Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Khi những người mẹ chọn cái chết


Khoảng những năm 2000 – 2004, khi còn ở tại một căn hộ lầu 3 trên đường Trần Hưng Đạo, có một sự việc tuy chỉ là nghe loáng thoáng từ những câu chuyện vãn giữa mẹ tôi và bác chủ nhà, song đến nay tôi vẫn còn nhớ.

Đâu đó trong một căn hộ ở những lầu dưới, có một người phụ nữ lập gia đình khi tuổi đã gần 40. Người chồng nhỏ hơn vợ vài tuổi. Người ta không thể nói về một trường hợp như vậy mà không ít nhiều thêm vào những suy nghĩ kinh điển trong xã hội: một người đàn ông cao lớn, khá đẹp trai như thế, lấy một người phụ nữ già và xấu thì cái việc cô ta có nhà (trong khi anh ta không có) hẳn là lý do chính của cuộc hôn nhân. Dù vậy bác chủ nhà không phải tuýp người khắc nghiệt. Bàn tán chuyện thiên hạ nhưng bác không quên bảo, tiếp xúc với người chồng, bác thấy anh ta là người hiền lành và chịu khó làm ăn. Tôi không nhớ mình từng chú ý đến những chi tiết có tính khởi đầu này về họ. Đối với tôi, họ chỉ là nhân vật trong một câu chuyện kể. Sự quan tâm (nếu có) còn ít hơn sự quan tâm đối với nhât vật hư cấu trong sách truyện.

Tôi không nhớ là sau đó bao lâu, tôi lại nghe được từ bác chủ nhà, chuyện người vợ mang thai. Cái chính là cô ấy mắc phải căn bệnh nào đó. Tôi nghĩ bác chủ nhà cũng không biết đó là căn bệnh gì. Chỉ biết người ta dự báo trước được cái chết của cô ấy. Và dường như việc mang thai và sinh nở làm cho căn bệnh ấy nặng thêm. Bác chủ nhà bảo có lúc cô ấy rất đau đớn nhưng vẫn quyết tâm sinh đứa bé. Bác chủ nhà bảo có lúc anh chồng nói với cô ấy, cô ấy đau chỗ nào thì anh ta sẽ hôn lên chỗ đó (có cái gì trong biểu hiện của bác chủ nhà và mẹ tôi khi ấy, dù sự thương cảm dành cho hoàn cảnh của cô ấy là chắc chắc, ở họ vẫn có cái gai người khi nhắc đến lời nói của anh chồng – kiểu như âm thanh “khiếp, khiếp” chúng ta phát ra mỗi khi có cái gì làm chúng ta rùng mình, nhưng bản thân từ “khiếp, khiếp” này mang nhiều sắc thái và không phải lúc nào chúng ta cũng đoán đúng  tâm trạng của người khác khi họ thốt ra cái từ ấy – bởi cùng lúc tôi lại thấy dường như họ đang tán dương người chồng). Tôi thoảng nghĩ về sự lãng mạn trong cách biểu hiện tình yêu của họ, song, ở những năm tuổi 15, 16, tôi đã biết hoài nghi – tôi không biết bằng cách nào, nhưng theo cách bác chủ nhà từng nói về họ, tôi thấy thật khó nghĩ người chồng có thể nói ra câu ấy, trong hoàn cảnh ấy (giờ đây khi nhớ về, tôi thấy mình thật phiến diện và tôi cũng thấy thật kỳ lạ, làm cách nào bác chủ nhà có thể biết được câu nói hết sức riêng tư như vậy giữa vợ chồng họ với nhau). Nhưng trong một câu chuyện thế này, điều bạn chú ý đến nhiều hơn là người mẹ và đứa trẻ - vì vậy mọi cảm nhận khác suy cho cùng đều mơ hồ và không quan trọng. Tôi nghĩ đó có thể là lần đầu tiên tôi biết đến một người mẹ chọn cái chết để con mình được sống. 

