thấy vất vả khi đọc thì chính mấy điểm này trong hai bài viết in kèm mới là điểm khiến tôi thấy đáng tiếc nhất.

…đám đàn bà có thể tốt bụng mà không thực sự có lòng trắc ẩn. Đám đàn ông bây giờ cũng vậy, có lẽ. Nhưng chỉ có những mụ đàn bà xấu tính mới có thể tỏ ra tốt bụng với một người đàn bà khác đang cần lòng trắc ẩn – tr. 27.

Con người. Tất cả mọi người. Nó sẽ khước từ cả trăm cơ hội để làm điều thiện chỉ cốt đổi lấy một cơ hội xía vào việc người khác mà không ai mở miệng yêu cầu. Nó sẽ bỏ qua và quên thấy các cơ may, các thời cơ để làm ra tiền tài, danh vọng và việc thiện, và đôi khi cả việc ác nữa. Nhưng nó sẽ không bao giờ bỏ qua một dịp nào để xía vào việc người khác – tr.42.

Con người biết quá ít về đồng loại của mình ! Dưới mắt chúng ta, đàn ông và đàn bà đều hành động dựa theo cùng những lý do thúc đẩy ngay chính chúng ta, nếu chúng ta điên khùng tới mức làm những gì mà họ đang làm – tr.71.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Cuối tuần dzui dzẻ


Rời khỏi rạp chiếu phim, tôi hơi phân vân giữa việc đi thẳng về nhà hoặc tạt ngang một hiệu sách nào đó. Tôi nghiêng về hướng thứ nhất. Chỉ mới hơn ba giờ chiều và ánh nắng vẫn gắt gao như đang giữa trưa. Sài Gòn đã đi qua mùa mưa, dù thi thoảng ở những mạn ngoại ô, trời vẫn có mưa khi đêm xuống. Bây giờ nắng thường vàng ươm trên mọi nẻo đường, hầu như trong cả ngày, trừ những đoạn còn nhiều cây xanh tỏa bóng mát.

Tôi nghĩ sẽ đi thẳng về nhà nhưng đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ, tôi lại rẽ phải. Trong đầu nghĩ đến hai cuốn sách mỏng mới phát hành dạo gần đây. Chỉ hai cuốn sách mỏng thì không có gì là quá nhiều. Đi thẳng một đoạn và lại tiếp tục rẽ phải. Tôi biết mình muốn đi đâu dù lâu lắm rồi không còn thú lang thang ở những nhà sách. Tôi hỏi, phải đến hai lần, với hai nhân viên khác nhau, rằng tôi cần phải để giỏ xách của mình ở đâu. Tôi nhớ luôn có nhiều hàng hộc tủ ở đây, bạn tự tay mình cất giỏ xách và khóa lại. Mất một lúc thì tôi thấy ra là không gian bên hông nhà này, phía trong thường dùng làm nơi để xe, phía ngoài một bên treo những kệ hộc tủ, một bên thường để một cái bàn để linh tinh những vật dụng dùng để gói quà, cái chỗ ấy bây giờ bày đủ các loại sách. Giá bán giảm từ 40% đến 70%. Và nhân viên bảo bạn có thể mang giỏ xách vào bên trong.

Không gian này tuy không quá sâu so với mặt đường nhưng hẳn được thiết kế làm hầm giữ xe, thế nên nó hơi bít bùng. Mấy cái quạt công nghiệp đang hoạt động hết công suất thì bạn vẫn có cảm giác nóng hầm hập khi ở trong đấy. Dẫu sao mấy con số phần trăm giảm cũng khá hấp dẫn. Tuy vậy sách bày biện khá lộn xộn, bốn hàng dài với những tấm biển viết phần trăm giảm ngăn giữa những hàng sách theo từng mức. Tôi cũng đoán mình không thể tìm thấy hai cuốn sách định mua. Song đống sách văn học vẫn đủ níu giữ sự chăm chú của tôi. Hầu hết là những tác phẩm văn học kinh điển, đa số dày đến rất dày, xuất bản từ vài năm trước. Tất cả được giảm ở mức 50%. Tôi nhìn thấy một loạt tinh hoa văn học ở đây: Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy, Những người khốn khổ, Bá tước Monte Cristo, Bà Bovary, Những chàng lính ngự lâm, Trà hoa nữ, Tội ác và trừng phạt…

Tôi chú ý đến những tác phẩm của Dostoyevsky. Tôi nhớ hồi đọc Những màu khác, những dòng văn của Orhan Parmuk đã khuấy động trong tôi ý muốn đọc tác phẩm của nhà văn Nga ấy. Tội ác và trừng phạt, Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Caramazov, cả ba cuốn đều ở đây, với độ dày đáng nể. Và tôi cũng lại nhìn thấy Tiếng chim hót trong bụi mận gai mà đã bao lần tôi lỗi hẹn. Trong khi phân vân về Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Caramazov. Và tôi cũng chợt nhìn thấy Trở về Eden mà mới ngày hôm qua tôi còn hỏi bạn mình đã đọc qua chưa, dù những câu chuyện lẫn lộn yêu hận tình thù kiểu điện ảnh kịch tính thường không thuộc “gu”  đọc của tôi. Và còn kia là Tất cả những dòng sông đều chảy, còn kia nữa là Bông hồng vàng và Bình minh mưa, và kia nữa, khiêm nhường nhưng vẫn đầy mê hoặc là Đồi gió hú…

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Làm một cái cây, chắc là hết phiền toái

 

Vừa mới hôm trước, còn rốt ráo lo phần báo cáo tập sự và chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm thì qua hôm sau, người ta bảo chúng tôi chưa đủ điều kiện thi lần này, rằng cái thời hạn 12 tháng phải kéo dài đủ đến 18 tháng. Tôi không biết mình buồn hay vui. Tôi chỉ cảm thấy, trước mắt tôi, cái lững lờ khó chịu của thời gian…

...
Lật vài trang ebook của tác phẩm “Bên cạnh thiên đường” (tác giả Quản Ngai) thấy có đoạn đối đáp này (hẳn giữa hai người bạn): 

- Sống thật vô nghĩa.
- Chết càng vô nghĩa hơn.
- Cũng phải.
- Kiếp sau làm cây đi, chắc là hết phiền toái ... 

Cảm giác hững hờ chán chường trong cuộc sống này có lẽ có thể gói gọn trong vài câu trao đổi ấy. Dĩ nhiên cuộc sống còn muôn vạn cảm xúc khác. Nhưng có khi người ta trống rỗng và uể oải như thế, sự vô nghĩa tràn ngập trong không khí, trong từng cử chỉ, lời nói, cái nhìn, điệu bộ, nét mặt… Người ta thu mình trong sự bất động, có lẽ đến nhìn bản mặt người yêu cũng thấy nhạt thếch.

Một lần tôi nằm mơ (mỗi lần tôi khởi đầu câu nói này đều có chút cảm giác ngại ngùng, cứ như là tôi chẳng có gì để kể ngoài cái việc nhảm nhất là ườn xác ngủ và rồi thì là lại nằm mơ). Có điều, nếu đúng như một nghiên cứu từng nói, rằng giấc mơ phản ánh mong muốn nội tâm của bạn, trong khi (hẳn là Osho) chỉ ra rằng giấc mơ thể hiện bạn đã tiêu hao quá nhiều năng lượng cho điều/người bạn mơ về, rằng có cái gì đó đang sai… thì một giấc mơ, dù mãi chỉ là mộng mị, hẳn cũng để lại trong bạn dư âm nào đó. Cũng thường là vô hại thôi.

