Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Tôi thích cô bé Scout hơn nhưng tôi nhớ cậu nhóc Holden


Tôi vẫn thường cảm thấy Giết con chim nhạiBắt trẻ đồng xanh có một sự liên quan nào đó, dù thực tế hiển nhiên đó là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập. Dù vậy, cảm giác về sự liên quan ấy mãi theo đuổi tôi. Sau khá nhiều lần bỏ qua việc đọc chúng, cuối cùng tôi mới chạm tay vào hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển này. Tôi thấy thời điểm mình đọc đã trở nên khá muộn. Hẳn bạn đọc nên tiếp cận với hai cuốn sách này từ sớm, đặc biệt với Giết con chim nhại – trẻ em có thể tìm thấy trong đó những bài học giáo dục ý nghĩa, trong khi Bắt trẻ đồng xanh dường như phù hợp với tuổi vị thành niên nổi loạn (nhưng cho những ai muốn tìm lại chút hương vị dù gần gũi hay xa lạ với mình trong những năm tháng hoa niên có lẽ cũng không phải sự chọn lựa tồi, đặc biệt nếu bạn đang chán mớ đời nhiều giả dối). Tôi mua hai cuốn sách trong cùng thời điểm. Nhưng quá trình đọc thì khác nhau.

Tôi đọc Giết con chim nhại khá nhanh, trong khi với Bắt trẻ đồng xanh thì ngược lại. Nếu Giết con chim nhại giống như một bé gái trong sáng, quả cảm, giàu tính chính nghĩa làm cho người ta yêu mến từ phút đầu đến phút cuối thì Bắt trẻ đồng xanh mang đến ấn tượng ban đầu của một cậu con trai bốc đồng hư hỏng. Bạn khó mà yêu mến chàng trai ấy ngay được. Sự yêu mến chỉ đến nếu bạn dành cho chàng sự nhẫn nại (bởi bạn là độc giả kiên nhẫn, tò mò hay vì những lý do ấm ớ nhưng thiết thực như tiếc tiền mua sách hay vì muốn đọc mà chưa có tiền mua sách mới). Phải mấy tháng trôi qua tôi mới trở lại với Bắt trẻ đồng xanh. Khi đọc trọn vẹn thì sự khó chịu ban đầu nguôi ngoai. Tôi nhận ra đằng sau sự ngổ ngáo hư hỏng của cậu trai kia là một tâm hồn lương thiện trong sáng. Và tôi bắt đầu thấy cậu ấy dễ thương…

Tôi vẫn mang theo cảm giác về sự liên quan giữa hai tác phẩm, cho đến bây giờ, sau khi đã đọc xong hết cả hai. Đó cũng là lý do khi muốn khái quát đôi dòng cảm nhận, tôi không chọn viết riêng từng tác phẩm. Dù vậy tôi lại không tránh khỏi cảm giác lúng túng khi xếp đặt chúng cạnh nhau, như thể tôi đang làm phép so sánh (tôi hoàn toàn không có ý định này). Nhưng có vẻ như đó lại chính là điều tôi đang làm. Phút chốc tôi cảm thấy mình trở nên vụng về và kém tinh tế làm sao…

Với tôi, Giết con chim nhại là một tác phẩm thật hoàn chỉnh. Dường như không thể tìm thấy một chi tiết thừa hay thiếu nào trong câu chuyện này. Tôi cho rằng khi chọn góc độ viết từ một nhân vật (ở đây là cô bé Scout mới có 8 tuổi đầu) việc tránh được sự thừa hoặc thiếu trong từng chi tiết được thuật lại bởi cái nhìn chủ quan của một người là điều không hề dễ dàng. Nhưng thuyết phục và quý giá hơn, mặc dù cho thấy sự chỉn chu, chuẩn mực từ phong cách kể chuyện đến lối hành văn và về tổng thể nội dung, Giết con chim nhại không tạo cho tôi cảm giác đang đọc một kịch bản được xếp đặt khéo léo đến nỗi làm nảy sinh trong tôi sự hoài nghi dễ có nguy cơ giết chết lòng mến yêu chân thực dành cho tác phẩm, dẫu rằng khi đọc tiểu thuyết, sự hư cấu hay lý tưởng hóa là điều bạn đã thỏa hiệp ngay từ đầu với tác giả. Tôi hơi nghĩ đến cuốn Người đua diều mà tôi đã đọc dạo trước, một tiểu thuyết mà sự hoàn chỉnh trong nội dung cũng là điều tôi nhận thấy sau khi đọc xong. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, dù vẫn dành nhiều thiện cảm cho cuốn sách ấy, cảm giác về sự tính toán, sắp xếp khéo léo và có chủ đích lại ít nhiều để lại trong lòng tôi một vết rạn. Như khi đối diện với một con người mà bạn không hoàn toàn chắc chắn về sự chân thành của họ, dù dường như họ hoàn hảo dường ấy, bạn thấy giữa mình và họ mãi tồn tại một hố sâu ngăn cách… 