Sau đó cô ấy sinh ra một bé trai (dường như cô chết ngay sau đó). Đứa trẻ rất bụ bẫm và kháu khỉnh. Có một lần bác chủ nhà bế nó lên nhà chúng tôi chơi. Tôi vẫn nhớ đứa trẻ không hề khóc. Nó bụ bẫm đến nỗi mà nếu nó đang ngồi hay đang đứng, bạn hơi đưa chân đụng vào mông nó, nó sẽ lấy đó làm điểm tựa ngay (bởi vì bụ bẫm quá nên nó lười di chuyển). Dạo đó tôi đang đọc cuốn Đồi gió hú của Emily Bronte. Tôi nhớ mãi hai câu thơ trích dẫn trong cuốn sách này và vĩnh viễn xúc động, chính một phần rất lớn bởi câu chuyện của đứa trẻ này:  

"Đêm khuya tiếng trẻ khóc than
Thao thức dưới mộ mẹ nằm mẹ nghe"

...

Thời gian đi làm dưới quận 6, những năm 2007 – 2010, tôi tình cờ bắt gặp một câu chuyện tương tự. Không hẳn là đồng nghiệp nhưng tôi và họ làm chung trong một tòa nhà. Tôi gặp anh chồng nhiều hơn. Ngoài công việc chính, anh ta còn nhận dạy thêm tiếng Anh. Tôi cùng một bạn đồng nghiệp từng có ý định theo học. Dù vậy học phí khiến chúng tôi ngần ngừ. Tuy bảo chỉ dạy để nhớ tiếng Anh nhưng khi nói chuyện với anh ta, chúng tôi nhận thấy mức học phí đưa ra đắt hơn rất nhiều so với trung tâm ngoại ngữ. Có lẽ đó là lần gần như duy nhất tôi trò chuyện với anh. Anh khá hoạt ngôn. Và suy cho cùng chúng tôi không có việc gì để tiếp xúc với nhau.

Từ những người khác, tôi biết vợ anh cũng làm trong tòa nhà này. Tôi không rõ cô có bệnh trước khi họ kết hôn hay về sau mới phát bệnh. Có lẽ vế đầu đúng hơn vì từ lúc lấy nhau đến khi sinh con và khi cô qua đời, gói gọn trong một khoảng thời gian. Xung quanh câu chuyện về họ cũng có dăm lời bàn tán nhưng vì không thường bận tâm đến những chuyện có tính ngồi lê đôi mách, tôi hoàn toàn không để vào tai. Tôi chỉ bắt đầu chú ý khi cái việc cô sắp nghỉ việc (để dưỡng thai, sinh con và sau đó chết) bằng cách nào đó dường như ai cũng biết. Tôi nhớ cô bước vào thang máy, trông cô khá rạng rỡ với đôi mắt long lanh ánh sáng. Tôi cảm thấy cô sắp làm một việc gì đó rất vui. Và sự thật là cô đang rất vui. Chúng tôi chỉ hơi nhìn nhau như những người qua đường chặm mặt nhau trên phố (tôi chưa từng nói chuyện với cô lần nào và cũng chỉ từng nhìn thấy cô vài lần trước đó). Tôi không biết lúc bấy giờ cô có ý thức mình đang là một chủ đề - dĩ nhiên không một ai ác ý. Tôi vẫn tiếp tục cư xử như trước đây, nghĩa là không cần phải cư xử gì hết. Tôi có thể chào cô, trò chuyện cùng cô đôi lời nhưng bất chấp câu chuyện của cô lay động tôi, đến nghĩ tôi cũng không từng nghĩ sẽ thử nói chuyện với cô. Tôi không chịu được ý nghĩ tôi bỗng cố thân thiện với cô chỉ vì tôi biết (qua người khác) là cô sắp chết. Và, ở một mặt khác, sự cảm thông có lúc là loại tình cảm tôi ghét nhất ở con người.

Ở trong thang máy, tôi cảm nhận được niềm vui của người mẹ trẻ. Tôi còn thấy cô một, hai lần khác, vẫn mang một thần thái tươi sáng.Tôi nghĩ cô vui vẻ với lựa chọn của mình và hẳn đã sống trọn vẹn với niềm vui chào đón đứa con ra đời. Tôi không nhớ từng thấy dấu hiệu mệt mỏi của cô. Và chúng tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến vẻ đau khổ trên gương mặt người chồng. Giờ đây nhìn lại tôi nghĩ hẳn vợ chồng họ đã cùng chuẩn bị đối diện với thử thách ấy theo cách nhẫn nại và bình thản nhất.  Mỗi người có một cách khác nhau để vượt qua những khúc quanh trên đường đời.