Trong mơ, tôi thấy mình  đang hát, dù đứt từng câu một: “Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ… Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao… Xin sống lại tình yêu đơn sơ, rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa đường mòn xưa, dang nắng dầm mưa”.  Sự đứt đoạn ấy cũng dễ hiểu, tôi chỉ biết có mấy câu trong bài hát mà lâu lắm rồi tôi không nghe, không nhớ, chưa từng thuộc hết lời ấy. Còn thương rau đắng mọc sau hè. Tôi hơi tần ngần nghĩ đến những lần thi thoảng trong mình lại trỗi dậy cái ham muốn đi công viên và chơi các trò chơi. Khi bạn còn nhỏ, một giấc mơ phi thường được thực hiện có lẽ chỉ đơn giản là việc được bố mẹ dẫn đi chơi công viên. Trong sự ngưỡng vọng của mình, hẳn tôi đã nhìn công viên như ước mơ trở thành sự thật của các bạn nhỏ, cũng có thể nơi ấy là cỗ máy thời gian giữa đời thực, ở đó, người ta được, một lần rồi lại một lần, sống lại những cảm xúc trẻ thơ. Còn nhớ lúc trước đọc một bài báo viết về một tài tử điện ảnh Mỹ, người ta bảo bất kể yêu ai, nơi chốn hẹn hò anh ta luôn thích dắt bạn gái đến chính là Disneyland. Tôi không rành tâm lý đàn ông (tôi không rành tâm lý ai cả, trừ bản thân tôi và với bản thân mình thì cũng chỉ trong chừng mực nào đó mà thôi). Nhưng trong suy nghĩ của tôi khi ấy thì anh chàng như ảnh thật dễ thương.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Biết ra sao ngày sau


 Cuối cùng thì cái thông báo về một kỳ thi cũng xuất hiện.

Buổi sáng đó, tôi nằm mơ. Trong mơ dường như đã quay ngược lại cái thời còn đi học. Một kỳ thi học kỳ mà trong khi đang chờ thi những môn cuối, tôi phát hiện thì ra mình đã bỏ lỡ mất hai môn. Tôi nhìn lại lịch thi, trong một ngày thi cả sáng lẫn chiều, tôi đã bỏ qua hai môn vào buổi chiều. Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Một chữ “RỚT” treo tòng tenh trước mắt tôi. Khi tôi tỉnh dậy và nghĩ về giấc mơ đó, có cái gì như nói với tôi, cái cần xuất hiện sẽ xuất hiện vào hôm nay (tức là hôm qua, khi tôi ngồi gõ những dòng này). Và… đúng vậy, chính xác thì vào giữa buổi chiều ngày hôm qua (giá mà tôi mơ cái gì như trúng số, sau đó nó xảy ra, thì dễ có thể khoác lác và thấy giấc mơ ấy kỳ diệu biết bao - Nói raaa thiiiệt là đau looòng…).

Nếu từng nhẩm tính thời gian, tôi biết cái thông báo đấy phải xuất hiện vào tháng 7 rồi. Bây giờ là tuần đầu tiên của tháng 11. Trong cái việc này, thật ra tôi không có ý đợi. Có lúc tôi hơi mong mỏi nhưng thường là không. Phần vì, với tôi, nó là một cái gì đó cuối cùng sẽ đến thôi, sau những lình xình, những căng thẳng, cuối cùng thì họ cũng phải cho tiến hành cái cần phải được tiến hành, bất kể giờ đây những cái ghế ai đang ngồi… Nhưng sau đó, sau cái kỳ thi này, mà trong quá trình diễn ra cũng đã thấy trước sẽ không ít mỏi mệt (biết đâu chừng như giấc mơ đã cảnh báo, chữ “RỚT” đang treo tòng teng), mọi sự sẽ ra sao… Chẳng có gì hứa hẹn ở phía sau, chẳng có gì chờ tôi ở phía trước, không có đến cả một vì sao tín hiệu…. Như đi hết ngã tư này thì lại đến ngã tư khác, qua mùa nắng thì tới mùa mưa, qua ngày dài thì lại đến đêm thâu, tôi đã thôi không còn vọng tưởng: cứ đi đi, rồi sẽ có đường, cứ cố gắng đi, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp. Phần vì, cụ thể hơn, cái việc theo đuổi nghề luật sư dường như là việc tôi muốn làm, mà dường như có nhất thiết trở thành luật sư hay không thì cũng thế thôi. Trong cái việc này, tôi cho là mình gần như chuồi theo dòng số phận. Mà có lẽ cũng từ lâu, tôi ngẫm cái việc vùng vẫy để cố thoát khỏi một tình cảnh nào đó cũng chẳng thể đưa mình tới đâu. Tôi lại thấy, việc tìm đến một cái giếng cạn bỏ không, ngồi dưới đáy giếng, trầm tư mặc tưởng như cái tay Toru cũng hay hay. Dưới đáy giếng, cô lập, tĩnh lặng, đời vẫn trôi...

--
Hồi lâu có một cô bé từ đâu gọi điện cho tôi và mượn tôi cuốn luận văn về đề tài tôi từng làm. Tôi hơi ngạc nhiên, sau gần hai năm; sau gần hai năm, tôi lại nghĩ về đoạn thời gian đó. Nhớ lại trước đây một người từng bảo, đề tài tôi làm có thể mở hướng cho những đề tài sau này (khi bỏ đi một phương thức liên lạc, tôi đã quên phắt cô bạn này. Nhưng cái dạo ấy thì cô ấy đang yêu, hẳn cũng điên dại. Thế giới của người đang - yêu - điên - dại chỉ còn mỗi người mình yêu).

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Khi những người mẹ chọn cái chết


Khoảng những năm 2000 – 2004, khi còn ở tại một căn hộ lầu 3 trên đường Trần Hưng Đạo, có một sự việc tuy chỉ là nghe loáng thoáng từ những câu chuyện vãn giữa mẹ tôi và bác chủ nhà, song đến nay tôi vẫn còn nhớ.

Đâu đó trong một căn hộ ở những lầu dưới, có một người phụ nữ lập gia đình khi tuổi đã gần 40. Người chồng nhỏ hơn vợ vài tuổi. Người ta không thể nói về một trường hợp như vậy mà không ít nhiều thêm vào những suy nghĩ kinh điển trong xã hội: một người đàn ông cao lớn, khá đẹp trai như thế, lấy một người phụ nữ già và xấu thì cái việc cô ta có nhà (trong khi anh ta không có) hẳn là lý do chính của cuộc hôn nhân. Dù vậy bác chủ nhà không phải tuýp người khắc nghiệt. Bàn tán chuyện thiên hạ nhưng bác không quên bảo, tiếp xúc với người chồng, bác thấy anh ta là người hiền lành và chịu khó làm ăn. Tôi không nhớ mình từng chú ý đến những chi tiết có tính khởi đầu này về họ. Đối với tôi, họ chỉ là nhân vật trong một câu chuyện kể. Sự quan tâm (nếu có) còn ít hơn sự quan tâm đối với nhât vật hư cấu trong sách truyện.

Tôi không nhớ là sau đó bao lâu, tôi lại nghe được từ bác chủ nhà, chuyện người vợ mang thai. Cái chính là cô ấy mắc phải căn bệnh nào đó. Tôi nghĩ bác chủ nhà cũng không biết đó là căn bệnh gì. Chỉ biết người ta dự báo trước được cái chết của cô ấy. Và dường như việc mang thai và sinh nở làm cho căn bệnh ấy nặng thêm. Bác chủ nhà bảo có lúc cô ấy rất đau đớn nhưng vẫn quyết tâm sinh đứa bé. Bác chủ nhà bảo có lúc anh chồng nói với cô ấy, cô ấy đau chỗ nào thì anh ta sẽ hôn lên chỗ đó (có cái gì trong biểu hiện của bác chủ nhà và mẹ tôi khi ấy, dù sự thương cảm dành cho hoàn cảnh của cô ấy là chắc chắc, ở họ vẫn có cái gai người khi nhắc đến lời nói của anh chồng – kiểu như âm thanh “khiếp, khiếp” chúng ta phát ra mỗi khi có cái gì làm chúng ta rùng mình, nhưng bản thân từ “khiếp, khiếp” này mang nhiều sắc thái và không phải lúc nào chúng ta cũng đoán đúng  tâm trạng của người khác khi họ thốt ra cái từ ấy – bởi cùng lúc tôi lại thấy dường như họ đang tán dương người chồng). Tôi thoảng nghĩ về sự lãng mạn trong cách biểu hiện tình yêu của họ, song, ở những năm tuổi 15, 16, tôi đã biết hoài nghi – tôi không biết bằng cách nào, nhưng theo cách bác chủ nhà từng nói về họ, tôi thấy thật khó nghĩ người chồng có thể nói ra câu ấy, trong hoàn cảnh ấy (giờ đây khi nhớ về, tôi thấy mình thật phiến diện và tôi cũng thấy thật kỳ lạ, làm cách nào bác chủ nhà có thể biết được câu nói hết sức riêng tư như vậy giữa vợ chồng họ với nhau). Nhưng trong một câu chuyện thế này, điều bạn chú ý đến nhiều hơn là người mẹ và đứa trẻ - vì vậy mọi cảm nhận khác suy cho cùng đều mơ hồ và không quan trọng. Tôi nghĩ đó có thể là lần đầu tiên tôi biết đến một người mẹ chọn cái chết để con mình được sống. 