Bắt trẻ đồng xanh mang đến cho tôi cảm xúc hoàn toàn trái ngược. Lối hành văn thô mộc (nếu không nói là thật khó tưởng tượng một tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy của Mỹ lại ngồn ngộn những từ ngữ mang hơi hướng chửi thề nhiều đến thế) đem đến cho tôi cảm xúc khó chịu đã đành, còn khiến tôi phải tự hỏi rốt cuộc nhà văn không biết cách diễn đạt hay đã (vô tình hay cố ý) chọn lối diễn đạt có phần lủng củng ấy để phù hợp với nhân vật chính của mình nhất – một cậu trai mới lớn vừa bị đuổi học ở trường, hay chửi thề, có thể đánh nhau, uống rượu, tập tành gọi gái làng chơi và thường xuyên cảm thấy xung quanh mình chỉ toàn những thứ bộ tịch, giả dối? Một chàng trai như thế, như tôi nói, người bình thường khó mà có thiện cảm với cậu ngay được. Không kể, với những cảm xúc mơ hồ có phần lộn xộn của mình, câu chuyện và những con người qua giọng kể của cậu cũng nằm trong một tổng thể rối rắm và thật khó để vẽ nên chân dung điển hình của một ai. Tuy nhiên, bất luận Holden Caulfield mang trong mình những khuyết điểm thuộc về hành vi của mình lớn tới cỡ nào, sự thật là cậu vẫn sở hữu những tình cảm ấm áp dành cho những người xung quanh, đặc biệt với mấy đứa trẻ. Và sự chán chường của cậu, cái tâm trạng bất cần, lạc lõng trước những bộ tịch, giả tạo của cuộc sống xét ở khía cạnh nào đó lại là chi tiết thật cảm động. Ai trong chúng ta cũng có thể từng rơi vào trạng thái tâm lý như Holden Caulfield. Và có thể chúng ta cũng từng có cái mơ ước như của cậu, được đứng trên “một mỏm đá điên khùng nào đó” để bắt những đứa trẻ trước khi chúng rơi xuống (trong khoảnh khắc nào đó của cuộc sống, có phải chính Holden và kể cả chúng ta cũng như những đứa con nít chạy trên đồng lúa mạch to, ở rất gần mỏm đá mà không hề coi chừng, cũng mong có ai đó tình nguyện ở đó để bắt lấy mình?!!)…

Có lẽ không cần phải nói về tư tưởng và tính giáo dục của hai tác phẩm này, điều mà hẳn đã được nhiệt thành nhắc đến qua nhiều thập kỷ. Duy có điều, đến lúc này trong suy nghĩ của tôi thì nếu ý nghĩa nhân văn của Giết con chim nhại tương đối dễ hiểu và dễ tiếp cận thì tư tưởng của Bắt trẻ đồng xanh dường như mang nhiều tính ẩn dụ đến nỗi tính phê phán và ý nghĩa giáo dục của nó không phải là điều có thể nói ngay một cách chắc chắn và rõ ràng. Một người bạn của tôi tình cờ cũng đọc Bắt trẻ đồng xanh (và đang bỏ dở), khi trao đổi với nhau một chút, có nói với tôi rằng dù vốn ưa thích kiểu văn phong tục, sâu và cay nhưng cô không thấy thoải mái khi đọc cuốn này, cô “không thể cười và cũng không thấy nhức nhối” khi đọc, rằng “chửi cũng chỉ là hình như cho đã miệng thôi chứ không phản ánh gì nhiều”… Tôi có thiển nghĩ là (một cách hơi mỉa mai và đau xót), sở dĩ cảm nhận của cô như vậy là vì cô đã đọc khá nhiều những tấn trò đời ở Việt Nam nên đương nhiên câu chuyện của cậu nhóc Holden ở xứ Mỹ thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước chẳng thể “xi nhê” gì với cô…

Đặt Giết con chim nhạiBắt trẻ đồng xanh ở cạnh nhau, bởi cảm giác sự liên quan giữa chúng mãi theo đuổi tôi, tôi nghĩ rằng đến cuối cùng điều này không phải hoàn toàn vô lý. Sự trùng hợp đáng lưu ý nhất là hai tác phẩm này đều gắn với hai tác giả được đánh giá là bí ẩn và khó hiểu nhất trong văn chương Mỹ. Sau thành công của tác phẩm duy nhất (hay gần như duy nhất), cả Harper LeeJ.D.Salinger đều chọn lối sống ẩn dật. Những gì thuộc về họ, đời sống riêng tư, lý do họ ngừng viết hay dù là những lý giải về chính tác phẩm đã đưa tên tuổi mình vào lịch sử văn học, tất cả dường như nằm sau cánh cửa nhà khóa kín. Là một độc giả, thật ra tôi ít có cái ham muốn đọc hết tác phẩm này đến tác phẩm nọ của cùng một nhà văn, bởi tôi ít nhiều ngán ngại việc nắm bắt tư tưởng tác giả theo kiểu từng thời kỳ hay phải thông qua việc đọc một cách có hệ thống. Một nhà văn với duy nhất một tác phẩm do vậy ở góc độ nào cũng có sức cuốn hút với tôi. Và nếu hỏi tôi (tôi phải tự giả định thế thôi vì tôi biết sẽ không có ai hỏi tôi cả), nếu đã đặt hai cuốn sách này cạnh nhau thì tôi thích cuốn nào hơn, tôi sẽ mỉm cười giả lả và nói vu vơ là: tôi thích cô bé Scout hơn nhưng tôi nhớ cậu nhóc Holden…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...