... 

Khi đọc cuốn Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, đoạn Cốm (tức Trinh) lâm bồn, vì chỉ có thể cứu một trong hai người, Dưỡng đã chọn người mẹ. Câu chuyện trong phòng mổ sau đó được viết thế này: “Lúc này, cô Trinh cũng tỉnh lại, nghe thấy cứu mẹ bỏ con, cô lồng lên: “Cứu lấy con tôi! Cứu lấy con tôi!” Rồi cô rên rỉ, xin được chết, để con cô sống. Cô nói: “Sống thế thì mẹ nào sống được”.  Đoạn văn ngắn này, dù không đi sâu vào nội tâm nhân vật (kể cả trước đó, không có dòng nào mô tả tình mẫu tử của Cốm với đứa con cô đang mang), tôi nghĩ nó nói lên tất cả. Khoảnh khắc phải đưa ra sự chọn lựa, dù là sự chọn lựa trong một khắc hay trong đằng đẵng thời gian, một người mẹ sẽ chọn cái chết để cho con mình được sống… Sự chọn lựa đó mạnh mẽ, quyết liệt, không gì lay chuyển... như trong hai câu chuyện tôi tình cờ được biết trong những năm xa xưa. Ấy thế nhưng. Tại sao cuộc đời còn có những câu chuyện khác, bi kịch hơn, khi người mẹ chọn cái chết mà cùng với sự chọn lựa ấy, họ mang theo những đứa con của mình. Họ giết chúng, trước khi tự giết mình.

Tôi chưa làm mẹ, dù có thể vận dụng sự hào nhoáng của ngôn từ để ca ngợi tình mẫu tử đến đâu, sự thật là tôi không thể thấu cảm hết tâm tư của người làm mẹ. Khi những câu chuyện về những người mẹ tự sát và mang theo con của mình xảy ra thường hơn trong xã hội, tôi đã ngây ngô hỏi mẹ tôi: “Tại sao họ muốn chết thì đã đành, còn mang theo trẻ con vô tội để làm gì?”. Mẹ tôi bảo: “Vì người mẹ chết đi sợ con mình sống không được ai chăm sóc yêu thương, sợ con mình khổ nên khi tự tử cũng muốn mang con mình theo”. Câu trả lời khiến lòng tôi chùng xuống…

Có những người phụ nữ bằng lòng chết để cho con mình cơ hội sống phải chăng vì dù đối diện với cái chết hàng ngày, họ vẫn nhìn thấy trước mắt tương lai rộng mở của đứa con, một tương lai mà chỉ có thể khởi đầu bằng cái chết của họ hôm nay; nhưng có những người phụ nữ, phải chăng vì hoàn toàn tuyệt vọng, hoàn toàn không còn niềm tin, không chỉ với cuộc đời mình mà còn cuộc đời của những đứa trẻ nên đã chọn cách cùng con mình xuống mồ? Tại sao tình mẫu tử mạnh mẽ dường ấy, đủ sức làm động lực để người mẹ này nhường sự sống cho con, lại không thể tạo nên sức mạnh để người mẹ kia phải sống vì những đứa con, thay vì chết cùng nó? Có phải vì chọn cái chết suy cho cùng bao giờ cũng dễ dàng hơn chọn đối mặt với hiện thực? Hay vì những căn bệnh thuộc về thể xác cuối cùng lại không đáng sợ bằng sự cùng quẫn và cô độc trong cuộc đời?

Trong khi nghĩ, tôi vẫn lẩm bẩm đôi lời với mẹ, nếu vì những bất hạnh của mình mà chọn cách chết cùng những đứa con, có thể năm xưa mẹ tôi cũng từng có cơ hội giết tôi và sau đó tự sát rồi. Trong khi mẹ tôi lừ mắt nhìn tôi thì tôi vẫn phỉnh phờ: khả năng là con mập quá nên mẹ không thể xoay sở treo cổ con lên được. Ồ, hóa ra là vì mập quá nên mới sống được tới giờ đó, ha ha... Trong khi vẫn theo đuổi suy nghĩ về những người mẹ. Trong khi nhìn mẹ…

Như mọi lần, tôi không tìm được câu trả lời. Như mọi lần, mọi câu trả lời đều qua đi, chỉ câu hỏi là còn mãi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...