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Khởi sinh của cô độc – Paul Auster

Điều gì làm nên một nhà văn? Khi bạn viết một câu chuyện, một câu chuyện bạn có thể bắt gặp ở nhiều nơi, trong nhiều phận người, nhưng được diễn đạt theo một cách hoàn toàn của riêng bạn, mà cùng một câu chuyện ấy, người khác hầu hết chỉ có thể kể theo một cách, bằng cùng một giọng điệu, thế là bạn có một câu chuyện của riêng bạn, mang phong vị của riêng bạn, đó là văn chương, đó là nhà văn – ít nhất không tầm thường. Khi đọc Khởi sinh của cô độc – tôi thoáng có suy nghĩ ấy. Tôi nghĩ mình hiểu mà lại không hoàn toàn hiểu hết những gì Paul Auster viết. Sự kín đáo theo lối tiết chế của nhà văn khi viết về những khía cạnh thuộc đời tư của mình gợi mở sự hấp dẫn và trong chừng mực nào đó, hé lộ tài năng văn chương của ông.

Bạn cuối cùng đã nhìn thấy cái ở đằng sau bức màn nhưng dù vậy, bạn chỉ thấy được những gì được cho phép thấy, và dù vậy, bạn có thể minh định điều bạn thấy không thì không có gì chắc chắc. Đây cũng là khẳng định của Paul Auster trong hành trình cố gắng thấu cảm sự cô độc của con người. Trong cách ông viết về cha mình – tôi có suy nghĩ, điều làm nên sự đặc biệt, khía cạnh phức tạp, bí ẩn nơi con người mà cũng dễ có thể bị kết luận là tẻ nhạt, bình thường ấy chính là ở nơi cách ông nhìn, cách ông hiểu, cách ông tiếp cận và khai thác – những chất liệu tưởng chừng nhỏ bé, mờ nhạt thuộc về một con người, một cuộc đời dường như có ở đó mà dường như không hiện diện ở nơi nào. Nói khác đi, chân dung ấy đi vào lòng người – với chừng đó bí ẩn và chừng đó lý giải nhưng không bao giờ đủ – phần lớn nhờ tài năng người cầm bút, tất nhiên đằng sau đó, động lực của những trang viết là những trăn trở tình cảm mà nhà văn hướng về người cha đã khuất. Tôi cũng đồng thời thích phần Chân dung một người vô hình hơn phần Sách của ký ức. Tôi cùng lắm đọc cuốn này khoảng nửa năm trước thôi (nghĩa là phải ít hơn thời gian này), thế mà giờ nghĩ về, tôi thấy lạ lẫm quá chừng, đặc biệt là đối với phần thứ hai ấy. Sự trúc trắc trong ngôn từ dẫn đến những diễn đạt đôi khi gây khó hiểu là điều tôi không thích nhất ở tác phẩm (càng về sau mức độ càng nhiều, tôi có cảm giác như ăn phải cơm có sạn, nó làm tôi khó chịu, phải thừa nhận). Lòng nhiệt thành của tôi giảm đi, tôi thậm chí không sẵn sàng ngồi gõ lại những câu văn mình vốn đã đánh dấu lại để trích dẫn như thói quen mỗi khi đọc. Nhưng luôn có một thời điểm thích hợp nào đó. Như trong những ngày tháng mười, có những cơn giông vào cuối chiều, mưa rào trong đêm và sự cô độc ở đâu đó, xuyên qua không gian và thời gian, bạn nhìn thấy, sâu như lòng người…

Hôn nhân, trái lại, đã đóng sập cánh cửa. Sự tồn tại của bạn bó lại trong một không gian hẹp mà bạn phải không ngừng để lộ bản thân – và vì thế, không ngừng bị cưỡng chế phải nhìn vào bản thân, xem xét thế giới sâu hút của riêng mình. Khi cánh cửa mở ra thì chẳng bao giờ tồn tại vấn đề gì cả : bạn luôn có thể chạy trốn. Bạn có thể tránh những xung đột không mong muốn, dù là với chính mình hay kẻ khác, chỉ đơn giản bằng cách bỏ đi – tr. 25.

Dối trá là một cách mua sự phòng vệ - tr.26.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Đảo cô hồn (3)

Hai. Gian nan kiếm tiền

Đối với cô hồn chúng tôi thì tháng bảy là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm. Có hai lý do: thứ nhất, vào tháng bảy chúng tôi được phép rời khỏi đảo để lên trần gian. Không cần phải nói hẳn bạn hiểu việc được thoát khỏi địa ngục âm u tù túng dù chỉ là trong khoảng thời gian ngắn ngủi có ý nghĩa thế nào đối với chúng tôi. Nó giống như đứa trẻ nghèo được diện áo mới vào mùa xuân. Niềm xúc động thiêng liêng đó chỉ những ai từng trải qua mới thấu hiểu được. Nhưng tầm quan trọng của tháng bảy với cô hồn không chỉ dừng lại ở đó, thậm chí có thể nói rằng hầu như chỉ có những ai mới chết xuống còn lưu luyến trần gian náo nhiệt mới thiết tha sự quay trở lại để lần tìm ký ức vốn sẽ rơi rụng dần đi. Còn đại đa số cô hồn mong ngóng đến tháng bảy vì đó là tháng kiếm ăn, tháng để chúng tôi tích lũy cho cuộc sống cả năm.

Tôi đã nói rằng cô hồn là những người không còn được ai tưởng nhớ trên cõi thế. Chính điều này đã góp phần không nhỏ quyết định số phận bạc bẽo của chúng tôi sau khi chết. Bởi vì chúng tôi hầu như đói khát quanh năm. Địa phủ không tự nhiên cung cấp thức ăn cho chúng tôi dù chúng tôi nghèo rớt mùng tơi. Muốn có thức ăn chúng tôi cũng phải có tiền. Và thật ra từ sau khi chết, tôi phát hiện một sự thật rằng trong vũ trụ này, không có bất cứ thứ gì được cho không biếu không, càng không có bất cứ thứ gì có giá trị lại được dán nhãn “miễn phí”. Thậm chí có lúc tôi đã nghĩ, đến tình yêu có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng trái tim âm u của tôi dường như vẫn còn đau đáu một điều gì đó. Phải chăng tôi trong kiếp làm người đã từng đau nỗi đau của tình yêu? Tôi không muốn tin rằng tôi đã từng yêu tha thiết để phải nhận ra rằng khi chết đi mình cũng vẫn chỉ là một hồn ma cô lẻ. Chẳng lẽ chúng tôi đã yêu nhau để rồi quên tất cả về nhau?

Vì cô hồn cũng cần tiền để trang trải cuộc sống sau cái chết nên giống như con người, chúng tôi cũng phải kiếm tiền. Vào tháng bảy khi cửa địa ngục mở và Quỷ địa ngục thông đường từ đảo cho chúng tôi lên trần gian thì công cuộc kiếm tiền của chúng tôi bắt đầu. Con người vào riêng tháng này trong năm, ngoài ma thân nhân của họ, còn hào phóng phúng điếu đủ thứ vàng, bạc, tiền xuống cho tất cả các cô hồn. Nhưng dù cứ mỗi năm qua đi, số lượng họ phúng điếu cho chúng tôi có khi ít có khi nhiều thì cũng không đủ cho tất cả các cô hồn. Bởi vì luôn có các cô hồn mạnh trong việc dành phần cho mình và có những cô hồn chỉ vớt vát được những thứ còn thừa lại. Rất nhiều cái gọi là tình bằng hữu tan vỡ sau tháng bảy. Tất nhiên cũng nhiều liên minh được củng cố vững chắc hơn sau tháng bảy. Nhưng đại đa số chúng tôi kiếm ăn độc lập và chỉ chấp nhận một quy tắc duy nhất là dành một ít phần dâng cho những cô hồn lâu năm – những vị đã dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên về thế giới ma quỷ. Tôi không giỏi cạnh tranh dành phần cho mình, cũng tự cảm thấy hành động ấy mất tư cách, ngay cả khi là tư cách của một cô hồn. Thông thường tôi tìm cách giúp đỡ người nào đó và như vậy cứ những gì họ phúng cho cõi âm thì mặc nhiên sẽ có phần dành cho tôi. Có điều theo cách đó tôi không kiếm được nhiều nhặn gì và phải dè sẻn tuyệt đối suốt năm. Lấy gì dư mà đến Đảo hoan lạc?

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Tôi thích cô bé Scout hơn nhưng tôi nhớ cậu nhóc Holden


Tôi vẫn thường cảm thấy Giết con chim nhạiBắt trẻ đồng xanh có một sự liên quan nào đó, dù thực tế hiển nhiên đó là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập. Dù vậy, cảm giác về sự liên quan ấy mãi theo đuổi tôi. Sau khá nhiều lần bỏ qua việc đọc chúng, cuối cùng tôi mới chạm tay vào hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển này. Tôi thấy thời điểm mình đọc đã trở nên khá muộn. Hẳn bạn đọc nên tiếp cận với hai cuốn sách này từ sớm, đặc biệt với Giết con chim nhại – trẻ em có thể tìm thấy trong đó những bài học giáo dục ý nghĩa, trong khi Bắt trẻ đồng xanh dường như phù hợp với tuổi vị thành niên nổi loạn (nhưng cho những ai muốn tìm lại chút hương vị dù gần gũi hay xa lạ với mình trong những năm tháng hoa niên có lẽ cũng không phải sự chọn lựa tồi, đặc biệt nếu bạn đang chán mớ đời nhiều giả dối). Tôi mua hai cuốn sách trong cùng thời điểm. Nhưng quá trình đọc thì khác nhau.

Tôi đọc Giết con chim nhại khá nhanh, trong khi với Bắt trẻ đồng xanh thì ngược lại. Nếu Giết con chim nhại giống như một bé gái trong sáng, quả cảm, giàu tính chính nghĩa làm cho người ta yêu mến từ phút đầu đến phút cuối thì Bắt trẻ đồng xanh mang đến ấn tượng ban đầu của một cậu con trai bốc đồng hư hỏng. Bạn khó mà yêu mến chàng trai ấy ngay được. Sự yêu mến chỉ đến nếu bạn dành cho chàng sự nhẫn nại (bởi bạn là độc giả kiên nhẫn, tò mò hay vì những lý do ấm ớ nhưng thiết thực như tiếc tiền mua sách hay vì muốn đọc mà chưa có tiền mua sách mới). Phải mấy tháng trôi qua tôi mới trở lại với Bắt trẻ đồng xanh. Khi đọc trọn vẹn thì sự khó chịu ban đầu nguôi ngoai. Tôi nhận ra đằng sau sự ngổ ngáo hư hỏng của cậu trai kia là một tâm hồn lương thiện trong sáng. Và tôi bắt đầu thấy cậu ấy dễ thương…

Tôi vẫn mang theo cảm giác về sự liên quan giữa hai tác phẩm, cho đến bây giờ, sau khi đã đọc xong hết cả hai. Đó cũng là lý do khi muốn khái quát đôi dòng cảm nhận, tôi không chọn viết riêng từng tác phẩm. Dù vậy tôi lại không tránh khỏi cảm giác lúng túng khi xếp đặt chúng cạnh nhau, như thể tôi đang làm phép so sánh (tôi hoàn toàn không có ý định này). Nhưng có vẻ như đó lại chính là điều tôi đang làm. Phút chốc tôi cảm thấy mình trở nên vụng về và kém tinh tế làm sao…

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Bắt trẻ đồng xanh – J. D. Salinger

…tiền ! Rốt cuộc nó luôn luôn làm cho bạn đau khổ - tr.176.

Một vài sự kiện chỉ nên nguyên vẹn như ban đầu – tr.189.

Nếu bạn làm chuyện gì rất khá, thì sau một lúc, nếu bạn không coi chừng, bạn sẽ bắt đầu hợm hĩnh. Và khi ấy bạn không còn khá nữa – tr.195.

Nếu một người nào ít nhất chịu khó lắng nghe thì cũng không tệ lắm – tr.264.

…rất nhiều khi thầy không sao biết được cái gì thầy khoái nhất chừng nào thầy chưa khởi sự nói về một cái mà không phải thầy khoái nhất. Nghĩa là đôi khi thầy không khỏi lâm vào cảnh ấy. Điều tôi nghĩ là, ta phải để yên cho một người nào nói nếu ít nhất câu chuyện nó cũng hào hứng và khi nó đang khoái về một chuyện gì… Có một vài điều mình không thể nào cứ quy nạp hay giản lược gì hết. Nghĩa là thầy không thể nào cứ quy nạp và lược giản một điều gì chỉ vì một người nào muốn thầy làm thế - tr. 282.

Tôi nghĩ rằng cái dốc mà chú đang lăn xuống là một thứ dốc khủng khiếp. Không bao giờ người xuống dốc được nghe hay cảm thấy mình chạm phải đáy hố. Họ cứ việc lăn xuống, lăn xuống. Cái dốc ấy dành cho những người, vào một lúc nào đó trong đời, đi tìm một cái gì mà hoàn cảnh và những người xung quanh không thể đem lại cho họ, hay họ nghĩ là không thể đem lại cho họ. Bởi thế họ bỏ cuộc, không thèm tìm kiếm nữa. Họ bỏ cuộc ngay cả trước khi họ thực sự bắt đầu –tr. 286.

Dấu hiệu của người chưa trưởng thành là, họ muốn chết một cách cao thượng vì một sự nghiệp, trong khi dấu hiệu của một người trưởng thành là họ muốn sống một cách khiêm nhường vì một sự nghiệp – tr.287.

Rất nhiều người, nhất là cái lão già tâm phân học ở đây, cứ hỏi cho được là tôi có chịu chuyên cần khi trở về lại trường vào tháng Chín sắp tới hay không. Theo ý tôi thì câu hỏi đó thật ngu xuẩn. Nghĩa là tôi muốn nói làm sao bạn có thể biết được bạn sẽ làm gì cho đến khi bạn làm thật ? Câu trả lời là, bạn không thể biết. Tôi nghĩ là tôi sẽ chuyên cần, nhưng làm sao bạn biết được.  Tôi thề đấy, thật là một câu hỏi ngu ngốc – tr.325.

Bạn đừng có kể cho ai nghe bất cứ cái gì. Nếu bạn kể, bạn tự dưng khởi sự nhớ tất cả mọi người – tr.326.

(Phùng Khánh dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2013)

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Tình yêu là chuyện viển vông thôi


Dạo này mỗi sớm trở dậy đã thấy trong không khí có cái hơi lành lạnh của mùa thu. Nếu là sớm mai của ngày vừa qua một trận mưa thì chừng như mùa đông đang gần ngoài song cửa. Có lần bâng quơ nói với T, câu nói về thời gian, rằng bây giờ là tháng 9 rồi. Lại nghe cô nức nở qua điện thoại. Nỗi sợ thời gian. Phụ nữ 30 đều sợ thời gian. 

Rất lâu, cậu bạn đang học tiến sĩ tự dưng nhắn tin cho tôi, sau vài câu, cậu bảo: “kiếm chồng đi”. Qua tin nhắn hiện trên màn hình điện thoại, tôi không hình dung được cậu bây giờ ra sao. Cậu cũng có thể nào hình dung về tôi. Qua tin nhắn trên màn hình điện thoại, tôi chỉ bảo: chuyện tình cảm rất khó nói, để tự nhiên. Cậu lại dặn, thuận theo tự nhiên nhưng cơ hội đến phải chớp lấy… 

Rất ít người mở lời nói với tôi về chuyện tình cảm. Là từ bao giờ, tôi như kẻ ngoại đạo trong tình yêu. Là từ bao giờ, tôi không nói với ai về tình yêu và người ta nghĩ tôi không thích đề cập đến tình yêu. Là từ bao giờ, có lần tôi đã thẳng thắn từ chối lắng nghe một người, chỉ bởi tâm sự nào của họ cũng dẫn đến nỗi đau trong tình yêu – ôi những cuộc tình, sao người ta có thể yêu nhiều lần, lần nào cũng say đắm và đau khổ và dù thế vẫn yêu, đến thế trong một cuộc đời… Tôi nói với họ, chuyện tình cảm là cái vòng luẩn quẩn. Câu chuyện nào suy cho cùng cũng giống nhau. Lý do đó có thích hợp không, khi vì sao tôi vẫn đủ kiên nhẫn cho nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề - chúng cũng không ít lẫn lộn xoay vòng như nhau, mà không là chuyện tình… Dù sao, bất kể thế nào, có một sự thật là cơ hội để làm bạn với một con người của tôi cũng đã vì thế mà mất đi… 

Từ lúc nào đó, tôi thấy sợ cái khoảnh khắc khi một người muốn chia sẻ với tôi những gì rất riêng tư của họ. Để rồi đến lượt mình, tôi càng sợ bản thân vô tình trở thành nỗi sợ như thế của người khác. Từ lúc nào đó, những chia sẻ như nhiên, với tôi, cũng lấp lửng đầy những bất an, lo sợ, giữa cái tự ti và cái kiêu hãnh làm người… Chúng ta không bao giờ biết rõ sức nặng của những điều từ tâm can mình trong trái tim người khác. Và tổn thương là khi nhận ra mình đã nhầm lẫn. Nhầm lẫn về vị trí bản thân trong đời người khác... Ngày xưa, nghe bản nhạc Bài tình ca mùa đông của Trầm Tử Thiêng, tôi thích nhất chính là câu: “Để rồi sắp gặp nhau mới biết em không đợi nữa”. Rõ nghĩa hơn thì trước đó là câu này “Hẹn hò sẽ vì nhau qua phong ba, anh cố bước đôi chân chậm quá”. Với tôi, những câu hát ấy là khía cạnh chân thực nhất của cuộc đời, của tình yêu… 

Nhưng có lúc, trong cái lành lạnh của buổi sớm mai, tôi le lói cái suy nghĩ, giữa cơ man những loay hoay bạc tiền dù chẳng ra đâu vào đâu, một ngày, có một người sẽ đi ngang qua tầm mắt tôi, khi tôi đang ngước nhìn lên... Và tôi yêu, tình yêu giản đơn, không lo sợ… Nếu đời sống vốn chẳng là gì, nếu tôi giống như cái cây bên vệ đường, ít ra vào những giây phút cuối trong đời mình, tôi có thể nói: tôi đã yêu, thực sự… Nhưng cái suy nghĩ nhuốm màu tiểu thuyết này, chiếm chưa trọn một phút trong một ngày, kỳ thực không làm lòng tôi ấm lại… 

Có gì đâu mà khóc 
Hạnh phúc chỉ là điều bịa đặt 
Nên tình yêu là chuyện viển vông thôi. (LQV)

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối – Patrick Modiano


Trong dòng chảy miên viễn những phụ nữ, đàn ông, trẻ con, và chó, tất tật diễu ra rồi rốt cuộc tan biến dọc các phố, ta những muốn lưu giữ một khuôn mặt, đôi khi. – tr.16.

Anh có thật lòng tin rằng một cái tên và một địa chỉ là đủ, sau này, để lần lại một sợi dây đời ? – tr. 19.

Người ta không già đi. Với những năm tháng trôi qua, nhiều người và nhiều thứ rốt cuộc trở nên hài hước và nực cười đến mức bạn ném vào họ và vào chúng một cái nhìn trẻ con – tr.33.

Trong cái cuộc đời đôi khi với ta thật giống một vùng đất rộng lớn hoang vu không biển chỉ đường này, ở giữa tất tật những đường hội tụ ảo và những chân trời đã mất, ta những muốn tìm các điểm mốc, dựng ra một dạng sơ đồ để không còn cảm giác mình phải lèo lái vô hướng nữa. Thế nên, ta dệt những kết nối, ta cố biến những gặp gỡ chẳng may trở nên vững chắc hơn – tr.49-50.

"Chúng tôi đang cố tạo ra những mối liên hệ…" Những cuộc gặp trên phố, tại một bến tàu điện ngầm vào giờ cao điểm. Khoảnh khắc ấy lẽ ra người ta phải dùng còng tay tự buộc mình với nhau. Mối liên hệ nào kháng cự nổi đợt sóng người cuốn ta đi, làm ta trôi dạt ? – tr. 56.

Nếu mọi thứ được viết ra rõ ràng giấy trắng mực đen, thì nghĩa là chuyện đã xong rồi, giống như trên các nấm mồ người ta khắc tên và ngày tháng vậy – tr.74.

Thật là ngốc, điều mà tôi nói với anh đây… Chẳng có gì để hiểu cả… Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy… Và chính vì thế mà ta yêu người ấy…Phải không hả, Roland?... - tr. 138.

(Trần Bạch Lan dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2014)

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Đảo cô hồn (2)

Địa ngục là một cõi rộng lớn, rộng hơn cõi người vô số lần và có lẽ cũng mênh mông bằng cõi trời. Nhưng địa ngục nằm sâu dưới lòng đất, ánh sáng mặt trời không thể chiếu xuống nên từ lâu, màu đen âm u là đặc trưng của địa ngục. Có điều không phải nơi nào ở địa ngục cũng là màu đen thê lương. Chẳng hạn Đảo cô hồn là một bộ phận của địa ngục nhưng không gian của nó chỉ thẫm đẫm màu xám của khói chứ không phải là màn đêm thâm sâu cùng cốc của những tầng địa phủ nơi diễn ra cảnh hành quyết những kẻ khi còn sống đã làm những điều ác độc không thể dung thứ. Hay như ở phía trên cùng, Đảo trường sinh - cũng là nơi Diêm Vương quyền uy đặt ngai vàng của mình ở đấy, màu sắc của không gian lại là màu đỏ của ánh lửa trường sinh. Từ hàng ngàn năm nay, lửa trường sinh soi đường cho các linh hồn chuyển kiếp cuộc đời vào cõi thế. Không có lửa trường sinh giữ ấm, các linh hồn có thể tiêu tan khi đi qua Cánh đồng gió trước khi đến được cửa sinh tử nơi đã mở sẵn  đón chào họ vào một kiếp sống mới. Tôi nghe nói Cánh đồng gió là nơi lạnh lẽo nhất trong vũ trụ này, ngoài việc quanh năm phủ băng tuyết, nơi này còn ngày ngày đón nhận những trận gió cuồng điên. Rất nhiều linh hồn đã hóa thành đám bụi tuyết chôn thân ở nơi này. Vậy nên chúng ta phải hiểu rằng việc có thể đầu thai làm người là điều may mắn và thiêng liêng, bởi vì ngay cả trường hợp bạn được xếp vào nhóm được chuyển kiếp thì để được bước vào cửa sinh tử bạn còn phải có quyết tâm.

Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Đảo trường sinh và sẽ không bao giờ vì tôi là cô hồn không được tái kiếp làm người, nên tôi không biết tường tận sức mạnh của lửa trường sinh thế nào. Nhưng tôi nghe truyền tụng nó không chỉ là ánh lửa có quyền phép mà còn có cảm xúc như con người. Chính điều đó cho phép nó cảm nhận khát vọng làm người của linh hồn và tự quyết có bảo vệ cho họ hay không. Nếu không có lửa trường sinh, luân hồi không thể tiếp diễn. Bởi sự huyền diệu và quan trọng này mà vùng đất nơi được lửa chiếu sáng đã được đặt tên theo tên gọi của nó, cũng là nơi đa phần các linh hồn được chuyển kiếp đều dừng bước phiêu lưu vào cõi chết của mình ở đây. Họ sẽ không hề biết sâu dưới tận cùng là những tầng địa phủ đáng sợ. Nếu giả có đi xa hơn, thì nơi họ đến sẽ là Đảo hoan lạc, nằm ở giữa Đảo trường sinh và Đảo cô hồn.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Số phận một cuốn sách



Bản thảo viết tay đề năm 1966. 22 năm sau được trả về cho khổ chủ. Trong 20 năm tiếp theo, vẫn không một nhà xuất bản nào chịu in. Mãi cho đến năm 2010… Tôi đang muốn nói đến Những ngã tư và những cột đèn. Tôi nhẩm tính, năm 2010, nghĩa là Trần Dần đã qua đời được 13 năm. Nghe bảo sách đến tay bạn đọc vào mùa xuân năm 2011. Được ngợi khen nhiều. Và cả giải thưởng. Kiểu như một cú đòn quá khứ gây choáng váng hiện tại… Bản tôi đọc là bản in lần thứ năm, được tái bản vào năm rồi. Tôi nghĩ đến quãng thời gian 44 năm. Một tác phẩm không được biết đến/không được thừa nhận. Và đời sống văn chương như chìm trong quên lãng của cái tên Trần Dần. Lại nghe bảo khi sách ra mắt, báo chí chính thống đó đây tỏ ý dè dặt. Cái gì từng khiến người ta e ngại tác phẩm này đến vậy? Chợt thoảng nghĩ đến đợt ra mắt rầm rộ dạo nào được báo chí thông tin của Sợi xích, tôi tự dưng chạnh lòng. Hình dung quá trình thai ngén và gìn giữ “đứa con tinh thần” của Trần Dần. Quãng thời gian 44 năm. Tôi như nhìn thấy sự muộn phiền của khói thuốc…

Bối cảnh của Những ngã tư và những cột đèn rất xa lạ với tôi. Hà Nội những năm 1954 – 1966, chiến tranh lấp lửng trong hòa bình. Và câu chuyện thuộc về những con người ở bên kia chiến tuyến – những lính ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Có thể nói từ trước đến nay, tôi không biết đến những tác phẩm khai thác tư tưởng của những con người từng là phe địch trong chiến tranh. Để rồi lờ mờ nhận thấy có những chất liệu cuộc sống dường như vẫn bỏ ngỏ trong văn chương Việt Nam. Như lần đọc ở đâu đó, người ta nhắc đến thời kì vượt biên của dân Sài Gòn sau giải phóng, một thời kì hàm chứa sự dữ dội và đau thương – thế nhưng lại nằm ngoài lề văn học. Hay tại vì tôi ít đọc văn học nước nhà? Dù vậy, nếu có điều gì dễ dàng đẩy một tác phẩm văn chương vào số phận nghiệt ngã, kiểu nằm trong ngăn kéo hơn bốn mươi năm, thì sự can thiệp thuộc những thẩm quyền chính trị phải là nhân tố hàng đầu. Tôi không nghĩ có nhà văn nào lại muốn viết một tác phẩm để tồn tại trong tương lai. Nghĩa là khi viết, nhà văn viết cho chính con người và thời đại họ thuộc về. Việc bị hiện tại cấm đoán, phủ nhận nằm ngoài mong muốn của người cầm bút. Trong khi sự tồn tại của tác phẩm ấy kéo dài bao lâu, và tương lai có trả lại sự công bằng lại là một câu chuyện khác… 

Những ngã tư và những cột đèn - Trần Dần

hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt  giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả... Chính vì vậy mà người đời ghi nhật kí và cũng chính vì vậy, nhật kí bắt buộc phải bắt đầu, bằng những con số hiện hữu... Dường như làm như vậy, hiện tại sẽ được khẳng định rõ ràng, vào một chỗ í nghĩa, trên đường tuyến tính, của thời gian, từ trái sang phải, theo chiều mũi tên bay - tr.14 - 15.

Con người trên mặt trận bí mật này, không ngừng chuẩn bị rút súng - tr. 49.

những chuyện đời những cuốn sách, mà người ta sống mãi và đọc mãi, là cái bình thường, rất bình thường. Có khi người ta còn xem thường chúng, có khi còn chê bĩu môi. Để rồi bất chợt, đúng một lúc của nó, người ta mới à à, mới hiểu giá trị của chúng. Có khi đã quá muộn - tr.105.

Ở một góc độ nào đó, động tác ghi nhật kí cố gắng vĩnh cửu hóa hiện tại, và chấp nhận toàn bộ mâu thuẫn với qui luật thời gian - tr. 111.

Đời hiện đại là một khoa học giải sầu, tinh vi nhất... là một sự thuê tiền lẫn nhau, người nọ phải giải sầu cho người kia. Đời thế mà vui, chứ không phải sầu đâu. Người thì có kẻ sầu, vô số thằng sầu, con sầu. Nhưng đời khác. Đời là mọi người hợp nhau lại, để giải sầu và chống sầu - tr. 122.

Đời chỉ có một mẩu, dù trăm niên vẫn ngắn - tr.123.

Nói dối, chính là một lối trừng phạt, của lương tâm - tr. 146.

chiến tranh giấu kín trong nó, nhiều số phận, nhiều câu chuyện riêng tư, không ít bất thường - tr. 195.

Trách nhiệm pháp lí thì có hạn, ngược lại trách nhiệm tinh thần, thì vô hạn. Người ta khổ đau nhiều, người ta hoặc trở thành vĩ nhân, hoặc thành thằng điên rồ, cũng chính vì món trách nhiệm tinh thần này - tr. 284.

Ngã tư láo nháo bộ hành, láo nháo xe cộ và cột đèn. Tôi thấy khó thật, đi trong phố thì dễ, đi trong đời khó hơn triệu lần. Đi trong thành phố, dù là thành phố lạ, rẽ vào ngã tư rất dễ. Ngã tư trong thành phố nào, cũng sờ sờ là ngã tư. Có rẽ nhầm, cũng quay lại được. Ngã tư trong đời khác, đời không cho quay lại, không có cách gì quay lại. Đời nghiệt ngã. Đời lằng nhằng, ngã tư đời do đó, lờ mờ và loằng ngoằng. Đời di động, ngã tư đời do đó di chuyển trong cuộc đời, không lúc nào iên - tr. 299.

(NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam, 2013)

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Phim hoạt hình (11)

Madagascar 3 (Dreamworks, Mỹ)

Alex và đồng bọn đã trở lại và lợi hại hơn xưa. 

Tương tự như hai phần trước, chuyến phiêu lưu mới của bộ tứ hoàn cảnh đến từ sở thú New York vẫn thu hút người xem từ phút đầu đến phút cuối. Và cũng tương tự như hai phần trước, mỗi lần xem xong một tập phim, tôi đều cảm thấy, ôi sao phim ngắn thế… Nghe đồn phần này cũng là phần cuối cùng của Madagascar. Nếu vậy cũng thật đáng tiếc. Nhưng nếu vậy thì phim đã kết thúc thật huy hoàng bởi so với hai phần trước, phần 3 này còn vui nhộn và mãn nhãn hơn. Y như dòng viết mào đầu ở trên:

Alex và đồng bọn đã trở lại và lợi hại hơn xưa. 

Chuyện là sau một thời gian sống ở rừng rú Châu Phi, Alex lại đau đáu nhớ về New York hoa lệ. Cậu sư tử thích xê dịch như mọi lần lại dẫn dụ ba người bạn ngựa vằn Marty, hươu cao cổ Melman và nàng hà mã Gloria cùng trở về. Cả bọn bèn theo chân biệt đội cánh cụt vô cùng lợi hại đến một một sòng bạc lớn nhất thế giới. Ở đây, họ lại gây ra một cuộc đại náo loạn. Và lần nào không may cho cả bọn vì đã lọt vào tầm ngắm của nữ cảnh sát chuyên săn bắt thú với thành tích chưa từng thất bại. Để trốn tránh sự truy đuổi của người đàn bà thép này, số phận run rủi Alex và các bạn phải mua lại một đoàn xiếc di động và cùng đoàn xiếc này rong ruổi khắp Châu Âu. Từ đó mở ra một cuộc phiêu lưu mới vô cùng độc đáo… 

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Chút suy ngẫm trong ngày

Có lần tiếp chuyện một khách hàng trong một quán cà phê cũng có thể nói là ở trung tâm thành phố. Quán này có khá đông người nước ngoài lui tới. Vì ngồi gần cửa ra vào nên tôi có thể bắt gặp họ đi ngang qua. Có người da trắng và cả người da đen. Ít khi một lúc lại nhìn thấy nhiều người nước ngoài như thế. Còn cả hai cô gái người Nhật đi cùng một người Việt Nam dường như đang làm nhiệm vụ hướng dẫn viên. Ngoại trừ hai cô gái này (có lẽ vì họ nhỏ nhắn và cùng là người Châu Á, tôi thấy họ không quá xa lạ với dân mình), những người đàn ông da trắng và da đen trong quán cà phê ấy đều gợi lên cho tôi cảm giác đường bệ đến kinh ngạc. Nhất là nhóm ba người đàn ông đủ sắc tộc bước vào quán cùng một lúc (trong số họ có người nhìn như người Ấn). Họ rất to lớn, phục sức trịnh trọng (vest, cà vạt, cặp da), ánh mắt nhìn quanh tự phụ. Bạn nghĩ họ hẳn đến đây để thương thảo và đi đến ký kết một phi vụ quan trọng nào đó. Một cuộc họp với đối tác, những bộ vest chỉn chu, quán cà phê Sài Gòn, giữa trời trưa nắng, tất cả những thứ ấy bỗng dưng gợi lên cho tôi một cái gì đó thật gượng gạo. 

Có những lúc nhìn người nước ngoài ở Sài Gòn, tôi lại có cảm giác họ không phải đang ở trên một xứ sở xa lạ. Ngược lại, chính tôi – dân bản xứ mới là khách lạ nơi này. Rồi tôi nhủ lòng, nếu từng có người Việt treo biển miễn tiếp người Việt tại đất nước Việt Nam thì cảm giác ấy của tôi hẳn cũng dễ hiểu. Tôi cũng nhớ vài năm trước, có ông anh đang dạy ở một trường đại học than vãn với tôi một câu nghe chừng rất hài hước: ở trường anh giờ chỉ muốn tiến sĩ, đặc biệt là tiến sĩ ở nước ngoài về, không cần biết là cái nước gì, cứ miễn nước ngoài thì nhận hết…Cái sự sùng bái nước ngoài ăn sâu vào dân xứ mình như vậy, đến mức trở thành vô thức, trong đủ mọi lĩnh vực và vì vậy không phải không có lúc như mù quáng, làm tổn thương tinh thần chính dân tộc mình. Nhưng rốt cuộc là cái gì đã dẫn đến sự sùng bái ấy?

Tôi nhớ khi đọc tác phẩm Vô hồn của Sergey Minaev, có một đoạn viết khiến tôi chú ý. Nó cung cấp cho tôi một cách nhìn, về những người nước ngoài làm việc tại những công ty trong nước, ở đây là Nga. Với tôi, đó là một khía cạnh hiện thực đáng để suy ngẫm. Và đương nhiên là không chỉ cho dân Nga thuở ấy...

"Những expat (từ chỉ những người nước ngoài đang làm việc tại các công ty trong nước)… không kể đến một số chuyên gia cao cấp người nước ngoài đang làm việc tại những công ty tên tuổi… - những người được trả lương rất cao để nâng công ty lên tầm cỡ quốc tế. Thường thì chi phí đó thực sự đáng đồng tiền bát gạo. 

Với tôi, expat là một đám ngoại quốc thường đảm nhận những công việc như quản lý khách sạn, giám đốc nhà hàng, chuyên viên tư vấn đủ loại, chuyên gia quảng cáo, tiếp thị, giám đốc điều hành, giám đốc bán hàng v.v… Đa số đều là những tên láu cá hoặc là những kẻ không thành đạt ngay ở quê nhà và tới đây từ đầu hoặc giữa những năm chín mươi, lập nghiệp ở một đất nước gần như còn mông muội với ý định làm giàu bằng việc "đổi giày thủy tinh lấy vàng" cho những kẻ nhẹ dạ…

Dễ thấy rằng, người đang có công ăn việc làm tử tế không dễ gì bỏ ra nước ngoài làm ăn, nếu không phải là để mở rộng hoạt động kinh doanh lên tầm quốc tế hoặc là hoán đổi vị trí làm việc trong một công ty đa quốc gia. Tất cả những xê-ri phân bua kiểu như "Đơn giản là tôi thích đi du lịch" hay là "Phụ nữ nước bạn đẹp thế" chỉ là những câu sáo rỗng không hơn không kém. Và thế là trong một thời gian ngắn, những kẻ thất bại trong cuộc cạnh tranh ở nước mình bỗng dưng trở thành những người thầy dẫn dắt chúng ta làm thương mại. Họ được trả lương cao kinh hoàng… giúp họ chứng tỏ sự thành đạt của mình cho dân Nga ta, những người còn chưa kịp trở thành ông chủ của họ. Cứ thế hình thành một nếp nghĩ như thế này: dân ngoại quốc thì dứt khoát phải có giá hơn và luôn làm việc tốt hơn các đồng nghiệp bản địa…" *.

---

* Bản dịch của Nhật An và Trương Hồng Hạnh, NXB Trẻ và Tinh Văn, 2007.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Đảo cô hồn

Trong câu chuyện

Một. Tôi phải gặp Diêm vương

Một nơi không bao giờ có ánh sáng nhưng cũng không bao giờ có đêm đen, một nơi không có tiếng cười nhưng cũng không khi nào có tiếng khóc than. Đó là Đảo cô hồn.

Tôi ở đây có lẽ đã đến mấy trăm năm. Ngày lại ngày trôi qua, tôi vất vưởng trôi trong không khí, thi thoảng dừng lại ngó lăm lăm những vong hồn khác. Tôi cố tìm một nét quen thuộc, một gợi nhớ thân thương đến cõi người nhưng nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy những kẻ như mình, nhợt nhạt, tội nghiệp, âm u, tù đọng. Trăm năm ở đảo, trăm năm tìm kiếm, trăm năm cô đơn. Tâm trạng tôi dần trở nên u uất. Đã nhiều năm, tôi thường để mình trôi vô định từ góc đảo này đến góc đảo khác, mang theo sự nặng nề trong lòng mình hòa vào không gian trầm lắng của đảo. Tôi gặp gỡ nhiều cô hồn khác, kết bạn với họ. Nhưng thế giới cô hồn không có niềm vui, Đảo cô hồn là nơi chôn cất tiếng cười. Trăm năm ở đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nụ cười nào. Tất cả chúng tôi đều có gương mặt lặng câm như nhau.

Mấy trăm năm sống cuộc sống sau cái chết như thế, tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi muốn tìm gặp Diêm Vương, người duy nhất có quyền lực ở địa ngục có thể giải thoát các  vong hồn khỏi số phận vĩnh viễn không thể siêu thoát của họ. Nhưng câu chuyện được truyền tụng nghìn năm trước vẫn còn ở trong tâm trí tôi, về kết cuộc của một cô hồn muốn thoát khỏi đảo. Diêm Vương không bao giờ ưa thích những hồn ma có ý định chống lại bàn tay của tạo hóa. Tại cửa ngõ duy nhất thông đảo đến chốn khác đến nay vẫn còn treo mái tóc anh ta. Đó là tất cả những gì còn lại sau một tiếng sét. Anh ta đã hóa thành tro bụi, mãi mãi không thể luân hồi chuyển kiếp. Tôi đã từng lang thang đến chốn ấy, nhìn cái thứ còn lại minh chứng cho sự tồn tại của kiếp người, lòng đau se sắt. Dạo ấy tôi vừa mới chết xuống đây, được răn dạy bằng câu chuyện của anh ta, hẳn tính người trong tôi hãy còn nên tôi còn nước mắt khóc cho anh ta. Mấy trăm năm trôi qua, nước mắt cũng tiêu tan, tôi nhìn vật thể sót lại của người thiên cổ, chỉ tự hỏi lòng mình có nên lặp lại số phận của anh ta. Tôi có mong muốn trở lại làm người không? Suy cho cùng, tôi nghĩ, thà trở thành cát bụi còn hơn tiếp tục là một cô hồn thế này, với chuỗi ngày lê thê tiếp nối sầu thảm lại đến sầu thảm.

Tôi phải tìm gặp Diêm Vương.

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Hồ - Banana Yoshimoto

Chỉ thiếu tập truyện ngắn Thằn lằn là tôi có đủ những tác phẩm được dịch và xuất bản tại Việt Nam của Banana Yoshimoto. Cái gì khiến tôi có duyên với tác giả này đến vậy nhỉ? Khi đọc nhiều tác giả Nhật hơn, cũng như nhiều tác giả Trung hơn, bạn dễ dàng nhận ra những điểm giống nhau của họ. Điều đó có khả năng dẫn bạn đến thẳng sự nhàm chán và rồi từ từ bạn ít muốn chọn lựa các đầu sách thuộc về nền văn chương của đất nước ấy hơn (điều này tôi lại ít cảm thấy khi đọc sách của các nhà văn phương Tây). Văn học Trung Quốc, dù các đầu sách xuất bản tại Việt Nam chiếm thế thượng phong, từ lâu tôi rất ít đọc. Với văn học Nhật, ngoài Banana Yoshimoto, Haruki Murakami hay Ekuni Kaori là những tác giả có nhiều sách xuất bản tại Việt Nam (tôi tin rằng mình đã bỏ lỡ Dazai Osami, Kawataba hay Watanabe vì vậy chưa thể liệt kê tên họ vào đây). Vì vậy với tôi,  không ngần ngại nói rằng, Haruki Murakami ám ảnh hơn cả, dẫu cho nhân vật của ông có giống nhau cỡ nào đi chăng nữa. Nhưng hỏi tôi,  ở tư cách người đọc nữ, thích đọc ai hơn, tôi sẽ trả lời là tôi thích đọc Banana Yoshimoto hơn (khi tự hỏi và tự trả lời, bỗng tôi cũng thấy sáng rõ được lý do tại sao tôi mua sách của tác giả này nhiều hơn cả). Đọc Banana với tôi khá dễ chịu nhưng không phải kiểu dễ chịu làm cho người ta quên (thường thì chúng ta chỉ nhớ những gì làm chúng ta trăn trở hay đau đớn đúng không?!). Cái không quên ở đây không có nghĩa là bạn sẽ nhớ được chi tiết những gì bạn đã đọc của tác giả này, tôi vẫn phải nói vậy bởi vì điểm chung trong sáng tác vẫn có lúc làm tôi nhớ nhầm giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, nhưng cái không quên nằm ở sức hút, kiểu “bảo chứng tên tuổi” của một diễn viên thực lực – tôi vẫn sẵn sàng để đọc những tác phẩm tiếp theo của Banana Yoshimoto và sự thực đúng là như vậy.  

Hồ là tác phẩm mới nhất của cô. Một câu chuyện trong trẻo về tình yêu. Dù những khía cạnh về cuộc đời Nakajima, được hé mở dần dần về cuối trang sách, cho thấy một quá khứ không phải không khủng khiếp, cách viết của Banana Yoshimoto vẫn tinh tế và nhẹ nhàng như không. Điều này khiến bầu không khí trong truyện, dù cô đơn, thuộc về những con người sống như biết không có ai cần mình, và mình cũng không có ai bên cạnh, quá khứ hay tương lai là một màn sương mờ ảo không rõ hình thù, vẫn đạt đến độ trong lành, tinh khiết tuyệt đối. So với những tác phẩm đã viết, tôi nghĩ Hồ còn tinh khiết, đôi chỗ hài hước và lấp lánh ánh sáng lạc quan hơn. Tuy nhiên, một ấn tượng khá lạ về tình yêu đôi lứa giữa Chihiro và Nakajima (so với tình yêu đôi lứa trong những tác phẩm đã đọc của cô) là tôi không sao không cảm thấy mối quan hệ của họ cứ như giữa hai người bạn gái với nhau. Là bởi nhà văn xây dựng Nakajima ôn hòa, nhẹ nhàng quá hay tình cảm của họ trong lành quá, dù không hề thiếu sự chung đụng thể xác, mà chúng ta thì vốn quen ngó nghiêng những bụi bặm ở đời, đến nỗi ta không thể không bật cười (dĩ nhiên là trìu mến) trước sự trong lành ấy?! Có lần tôi nhớ đọc được rằng sở dĩ nhà văn chọn bút danh Banana vì đó là một cái tên rất trung tính. Và thú thật là đôi khi tôi cũng cảm thấy tình yêu mà Banana Yoshimoto viết cũng là thứ tình yêu rất trung tính.

---
 
Được yêu là thế. Là khi một người ‘muốn chạm vào mình, muốn tỏ ra dịu dàng với mình’ – tr. 18. 

Nghe một câu chuyện trắc trở của người khác cũng giống như cầm tiền của người ta vậy, không thể chỉ nghe xong để đấy. Bởi vì đã nghe nghĩa là ta đã nhận lấy trách nhiệm – tr.41. 

Thừa nhận mình không hiểu những chuyện mình thực sự không hiểu chính là tôn trọng người đó – tr.50.

Chỉ ở giai đoạn đầu của tình yêu người ta mới chịu đựng điều mình không thích vì người kia. Tới khi cả hai biết rõ điều người kia không thích thì tự nhiên họ sẽ không còn làm thế nữa – tr. 83.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Tôi là Bêtô - Nguyễn Nhật Ánh

Trích dẫn từ ebook


  … càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn”.

 Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả”.

 Khi bạn không làm được điều bạn muốn làm, có lẽ bạn cũng cảm thấy tự do bị tước đoạt”.

 Khi một kẻ được đối xử đặc biệt hơn những kẻ khác, tự nhiên hắn trở thành cái gai trong mắt những kẻ còn lại.

Dù bản thân hắn và những kẻ không ưa hắn, xét cho cùng thì cũng chẳng ai độc ác gì”.

 Các bậc có tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết”.

 Khi bạn quá tin cậy hoặc sùng bái một ai, chắc chắn bạn không bao giờ đề phòng, thậm chí nghi ngờ. Và đôi khi bạn chết vì niềm tin ngây thơ của mình”.

 Khi con người ta trông thiện lương hơn thì không phải vẻ mặt mà chính tâm hồn của họ vừa được lau chùi”.

 …khi ta yêu ai bao giờ cũng yêu tất cả những gì thuộc về người đó, cả điều hay lẫn điều dở. Cả những điều không hay không dở”.

 Tình bạn là điều gì đó thật kỳ diệu. Đó là thứ tình cảm trong sáng và vô điều kiện, là món quà tặng mà khi ta trao vào tay ai số phận hiếm khi giật lại. Vì vậy mà nó bền chắc và có thể kéo dài thăm thẳm qua thời gian và sự xa cách”.

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...